Trí Tuệ Đại Tống

Q.3 - Chương 2 - Yêu Nghiệt Hoành Hành (1)

/594


Lục Khinh Doanh nhanh chóng hòa nhập vào Vân gia, Tịch Nhục vốn chẳng có mấy thiện cảm với nàng mà bây giờ suốt ngày quấn quít bên cạnh, thân thiết như tỷ muội vậy làm Tiểu Trùng vì vậy mà ghen tỵ.

Hỏi Vân Nhị mới biết, Lục Khinh Doanh toàn lực ủng hộ sự nghiệp tơ tằm của Tịch Nhục, còn nghĩ cách lấy của xưởng xào tơ của Lục gia bốn thợ giỏi, dạy Tịch Nhục tính sổ sách, cho nên Tịch Nhục quyết đoán vứt luôn Vân Đại ra sau đầu, đặt Lục Khinh Doanh lên số một.

- Vân Đại, đệ không cần tư thục tiên sinh tới dạy phải không? Vân Nhị ném con rắn trong tay đi, nói:

- Chắc là không cần, năng lực tự học của đệ cao, tìm tiên sinh tới nói không chừng làm hỏng đệ, ta thấy đệ tự học tốt hơn, lấy ghi chép của ta mà xem, hẳn không có vấn đề, đợi khi nào đệ mười ba tuổi thì vào thư viện Cẩm Giang học là được.

Lục Khinh Doanh cực kỳ coi trọng chuyện học tập của Vân Nhị, nàng thấy người của Vân gia quá ít, ở cái thế giới tông tộc có khi cao hơn quốc gia này, ít người thì gia tộc khó thực sự hưng vượng được, trừ khi cực kỳ kiệt xuất, may mà sự thông minh của Vân Nhị khiến Lục Khinh Doanh phải thất kinh, nếu để một đứa bé xuất sắc như vậy suốt ngày chơi với chó với rắn mà nói là sự thất chức của người làm tẩu tẩu như nàng, vì thế gần đây nàng cực kỳ để tâm tới chuyện tìm tiên sinh cho nó.

Trưởng tẩu như mẹ, Lục Khinh Doanh cho rằng như vậy, nên gần đây Vân Nhị sống rất gian nan.

Muốn làm tiên sinh của Vân Nhị, trước tiên phải thông minh hơn nó, biết nhiều hơn nó, Lục Khinh Doanh mời về ba vị tiên sinh, vị đầu đọc sai có một chữ trong ( Cửu ca) thôi cũng bị nó chỉ ra, hổ thẹn che mặt chạy mất, vị thứ hai nó cho một đề toán, vò đầu bứt tai tính không ra, nổi điên gào thét, vị thứ ba vừa gặp mặt là Vân Nhị khóc toáng lên, vì trên mặt có nhúm lông rất đáng sợ, Lục Khinh Doanh phải ôm nó vào lòng dỗ dành an ủi, cuối cùng lấy phong bao đỏ tiễn vị tiên sinh học vấn cao nhưng tướng mạo khó coi này đi, tiên sinh đi rồi nó lại chạy tưng tưng.

Lục Khinh Doanh nhìn Vân Nhị đang leo lên giả sơn chơi mà rầu rĩ nói với Vân Đại: - Kỳ tài như tiểu thúc nhà ta, thiếp mới thấy lần đầu, ngọc tốt thì luôn cần mài kỹ, nhà ta có mỹ ngọc, nhưng tìm đâu ra thợ giỏi bây giờ?

Vân Đại gập sách lại cười: - Nó là đứa học ít biết nhiều, nói thật tới giờ ta đọc Cửu ca vẫn còn sai vài chữ, nó lại đọc từ đầu tới cuối không sai chút nào, còn về toán học, trừ ta ra nàng không tìm nổi ở Thành Đô này ai hơn nó được. Vị tiên sinh mặt có nhúm lông kia, nhìn cái biết ngay là người học rộng, nhưng với dung mạo như vậy, dù thi đỗ đi chăng nữa cũng vì dung mạo mà bị loại bỏ.

- Vân Nhị không sợ người xấu xí đâu, nó sống ở trại còn cái gì chưa thấy, chẳng qua nó kiêu ngạo, không thèm theo học tiên sinh vô danh mới giở trò thôi. Nàng cứ để nó tự học đi, tới tuổi vào thư viện Cẩm Giang là đủ.

Lục Khinh Doanh lắc đầu, dứt khoát nói: - Không được, nhà khác cầu mong có được một đứa trẻ như vậy mà chẳng được, vậy mà chàng định giáo dục kiểu chăn dê vậy à, uổng phí thiên tư của tiểu thúc. Thôi đi, chuyện này để thiếp lo, nhất định tìm được tiên sinh thích hợp, tốn kém một chút không thành vấn đề. Nói xong đứng dậy gọi: - Hàm Ngưu, chuẩn bị xe cho ta.

Không biết nàng lại định đi tìm vị đại nho nào, Vân Đại ra ngoài nhún vai với Vân Nhị, ý bảo mình chịu thua, giáo dục con cháu vốn là quyền lợi của chủ mẫu.

Mùa hè đã tới rồi, chẳng những cây cối bên ngoài uể oải, ngay cả Vân Đại cũng chẳng có tinh thần, đọc sách một lúc phải dùng nước mát lau mặt cho tỉnh táo, còn Vân Nhị chạy chơi chán đã nằm ngủ khoèo trên ghế, rơi vào tay Lục Khinh Doanh, đoán chừng thời gian tự do thoải mái của nó không còn nhiều, Vân Tranh không gọi, lấy cái chăn mỏng đắp lên cho nó.

