Thịnh Sủng Chi Hạ

Chương 64: Việc này hơi kỳ quái

/110


Kiều thị gọi Mai Như đến ngay khi nàng vừa từ chùa về. Bà mừng rỡ vì cô con gái yêu trổ mã ngày càng xinh đẹp, đồng thời lo lắng vụ xem mặt hôm nay. Kiều thị không biết mở lời thế nào nên cứ rầu rĩ nhìn Mai Như.

Lúc ở chùa Liên Hương, Mai Như đã đoán được kế hoạch của mẫu thân – đảm bảo bà mong An biểu ca coi trọng nàng chứ không phải nhị tỷ tỷ. Giờ bà lặng thinh làm tai Mai Như nóng lên, nàng gọi, “Mẫu thân.”

Kiều thị vừa vuốt mái tóc mượt của con gái vừa hỏi, “Hôm nay thế nào?”

“Không tồi,” Mai Như cố tình trả lời mập mờ.

“Cái gì không tồi?” Hai mắt Kiều thị như sắp phát sáng tới nơi.

Mai Như cười, “Phong cảnh chùa chiềng không tồi.” Nàng bổ sung, “Con cũng cầu bùa bình an cho ca ca và Nguyệt tỷ nhi.”

Cầu cho Mai Tương là điều hiển nhiên vì hắn phải ra trận giết địch. Nguyệt tỷ nhi thì nhiễm bệnh sởi suốt mấy ngày qua, đại phu chẳng dám kê đơn liều mạnh nên đành từ từ chữa trị. Mai Như thấy Nguyệt tỷ nhi giơ tay bàn nhỏ định cào mặt liền nhét bùa bình an vào tay cô bé. Nguyệt tỷ nhi lập tức nắm chặt bùa rồi nhoẻn miệng cười, quên luôn chuyện mình định làm.

Kiều thị biết Mai Như đang đùa bèn lấy tay chọt trán nàng, “Nhóc con chỉ giỏi ba hoa chích chòe!”

Mai Như xin tha rồi thẳng thắn bày tỏ, “Mẫu thân à, mai mốt đừng đẩy con cho người ngoài nữa.”

“Sao thế?” Kiều thị tò mò nói.

Mai Như nhỏ giọng trả lời, “Biểu ca rất tốt nhưng đáng tiếc con không vừa ý, nhị tỷ tỷ hình như ngược lại. Nếu nương còn làm vậy thì sau này sao con ở chung với nhị tỷ tỷ được.”

“Cái gì mà vừa ý chứ?” Kiều thị nghiêm khắc quở nàng, “Nhóc con ăn nói táo bạo, người ta nghe được thì xấu hổ chết!”

Mai Như thè lưỡi, nàng kéo tay Kiều thị, “Dù sao trong phòng chỉ có hai mẹ con, nếu không nói rõ thì e rằng về sau mẫu thân sẽ tiếp tục mai mối lung tung.”

Kiều thị thở dài, bà nhíu mày nhìn đứa con nhõng nhẽo mà thì thào, “Vậy Tuần Tuần vừa ý ai?”

“Nương!” Mai Như giật mình, gương mặt đẹp đỏ ửng.

Kiều thị trừng mắt, “Ta quan tâm nhóc con nhà ngươi còn gì nữa?” Bà sợ con mình chịu khổ dù chỉ một chút.

Sao Mai Như có thể không hiểu ý mẫu thân? Kiếp trước, Kiều thị vui sướng tột cùng khi nàng lấy Phó Tranh. Ngày bà buông tay nhân gian, bà chẳng nói nên lời và cứ ngẩn ngơ nhìn Phó Tranh chứ không chịu nhắm mắt xuôi tay. Lúc ấy Phó Tranh nói một câu “bản vương chắc chắn sẽ chiếu cố Tuần Tuần chu đáo” thì Kiều thị mới yên tâm nhắm mắt.

Tâm trạng Mai Như nặng trĩu, nàng buồn bã khụt khịt rồi gượng cười, “Nương, con còn nhỏ nên tạm thời không nghĩ tới mấy việc này.” Nàng thử thăm dò, “Nương, con sẽ vô cùng tự tại nếu được vân du bốn phương giống tiên sinh. Được vậy thì việc gì phải lập gia đình rồi bị trói buộc?”

Kiều thị tức khắc cốc đầu nàng, “Bậy bạ!” Bà răn dạy, “Ta không cho phép con nghĩ linh tinh!”

