Triền Miên

Chương 2: Trường tương tư

/30


Cách trường học ba con phố có một lầu hồng lớn. Cô nương trong đấy đều rất xinh đẹp. Người đứng đầu là Kỷ Mai Hoa.

Trên trán nàng có một đóa hoa mai đỏ, dung nhan tuyệt thế. Tuyệt vời hơn là tài khải đàn của nàng êm như tiếng suối, ai nghe rồi là không thể nào quên.

Phí gặp mặt của nàng là 10 lượng bạc, nếu muốn nghe đàn thì là 100 lượng. Kỷ Mai Hoa bán nghệ không bán thân. Giá rất đắt nên ngoài các vương tôn công tử, người giàu có tài muôn bạc vạn, ít ai dám mơ ước được cùng người ngọc vui cuộc trăng hoa.

Ngày Tết, Hồng lầu mở một cuộc thi đố thơ, khải đàn. Ai giải được liên tục 3 câu đố sẽ được gặp đối ẩm cùng Kỷ cô nương trong một canh giờ, thưởng thức tài ca hát của nàng.

Người người nô nức đến Hồng lầu. Dù biết đó là một cách kiếm tiền khôn khéo của tú bà, ai tham gia giải đố cũng phải có 1 lượng bạc gọi là phí ghi danh nhưng được gặp giai nhân, những gã si tình kia nào có nề hà gì tiền bạc. Hội giải đố thơ đông như hội, ai cũng nô nức để rồi buồn bã ra về.

Hạ Vũ ở nhà lão sư thực sự là một “đầu gỗ”….So về thi từ ca phú, văn chương, anh học đâu nhớ đó, thông minh tuyệt đỉnh. Tuy nhiên những chuyện khác trong cuộc sống lại thực sự rất cứng nhắc. Lão sư đôi khi cũng lo lắng, nếu ông không bảo anh làm, có lẽ việc ăn cơm Hạ Vũ cũng không mấy quan tâm.

Tết là dịp gia đình xum họp. Hạ Vũ không có gia đình nên ở lại với lão sư. Khả năng nấu nướng của anh không tệ. Các món ăn ngày Tết đều có đủ. Chỉ có hai người ngồi đối diện cùng nhau.

-Vũ nhi à!

-Dạ.

-Ăn cơm xong con nên ra ngoài dạo chơi một chút. Không nên ở mãi trong nhà.

-Dạ.

Vẫn cái giọng đều đều như thế, Hạ Vũ bình thản thu dọn chén bát. Lão sư lại gọi khi anh dợm bước ra ngoài.

-Sao lại ăn mặc thế này?

Lớp vải thô khoác ngoài không làm giảm tư chất nho nhã của Hạ Vũ. Nhưng áo đã cũ…Lão sư chợt nhớ, ngoài bộ đồ rách rưới ngày đầu Hạ Vũ mặc, dường như Hạ Vũ chỉ có bộ quần áo này.

-Con cầm lấy.

Ông đưa cho Hạ Vũ 6 văn tiền, dặn anh ra ngoài mua một bộ quần áo mới. Hạ Vũ chợt nhớ, lão sư đâu có nhiều tiền.

-Sư phụ không có nhiều tiền.

-Con cứ cầm lấy. Con cũng nên mua thêm quần áo mới. Chỉ có một bộ quần áo, là nam nhi,bạn bè chê cười.

Loài người có nhiều nguyên tắc. Hạ Vũ không quan tâm tới quần áo. Nhưng lời lão sư đã dạy thì anh sẽ thực hiện cho tốt. Hạ Vũ cầm 6 văn tiền, bước ra đường.

Người rất đông.

Hạ Vũ không biết rằng, toàn thân mình toát lên một khí chất phi phàm thế nào. Áo vải thô không làm giảm vẻ tuấn tú, lịch lãm trong từng bước chân người. Hạ Vũ không quan tâm thế sự, gương mặt thanh tú lúc nào cũng bình lặng, không vui cũng không buồn, khiến người nhìn thấy đều có chút e dè.

Chỉ có vài người bạn học cũng đi chơi Tết nhận ra Hạ Vũ. Họ gọi ngay:

-Hạ Vũ.

