Trở Lại 30 Năm Trước

Chương 10

/96


Chớp mắt đã qua mười ngày, An Na cũng đã dần dần quen với các giáo viên cùng phòng. Cấp 4 có một giáo viên Ngữ Văn Vương Thi Anh, trước đây có quan hệ rất tốt với mẹ của Lý Mai, bây giờ lại rất quan tâm tới cô. An Na rất nhanh chóng quen thuộc với hoàn cảnh của trường học, công việc cũng thuận buồm xuôi gió. Sáng sớm hôm nay dậy hơi muộn, nghĩ đến hôm nay tới lượt cô trực nhật thì vội rửa mặt mũi qua loa xong là đi thẳng tới trường.

Con đường tới trường phải đi qua một bãi ghềnh, rộng chừng hơn mười thức, nhưng nước không quá sâu, mùa hè chỉ chạm đến đầu gối, mùa đông chỉ tới cổ chân, thường đóng băng, cách đó hơn trăm mét có một cây cầu có thể đi qua, nhưng hằng ngày người qua lại và đám học sinh lại thích đi tắt qua bãi sông, dẫm lên những hòn đá để đi qua.

Bình thường An Na đều dẫn Tiểu Ny đi qua cây cầu này, nhưng hôm nay Tiểu Ny nghỉ ở nhà, thời gian lại gấp gáp nên An Na quyết định đi đường tắt.

Nước đã đóng thành băng, lớp băng có thể chống đỡ được trọng lượng của một người trưởng thành, An Na bước lên từng hòn đá, đi rất cẩn thận, đang lúc nhấc chân định đặt vào một viên đá thì đằng trước có tiếng nói vang lên:

– Cô ơi, chờ chút ạ.

An Na ngẩng lên, thấy đó là học sinh nam tên Từ Binh của khối 4.

Cậu ta có vóc dáng cao hơn so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng lúc đi học, An Na cảm nhận được rõ ràng cậu và các bạn trong lớp không hòa đồng với nhau, ngay cả bạn cùng bàn cũng không bắt chuyện với cậu, cho nên ấn tượng rất sâu sắc.

– Hòn đá đằng trước không chắc đâu ạ, để em chèn chắc đã rồi cô hẵng qua.

Từ Binh đặt cặp sách xuống đất, chạy tới vệ đường nhặt một hòn đá phẳng, quay trở lại chèn dưới hòn đá kia, còn dùng chân đạp đạp thấy ổn rồi, nói:

– Được rồi ạ, cô đi được rồi ạ, vữa nãy suýt nữa thì em bị ngã đấy.

An Na mỉm cười:

– Cô cám ơn em Từ Binh.

Cậu học sinh cười ngượng ngùng, chạy trở lại, nhặt cặp sách rồi chạy về hướng trường học.

An Na đi qua con rạch đến trường, lúc tan học, các giáo viên trong phòng bắt đầu thảo luận về hộ cá thể.

Lúc này quốc gia đang khuyến khích phát triển nền kinh tế tư nhân, tuy nhiên trong biên chế nhà nước vẫn là mơ ước của hầu hết tất cả mọi người, nhưng hộ cá thể cũng không phải là chuyện mới mẻ, đủ loại hộ chuyên nghiệp (ở nông thôn Trung Quốc hộ gia đình hoặc cá nhân chuyên làm nghề nông) cũng đã mọc lên như nấm. Lúc các giáo viên trò chuyện thảo luận, cũng nói đến việc này, có người thì mơ ước, có người thì khinh thường, nghĩ làm công chức nhà nước ổn định thì vẫn ưu việt hơn.

Hộ vạn nguyên đầu tiên của huyện La Bình là một loại hộ lương chuyên nghiệp, họ Lưu, năm ngoái đã mạnh dạn ôm khoảnh đất mấy trăm mẫu, năm nay số lượng lương thực bán cho nhà nước  mấy chục vạn cân, thu hoạch một năm nghe nói đạt tới hai vạn, đây thực sự là tin nóng hổi của địa phương.

