Trường An Loạn

Chương 5

/8


Trường An trong ký ức hồi nhỏ của tôi là một nơi rất xa xôi. Đây là lần thứ hai tôi đến Trường An, lần đầu tiên vì cuống quýt vội vàng, tâm trạng cũng hoàn toàn khác biệt, tôi dường như không cảm nhận được bất kỳ điều gì, thậm chí cũng không thấy nó to lớn. Song tôi luôn cảm thấy cái tên này nghe rất hay, nếu tôi là vua, tôi cũng sẽ chọn nơi có cái tên này làm kinh đô. Tôi đã quên hẳn thời gian xác thực bên ngoài, cũng may ở trong chùa tôi không có suy nghĩ gì lớn lao, đối với đức Phật cũng không sùng kính quá mức, dường như dửng dưng với mọi thứ diễn ra. Mấu chốt vấn đề là ở phía sư phụ tôi, ông đã sai lầm khi quá nuông chiều tôi, cho tôi một pháp danh quá tuyệt vời. Người cũng nhân được sự đãi ngộ như tôi chính là sư huynh Thích Không. Tôi và huynh ấy chẳng qua bị cạo trọc mà thôi, còn mọi thứ khác đều được phát triển theo chiều hướng lãng tử. Vậy nên tôi luôn rất cảm kích trước sư phụ, nhưng việc gọi là báo đáp Thiếu Lâm thực ra hoàn toàn là nhằm báo đáp sư phụ mà thôi

Còn Trường An, đích thị là một nơi xa xôi, bởi hồi nhỏ tôi không hiểu đám người ấy rốt cuộc đang làm gì. Bất kể quốc sự ra sao, phải thả lỏng thế nào, tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh một người đàn ông, xung quanh có hàng trăm cô gái sắc nước hương trời và nghĩ, trước hoàn cảnh như vậy chàng ta có thế làm gì, dù nghĩ thế nào kết quả vẫn là: chẳng thể làm gì được, ngoài việc làm “chuyện ấy”.

Đó chính là vị vua của một nước, ông ta sẽ chọn ra một người trông bắt mắt nhất trong cả mớ các cô con gái của những tay máu mặt khác họ để phong làm chính cung hoàng hậu, cả năm may ra gặp được một đêm, có lẽ vì người ta khá trong trắng, ít làm chuyện phòng the, cho nên được suy tôn là mẹ của một nước, là mẫu nghi thiên hạ, tức là được đặt ra cho mọi người trong thiên hạ ngắm nhìn, vợ cả không được yêu chiều bằng vợ bé, cho nên ta làm một tấm gương, như vậy chẳng cần phải tranh giành gì nữa, mà cũng chẳng tranh được với người ta, cứ ngấm ngầm chơi xấu là được.

Trường An nổi tiếng ở sự phồn hoa diễm lệ, những người phụ nữ ra đường làm việc mà ta có thể trông thấy không phải bán rau thì là bán thân, cũng không cứ bán rau thì cao quý, bởi nếu đặt một số phụ nữ cạnh nhau, bạn sẽ cảm thấy vài người trong số đó chỉ có thể đi bán rau mà thôi. Nghe nói, Trường An có hơn 300 điểm buôn phấn bán son lớn nhỏ, đó là biểu tượng của một đất nước phát triển tới đỉnh cao, chẳng trách những nơi ông hoàng đế vi hành dạo này càng ngày càng gần lại.

Tôi và Hỷ Lạc vừa bước tới cổng thành liền sững người kinh ngạc. Hỷ Lạc nói: Nơi này hoành tráng hơn Trục thành bao nhiêu.

Tôi nói: Đúng thật, muội xem cái lầu kia, nếu ở Trục thành thì nó là tòa lầu to nhất rồi đấy.

Tôi tiến lại gần xem xét thì phát hiện ra đó chỉ là cửa khẩu, tức là nơi làm một số thủ tục ra vào thành. Con Lép được chúng tôi mang theo từ tiểu trấn dưới chân chùa Thiếu Lâm, chưa từng đi đây đi đó, nhìn thấy cảnh vật này tự dưng đứng im không nhúc nhích. Tôi lại muốn tung cho nó một cước vào mông, sau cảm thấy làm như vậy đúng là tác phong quê mùa, đáng ra nên cầm một chiếc quạt trong tay, văng nhẹ dây cương, dù tự biết rằng lôi được nó đi khổ sở biết chừng nào.

Hỷ Lạc nói: Oa! Huynh xem, rộng quá thể, đi bao lâu mà vẫn chưa trông thấy cổng thành bên kia nhỉ.

Tôi nói: Muội nghĩ xem, muội định đi đâu chứ?

Hỷ Lạc nói: Vạn Vĩnh đại ca nói rồi, trong thành Trường An có rất nhiều cửa hiệu kinh doanh của huynh ấy, còn có cả quán trọ nữa, chúng ta có thể tìm tới đó xem sao.

Tôi nói: Làm phiền người khác không hay ho gì đâu.Trong tay chúng ta cũng có không ít tiền mà?

Hỷ Lạc nói: Muội nói chơi vậy thôi, nhưng chúng ta đâu thể kiếm tiền mặt được, huynh đi trên đường, muội bảo huynh muội có một bình nước giải được cả trăm thứ độc, huynh có mua không? Giá một vạn lạng.

Tôi đáp: Không mua.

Hỷ Lạc nói: Vậy đấy, ngay đến huynh, một người chưa hề lõi đời mà còn không mua, vậy có ai mua đây?

Tôi nói: Vậy cứ giữ lại đi, cùng lắm huynh đi làm ít việc lặt vặt.

Hỷ Lạc vội nói: Không cần, trên đời này huynh và muội to nhất, không cần ai quản lý chúng ta hết.

Tôi nói: Vậy muội nói xem cần phải làm gì?

Hỷ Lạc nói: Cứ tìm một nơi trọ lại đã, sau đó ăn uống rồi nghĩ cách xem, mà còn phải tìm tóc cho huynh nữa. Y phục của huynh cũng không ổn, muội muốn hóa trang cho huynh giống một sát thủ.

Tôi hỏi: Sao vậy?

Hỷ Lạc đáp: Trang phục sát thủ trông đều đẹp cả.

Tôi nói: Tay Vô Linh mà đến chắc chắn sẽ cuỗm muội đi mất.

Hỷ Lạc nói: Không thể nào, huynh không hiểu đâu, muội sẽ lột hắn ra.

Tôi hỏi: Sao làm vậy?

Hỷ Lạc đáp: Quần áo của hắn chắc chắn rất đẹp, ta sẽ không phải bỏ tiền mua. Huynh nghĩ xem, giống như hắn tốt biết bao, sau khi biến mất, hắn chắc chắn sống rất vui.

Tôi nói: Tiếng tăm của hắn lừng lẫy, cho nên muội cảm nhận được sự biến mất của hắn. Chúng ta không tên không tuổi, có chạy loạn xạ khắp nơi cũng chẳng ai nhận ra sự xuất hiện của chúng ta.

Hỷ Lạc nói: Nói vậy chưa chắc, huynh ngẫm xem, dọc đường có bao người muốn giết chúng ta. Huynh đã quên hai tên trong tửu quán rồi sao, báo hại muội ngã từ trên lưng ngựa xuống.

Tôi đã quên bẵng việc khám bệnh cho Hỷ Lạc, giờ vội hỏi: Vết thương trên người muội thế nào rồi?

Hỷ Lạc nói: Muội cảm thấy không sao đâu. Chúng ta không cần đến hiệu thuốc nữa. Ai biết phải nán lại đó bao lâu, đỡ được việc gì hay việc nấy.

Tôi nói: Không được, phải đi. Ngộ nhỡ mưng mủ rồi viêm tấy thì huynh biết ăn nói thế nào.

Hỷ Lạc hỏi: Huynh ăn nói với ai?

Tôi nói: Muội không có cha mẹ, sự thực thì chẳng phải ăn nói với ai cả.

Hỷ Lạc nói: Đừng nói chuyện này nữa, người huynh muốn tìm đâu?

Tôi hỏi: Ai cơ?

Hỷ Lạc nói: Cái người có thể biết tất cả mọi việc ấy.

Tôi nói: Ối! Huynh quên mất. Ngày mai đi tìm vậy!

Hỷ Lạc nói: Huynh không cảm thấy dường như sư phụ đã trao cho huynh một nhiệm vụ rất lớn ư?

Tôi lắc đầu.

Hỷ Lạc nói: Huynh không cảm thấy sự việc cấp bách hả?

Tôi lắc đầu.

Hỷ Lạc nói: Vậy được rồi, chúng ta tìm chỗ trọ lại đã. Nơi đây rộng lớn thật. Mà chắc ở đây không có hắc điếm chứ?