Rời nhà, mem theo Hoán Hoa Khuê đi lên đầu nguồn, tới đây lâu như vậy mà chưa đi thăm thú xung quanh, thảo đường Đỗ Phủ gần ngay đây, đi xem cho biết, hai bờ suối toàn là phù dung, người Thành Đô thích trồng thứ này.

Nghe nói thời Ngũ Đại Hậu Thục hoàng đế Mạnh Sưởng có một phi tử tên Hoa Nhị phu nhân chẳng những kiều diễm quyến rũ, còn cực kỳ yêu hoa. Có một lần nàng dạo chơi chợ hoa, nhìn thấy hoa phù dung như mây màu cuồn cuộn trên trời, thế là yêu thích. Mạnh Sưởng vì chiều lòng ái phi mà ban lệnh cho bách tính toàn thành trồng hoa phù dung. Công tác xanh hóa thành thị của Mạnh Sưởng rất thành công, khi hai người lên tường thành nhìn thấy hoa phù dung mọc dài mấy chục rặm như ráng chiều, Thành Đô từ đó cũng có tên thành Phù Dung. Hiện giờ phù dung còn chưa nở, chỉ có những chiếc lá xanh đang mọc cực tốt.

Hoán Hoa Khê tụ lại thành một cái hồ nhỏ, trong nước cũng có phù dung, phù dung mọc trên đất liền thì gọi là mộc phù dung, mọc dưới nước gọi là thủy phù dung, ngoài ra còn có cái tên nữa là tố hà, cũng là loại hoa sen.

Mùa hè chói chang nắng là lúc lá sen lấp kín mặt hồ, che hết mặt nước, chỉ có khoảng trăm bông hoa đã nở, một số vẫn còn e ấp chưa dám khoe sự tồn tại của mình dưới ánh nắng quá gắt.

Một chiếc thuyền nhỏ bập bềnh trong khóm sen rậm rạp, thoáng ẩn thoáng hiện rồi biến mất, hương thơm ngát tỏa bốn phương, chẳng cần phải ngửi, mùi thơm cũng như thấm qua da, khiến toàn thân khoan khoái.

Cơn buồn ngủ hoàn toàn biến mất, Vân Tranh lấy sào trúc cắm bên bờ khều cái thuyền nhỏ tới, định hái vài bông hoa về nhà, hoa đẹp thế này mọc ở đây không ai thưởng thức thì phí quá.

Lên thuyền rồi nhưng lại không hái nữa, Lục Khinh Doanh cực ghét ai hái hoa cắm vào trong bình, nàng nói một cái xác thì có gì đẹp mà nhìn, vì chuyện này mà đi cãi nhau với nàng thì còn ý cảnh gì nữa, không hái vậy.

Mỗi bông hoa chỉ ngửi một lần, thấy mình cũng thành người cao nhã lắm rồi, thỏa mãn để thuyền cứ xuôi theo dòng nước trôi đi.

Sóng nước vây quanh, thuyền chòng chành cứ như nằm trong nôi, Vân Tranh nửa tỉnh nửa mơ thả lỏng toàn thân, ngủ gà ngủ gật, chẳng biết thuyền bao lâu, bỗng nhiên nghe thấy bên bờ có tiếng ồn ào, làm hỏng hết tâm tình.

Một giọng nói trẻ con như the thé như chùy đục vào tai Vân Tranh: - Huynh bảo Đỗ Phủ thảo đường ở đây, vì sao không thấy? Lão Đỗ rõ ràng cũng viết trong thơ của ông ta là Căn nhà cỏ phía tây cầu Vạn Lý, nước thông dòng đầm Bách với sông Thương có thể thấy cái thảo đường kia nhất định ở chỗ này, Cảnh Tiên ca ca lừa người đệ.

Tuổi còn nhỏ mà ăn nói rất ngông, Vân Tranh làu bàu chèo thuyền cập bờ, buộc lại, như thế tiện cho chủ thuyền tới tìm, còn cái chuyện chèo thuyền chả về chỗ cũ thì y không làm, mệt lắm, y ghét mấy việc ra mồ hôi.

- Này chèo thuyền, ngươi biết Đỗ Phủ thảo đường ở chỗ nào không?

Cái giọng nói đáng ghét kia lại truyền tới, Vân Tranh nhìn về phía ấy, thấy một đứa bé mặc áo gấm chừng mười, mười một tuổi gì đấy, đầu tết hai chỏm tóc, cổ đeo cái khóa bạc to, xem ra là con nhà phú quý, loại trẻ con như thế rất đáng ghét, nghe kiểu hỏi xấc xược của nó là thấy.

Vân Tranh cầm quạt chỉ: - Ngươi xem, sau cây có một gian nhà cỏ đấy thôi.

Đứa bé cao hứng kéo đứa bé khác lớn hơn: - Đệ nói đúng mà, Đỗ Phủ không làm thơ tùy tiện đâu. Nói xong chạy u đi.

Đứa bé lớn hơn là thiếu niên tuổi khoảng 15, vóc dáng gầy gò, da hơi tái, có vẻ như ít ra ngoài, lễ phép chắp tay với Vân Tranh: - Tiểu đệ tính tình hôn nhiên, không phải thiếu phép tắc, nếu có chỗ nào đắc tội, Tô Cảnh Tiên xin lỗi thay.

Tô Cảnh Tiên? Vân Tranh nghi hoặc nhìn lại thiếu niên đó, miệng thì nói: - Ngươi đừng xin lỗi vội, lát nữa tới lượt ta xin lỗi đấy.

- Vì sao?

- Vì cái nhà cỏ kia là nhà xí, còn là loại cực kỳ bẩn thỉu...

/594

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status