Tu La Thần Công

Chương 38: Phùng Linh thi triển phép phi hoa

/79


Đào Vĩnh Trạch phái một nhà sư Ấn Độ ra trận. Nhà sư này nói tiếng Hán rất cứng nhắc nhưng cũng rõ ràng :

- Được nghe võ công bên quí quốc từ lâu. Võ công này bắt đầu từ Đạt Ma tổ sư bên tệ quốc, lưu truyền tới ngày nay đã hơn ngàn năm, chắc là biến hóa tăng tiến nhiều rồi. Tiểu tăng chẳng ngại đường xa muôn dặm tới đây, rất mong được xem công phu một nguồn gốc với tệ quốc nay đã lên đến trình độ nào.

Địch Bình Thạch nhìn ra thấy nhà sư Ấn Độ này chính là A La tôn giả, đã tới Băng cung và đã giao thủ với y, thì bụng bảo dạ :

- “Đối với nhà sư này, chắc Bản Không đại sư có thể hạ được”.

Y còn đang ngẫm nghĩ thì thấy Thống Thiền hòa thượng đã phái Đại Bi thiền sư, một vị trong Thập bát La Hán, ra ứng chiến.

Nếu biết Bản Không thượng nhân ngang hàng với Thống Thiền hòa thượng và có danh vọng cực cao trong võ lâm. Nếu lão ra giao chiến với một tên thủ hạ của Đào Vĩnh Trạch thì thắng cũng là bất võ mà bại thì lại càng nhục. Thống Thiền hòa thượng sau khi nghĩ kỹ rồi mới quyết định phái Đại Bi thiền sư ứng chiến.

Đại Bi thiền sư là tay nội công tinh thâm nhất trong Thập bát La Hán. Mọi người thấy Đại Bi ra đánh trận đầu chắc lão sẽ nắm được phần thắng. Chỉ có Địch Bình Thạch là ngấm ngầm hồi hộp trong lòng. Y chỉ hy vọng vào nội công tinh thâm của thiền sư để giữ được thế quân bình đã là may rồi.

Hai bên cùng theo kiểu nhà Phật làm lễ tương kiến rồi lập tức động thủ.

Đại Bi thiền sư thi triển La Hán quyền, môn công phu độc đáo giữ nhà của phái Thiếu Lâm. Quyền phong rít lên veo véo.

A La tôn giả đón tiếp mấy chiêu rồi cười nói :

- Quả nhiên cùng một nguồn gốc.

Hắn dùng trường quyền đối phó. Mọi người theo dõi thấy quyền pháp hai bên đại khái như nhau, chỉ khác chút đỉnh. Bên nào cũng phát ra những chiêu biến hóa kỳ diệu. Có điều Đại Bi thiền sư phóng quyền hiển nhiên trầm trọng hơn đối phương.

Hai bên chợt vào gần lại chợt ra xa. Sau càng đánh càng mau.

La Hán quyền lưu truyền đã hơn nghìn năm, chẳng những đệ tử phái Thiếu Lâm mà cả người ngoài cũng đều biết hết. Có điều quyền thuật của hai người này phóng ra đều thần oai lẫm liệt khác với người thường. Mỗi thoi quyền đều ẩn giấu một uy lực mãnh liệt vô cùng.

Đang lúc kịch chiến Đại Bi thiền sư bỗng ra chiêu “Hoàng Oanh Lạc Căn”.

Tay mặt khoanh một vòng tròn như để phong tỏa. Tay trái đột nhiên luồn ra thúc vào cạnh sườn va vào trước ngực đối phương.

Trải ba mươi hai đời, phái Thiếu Lâm vẫn giữ nguyên như trước. Đến đời Vô Trụ thiền sư mới đem La Hán ngũ hành quyền của Đạt Ma truyền lại thêm vào những biến chiêu, lập ra ba mươi ba chiêu quyền thuật gọi là “Sấn Trình Hồng Liệt tam thập tam bộ thần quyền”.