Tôi nói: Không thể nào, muội xem mấy cái nhà heo hút chúng ta từng trọ cũng có vấn đề gì đâu, cứ yên tâm, có huynh ở đây, không ai ăn hiếp được chúng ta đâu.

Hỷ Lạc nói: Muội không sợ cái đó, muội sợ chúng ta ăn hiếp nhầm người khác thôi. Huynh thì cái gì cũng ăn, chẳng giống sư chút nào. Trước đây huynh còn ăn chay, giờ thì... bao lâu rồi huynh chưa ăn rau ấy nhỉ.

Tôi nói: Yên tâm. Muội xem, nơi này là kinh thành mà.

Nói đoạn, tôi cảm giác có một cánh tay thò vào túi áo mình, tôi trông thấy một đứa trẻ hơn mười tuổi lẳng lặng rút từ trong áo tôi ra một ít tiền lẻ, sau đó đi ngang qua tôi. Tôi vung tay tóm lấy nó, kéo ra phía trước mặt, răn đe: Tiểu tử! Ai cho phép mày làm như vậy!

Tên tiểu tử chợt tái mặt, lập tức quỳ sụp xuống nói: Sư phụ! Đệ tử có mắt không thấy núi Thái Sơn, lỡ tay phạm tới bề trên.

Tôi nói: Ý ngươi là sao?

Tiểu tử đáp: Con là đứa nhanh tay nhanh chân nhất trong bang, chân tay của người còn nhanh hơn chân tay con, vậy nên người đích thị là sư phụ của con.

Tôi nói: Nói láo nào. Ta là người tốt.

Tiểu tử nói: Con cũng là người tốt mà, con không làm quan, con kiếm ăn dựa vào sức mình, sao lại coi con không phải người tốt cơ chứ?

Tôi nói: Cũng đúng. Nhưng suy cho cùng, trộm cắp là việc không tốt. Ta giao ngươi cho quan nhé!

Tiểu tử nói: Ấy chớ, xin người chớ có làm vậy, bao năm nay con chưa từng lỡ tay lần nào, việc này mà đồn ra, sau này con không được làm bang chủ mất.

Tôi nói: Bọn các ngươi ăn trộm mà cũng có bang hội à?

Tiểu tử đáp: Vâng ạ. Bang của bọn con nhỏ, có mười mấy người thôi. Thiên hạ thái bình quá ấy mà, ai cũng lập bang hội. Lần trước hai đại môn phái Thiếu Lâm và Võ Đang quyết đấu với nhau, con cũng đi xem đấy, trận ấy phải nói là quá tuyệt, hai người đều chưa nhúc nhích, một người dùng nội công đã đẩy người kia ngã xuống rồi, lợi hại thật, đúng là người luyện tập có khác, mọi người đều bảo phải luyện hơn hai trăm năm mới được như vậy, chính cái người của Võ Đang đấy, nghe nói sau khi luyện bốn trăm năm, đột nhiên anh ta cải lão hoàn đồng, lúc ấy liền có nội lực. Người của Thiếu Lâm thì không ổn, nghe nói mới luyện được hai trăm năm, nội lực kém hơn, lúc ấy con đang đứng phía dưới, cảm thấy cơ thể rung lên, cả người như bị hút về phía trước. May mà con tóm lấy thằng Vương béo giết lợn đứng trước mặt. Con cũng lén cùng mấy anh em luyện tập, sư phụ nói xem, hai người còn chưa chạm vào nhau, chân tay cũng chưa nhúc nhích chút nào, làm sao mà đẩy người ta ngã xuống được nhỉ, con và mấy anh em cũng nín hơi thử, xem có phóng được nội công không, kết quả mẹ kiếp, con đánh tuột cả rắm.

Tôi nghe mà mắt tròn mắt dẹt.

Tiểu tử tiếp tục nói: Lần ấy con muốn bái người phái Võ Đang kia làm sư phụ, muốn luyện nội công, trông thấy cô nàng nào khả dĩ thì hút cô ta lại. Thiếu Lâm không chịu thua, nhưng cái chiêu họ sử dụng quá thất đức, không cho người ta xuống khỏi nóc nhà chứ. Con ngày nào cũng đứng trước cửa Di Xuân các ngước nhìn, ngước đến vẹo cả cổ. Con cứ nghĩ người kia thế nào cũng phải vận công. Ai ngờ từ đầu chí cuối đều không vận, chắc bận trước vận lực quá nhiều, nên lần này không phát ra nổi nữa. Kết quả là sau một ngày không thấy người đó đâu, cứ tưởng người ta dùng khinh công biến mất, ai ngờ sau đó hay tin, mẹ kiếp, hắn bị chết đói.

Hỷ Lạc cũng mắt tròn mắt dẹt.

Tiểu tử lại nói tiếp: Thôi không nhắc nữa, trong lòng con thật sự rất khó chịu, người ta luyện hơn bốn trăm năm, thực chẳng dễ dàng gì, sao lại chết đói nhỉ. Có điều đợt ấy Trường An rõ náo nhiệt, riêng hôm tỉ thí võ công con đã chôm được hơn ba trăm lạng bạc rồi. Mọi người ai cũng ngước lên nhìn, muốn không chôm cũng khó. Hai hôm ấy, bọn lắm tiền rõ khó chịu, vì chính Di Xuân các, cái nơi chơi gái hạng nhất Trường An bị khóa trái. Con thì chưa bao giờ lai vãng tới đó. Con còn mừng thầm là khác. Hai bang hội lớn trong thiên hạ khiêu chiến, vậy là loạn thôi. Đến lúc đó con thừa cơ chôm chỉa, kiếm được hơn lúc này nhiều. Thế rồi đợi mãi đợi mãi, thiên hạ vẫn thái bình, đúng là công cốc.

Tôi sững sờ một lúc mới nói: Ta cứ đem ngươi nộp cho quan đã.

Tiểu tử đó lại quỳ xuống nói: Sư phụ, dù gì thì chúng ta cũng cùng hội cùng thuyền, sư phụ không thể đẩy con vào lò lửa được.

Hỷ Lạc nói: Thôi, nộp cho quan rồi đến lúc ra tù nó vẫn ăn trộm, hà tất phải như vậy.

Tôi nói: Thôi được. Ta thả ngươi.

Tiểu tử nói: Thực sự thì... thế này, con quá nhẵn mặt với thành Trường An này rồi, hai vị dường như vừa mới đến, vậy thì, hai vị có vấn đề gì cứ hỏi con, con sẽ cố gắng sắp xếp ổn thỏa.

Tôi nói: Vậy thì tốt. Ta hỏi ngươi, ở thành Trường An có người nào biết rõ mọi việc nhưng chưa hề có ai gặp được?

Tiểu tử không hề đắn đo, buột miệng trả lời: Không có.

Tôi hỏi tiếp: Được rồi, vậy có mấy người kỳ nhân?

Tiểu tử đáp: Kỳ nhân, quả thực không ít. Đông thành có Vương béo giết lợn, con vừa nhắc tới, người đời gọi là Vương khoái đao, một ngày nhiều nhất giết được hơn bốn trăm con lợn, mọi người đều bảo hẳn có thể sẽ được đưa vào sử sách. Nhưng sau đó, thằng Tạ béo hàng xóm không phục, một hơi giết hơn năm trăm con, Vương béo nào nuốt trôi được cục giận này, nhưng ngặt nỗi không thể tìm ra được số lợn nhiều như thế để giết, thế rồi hắn điều hơn một nghìn con lợn từ tỉnh ngoài về, chém sạch trong một hơi. Thịt lợn hai hôm ấy cứ gọi là rẻ mạt, hai đồng đã mua được nửa con rồi.

Tiểu tử ngẫm nghĩ, rồi nói tiếp: Phía Tây còn có một cái giếng, cái giếng đó cũng rất kỳ lạ...

Thấy tên tiểu tử say sưa kể chuyện, tôi và Hỷ Lạc cũng không muốn ngắt lời. Cuối cùng sau hai giờ chúng tôi mới nghe được một thông tin thú vị, rằng có một ông lão, không rõ tên họ, chuyên chế tạo binh khí, ông ta có một cửa hàng, cũng không rõ ông đã sống được bao năm, nhưng những món binh khí ông chế tạo thì nổi danh thiên hạ, thanh kiếm được gọi là Linh chính là do ông ta chế ra. Cửa hiệu của ông cũng rất kỳ lạ, ban ngày chưa từng thấy ai lai vãng, tối đến thì chỉ nghe thấy tiếng gõ nện, cũng chưa từng thấy có bóng người. Mọi người đều đồn rằng, ông ta không phải người.

Tôi nói: Vậy dẫn ta tới đó.

