Tiếu Ngạo Trung Hoa

Chương 6: Diêu hí lộng Lôi Phong - Thần mưu tranh mỹ nhân

/28


Chiều mùng sáu, ba người ghé thành Trấn Giang nghỉ ngơi, sáng mùng bảy vượt Trường Giang.

Trưa hôm ấy, khi còn cách hồ Cao Bảo hai chục dặm thì đụng độ lực lượng Kim Diện cung.

Ngoài Hộ cung Đệ tam Kiếm sứ còn có thêm hai lão hồng bào nữa!

Theo sau họ là mười lăm gã kiếm thủ áo xanh.

Mộc Kính Thanh thở dài nói nhỏ :

- Nguy rồi đại ca ơi! Cặp lão phu thê áo đỏ kia là Hồng Y song tướng của Hồ bang, thân phận thực của họ là Yên Đài song sát bên bờ Bột Hải. Hai lão ấy đều có công lực hơn hoa giáp, trượng pháp oai trấn võ lâm.

Nhờ linh dược của Kính Thanh nên vết thương trên ngực của Nam Cung Giao đã lành được tám phần, không hề trở ngại khi phải đánh đấm. Vì vậy, chàng thản nhiên cười cợt :

- Nghe ngươi nói ta cũng rất sợ hãi, định bỏ mặc ngươi mà đào tẩu. Hôm nay, ngươi cứ chết trước, đúng ngày này bảy chục năm sau, ta sẽ tự sát chết theo cho đúng lời thề đồng sanh đồng tử.

Kính Thanh bật cười :

- Đại ca quả là kẻ chẳng biết sống chết, chỉ giỏi nghề bỡn cợt!

Sách Hán Xương hào hứng tán thưởng :

- Bậc trượng phu gặp nguy phải cười vang, vui vẻ mà chết, sao lại phải bi lụy!

Thấy ba con mồi bị vây chặt mà vẫn ung dung nói cười, Hộ cung Kiếm sứ Tưởng Phi Diện giận dữ quát :

- Mộc Kính Thanh! Ngươi chết đến gáy mà còn cười được ư?

Nam Cung Giao lên tiếng :

- Bọn tại hạ đang tiên đường đến Kim Diện cung để dự đại hội tỷ võ chiêu phu, sao chư vị lại chặn đường.

Tưởng Phi Diên cười nhạt :

- Các ngươi đã mạo phạm đến bổn cung, chẳng còn tư cách dự thí nữa!

Nam Cung Giao nghiêm giọng :

- Tháng trước, Thần Nữ Tiền Vân Mi có đến Nam Kinh thăm bằng hữu là Tiểu thư Mã Hoàn Cơ và công tử Mã Kim Khụ Tại hạ cùng nàng có mối duyên sơ ngộ, mong túc hạ nể mặt mà bỏ qua hiềm khích với gia nghĩa đệ Mộc Kính Thanh!

Yên Đài song sát giật mình nhìn nhau, họ là người thân cận với Thần Nữ, được nàng thố lộ cuộc tao ngộ với Nam Cung Giao.

Tiền Vân Mi quen biết với đám thế gia công tử Nam Kinh vì từng học võ của Tây Hà Thần Nị Am của bà gần chùa Cẩn Nhục Đầu Đà, nên khi Mã Kim Khu cùng em gái dắt bạn bè lên thăm sư thúc thì gặp gỡ Vân Mi.

Hôm mùng chín tháng mười vừa rồi, Thần Nữ đến Nam Kinh thăm sư phụ, và tìm gặp đám bằng hữu trẻ tuổi lúc Nam Cung Giao đang bị Mã Kim Khu lôi kéo đi khắp nơi, tham dự những cuộc vui bất tận, gặp gỡ Vân Mi bốn năm lần.

Nam Cung Giao chẳng hề tán tỉnh Vân Mi, chỉ nhìn nàng mà cười. Trong đám đông chàng ít khi mở miệng, thỉnh thoảng đưa ra vài nhận xét thông minh, hóm hỉnh khiến cả bọn cười vang. Tuy xuất thân từ chốn bình dân nhưng phong thái của chàng ung dung, tiêu sái và rất tự nhiên.

Vân Mi trở về Từ Châu, chợt phát hiện mình luôn vương vấn gương mặt dễ mến, có lúm đồng tiền duyên dáng của chàng họ Nam Cung!

Yên Đài song sát tuổi đã hơn bảy mươi mà không con cháu nên rất yêu thương Thần Nữ. Nàng cũng mến họ nên chẳng giấu diếm tâm sự của mình.

Thế là Đại Sát Thân Công Hải hỏi lại ngay :

- Chẳng phải tiểu tử ngươi tên gọi Nam Cung Giao, quê đất Cán Châu?

Chàng mỉm cười vòng tay xác nhận :

- Bẩm tiền bối! Quả đúng là kẻ hèn này!

Lúm đồng tiền trên má trái chàng đã chứng minh lai lịch. Thân lão vuốt râu tư lự, bàn bạc với Nhị Sát Tiêu Xuân Oanh rồi bảo Nam Cung Giao :

- Nể mặt ngươi! Lão phu sẽ thay mặt Cung chủ xóa bỏ ân oán với gã Mộc KínhThanh. Tuy nhiên, ngươi phải hứa rằng sẽ thượng đài tranh ngôi vị rể đông sàng của bổn cung. Điều thứ hai là tiểu tử họ Mộc không nên tháp tùng ngươi đến Từ Châu, e rằng Thiếu cung chủ sẽ nổi giận!