Hạ Vũ dừng lại. Nhìn thấy người quen, anh cũng không vồn vã, chỉ khẽ đáp lời:

-Phạm huynh…Mã huynh…Phong huynh…

Trong số người học, Phong Tứ Khiêm là con trai quan Đề đốc, tính cách phóng khoáng. Chàng ta đối với Hạ Vũ cảm thấy rất có hứng thú, muốn kết bạn. Nhưng tính cách Hạ Vũ lạnh nhạt, từ tốn, nếu không phải là lời lão sư giáo huấn, thường sẽ không nghe.

Hôm nay gặp mặt trên đường, Phong Tứ Khiêm đi nhanh hơn về phía Hạ Vũ, môi không tắt nụ cười:

-Hạ huynh đi đâu vậy?

-Lão sư bảo đi mua thêm quần áo. Nhưng tôi không biết bố trang ở đâu?

-Huynh ít ra đường nên không rành đường xá. Chúng tôi đi với huynh.

Hạ Vũ không từ chối. Hỏi người lạ đường đi không bằng đi với người đã biết rõ đường.

Tại bố trang, Hạ Vũ chọn mua một bộ quần áo thường giá 5 văn tiền dù Phong Tứ Khiêm đã ngỏ lời muốn tặng một bộ trang phục bằng gấm tơ tằm thượng hạng. Vô cớ không thụ lộc…Lời lão sư dạy, Hạ Vũ không quên. Huống hồ, trang phục chỉ là thứ che thân tạm bợ, sao phải vì nó mà nhận ơn nghĩa của người.

Hạ Vũ khí chất thanh nhã, dù khoác trang phục bình thường vẫn không làm giảm được vẻ ngọc thụ lâm phong trên người. Phong Tứ Khiêm không màng đến vẻ ganh tỵ trong mắt hai người bạn đồng hành Mã Luân, Phạm Cự khen ngợi ngay:

-Hạ huynh không quan tâm đến tài vật, thực sự làm tiểu đệ kính phục.

-Chỉ là một bộ quần áo, không cần Phong huynh phải bận tâm.

Mã Luân chợt nhớ ra một chuyện. Chàng ta làm như vô tình, gợi ý ngay:

-Sẵn lúc gặp Hạ huynh ở đây, chúng ta cùng đến Hồng lầu đi. Có hội giải đố xuân rất nhộn nhịp, chúng ta cũng có thể vừa giải đố, vừa kết chặt tình bằng hữu. Các huynh thấy có phải không?

Giá vào cửa hồng lầu là 1 lượng bạc. Hạ Vũ dừng lại phía ngoài.

Phong Tứ Khiêm cũng ngừng lại, ngạc nhiên:

-Hạ huynh, vào đi huynh?

-Tôi không có tiền.

Trên người Hạ Vũ chỉ có 6 văn tiền sư phụ đưa cho, sau khi mua y phục thì không còn nữa. 6 văn tiền và 1 lượng bạc, khoảng cách rất là xa.

-Huynh đâu cần lo chuyện đó – Phạm Cự tiếp lời- Phong huynh là người hào sảng, đương nhiên không để huynh phải trả tiền rồi.

-Không đáng. -Hạ Vũ thản nhiên- Nhận ơn nghĩa vì một chuyện không đáng. Tôi xin cáo từ.

Vào trong phải tốn tới một lượng bạc, nhờ đến tiền của người ta, xem như là chịu ân nghĩa một lần. Thêm một chuyện không bằng bớt đi một chuyện. Huống gì Hạ Vũ chẳng mấy quan tâm tới nơi này, cũng chẳng thích thú gì tới chuyện bước vào trong.

-Hạ huynh…- Phong Tứ Khiêm cảm trước mặt Hạ Vũ- Chúng ta vào trong không phải để trêu hoa ghẹo nguyệt. Thử tài giải đố cũng là một cách học hay, thử thách tài học của mình. Huynh…

-Ngoài việc giải câu đố, không có cách nào khác để thử tài học hay sao?

Câu đố của con người hầu như là vận dụng sự lắt léo trong sắp xếp ngôn ngữ. Cũng chỉ là một trò lừa gạt, với Hạ Vũ không nói lên được điều gì.

-Công tử đây…Câu đố không chỉ là cách để thử tài học. Câu đố cũng là cách rèn luyện trí tuệ, tránh tình trạng “mọt sách” càng lúc càng nhiều đó thôi.

