Tình Không Lừa Dối

Chương 13: Câu đối xuân

/16


Yến Luật cố nén lửa giận trong lòng, buông hành lí xuống, với tay ra sau khép cửa lại. Anh đút hai tay vào túi, nhìn cô bằng vẻ mặt cao ngạo lạnh lùng pha lẫn nghiêm túc: “Tôi có chuyện muốn nói với cô.”

Cô liền chỉ về chiếc ghế sô pha trong phòng, đơn giản khách khí đáp: “Được, mời ngồi.”

Yến Luật: “...”

Rốt cuộc ai mới là chủ, ai mới là khách đây?

Yến Luật vén áo khoác lên rồi ngồi lên ghế sô pha, để tỏ rõ mình mơi là chủ nhân nơi này, anh liền dùng một tư thế lười biếng nhàn nhã tựa vào lưng ghế, chân này vắt lên chân kia.

Ôn Tửu ngồi xuống đối diện với anh, ánh mắt của cô không tự chủ được, cứ nhìn mãi vào đùi anh.

Chỉ gác chân thôi mà cũng đẹp trai đến vậy.

Yến Luật rút tay khỏi túi rồi đan mười ngón tay vào nhau, đặt trên đầu gối. Anh kiêu ngạo nhìn Ôn Tửu, dùng giọng điệu cấp trên ra lệnh cho cấp dưới nói: “Tôi hy vọng nội trong bảy ngày cô có thể đạt được sự tán thành của ông bà tôi.”

Không cần anh nói cô cũng đã sớm có dự định này, anh trả cho cô nhiều lương như vậy, mỗi ngày mười vạn chứ ít gì. Mặc dù chỉ là nhầm lẫn, “dòng đời xô đẩy” mới trở thành bạn gái thuê của anh, nhưng đã nhận tiền của người ta thì phải thay người ta làm việc. Với lại số tiền lương này cao như thế, nếu không tận tâm tận sức mà làm thì quả thật cô có chút áy náy với lương tâm.

Nên vừa nghe anh nói thế, vẻ mặt Ôn Tửu cũng trở nên lạnh lùng nghiêm túc hơn, cô chân thành nói: “Yến tiên sinh đã trả cho tôi lương cao như vậy, tôi đương nhiên sẽ dốc hết sức làm việc, về điểm này xin Yến tiên sinh cứ yên tâm.”

Yến Luật coi như tạm vừa lòng với câu trả lời của cô.

Bà nội là người hiền lành thân thiện nên dễ rồi, nhưng ông nội lại hơi có chút khó tính nên Ôn Tửu bắt đầu hỏi về những sở thích của ông để còn biết đường tính toán nên làm thế nào cho tốt.

Yến Luật đáp: “Câu cá, trồng hoa, chơi cờ, đọc sách.”

Đều là sở thích của phần lớn người già, Ôn Tửu nghe xong thì trong lòng đã có dự tính, cười khẽ: “Không thành vấn đề.”

Cặp mày rậm của Yến Luật nhướn lên, không thành vấn đề? Khẩu khí cô lớn như vậy, không hiểu cái sự tự tin đó từ đâu ra? Đang định hỏi cô thì cửa phòng bỗng bị đẩy ra, tiếp đó, quả đầu nhỏ của Yến Hoan thò vào: “Anh hai, nội kêu anh xuống dưới viết câu đối kìa.”

Yến Luật ừ một tiếng, đứng dậy phủi quần áo mấy cái, bước xuống lầu.

Thời đại bây giờ người ta thường mua câu đối về treo trước cửa chứ hiếm còn ai viết nữa, thế mà Yến tiên sinh lại phải viết câu đối xuân. Ôn Tửu đặc biệt cảm thấy chuyện này thú vị thế là bèn kéo Yến Hoan xuống lầu, định bụng nghía thử xem Yến tiên sinh viết câu đối xuân thế nào.

Cửa thư phòng mở ra, bên trong là ông nội đang đứng trước bàn, trên bàn trải mấy tờ giấy màu đỏ chuyên dùng để viết câu đối. Cặp mày bạc trải qua năm tháng phong sương nhíu lại, vẫn là vẻ mặt mất hứng.

Yến Luật đứng bên cạnh ông, lẳng lặng chuẩn bị bút mực chứ không nói gì, vẫn là vẻ mặt không phục như cũ, hai người này, một già một trẻ, tình tình đúng là người một nhà mà.