Nam Cung Giao từng hứa với song thân là sẽ mang về ba nàng dâu tuyệt đẹp nên nhận lời ngay. Ngoài Mã Hoàn Cơ, chàng đã gấm ghé Tiền Vân Mi, vì cả hai đều là giai nhân hiếm có! Còn người thứ ba thì chưa biết tìm đâu!

Chàng quay sang nói với Kính Thanh :

- Hiền đệ cảm phiền tạm xa ta một thời gian, khi nào ta cưới được Thần Nữ sẽ mời ngươi đến dự tiệc. Lúc ấy, gã Thiếu cung chủ kia chẳng còn dám làm gì ngươi nữa rồi!

Mộc Kính Thanh giận hờn trách :

- Đại ca quả là háo sắc, thấy gái đẹp là quên hết tình huynh đệ!

Nam Cung Giao bật cười :

- Ngươi đâu phải là tình nhân của ta mà nói giọng ghen tuông ấy hả? Chỉ sau ngày rằm tháng này là anh em ta sẽ hội ngộ thôi mà!

Mộc Kính Thanh xụ mặt buồn bã, mắt đảo nhanh như đang suy nghĩ một mưu sâu kế độc.

Lát sau, gã vui vẻ hẳn lên, vòng tay nói với Song sát :

- Cảm tạ nhị vị tiền bối đã xóa tội cho vãn bối! Xin chư vị cứ yên tâm quay lại Từ Châu, anh em vãn bối còn phải tạ từ nhau!

Nhị Sát Tiêu Xuân Oanh trợn mắt hăm dọa Nam Cung Giao:

- Nếu ngươi không giữ lời, lão thân sẽ kéo hết lực lượng Kim Diện cung truy sát gã Mộc Kính Thanh, chặt ra làm tám mảnh.

Nam Cung Giao cười mát :

- Tiền bối chớ lo! Tại hạ đã phát nguyện lấy cho được vợ đẹp, tất chẳng bõ qua cơ hội này!

Tiêu Nương lạnh lùng hừ nhẹ :

- Chớ đại ngôn! Liệu ngươi có được bao nhiêu bản lảnh chứ?

Nam Cung Giao cười đáp :

- Hôm ấy chắc nhị vị tiền bối sẽ làm giám khảo, chỉ cần thiên vị một chút là xong! Vãn bối mà không cưới được Thần Nữ e sẽ chết vì tương tư mất!

Tiêu Nương tưởng thật, lộ vẻ băn khoăn :

- Vân Mi cũng đã có cảm tình với ngươi, song việc tỷ võ thắng thua rạch ròi, làm sao lão thân thiên vị được?

Hộ cung Kiếm sứ Tưởng Phi Diễn từng bị khiển trách vì lần bắt hụt Mộc Kính Thanh ở Cô Tô đại tửu lâu, nên đem lòng chán ghét tiểu tử họ Nam Cung.

Lão mỉa mai :

- Đã bất tài mà còn mơ ăn thịt ngỗng trời nữa sao?

Nam Cung Giao nghiêm nghị hỏi lại lão :

- Thế hôm ấy Tưởng Kiếm Sứ có thượng đài ứng thí hay không?

Tưởng Phi Diên đỏ mặt nạt :

- Ngươi nói nhăng nói cuội gì thế? Lão phu già cả, đáng bậc chú bác của Thần Nữ, lẽ nào lại làm thế?

Nam Cung Giao lộ vẻ hớn hở, gật gù :

- Thế thì được! Tại hạ chỉ sợ đám lão nhân hồi xuân thượng đài tranh giành còn, như những cao thủ dưới năm mươi tuổi thì không đáng ngại!

Đại Sát Thân Công Hải phá lên cười :

- Tiểu tử ngươi quả là khéo hí lộng, chọc cười thiên hạ, thảo nào chinh phục được con bé khó tính Vân Mi. Nay ngươi đã dám đại ngôn như thế thì lão phu sẽ ra giới hạn tuổi ứng thí là tứ thập, nếu ngươi thất bại thì lão phu sẽ lấy đầu đấy!

Nói xong, lão ra lệnh cho thủ hạ ra ngựa trở lại Từ Châu.

Mộc Kính Thanh chờ họ đi khuất, tư lự hỏi :

- Phải chăng đại ca quyết chí lấy cho được Thần Nữ Tiền Vân Mi? Còn Mã Hoàn Cơ và mối gia cừu thì sao?

Nam Cung Giao mỉm cười tinh quái :

- Nay ta đã có được sự hỗ trợ của một kẻ đa mưu túc trí, quen ăn vụng chùi mép như ngươi, thì đâu còn sợ bị phát hiện nữa mà không dám lấy vợ? Giả sử ngươi là gái, dù xấu xí một chút ta cũng cưới luôn!

Mộc Kính Thanh bực bội cằn nhằn :

- Đại ca chỉ nói càn! Tiểu đệ có là nữ nhân cũng chẳng thèm lấy một gã đàn ông đa mang như đại ca! Cảnh chồng chung nào có hay ho gì? Con người chỉ có một trái tim, sao lại trao cho nhiều người được? Ngược lại, các bà vợ của đại ca cũng sẽ vì ganh ghét mà xào xáo tối ngày, gia đình chẳng thể yên ấm được!

