Thiên Kiếm Tuyệt Đao

Chương 15 - Âm Phong Thấu Cốt Chưởng

/63


Lã Nguyên Phúc thở dài nói :

- Xem ra, chúng ta ngày hôm nay không thể tìm được kết quả, cách đoán dò này chỉ sợ là việc vô bổ...

- Gia huynh đã sắp đặt một bàn rượu ngon cho chư vị ở dãy phòng phía tây, chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện vãn được chứ?

Thượng Bất Đồng vỗ tay nói :

- Hay lắm, chúng tôi cung kính không bằng tuân mạng, xin phiền nhị vị dẫn đường. Mã Nguyên Phúc đi trước, Hồ Mai, Mã Nguyên Thọ và Thạch Thiết Anh lục tục nối gót theo sau. Thượng Bất Đồng đi sau cùng xuyên khỏi gian đại sảnh, rẽ vào phòng phía tây, quả nhiên tiệc rượu đã được bày sẵn.

Đây là một ngôi vườn nhỏ, rất xinh xắn, cây cối xanh um, có rào vòng tròn màu xanh nhạt bao phủ chung quanh càng tăng thêm lối kiến trúc tinh xảo của ngôi vườn. Mã Nguyên Phúc dẫn mọi người vào trong một gian sảnh nói :

- Chư vị ở đây có thể tự do trò chuyện.

Thượng Bất Đồng ly làm lạ nói :

- Tại sao ở nơi này có thể mà nơi khác lại không?

- Chẳng giấu gì chư vị, trong tòa điện này nơi nơi đều có cơ quan, người ngoài không thể nào xâm nhập được, kế hoạch của chúng ta bàn đây không nên để tiết lộ ra ngoài.

Mã Nguyên Phúc vừa nói vừa mời khách an tọa. Thượng Bất Đồng nâng ly rượu lặng lẽ uống cạn ba chén mới đặt mạnh ly xuống bàn nói :

- Tả Thiếu Bạch là hậu nhân của Bạch Hạc bảo đã được tự y thú nhận, võ công y rất cao cường, chúng ta đều thấy rõ tận mắt, cứ xét tình hình thì Thiếu Bạch không phải là nhân vật chủ mưu của Cừu hận chi kiếm, ít ra là do ở một kẻ khác, ngầm sắp đặt kế hoạch...

Đảo mắt liếc qua mọi người một lượt, lão nói tiếp :

- Ngươi ấy đã nghĩ ra được cái tên cổ quái Cừu hận chi kiếm, lại tàn sát đối tượng bất phân môn phái, như thể khắp cả giang hồ ai cũng là kẻ thù của y. Xin chư vị thử nghĩ, mấy chục năm nay trên chốn giang hồ trừ Bạch Hạc bảo của Tả gia, còn có môn phái nào bị tất cả đồng đạo võ lâm ra tay xóa tên không?

Hồ Mai nói :

- Tại hạ nhớ đến một chuyện không biết có liên quan gì đến Cừu hận chi kiếm.

Mã Nguyên Phúc nói :

- Xin nghe cao luận của Hồ huynh.

- Chư vị có ai nghe cái tên Thiên Sơn tam tàn chưa?

Thượng Bất Đồng liền nói :

- Nghe rồi, ba người ấy năm xưa đều là nhân vật võ lâm Trung Nguyên.

Hồ Mai khẽ gật đầu nói :

- Đúng đấy, lúc tại hạ đến đây, có nghe phong thanh là Thiên Sơn tam tàn vào Trung Nguyên để báo thù cái hận bị trục xuất khỏi Trung Nguyên năm xưa.

Quần hào biến sắc, Mã Nguyên Phúc chột dạ nói :

- Hồ huynh, tin này do đâu mà ra thế?

- Chuyện này tại hạ nghe người ta đồn ở Hoàng hạc lâu, lúc ấy tại hạ chưa để ý, nay nghe Thượng huynh nhắc tới tại hạ mới nghĩ ra.