“Hoàng Oanh Lạc Căn” chính là một chiêu thần quyền vừa thủ vừa công biến hóa rất vi diệu.

Chỉ trong nháy mắt đã thành thế chủ khách. Đường quyền A La tôn giả bị Đại Bi thiền sư phong tỏa.

Mọi người nhận thấy chỉ một chiêu nữa là Đại Bi thiền sư có thể thủ thắng.

Bọn đệ tử phái Thiếu Lâm ra chiều hớn hở, nghĩ bụng :

- “Tuy cùng một nguồn gốc mà phái Thiếu Lâm mình cao hơn nhà sư Ấn Độ một bậc”.

Mọi người còn đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe ba tiếng “bình bịch” vang lên không hiểu là gì. Cánh tay của A La tôn giả cong đi tựa cánh cung và dùng phương pháp kỳ lạ đánh tới một cách bất ngờ.

Đại Bi thiền sư sử thế “Tam Dương Khai Thái”. Một chiêu ba thức toàn đánh vào quảng không. Trái lại đối phương đánh luôn ba quyền đều trúng vào Đại Bi thiền sư.

Bọn đệ tử Thiếu Lâm giật mình kinh hãi. Nhưng Thống Thiền hòa thượng quay lại mỉm cười nói :

- Mấy năm nay Đại Bi khổ luyện Kim Cương thân pháp nay đã thành tựu một chút...

Thống Thiền hòa thượng chưa dứt lời đã thấy A La tôn giả đột nhiên làm như bật dây cung bắn ra. Những đầu quyền của hắn đỏ như sắt nung.

Nguyên A La tôn giả đã thi triển công phu thượng thừa của phái Du già. Da thịt có thể biến thành co lại. Gặp lúc khẩn trương, hắn phóng quyền đột ngột, nên Đại Bi không kịp đề phòng mà bị trúng đòn.

Nhưng công phu “Kim Cương Bất Hoại thân pháp” của Đại Bi thiền sư đã được đến ba phần hỏa hầu, dù không hất ngã được đối phương, nhưng chính mình cũng không bị tổn thương chút nào.

Hai bên sau khi phát động võ công thượng thừa, tình thế lại biến đổi.

A La tôn giả biết đối phương có thần công hộ thân thể, đánh mạnh cũng chẳng ăn thua. Hắn liền biết theo qui củ, đúng phương vị cửu cung bát quái, tựa hồ chỉ còn đón đỡ, lực lượng phản kích. Thế quyền của hắn mỗi lúc một chậm lại.

Quần hào các môn phái tưởng A La tôn giả sắp thua đến nơi và nhất định Đại Bi thiền sư mở cờ chiến thắng. Chỉ có Thống Thiền hòa thượng và Bản Không đại sư là sắc mặt cực kỳ trầm trọng.

Trong bọn đệ tử phái Thiếu Lâm có mấy vị võ công cao minh cũng đã nhìn ra tuy đối phương thoái bộ song chưa đến nỗi thất bại. Có điều họ cũng nhìn nhận Đại Bi thiền sư đã chiếm thượng phong, họ không hiểu tại sao Chưởng môn sư tôn lại ra chiều lo lắng?

Đại Bi thiền sư càng bức bách đối phương gấp rút hơn. Đột nhiên thiền sư biến quyền thành chưởng, sử dụng Đại Lực Kim Cương thủ pháp một môn tuyệt học của phái Thiếu Lâm. Bóng chưởng trùng điệp bao vây lấy toàn thân A La tôn giả.

Có mấy tên đệ tử phái Thiếu Lâm đã cất tiếng hoan hô. Ngờ đâu giữa lúc ấy bỗng nghe A La tôn giả gầm lên một tiếng thật to như tiếng sét lưng trời đánh xuống.

Cả người Đại Bi thiền sư bị tung lên không hất ra ngoài ba trượng. Tuy nhà sư đứng dậy được nhưng cũng kể là thua rồi.

Biến diễn đột ngột khiến cho đệ tử các phái mười phần có đến tám chín không hiểu tại sao Đại Bi thiền sư sắp thắng mà hóa bại, nên ngơ ngác nhìn nhau sợ hãi.