Tên tiểu tử dẫn chúng tôi đi dọc thành Trường An hoa lệ, đến một hàng rèn nằm ở góc phố. Tôi và Hỷ Lạc bước vào cửa, bên trong không một bóng người, cửa cũng chỉ khép hờ. Tôi quay người lại hỏi tên tiểu tử thì phát hiện ra thằng nhóc đã biến mất, chứng tỏ mọi người đều rất sợ nơi này. Bạn thử nghĩ xem, nếu có một nơi luôn nghe thấy tiếng gõ nện vào mỗi tối, nhưng lại không thấy bóng người, lại nằm ở một góc rẽ trên đoạn đường phồn hoa đô hội, như thế quả thực khiến người ta phải sởn gai ốc.

Tôi sờ ngắm tỉ mỉ vài món binh khí, quả là chế tác kỳ tuyệt, thiên hạ khó tìm. Tôi gọi một lúc lâu, không có ai đáp lại. Hỷ Lạc nói, dễ xử lý thôi, đoạn cầm lấy một món binh khí đắt nhất, đến tôi cũng không biết tên, cứ thế bước ra ngoài. Quả nhiên chưa đi được mấy bước, trên tường có một cánh cửa ngầm mở ra. Từ bên trong, một ông lão chậm rãi bước ra.

Ông lão nói: Các ngươi đến rồi đấy.

Tôi đáp: Tiền bối biết hết mọi việc thật không, kể cả việc vãn bối đến đây?

Ông lão nói: Ta không biết. Nhưng ta từng rèn một thanh kiếm, các ngươi chạm vào là ta có thể cảm nhận được.

Tôi nói: Ồ, kiếm vãn bối chạm vào đâu ít. Xin hỏi, thanh kiếm tiền bối rèn là thanh nào?

Ông lão nói: Thanh ta rèn vốn được gọi là Kiếm vương, nhưng sau đó lại phải đổi tên.

Tôi nói: Vãn bối chưa từng nghe thấy cái tên Kiếm vương, vậy thanh kiếm đó được đổi tên là gì?

Ông lão nói: Sau này nghe nói được gọi bằng một cái tên đơn, không phải tên Linh thì tên Tinh, nói chung ta không nhớ rõ.

Tôi và Hỷ Lạc sững người kinh ngạc, cảm giác đây chính là người mà sư phụ bảo phải tìm.

Tôi nói: Đúng rồi, thanh kiếm đó đúng là vãn bối đã từng cầm, hiện giờ cũng chính là thanh kiếm của vãn bối.

Ông lão nói: Ha ha, chủ nhân của thanh kiếm đó ta rất quen.

Tôi nói: Người tiền bối nói đến có phải Vô Linh không?

Ông lão cười rộ, nói: Vô việc cái gì, đó là tên các ngươi tự đặt ra, hắn tên là Dương Chính Cương.

Tôi và Hỷ Lạc nhìn nhau cười lớn, đoạn nói: Chắc không phải đâu, cái tên đó quá tầm thường.

Ông lão nói: Ta còn chưa có tên đây, cứ gọi ta là ông lão là được.

Tôi hỏi: Vậy tại sao mọi người đều gọi hắn ta là Vô Linh?

Ông lão nói: Có thể mọi người cảm thấy cái tên Dương Chính Cương không giống tên của một đại hiệp.

Tôi hỏi: Vậy người này hiện giờ ở đâu ạ?

Ông lão đáp: Chớ nóng vội. Cứ từ từ. Các ngươi có được thanh kiếm đó chắc hẳn cũng không phải hạng tầm thường. Nói đi! Các ngươi tìm ta có việc gì?

Tôi nói: Cũng không có việc gì, chỉ vì ngưỡng mộ tiền bối đã lâu, lại có cả lời đồn đại nữa, nên vãn bối đến thăm nom thôi.

Ông lão nói: Có lời đồn đại gì về ta nào?

Tôi đáp: Đồn rằng tiền bối chỉ rèn binh khí về đêm.

Ông lão nói: Mắt ta kém, sợ nhìn thấy ánh sáng đó mà.

Tôi nói: Tiền bối xem, người ta bảo chỉ nghe thấy tiếng rèn binh khí, nhưng chưa từng trông thấy tiền bối.

Ông lão nói: Điều đó là đương nhiên, ngươi xem vừa nãy ta bước ra từ cánh cửa ngầm kia, lúc thường ta đều rèn binh khí trong đó, làm sao có ai trông thấy ta được, ha ha.

Hỷ Lạc nói: Ông ơi, chắc ông nói đùa ạ, những món binh khí ông treo ở ngoài này, chưa từng có ai đến mua, trong khi chúng lại tốt như thế, vậy chắc hẳn phải có lai lịch.

Ông lão trả lời: Không phải đâu, do binh khí của ta bán quá đắt đó thôi.

Tôi nói: Chắc chắn tiền bối nói đùa rồi. Trông tiền bối cao thâm như vậy mà...

Ông lão cười lớn, đoạn nói: Ta thì cao thâm cái nỗi gì, tính ta rất thích chơi bời, nếu mắt ta không kém thì ta ra ngoài từ lâu rồi. Mấy năm trước ta còn đến chơi Thiếu Lâm nữa là. Có thằng nhóc con sao chép đồ của ta, nhưng kết cuộc ta lại bị thua kiện. Chúng muốn bêu rếu ta ngoài đường nữa chứ, ta thấy trò ấy chẳng vui nên chuồn luôn.

Tôi và Hỷ Lạc sững sờ thốt lên: Thì ra người đó là tiền bối!

Ông lão cũng sững sờ thốt lên: Thì ra người đó là ngươi!

Tôi và Hỷ Lạc vội xua tay, nói: Người đó không phải vãn bối, không phải vãn bối, mà là sư huynh của vãn bối, hồi ấy sư huynh rất thích tự làm ra các món đồ cho mình, còn chưa hiểu biết gì, xin tiền bối chớ để bụng.

Ông lão nói: Ta để bụng làm gì, việc gì cũng để bụng, liệu ta có sống lâu đến thế này không?

Tôi đáp: Chí phải, chí phải, nói ra, cũng phải rất lâu rồi vãn bối chưa gặp sư huynh mình, song sự việc lần ấy khiến sư phụ rất tức giận, bảo là đã mạo phạm đến tiền bối đây. Cũng may võ nghệ của tiền bối cao cường, hôm đi diễu phố đã hô hoán bão cát, sau đó mất tăm.

Ông lão nói: Ta nào có võ nghệ cao cường gì đâu, chẳng qua rèn binh khí đã lâu năm, mấy cái thứ còng chân còng tay của các ngươi, đều do ta cải tiến ra cả, trước khi tới ta đã chuẩn bị một chiếc chìa khóa vạn năng, đang đắn đo tìm cách mở khóa, bất tình lình bão cát ập tới, thế là ta chuồn thôi.

Tôi nói: Tiền bối nói đùa rồi.

Ông lão trỏ tay vào Hỷ Lạc nói: Đây là cô nàng của ngươi đấy hử?

Tôi đáp: Dạ vâng, vãn bối và cô nương này cùng nhau tới đây.

Ông lão nói: Các ngươi không phải từ chùa tới đây sao?

Tôi nói: Việc này nói ra rất phức tạp. Thế này đi, chúng ta hãy tìm chỗ cùng ngồi xuống nói chuyện.

Ông lão nói: Đợi trời tối đã, đợi trời tối đã. Nào, để ta thử binh khí cho ngươi!

Tôi đáp: Vãn bối không mang theo nhiều tiền đâu.

Ông lão cả cười nói: Thằng nhóc ngốc nghếch, ta bán đắt là vì ta không muốn bán, xem ngươi có sử dụng được không thôi.

Nói đoạn, ông lão liền cầm một món binh khí trông rất quái lạ đặt vào tay tôi.

Tôi nói: Thứ này, thưa tiền bối, sư phụ vãn bối vẫn chưa dạy cách sử dụng binh khí.

Ông lão nói: Hả? Thế ngươi cầm thanh kiếm Linh để chẻ củi à?

Tôi nhìn Hỷ Lạc, sợ cô nàng buột miệng nói ra chúng tôi định đem chẻ củi thật.

Ông lão nói tiếp: Tuy nhiên, Linh cũng chẳng có gì đặc biệt, ngươi xem!

Nói đoạn liền mở một chiếc tủ ra.

Trong tủ có hơn hai chục thanh kiếm.

Ông lão nói: Ngươi xem, thực ra đều như nhau. Ngươi thích, ta tặng ngươi mười thanh.

Hỷ Lạc nói: Vậy tốt quá, không cần phải chi ngân lượng để chuộc kiếm lại rồi.