Nam Cung Giao cười khà khá :

- Ít nhất thì kẻ đa thê cũng chẳng phải ngủ một mình khi vợ nhà giận dỗi. Ta đã từng chứng kiến gia phụ nhăn nhó như khỉ mỗi lần bị gia mẫu cấm cửa!

Cuồng Vũ Đao ôm bụng cười vang :

- Té ra cha ngươi là một kẻ sợ vợ!

Tia mắt Nam Cung Giao tràn ngập ánh yêu thương, trìu mến khi nhắc đến mẹ hiền :

- Đúng vậy! Gia mẫu xinh đẹp phi phàm, tính tình nghiêm nghị, cương liệt hơn cả nam nhân, chẳng bao giờ nói hai lời! Nhưng với cha con tại hạ, bà là nữ nhân tốt nhất thế gian!

Và bỗng chàng tươi cười nói thêm :

- Gia mẫu giỏi nghề thông pháp, đã nhận xét rằng tại hạ có tiếng đa thê. Bà đã cho phép tại hạ lấy đủ ba vợ!

Mộc Kính Thanh bật thốt :

- Thực thế sao?

Gã ngẩn người một lát, lén nháy nhỏ Sách Hán Xương rồi vòng tay cáo từ Nam Cung Giao :

- Tiểu đệ cũng có việc riêng phải giải quyết, nhưng phải được Sách lão hỗ trợ. Hẹn gặp lại đại ca ở thành Nam Kinh.

Nam Cung Giao gật đầu :

- Hiền đệ và Sách lão cứ đi, xin hãy bảo trọng. Ta sẽ ở phủ Thượng thư chờ đợi!

Sách Hán Xương miễn cưỡng đi theo Mộc Kính Thanh, vì lòng chỉ muốn tháp tùng Nam Cung Giao.

Hai người kia đi về hướng Nam, còn Nam Cung Giao tiếp tục ngược Bắc.

* * * * *

Tuyết đã rơi dầy hơn mịt mù mặt nước Đại Vận Hà, bên tay tả, lữ khách một mình dong ruổi trong ngày đông lạnh lẽo, ướt át.

Nam Cung Giao bỗng nhớ Kính Thanh vô luân.

Xế chiều, chàng ghé vào Cao Hà phạn điếm, cạnh bờ Tây Nam hồ Cao Bảo dùng cơm.

Hồ Cao Bảo ở phía Nam và thông với Hồng Trạch hồ Đại Vận Hà với Trường Giang, đổ vào hai hồ này rồi tiếp tục vươn lên hướng Bắc.

Những cánh buồm vẫn hối hả ngược xuôi trong tuyết, như nhắc nhở người lữ thứ rằng năm đã sắp hết, hãy mau trở lại quê nhà vui tết đoàn viên.

Nam Cung Giao đã ăn xong, đang ngơ ngẩn hoài nhận cảnh gia đình ấm cúng, mắt dõi nhìn về phương Nam xa tít thì phát hiện có một cỗ kiệu đang đi đến, và dừng trước cửa phạn điếm!

Chàng cau mày bất nhẫn vì thấy bốn người phu khiêng kiệu kia gồm ba hán tử lực lưởng và một thiếu nữ gầy gò thân mảnh. Điều đáng giận là họ không hề có áo ngự hàn, chỉ phong phanh bộ võ phục vải mỏng manh màu tía, trên đầu cũng chẳng nón che, cho nên tuyết đã phủ trắng tóc, y phục ướt đẫm. Chẳng phải chủ nhân của họ quá nghèo, vì cỗ kiệu kia làm bằng toàn gỗ Tử Đàn, loại gỗ đắt như vàng.

Đất Trung Hoa không trồng được loại cây quí có mùi thơm này, mà phải nhập từ Nam Dương, hay mua của An Nam.

Trên thân kiệu trảm đầy những hoa văn bằng vàng hay bạc dát mỏng, rèm bằng gấm dầy mầu vàng kiêu hãnh.

Và chủ nhân chiếc kiệu vén rèm đường bệ bước ra.

Phải chi đó là một lão nhân già nua, đau ốm quặt quẹo thì thiên hạ còn đỡ tức, khổ thay hắn lại là một trung niên công tử, tuổi gần tứ tuần cao lớn, khỏe mạnh!

Gã có gương mặt anh tuấn và thêm phần lịch lãm nhờ hàng râu mép xanh rì, được tỉa tót cẩn thật. Có điều, bộ mặt trắng như ngọc kia lạnh tựa sương đêm và ánh mắt gã lộ vẻ kiêu ngạo, khinh người.

Trong tòa Cao Hà đại phạn điếm này có không ít hào khách giang hồ. Họ đang trên đường đến Từ Châu ứng thí, hoặc xem cảnh náo nhiệt của lôi đài tỷ võ chiêu phu.

Các hào kiệt này đều thuộc những địa phương phía Nam Trường Giang nên nhận ra lai lịch khách mới đến.

Họ xì xầm bàn tán :

- Chẳng lẽ Lôi Phong sơn chủ Bạch Tuấn Hào đất Hàng Châu, lại định trở thành rể của Kim Diện cung?

Nam Cung Giao chưa hề đến Chiết Giang, nhưng đã được nghe Mã Hoàn Cơ miêu tả phong cảnh kỳ tuyệt đất Hàng Châu, nhờ thế, chàng biết núi Lôi Phong!

Lôi Phong là một đỉnh của núi Tịch Chiếu, nằm ở phía Nam Tây Hồ, đây là một trong mười phong cảnh đẹp nhất Hàng Châu.