Bỗng thấy Đại Bi thiền sư chắp tay nói :

- Đa tạ tôn giả đã nương tay.

A La tôn giả thi lễ nói :

- Võ công phái Thiếu Lâm quả nhiên danh bất hư truyền. La Hán thần quyền mà Đạt Ma tổ sư đem truyền cho quí phái thiệt tình đã phát huy rộng lớn hơn ở nước Thiên trúc nhiều.

Đệ tử các phái thấy giọng nói cùng vẻ mặt hai người đều rất đỗi ân cần thì chẳng hiểu ra sao.

Nguyên A La tôn giả về quyền thuật đúng là còn kém Đại Bi thiền sư, về nội lực hai người suýt soát ngang nhau. Đại Bi thiền sư còn hơn A La tôn giả về thần công bảo vệ thân mình.

Sở dĩ tôn giả thắng được đối phương là nhờ ở Du già công phu trong lúc chớp nhoáng tối hậu đã phát huy nội công sư tử hống làm rối loạn tâm thần Đại Bi thiền sư đồng thời phá được thế Kim Cương thân pháp của đối phương.

Bọn đệ tử phái Thiếu Lâm sắc mặt tái mét vì bẽ bàng và tức giận. Họ toan xin giám tự là Bản Không thượng nhân ra khiêu chiến với A La tôn giả, thì thấy A La tôn giả đã theo Đại Bi thiền sư đi tới trước mặt Thống Thiền hòa thượng.

A La tôn giả làm lễ bái yết, báo danh hiệu sư môn rồi chắp tay để trước ngực khom lưng nói :

- Khi điệt tử lên đường đông du, gia sư đã căn dặn phải tìm lên núi Tung Sơn bái yết hòa thượng, không ngờ bữa nay lại có cơ duyên tương kiến tại đây.

Thống Thiền hòa thượng nói :

- Lệnh sư là Long Diệp thượng nhân, bần tăng nghe danh đã lâu và vẫn đem lòng kính ngưỡng.

Long Diệp thượng nhân là một vị cao tặng đệ nhất nước Ấn Độ. Phụ thân Băng Xuyên Thiên Nữ lúc ở Ni Bạc Nhĩ đã được Thượng nhân giáo hối. Nay Thượng nhân thọ ngót trăm tuổi.

Thống Thiền hòa thượng là vị cao tăng đệ nhất Trung Quốc, nên hai bên đều biết danh hiệu nhau.

A La tôn giả tiếp :

- Đệ tử nghe gia sư nói trước đây ngàn năm Đạt Ma tổ sư có đem theo hai pho kinh “Dịch cân” và “Tẩy tủy” sang Trung Quốc để khai sáng ra võ công quí phái. Hai pho bí điển này đã thất truyền ở tệ quốc. Không hiểu những bậc cao minh bên quí phái tinh thông hai môn công phu này có chỉ giáo cho đệ tử được mở rộng tầm mắt không?

Tôn giả nói câu này dường như để tỏ ý vừa rồi đấu với Đại Bi thiền sư chưa đủ thỏa mãn.

Thống Thiền hòa thượng tủm tỉm cười đáp :

- Hai pho bí điển ấy ghi chép công lực cực kỳ tinh thâm rộng lớn. Bần tăng chưa nhìn tới được.

A La tôn giả cho là hòa thượng nói khách sáo liền chắp tay lạy nữa để toan thỉnh cầu lần thứ hai.

Thống Thiền hòa thượng lại nói tiếp :

- Quí phái và tệ phái tuy khác nước nhưng cùng một nguồn gốc. Tôn giả bất tất phải nóng nảy trong một vài ngày. Sau cuộc hội họp tại đây mời tôn giản khuất giá lên chơi tệ tự. Bần tăng sẽ hết sức cùng tôn giả nghiên cứu. Xin tôn giả đừng thủ lễ nữa.