– Nghe nói ông Lưu còn thuê công nhân làm công ngắn hạn nữa. Nhiều người đến nhà khóc lóc đòi ông ta kéo dài thời hạn nữa ấy. Ông Lưu này đúng là đã phát triển con đường cách mạng rồi.

Thầy dạy toán họ Hồ bình thường rất quan tâm tới vấn đề này, mỗi khi hết giờ đều thảo luận về vấn đề này với mọi người.

– Hộ vạn nguyên của ông ta lấy năm mươi một trăm cứu tế người khác, chẳng khác gì muỗi đốt lông trâu, có đáng gì đâu cơ chứ? – Một giáo viên khác tiếp lời.

– Ồi, thầy Tôn à. – Thầy Hồ quay sang chất vấn giáo viên dạy môn Đạo Đức, – Anh nói xem, chúng ta cực khổ ba mươi năm, trong một đêm lại trở về trước ngày giải phóng, ông Lưu thuê công nhân ngắn ngày, thế có  phải là bóc lột không hả? Nhà nước cho phép như vậy không?

Thầy giáo dạy Đạo Đức ngày nào cũng xem báo huyện, nói:

– Mới mấy hôm trước báo có đăng, chính quyền huyện mời ông Lưu tham dự hội nghị những hộ giàu toàn huyện giới thiệu về kinh nghiệm làm giàu đấy. Tôi thấy không có vấn đề gì cả, chính sách cũng sẽ không thay đổi đâu.

Thầy Hồ thở dài:

– Ôi, người ta thu nhập một năm có thể mua được 4,5 căn hộ trong thành phố, chúng ta với đồng lương bèo bọt như này, so với người ta kém rất xa. Lương vừa mới phát được mầy ngày tôi lại nẫu ruột, trong nhà một đống thứ phải chi tiêu….

– Này thầy Hồ, tôi nghe người ta nói, ông có làm thêm ở bên ngoài à? – Thầy Đạo Đức hỏi.

Thầy Hồ đang uống nước sặc một cái.

– Linh tinh gì đây, không bao giờ đâu. Chớ ăn nói linh tinh đấy, ảnh hưởng không hay…

An Na ngồi im nghe, chợt thấy giáo viên Vương Thi Anh đẩy cửa phòng vẫy tay với mình bèn vội ra ngoài.

– Lý Mai, sau tiết này cháu có rảnh không? – Nhìn bà có vẻ rất gấp.

An Na gật đầu:

– Hết tiết này cháu rảnh ạ, có việc gì không ạ?

– Mẹ cô bị ngã phải đi bệnh viện, cô muốn đi thăm bà ấy. Trước đó cô nghe nói cháu từng dạy ngữ văn rồi đúng không? Cháu giúp cô dạy một tiết nhé? Bài giảng cô chuẩn bị xong hết rồi, cháu chỉ cần theo giáo trình dạy là được.

An Na biết bà không muốn xin nghỉ để bị trừ tiền lương. Ở tại nơi này được một thời gian, cô biết trường học cũng không quản lý quá nghiêm ngặt đối với phương diện này, các thầy cô giáo nếu có việc thì đều tự đổi hoặc nhờ nhau, hôm nay anh giúp tôi ngày mai tôi giúp anh rất phổ biến, thấy bà đang rất sốt ruột bèn đồng ý.

– Khối 4.

Vương Thị Anh nhét giáo trình vào tay cô rồi vội vã đi luôn.

Nhân lúc còn chưa đến giờ lên lớp, An Na tranh thủ đọc giáo trình.

……………

Khối 4 có hơn 40 học sinh, chuông vào lớp vừa vang lên, An Na mặt mày tươi tắn đi vào, đứng trên bục giảng.

