Ví Dụ Ta Yêu Nhau

Chương 9: Ví Dụ 9

/9


Như thế chỉ còn hai ngày nữa là Giáng Sinh sẽ đến, chậm rãi nhưng chẳng thể nào sảy hụt.

Cả lớp đang rộn lên với những lời chúc mừng và mời hẹn. Tôi ngồi ở bàn giáo sư nhìn ngắm những thiệp mừng đầy những hình vẽ Chúa Hài Ðồng, máng cỏ, lễ ba vua... do chính tay các em học sinh vẽ bằng màu nước sặc sở và ngộ nghĩnh gửi tặng. Một lớp học còn nhiều tình nghĩa, tôi nghĩ vậy và vừa lúc tiếng chuông vang lên. Các em đứng dậy thẳng người và chuẩn bị đọc những lời kinh mừng Chúa ra đời mà các em đã học trong giờ giáo lý. Tôi để lại xấp thiệp trên bàn đi xuống đứng dựa lưng vào vách tường cuối lớp. Trước mặt chúng tôi, trên bảng đen, tượng Chúa đóng đinh trên thập giá chìm ngập trong ánh nắng vàng nhạt buổi chiều. Tôi không phải là một tín đồ Thiên Chúa giáo. Tôi quen một sư huynh làm Giám học trường nữ trung học này mời dạy, anh là một tu sĩ cấp tiến đã học chung với tôi nhiều năm tại Ðại học Văn khoa Sàigòn. Thú thật, tôi đã rất ngỡ ngàng hôm nhận được lời mời. Tôi phân trần với anh trong một ngôi trường giàu đức tin như vậy làm sao có thể dung chứa được tôi. Anh cười nói, thế càng may cho cậu. Sinh hoạt trong một môi trường giàu đức tin, biết đâu nó sẽ giúp cho cậu có được đức tin, bộ cậu không cần đến đức tin sao. Ðức tin, điều tôi chẳng bao giờ quan tâm đến. Tôi không biết khi tôi có đức tin tôi có sống khác với đời sống tôi đang sống không, có đức tin tôi sẽ sống dễ dàng hơn hay khó khăn hơn? Dù sao cũng thử xem, nên tôi đã vui vẻ nhận lời phụ trách môn Việt văn cho ngôi trường thiên về chương trình Pháp của anh.

Vào những phút đọc kinh ở hai buổi sáng, chiều của các em, tôi cũng đứng lẩm bẩm những lời kinh còn nhớ được và khi những cánh tay của các em vừa giơ lên, tôi cũng theo các em làm dấu thánh nhanh và gọn gàng. Một em trong lớp đã buộc tôi phải làm như thế. Ngay trong giờ ra chơi buổi dạy đầu tiên, em đến hỏi tôi:

- Thưa thầy, sao thầy không đọc kinh?

Tôi chẳng biết nhận mình theo tôn giáo nào, còn giải thích sự thiếu đức tin trong tôi cho em hiểu thì thật phiền, vì sợ biết đâu lại chẳng gây ra mối ngờ vực tôn giáo trong em. Tôi đành nói:

- Tôi có thể đọc thầm được chứ.

Cô bé lắc đầu.

- Ai mà tin thầy. Em cũng không thấy thầy làm dấu thánh.

- Tôi cũng làm dấu ngầm trong đầu.

- Cái gì cũng trong đầu như thế thật tiện, lần sau em sẽ bắt chước thầy.

Tôi vội khua tay.

- Không được, các em thì khác.

Cô bé quay mặt đi, làm như không muốn cho tôi nghe, em đọc một câu trong sách kinh nói về sự bình đẳng của mọi người trước Thiên Chúa và tôi đã phải hứa lần sau làm như các em, cô bé mới vừa lòng.

Ðể giử lời hứa với cô bé, khi tan học buổi sáng đó, tôi đi tìm thầy giám học nhờ anh chép hộ bài kinh các em thường đọc (bài kinh ngắn khoảng nửa trang giấy học trò, nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa một lần đọc thuộc trọn vẹn và nhờ anh dạy làm dấu thánh. Anh nghi ngờ hỏi tôi đã bắt đầu có đức tin rồi sao, nhanh vậy? Vì muốn giấu anh chuyện cô bé chật vấn, nên tôi trả lời là tôi muốn bắt đầu hình thức và anh gật gù nói chẳng bao lâu rồi nội dung sẽ đến sau.