Thống Thiền hòa thượng đưa hai tay ra đỡ A La tôn giả lên. A La tôn giả liền dùng “Trọng thủ pháp” để thử nội công của Thống Thiền hòa thượng.

Ngờ đâu ngón tay Thống Thiền hòa thượng chỉ để hờ bên ngoài chưa chạm vào người A La tôn giả mà cảm thấy một luồng đại lực xô tới. Hắn không tự chủ được liền bị nội công Thống Thiền hòa thượng đưa bổng lên. Bây giờ hắn mới thực lòng khâm phục lùi lại phía sau.

Bọn đệ tử phái Thiếu Lâm chẳng hiểu ra sao. Thống Thiền hòa thượng đưa mắt nhìn Bản Không đại sư nói :

- Tôn giả đây chỉ muốn biết võ công Trung Nguyên, không có ý gì ám muội thì hà tất phải ăn thua với y? Ai mà có ý nghĩ tranh đua hơn kém là phạm vào giới răn của nhà Phật. Chẳng lẽ Đại Bi mới thua một cuộc mà người ta dám coi thường võ công bản phái ư?

Nguyên Thống Thiền hòa thượng đã biết rõ vừa rồi A La tôn giả tỷ đấu với Đại Bi thiền sư. Hắn dùng công phu “Sư Tử Hống” phá Kim Cương thân pháp của thiền sư thì đồng thời hắn có thể hạ độc thủ giết người được. Nhưng hắn chỉ phát huy có ba thành lực đạo nên Đại Bi thiền sư mới không bị thương tổn gì.

Thống Thiền hòa thượng biết tính sư đệ nóng nảy mà đi quá chớn có thể biến thành độc ác. Võ công y theo đường cương mãnh, hòa thượng sợ thần công của y phát động rồi không thu về được đả thương đối phương thì trong lòng mình rất là hối hận. Vì thế mà thà chịu thua một keo rồi dùng lời khuyên giải đệ tử.

A La tôn giả vẫn đứng yên giữa không trường dõng dạc nói :

- Bần tăng qua bên thượng quốc may gặp ngày đại hội chỉ muốn chiêm ngưỡng võ công trung thổ, xin vị nào ra đây chỉ giáo thêm cho.

Quần hùng tuy biết bản ý của A La tôn giả chỉ muốn quan sát võ công chứ không phải kẻ địch chân chính, nhưng vì hắn đi theo Đào Vĩnh Trạch nên chẳng thể để thất bại lần thứ hai.

Có điều Đại Bi thiền sư bản lãnh như vậy đã bị thua rồi, còn tôn sư các phái thì muốn giữ địa vị không ra ứng chiến. Ai nấy ngần ngừ chưa biết lựa chọn nhân vật nào cho đích đáng.

Địch Bình Thạch khẽ nói :

- Băng Nga! Nàng có thể thắng được y đó.

Băng Xuyên Thiên Nữ cười đáp :

- Nhưng thiếp lại không phải người bản thổ Trung Quốc.

Nguyên Địch Bình Thạch có thể nắm vững được phần thắng, nhưng y đã tỷ thí với A La tôn giả ở Băng cung một lần rồi. Bây giờ có ra tỷ đấu lần nữa thì dù đả bại được đối phương cũng e hắn cười thầm Trung Quốc không người.

Bỗng một tràng cười rộ xé tan bầu không khí tĩnh mịch. Dực Trọng kéo lê cây thiết trượng cười ha hả nói :

- May lão khiếu hóa này chưa chết, xin ra lãnh giáo thần công tuyệt học của cao tăng nước Thiên Trúc.

Tiếng cười này có ý đập vào mặt Đào Vĩnh Trạch. Bữa trước Đào Vĩnh Trạch thực ra không có ý đánh chết lão, nên chỉ phát huy có bảy thành Tu La thần công. Nhưng hắn không ngờ nội lực Dực Trọng chưa đầy nửa năm đã khôi phục được mà dám nhảy ra tỷ võ. Bất giác hắn run lên nghĩ bụng :

- “Thiếu Dương huyền công quả nhiên có chỗ diệu dụng. Nếu Thúy Vi tiên tử mà còn sống thì cuộc đấu bữa nay ta e rằng chưa chắc đã nắm được phần thắng”.