“Vâng ạ,” Mai Như chậm chạp đáp.

Mai Như về viện tử của mình rồi lười biếng ngồi trước bàn sách, trên bàn là bức tranh nàng đang vẽ dở để mừng thọ lão tổ tông vào tháng hai. Nàng thờ ơ nhìn nó, cảm hứng mất sạch khiến nàng lười cầm bút, vì vậy nàng sai Tĩnh Cầm tạm cất tranh. Mai Như ngồi trong chốc lát, sau đó lấy ra bản dịch đã được Bình Dương tiên sinh phê duyệt lẫn chỉnh sửa.

Nàng vừa đọc vừa so sánh, cảm thấy mình quả thật…kém xa.

Mai Như khẽ thở dài, từ đấy nàng cố gắng học tập gấp bội.

Tết Thượng Nguyên mười lăm tháng giêng, Mạnh Uẩn Lan đến mời Mai Như đi ngắm hoa đăng giống năm ngoái. Lần này Mai Như nhất quyết từ chối. Từ hồi phát hiện An biểu ca dành tình cảm khác thường cho mình, nàng chỉ muốn trốn tránh thôi. Suy cho cùng, tất cả đều vì Mai Như nhận ra suy nghĩ thầm kín của nhị tỷ tỷ. Hôm trò chuyện dưới mái đình sau chùa Liên Hương, nàng vừa bảo “nhị tỷ tỷ hợp hơn” là Mai Thiến cúi đầu với lỗ tai đỏ bừng, đôi mắt luôn dịu dàng tỏa sáng lấp lánh.

Mai Như từng thích người ta nên dù nhị tỷ tỷ chưa nói rõ thì bộ dạng này chứng tỏ nàng ấy vừa ý An biểu ca còn gì? Nàng thật lòng chả muốn dây vô chuyện này, một phần vì không có tình cảm với An biểu ca, một phần vì sợ phá hỏng quan hệ giữa hai tỷ muội. Thế là Mai Như quyết định né xa.

Mạnh Uẩn Lan oán trách, “Tuần Tuần không đi thật à?”

Mai Như lắc đầu, “Thật đấy, ta còn phải ghé qua phủ của tiên sinh.”

Bình Dương tiên sinh chưa xuất giá, bà chỉ nhận mình Mai Như là đệ tử nên nàng hay đến phụng dưỡng bà mỗi dịp lễ tết. Lý do này làm Mạnh Uẩn Lan hết đường mời mọc, từng câu chữ của nàng ấy đều biểu lộ sự tiếc nuối.

Khi Mạnh An xuất hiện, hắn đưa mắt lại đây nhưng Mai Như im lặng cúi đầu. Ánh mắt kia khựng lại rồi cứng ngắc chuyển sang chỗ khác.

Mọi người cùng đi ngắm hoa đăng, Mai Như một mình đến phủ Bình Dương tiên sinh.

Trời đã tối, ngoài đường cực kỳ nhộn nhịp. Mai Như vẫn thích náo nhiệt nên lẳng lặng vén màn xe để ngắm phố phường. Ánh đèn hai bên đường dập dờn như nước, nàng thầm nhủ có chúng thì đêm tối cũng nhạt màu. Khi tới con hẻm trước phủ Bình Dương tiên sinh, Mai Như bắt gặp Phó Chiêu.

Trận cãi vã đầu năm làm Mai Như ngó lơ vị điện hạ khó chiều này, nàng đi thẳng vào phủ Bình Dương tiên sinh.

Phó Chiêu kêu “ấy” một tiếng ở đằng sau rồi nói, “Quà năm mới mà ngươi hứa đâu?”

“Cái gì?” Mai Như nghiêng đầu, lạnh lùng hỏi.

Phó Chiêu nhấn mạnh, “Lúc đó chính miệng ngươi nói xin khất quà đến ‘lần sau’, bây giờ ngươi tính chối hả?”

Mai Như vặc lại, “Chẳng phải điện hạ nói không vừa mắt quà của ta sao?”

Đây đúng là tự đào hố chôn mình, Phó Chiêu ấm ức nhưng vẫn mếu máo bảo, “Giờ bản hoàng tử thấy vừa mắt, được chưa?”