Trong giờ học kế tiếp, vào phút đọc kinh, tôi thấy rõ ràng cô bé liếc mắt nhìn tôi kiểm soát. Thật may, tôi còn nhớ những lời kinh đầu nên đọc rất to và sau cùng tôi đã làm dấu thánh rất gọn gàng. Chẳng bao giờ tôi quên được nụ cười “đắc ý” của em.

Cô bé ấy tên Giang. Lúc đầu, tôi cũng bực mình vì tính tò mò bắt bẻ của em nhưng sau vài tháng dạy học, tôi nhận ra em rất thông minh.

Những người thông minh (nhất là con gái) gây nên rắc rối là chuyện thường, nên dần dần tôi đã thông cảm và có thiện cảm với em. Thật thích thú được dạy những em hay chất vấn vì nhờ đó lớp học đỡ tẻ nhạt.

Những tiếng A-men vang lên báo hiệu bài kinh dứt. Các em vội vã lấy cặp chào tôi ra về. Ðợi các em đã xuống cầu thang, tôi mới chậm rãi rời lớp học.

Ngoài hành lang, tôi thấy bé Giang còn đứng chần chờ đợi ai. Buổi chiếu có gió nên một tay cầm cặp, một tay em phải vuốt những sợi tóc bay lõa xoã trước mặt. Khi tôi đến gần, em cúi chào và trao một phong bì nhỏ màu trắng.

- Thưa thầy, ba má em có lời mời thầy đến dự tiệc chung vui với gia đình em đêm Noel.

Tôi đọc qua những lời mời viết trên danh thiếp in tên một thương gia nổi tiếng, rồi nói:

- Cảm ơn gia đình em. Trường nghỉ lễ một tuần, có thể tôi sẽ về thăm nhà ở ngoài Trung nên không chắc đến dự tiệc được.

Cô bé có vẻ hơi buồn, ngập ngừng lúc lâu em mới nói:

- Em kính chúc thầy mùa Giáng Sinh tốt lành.

- Tôi cũng chúc em và gia đình có những ngày lễ thật vui.

Tôi đi xuống cầu thang phía trái, dẫn đến phòng giáo sư. Các giáo sư đa số là sư huynh và dì phước, đang chuyện trò vui vẽ quanh chiếc bàn ngồi họp. Tôi gặp thầy giám học khi đến rửa tay ở lavabo. Anh nói với tôi những lời mời như bé Giang và tôi cũng xin lỗi không thể chung vui. Tuy vậy, anh vẫn căn dặn vào đêm Giáng Sinh nếu tôi đột nhiên đổi ý thì đừng ngại gì cả, cứ đến đây chung vui, những chai rượu nho luôn luôn có sẵn để đón tiếp tôi.

Ngoài sân chơi không còn một học sinh nào. Những tàng cây cao và tường quét vôi xám nhạt làm nơi đây trời tối rất nhanh. Vào mùa này nắng quá yếu, buổi trưa gần như biến mất, người ta nhận ra buổi sáng quá dài, buổi chiều chỉ trong vài tiếng đồng hồ rồi buổi tối rất nhanh. Tôi đi bộ trên đường vắng, có hai hàng cây chạy dài che khuất màu trời ở phía xa. Không khí mát lạnh dần, thỉnh thoảng những con én bay lượn giữa hai chòm cây, trông như một đàn dơi đi kiếm ăn.

Gần một ngã tư, những ống đèn màu bên ngoài một siêu thị đã bật sáng. Tôi ghé vào như thường lệ để mua những thực phảm làm sẵn. Những bữa ăn trưa, tôi đều ăn ở một quán gần nhà, nhưng bữa tối tôi thích tự tay mình làm lấy rồi ngồi ăn một mình thong thả và kiểu cách bên một ngọn nến.

Ở trong siêu thị đã trưng bày gần tuần nay một cây thông tươi lá xanh ngắt, mắc đầy những bóng điện có hình dạng ông già Noel và những trái cầu. Cô bán hàng quen thuộc mặc áo dài đỏ hồng đến chào hỏi:

- Hôm nay, ông có mua hột hạnh nhân về làm bánh ăn Reveillon không ạ?

- Tiếc quá, tôi phân bua. Tôi không biết làm bánh. Nhưng biết đâu chính vì thế Chúa sẽ thương hại ban ân sủng cho cô nào đó đến giúp tôi.

- Vậy thì tôi thành thật cầu chúc ân sủng sớm đến với ông.

- Cô không cần phải cầu chúc. Cô có thể làm cho ân sủng đó đến ngay bây giờ được mà.

- Ðâu được. Như thế “tai hoạ” sẽ đến với ông ngay.

