Tuyết Hồ Công Tử

Chương 1 - Thiên Sơn Nhất Thứ Hà Thời Phản - Tam Bách Anh Hùng Tam Bách Khâu

/21


Từ đất Cam Túc người ta có thể sang Tây Vực bằng hai con đường. Một là qua ải Gia Dụ quan, hai là Ngọc Môn quan. Nhưng do địa hình hiểm trở, đường xá gập ghềnh nên chỉ trừ đám quan quân triều đình, chẳng khách thương hồ nào muốn vượt Vạn Lý Trường Thành bằng ải Gia Dụ. Vì vậy, Ngọc Môn quan hầu như là đường thông thương chính giữa Tây Vực và Trung Nguyên.

Đất Tây Vực không phải là nơi dành cho những kẻ yếu đuối. Ở đây ngày nắng cháy da, cát bay rát mặt, con người luôn cảm thấy nhỏ bé trong những hoang mạc rộng lớn như biển cả. Nơi mà nước quý hơn vàng. Ban đêm, cái lạnh cắt da làm run rẩy những khách lữ hành đang co ro bên đống lửa hồng.

Tháng năm tuyết vẫn chưa tan hết, mà còn phủ trắng đỉnh Thiên Sơn. Nhưng con người vẫn không nề hà khí hậu khắc nghiệt, thiên nhiên hiểm trở, dựa vào sức mạnh của lòng tham, từng đoàn ngựa, lạc đà lầm lũi xuyên qua hoang mạc thu thập của cải cho mình, bằng những chuyến hàng xuôi ngược. Đã không ít người mãi mãi nằm lại bên đường thiên lý, vùi thây trong lớp cát.

Có người chết tất là phải có nghĩa trang. Nhưng nghĩa trang lớn nhất của người Hán ở Tây Vực lại không phải của khách thương hồ, và nằm ở chân dãy Nam rặng Thiên Sơn. Hơn ba trăm ngôi mồ vô chủ, không có tính danh, nhiều năm chẳng ai thăm viếng. Dù đã đến tiết Thanh Minh, vẫn chìm dưới làn tuyết phủ.

Ba trăm cao thủ tinh hoa của võ lâm Trung Thổ đã vượt vạn dặm đường đến đây và mãi mãi nằm lại, không ai sống sót.

Họ đến đây vì lời đồn đại rằng bí kíp Vô Quy chân kinh, của Vô Quy thượng nhân được chôn giấu ở Thiên Sơn. Chẳng ai được nhìn thấy vật kỳ bảo và cũng chưa kịp chém giết nhau, thì đã lăn ra chết vì một loại kỳ độc dược thả bay theo gió.

Và đương nhiên kẻ đã bày ra mưu kế thâm độc này sẽ được thừa hưởng tất cả tài sản và thủ lục võ học của nạn nhân. Đó là một người bịt mặt, toàn thân hắc y, âm u như bóng quỷ hồn. Gã bật cười ghê rợn rồi bắt đầu lục soát, thu thập những gì quý giá trên mình ba trăm xác chết.

Nhưng gã không ngờ rằng có một người đã nhìn thấy tất cả. Người này không có ý định tranh đoạt chân kinh nên chỉ núp sau một tảng đá trên sườn núi mà quan sát, cho thỏa tính hiếu kỳ.

Ông ta đã ở đây năm năm, và rất ngạc nhiên khi thấy mấy trăm cao thủ võ lâm kéo đến đây, phá vỡ vẻ tĩnh mịch của vùng núi non giá lạnh này.

Khi thấy hành động của gã hắc y Mông Diện, ông hiểu ngay gã chính là thủ phạm của vụ thảm sát, lòng bừng bừng căm giận, tung mình xuống quát vang :

- Tên cẩu tặc kia, người quả là kẻ thâm độc nhất trên đời, dụ dỗ quần hào đến đây rồi hạ độc hòng thu lợi. Thẩm mỗ quyết phân thây người để tế mộ các nạn nhân.

Gã hắc y giật mình quay lại, nhận ra một võ sĩ trung niên tướng mạo anh tuấn, hiên ngang tay cầm trường kiếm, gã nhìn quanh, không ai nữa liền yên tâm, bật cười âm hiểm :

- Ngươi là kẻ ngu xuẩn mới chường mặt ra chịu chết.

Gã rút kiếm xông đến tấn công người lạ, kiếm quang hừng hực sát khí.

