Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 39

/257


Ân Tố Tố nói:

- Tạ tiền bối, ông xem tướng thằng bé không được tốt hay sao?

Tạ Tốn đáp:

- Chẳng phải vậy. Có điều nếu nó giống phu nhân, thì sẽ đẹp lắm, e rằng phúc trạch sẽ không nhiều, sau này ra đời, gặp nhiều tai nạn.

Trương Thúy Sơn cười đáp:

- Tiền bối nghĩ xa quá, bốn người mình ở trên hòn đảo hoang nơi cực bắc, thằng bé này ắt là chết già nơi đây, làm gì còn có dịp trùng nhập nhân thế mà phải lo.

Ân Tố Tố hấp tấp nói:

- Không đâu, không đâu. Bọn mình không về cũng được, nhưng thằng bé này không lẽ để nó một thân một mình nơi hòn đảo hoang này? Vài mươi năm nữa, ba người mình chết hết rồi, ai làm bạn với nó? Khi nó lớn lên, làm sao lấy vợ sinh con?

Nàng từ bé nhiễm tính cha, lại ở trong Thiên Ưng giáo, tai nghe mắt thấy toàn những điều độc ác, tàn nhẫn, nên ra đời hành sự cũng theo như thế, coi là chuyện bình thường. Từ khi làm vợ Trương Thúy Sơn, nàng bắt đầu hướng thiện, hôm nay lại được làm mẹ, trong lòng từ ái nảy sinh, nên đã hết sức hết lòng nghĩ cho con.

Trương Thúy Sơn nhìn nàng buồn bã, giơ tay vuốt tóc vợ, nghĩ thầm: "Hoang đảo này cách xa Trung Thổ hàng vạn dặm, làm cách nào mà về được bây giờ?". Tuy nhiên chàng không nỡ làm vợ đau lòng, nên nhịn không nói ra.

Tạ Tốn bỗng nói:

- Trương phu nhân nói không sai. Bọn mình thì coi như xong rồi, nhưng đâu có thể để cho đứa trẻ chết già nơi hoang đảo, không được hưởng một giây phút nào cái hoan lạc của cuộc đời? Trương phu nhân, ba người mình phải cùng tâm kiệt lực, đưa được thằng bé về Trung Thổ.

Ân Tố Tố mừng quá, run rẩy đứng lên. Trương Thúy Sơn giơ tay đỡ nàng, kinh hoảng:

- Tố Tố, nàng sao thế? Mau nằm xuống đi.

Ân Tố Tố đáp:

- Không đâu, ngũ ca, hai đứa mình phải khấu đầu vài cái trước Tạ tiền bối, cảm tạ đại ân đại đức của ông ấy.

Tạ Tốn xua tay nói:

- Không cần, không cần. Thằng bé này đã đặt tên chưa nhỉ?

Trương Thúy Sơn đáp:

- Chưa. Tiền bối học vấn uyên bác, xin đặt cho cháu một cái tên.

Tạ Tốn trầm ngâm:

- Hừ, phải đặt cái tên nào đẹp một tí, để ta nghĩ xem đã.

Ân Tố Tố bỗng nhiên nghĩ thầm: "Không lẽ quái nhân này lại thích trẻ con đến thế, nếu y coi đứa bé như con mình, thì thằng bé sống trên đảo này không còn sợ y làm hại, dẫu bệnh điên có phát ra, chắc cũng không hạ độc thủ". Nàng nói:

- Tạ tiền bối, chúng tôi vì đứa bé này mà khẩn khoản xin tiền bối một điều, xin đừng từ chối.

Tạ Tốn hỏi:

- Điều gì thế?

Ân Tố Tố đáp:

- Xin ông nhận thằng bé này làm con nuôi. Khi nó lớn lên, đối với ông phụng dưỡng chẳng khác gì cha ruột. Được ông chiếu liệu, một đời nó không còn sợ gì nữa. Ngũ ca, huynh nghĩ thế có phải không?

Trương Thúy Sơn hiểu ngay cái mối lo của vợ, nói:

- Hay lắm, hay lắm. Tạ tiền bối, xin ông đừng từ chối, xin nhận lời cầu xin của vợ chồng chúng tôi.

Tạ Tốn buồn bã nói:

- Con ruột của ta bị người ta quật chết, thành một đống máu thịt bầy nhầy, các ngươi đã thấy chưa?