Ông lão cả kinh thất sắc: Sao, các ngươi đem kiếm đi cầm cố sao?

Tôi vội nói: Không phải, không phải. Không phải thực sự đem cầm cố, mà là do dọc đường cõng Linh, người truy sát vãn bối quá nhiều, nên đành phải gửi vào một cửa hiệu cầm đồ, dù sao cũng không có ai ngờ rằng thanh kiếm mà thiên hạ tranh đoạt lại lưu trong cửa hiệu cầm đồ.

Tôi suýt nữa định nói tiếp: Nhưng xem tình hình hôm nay, chắc không cần phải chuộc về nữa.

Ông lão nói, còn nhiều, nhiều thứ nữa, ta làm ra nhiều thứ lắm, toàn những thứ ta không muốn người khác sử dụng. Thanh kiếm Linh ngươi thấy dùng thế nào?

Tôi đáp: Rất tốt, rất nhạy. Món đồ rất tốt, mọi người đều tranh giành nhau.

Ông lão lại nói: Lại đây, ngươi thử múa vài đường, ta cho ngươi cái này.

Tôi nói: Thưa tiền bối, vãn bối thực rất hổ thẹn. Vãn bối không biết dùng, song kiếm của tiền bối không thể sát thương được vãn bối.

Ông lão nói tiếp: Thật vậy sao? Ồ, ngươi luyện Đồng nhân đại pháp sao, ha ha, không sao, nếu ngươi luyện Đồng nhân đại pháp, loại kiếm thông thường có thể không sát thương được, nhưng kiếm của ta thì được, kiếm của ta chém người thường như cắt đậu phụ thôi, ngươi từng luyện phép mình đồng, thì có khác biệt một chút. Giống như chém đậu phụ già vậy.

Tôi trả lời: Không phải vậy.

Ông lão nói: Không phải cái gì, nào, ta trói ngươi lại, ngươi có dám thử không?

Tôi đáp: Vãn bối không có ý đó. Vãn bối có tài lẻ khác.

Ông lão nói: Tài gì nói mau.

Tôi đáp: Vãn bối có thể bắt được ám khí.

Ông lão nói: Sao ngươi lại miêu tả mình như mấy con vật trong đám mãi nghệ trên phố thế nhỉ, ồ, ngươi có thể bắt được ám khí, vậy ngươi có thể chui qua vòng lửa không?

Tôi đáp: Vãn bối không có ý đó. Chúng ta có thể thử xem sao.

Ông lão nói: Tuổi trẻ đúng là tuổi trẻ, chưa nói được mấy câu đã đòi thử rồi.

Tôi đáp: Nếu không vãn bối thực sự rất khó nói rõ.

Ông lão nói: Như thế này đi, ta sợ sát thương ngươi, nên dùng thứ làm bằng gỗ nhé, ngươi làm khó ta quá, ta già cả thế này rồi.

Ông lão chậm rãi cầm một thanh kiếm làm bằng gỗ từ trong phòng ra, tôi trộm nhìn, phát hiện ra thanh kiếm này còn sắc bén hơn loại kiếm rèn bằng sắt ngoài chợ. Kiếm sắc nhọn hay không có khi không nằm ở chất liệu, mà nằm ở chỗ nhẵn lì của nó. Thanh kiếm gỗ này quá nhẵn.

Hỷ Lạc dường như chưa từng quan tâm đến việc tôi đánh nhau với người khác, có lẽ do từ trước tới giờ tôi chưa từng thất bại, à quên, từng thất bại một lần, đó là lần giao đấu với Vạn Vĩnh. Song mặc dù vậy, Hỷ Lạc vẫn tự kiếm được một bình thuốc giải độc giá trị liên thành. Phải chăng Hỷ Lạc nghĩ, tôi có thể có được toàn bộ số binh khí trong căn phòng sau cuộc tỉ thí lần này, sau đó muội ấy sẽ đem tất cả ra ngoài bán tống bán tháo, để đổi lấy một căn nhà?

Ông lão chậm rãi giơ kiếm, đồng thời nói: Bắt đầu. Tuy nhiên dường như ông không dùng hết sức, tốc độ kiếm cũng giống tốc độ của mấy tên giả làm đệ tử Thiếu Lâm quê mùa giắt đao chạy loang quăng trên phố. Tôi chẳng cần hình dung, chỉ nhẹ nhàng né qua một bên.

Ông lão kêu lên: Oái, chém trượt ngươi à.

Tôi nói: Tiền bối dùng hết sức đi, vãn bối chưa dùng hết sức đâu, vãn bối cảm nhận được điều đó.

Ông lão nói: Được, thì dùng hết sức!

Nói dứt, ông lão cũng không dùng bất kỳ chiêu thức nào, cứ thể bổ thẳng kiếm xuống. Tôi chỉ thấy một tia sáng lóe lên, đây là lần đầu tiên trong đời tôi không nhìn thấy thực thể của binh khí, tuy đã dốc sức né tránh, song áo tôi vẫn bị chém rách toạc.

Hỷ Lạc nói: May quá, may mà vẫn chưa mua quần áo mới cho huynh.

Tôi nhìn ông lão, ông lão dường như chưa mở mắt, ngay lập tức tung ra một loạt chiêu thức không rõ tên, tốc độ cực nhanh, kiếm thức cũng rất kín, nếu ở cự li gần, chắc chắn không có cách nào né được. Hai người đấu võ, phần đáng xem nhất thực ra chính là đoạn né kiếm trong cự li gần, đó là bản lĩnh chân thực, nhất là khi đánh bừa, chém bừa. Giờ nghĩ lại, kiếm pháp có chiêu thức quả thực rất ngu xuẩn, kể cả khi hai người quyết đấu, anh có chiêu của anh, tôi liền có chiêu khắc chế chiêu của anh, một người đứng đó khua kiếm dựa theo chiêu thức, một người đứng đó né kiếm dựa vào những điều viết trong sách, tất cả chỉ chứng tỏ rằng, hai người này rồ dại. Bạn nghĩ xem, nếu chém mãi không trúng người ta, sẽ khó chịu biết nhường nào. Sao không ai nghĩ ra, khi chém mãi không trúng người ta, vốn định chém đầu họ, ta đổi sang chém một nhát ở chỗ khác, thế chẳng phải sẽ trúng luôn sao. Vậy nên tôi hoàn toàn không thể lý giải nổi tác dụng của chiêu thức. Trong khi chiêu thức mà ông lão sử dụng, hoặc có thể nói đó chẳng phải chiêu thức gì, chỉ là cách xuất kiếm của riêng ông ta, khiến tôi không có cách đối phó nào khác ngoài việc bước lùi về phía sau.

Ông lão cười ha ha hai tiếng, rồi dừng tay. Hỷ Lạc nói: Sao huynh cứ lùi lại phía sau thế nhỉ?

Tôi khẽ trả lời: Muội xem, người ta già cả thế này cũng đâu có dễ dàng gì, huynh nhường ông ấy ấy mà.

Hỷ Lạc nói: Đúng rồi, huynh hiền lành đấy.

Tôi thở phù một hơi, rồi nói với ông lão: Tiền bối xuất chiêu đi!

Ông lão nói: Lần này ta đổi sang dùng quạt.

Nói đoạn liền vào phòng lấy một cây quạt ra, đồng thời nói: Đỡ một chiêu này! Ông lão dứt lời lập tức phóng quạt tới. Tôi có thể nhìn thấy rõ, nhưng tốc độ quá nhanh, không cách nào khiến cơ thể phản ứng kịp. Tôi nghĩ bụng, lần này toi rồi, tuy không hẳn là anh minh một đời, cũng chẳng hơi đâu để tâm đến điều đó, song suy cho cùng cũng chẳng thể chết bởi một nhát quạt được. Việc này sẽ khiến Hỷ Lạc nghĩ về tôi thế nào đây?

Tôi nghiêng người, song thời gian chắc không đủ. Bất thình lình, chiếc quạt xòe ra, tốc độ lập tức giảm xuống nhanh chóng. Bây giờ tôi mới có thể tóm được cán quạt.

Ông lão nói: Ha ha, thế nào, cũng khiến ngươi thót tim đấy chứ?

Tôi đáp: Không sao ạ, tiếp tục đi tiền bối!

Ông lão nói: Thôi, thôi khỏi, ta đã biết ngươi là ai rồi.

Tôi hỏi: Tiền bối còn biết việc gì ạ?

Ông lão trả lời: Biết, biết hết, ta sống ngót trăm tuổi rồi, có việc gì mà không biết.

Ông lão dẫn tôi vào trong phòng, cho tôi xem tác phẩm được làm trong cả một thế kỷ của ông ta. Ông lão nói: Ta chưa từng luyện công phu gì cả, ngày ngày đều làm những món này, chân tay cũng nhanh nhẹn lên.