Yến Luật thấy Ôn Tửu bước vào thì hơi nhíu mày, tuy rất ngạc nhiên nhưng lại có chút đắc ý. Đến xem anh viết chữ chứ gì, đợi lác mắt đi.

Ông nội ngẩng đầu lên thấy Ôn Tửu thì miễn cưỡng nở một nụ cười trừ xem như chào hỏi.

Ôn Tửu cũng mỉm cười lại với ông, chào một tiếng “Ông nội.”

Thư phòng của ông vô cùng rộng rãi, bốn phía đều là tủ sách dựa vào tượng, quyển nào quyển nấy đều được sắp xếp ngay ngắn nghiêm chỉnh trên giá sách, chẳng tìm ra được một góc lộn xộn, vừa nhìn đã biết là một ông cụ nghiêm túc cẩn thận. Cô chỉ biết bà nội làm ở viện nông nghiệp rồi nghỉ hưu chứ không biết ông nội làm ở vị trí gì rồi nghỉ hưu, có điều nhìn khí chất này của ông thì xem ra ngày trước ông làm cán bộ.

Ở góc bàn là một bình mai, bên trong cắm mấy nhánh mai được chiết từ bên ngoài, nhánh nào nhánh nấy tha thướt mềm mại, tỏa hương nhàn nhạt. Giữa bàn là giấy Tuyên Thành sơn son thiếp vàng đã qua vạn năm lịch sử được trải sẵn sàng đâu ra đó, được đặt dưới cái chặn giấy, viền giấy là hoa văn hình long phượng trình tường đã được mạ vàng. Vàng rực rỡ, đỏ sắt son, phối hợp với nhau tạo cho người ta cảm giác vô cùng hoan hỉ.

Yến Luật không nhanh không chậm vuốt phẳng mặt giấy Tuyên Thành, cặp mày rậm anh tuấn khẽ nhíu. Anh nâng cổ tay nhấc bút lên khỏi giá, trên người không ngờ lại toát ra cái khí chất nho nhã thanh quý của một thư sinh, tràn ngập vẻ tuấn tú nhã nhặn.

Thế là Ôn Tửu vô thức ngắm anh lâu hơn, mãi lúc sau, mắt cô mới dừng lại trên tờ giấy.

Chữ “xuân” anh viết đã đến nét ngang thứ hai, Ôn Tửu vừa liếc một cái thì đã thấy nao nao trong lòng, không ngờ Yến tiên sinh tự kỷ xét nét là thế, vậy mà lại có một bàn tay cầm bút viết chữ đẹp đến như vậy.

“Xuân noãn phong hòa nhật lệ, niên phong vật phụ dân khang.”

Yến Luật đề bút hành văn liền mạch lưu loát, dưới ngòi bút của anh, hương mực thoang thoảng nhẹ nhàng lan tỏa.

Ông nội nhìn thấy mấy chữ của anh thì lúc này gương mặt đăm đăm cau có mới khẽ giãn ra, hừ một tiếng nói: “Coi như cũng chưa lục nghề.”

Yến Luật gác bút, thuận tiện liếc nhìn Ôn Tửu đang đứng trước mặt, bình mai vừa vặn nở trước mặt cô, da trắng như tuyết, mặt mày như họa. Mai tôn lên người, người tôn lên mai, quả thật là một bức tranh người – mai tuyệt đẹp.

Nhưng gương mặt thanh tú của cô vẫn như cũ không chút gợn sóng, hừ, chữ anh viết đẹp thế mà tới một chút kinh ngạc cô cũng chẳng có là thế nào? Cái biểu cảm như mặt đơ này là sao? Yến tiên sinh khẽ nhíu mày, thất vọng lấy tiếp một tờ giấy Tuyên Thành mạ vàng khác trải ra, rồi dùng cái chặn giấy đè lên.

Hoan Hoan nhao nhao nói: “Ông nội, con cũng muốn viết!”

“Đợi lát nữa được không, cục cưng.” Ông nội ôm lấy cô bé, thấy Ôn Tửu thong dong nhàn nhã đứng bên thì thuận miệng hỏi: “Cháu biết viết không?”

Ôn Tửu ngượng ngùng cười khẽ: “Cũng biết chút ạ.”

“Viết chút ta xem.”, ông nói.

Cô khẽ cười: “Vậy để con viết mấy câu đối xuân về nhà kính trồng hoa ở lầu ba đi, lỡ viết dở, ông nội cũng đừng chê con nhé.”

Ông nội không mặn không nhạt, ừ một tiếng.