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau, thấy điều y nói vẫn có vẻ điên khùng, nhưng nghĩ lại cái cảnh thảm khốc y phải chịu, trong lòng không khỏi se lại. Tạ Tốn lại nói tiếp:

- Nếu con ta không chết, ta đem một đời công phu truyền cho nó, hà hà, chưa chắc nó đã kém gì Võ Đang thất hiệp đâu.

Câu nói đó trong vẻ thê lương cũng có đôi phần cuồng ngạo, trong cái tự phụ lại chứa chất nỗi tịch mịch thương tâm vô cùng, khiến Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn không khỏi hối hận: "Giá như hôm đó trên khối băng sơn mình không hủy đôi mắt của y, bốn người sống với nhau trên hòn đảo hoang này, không lo không phiền, chẳng hay lắm ư?".

Ba người lặng yên giây lát. Trương Thúy Sơn nói:

- Tạ tiền bối, nếu tiền bối thu thằng bé này làm con nuôi, chúng tôi sẽ để nói đổi qua họ Tạ.

Tạ Tốn trên mặt lộ vẻ vui mừng, nói:

- Ngươi bằng lòng cho nó họ Tạ ư? Đứa con của ta bị chết, tên là Tạ Vô Kỵ.

Trương Thúy Sơn nói:

- Nếu ông thích, thế thì, thằng bé này cũng đặt tên là Tạ Vô Kỵ.

Tạ Tốn mừng không để đâu cho hết, chỉ sợ Trương Thúy Sơn nói rồi sau lại hối hận, nói:

- Các ngươi đem con cho ta, còn chính mình thì sao?

Trương Thúy Sơn nói:

- Hài nhi dù là họ Tạ hay họ Trương, chúng tôi cũng đều yêu thương nó. Sau này y hiếu thuận với song thân, kính yêu nghĩa phụ, không coi đâu nặng nhẹ dày mỏng cả, không phải hay lắm sao? Tố Tố, nàng nghĩ có đúng không?

Ân Tố Tố hơi ngần ngại, nói:

- Phu quân nói sao thì làm vậy. Con mình càng được nhiều người yêu thương, càng lợi cho nó chứ sao.

Tạ Tốn vái hai người một cái thật sâu, nói:

- Vậy thì tôi cám ơn hai vị, cái hận làm hư mắt, chúng mình từ nay bỏ qua. Tạ Tốn tuy mất con mà lại có con, sau này Tạ Vô Kỵ dương danh thiên hạ, lúc đó ai nấy đều biết, cha mẹ nó là Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố, còn nghĩa phụ của nó là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Ân Tố Tố lúc đầu hơi do dự, vì nàng nghĩ đến Tạ Vô Kỵ đã chết, bị người ta quật nát như tương, con mình nếu lấy cái tên đó, e rằng không tốt, nhưng khi nàng thấy Tạ Tốn sung sướng như điên như cuồng, liệu tưởng y đối với thằng bé ắt sẽ cưng chiều lắm, sau này nó sẽ được rất nhiều điều hay. Tình mẹ thương con cái gì dù nhỏ nhặt đến đâu cũng nghĩ đến, miễn là có lợi cho con, thì đều hi sinh cả. Nàng ôm đứa con nói:

- Tiền bối có muốn bế nó một chút không?

Tạ Tốn giơ tay ra, bồng đứa trẻ trên tay, trong lòng vui sướng quá chẩy cả nước mắt, hai tay run run, nói:

- Cô… cô bồng nó lại đi. Hình dạng ta thế này làm nó chết khiếp mất.

Kỳ thực trẻ sơ sinh mới một ngày làm gì đã biết, nhưng y nói như thế, quả thực yêu thằng bé biết bao. Ân Tố Tố mỉm cười đáp:

- Nếu ông thích nó, cứ bế nó một lát. Sau này nó lớn lên, ông đưa nó đi chơi.

Tạ Tốn nói:

- Tốt lắm… tốt lắm.

Nghe thằng bé khóc to, y liền nói:

- Hài nhi đói rồi, cô cho nó bú sữa đi. Ta ra bên ngoài.

Thực ra hai mắt y đã mù, dù Ân Tố Tố có cho con bú trước mặt y cũng không sao, nhưng khi y phát điên thô bạo bao nhiêu, bây giờ trở lại bình thường vẫn là một người văn chất, nho nhã quân tử.