Họ Thẩm vung kiếm đón chiêu. Hai bên giao đấu đã gần trăm hiệp mà không phân thắng bại. Gã hắc y bất ngờ tung ra một nắm độc phấn, chụp lấy đối phương. Họ Thẩm hít phải, nghe khí huyết ngưng trệ, biết mình đã trúng độc, phẫn nộ gầm lên như hổ dữ, dồn toàn lực vào chiêu kiếm cuối cùng để đổi mạng với hắc y.

Tên ác ma không ngờ họ Thẩm lại có chiêu kiếm kỳ ảo, lanh lẹ như vậy. Gã cố chống đỡ nhưng không còn kịp nữa. Lưỡi kiếm của võ sĩ trung niên đã cắt hai ngón tay hữu và rạch một đường nơi vai tả. Gã rú lên vì đau đớn, tung mình đào tẩu. Nếu gã đừng quá sợ hại, ở lại thêm ít phút nữa, sẽ thấy đối thủ của mình gục xuống. Gã đinh ninh rằng họ Thẩm không sợ độc nên đành bỏ của chạy lấy người. Bao nhiêu tâm huyết coi như đổ sông đổ biển.

Họ Thẩm thấy đối thủ bỏ chạy, cố gượng ngồi lên vận khí chống lại chất độc. Nhưng loại kỳ độc này quả là khủng khiếp, theo máu lan dần ra khắp toàn thân.

Ông tuyệt vọng nhìn về phía xa xăm như chờ đợi một ai. Quả nhiên, từ sau dãy núi, một nữ lang mặc áo hồ cừu trắng xuất hiện. Trên tay hàng là một hài tử bốn năm tuổi.

Thấy trượng phu đang ngồi vận công biết chàng đã thọ thương. Nữ lang kinh hoàng phi thân đến như tên bắn. Nàng đặt con xuống mặt tuyết dặn dò :

- Thanh Kỳ ngồi im, tuyệt đối không được kinh động, để mẫu thân giúp cha con trị thương.

Đứa bé ngoan ngoãn gật đầu, lặng lẽ giương đôi mắt sợ hãi nhìn sắc mặt xanh xao của thân phụ. Nữ lang ngồi xuống sau lưng họ Thẩm, đặt song thủ vào mệnh môn, dồn chân khí giúp chồng trục độc.

Nửa canh giờ sau, mồ hôi hai người toát ra như tắm, nữ lang kiệt lực rút tay về. Họ Thẩm có vẻ khá hơn, mắt mở nhìn thê tử âu yếm nói :

- Số ta đã tận, chất độc này tuyệt không thể trục được, nương tử bình tâm nghe ta dặn dò.

Nữ lang cắn răng nuốt lệ, bồng con đặt vào lòng trương phụ :

- Tướng công! Sinh tử hữu mệnh. Chúng ta đã có năm năm hạnh phúc bên nhau, thiếp dù có chết theo chàng cũng mãn nguyện. Nhưng hài nhi còn bé bỏng, đợi con lớn lên, báo được thù này rồi thiếp sẽ xuống hoàng tuyền sum họp với chàng.

Họ Thẩm ôm lấy nàng, ngầm ngùi nói :

- Tên ác ma đã bị chặt đứt hai ngón ở bàn tay hữu và rạch một kiếm nơi vai tả. Nghe khẩu âm thì hình như hắn là người Giang Nam. Sau này nàng bảo Kỳ nhi theo dấu vết ấy mà truy tìm. Hơn nữa gã là cao thủ độc đạo, lòng dạ tàn ác vô song, dám hạ thủ một lần giết hơn ba trăm mạng. Nàng hãy chôn cất thi hài quần hùng, thu thập các vật quý giá và bí kíp võ công. Sau này Kỳ nhi đem vào Trung Thổ hoàn lại cho hậu nhân của họ. Để nền võ học Trung Nguyên không bị mai một.

Nữ lang gật đầu, gục vào vai chồng khóc nức nở :

- Thiếp nếu chẳng vì lời thề suốt đời không vượt Vạn Lý Trường Thành, thì sẽ bồng con truy tung tích tên ác tặc mà báo thù cho chàng. Nay đành phải chờ Kỳ nhi lớn lên thôi.

Kỳ nhi thấy mẹ khóc cũng khóc theo, nó ôm chặt lấy thân phụ như sợ mất đi người mình yêu dấu.

Nữ lang nhìn con, đau đớn trách chồng :

- Nếu tướng công không tỵ hiềm võ công Ma giáo là tà đạo, thì ngày nay đâu đến nỗi chết vì độc để cho con thơ phải mất cha!