Nàng nói xong, cả hai chúng tôi đều bật cười. Tôi nhờ nàng lấy cho mấy hộp thịt, đậu, cà chua, những búp rau xà lách tươi và một hộp trái vải. Tất cả được nàng bỏ vào một túi nylon có quai xách trao cho tôi đem đến tính tiền ở quầy hàng. Khi tôi bước đi, nàng nói:

- Ông quên chưa chúc mừng tôi.

Tôi nghĩ, không biết phải chúc gì cho nàng, nhìn thấy trên tường có dòng chữ điện màu đỏ Merry Christmas, tôi chỉ tay.

- Tôi chúc cô như vậy, đủ chưa?

- Ông hà tiện lời chúc quá.

- Tôi sợ lời chúc dài dòng của tôi không “đẹp” bằng dòng chữ ngắn gọn đó, nên sẽ kém linh nghiệm đi.

- Vậy thì xin cảm ơn ông.

Ðèn đường đã bật sáng khi tôi ra ngoài siêu thị. Những bóng đèn được thay có màu trắng xanh khác hẳn những bóng đèn tròn ngày xưa tỏa ánh sáng vàng đục. Ở phố chính, đèn xe và đèn các cửa hiệu bật sớm giúp bóng tối xóa nhanh chút ánh sáng vàng đỏ của buổi chạng vạng. Trong một quán kem thưa khách, dán đầy những poster các ca sĩ tóc dài và những dấu hiệu hòa bình. Tiếng nhạc Beatles thoát ra dồn dập. Get back! Get back to where you once belonged. Hãy trở về nơi anh đã một lần tùy thuộc. Tự nhiên tôi nhớ thành phố Ðà Nẵng một cách kỳ lạ.

Thành phố ấy đã chất đầy những kỷ niệm trong trí nhớ tôi. Những ngày mưa tháng gió, những người bạn chân tình, những đam mê (như văn chương, tình yêu... ) thật nồng nàn, chua xót. Tôi không sinh ra ở nơi ấỵ Một thành phố tạm cư, chẳng có gì bắt tôi phải giữ mối dây ràng buộc khi đã có dịp rời xa. Nhưng thành phố ấy, hình như còn muốn giấu, muốn nói với tôi một điều gì, nên đã nhiều lần rời xa, tôi vẫn cố gắng tìm cách trở về. Một ảo tưởng về nơi im khuất? Hay cần phải nuôi dưỡng một nơi chốn để trở về cho kẻ xa quê hương? Có thể ta sẽ trở về ngay trong ngày mai. Tôi nhủ thầm như vậy, khi băng qua đường đầy xe cộ dừng lại chờ đèn xanh.

Phải mất một tiếng đồng hồ, tôi mới làm xong bữa ăn gồm: một nồi cơm, tô soupe, rau sống và thịt kho. Vừa ngồi vào bàn, tôi nghe có tiếng gõ cửa dè dặt, vì lười biếng tôi ngồi yên trên ghế nói mời vào. Lạ lùng chưa Nguyên hiện ra ở cửa với chiếc va ly lớn. Tôi vội kéo ghế đứng dậy:

- Tôi không mơ đấy chứ!

Nàng cười nói:

- Thì Nguyên đã viết thư báo cho anh trước rồi còn gì.

Trong một lá thư, tôi còn nhớ đã viết: Nếu Nguyên có dịp xuống thăm thành phố ồn ào này hãy ghé thăm tôi. Chúng ta vẫn xem nhau là bạn như những ngày còn đi học và tôi hứa nhất định không “yêu” cô đâu mà sợ. Nguyên trả lời bằng lòng, nhưng không hẹn rõ ràng, nên tôi tưởng nàng sẽ đến vào dịp nghỉ hè không ngờ lại là đêm nay. Tôi chỉ mâm cơm:

- Số bạn thật may, tôi đang đói, nếu đến trễ chừng mười phút chắc bạn chỉ có cơ hội đi rửa chén. Bây giờ hãy đi thay quần áo rồi ngồi ăn với tôi cho vui.

Tôi đến xách va ly và chỉ cho Nguyên biết phòng ngủ và nhà tắm. Một lúc sau, nàng đã thay xong bộ quần áo có hoa lớn và mặc thêm một chiếc áo len trắng mỏng. Nàng hỏi:

- Anh không lạnh sao mà không mặc áo len?

Tôi lắc đầu.

- Tôi vừa mới nấu cơm xong.

Nàng cười lớn.

- Tội nghiệp chưa. Ai bảo ông giáo cứ khó tánh kén chọn hiền thê mãi.