A La tôn giả không biết đến chuyện cũ giữa Dực Trọng và Đào Vĩnh Trạch.

Hắn chỉ nhìn nhận Dực Trọng là một lão khất cái bữa trước đã đứng xem chiến đấu ở Băng cung. Hôm ấy hắn tỷ võ với Địch Bình Thạch, sau cùng bị thua một chiêu. Lúc bỏ chạy còn nghe tiếng cười của Dực Trọng.

Bây giờ A La tôn giả nghe Dực Trọng nói pha giọng trào phúng thì cho là lão khinh thị mình nên không khỏi ngấm ngầm tức giận.

Hắn lạnh lùng hỏi lại :

- Dực bang chúa định tỷ đấu bằng binh khí chứ?

Dực Trọng đáp :

- Đúng thế! Đại sư đã tỷ đấu một trường quyền cước thì bây giờ thay đổi món ăn, đại sư tính thế nào?

A La tôn giả liền rút thanh Hàn Thiết bảo đao tỏ ý đồng tình.

Dực Trọng nói :

- Đại sư từ ngoài muôn dặm tới đây là khách. Vậy xin ra chiêu trước đi!

A La tôn giả vung đại đao lên nói :

- Đao kiếm vô tình, xin Bang chúa lưu ý!

Đao quang vừa lóe lên, lập tức chém ngang một nhát. Hắn nghĩ thầm trong bụng :

- “Dù ta không đả thương lão nhưng hãy chặt đứt cây thiết trượng thử xem lão còn cười cợt ngạo mạn được nữa không?”

Thanh Hàn Thiết bảo đao của A La tôn giả nặng tới 46 cân. Thanh đao đã nặng lại sắc bén phi thường. Nó là một thanh bảo đao trứ danh ở nước Thiên Trúc. Gia dĩ tôn giả đã luyện công “Hàn Long Phục Tượng” đến mực thượng thặng.

Nội lực hắn cực kỳ hùng hậu. Nhát đao này chém xuống theo thế khai sơn phá thạch uy mãnh phi thường.

Dực Trọng cũng hươi cây thiết trượng quét ngang một cái.

Đao trượng đụng nhau phát lên một tiếng rùng rợn khiến người ta cơ hồ thủng cả màng tai. Tia lửa bắn ra tung tóe.

Binh khí của hai bên đều không thương tổn chi hết, nhưng cả hai người đều bị nội lực của đối phương hất lảo đảo như con thuyền nhỏ tròng trành trên làn sóng dữ.

A La tôn giả nghĩ thầm trong bụng :

- “Không ngờ khí giới trong tay lão ăn xin này lại là một cây bảo trượng. Nội lực hắn so với nhà sư phái Thiếu Lâm vừa rồi còn ghê gớm hơn mấy phần”.

Hắn nghĩ như vậy rồi không dám khinh địch, huy động bảo đao ra chiêu Hàn Long đao pháp, vận “Hàn Long Phục Tượng công” của nhà Phật vào cả lưỡi đao.

Lập tức bóng đao rợp trời. Một thanh bảo đao biến thành mấy chục thanh.

Trong phạm vi mười trượng bao phủ một làn đao quang không nhìn rõ bóng người đâu nữa.

Bọn đệ tử Cái bang trong lòng hồi hộp lo thay cho Bang chúa. Chúng sợ Dực Trọng vừa mới khỏi bệnh, khó lòng chống nổi thế công mãnh liệt của đối phương.

Đột nhiên Dực Trọng hú lên một tiếng dài. Trượng pháp cũng biến đổi, múa tía lên coi như một rừng tượng ảnh phủ bên ngoài làn đao quang.

Biến diễn này khiến cho bọn đệ tử Cái bang vừa kinh hãi vừa mừng thầm.

Chúng lớn tiếng reo hò :

- Ha ha! Bang chúa đã huy động “Đả Cẩu trượng pháp” rồi.