An Na từng giảng hai tiết âm nhạc ở khóa này, các học sinh đều rất yêu quý cô giáo dạy nhạc trẻ trung xinh đẹp lại hiền hòa, cô không giống như các thầy cô giáo khác là yêu cầu bọn trẻ lúc nghe giảng phải ngồi ngay ngắn hai tay đặt lên bàn. Thấy cô đột nhiên đi vào tiết Ngữ văn, tất cả đều sôi sục phấn khởi.

Tiết hôm nay là về bài thơ cổ, “Khúc Vị Thành” của Vương Duy. An Na dựa theo giáo trình bắt đầu giảng, khi nhìn thấy Từ Binh ngồi ở trong góc hàng sau, bèn gọi cậu lên đọc.

Từ Binh dường như bất ngờ khi mình bị điểm danh đứng lên đọc thơ, cậu lộ vẻ kinh hoảng, lúng túng đứng lên, tay cầm sách, mắt nhìn chằm chằm vào đó, miệng há ra nhưng không phát ra được âm thanh nào.

Đám học sinh trong lớp bắt đầu xì xào chỉ trỏ, trêu chọc.

An Na thấy lạ, nom Từ Binh lộ vẻ căng thẳng thì mỉm cười cổ vũ:

– Đừng căng thẳng, đọc sai cũng không sao, cô sẽ sửa giúp em.

– Mưa…..thành….

Từ Binh bắt đầu lắp bắp đọc ra hai từ, cả lớp cười vang.

– Cô Lý ơi, cậu ấy biệt hiệu là Đại Ngốc, lưu ban nhiều năm rồi. Cậu ta không đọc được đâu, đầu óc cậu ta có vấn đề ạ, thường bị thầy cô giáo phạt đứng ở cửa đấy ạ.

Một học sinh nam nghịch ngợm lên tiếng.

– Yên lặng. – An Na ngăn tiếng ồn ào, – Đặt biệt hiệu cho bạn là không hay chút nào, cô mong từ nay về sau không nghe các em nhạo báng bất kỳ bạn nào nữa.

Nụ cười trên mặt An Na không còn, giọng nói nghiêm trang.

Cả lớp yên tĩnh lại, không còn tiếng ồn ào nữa.

An Na nhìn Từ Binh, thấy mặt cậu đỏ rực, đầu cúi gằm thì bảo cậu ngồi xuống.

Tan học, An Na theo bản năng liếc nhìn Từ Binh, thấy cậu ngồi tại chỗ, phát hiện mình đang nhìn thì xấu hổ, lặng lẽ cúi đầu xuống.

An Na trở lại phòng làm việc, hỏi một giáo viên trong phòng tình hình của Từ Binh.

– À, Đại Ngốc khối 4 kia à. – Thầy giáo kia nói, – Cậu ta có vấn đề về đầu óc. Đáng lẽ phải lên lớp từ lâu rồi nhưng lại bị lưu ban liên tục. Một bài ghép vần dạy nó không biết bao lần mà còn không biết, học hành chẳng ra sao cả. Học kỳ này hiệu trưởng còn định khuyên cậu ta đừng đi học nữa, mẹ cậu ta đến trường khóc lóc xin xỏ mãi mới giữ cậu ta lại. Tôi thấy, loại óc heo này còn học hành cái gì, tốt nhất ở nhà giúp bố mẹ chăn bò đi.

An Na nhớ lại cảnh tượng lúc sáng sớm, cảm thấy Từ Binh không hề có vấn đề về đầu óc như thầy giáo này nói, nhưng một học sinh bình thường dù ngốc thế nào đi chăng nữa thì học nhiều năm như vậy cũng không thể từ một nhận thức thành hai được.

Khi về nhà, cả buổi tối trong đầu An Na vẫn luẩn quẩn vụ việc phát sinh trong lớp hôm nay, chuẩn bị đi ngủ rồi, cô đột nhiên nghĩ tới một khả năng, rất có thể Từ Binh mặc chứng khó đọc, chỉ có vậy mới giải thích được vì sao biểu hiện học tập của cậu lại kém như thế.

……….