Trên đỉnh Lôi Phong có tòa tháp Lôi Phong cao bảy tầng, khi ánh chiều tà chiếu vào, trông nó giống như được làm bằng ngọc bích. Tháp Lôi Phong còn có tên là Hoàng Phi Tháp, vì được xây dựng bởi một người nước Ngô họ Hoàng tên Phi.

Từ trăm năm nay giòng họ Bạch cư ngụ trên sườn núi Lôi Phong, các đời kế tiếp nhau xưng là Lôi Phong sơn chủ. Còn gia trang của họ thì mang tên Tịch Chiếu sơn trang.

Bạch gia nổi tiếng võ lâm nhờ pho Lôi Phong kiếm pháp, chiêu thức phát ra âm thanh ì ầm của sấm, và chói lọi khi có nắng.

Bạch gia đã từng ba lần nắm chức Minh chủ võ lâm, chứng tỏ võ học tổ truyền của họ chẳng tầm thường. Do vậy, có khá nhiều người trẻ tuổi đến Tịch Chiếu sơn trang xin học nghệ. Tóm lại, với số đệ tử đông đến ba trăm, Tịch Chiếu sơn trang có thể được xem là một kiếm phái trong võ lâm!

Nam Cung Giao tức anh ách khi thấy Bạch Tuấn Hào ấm áp trong mũ áo lông cừu dầy thượng hảo hạng, cả đôi ủng cũng bông lông cáo. Thế mà gã nhẫn tâm để cho đệ tử trần trụi xông pha sương tuyết với gánh nặng trên vai, nhất là khi trong số ấy lại có một nữ nhân gầy yếu.

Bạch Tuấn Hào chễm chệ ngồi riêng một bàn, sang sảng gọi liền sáu món đắt tiền, còn bốn người đệ tử kia khép nép ở bàn gần đấy, chỉ dám gọi một mâm cơm đạm bạc.

Đặng Trinh Tâm tính tình nghiêm khắc song lại rất nhân hậu.

Suốt hai chục năm làm lương y, bà luôn chữa trị miễn phí cho người nghèo khó. Nam Cung Giao theo mẹ học nghề, chứng kiến điều ấy nên học được cả chữ nhân! Nay, trước cảnh chướng tai gai mắt này, quả thực chàng chẳng thể nào chịu nổi.

Đây chính là một trong những đức tính căn bản của dân tộc Giao Chỉ.

Hơn năm trăm năm sau được đại sử gia đất Việt là Lệ Thần tiên sinh đã nhận xét rằng: “Người Việt kiêu ngạo, hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn”.

Đèn nhà ai nấy sáng, dù phẫn nộ nhưng Nam Cung Giao chẳng biết làm thế nào để can thiệp! Chàng suy nghĩ rất lung, bước đến quầy nói nhỏ với chưởng quỹ.

Bạch Tuấn Hào ăn xong ra hiệu tính tiền!thì lão chưởng quỹ vui vẻ đáp :

- Bẩm đại gia, bữa ăn này đã được vị thiếu hiệp bàn bên kia thanh toán cả rồi!

Bạch Tuấn Hào cau mày nhìn về hướng tay chỉ của lão.

Nam Cung Giao đứng lên, vòng tay tươi cười :

- Bẩm Sơn chủ! Uy danh của Tịch Chiếu sơn trang từ lâu đã oai trấn võ lâm, người người đều kính trọng. Tại hạ may mắn được diện kiến tôn nhan ở chốn này xin được tỏ chút lòng ngưỡng mộ!

Đến bậc Thiên tử còn khoái nghe nịnh, huống hồ một gã chủ núi như Bạch Tuấn Hào? Hơn nữa, Nam Cung Giao anh tuấn, dễ mến, phong thái đường chính chứ chẳng phải phường mặt dơi tai chuột, quen thói sang bắt ro quàng làm họ.

Kẻ cao ngạo họ Bạch khoan khoái vì có người tán dương Tịch Chiếu sơn trang, mỉm cười độ lượng :

- Bổn nhân rất cảm kích tấm lòng của thiếu hiệp.

Cà cuống chết đít còn cay!

Bạch Tuấn Hào không thèm hỏi tên đối phương để chứng tỏ hành vi hào hiệp kia chẳng đáng gì!

Nam Cung Giao vui vẻ nói tiếp :

- Tại hạ ngưỡng mong Sơn chủ hạ cố nhận thêm một món quà mọn!

Bạch Tuấn Hào gật gù :

- Cũng được!

Nam Cung Giao vẫy gọi chưởng quỹ.

Lão khệ nệ ôm một ôm áo lông cừu đến, phát cho bốn người phu khiêng kiệu của Bạch Tuấn Hào.

Họ đang lạnh run vì gió Đông, mừng rỡ khoác vào ngay!

Họ Bạch tái mặt khi thấy tặng phẩm của Nam Cung Giao thuộc loại đắt tiền, chẳng thua gì bộ áo lông của gã đang mặc!

Nãy giờ, bọn hào khách trong quán chăm chú theo dõi hoạt cảnh. Họ hài lòng trước vẻ rất khó coi của Lôi Phong sơn chủ, tủm tỉm cười hoài.

Có kẻ độc mồm thở dài nói bâng quơ :

- Sông có khúc, người có lúc! Nhà đại phú đôi khi cũng không mua nổi áo cừu cho gia đinh!