Đả Cẩu trượng pháp là một môn tuyệt nghệ truyền thống của Cái bang. Nó gồm có bảy mươi hai chiêu. Trải bao đời, Bang chúa Cái bang đã ỷ vào trượng pháp này để giữ cho thanh danh bản bang không phải suy sụp.

Mấy trăm năm nay, Cái bang vẫn hùng cứ một bang lớn trong võ lâm đều ỷ vào trượng pháp này.

Đả Cẩu trượng pháp quả nhiên không phải tầm thường, mới thi triển mấy chiêu mà tưởng chừng trời đất nổi trận gió táp mưa sa.

A La tôn giả vận hết “Hàn Long Phục Tượng công” của nhà Phật.

Vùng đao quang tuy thu hẹp lại nhưng tiềm lực phân kích tăng thêm rất nhiều.

Hai luồng chân lực xô ra ầm ầm. Tiếng sắt thép chạm nhau khiến người nghe phải đinh tai nhức óc.

Đả Cẩu trượng pháp chia làm ba đoạn. Đoạn đầu gồm hai mươi bốn chiêu, thế công mãnh liệt. Chỉ trong chớp mắt đoạn đầu đã qua. Hai bên giữ thế quân bình.

Đoạn thứ hai cũng gồm hai mươi bốn chiêu, song phải dùng đến tiềm lực của nội gia, lấy ý mà sử trượng. Trỏ nam đánh bắc, trỏ đông đánh tây, dụng lực tuy trầm trọng nhưng không phát ra tiếng vang.

A La tôn giả mặt nổi gân xanh, đao quang thu hẹp vòng hơn nửa.

Bọn đệ tử Cái bang đứng bên ngoài ngấm ngầm đếm số, chớp mắt đã hết hai mươi bốn chiêu đao thứ hai. Dực Trọng tựa hồ chiếm được chút thượng phong song vẫn chưa phá được làn đao quang bảo vệ A La tôn giả.

Chiêu số hai bên dần dần chậm lại, Địch Bình Thạch đến bên Thống Thiền hòa thượng khẽ nói :

- Trường tỷ võ này bản ý của hai bên chỉ là muốn hiểu sức nhau, hà tất phải đi đến chỗ liều mạng? Xin đại sư ra lệnh giảng hòa.

Thống Thiền hòa thượng trầm ngâm chưa biết quyết định thế nào thì A La tôn giả gầm lên một tiếng thật to. Đao trượng giao nhau, binh khí hai bên dính liền vào một.

Nhưng chỉ trong khoảnh khắc sau, tiếng gầm của A La tôn giả, lập tức nghe choang một tiếng. Thanh bảo đao của A La tôn giả bay vọt lên không rồi cây thiết trượng của Dực Trọng cũng rớt xuống đất.

Nguyên A La tôn giả biết mình khó bề thủ thắng liền thi triển “Sư Tử Hống”.

Đả Cẩu trượng pháp của đối phương cương mãnh phi thường, hắn đã dùng đến sư tử công thì sức phòng ngự dĩ nhiên tiêu tan. Vì thế mà bảo đao bị hất tung lên.

Rồi sau Dực Trọng cũng bị tiếng gầm chấn động đánh rớt bảo trượng xuống đất.

Hai bên đều không bị thương. Xét về tình trạng binh khí rời khỏi tay thì phần thắng phải về Dực Trọng. Nhưng A La tôn giả đã chiến đấu với Đại Bi thiền sư hồi lâu. Đào Vĩnh Trạch liền nêu điểm này ra cho là Dực Trọng đã chiếm tiện nghi. Kết quả được Thống Thiền hòa thượng đồng ý. Thế là cuộc đấu xử hòa, không phân thắng bại.

Đệ tử Cái bang tuy có ý bất phục nhưng thấy Bang chúa vô sự nên cũng vui mừng không nói gì.