“Tất nhiên là được.” Mai Như thi lễ và châm chọc, “Có điều điện hạ hết vừa mắt rồi lại chướng mắt, thật khiến người khác khó bề theo kịp. Hay khi nào về cung thì điện hạ gọi thái y tới khám mắt xem?”

“…”

Phó Chiêu lại cứng họng! Hắn suýt quên Mai Như nhanh mồm dẻo miệng vào hạng bậc nhất, nàng cũng thừa sức lợi dụng kẽ hở trong lời người khác! Phó Chiêu tự giận dỗi hồi lâu, hắn chẳng biết ứng đối ra sao. Còn Mai Như đã khom lưng rồi xoay người vào phủ Bình Dương tiên sinh.

Phó Chiêu buồn bực về cung, hắn thầm nghĩ sao chưa có tin tức gì về thất ca? Thất ca vẫn bình an chứ?

Nghe đâu cuộc chiến này gian khổ cùng cực, Ngọc Môn Quan chẳng những giá rét mà đường lương thực còn bị người Hồ phương Bắc cắt đứt. Hai ngày trước, chiến sự làm phụ hoàng ưu phiền khôn xiết và triệu tập người vào cung thảo luận suốt đêm.

Phó Chiêu thở dài não nề, hắn chỉ mong thất ca mau chóng về kinh. Hắn còn muốn thất ca trấn cửa ải và nghĩ kế giùm hắn!

Bất kể là với Phó Chiêu hay Duyên Xương Đế, trận chiến này như lớp bụi dày nặng bám lấy tâm trí người Đại Ngụy. Năm mới là dịp vui song lại trôi qua trong yên ắng. Mùng mười tháng hai là đại thọ của Đỗ lão thái thái, Mai phủ định tổ chức rầm rộ nhưng đụng trúng thời điểm chiến sự căng thẳng nên họ không làm lớn nữa. Ai ngờ vào mùng bảy, một tấu chương cấp tốc tám trăm dặm từ Tây Bắc báo tin chiến thắng đến hoàng đế! Mấy ngày nay, cả kinh thành xôn xao vì việc này, tiệc mừng thọ của lão thái thái dĩ nhiên cũng được chuẩn bị kỹ càng.

Mai Như vừa rời nhà Bình Dương tiên sinh đã nghe đầu đường cuối ngõ bàn tán trận chiến đó. Đương nhiên, người được nhắc đến liên tục là Yến Vương điện hạ.

Nhiều năm qua, triều Ngụy đánh nhau vô số lần với Tây Khương nhưng đây là chiến thắng duy nhất suốt bao năm, hơn nữa họ còn thắng lợi toàn diện!

Nghe nói lúc hai phe giằng co tại Ngọc Môn Quan, Phó Tranh âm thầm chỉ huy mấy ngàn kỵ binh nhẹ ẩn núp ngày đêm giữa cát vàng để đánh úp. Thừa dịp trong nước Tây Khương vắng người, hắn vòng ra sau lưng địch và giết bọn họ trở tay không kịp. Bằng cách này, đối phương gặp bất ngờ nên chân tay luống cuống. Bọn họ buộc phải rút quân về gấp, song quân Ngụy đã chia ra để truy kích. Sau vài lần bị bao vây, đại quân Tây Khương nhanh chóng tan rã và đa số bỏ mạng bên ngoài Ngọc Môn Quan.

Chưa hết, Phó Tranh dẫn dắt binh lính đến tận thủ phủ Tây Khương, trên đường đi còn chiếm được mấy tòa thành.

Điểm lạ lùng duy nhất là Phó Tranh thắng trận nhưng không khải hoàn về triều ngay mà gửi tấu chương tới Duyên Xương Đế. Nội dung sổ con có vẻ muốn mời sứ thần đến Tây Khương thương nghị việc nước này chấp nhận thần phục. Ban đầu triều Ngụy phát sinh nội loạn, Tây Khương tiện thể thoát ly. Hai nước giao chiến nhiều năm, hiện giờ Tây Khương bại trận lẫn quy thuận triều Ngụy lần thứ hai. Sự kiện đó thật khiến lòng người sảng khoái! Kết quả là Phó Tranh càng được ca ngợi.

Khi những lời xì xào bay vào tai, Mai Như chặc lưỡi và chỉ nghĩ Chu Tố Khanh kiếm hời rồi!

Hôm nay nàng ngồi xe đến Hồng Lư Tự, chưa kịp tập trung đọc sách thì tiểu Lưu công công – người hầu hạ hoàng hậu – đã tới gọi Mai Như vào cung.