Bạch Tuấn Hào thẹn chín người, ngửa cổ cười dài, rồi quắc mắt nhìn Nam Cung Giao :

- Té ra người rắp tâm làm nhục bổn nhân? Bốn người kia là Tứ Thiết hộ vệ, đang khổ luyện Vô Ngại thần công của bổn bang, phải dầm sương dãi nắng mới mong thành tựu, chứ đâu phải bổn nhân bủn xỉn?

Nam Cung Giao tròn mắt tỏ vẻ kinh ngạc :

- Té ra là thế! Chẳng qua vì tại hạ không biết nên đã đắc tội, mong Sơn chủ lượng thứ!

Chàng giả đò bối rối, nói tiếp :

- Phải chăng Vô Ngại thần công là để dành cho các đệ tử, còn Sơn chủ luyện công phu khác nên mới mặc áo lông dầy như thế?

Bọn hào khách phì cười và ai đó bật thốt :

- Đúng vậy! Bạch sơn chủ luyện pho Dục Noãn thần công (ấp trứng thần công) đấy mà!

Noãn có nghĩa là trứng, và còn để chỉ hai hoàn ngọc hành trong đũng quần. Vì vậy, mái ngói phạn điếm rung rinh vì trận bão cười của hơn trăm thực khách.

Chốn đông người, chẳng thể tìm ra kẻ đã chế giễu mình, Bạch Tuấn Hào điên tiết, mặt trắng bệch, trút hận lên đầu Nam Cung Giao. Nhưng gã biết rằng giết chàng thì sẽ phương hại đến thịnh danh Tịch Chiếu sơn trang, nên nghĩ cách vớt vát.

Họ Bạch nghiêm giọng :

- Chỉ vì ngươi nên bổn nhân bị mang ra làm trò cười. Giả như ngươi thực lòng muốn Tứ Thiết hộ vệ được ấm áp thì hãy thay Tứ vệ Sở Nhu khiêng kiệu. Bằng ngươi từ chối tức là đã có ý sĩ nhục Tịch Chiếu sơn trang. Và nếu thế, ngươi đừng bao giờ để bổn nhân gặp lại lần nữa!

Câu nói này rất đắc thế, biểu hiện được cả sự oai phong lẫn lượng bao dung của bậc trưởng trượng!

Tứ Thiết Vệ lặng lẽ cởi áo lông để trả lại cho chàng trai tốt bụng.

Nam Cung Giao ngắm bàn tay thon dài, cứng đỏ vì lạnh nên lóng ngóng, và gương mặt tái xanh của Sở Nhu, nghe dạ xốn xang. Chàng còn nhận rõ vẻ nuối tiếc của nàng, khi phải từ giã bộ áo lông ấm cúng và rất đẹp. Có lẽ cả đời nàng chưa bao giờ được mặc loài áo cừu thượng hạng, trị giá đến hai trăm lượng bạc như thế này!

Nam Cung Giao rất yêu thương mẫu thân nên tràn trề tình cảm với nữ giới. Thuở còn thơ ấu chàng luôn bênh vực đám nữ hài trong xóm chài Dương Sa, không để ai hiếp đáp. Khi chúng bị cha mẹ đánh, thường đến tìm chàng để được an ủi vỗ về. Chàng cũng có chút kiêu ngạo của tuổi thanh niên, chẳng cam tâm khuất phục ngay, bèn xoay qua cách khác :

- Bẩm Sơn chủ! Tại hạ đã nhẵn mặt các danh lam thắng cảnh đất Hàng Châu nên suốt đời không đến đấy cũng chẳng sao! Tại hạ chỉ lo cho Tịch Chiếu sơn trang vì việc này mà mang tiếng bất nhân. Và có thể Thần Nữ Kim Diện cung sẽ hiểu lầm nhân phẩm của Sơn chủ đấy!

Bạch Tuấn Hào động nộ :

- Đừng lắm lời! Làm ơn thì làm cho trót, hoặc là hãy đi cho khuất mắt ta!

Nam Cung Giao biết đối phương đã quyết làm nhục mình, liền cười ha hả :

- Sơn chủ đã hạ cố cho tháp tùng, tại hạ vui mừng được nếm mùi gian khổ của kẻ luyện Vô Ngại thần công!

Thái độ của chàng khiến ai cũng sửng sốt, không ngờ, một người trẻ tuổi giàu có dám phóng tay mua tặng kẻ không quen biết bốn chiếc áo cừu trị giá gần ngàn lượng bạc, lại chấp nhận làm phu khiêng kiệu!

Quần hào bàn tán sôi nổi, người thì bảo chàng khùng, kẻ nói chàng ngụy. Song không ai chê chàng háo sắc vì Sở Nhu tuy kiều diễm nhưng trên trán lại có một bướu thịt nhô ra, trông rất quái dị.

Sở Nhu tròn mắt nhìn chàng trai chưa biết tên, môi thoáng điểm nụ cười là lạ.

Nam Cung Giao bước đến, nói với nàng :

- Tại hạ là Nam Cung Giao, mong Sở cô nương nhường cho vinh dự làm phu khiêng kiệu. Cô nương sẽ cỡi con ngựa già của tại hạ, đi theo sau.

Sở Nhu thẹn thùng gật đầu, nói lí nhí :

- Xin thiếu hiệp đưa túi hành lý cho tiểu muội giữ giùm!

Nam Cung Giao trao cho nàng và nheo mắt nói :

- Cô nương hãy cẩn thận, đừng mở ra, vì trong này có mấy bộ y phục bẩn chưa giặt. Dù cô nương có luyện đến lớp chót Vô Ngại thần công thì cũng chẳng chịu nổi mùi hôi của chúng đâu!