Tôi nói: Chúng ta có thể tìm lấy một chỗ ngồi xuống từ từ nói chuyện.

Ông lão trả lời: Được.

Chúng tôi liền tìm tới một tửu lâu gần đó, Hỷ Lạc gọi một ít đồ ăn, ông lão cất lời: Ngươi chắc chắn là tên ấy.

Tôi nói:Vãn bối là tên nào ạ?

Ông lão đáp: Có một lời đồn thế này, cứ mấy trăm năm ấy, ta quên rồi, thì xuất hiện một người, người này có thể nhìn thấy những thứ mà người thường không nhìn thấy, có thể nhìn rõ vật thể chuyển động với tốc độ nhanh, thậm chí có thể nhìn thấu nội tâm của người khác.

Tôi trả lời: Đúng là có chuyện đó.

Ông lão nói tiếp: Đó là nửa đầu câu chuyện, nửa sau đồn rằng, người này, rất lợi hại, song, có thể dẫn đến đại loạn. Ai mà giết được người này, người đó có thể có được thiên hạ.

Tôi và Hỷ Lạc đều há hốc miệng cùng lúc.

Ông lão hỏi: Ngươi có tin lời đồn không?

Tôi đáp: Vãn bối...

Ông lão nói: Ngươi xem, đồn rằng thanh kiếm Linh có thể ra hiệu lệnh cho cả thiên hạ, vậy mà ta có hơn hai mươi thanh, nhưng nào kêu gọi được ai. Một thằng ngốc, cầm một thanh kiếm thì ra lệnh được cho ai nào.

Tôi và Hỷ Lạc đồng thanh trả lời: Vâng, đúng rồi!

Ông lão lại nói tiếp: Ngươi xem, người ta cứ đồn tay Dương Chính Cương như gì ấy, sự thực thì sao, ngươi biết không? Ngươi biết không? Hai ngươi đều không biết đâu, ta thì biết, ha ha, đó chẳng phải là lời đồn đại sao?

Tôi và Hỷ Lạc gật đầu một cách chắc chắn hơn.

Ông lão nói: Tuy nhiên, lời đồn là lời đồn, có mấy kẻ bị đồn thổi biết được chân tướng của sự việc đâu. Mọi người làm sao có thể biết được, vả lại người ta làm việc gì cũng đều thích đồn thổi.

Tôi gật đầu.

Ông lão nói tiếp. Lần tỉ thí trước, đến giờ vẫn im hơi lặng tiếng. Nhưng chưa chắc đâu, có thù ắt sẽ báo thù, đến Bồ tát cũng làm như vậy, chẳng qua cách làm khác nhau mà thôi, tóm lại mọi người đều muốn xử lý sự việc sao cho trong lòng cảm thấy sảng khoái.

Tôi nói: Nhưng mà, hình như hội Võ Đang vẫn không có động tĩnh gì. Thực lực của bọn họ vốn không thể đối chọi được với Thiếu Lâm.

Ông lão nói: Ngươi nghĩ thế nào?

Hỷ Lạc nói: Hội Võ Đang không dám đâu. Lần trước Thiếu Lâm đã cho tay Lưu Vân, kẻ võ công cao cường nhất trong đám bọn họ, phải chết đói rồi.

Ông lão nói: Mấy hôm trước, có người của Võ Đang tới đây, muốn mua năm trăm món binh khí từ cửa hàng của ta. Ta không có nhiều như thế, nên bán cho họ một trăm món. Bán với giá cao. Ta đoán là dùng để báo thù.

Tôi nói: Tiền bối làm vậy có thích hợp không?

Ông lão đáp: Ngươi xem, suy cho cùng, ta chỉ là người làm ăn buôn bán mà thôi.

Tôi nói: Nhưng tiền bối cũng không thể bán hàng cho kẻ xấu được, ai lại vẽ đường cho hươu chạy như thế.

Ông lão cười nói: Người tốt kẻ xấu đâu có dễ phân biệt như vậy. Không có ai muốn làm người xấu cả, đúng không nào?

Tôi đáp: Đại để như vậy.

Ông lão nói tiếp: Nếu quả thực là như vậy, thì Võ Đang chẳng phải là không còn ai. Mà Thiếu Lâm các ngươi cũng chẳng tốt đẹp chỗ nào cả, chỉ là hai bang hội mà thôi, người có đông hơn một chút, ta không hơi đâu để tâm nhiều như thế, huống hồ mấy thanh kiếm đó cũng chẳng giúp được gì.

Tôi nói: Vậy chắc Thiếu Lâm không xảy ra chuyện gì chứ ạ?

Ông lão đáp: Đương nhiên là xảy ra chuyện rồi. Sư phụ ngươi mới là nhà tiên tri, ông ta đã điều ngươi tới Trường An. Ngươi nên về xem sao.

Tôi nói: Được rồi, vãn bối sẽ lên đường ngay đây.

Ông lão nói: Chớ vội chớ vội, muộn một khắc cũng không sao, ăn cơm xong đã, rồi theo ta.

Tôi đáp: Vãn bối quả thực nuốt không trôi, sư phụ, phương trượng và cả sư huynh của vãn bối đều ở đó.

Ông lão nói: Vậy được rồi, không ăn nữa, ngươi theo ta, ta cho ngươi một món đồ, đảm bảo hữu hiệu.

Chúng tôi quay lại nhà ông lão. Ông lão đưa cho tôi một thanh kiếm, nói: Ban nãy ta bảo tặng ngươi món kia, nhưng ta thấy không thích hợp với ngươi lắm, cũng bởi chẳng biết đặt đâu, đây, thanh kiếm này, không có tên, nhưng có linh tính. Nó rất cùn, nhưng mỗi lần thấy máu nó sẽ nhạy hơn một chút, ta biết có người cũng nói như vậy về thanh kiếm của Dương Chính Cương, nhưng thanh đó là giả đấy. Thanh này mới là thật, chất liệu rất đặc biệt. Vả lại, thứ đặc biệt nhất không phải là kiếm mà là vỏ kiếm. Ngươi xem, trên bề mặt có một hình hoa sen rất nhỏ, ngươi ấn vào đây, sẽ có ám khí phóng ra từ mũi vỏ kiếm, cây trâm ấy mới là thứ quý giá nhất, trong vòng năm mươi bước có thể xuyên thủng cây cột trong đại điện hoàng cung. Ngươi đừng có thử làm gì, ta thề rằng ngươi không tài nào trông thấy được nó đâu. Thanh kiếm ta đưa cho Dương Chính Cương cũng có công năng này, tốc độ và lực đẩy đều bằng ba lần cái này. Dương Chính Cương trước đây cũng dùng thứ này suốt, cho nên người ta mới nói hắn ra tay rất nhanh, còn chưa động thủ mà đối phương đã ngã xuống rồi. Vốn dĩ võ công của hắn cũng không tồi, nhưng sau này, hắn lười nhác, chỉ ưa dùng ám khí, ta cũng đến mệt, suốt ngày phải bảo trì cho hắn, đúng thật là. Ta bảo hắn, Chính Cương này, ngươi thi thoảng dùng kiếm đi mà, kiếm cũng rất tốt đấy chứ, nhất là kiếm khí, lúc ấy sắc bén nhất. Thôi được rồi, sau này ta sẽ kể tiếp câu chuyện về tên này, các ngươi về cho sớm đi, ta thấy tâm trí của các ngươi đã không còn ở đây nữa rồi. Nhớ đấy, kiếm cần dính máu, ám khí chỉ có thể dùng một lần. Còn nữa, khi suy nghĩ thì phải học cách không được nghĩ tới tiền đề, không cần biết tới điều kiện, chỉ cần nghĩ tới kết quả thôi.

Tôi và Hỷ Lạc đều ngây người tại chỗ. Bởi chúng tôi đã suy đoán quá nhiều về câu chuyện của Vô Linh – Dương Chính Cương, kết quả ai ngờ lại là như vậy. Tôi cảm tạ ông lão.

Tôi và Hỷ Lạc sốt sắng muốn quay về. Con Lép dường như đã hiểu biết hơn rất nhiều, nó đã học được cách chạy chậm. Chưa chạy được mấy bước, ông lão từ phía sau gọi: Đợi đã!

Tôi và Hỷ Lạc thúc ngựa quay lại. Ông lão móc ra một cái túi, nói: Cầm lấy, trên đường còn dùng. Mà nếu thấy đứa nào không đánh lại được, thì phải chạy, nhớ đấy, với cái thằng nó cao siêu hơn mình, thì dùng tinh thần thôi không có tác dụng gì đâu.