Yến Luật sốt ruột, ông nội chỉ là thuận miệng nói mấy câu thôi, sao cô nhóc này lại đồng ý thật. Câu đối xuân đâu phải chỉ cần múa bút lung tung, tùy tiện viết đôi ba chữ là có thể dán lên cửa đâu chứ.

Yến Luật quá hiểu ông nhà mình rồi, ông anh đối với mấy cái truyền thống văn hóa Trung Quốc gì đó tích cực đến nỗi hoa chân múa tay chỉ sợ người khác không biết. Nhỡ Ôn Tửu viết không tốt, không những không thể hiện được bản thân mà còn khiến ấn tượng của ông anh về cô tụt dốc không phanh.

Nhưng lời đã nói ra rồi, có muốn ngăn cản cũng chẳng kịp nữa. Thế là anh đành trơ mắt nhìn cô giơ bút lông lên.

Cái cô này, đúng là không biết sống chết mà! Anh thủ sẵn tinh thần rồi, chỉ cần cô dám cả gan giơ bút lông lên vẽ rồng vẽ rắn là anh sẽ lập tức ngăn cản hành động “tự bêu xấu mình” của cô ngay!

Hừ, may mà tư thế đề bút của cô cũng có chút dáng dấp.

Chấm mực xong, Ôn Tửu lại không hạ bút xuống ngay mà khẽ ngừng lại một chút, rồi mới viết xuống giấy Tuyên Thành.

Nhấc bút, hành bút, đề bút, thu bút, lưu loát như mây trôi nước chảy. Cứ thế, chữ thứ nhất viết ra, trong lòng Yến Luật cả kinh, sắc mặt ông nội cũng khẽ biến.

“Tùng trúc mai tuế hàn tam hữu, đào lý hạnh xuân phong nhất gia.”

Vì nơi dán sẽ là cửa nhà kính trồng hoa nên cô mới chọn câu đối như vậy. Khi viết xong nét cuối cùng của chữ “gia”, tư thế thu bút về của cô vô cùng nhẹ nhàng phóng khoáng, toát lên một vẻ sảng khoái tự nhiên, vô cùng đẹp mắt. Như một màn diễn vừa mới bắt đầu, trong chốc lát chỉ còn lại chút dư âm khiến người ta lưu luyến.

Yến Luật vốn dĩ từ trước đến nay luôn chỉ kiêu ngạo tự phụ, lần này cuối cùng cũng có cảm giác kinh ngạc thán phục trong lòng. Chữ Ôn Tửu viết nét nào nét nấy đều ẩn chứa sự tài tình khéo léo, đầy đặn no đủ, cứng cáp mạnh mẽ, phóng khoáng hùng hồn. Nếu không phải tận mắt chứng kiến cô viết thì quả thật khó có thể nhìn ra đây là bút tích của một cô gái.

Dù ông nội im lặng không nói, cũng không khen thư pháp của Ôn Tửu, nhưng ánh mắt này của ông vừa liếc một cái là anh đã nhận ra, nó ẩn chứa vẻ khen ngợi.

Anh thầm thở phào nhẹ nhõm.

Yến Hoan đã nóng lòng muốn viết lắm rồi, nhao nhao kêu lên: “Ông nội, con cũng muốn viết. Hoan Hoan sẽ viết chữ ‘xuân!’”

“Rồi, cho Hoan Hoan viết chữ xuân. Viết xong chúng ta sẽ dán nó lên cây mai trong viện, có được không nào.” Ông nội sau khi thấy chữ Ôn Tửu viết thì sắc mặt cũng hiền hòa hơn lúc nãy nhiều, rốt cuộc cũng không còn cau có nữa.

Hoan Hoan cầm bút, quẹt một chữ “Xuân” to đùng, trẻ con mới đi nhà trẻ đương nhiên viết sẽ không đẹp. Nhưng ông nội vẫn trái lương tâm khen một câu rồi bế cô bé ra khỏi thư phòng, để lại Yến Luật tiếp tục viết câu đối xuân thứ hai.

Ôn Tửu lẳng lặng đứng đối diện anh, không nói gì, trong vô hình, khí chất lạnh lùng cao ngạo trời sinh của cô âm thầm lan tỏa, làm anh cảm giác y như bên người đang có một thầy giám thị đứng giám sát vậy.