Trương Thúy Sơn nói:

- Tạ tiền bối…

Tạ Tốn nói:

- Không, chúng mình đã thành người một nhà, cái gì mà còn tiền bối hậu bối, vai vế trên dưới? Để ta nói cho nghe, ba người chúng ta kết thành huynh đệ kim lan, sau này lợi cho thằng bé con.

Trương Thúy Sơn nói:

- Ông là tiền bối cao nhân, vợ chồng tôi so với ông thân phận cách xa quá, đâu dám vói cao.

Tạ Tốn đáp:

- Hừ, ngươi là con nhà võ, sao lại còn hủ lậu thế? Ngũ đệ, ngũ muội, các ngươi có gọi ta là đại ca hay không thì bảo?

Ân Tố Tố cười đáp:

- Để muội gọi đại ca trước, hai người mình kết bái thành huynh muội. Nếu huynh ấy còn gọi là tiền bối, muội cũng thành tiền bối của huynh ấy luôn.

Trương Thúy Sơn nói:

- Nếu đã như thế, tiểu đệ đành phải nghe theo đại ca thôi.

Ân Tố Tố nói:

- Ba người mình cứ định như thế đã, vài ngày nữa khi muội khỏe lại, mình sẽ tế cáo trời đất, bái kết nghĩa phụ, nghĩa huynh.

Tạ Tốn ha hả cười, nói:

- Đại trượng phu một lời nói ra, cả đời không đổi, việc gì phải bái trời bái đất. Tặc lão thiên tự mình không lo nổi cho mình, Tạ Tốn này hận y lắm lắm.

Nói xong hiên ngang đi ra khỏi động, từ ngoài cánh đồng không tiếng cười hả hê của y vang lại, hiển nhiên cực kỳ đắc ý. Trương Ân từ khi biết y đến nay, chưa bao giờ thấy Tạ Tốn hoan hỉ như thế.

Từ đó ba người toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng thằng bé. Tạ Tốn khi còn trẻ làm nghề săn bắn, lại có hiệu là Kim Mao Sư Vương, dạy thú bắt muông không ai sánh kịp. Trương Thúy Sơn nói cặn kẽ từng nơi từng chốn trên đảo, y đi qua một lượt là nhớ hết. Từ đó việc bắt hươu, giết gấu một mình Tạ Tốn lo liệu.

Chẳng mấy chốc đã qua mấy năm, ba người sống trên đảo bình yên vô sự. Thằng bé con không bệnh tật gì, càng lớn càng khỏe mạnh. Trong ba người hóa ra Tạ Tốn lại cưng chiều y nhất, khi nào nó quá ương ngạnh, Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố muốn trách phạt, thì Tạ Tốn lại can. Mấy lần như thế, đứa trẻ biết được nghĩa phụ che chở, mỗi khi cha mẹ nổi cáu, liền chạy sang Tạ Tốn cầu cứu. Trương Ân chỉ còn nước lắc đầu cười nụ, nói đại ca nuông quá hóa hư.

Năm Vô Kỵ được bốn tuổi, Ân Tố Tố dậy y học chữ. Sinh nhật năm tuổi, Trương Thúy Sơn nói:

- Đại ca, thằng bé học võ được rồi. Từ nay đại ca dạy cho cháu có được không?

Tạ Tốn lắc đầu:

- Không được, võ công của ta quá sâu xa, trẻ con không thể nào lãnh ngộ được. Sao hiền đệ không truyền cho nó Võ Đang tâm pháp, đợi khi nào nó được tám tuổi, lúc đó ta mới dạy cho nó, chỉ dạy hai năm thì các ngươi trở về được rồi.

Ân Tố Tố lạ lùng hỏi:

- Đại ca nói về là về đâu? Về Trung Thổ ư?

Tạ Tốn đáp:

- Mấy năm nay ta ngày ngày nghe ngóng hướng gió, chiều nước. Mỗi năm đến kỳ đêm dài nhất, thì có gió bắc, thổi liên tiếp mấy chục ngày không ngừng. Mình có thể đóng một cái bè gỗ lớn, dương buồm lên, theo gió bắc mà xuôi nam. Nếu tặc lão thiên không làm gì trái khoáy, không chừng các ngươi có thể về Trung Thổ được.