Hẳn nói Thiếu Bạch trúng phải Âm Phong Thấu Cốt chưởng pháp của đối phương, tự biết là không thể cầm cự cuộc chiến lâu, nên sau khi bức bách quần hào thối lui liền chạy như bay ra khỏi Phúc Thọ bảo. Nội công chàng thâm hậu, nên chỉ dùng một khẩu chân khí để giữ vết thương khỏi phát tác, chạy một hơi hơn hai mươi dặm đường. Hoàng Vĩnh và Cao Quang vẫn không biết Thiếu Bạch đang cố chịu đựng cơn nội thương trầm trọng, thấy chàng chạy như bay khiến hai người đuổi muốn hụt hơi, trong lòng ngầm bội phục, đều nghĩ bụng :

- “Sau khi trải qua trường ác chiến, Minh chủ vẫn còn được cái sức dai như thế, thật là lạ”.

Nghĩ tới đây, thốt nhiên thấy Thiếu Bạch dừng bước, thân hình lảo đảo mấy vòng rồi ngã lăn ra mặt đất. Cao Quang kêu thất thanh một tiếng, vội vã chạy lại.

Cao Quang chực thò tay đỡ Thiếu Bạch, nhưng chậm mất, chỉ nghe phịch một tiếng, thân hình Thiếu Bạch đã ngã sấp xuống mặt đất, làm nổi lên một đám bụi mờ. Cao Quang vội ngồi xổm xuống, nắm lấy cổ tay của Thiếu Bạch, bất giác kinh hãi khi thấy cánh tay chàng đã lạnh như băng. Hoàng Vĩnh hấp tấp chạy tới hỏi :

- Tam đệ, Minh chủ có sao không?

- Thương thế rất nặng, chân tay đều băng giá.

Phải biết môn Âm Phong Thấu Cốt chưởng của Thượng Bất Đồng là một môn công phu tà môn, lấy khí âm hàn dung nạp trong chưởng lực nên phàm người bị chưởng lực lão đánh trúng, toàn thân đều lạnh giá.

Hoàng Vĩnh tuy hãi sợ nhưng còn trầm tĩnh hơn Cao Quang, nhanh nhẹn vác Thiếu Bạch lên lưng nói :

- Đừng có hoảng, đại ca là người lương thiện tất chẳng hề chi cả, chúng ta nên tìm ngay một nơi yên tĩnh, tìm cách chữa trị thương thế của người. Thế lực của Phúc Thọ bảo rất lớn, việc đại ca thọ thương không thể để lọt vào tai mắt họ được.

Hoàng Vĩnh đưa mắt nhìn quanh quất, thấy xa xa ở hướng tây có một cánh rừng, liền rảo bước chạy bay tới. Cao Quang cũng chạy vội theo sau, hai người tuy chạy hết sức nhưng vẫn mất độ nửa tiếng đồng hồ sau mới đến bìa rừng. Đấy là một cánh rừng rộng lớn, Hoàng Vĩnh nhìn lại một lượt, không thấy có người đuổi theo mới rảo nhanh bước vào bên trong nói :

- Cánh rừng rộng lớn này là một nơi rất tốt, trong võ lâm vẫn có câu răn là gặp rừng chớ vào, nhưng chúng ta nên mượn nó để cho đại ca dưỡng thương.

- Tiểu đệ thấy thương thế đại ca rất nặng, chỉ sợ với cách nghỉ ngơi không thể bình phục được, chúng ta nên tìm một vị thầy thuốc đến xem thương thế của người thì hơn.

- Tất nhiên rồi, chúng ta hãy tìm một nơi dừng chân đã.

Cất bước chạy vào trong sâu. Cánh rừng càng vào trong cây cỏ càng rậm rạp. Hoàng Vĩnh chạy không đầy mười trượng đã chẳng còn thấy lối đi, phía trước đâu đâu cũng toàn là những cỏ hoang cao tới ngang lưng, mọc thành từng đám nghẽn lấy đường.

Cao Quang sấn nhanh tới một bước, nói :

- Để đệ mở đường cho.

Rồi nhanh đưa tay rút lấy thanh trường kiếm trên mình Thiếu Bạch. Hoàng Vĩnh hấp tấp nói :

- Hiền đệ đừng nên lỗ mãng, chặt cây cỏ này tuy có thể lấy lối đi cho chúng ta nhưng cũng sẽ để lại dấu vết cho kẻ truy tầm.

- Vậy nhị ca nghĩ thế nào?