Nghe giọng điệu khôi hài, Sở Nhu che miệng tủm tỉm nhưng đám hào khách thì phá lên cười hô hố!

Ba hán tử khiêng kiệu kia bước đến, vòng tay ôm quyền cúi chào Nam Cung Giao, ánh mắt tràn ngập tình cảm. Họ đều có gương mặt chữ điền rắn rỏi, cằm bạch phủ đầy râu quai nón, mũi ưng, mắt diều trông rất cương nghị và kiêu dũng.

Sở Nhu thỏ thẻ giới thiệu :

- Bẩm công tử, đây là đại ca Sở Tường Thụy, nhị ca Sở Sĩ Hưu và tam ca Sở Tích Vũ. Họ là bào huynh của tiểu muội!

Nam Cung Giao vội vòng tay đáp lễ :

- Hân hạnh được làm quen với tam vị!

Bách Tuấn Hào cất giọng khó chịu :

- Lên đường!

Gã nện gót bước ra, oai vệ lên kiệu ngồi.

Nam Cung Giao và ba hán tử họ Sở đặt đòn lên vai rảo bước.

Sở Nhu cũng thượng mã, thúc ngựa theo sau!

Đoạn đường không dài, chỉ đến cửa Bắc trấn là tã dừng lại để ghé vào lữ điếm, vì trời đã về chiều.

Sáng hôm sau, họ lại khởi hành, tiếp tục gội sương tắm tuyết trên đường thiên lý.

Lúc đầu, Bạch Tuấn Hào cho rằng gã ngông cuồng ngây dại kia sẽ chẳng chịu đựng được lâu, tất phải bỏ cuộc, khi ấy gã có cớ để trừng trị chàng.

Không ngờ Nam Cung Giao thoăn thoắt hòa bước chân với ba anh em nhà họ Sở, chẳng hề chịu kém cỏi. Dù đòn kiệu nặng trĩu trên vai, chàng vẫn vui vẻ chuyện trò, tán gẫu với Sở Nhu và đồng nghiệp, những nụ cười đã khiến đường dài ngắn lại.

Mỗi lần dừng chân dùng bữa, Nam Cung Giao gọi những món ăn ngon nhất và loại rượu quí lâu năm để Bạch Tuấn Hào và bốn anh em họ Sở thưởng thức.

Họ Bạch hài lòng vì chẳng phải tốn tiền, song cũng ấm ức vì thấy Tứ Thiết Vệ yêu mến, kính trọng chàng còn hơn cả mình.

Sở Nhu giữ tay nải của Nam Cung Giao nên là người thanh toán chi phí. Ngay lần đầu, nàng đã suýt ngã ngửa khi phát hiện số ngân phiếu trị giá năm vạn lượng hoàng kim trong túi hành lý.

Sở Nhu không dám nói ra! Và trong lòng dào dạt những cảm xúc kỳ lạ. Chàng trai kia đã thản nhiên giao cho nàng giữ một tài sản khổng lồ mà chẳng hề e ngại!

Được ăn uống no nê, bổ dưỡng, và mặc đủ ấm, sức lực ba gã họ Sở sung mãn, cước trình nhanh gấp bội, nên họ đã đưa Bạch Tuấn Hào đến mục tiêu sớm hơn.

Ngay trưa mười một, cỗ kiệu đã vào thành Từ Châu.

Đoàn người ngụ trong Tứ Hải đại tửu điếm ba tầng, sang trọng nhất thành.

Bạch Tuấn Hào khoan khoái vênh mặt, giá cả nơi đây rất đắt, chẳng phải khách võ lâm nào cũng dám đến trọ. Gã để mặc cho Nam Cung Giao đặt đến sáu phòng thượng hạng và đòi hỏi thực đơn đặc biệt.

Giờ đây, họ Bạch khát khao có được một thủ hạ giàu có, rộng rãi như chàng trai họ Nam Cung. Gã định bụng sẽ đem pho Lôi Chiếu kiếm pháp lừng danh ra làm mồi chiêu dụ đối phương gia nhập Tịch Chiếu sơn trang.

Thanh danh làm lụy người. Giòng họ Bạch muốn trở thành một môn phái, sánh vai với các phái lớn trong thiên hạ, nên đã thu nạp đến ba trăm đệ tử. Dù đã hết sức tằn tiện, cho họ ăn mắm hút gỏi nhưng tài sản Bạch gia cũng ngày một cạn kiệt. Thực ra, Tâm pháp Vô Ngại của họ Bạch đâu cần phải nhịn ăn, nhịn mặc!

Lần này, Bạch Tuấn Hào đến ứng thí ngôi vị rể Đông sàng của Kim Diện cung cũng là nhắm vào món hồi môn to tát mà Thần Nữ Tiền Vân Mi sẽ mang về!

Kim Diện cung phú xưng địch quốc, vì núi Kim Sơn, nơi họ xây cung là điện ở cách thành Từ Châu sáu dặm về hướng Tây Bắc, chính là một mỏ vàng.

Nếu hôn sự thành công, và lại có thêm một gã đệ tử giàu nứt cố đổ vách, chẳng phải là Song Hỉ hay sao?

Còn như Tuấn Hào không cưới được Tiền Vân Mi, thì gã khùng họ Nam Cung kia sẽ là mỏ vàng của Tịch Chiếu sơn trang!