Nên biết nếu Dực Trọng thi triển “Phục Ma trượng pháp” đến đoạn thứ ba phải sáu mươi tám chiêu mà còn đánh nữa thì dù có hạ được đối phương thì chính lão cũng hao tổn chân lực rất nhiều, thắng như thế cũng chẳng ích gì mà còn có hại.

Đào Vĩnh Trạch gọi Mật Lăng pháp sư ra trận.

Phùng Linh cười nói :

- Người muốn kiếm ta đã ra kìa!

Rồi bà không chờ chỉ đích danh đã băng mình ra khiêu chiến. Thân pháp bà mau lẹ dị thường không bút nào tả xiết.

Mật Lăng pháp sư chắp tay để trước ngực thi lễ nói :

- Bần tăng được nữ hiệp vui lòng chỉ giáo, bất giác đúng hẹn đến đây. Bây giờ tỷ thí cách nào, xin nữ hiệp chỉ thị cho!

Phùng Linh ngẫm nghĩ một chút rồi cười nói :

- Đa tạ đại sư nhường cho lão thân ra đề. Có điều lão thân không muốn chiếm tiện nghi. Vậy xin lựa công phu rất hợp với bản lãnh của pháp sư để tỷ đấu. Pháp sư! Pháp sư là đệ tử nhà Phật, quen ngồi bồ đoàn. Vậy lão thân xin thỉnh giáo pháp sư về công phu tọa thiền.

Mọi người ngạc nhiên tự hỏi :

- “Tọa thiền thì làm sao mà biết võ công cao thấp được?”

Phùng Linh ngừng lại một chút rồi trỏ vào bốn cây lớn nói tiếp :

- Tọa thiền trên bồ đoàn thì không tỏ rõ công phu được. Vậy chúng ta lên cây mà ngồi. Ai rớt xuống trước là thua. Còn dùng phương pháp nào để bức bách đối phương rớt xuống đều được tùy ý thi triển.

Mọi người nghe Phùng Linh nói, bây giờ mới hiểu bà mượn tiếng tỷ thí tọa thiền mà thực ra là tỷ thí võ học thượng thặng, nên không cấm chỉ đối phương tập kích.

Nhưng họ coi hai cây lớn cách nhau hơn mười trượng thì dù có phát huy chưởng lực cách không cũng không đánh xa đến thế được, trừ phi sử dụng ám khí.

Nhưng những tay cao thủ bậc nhất như những nhân vật này mà phải dùng ám khí để chống nhau thì lại tỏ ra khí lượng nhỏ bé.

Mật Lăng pháp sư lạnh lùng nói :

- Nữ hiệp đã dạy thế, bần tăng đâu dám chẳng tuân theo. Nào xin mời nữ hiệp!

Phùng Linh không khiêm nhượng gì nữa, chí đầu ngón chân xuống nhảy vọt lên cây lớn mé đông. Bà có ý khoa trương bản lãnh xoay mình trên không chọn một cành nằm ngang chỉ nhỏ bằng cây đèn cầy mà hạ mình xuống.

Khinh công kỳ diệu này khiến cho cả những người phe Đào Vĩnh Trạch cũng phải trầm trồ. Còn đệ tử các phái bên này dĩ nhiên nổi tiếng hoan hô vang dậy một góc trời.

Giữa những tiếng hoan hô rầm rộ, Mật Lăng pháp sư cũng vọt mình lên, lão không xoay chuyển bay bướm như Phùng Linh ở không gian, mà nhảy thẳng lên như một cây côn rồi đáp xuống ngồi xếp bằng vào một cành cây lớn bằng cánh tay trẻ nít.

Cành cây hạ xuống, bật lên. Mật Lăng pháp sư tựa hồ ngồi không vững nhưng vẫn bình yên. Tư thế của lão không đẹp bằng Phùng Linh mà khinh công dường như kém một phần. Nhưng người có mắt tinh đời nhận ra nhảy thẳng lên ngồi vào cành cây áp lực rất nặng hơn nhiều, vậy khinh công lão dẫu chẳng hơn được Phùng Linh thì ít ra là không kém.