Trong phòng chỉ có hai chiếc ghế mây, thật vừa đủ. Tôi kéo một chiếc ghế mời Nguyên và tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với nàng.

- Ăn cho no nghe bạn. Ðừng khách sáo rồi tối đến lại bắt tôi phải lặn lội đi mua bánh mì tội nghiệp.

Chúng tôi bắt đầu bữa ăn một cách vui vẽ. Nếm qua món soupe, nàng khen tôi nấu ngon không thua gì những nhà hàng lớn. Tôi bật cười nói:

- Nịnh vừa thôi chứ bạn. Ðịnh bắt tôi ngày mai phải nấu nướng cho bạn ăn nữa sao?

Chợt nhớ ra câu chuyện với cô bán hàng ở siêu thị lúc chiều, tôi kể lại cho Nguyên nghe. Nàng hỏi:

- Vậy theo anh. Nguyên đem đến cho anh ân sủng hay tai hoạ?

- Ðàn bà thường đem đến cả hai điều đó cùng một lúc.

- Nói chi mà dễ sợ.

Ngọn nến trên bàn ăn sắp tắt, tôi đứng dậy đi lấy cây nến khác, châm mồi và gắn trên thân cân nến tàn.

- Bóng điện ở phòng này bị cháy hả anh?

- Không. Từ bữa ăn tối trở đi, tôi sợ phải nhìn ánh sáng đèn điện, nếu không có việc cần làm tôi thường để nhà tối om. Có chút bóng tối để ẩn mình, tôi thấy sống dễ dàng hơn, không tin Nguyên cứ làm thử xem.

Nàng lắc đầu.

- Nguyên chịu thua. Anh luôn luôn có những tính kỳ quặc. Anh nhớ không, năm cuối ở trung học một lần chúng ta cùng đi dạo chơi trong rừng thông, anh mãi đuổi theo một con sóc rồi bỏ đi luôn. Sợ đêm xuống có thể bị lạc, Nguyên đã tức tưởi khóc lần mò đi về một mình. Vào thành phố gặp lại anh ngồi ngoài hiên một quán cà phê, anh nói tỉnh bơ: Tôi đuổi theo con sóc đến đây bị mất dấu. Nguyên không nhớ anh còn nói gì nữa. Nguyên mới chịu ngồi xuống uống nước với anh, có lẽ ngay từ lần ấy Nguyên đã bị cái tính kỳ quặc của anh mê hoặc.

Tôi khua tay.

- Thôi chứ. Kỷ niệm, bạn nhận ra không, chỉ làm bữa ăn nguội đi.

Nhưng rồi bữa ăn được hâm nóng bằng kỷ niệm của mỗi người. Nguyên kể lại những ngày học nội trú ở Ðà Lạt. Nàng nói trên ấy bây giời lạnh ghê lắm nếu ở trong phòng một mình, nhưng ra ngoài nhìn thấy những cây anh đào nở rộ tự nhiên mình cảm thấy ấm áp hơn. Rồi nàng tiếp tục nói về những người bạn, đặc tính của các giáo sư và các môn học.

- “Luận lý toán học” khô khan quá, nàng nói, đầu óc Nguyên chẳng ghi nhận được gì, đến kỳ thi cuối năm không biết làm sao đây.

Tôi nói:

- Với đàn bà, hai với hai là năm dễ hiểu hơn hai với hai là bốn.

Nàng nhăn mặt.

- Ông khi dễ tôi quá vậy. Nói cho ông biết kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt vừa qua, tôi đã đứng nhất và trong lớp tôi không thiếu những đấng “thông minh nhất nam tử” như ông đâu. Ðùa vậy chứ, trường anh hiện dạy có dễ chịu không, tốt nghiệp xong Nguyên nhờ anh xin cho dạy với.

- Nếu bạn dạy ở đây, tôi xin đổi đi nơi khác.

- Bộ giận rồi sao?

- Không phải vậy. Tôi chỉ sợ gặp bạn mãi, tôi chắc sẽ bị bạn mê hoặc mất.

Tôi dùng hai chữ “mê hoặc” của nàng khiến Nguyên cười ngất, đến phải buông đũa xuống.

Bữa cơm không có gì, nhưng chúng tôi cũng kéo dài khá lâu và chấm dứt bằng những trái mận vàng mọng, những trái dâu chín đỏ tươi, Nguyên mang từ Ðà Lạt xuống. Nàng nói:

- Ở Ðà Lạt, Nguyên biết có một chỗ bán rượu dâu nguyên chất rất ngọt lịm nhưng dễ say ngầm. Ðịnh mua cho anh mấy chai, nhưng nghỉ đàn ông có rượu dễ sợ lắm nên thôi.