Nam Cung Giao cũng đoán ra thâm ý của họ Bạch, song tảng lờ như không biết gì cả! Chẳng thản nhiên dẫn Tứ Thiết Vệ đi thăm thú phong cảnh Từ Châu, về đến khách điếm là cho bày yến tiệc, chẳng hề hỏi giá cả. Tất nhiên, chàng cũng kính mời Bạch Tuấn Hào thưởng thức.

Họ Bạch chẳng dại gì từ chối, nên vô tình phải ngồi chung bàn với Tứ Thiết Vệ, một việc mà trước giờ chưa hề xảy ra!

* * * * *

Sáng mười lăm, Bạch Tuấn Hào khăn áo chỉnh tề, oai phong tuấn tú trong bộ võ phục gấm màu thanh thiên, mép viền hoa văn vàng nhạt. Gã đủng đỉnh xuống tầng trệt, dùng điểm tâm rồi bước ra sân, định bước lên kiệu.

Tuấn Hào chưa kịp nhận ra rằng Sở Nhu đang đứng vào chỗ của Nam Cung Giao, thì lão chưởng quỹ đã tất tả chạy ra, trong tay cầm một xấp phiếu dầy cộm.

Lão khom lưng cười hề hề :

- Mong đại gia thanh toán tiền trọ và tiền ăn!

Lúc này, trên sân trước lữ điếm cũng có khá nhiều hào kiệt đang chuẩn bị yên cương để đến Kim Diện cung.

Họ nhìn về phía Lôi Phong sơn chủ với ánh mắt mỉa mai.

Bạch Tuấn Hào thẹn đỏ mặt, liếc quanh, phát hiện sự vắng mặt của Nam Cung Giao. Gã choáng váng, cố tỏ vẻ lạnh lùng, hỏi Sở Nhu :

- Tứ Hộ vệ! Sao tối qua không thanh toán tiền cho khách điếm?

Sở Nhu kín cẩn đáp :

- Sơn chủ là người giữ ngân lượng, đệ tử làm gì có.

Tuấn Hào gằn giọng :

- Thế gã Nam Cung Giao đâu?

Lão Đại Sở Trường Thụy cướp lời bào muội :

- Y đã đi hồi cuối canh tư! Có gởi lời chào tạm biệt Sơn chủ!

Tuấn Hào chết điếng, trách móc :

- Sao ngươi không giữ hắn lại!

Sở Trường Thủy cười mát :

- Y chẳng phải là đệ tử của Tịch Chiếu sơn trang, thuộc hạ giữ lại làm gì?

Tuấn Hào giận điên người, quay sang hỏi lão chưởng quỹ :

- Bao nhiêu?

Lão ta đã mất niềm tin vào vị thượng khách bề ngoài sang cả kia nên hờ hững đáp :

- Bẩm đại gia! Tổng cộng các khoản là hai trăm bốn mươi sáu lượng vàng!

Tuấn Hào tá hỏa tam tinh, nghe cổ họng đắng như nuốt mật, bất giác bật thốt :

- Làm gì mà nhiều thế?

Lão chưởng quỹ cười nhạt :

- Bổn điếm có cơ ngơi khang trang, lộng lẫy nhất phủ Giang Tô, cung cách phục vụ lại chu đáo, xem khách như bậc Vương tôn, tất nhiên giá cả phải cao. Song ba chục năm qua, chưa có vị quí nhân nào vào đây mà mở miệng chê đắt cả! Tôn giá thử hỏi những vị kia xem?

Đám hào kiệt đứng gần đấy đồng thanh cười cợt chế giễu họ Bạch :

- Không phải mãnh long thì đừng qua sông! Đã dám vào trọ ở Tứ Hải đại lữ điếm mà còn bủn xỉn nữa sao?

Có kẻ còn mỉa mai :

- Té ra Tịch Chiếu sơn trang đã sạt nghiệp nên Bạch sơn chủ mới mong đến đây để ẵm năm vạn lượng vàng hồi môn của Thần Nữ Kim Diện cung!

Bạch Tuấn Hào run lẩy bẩy, nhục nhã đến mức chỉ muốn độn thổ. Gã thề sẽ tìm cho được Nam Cung Giao mà xé xác.

Trong túi gã hiện giờ chỉ còn chưa tới trăm lượng vàng, cố móc sạch ra cũng không đủ. Hơn nữa, nếu không cưới được Tiền Vân Mi thì lấy đâu ra lộ phí về Hàng Châu?

Mặt gã lúc trắng, lúc đỏ, đứng chết lặng chẳng biết tính sao.

Lúc này lão chưởng quỹ mới chậm rãi nói :

- Tôn giá là bá chủ một phương, anh hùng khét tiếng nên lão phu niệm tình, mở cho một lối thoát. Nay bổn điếm cũng đang cần võ sĩ hộ viện, sẵn sàng mua lại bốn đệ tử khiêng kiệu kia, với giá năm trăm lượng vàng. Trừ đi chỉ phí ăn ở, tôn giá còn lại hai trăm năm mươi bốn lượng!

Chẳng thể đứng mãi ở đây mà chịu nhục, Bạch Tuấn Hào đành phải chấp thuận. Gã quay sang nói với Tứ Thiết Vệ :

- Nay bổn nhân trúng quỷ kế của tiểu tử Nam Cung Giao, đành phải nhờ các ngươi giúp đỡ. Sau này ta sẽ mang vàng đến chuộc lại!