Thẩm Thiên Tân buồn rầu đáp :

- Nương tử cũng biết là ta đã thề độc với sư phụ nên không thể học Ma kinh được. Còn Kỳ nhi không bị ràng buộc bởi lời thề, nàng có thể dạy dỗ để con có đủ bản lãnh xông pha nơi chốn giang hồ hiểm ác. Nhược Hồng! Ta kiệt sức rồi, chất độc đã lan dần đến tâm mạch. Xin hẹn nhau kiếp lai sinh.

Đôi mắt Nhược Hồng chợt lóe lên vẻ tà mị, nàng vung chỉ điểm huyệt Thẩm Thiên Tân, đặt ông nằm trên mặt tuyết, rút trong áo lông ra một hộp gỗ nhỏ. Chứa đầy những chiếc kim vàng. Nàng nhẹ nhàng cắm kim vào bảy huyệt quanh tâm thất như: Khí Hộ, Dư Phù, Khố Phòng, Ốc Ế, Nhũ Trung, Thiên Dột, Thần Phong.

Sau đó, đặt tay hữu vào giữa ngực chồng vận công phong tỏa tâm mạch rồi cắm chiếc kim cuối cùng vào huyệt Cự Khuyết. Lúc này, hơi thở Thiên Tân đã đứt nhưng tim còn đập rất nhẹ.

Nhược Hồng xé vạt áo trắng, cột chặt Kỳ nhi vào lưng, nhẹ nhàng bồng trượng phu trở về nhà. Nơi ở của họ là một căn thảo xá ba gian, chung quanh có vườn hoa, Nhược Hồng đặt trượng phu lên giường rồi vào trong lấy thuốc.

Nàng nhét tất cả vào miệng Thiên Tân, bảo tử hài :

- Kỳ nhi! Mẹ phải đưa thi hài thân phụ lên tận đỉnh Thiên Sơn, nơi mà tuyết chẳng bao giờ tan. Như vậy mới giữ gìn thi thể không hư nát. Nếu sau này tìm được kỳ dược để khởi tử hồi sinh, sẽ có cách cứu được người. Con ở nhà phải cẩn thận, nếu gặp sói lang cứ trèo lên xà nhà mà ẩn nấp.

Kỳ nhi là đứa bé gan dạ và hiếu thuận nên gạt nước mắt gật đầu. Nhược Hồng khoác áo lông cừu, dắt bảo kiếm vào lưng rồi bồng thi hài Thiên Tân nhắm đỉnh cao nhất trong dãy Thiên Sơn mà phi nhanh.

Trời đã chính ngọn mà vẫn không thấy nắng, mặt trời tháng ba chìm trong màn mưa tuyết. Nhược Hồng đã ăn vội mấy cái bánh hấp, vận toàn lực lướt trên băng tuyết. Nàng và trượng phu từng dắt nhau lên vùng băng ngàn năm này nên rất quen thuộc đường đi nước bước. Hơn nữa, khinh công của Thiên Ma Thánh Nữ lẫy lừng thiên hạ. Đạp tuyết vô ngấn nên hơn hai canh giờ đã đến nơi.

Nhược Hồng thấy tim trượng phu còn đập, nàng mừng rõ, nhẹ nhàng đặt xuống mặt băng rồi rảo quanh tìm chỗ. Lát sau, nàng tìm thấy một động khẩu nhỏ sâu chừng hơn trượng, nền hàng đóng băng dày ba thước. Nàng rút kiếm đâm xuống, vạch một đường hình chữ nhật, vừa với kích thước của chồng. Nàng chặt nhỏ lớp băng, đào thành một lỗ huyệt, đặt thi hài Thiên Tân vào.

Xong xuôi, nàng ra ngoài cắt một khối băng dày gần thước đặt lên trên. Qua lớp băng trong suốt, có thể lờ mờ nhìn thấy dung mạo thân yêu.

Nhược Hồng bật khóc :

- Tướng công! Ma kinh dù tà đạo nhưng cũng là kỳ học của võ lâm. Thiếp quyết không chịu thua số phận, cố công nghiên cứu. Biết đâu ngày nào đó sẽ hồi sinh được chàng, để phu thê đoàn tụ. Bằng không, thiếp suốt đời ở đây kề cận, khói hương thờ phụng.

Thấy trời đã chiều, Nhược Hồng lạy ba lạy rồi xuống núi. Khi về đến nhà trời vừa sụp tối.