Ân Tố Tố nói:

- Các ngươi? Không lẽ đại ca không về cùng sao?

Tạ Tốn đáp:

- Ta hai mắt mù rồi, trở về Trung Thổ làm cái gì?

Ân Tố Tố nói:

- Nếu đại ca không về, chúng muội cũng không thể nào để đại ca ở đây một mình. Thằng bé chắc cũng không chịu, không có nghĩa phụ, ai cưng chiều nó đây?

Tạ Tốn thở dài:

- Ta cưng chiều nó mười năm cũng đủ rồi. Lão thiên gia vốn ghét ta hay phá phách, thằng bé nếu ở bên ta quá lâu, e rằng tặc lão thiên cũng ghét lây qua nó, khiến nó chịu nhiều tai họa.

Ân Tố Tố cảm thấy lạnh người, nghĩ lại chắc y chỉ thuận miệng nói thôi, nên cũng không để tâm. Trương Thúy Sơn truyền thụ cho thằng bé căn cơ nội công, nghĩ rằng nó còn bé, chỉ cốt sao cho khỏe mạnh là đủ, ở trên hòn đảo hoang này có đánh nhau với ai. Tạ Tốn tuy có nói chuyện về Trung Thổ, nhưng sau đó không bao giờ đề cập đến nữa, xem ra chỉ là hứng nhất thời, không lấy đó mà theo được.

Khi đã được tám năm, quả nhiên Tạ Tốn bảo Vô Kỵ theo y học võ, khi truyền thụ không gọi Trương Ân đứng bên cạnh để xem. Hai vợ chồng cũng tôn trọng quy củ võ lâm, đi thật xa, đối với tiến cảnh của Vô Kỵ cũng không tra hỏi, tin rằng Tạ Tốn dạy cho, đều phải là tuyệt học cao minh dị thường.

Trên đảo không có gì để ghi lại, ngày tháng trôi như nước chảy, thấm thoát đã hơn một năm. Từ khi Vô Kỵ sinh ra, Tạ Tốn trong lòng đã có nơi nghĩ đến nên không còn để ý gì đến bảo đao Đồ Long. Một đêm Trương Thúy Sơn bất ngờ mất ngủ, nửa đêm ra ngoài tản bộ, dưới ánh trăng chàng nhìn thấy Tạ Tốn ngồi xếp bằng trên một phiến đá, hai tay bưng thanh đao, đang cúi đầu suy nghĩ. Trương Thúy Sơn giật mình, muốn tránh ra, nhưng Tạ Tốn đã nghe thấy tiếng chân của chàng, nói:

- Ngũ đệ, tám chữ "võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long" xem ra chỉ là hư ngôn.

Trương Thúy Sơn đến gần nói:

- Trong võ lâm những điều hoang đường thật biết bao nhiêu mà kể. Người tài trí thông minh như đại ca, đối với lời nói về thanh đao này lại cứ canh cánh không quên là sao?

Tạ Tốn đáp: Bạn đang đọc chuyện tại Truyện.YY

- Có điều ngươi chưa biết, ta từng nghe một vị hữu đạo cao tăng của phái Thiếu Lâm là Không Kiến đại sư nói về việc này rồi.

Trương Thúy Sơn nói:

- A, Không Kiến đại sư ư? Nghe nói ông ta là sư huynh của chưởng môn phái Thiếu Lâm Không Văn đại sư, nhưng tạ thế đã lâu rồi.

Tạ Tốn gật đầu:

- Đúng rồi, Không Kiến đã từ trần, chính ta đánh chết ông ta đấy.

Trương Thúy Sơn giật mình kinh hãi, nghĩ thầm trong giang hồ có hai câu truyền ngôn: "Thiếu Lâm thần tăng, Kiến Văn Trí Tính" là để chỉ đương thời bốn vị hòa thượng võ công tối cao của chùa Thiếu Lâm là Không Kiến, Không Văn, Không Trí, Không Tính. Về sau nghe nói Không Kiến đại sư bị bạo bệnh qua đời, không ngờ lại do Tạ Tốn đánh chết.

Tạ Tốn thở dài, nói:

- Vị Không Kiến đại sư đó thật là cố chấp, ông ta chỉ chịu cho ta đánh, trước sau không đánh trả, ta đánh ông ta mười ba quyền, sau cùng đánh chết ông ấy.


/257

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status