Ngày hôm sau, khi tan học An Na gọi Từ Binh để gặp.

Từ Binh cúi gằm xuống.

– Xin lỗi em, hôm qua cô không biết mà gọi em lên đọc bài. Cô xin lỗi em.

Từ Binh chậm rãi ngẩng đầu, ngỡ ngàng nhìn An Na.

– Bình thường khi nói, em nói rất rõ ràng. Nhưng khi em đọc theo hoặc viết thì em lại thấy rất khó khăn. Hoặc là một hàng chữ, em biết, nhưng chỉ chớp mắt là em thấy không phải là chữ nữa. Có phải khi học em thấy như thế không?

– Cô…sao cô…lại biết ạ… – Từ Binh lắp bắp.

An Na mỉm cười nói:

– Hãy tin cô, năng lực của em không hề kém các bạn đâu, thậm chí có một số phương diện còn xuất sắc hơn, chỉ là ở mặt thị lực và thính giác thì không ăn khớp nhau, cộng thêm áp lực của em quá lớn, cho nên tình hình càng ngày càng tệ. Cô có một người bạn, khi còn nhỏ cũng giống như em vậy, nhưng sau khi sửa chữa và trị liệu thì bạn cô đã trở thành một kiến trúc sư rất giỏi. Nếu em tin tưởng cô, cô sẽ giúp em, chúng ta từ từ học, cố gắng giúp em cải thiện tình trạng này.

Từ Binh ra sức gật đầu.

– Cô Lý, cô Lý!

An Na đang trò chuyện cùng Từ Binh thì nghe có người gọi phía sau, là một thầy giáo.

– Hiệu trưởng Lý tìm cô Lý đấy, cô qua đó đi. – Người kia bảo.

– Cô còn có việc. Em tạo áp lực cho mình quá lớn, hãy tin tưởng bản thân, em không hề kém cỏi đâu. Để cô nghĩ cách để giúp em

Đôi mắt Từ Binh đỏ lên, cậu lau mắt, quay vào lớp học. Đi được hai bước, chợt quay đầu lại nói:

– Em cám ơn cô Lý.

An Na mỉm cười nói:

– Không có gì. Em đi học đi.

An Na nhìn Từ Binh đi vào lớp xong mới đi đến phòng hiệu trưởng. Cô gõ cửa đi vào, hiệu trưởng Lý đang cúi người cầm cời sắt khều vào bếp lò, thấy An Na tới thì đặt cời sắt xuống, ra hiệu cô ngồi xuống.

– Tình hình giảng dạy thế nào?

An Na không biết bà có chuyện gì muốn nói với mình, tự nghĩ mình không vi phạm gì cả, ngoại từ hôm qua giúp cô Vương Thi Anh giảng môn Ngữ văn, e rằng hiệu trưởng Lý đã biết việc này. Bản thân mình thì không sao, nhưng chỉ sợ ảnh hưởng đến cô Vương, bèn cẩn trọng nói:

– …Dạ…tốt ạ. Các đồng nghiệp cũng giúp đỡ nhiều. Trường học như một đại gia đình….

– Thế thì tốt. Tiểu Lý này, hôm nay tôi gọi cháu tới, là có một nhiệm vụ quan trọng muốn giao cho cháu. – Hiệu trưởng Lý cười tươi rói, – Huyện có tổ chức một cuộc hội diễn văn nghệ, từng trường phải có một tiết mục tập thể để tham gia, tiết mục nổi trội còn được tiến cử tham gia hợp diễn thành phố nữa, đến lúc đó lãnh đạo thành phố đều dự hết. Tiết mục của trường chúng ta sẽ giao cho cháu phụ trách. Tiểu Lý à, cháu mới đến, đây chính là một khảo nghiệm quan trọng với cháu. Hiệu trưởng Cát nói, chỉ cần tiết mục trường ta được khen ngợi, cháu sẽ được vào biên chế chính thức. Thế nào, cháu có làm được không?

/96

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status