Phùng Linh ngồi trên một cành cây trà chờ Mật Lăng pháp sư ngồi yên rồi cười nói :

- Pháp sư! Lão thân mượn hoa dâng Phật. Xin pháp sư thu nạp.

Một bông trà đỏ liệng về phía Mật Lăng pháp sư. Mật Lăng pháp sư rủ thấp lông mày, chắp tay lại, bỗng ngẩng đầu lên nói :

- Đa tạ nữ hiệp.

Bông hoa trà bay lại rất mau nhưng đến trên đỉnh đầu lão tựa hồ dừng lại một giây rồi từ từ hạ xuống.

Hai bông hoa nữa liên tiếp bóng ra như vậy. Tất cả là ba bông bảy hàng ngay ngắn trên áo cà sa.

Đệ tử hậu sinh các phái chưa hiểu được đến chỗ vi diệu này, nhưng hàng trưởng bối đều là những tay võ học đại hành gia thấy vậy không khỏi động dung.

Nên biết Phùng Linh thi hành thủ thuật này chính là “Phi Hoa Trích Diệp”, một môn võ công thượng thặng có thể đả tử thương người ngay lập tức. Thế mà Mật Lăng pháp sư thổi ra một luồng chân khí làm tiêu tan nội kình ẩn giấu trong những bông hoa trà, khiến cho những bông hoa từ từ chậm lại rồi nhẹ nhàng hạ xuống.

Diễn biến này đủ tỏ chân khí nội kình của Mật Lăng pháp sư đã luyện được đến trình độ làm cho công phu “Phi hoa sát nhân” của đối phương mất công hiệu, thật khiến cho người ta phải kinh hãi.

Địch Bình Thạch ngấm ngầm lo lắng, khẽ bảo Băng Xuyên Thiên Nữ :

- Võ học phe Mật tông phái Hồng giáo quả nhiên danh bất hư truyền, kỳ bí vô cùng. Dù di má không đến nỗi thất bại, nhưng e rằng thắng được đối phương không phải chuyện dễ dàng.

Địch Bình Thạch vừa dứt lời, bỗng nghe Phùng Linh ở trên cây cười nói :

- Đã có hoa đỏ phải thêm lá xanh mới đủ bộ.

Bà nói rồi thò tay bẻ một cành lá vung ra trước gió. Những lá cây nhảy múa tung bay rồi từ bốn mặt tám phương thổi vào người Mật Lăng pháp sư.

Thủ pháp này thiên hạ đã từng nghe danh. Nó là một thủ pháp phóng ám khí tên gọi là “Thiên Nữ Tán Hoa”, một tuyệt kỹ của Đường môn.

Phùng Linh đã vận công lực mấy chục năm phóng ra. Mỗi lá cây so với ám khí thông thường còn lợi hại hơn nhiều.

Những lá cây tán ra rồi chia thành mấy ngã ập vào. Ai cũng nghĩ Mật Lăng pháp sư ngồi trên cành cây không có đất xoay sở. Dù nội công y có mạnh đến đâu cũng không thể thổi một hơi mà phát tán những lá cây từ bốn mặt tám phương bay tới.

Mọi người trong trường đều giương to cặp mắt để coi pháp sư làm thế nào mà chống chọi được.

Bỗng thấy Mật Lăng pháp sư khẽ rung người một cái. Bao nhiêu lá cây lắng xuống. Y vẫn rủ thấp lông mày, hai tay chắp lại, để mặc cho lá cây tung lên hay hạ xuống, chứ không đưa tay ra phòng vệ.

Chỉ trong chớp mắt, áo cà sa màu hồng của y dính đầy lá cây tựa hồ đã nhuộm một lớp thuốc màu lục.

Thống Thiền hòa thượng nghiêng đầu nói :

- Tiên sư đã bảo võ công của phe Mật tông bên Hồng giáo phát nguyên từ trước Thiên Trúc. Nếu luyện tới trình độ cao thâm sẽ đi đến chỗ tương thông với bản phái. Quả nhiên lời đó không sai.

/79

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status