Tôi ngây thơ hỏi:

- Tại sao vậy?

- Nguyên sợ biết đâu vì mấy chai rượu dâu anh sẽ nói “yêu” Nguyên.

- Ô, như thế người sợ rượu phải là tôi mới đúng chứ.

Chúng tôi pha cà phê uống và tiếp tục nói không ngớt những chuyện đâu đâu đến khuya khi những đóa hồng Nguyên mua tặng tôi, cắm vào chiếc ly lớn trên bàn toả hương thơm ngào ngạt. Tôi phải mời Nguyên đi nghỉ để còn lấy sức đi dạo chơi ngày mai.

Ðêm Giáng Sinh đến với sự chuẩn bị nhộn nhịp của người Công giáo. Trong nhà thờ Ðức Bà đông nghẹt những con chiên đứng ở các hành lang, khiến người ta chẳng thể nào nhìn thấy Ðức Tổng Giám mục đang làm lễ trên bệ cao. Bên ngoài nhà thờ, đa số là những người tuổi trẻ. Họ chưng diện quần áo đủ mốt, đeo mặt nạ, đội mũ giấy và miệng thổi những chiếc ống có vòi thò ra thụt vào như lưỡi rắn. Họ ném hoa giấy một cách xấc xuợc vào mặt những người đi đường và tất cả đều giỡn như đang tham dự lễ mừng Chúa ra đời.

Vì lý do an ninh, lễ nửa đêm được cử hành trước mười hai giờ khuya. Buổi lễ thiếu cái lạnh của đêm khuya và sự yên tĩnh giả tạo làm cho buổi lể như được mong cho chóng qua. Tôi còn nhớ lần dự lễ ở một ngôi làng nhỏ sát bải biển Thanh Bồ, nơi đa số dân chúng là những nguời di cư còn nghèo khổ và nghề chài lưới chưa đem lại mức sống tạm đủ cho mọi người. Nhà thờ được lợp tôn, gác chuông dựng trên những thân tre cao. Các con chiên đã phải quì gối đọc kinh ngoài sân trên cát uớt. Tiếng kinh cầu lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng và sương lạnh đã giúp tôi thấu hiểu tại sao người ta phải tin một đấng thiêng liêng và tại sao đấng thiêng liêng cần phải hiện hữu. Tôi cũng đã tự hỏi, phải chăng tín ngưỡng đích thực chỉ có ở những người nghèo khổ. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Tiếng đồng ca của các em nhỏ rét run trong những chiếc áo rách vải, nhưng vẫn cố gắng đứng thẳng người thành kính ngẫng mặt nhìn trời chờ mong phép lạ, đã làm tôi ứa nước mắt. Còn lúc này, ở đây, buổi lễ vừa chấm dứt bằng một hồi chuông uể oải, tiếng ồn ào đã dẩy lên điếc tai bởi những người nôn nóng di chuyển sớm.

Tôi và Nguyên phải đi vào chỗ đậu xe hơi để đở chen lấn. Có tiếng thưa thầy khi chúng tôi đi ngang qua một chiếc xe sơn màu xanh thẩm. Bé Giang mở cửa xe bước xuống. Trong chiếc áo dài ngắn vạt màu cá vàng rực rỡ nổi bật trong đêm, trông em lạ và cao hơn ngày thường mặc đồ đầm đến trường. Em có vẻ mừng rở gặp tôi ở đây, em hỏi:

- Thưa thầy, thầy không về ngoài Trung?

- Không. Tôi ở lại đây.

- A! Như vậy, thầy có thể đến dự tiệc chung vui với gia đình em rồi. Ba má em ở nhà thờ sắp ra, xin thầy đợi ít phút để em được giới thiệu.

- Cám ơn em. Rất tiếc, tôi phải chung vui với người bạn đây.

Tôi chỉ Nguyên. Em ngạc nhiên nhìn nàng rồi quay lại hỏi tôi:

- Một người bạn của thầy?

- Phải.

Em cúi đầu chào Nguyên xong nhanh nhẹn mở cưa xe vào ngồi khuất trong bóng tối ở ghế sau.

Tôi nắm tay Nguyên đi len lỏi giữa những chiếc xe đang rồ máy, thoát ra khỏi đám đông chen lấn, bằng một con đường nhỏ dần ra khỏi trung tâm thành phố.


/9

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status