Một cô gái xinh đẹp đột ngột xuất hiện. Mã Luân nhận ra đó là Tư Mã Phượng Cầm, là tỷ muội thân thiết với Kỷ Mai Hoa. Nàng cũng nổi tiếng bởi nhan sắc và tài hoa không kém tỷ muội mình, chỉ là thiếu một chút duyên may nên chưa trở thành đệ nhất danh kỹ lầu hồng. Tuy nhiên giá gặp mặt nàng ta cũng rất cao.

Tư Mã Phượng Cầm sau khi xuất hiện liền thi lễ, hướng về phía Hạ Vũ, nhẹ nhàng:

-Tỷ tỷ tôi mong đón tiếp tất cả các vị công tử. Mã công tử và Phạm công tử là khách quen, hai vị là bạn của họ, chúng tôi hân hạnh được đón tiếp. Mời các công tử theo tôi.

Phong Tứ Khiêm kéo Hạ Vũ vào trong. Cảnh tượng nhộn nhịp, ai nấy đều háo hức và suy nghĩ cho thật kỹ để có thể giải được câu đố, nhanh chóng được nhìn thấy dung nhan người đọc .Thế mà bóng Kỷ Mai Hoa như bóng chim tăm cá. Câu đố trong Hồng lầu cũng chẳng mấy người giải được. Tiếng xì xào bàn tán không ngớt, nhất là khi Tư Mã cô nương – đệ nhị danh kỹ đi vào cùng với mấy thanh niên tuấn tú, phong nhã hơn người.

-Hạ huynh…Nhìn câu đố kia kìa.

Hạ Vũ thờ ơ lướt qua những câu đố treo đầy trong đại sảnh. Người ta xúm xít xung quanh nó bàn tán, tìm lời giải đáp. Để làm gì? Để chứng tỏ cho người khác thấy là mình rất tài giỏi, để người ta phải ca ngợi mình sao?

Chỉ tới khi nhìn thấy một cây đàn được làm bằng chất ngọc trong suốt, Hạ Vũ mới chú ý đôi chút. Anh chạm nhẹ vào dây đàn. Nó làm được một loại sợi mảnh, âm thanh vang lên thánh thót như tiếng chuông ngân.

Hồng lầu tĩnh lặng hẳn. Mọi sự chú ý bỗng dồn về phía chiếc đàn.

Từ phía trên hồng lầu, bỗng xuất hiện một bóng áo tím. Tiếng xôn xao lại được dịp cất lên:

-Kỷ cô nương…Đúng là Kỷ cô nương rồi.

Phong Tứ Khiêm vốn tự hào mình phong lưu khắp chốn, nhưng bây giờ cũng ngây ngất đứng lặng nhìn nàng.

Kỷ Mai Hoa không hổ là đệ nhất mỹ nhân hồng lầu. Nàng xinh đẹp, nhưng quan trọng nhất vẫn là khí chất. Không kiêu kỳ, không sang cả, không cần gồng mình làm cao song lại khiến người ta nhìn vào vừa thương tiếc lại vừa e ngại. Đôi mắt nàng luôn nhìn thẳng, không bối rối, không cố ý làm thân hay hướng vào ai.

-Công tử…

Kỷ Mai Hoa đã đến bên cây đàn và Hạ Vũ. Nụ cười mê hồn lại nở trên bờ môi mọng đỏ của nàng.

-Đây vốn là món quà của một khách thương tặng cho thiếp. Dây đàn quá mảnh, công tử là người đầu tiên chạm vào lại phát ra âm thanh mà không gây hại gì cho đàn. Mai Hoa xem như đã tìm được tri âm.

Người gặp mặt nàng chỉ có 2 loại người. Một là đam mê nhan sắc, giữ lòng ái mộ nàng. Một là sợ hãi, ganh ghét trước dung nhan tuyệt mỹ. Nàng ban đầu cũng nghĩ gã đàn ông này chẳng qua là chỉ muốn tạo nên ấn tượng tốt cho mình, ai ngờ….

-Nàng không xứng với cây đàn.

Không chỉ có Mai Hoa sững người tại chỗ, hồng lầu đều không ngớt tiếng bàn tán, những ánh nhìn vừa hả hê, lại vừa tức giận thay nàng ca kỹ mệnh danh là thiên hạ đệ nhất nơi này.