Một làn hương nhàn nhạt thoảng qua bên mũi, không biết là hương thơm của mai hay là hương thơm từ người cô nữa. Đó là một mùi hương nhè nhẹ dễ ngửi khiến người ta có chút nhộn nhạo trong lòng. Yến Luật vừa phân tâm một cái, chữ “giang” đang viết liền bị thêm vào một nét ngang, đang là “sông xuân”, tự nhiên biến thành “ao xuân”.

Anh ngước lên, liếc nhẹ qua cô một cái, bắt gặp đôi môi hồng nhạt của cô dường như vừa lướt qua một nét cười, rồi biến mất.

Hừ, quả nhiên là đang cười nhạo anh mà.

Anh liền xé câu đối đó rồi xuất ra mười phần công lực, viết lại lần nữa, đến khi bản thân cảm thấy đã đạt đến cảnh giới hoàn mỹ không còn gì để bắt bẻ nữa thì mới để lên bàn hong khô, ra ngoài tìm keo dán.

Đến lúc anh trở lại thì mới phát hiện Ôn Tửu hoàn toàn không chiêm ngưỡng tác phẩm đắc ý của anh mà đang cầm kéo, cắt tờ giấy anh vừa xé bỏ. Mở ra nhìn, hóa ra là chữ “phúc”.

Rốt cuộc là bàn tay này còn bao nhiêu bản lĩnh làm người khác bất ngờ nữa đây?

Yến Luật liếc Ôn Tửu một cái: “Mang câu đối sang đây.”

Viết câu đối và dán câu đối là nhiệm vụ hàng năm của Yến Luật. Anh mở cửa lớn, đứng trên bậc thang bên ngoài cửa viện, khóe mắt liếc qua Ôn Tửu đang đứng bên cạnh, lúc này cô đang dùng hai tay nâng câu đối xuân, chẳng khác nào một tiểu nha hoàn hầu hạ bên mình, lòng anh vô cùng mãn nguyện sảng khoái.

Vậy mới đúng chứ.

Yến tiên sinh cả người khoan khoái dán câu đối xuân thì chợt nghe “tiểu nha hoàn” bên cạnh dùng thanh âm dễ nghe, buồn bã nói: “Có chiều cao thật tốt.”

Giờ mới biết à?

Thế nào, thấy anh đẹp trai lắm chứ gì!

Yến tiên sinh đắc ý vươn tay dán câu đối lên một cách tao nhã.

“Có treo câu đối hay thay bóng đèn cũng không cần dùng tới ghế.”

“...” Yến Luật đút hai tay vào túi: “Lên lầu.”

Hai người cùng lên lầu ba.

Ôn Tửu đem câu đối do chính mình vừa viết lúc nãy đưa cho Yến Luật. Sau khi dán vào hai bên khung cửa xong, Yến Luật phát hiện mình duỗi tay ra thế nào cũng không chạm được đỉnh khung cửa. Cửa nhà kính trồng hoa lầu ba vừa rộng vừa cao.

Yến Luật nâng câu đối xuân trong tay, vô cùng buồn bực cúi đầu nhìn cô: “Mang hộ tôi chiếc ghế lại đây.”

Ôn Tửu liền mang một chiếc ghế đẩu bằng gỗ tùng trong nhà kính lại.

Yến Luật leo lên dán bức hoành phi ngay ngắn, thấy góc phải hơi nhăn chưa được phẳng lắm, anh liền rướn người lên vuốt lại. Ai dè mới nhích chân một chút, cái ghế tí nữa đã bị anh đẩy ngã.

Yến Luật cảm giác người anh nghiêng qua một bên, vội vàng sải chân đáp xuống đất.

Ôn Tửu vốn định rút một bàn tay ra đỡ anh, nhưng thấy anh phản ứng nhanh nhẹn, bình yên vô sự, thế là lại thu tay về cắm vào trong túi.

Yến Luật quay lại, thấy Ôn Tửu vẫn đút hai tay trong túi như cũ thì buột miệng nói: “Thiếu chút nữa tôi đã ngã rồi, sao cô không đỡ tôi một chút?”

Thái độ lạnh nhạt không thèm đếm xỉa của cô không hiểu sao làm anh cực kỳ tức giận, cô, chẳng thèm quan tâm anh chút nào cả.

Ôn Tửu nhìn anh, không nhanh không chậm đáp: “Ủa, không phải anh nói lúc chỉ có hai người ở chung, bên B tuyệt đối không được chủ động tiếp xúc chân tay với bên A sao?”

Tự bê đá đập vào chân mình, đúng là đau thật.


/16

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status