Sở Trường Thụy ngửa cổ cười dài, chua xót nói :

- Anh em tại hạ vì mối gia thù đến làm trâu ngựa cho Sơn chủ, mong học được vài đường tuyệt kiếm. Thế mà, hai năm qua Sơn chủ chỉ dạy cho có bốn chiêu, e rằng kẻ thù sẽ chết trước khi bọn ta đủ sức giết lão. Giờ đây anh em tại hạ còn bị đem ra bán thì còn gì đạo nghĩa nữa?

Gã đang định phản đối quyết liệt thì phát hiện chưởng quỹ nháy mắt với mình, ra hiệu rằng hãy đồng ý!

Trường Thụy hiểu ngay rằng đây là kế hoạch của Nam Cung Giao, muốn giải thoát bốn người họ Sở khỏi lời thề lúc gia nhập Tịch Chiếu sơn trang.

Gã liền đổi giọng :

- Thôi được! Bọn tại hạ đồng ý cứu vãn thanh danh cho Sơn chủ. Kể từ nay, anh em tại hạ không còn là người của Tịch Chiếu sơn trang nữa!

Lão chưởng quỹ quay vào quầy, trở lại ngay với số vàng hai trăm năm mươi bốn lượng, toàn bằng tiền giấy Đại Minh Thông Hành Bảo Sao.

Từ sau đời vua Minh Thành Tổ, vàng bạc đã được lưu hành song song với tiền giấy, và dĩ nhiên là ai cũng thích thứ kim loại óng ánh hơn những tờ giấy dễ ướt, dễ rách, dễ cháy. Do vậy, lão chưởng quỹ đã vui vẻ tống hết cho Bạch Tuấn Hào.

Lão còn mau mắn bảo tiểu nhị đi gọi bốn gã phu khiêng kiệu để thay thế cho Tứ Thiết Vệ.

Lôi Phong sơn chủ thẫn thờ lên kiệu, lòng phân vân không biết có nên đến Kim Diện cung nữa hay thôi? Chắc chắn chuyện này sẽ được loan truyền khắp nơi, khiến mọi người đàm tiếu!

Song, Tuấn Hào chợt nghĩ rằng Nam Cung Giao đến đây chắc cũng để thượng đài ứng thí, vậy thì gã sẽ muối mặt ở lại, giết cho được tiểu tử khốn kiếp kia.

Hơn nữa, gã bắt buộc phải lấy cho được Tiền Vân Mi thì mới cứu vãn nổi cơ nghiệp nhà họ Bạch. Nếu Kim Diện cung giới hạn tuổi thượng đài là Tứ thập thì Tuấn Hào tin chắc mình sẽ thành công!

Với ba mươi năm tu vi và pho Tịch Chiếu kiếm pháp, gã là cao thủ số một trong hàng ngũ trung niên và thanh niên.

Ý nghĩ này đã khích lệ Tuấn Hào lo đi đến núi Kim Sơn.

Họ Bạch đi rồi, lão chưởng quỹ liền mời anh em họ Sở vào trong.

Lão hồ hởi nói :

- Chính Nam Cung thiếu hiệp đã bàn với lão phu, gài bẫy Bạch Tuấn Hào giải thoát cho chư vị!

Chàng thì bảo rằng: Họ Bạch tính tình lạnh nhạt, kiêu ngạo, thiếu phần nhân tình, tất sẽ không tận tâm dạy kiếm pháp cho anh em họ Sở. Dẫu họ có làm nô lệ cho Tịch Chiếu sơn trang hai chục năm cũng không thể nào giết nổi Hoài Giang Thần Thương. Chư vị hãy đi tìm danh sư khác mà học nghệ!

Lão Nhị Sở Sĩ Hưu rầu rĩ thở dài :

- Anh em tại hạ cũng đã thức ngộ được điều ấy, do bị ràng buộc bởi lời thề nhập môn nên phải cắn răng chịu đựng. Nay nhờ ơn Nam Cung công tử mà thoát vòng cương tỏa, nhưng quả thực chẳng biết tìm danh sư ở chốn nào.

Lão chưởng quỹ cười khà khà :

- Lão phu trước đây là một cao thủ Hắc đạo, tung hoành mười tám năm mới hoàn lương, kinh doanh lữ điếm này. Lão phu mạo muội nhận xét rằng chư vị hơi kém mắt nên không nhìn ra chân tướng của bậc anh hùng trẻ tuổi họ Nam Cung? Nếu y chẳng tự tin thắng nổi Bạch Tuấn Hào thì đã không dám hạ nhục gã! Tứ vị hãy theo phò Nam Cung Giao, lão phu đoan chắc mối gia thù của họ Sở sẽ trả xong.

Lão Tam Sở Tích Vũ mới hai mươi sáu, tính tình sôi nổi, bộp chộp, ăn nói chẳng giữ lời. Gã rất khoái Nam Cung Giao nên tán thành ngay, bàn với lão Đại :

- Đại ca! Hay là chúng ta gả quách Tứ muội cho y. Khi trở thành rể họ Sở, y hợp lực với anh em ta giết lão Hoài Giang Thần Thương?

Sở Nhu bẽn lẽn trách móc :

- Tam ca toàn nói quàng xiên, công tử đâu thèm để ý gì đến tiểu muội!

Tích Vũ ngoác miệng định cãi gì đó thì nghe lão chưởng quỹ nói với giọng diễu cợt :

- Ý kiến của ngươi cũng không phải dở, song e rằng quá muộn và Nam Cung thiếu hiệp đã đi núi Kim Sơn tranh ngôi rể quí của nhà họ Tiền.

/28

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status