-Đàn tốt không nên để yên như thế. -Hạ Vũ nhớ tới lão sư mỗi lần đặt tay lên dây đàn đều thật nhẹ nhàng, trân trọng. Lão sư xem nó là tri âm tri kỷ. Người ở đây nghĩ vì đàn thì ít, nghĩa tới nhục dục có được người đẹp thì nhiều. Tâm tình như thế rất khó đàn lên những cung bậc thật hay.

Hạ Vũ lặp lại lần nữa, vẫn thản nhiên, vẫn thât lạnh lùng.

-Nàng không xứng với nó.

Sau phút trấn tĩnh, Mai Hoa bước lên một bước, hơi cao giọng:

-Tiểu nữ tử không dám xem mình là người tài giỏi. Nhưng khả năng chơi đàn của tiện nữ cũng không đến nỗi. Nếu công tử không phiền thì mời cùng thử so dây đánh phím, so tài một phen với các vụ đã có lòng tới đây gặp mặt Mai Hoa….

Trường tương tư là một khúc nhạc mang nhiều tâm sự. Nhưng bản chất của nó vẫn là một khúc tương tư.

Cô nương lầu xanh thì có ai mà tương tư thương nhớ. Khúc nhạc của Kỷ Mai Hoa rất điêu luyện, rất tình cảm nhưng nó lại không có thần, không nhìn thấy được trong đấy nỗi khổ của kẻ phải tương tư.

Hạ Vũ thích âm thanh của cây đàn này. Nó giống như tiếng suối reo bất tận anh thường nghe trong những ngày ngồi canh cho chủ nhân ngủ. Âm thanh đó phóng khoáng, êm dịu, thanh âm của tự do.

Hôm nay, khúc Trường tương tư bi thiết, Hạ Vũ như cảm nhận đàn đang khóc. Đàn làm từ ngọc thạch, dù quý giá nhưng cũng là đá. Đá quen phong ba dầm dãi, đá không muốn bó buộc, đá không mong cuộc sống trong chỉ bốn bức tường.

Khúc nhạc kết thúc. Hàng tiếng vỗ tay vang lên. Kỷ Mai Hoa hướng về Hạ Vũ, đôi mằt đẹp thoáng hiện vẻ tự mãn, có phần thách thức:

-Hạ công tử…Xin mời.

Hạ Vũ chạm khẽ vào đàn. Âm thanh của nước chảy qua đá ngày nào lại vang lên.

Bàn tay anh chậm rãi chuyển động. Ban đầu thái độ mọi người còn hờ hững…Nhưng rồi càng lúc càng bị hút vào trong khúc nhạc. Vẫn là những cung điệu của bài Trường tương tư quen thuộc, nhưng sao…

Nỗi tương tư của đá về những ngày sống giữa thiên nhiên tươi đẹp. Đá như đang cười khanh khách. Đá như reo vui khi có nước chạm qua.

Nước rất nhẹ nhàng vuốt ve xung quanh đá. Nước len lỏi qua những vết nứt trên mình đá. Nước thì thầm…Nước an ủi khi đá có vết thương.

Đá nhớ nước. Đá tương tư nước. Đá muốn trở về những tháng ngày cũ. Khi ấy đá bị che phủ bởi đám rong rêu chằng chịt…Đá xấu xí, đá thô kệch. Chỉ có nước bên đá, cùng đá thầm thì…Nước mài giũa độ trơn bóng cho đá. Nước dịu dàng xoa những tổn thương trên mình đá. Bây giờ không có đá, nước vẫn vô tình cuồn cuộn. Nhưng âm thanh tạo ra của dòng nước đã không còn là một khúc hợp âm êm dịu khi nước đánh mất đá, đánh mất một phần quan trọng trong những tháng ngày vô tận của chính mình.

Đá muốn về với nước. Nhưng đá không còn là đá của ngày nào nữa. Đá đã bị người ta đục đẽo tạo thành hình dạng khác. Những vết nứt mà nước len lỏi vào phát ra âm thanh như thì thầm ấy vốn cũng không còn.

Đá buồn. Đá nhớ nước. Nước cũng buồn…Cũng nhớ đá biết bao nhiêu.