Thành Trường An dọc đường hoa lệ, cũng bất quá chỉ lưu lại trong khoảnh khắc. Rất nhanh sau đó chúng tôi đã ra khỏi cổng thành, xong dường như có việc lớn xảy ra, cho nên quan quân xuất hiện rất đông.

Tôi hỏi: Chắc không xảy ra chuyện gì thật chứ?

Hỷ Lạc đáp: Chắc không có gì đâu, trong chùa chúng ta có hàng bao người như thế, lại tập võ hàng ngày, biết bao sư huynh có võ nghệ cao cường, Võ Đang nhãi nhép có thể làm gì được.

Tôi nói: Hy vọng là vậy.

Dọc đường thúc ngựa. Sau hai ngày thì cũng tới Trục thành. Chẳng thiết nghỉ ngơi, chúng tôi chạy thẳng tới Thiếu Lâm.

Tôi càng đi càng cảm thấy rất lạ, dường như đã xảy ra một việc tày trời nào đó. Hỷ Lạc luôn miệng nói rằng không có chuyện gì xảy ra cả. Tôi nghĩ, thực ra người khó chịu nhất lại chính là Hỷ Lạc, bởi tôi biết muội ấy cố ý làm ra điệu bộ trái ngược với nội tâm mình, vậy nên hẳn càng cảm thấy khó chịu hơn. Tôi nghĩ nơi tôi sinh sống hơn chục năm trời chắc chắn không còn nữa. Càng nghĩ càng chẳng dám nghĩ tiếp, lại càng không dám nói cho Hỷ Lạc biết, Hỷ Lạc cũng không nói, muội ấy chắc chắn biết rằng tình hình này không thể lạc quan cho được, dọc đường chỉ có con Lép vẫn hí hửng thở phì phò.

Thực ra từ sau trận tỉ thí võ công lần trước, mọi người đều cảm thấy thiên hạ sắp sa vào một cuộc hỗn loạn, thực ra hỗn loạn hay không, bá tánh không nhìn ra được, chỉ cần triều đình không hỗn loạn mà thôi. Hỗn loạn được tạo nên bởi những kẻ sớm tối chỉ nghĩ đến việc thiên hạ đại loạn để rồi ta sẽ là anh hùng. Họ giả bộ hành tẩu giang hồ, đồng thời ra cái vẻ hôm nay ta bước ra khỏi cửa thì sẽ không định sống trở về, song kỳ thực thì họ vẫn sống trở về hàng ngày, điều đó thực là nỗi bất hạnh của xã hội.

Từ mười năm về trước, thành Trường An cấm bá tánh không được mang giắt đao kiếm, kẻ nào vi phạm sẽ lập tức bị nộp cho quan, thường thì đều bị giam năm năm. Bởi vậy đao kiếm hạng lớn về cơ bản chẳng có ai mang theo mình, những người hành tẩu giang hồ chỉ có thể giắt thứ đao kiếm nhỏ, nhưng loại nhỏ dùng rất không khoái, vả lại hoàn toàn không có khí phách hào hiệp chút nào, mỗi lần ra khỏi cửa đều không có cảm giác coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, mà chỉ cảm thấy bản thân mình như thể ra đi gọt táo vậy, nên mọi người có rất nhiều ý kiến về việc này. Năm năm trước có một võ phái tên là Kim Ngưu cảm thấy thực sự không thể nín nhịn được nữa, không thể tiếp tục giắt dao gọt táo đi lại trên đường, nếu tiếp tục hành tẩu như vậy thì sẽ thành phái Quả Táo mất, thế rồi họ muốn phá vỡ điều luật này.

Ban đầu họ nghiên cứu cách xông vào hoàng cung khử tay hoàng đế, sau đó đổi quốc hiệu, nhưng về sau thấy trong tay cũng chỉ có hơn trăm người, chắc chắn chưa kịp đến hoàng cung, chỉ vác đại đao xông ra đường, cả lũ đã phải chịu tù năm năm rồi. Nghiên cứu mãi lại thấy tốt nhất vẫn nên nhẫn nhịn để khỏi tổn hại đến đại cục, quốc hiệu tạm thời chưa cần đổi, nhưng đại đao thì nhất định phải được vác ra đường, một là bản thân mình sảng khoái, hai là cũng có thể coi như được nở mày nở mặt với các bang phái khác. Một toán thằng ngốc nghĩ rõ lâu, cuối cùng nghĩ ra diệu kế, đó là tạo ra sự hỗn loạn, khiến bá tánh phải nhao nhao đòi được cầm vũ khí ra đường, bằng không sẽ không an toàn. Hô hào được nhiều tiếng nói của dân, có khi triều đình suy nghĩ lại.

Thế rồi bọn Kim Ngưu phái bắt đầu hành động, chúng làm đủ mọi trò, ngang nhiên cướp bóc hoặc ngấm ngầm cầm dao đâm đít người ta, rồi thì bắt cóc trẻ con, hiếp dâm con gái nhà lành, đập phá chợ búa... nhưng kết cục ngoài tội danh tự ý mang theo đao kiếm ra, gần như cả lũ đều bị bắt với tội danh khác, mười tên bị xử tử, những tên còn lại ít nhất bị phạt tù mười lăm năm.

Sau lần quyết đấu giữa Võ Đang và Thiếu Lâm bận ấy, mọi người đều cảm thấy thiên hạ sắp đại loạn, ban đầu, thực ra Võ Đang đã thắng Thiếu Lâm, có thể coi là minh chủ giang hồ, nhưng cuối cùng Lưu Văn lại bị bao vây cho đến chết, việc này không biết phải tính thế nào, vả lại hai phái vốn đã có nhiều ân oán, bá tánh muốn đi thắp hương lễ phật, đến chùa Thiếu Lâm là thuận tiện hơn cả, vậy nên mọi người đều cảm thấy Thiếu Lâm là người tốt, hơn nữa trông Thiếu Lâm thực sự không thô lỗ như hội Võ Đang và Kim Ngưu, ít ra trông cũng giống những người đã được học hành vài năm. Về phía Võ Đang, thực ra kẻ đứng đầu luôn cảm thấy hình tượng hắn trong xã hội rất tốt đẹp, hắn còn làm không ít việc thiện, giúp xây sửa nơi này nơi nọ, song mọi người luôn cảm thấy đám đạo sĩ này bất hảo, dù nghĩ mãi vẫn không thể chỉ ra được rốt cuộc họ bất hảo ở điểm nào, điều này khiến Võ Đang thực sự rất tức tối.

Đứng ở góc độ triều đình, tuy luôn ủng hộ Thiếu Lâm, song triều đình cũng không hy vọng chỉ có một mình Thiếu Lâm lớn mạnh, tuy một toán sư sãi cả ngày tụng kinh thực sự không có vẻ gì là có thể dấy quân khởi nghĩa, song bất luận thế nào, sự lớn mạnh mang tính lấn át của bất kỳ đoàn thể nào cũng đều không tốt, vậy nên triều đình cũng ngầm giúp đỡ Võ Đang rất nhiều, ví như nạn đói hồi tôi còn nhỏ, phái Kim Ngưu vốn có hơn hai trăm tên, rốt cuộc sau nạn đói đã chết gần một nửa. Còn toàn thể phái Võ Đang chẳng có tên nào chết đói, chắc chắn triều đình đã ngấm ngầm chuyển lương thực đến cho họ.

Tuy nói như vậy, song mọi người vẫn không thể tự hài lòng với những gì mình có. Đặc biệt là Võ Đang. Võ Đang ngang nhiên hay ngấm ngầm khiêu khích cũng chẳng sao, chỉ cần họ không có những hành động cụ thể. Song sau cái chết của Lưu Vân ở lần tỉ thí võ trước, Võ Đang một mực im lặng, ngay cả việc khiêu khích cũng không, điều này khiến Thiếu Lâm vô cùng lo lắng. Thiếu Lâm đã phái đi không ít gián điệp, song họ không hề phát hiện được mảy may động tĩnh, phương trượng chê họ ngốc nghếch, không thấy được việc lớn từ trong những việc nhỏ nhặt, một chút dấu tích cũng không phát hiện ra. Phương trượng hận không thể tự mình làm gián điệp, chỉ tiếc rằng ông đã quá già, vả lại khuôn mặt đặc tướng mạo của một phương trượng, thực không thể tưởng tượng nổi ông có thể làm được gì.

Lần này nghe những điều ông lão nói, việc tôi lo lắng cuối cùng cũng xảy ra.

Chúng tôi ruổi ngựa chạy cả ngày lẫn đêm, cuối cùng đến dưới chân núi. Tuy nhiên đường lên núi đã bị quan quân phong tỏa. Tôi biết chắc chắn đã xảy ra đại sự, liền tiến lên phía trước xuất trình thẻ bài pháp danh, quan binh nói rằng họ không có quyền cho người khác được vào, bất kể là ai cũng không được phép, cần phải thông báo với cấp trên đã. Tôi nói, được rồi, vậy ngươi mau thông báo với cấp trên đi.