* * * * *

Một năm sau, gã hắc y trở lại với năm mươi thuộc hạ, lục soát khắp vùng mà chẳng thấy một ai. Ngoài ba trăm ngôi mộ thấp nằm trơ dưới làn tuyết phủ. Gã có tìm đến căn thảo xá của Nhược Hồng nhưng thấy nhà cửa bỏ hoang đã bị lũ sói phá nát. Gã cho đào thử vài ngôi mộ nhưng thấy da thịt, y phục đều tan rã vì chất độc, không có vũ khí cũng như vật tùy thân. Gã căm hận dậm chân tiếc rẻ rồi kéo quân đi.

Nhưng gã đâu ngờ cách đó hai mươi lăm dặm, dưới chân núi cao nhất, có một tòa nhà gỗ nhỏ làm bằng thân cây rừng chồng lên nhau. Nơi ấy là chỗ trú thân của Nhược Hồng và tiểu hài tử Thẩm Thuyên Kỳ. Ngoài ra còn có một lão thợ săn người Duy Ngô Nhĩ. Ba tháng trước, lão bị đàn sói bao vây, được Nhược Hồng cứu mạng nên nguyện làm nô bộc để đền ơn. Thấy lão trung hậu, Nhược Hồng thu nhận để lo việc lương thực, nấu nướng. Còn nàng dành hết thời gian dạy dỗ ái tử.

Dù rất thương con, nhưng từ ngày trượng phu lâm nạn, trên gương mặt nàng không còn thấy bóng nụ cười. Thiên Ma Thánh Nữ Lý Nhược Hồng - Thiên kim tiểu thư của Giáo chủ Ma giáo Lý Bách - Đã trở lại tính cách một ma nữ lạnh lùng, như trước ngày chưa gặp tình quân Thẩm Thiên Tân.

Vì tình yêu, họ đã vượt qua ranh giới. Chính tà, quyết chung sống với nhau, nên bị cả hai phái Côn Luân và Ma giáo từ bỏ trục xuất khỏi Trung Nguyên, suốt đời không được quay lại cố hương.

Kỳ nhi dù còn bé nhưng đã tận mắt thấy thân phụ bị hại, nên lòng thù hận nung nấu tâm can. Mỗi lần được mẹ đưa lên đỉnh Thiên Sơn thăm mộ, nó đều tự nhủ sẽ giết kẻ đã cướp đi người cha yêu quý.

Trong vòng mười năm Kỳ nhi đã thuộc hơn trăm quyển thủ lục võ lâm của các cao thủ thọ hại và cả pho Côn Luân kiếm pháp cũng như võ công Ma giáo. Nhược Hồng đem những tuyệt học trong quyển Ma kinh dạy cho ái tử nhưng vì tôn trọng di chí của trượng phụ, nên lúc nào nàng cũng nhắc Kỳ nhi phải noi gương chính đạo của người hiệp sĩ.

Một hôm, đúng vào ngày giỗ của Thiên Tân, Nhược Hồng cúng tế xong, bảo con quỳ xuống trước bàn thờ rồi nghiêm khắc nói :

- Kỳ nhi, năm nay con đã mười lăm tuổi, căn bản võ công đủ để rèn luyện võ Vô Quy chân kinh. Ngay ngày mai con sẽ đi sâu vào núi, tìm nơi lạnh giá hoang vắng và tu tập. Phụ thân con khi tìm thấy chân kinh thì đã mất nguyên dương đồng nam, nên không thể luyện được. Giang hồ hung hiểm, lòng người sâu độc như lang sói, muốn tồn tại được mà báo phụ thù thì phải có bản lãnh cao cường và cơ trí minh mẫn. Trong vòng hai năm, con phải tự tìm cách mưu sinh nơi hoang mạc, chống chỏi với sói lang, tìm sự sống trong cảnh hiểm nghèo. Nếu con vượt qua khó khăn, luyện thành tuyệt học thì mẫn thân mới yên tâm để con vào Trung Thổ tầm cừu.

Kỳ nhi biết mẫu thân là người kiên quyết, nên lặng lẽ vâng lời.

Sáng hôm sau, chỉ một mảnh áo lông cừu và thanh kiếm trên lưng, hỏa tập trong áo, Thuyên Kỳ từ biệt mẹ và lão bộc Ngõa Khắc. Lão vào lấy cung tên của mình chạy ra trao cho chàng :

- Kỳ nhi! Ta đã bốn mươi năm sống trong rặng Thiên Sơn, biết nơi đây gấu sói rất nhiều. Con hãy cầm lấy cung tiễn để phòng thân và kiếm miếng ăn.