Bản Trường tương tư chấm dứt, người vẫn còn chìm vào trong giấc mộng. Nỗi tương tư của đá và nước khác hẳn nỗi đau khi mất người yêu của con người. Dù có thương đau đến mấy, con người vẫn chỉ có vài chục năm trong kiếp sống. Cái chết sẽ chôn vùi khối tương tư vào lòng đất lạnh. Chỉ có nước và đá…Cuộc đời của chúng là vô tận. Biết khi nào mới vùi chôn được nỗi tương tư?

-Hay!

Phong Tứ Khiêm là người đầu tiên lên tiếng. Kỷ Mai Hoa cũng hưởng ứng ngay:

-Hạ công tử, không ngờ bài Trường tương tư dưới tay công tử lại trở thành một khúc cầm tuyệt vời đến vậy. Tiểu nữ tử tài mọn, xin được bái phục người.

Hạ Vũ không đáp lại những lời ca tụng. Anh chỉ hướng về phía Phong Tử Khiêm, nhẹ nhàng:

-Phong huynh không ngại…Tôi muốn mượn của huynh ít tiền để mua lại cây đàn này.

Hạ Vũ lần đầu mở lời nhờ cậy. Lại là lời nhờ cậy vay tiền mua lại một cây đàn.

Phong Tứ Khiêm có hơi bất ngờ, nhưng nhanh chóng trấn tĩnh lại ngay:

-Đàn hay nhờ có người tri kỷ. Hạ huynh đừng ngại. Phong mỗ xin tặng lại cho huynh.

Cây đàn này được làm từ một người chuyên làm đàn nổi tiếng, nghe nói đã lặn lội cả mười năm vào chốn rừng thiêng mới tìm được khối ngọc thạch, lại mất mười năm mới làm ra cây đàn này. Kỷ Mai Hoa nhận được từ một đại công tử hâm mộ nhan sắc nàng, muốn làm vui lòng người ngọc. Giá trị không hề nhỏ. Song, Phong Tứ Khiêm vẫn hướng về phía Kỷ Mai Hoa:

-Kỷ cô nương…Hạ huynh đã lên tiếng như vậy. Phong mỗ muốn hỏi thăm giá tiền của cây danh cầm này. Không biết cô nương có thể ra giá không?

Đối với người khác, việc hỏi mượn tiền là một điều tế nhị. Nhưng Hạ Vũ lại công khai hỏi han trước mọi người. Thái độ vô cùng bình thản…Nàng Kỷ cũng cảm thấy băn khoăn:

-Không giấu gì công tử, đây là quà của một vị công tử khác…Mai Hoa không dám tự quyết. Cây đàn này…

Phong Tứ Khiêm cũng hiểu rõ sự khó xử của nàng. Hắn nhìn Hạ Vũ. Hạ Vũ lại nhìn thẳng vào cây đàn.

-Không biết đó là vị nhân huynh nào ở kinh thành? Phong mỗ cũng quen vài người…Không biết là….

-Phong huynh…Không nên vì một cây đàn mà tạo nên nhiều chuyện -Mã Luân vội ngăn lại- Hạ huynh cũng hiểu cho khó xử của huynh mà.

Hạ Vũ vẫn không rời mắt khỏi cây đàn ấy. Những âm thanh của ngọn suối gõ vào đá ngày nào quay về trong đầu anh. Âm thanh như thế, tiếc là mãi mãi cũng không thể quay lại như lúc ban đầu.

Kỷ Mai Hoa bỗng nhiên lên tiếng. Quyết định của nàng cũng thật bất ngờ:

-Đàn hay phải tặng người tri kỷ. Nếu Hạ công tử thích cây đàn này như thế, tiểu nữ tử tin rằng chủ nhân của món quà này cũng rất vui lòng. Chỉ mong tuần trăng tới, khi người đến Hồng lầu, Hạ công tử chịu quá bộ đến đây, hợp tấu cùng tiện nữ. Sau đó tiện nữ sẽ nói lại với người. Chắc chắn người không nỡ để đàn hay không về cùng tri kỷ đâu.

Hạ Vũ gật đầu, không nói. Anh vẫn muốn nghe lại khúc nhạc của nước và đá nếu có dịp quay lại chốn xưa.


/30

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status