Tên lính quèn lập tức gọi một chân chạy vặt lại nói: Báo với thượng cấp, báo ở đây có một đệ tử cấp cao của Thiếu Lâm muốn vào đó xem thế nào. Có cho phép vào hay không.

Tên sai vặt lập tức chạy đi. Tôi hỏi anh lính quèn: Xảy ra việc gì vậy?

Tên lính nói: Bọn tôi cũng không lên đó xem được, tôi đoán là xảy ra đại sự rồi.

Tôi nói: Không xảy ra vấn đề nhân mạng chứ? Có thấy khiêng ai xuống không?

Tên lính nói: Không thấy, võ công Thiếu Lâm của các ông lợi hại như thế, lại biết khinh công, đạp xuống đất một cái là bay vọt lên, hai bước là nhảy tới Trường An, sợ gì chứ?

Tôi nói: Ừm. Vậy lúc nào thì mới được vào xem?

Tên lính nói: Đợi cấp trên phê chuẩn đã.

Tôi nói: Ừm. Cấp trên của các cậu ở đâu?

Tên lính nói: Ở Trường An.

Tôi và Hỷ Lạc vội lắc đầu, nói: Vậy không ổn, không ổn, xa quá.

Tên lính nói: Không xa đâu, đi đi về về mất một ngày thôi, bọn tôi cưỡi loại ngựa mới, đánh từ Tây Vực về.

Tôi nói: Thế vẫn quá xa. Sư phụ và sư huynh tôi đều ở trên đó, tôi lại trông coi những việc hệ trọng trong chùa, không cho tôi lên làm sao được?

Tên lính nói: Không sao đâu, cấp trên dặn dò như thế, tôi cũng chẳng có cách nào, tôi phải nuôi mấy cái miệng rỗng, cả nhà đều trông chờ ở bổng lộc của tôi để được ăn cơm, thả cho ông vào là tôi mất mạng ngay. Chi bằng hai người vào chỗ nào trong trấn mà nghỉ ngơi, tôi đảm bảo, không có ai mệnh hệ gì đâu, ông xem, tôi còn chưa thấy có vị nào bị khiêng xuống nữa là.

Tôi và Hỷ Lạc bớt lo đi nhiều , chúng tôi quyết định vào trị trấn xem xét.

Đến thị trấn, dường như đã hoang vắng đi nhiều, phần lớn cửa hàng cửa hiệu đều đóng cửa. Hỷ Lạc nói: Chi bằng chúng ta tới hiệu cầm đồ xem sao, vẫn còn thư thả mấy ngày, nhưng muốn lấy lại đồ luôn cũng được, chúng ta có một chút tiền, cộng thêm số tiền ông cụ cho... Đúng rồi, ông cụ cho bao nhiêu tiền thế nhỉ, muội còn chưa kiểm tra. Ôi, nhiều phết, nặng gớm, mình chẳng để ý kiểm tra, dọc đường phải lo nơm nớp, mệt thật đấy.

Vừa nói Hỷ Lạc vừa nhấc thử, đoạn bảo, dù gì thì cũng phải được hai mươi lạng. Mở túi ra xem, cô nàng há hốc mồm kinh ngạc, kêu lên: Trời ơi, là vàng! Một lạng vàng đổi được bao nhiêu bạc!

Trong đầu vẫn nghĩ về việc xảy ra trên núi, tôi buột miệng nói: Không biết.

Hỷ Lạc moi trong túi ra, lại có phát hiện mới, nhìn qua rồi lại kêu lên: Trời ơi! Ngân phiếu. Còn có cả chữ ký của giám ngân nữa chứ. Hai nghìn lạng, chúng ta mua được nhà rồi!

Tôi nói: Sao thế được.

Hỷ Lạc chìa tờ ngân phiếu ra trước mặt tôi, nói: Huynh xem. Sau đó kéo tôi đi về phía hiệu cầm đồ.

Chúng tôi đi ngang qua một quán trọ, dọc đường mệt mỏi, không thể không nghỉ ngơi cho được, tôi và Hỷ Lạc quyết định vào ngủ một giấc ngắn để lấy lại tinh thần. Chúng tôi lập tức chìm vào giấc ngủ, đến khi trời mờ tối, cả hai mới xuất phát từ quán trọ đi tới hiệu cầm đồ.

Đến nơi, chúng tôi phát hiện, cửa hiệu đã bị cướp sạch, bên trong không còn một thứ gì, chỉ có chủ tiệm và tay thợ vẽ đứng ngây ra trong đó.

Hỷ Lạc vội hỏi: Đồ của chúng tôi đâu?

Chủ tiệm gãi đầu nói: Mất cả rồi, mất sạch cả rồi, không còn gì cả.

Hỷ Lạc hỏi: Bức tranh ấy cũng mất rồi sao?

Chủ tiệm lắc đầu, im lặng.

Hỷ Lạc nói: Ông phải đền cho chúng tôi!

Chủ tiệm khóc lóc nói: Tôi lấy hết mọi thứ ra đền rồi, khách hàng đòi đồ gì tôi cũng không có, ngân lượng cũng bị cướp cả rồi, tôi lấy gì mà đền đây?

Hỷ Lạc nói: Được rồi, ít nhất thì cũng phải đền cho chúng tôi một bức tranh.

Chủ tiệm nói: Được rồi, cô cũng là người thấu tình đạt lý. Cái bọn ấy chứ!

Tôi hỏi: Cửa hàng của ông làm sao vậy?

Chủ tiệm nói: Võ Đang đến trả thù Thiếu Lâm, tiện thể cướp cửa hàng của tôi.

Tôi nói: Sao cơ, Võ Đang? Thế lực của Võ Đang có thể đối chọi với Thiếu Lâm sao?

Chủ tiệm nói: Đúng thế, có lẽ Võ Đang đến trả thù tôi, tiện thể cướp Thiếu Lâm.

Tôi nói: Tình hình sao rồi, có phải ngay cả cửa chùa, Võ Đang cũng ngăn không cho vào?

Chủ tiệm nói: Tôi không biết, cậu không thấy quan binh đang canh đường lên chùa à. Có điều lòng người khủng hoảng, nghe nói tình hình không được khả quan, hình như Thiếu Lâm không được diệt môn rồi.

Tôi và Hỷ Lạc đều kinh ngạc nói: Không thể thế được!

Chủ tiệm nói: Mọi người đều bảo vậy mà. Võ Đang hôm ấy bao nhiêu người lên thì bấy nhiêu người xuống, trên kiếm toàn máu.

Tôi và Hỷ Lạc nghe xong câu chuyện lập tức xông lên núi. Đến chân núi, chúng tôi vẫn bị quan binh chặn lai.

Tôi nói: Để chúng tôi lên núi xem sao!

Quan binh nói: À, bọn ta đã đi xin ý kiến chỉ thị rồi, ngươi xem, vừa về đến nơi đây này, cấp trên bảo phải cầm thẻ bài pháp danh của ngươi về Trường An xin ý kiến lần nữa.

Tôi đang định nổi cáu, Hỷ Lạc liền kéo tôi chạy thẳng lên núi. Quan binh đuổi theo sau, tôi dừng lại hét lớn: Ta là đệ tử có võ công cao cường nhất Thiếu Lâm, các ngươi mà dám lại gần, ta sẽ giết, tưới máu lên bảo kiếm của ta!

Nói đoạn, tôi định rút kiếm ra, song thanh kiếm này quá thô ráp, rút mãi mà không sao rút ra được, cảm giác như thể đã han gỉ ở bên trong. Tuy nhiên bộ dạng tôi cầm kiếm trực rút ra khiến mọi người kinh hãi. Quan binh đều bất ngờ dừng bước.

Tôi và Hỷ Lạc sải bước đi lên, càng đi càng sốt ruột, dường như còn ngửi thấy cả mùi máu lẩn trong không khí.

Tiến lên phía trước, tôi và Hỷ Lạc bất giác sững người, cổng chùa đã không còn nữa, bị nổ tung thành một cái hố lớn.

Chúng tôi bước vào trong hố, bất chợt cảm thấy không thể thở được, bên trong toàn là xác đệ tử Thiếu Lâm, ngót nghét ngàn người, trông chừng không còn ai sống sót.