Mai Như từng gặp tiểu Lưu công công vài lần, nàng thắc mắc, “Lưu công công có biết vì sao hoàng hậu nương nương triệu tập ta không?”

Lưu công công đáp, “Ta cũng không biết, tam cô nương đi là biết thôi.”

Mai Như đành cố gắng che giấu cảm xúc.

Khi tới Khôn Ninh Cung, nàng phát hiện Duyên Xương Đế cũng có mặt!

Mai Như hiếu kỳ gấp bội, không biết bữa nay đế hậu có chủ đích gì.

Duyên Xương Đế giữ im lặng, Tam công công phục vụ ngự tiền the thé cất tiếng.

Mai Như quỳ gối tại chỗ, nàng mới nghe dăm ba câu đã hiểu đầu đuôi câu chuyện. Hóa ra Phó Tranh chỉ huy binh lính công phá thủ phủ Tây Khương, còn tiến vào hoàng thành của phe địch. Hoàng thất Tây Khương có người chết vì thủ tiết, cũng có người bị giết. Sự việc diễn biến thế nào mà hiện tại Tây Khương chỉ còn một tiểu công chúa chưa đầy mười tuổi! Vài ngày trước, ngoài chuyện cử sứ thần thì tấu chương do Phó Tranh gửi về cũng nhân tiện đề cập vụ này mấy câu.

Duyên Xương Đế đặt nặng thể diện. Để truyền bá khí phách nước Ngụy, ông cảm thấy không thể phái toàn những ông già ở Hồng Lư Tự đi, khéo sẽ mang tiếng bắt nạt con nít mất. Duyên Xương Đế nghĩ tới nghĩ lui rồi nhớ đến Mai Như.

Sau buổi chầu hôm nay, Duyên Xương Đế lập tức triệu tập Mai Như vào cung.

Mục đích ông gọi nàng đến thứ nhất là để thử tài ăn nói lẫn dũng khí của Mai Như, thứ hai là xem nàng có tình nguyện đồng hành với Hồng Lư Tự và có gì khó xử không. Suy cho cùng, đi sứ cùng Hồng Lư Tự là chuyện lớn.

Mai Như hiểu ý ông, nàng chẳng cảm thấy khó xử vì Bình Dương tiên sinh đã dạy đọc vạn quyển sách không bằng đi ngàn dặm đường. Có thể ra ngoài thu thập kiến thức là chuyện tốt, tuy nhiên… Mai Như thấy việc này hơi kỳ quái, tại sao nàng lại được chọn?

Trên hết, nhìn qua thì nàng thỏa mãn mọi điều kiện cho việc này. Toàn bộ triều Đại Ngụy chắc chỉ có Mai Như với Bình Dương tiên sinh là hai nữ tử hiểu ngôn ngữ ngoại bang. Đối phương còn là vị công chúa chưa đến mười tuổi, để một cô nương như Mai Như đi mới phù hợp. Nhìn sao cũng thấy có người vẽ đường thay Mai Như.

Nàng hơi nhíu mày, thầm than chuyện này lạ thật, đồng thời không biết Duyên Xương Đế định kiểm tra thế nào.

Tam công công nói tiếp, “Hôm nay bệ hạ cùng hoàng hậu mời Mai cô nương vào cung vì muốn xem cô nương trổ tài hùng biện.”

Hùng biện nói theo tiếng dân thường chính là đấu võ mồm, cãi nhau, và nắm thóp lời đối thủ.

Các ông lão Hồng Lư Tự rèn luyện mấy chục năm nên quá am hiểu kỹ năng trên, bởi vậy Duyên Xương Đế mới ngại cử bọn họ đi đối phó một bé gái.

Mai Như vẫn thấy việc này quái quái; mọi thứ đều ăn khớp, kể cả cái lưỡi sắc bén của nàng.

Bây giờ Mai Như không có thời gian nghĩ nhiều, nàng bình tĩnh hỏi, “Bệ hạ và nương nương muốn thần nữ hùng biện với ai?”

Duyên Xương Đế cười ha ha, ông giơ tay chỉ, “Với chính ngươi.”

Hùng biện với bản thân càng thách thức người ta hơn. Mai Như trầm tư rồi giữ vẻ mặt nghiêm túc để kính cẩn nói, “Xin bệ hạ với nương nương hãy ra đề.”

/110

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status