Thấy mẫu thân không phản đối, Kỳ nhi nhận lấy rồi cảm tạ.

Khi thấy bóng con đã chìm khuất trong làn mưa tuyết, Nhược Hồng mới đưa tay gạt lệ đến bên bàn thờ nói :

- Tướng công! Thiếp vì mối hận thù mà đẩy con vào hiểm cảnh, lòng đay xót vô cùng. Nhưng mong chàng hiểu cho, thiếp không muốn sau này Kỳ nhi sẽ mất mạng vì sơ suất trước thủ đoạn hiểm độc của giang hồ.

* * * * *

Đã hai mùa xuân trôi qua, vẫn chưa thấy bóng Thẩm Thuyên Kỳ trở lại. Nhược Hồng bắt đầu lo lắng, nàng tự trách mình nến ăn ngủ không yên, suốt ngày tựa cửa ngóng trông.

Nhưng đến giữa tháng tư, nàng đang ngồi vá áo cho con bỗng nghe tiếng sói tru ghê rợn. Nàng thất sắc xách kiếm chạy ra cửa, thì thấy từ xa một đàn sói mấy chục con đang phóng nhanh về phía thảo xá. Nhưng lạ thay, chính giữa bầy sói là một con gấu xắm to lớn đang chở một người trên lưng.

Lão bộc Ngõa Khắc cũng xách giáo đứng cạnh nữ chủ nhân. Khi còn cách mười trượng, đàn sói đứng lại và người trên lưng gấu tung mình lướt đến.

Nhận ra phi khinh công Thiên Ma thân pháp, Nhược Hồng biết ái tử đã trở về, và mừng đến sa lệ, giang vòng tay đón lấy con.

Thẩm Thuyên Kỳ ôm chặt lấy mẫu thân thì thầm :

- Hài nhi thương nhớ mẫu thân vô hạn!

Ngõa Khắc cười bảo :

- Chỉ có hai năm mà công tử đã cao hơn phu nhân cả cái đầu.

Nhược Hồng đẩy con ra ngắm nghĩa rồi nghiêm giọng hỏi :

- Dù gặp lại con ta rất mừng nhưng việc luyện công thành hay bại, mau nói rõ.

Thuyên Kỳ cười đáp :

- Mẫu thân yên tâm, hài nhi nào dám phụ lòng kỳ vọng của từ mẫu. Không những đã luyện thành tuyệt học mà còn thu phục được cả một bầy lang sói và gấu dữ.

Nói xong, chàng đưa tay vào miệng huýt sáo, bầy dạ thú chạy đến nằm phủ phục trước sân như lũ chó nhà hiền lành. Bỗng từ trên cổ gấu xám khổng lồ một con vật nhỏ nhắm phóng như tia chớp sang bám trên vai Thuyên Kỳ.

Chàng bắt lấy đưa ra khoe với mẹ :

- Mẫu thân, đây là Tiểu Hồ, một loại linh thú kỳ lạ của Thiên Sơn, dù nhỏ bé nhưng khôn ngoan và dũng mãnh hơn hổ báo.

Tiểu Hồ như hiểu được lời chàng, kêu lên mấy tiếng chít chít đắc ý. Nhược Hồng thấy con vật dài khoảng hai ngang tay, lông trắng mượt mà, đầu cáo nhưng mõm dài với hàm răng sắc bén như răng sói. Hai mắt đỏ như hồng ngọc.

Ngõa Khắc lại gần xem kỹ rồi bảo :

- Con vật này đã có trong truyền thuyết của người Tây Vực hàng trăm năm trước nhưng chưa ai bắt được. Nó được lai tạo giữa loài cáo tuyết và sói rừng. Lớp lông xinh đẹp kia rất bền chắc, không sợ cung tên, dáo mác. Còn tính hung dữ của nó thì thực khủng khiếp. Chỉ một cái nhảy đã xa hơn trượng và nhanh như chớp, hàm răng sắc như dao. Trong vùng băng tuyết này không con vật nào dám đối đầu với nó cả.

Nhược Hồng hỏi :

- Kỳ nhi đem lũ sói và con đại hùng kia về đây làm gì?

Chàng cười đáp :

- Hai năm nay, chúng sống với hài nhi và đã dạy dỗ chu đáo. Sau này sẽ quanh quẩn ở đây mà bảo vệ cho mẫu thân.

Ngõa Khắc nắm tay chàng :

- Kỳ nhi mau vào tắm rửa, lão sẽ nấu một bữa cơm mừng hội ngộ.

/21

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status