Trong lòng tôi trống rỗng, không còn ý nghĩ, tôi đánh rới kiếm xuống đất, lần tìm sư phụ và phương trượng trong đống xác ngập ngộn, phương trượng thì có thể khẳng định không ở trong đống xác này, có thể người đã bị bắt, bởi phương trượng ăn vận sặc sỡ, có thể nhận ra ngay. Sư phụ và sư huynh của tôi thì rất khó tìm. Tôi lần tìm từng xác một, tất cả tử thi đều nát bươm mặt mũi, có lẽ họ bị đánh độc trước tiên, sau đó bị hủy xác, một số xác đã bắt đầu bị phân hủy, hơi lay động cơ thể khóe mép liền chảy ra dịch máu màu đen.

Tôi hồi tưởng lại, sư phụ là người nói huyền hoặc rất có trình độ, bằng không đã không phải bậc thầy trong Thiếu Lâm. Bất kể đối xử với người khác thế nào, từ đầu chí cuối người đều đối với tôi rất tốt, tất cả đều vì muốn tôi có thể trở nên vững vàng hơn, nhanh nhẹn hơn, người thường chăm sóc tôi một cách đặc biệt, dường như chưa từng coi tôi là người của Thiếu Lâm, tôi thậm chí có thể không cần tụng kinh hàng ngày. Sư phụ nói trong lòng con đã không tin thì có làm cũng như không làm. Điều đó khiến về sau có một số việc tôi không thích, tôi đã giả bộ không tin. Song có một số việc chẳng liên quan gì đến chuyện tin hay không tin cả, ví như việc quét sân. Sư phụ nói tôi là trường hợp đặc biệt, và còn nói, lúc nào nguy nan, sức mạnh của tôi có thể bảo toàn được Thiếu Lâm, khi ấy thì phải nhớ tới tình xưa nghĩa cũ. Một điều có thể khẳng định là, tôi không thể tin Phật, có lẽ đó là truyền thuyết đã được thêm mắm thêm muối thôi. Thiếu Lâm và Phật giáo, tuy không thể tách rời, song từ đầu chí cuối không phải cùng một cái tên, mà là hai cách gọi, cho nên bất luận thế nào, tôi cũng là người trưởng thành từ Thiếu Lâm. Từ nhỏ sư phụ đã dạy tôi nhiều đạo lý, khiến tôi cảm thấy, đạo lý thực ra đều vô lý, bất kỳ câu nói nào cũng là đạo lý cả, nếu như bạn muốn tìm đạo lý đến tận cùng. Tôi chỉ có thể hồi tưởng lại những điều trước đây sư phụ từng nói, rất nhiều điều ngay bản thân ông cũng không nhớ rõ. Diện mạo của ông luôn hiền hòa, dường như đối với những người muốn được coi là đức cao vọng trọng trong Thiếu Lâm, yếu tô tiên quyết là phải có khuôn mặt hiền hòa, nếu một người từ nhỏ mặt mũi trông đã dữ tợn, bất kể có sở hữu một trái tim lương thiện đến thế nào đi nữa, cũng không để được làm trưởng lão khi họ gia nhập Thiếu Lâm. Có lẽ vì nguyên nhân này cho nên những kẻ mặt mũi không hiền lành đều gia nhập vào bang phái khác. Sở dĩ Thiếu Lâm trải dài qua nhiều triều đại, có thể cũng do khuôn mặt đều quá hiền từ, thử hỏi có bao nhiêu người nhẫn tâm đến mức có thể xuống tay với cả ông nội mình? Sư phụ tôi quả thực rất kỳ lạ. Trong lòng tôi, ông nửa như một người ông nửa như một người cha. Thực sự chẳng biết rốt cuộc là thế nào.

Còn sư huynh Thích Không, dường như ngay từ nhỏ đã được đãi ngộ giống như tôi. Có lời đồn rằng sư huynh tôi là thái tử, chỉ vì mẹ huynh ấy bị hoàng hậu bức hại cho nên mới trộm đem huynh ấy ra ngoài nuôi dưỡng. Đợi sau khi trưởng thành thì đưa trở lại, khi nào thời cơ chín muồi, huynh ấy có thể sẽ lên làm hoàng đế. Tôi nghĩ, điều này khó có thể xảy ra, có lẽ chỉ vì muốn giải thích cho nguyên nhân vì sao chúng tôi hơi đăc biệt nên sư phụ đã đơm đặt ra câu chuyện đó, để khiến chúng đệ tử khâm phục mà thôi.

Tính khí của sư huynh cũng rất kỳ quặc, tôi luôn cảm thấy huynh ấy chắc phải có năng lực đặc biệt nào, nhưng sự thực là cho đến lúc tôi ra đi năng lực ấy vẫn chưa được phát hiện ra. Trong khi đó sư huynh suốt ngày chuyên tâm vào công tác sáng chế, song dường như ngoài chiếc móc câu ra thì không có thành quả nào khác. Tuy nhiên từ đầu chí cuối huynh ấy vẫn say mê không biết mệt mỏi. Huynh ấy cũng là một người để lại cho tôi ấn tượng rất lạ, bởi địa vị đặc biệt nên chúng tôi luôn được chơi cùng nhau, nhưng tôi luôn cảm thấy sư huynh chỉ là một người bạn chơi bời rất thân thiết mà không thể dốc bầu tâm sự được, điều này rất kỳ lạ, đặc biệt là sau khi có sự xuất hiện của Hỷ Lạc.

Vậy mà hôm nay, họ đã không còn trên đời này nữa. Tôi nghĩ, nếu là sư phụ, ông có thể chẳng để bụng việc này, sẽ không có khác biệt gì quá lớn cả, chỉ là mãi mãi không gặp lại nhau nữa mà thôi. Nhưng tôi đoán rằng ít nhất tôi sẽ phải đau buồn một thời gian dài, đồng thời nghĩ rằng, may mà còn có Hỷ Lạc ở bên tôi.

Tôi lật xem hơn nghìn cái xác, vẫn không tìm thấy sư phụ và sư huynh, tôi hy vọng họ bị bắt đi. Nhưng hằng ngày họ đều mặc y phục như những người khác, hoàn toàn không có cách nào phân biệt được khi đã bị trúng độc bất tỉnh. Vả lại lúc ở trong chùa, mọi người đều không đeo thẻ bài pháp danh.

Bên kia, Hỷ Lạc nức nở khóc, khóc xong đứng dậy lật xác rồi lại tiếp tục khóc.

Còn tôi đã gần như tuyệt vọng, tôi chỉ sợ thực sự phát hiện ra xác của một trong hai người, đó là cảm giác gần như suy sụp. Tôi nhận thấy bản thân mình không thể nào tiếp tục tìm kiếm nữa, một là vì sắc trời đã tối hẳn, khuôn mặt họ hầu như đã bị hủy hoại, hoàn toàn không thể nhận ra được ai là ai nữa, hai là vì tôi và Hỷ Lạc đều không muốn ở lại đây, bởi khi bóng tối sậm dần, tôi cảm thấy xung quanh bị bao bọc bởi nỗi oán hận chồng chất khiến không khí trở nên đậm đặc, cứ cảm giác có rất nhiều thứ của dĩ vãng không muốn rời xa, vẫn chập chờn phảng phất, hàng trăm đôi mắt đang đoái nhìn, trong các căn phòng khác nhau tựa hồ vẫn có người làm các công việc như trước kia, có điều có thể họ thực hiện lần cuối cùng mà thôi. Mặc dù họ đều tin Phật, song biến mất khỏi nhân gian một cách không rõ ràng thế này, vẫn khiến người ta cảm thấy khó mà chấp nhận.

Tôi và Hỷ Lạc dìu nhau xuống núi, Hỷ Lạc phá vỡ sự im lặng, nói: Muội sợ lắm.

Tôi nói: Không có gì đâu, chẳng qua ở thế giới khác thôi.

Hỷ Lạc nói: Muội cứ cảm giác có người luôn bám theo ta.

Bất chợt, tôi cảm thấy rùng mình vì câu nói của Hỷ Lạc.

Tôi nói: Không sao đâu, toàn là những người quen biết trước đây, đến tiễn chúng ta thôi mà, có lẽ bảo chúng ta đi báo thù.

Hỷ Lạc nói: Huynh chẳng phải vừa nói họ sang thế giới khác rồi sao?

Tôi nói: Cần phải có một thời gian quá độ. Quãng hai hôm nữa làm lễ siêu độ là xong.

Hỷ Lạc nói: Ai tới siêu độ cho họ?

Tôi nói: Cũng phải, có thể phải đợi một thời gian nữa, các chùa lớn khác sẽ cử người tới tạm thời tiếp quản nơi này.

Hỷ Lạc nói: Muội thấy trước mắt không thể có chuyện đó đâu, có lẽ họ đều sợ.

Tôi hỏi: Sợ cái gì chứ?

Hỷ Lạc nói: Sợ các ba

/8

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status