- Dùng song bút của tam đệ, chém dạt những đám cỏ rậm cũng đủ đi được rồi.

Cao Quang khẽ gật đầu nói :

- Đúng đấy.

Trả lại kiếm rồi Cao Quang rút song bút đánh vẹt đám cỏ rậm, tiến về phía trước. Hai người đi sâu thêm bảy tám trượng nữa, đến một gốc cây Du lớn ít ra có đến ngàn năm, cành lá xòe ra, che lấp những cây cối chung quanh. Dưới gốc cỏ xanh mọc đến gối hiện ra một chỗ đất trống chừng hơn trượng. Hoàng Vĩnh đặt Thiếu Bạch xuống nói :

- Chúng ta dừng chân ở nơi đây.

Cao Quang ngước mắt nhìn cây Du nói :

- Cây Du này mọc chen lẫn với cây cối chung quanh, cây xòe ra tứ phía có vài nơi như những chiếc giường treo thiên nhiên, là nơi nghỉ ngơi rất tốt đó.

Hoàng Vĩnh ngửng đầu lên nhìn, mừng rỡ nói :

- Phải, nếu như đại ca cần điều dưỡng vết thương, chúng ta ở trên cây Du này thì tuyệt.

Cao Quang nhìn lại Thiếu Bạch đang nằm đôi mắt nhắm nghiền nói :

- Đối với việc dùng thuốc chữa thương, tiểu đệ hoàn toàn không hiểu, chuyện chữa trị cho đại ca xin nhờ vào một tay nhị ca.

- Không sao, nội công đại ca rất tinh thâm, chút chưởng ấy quả không thể phương hại đến người đâu.

Chưa thò tay đặt lên mạch tay trái của Thiếu Bạch, Hoàng Vĩnh như có một lòng tin mãnh liệt, nên trong lúc chuyện vãn với Cao Quang miệng chàng vẫn tươi cười.

Nhưng ngón tay vừa chạm vào mạch tay Thiếu Bạch, cái vẻ tươi tắn trên gương mặt liền biến hẳn, trong lòng Hoàng Vĩnh lại dâng lên một nỗi lo lắng trầm trọng.

Cao Quang chỉ nhìn vào gương mặt của Hoàng Vĩnh, đã biết thương thế Thiếu Bạch có sự biến hóa nguy hiểm, nhưng vẫn nhẫn nại hỏi :

- Thương thế đại ca nặng lắm sao?

- Huyết mạch rất yếu, chỉ sợ chúng ta khó đủ sức chữa trị!

- Thế thì biết phải làm sao?

Hoàng Vĩnh nghĩ ngợi giây lâu nói :

- Tam đệ ở đây trông coi đại ca, ngu huynh ra ngoài trấn gọi thầy thuốc.

- Sự gấp lắm rồi, nhị ca mau đi thôi!

Hoàng Vĩnh đứng dậy nói :

- Trước hết, chúng ta đem đại ca lên cây đã.

Đề chân khí chàng nhảy vút người lên, nắm lấy một cành cây to, rồi lộn bổng người một vòng, đã chễm chệ trên một tàng cây rậm rạp. Liền đó cởi dây lưng buộc chặt ly Thiếu Bạch kéo lên. Cao Quang tung mình nhảy theo, lựa một nơi rộng rãi, dùng bảo kiếm san bằng đám lá, rồi chọn một ít nhánh cây mềm lát thành một chiếc giường, đặt Thiếu Bạch xuống.

Hoàng Vĩnh nhảy xuống đất bỏ đi. Thiếu Bạch vẫn nhắm nghiền đôi mắt, hôn mê bất tỉnh. Cao Quang cởi áo che lấy người Thiếu Bạch, rồi ngồi bên cạnh trên cái tàng cây làm giường ấy, ngẩn người đến xuất thần.

Không biết được thời gian bao lâu sau, thốt nghe có tiếng chim vỗ cánh truyền lại. Quay đầu lại nhìn chỉ thấy một con chim cánh sặc sỡ rất lạ, ở trong đám lá rậm rạp bay vút xuống đậu dưới gốc cây Du.

Cao Quang hé mắt nhìn theo kẽ hở của đám lá, chỉ thấy con chim cánh sặc sỡ ấy đi đến bên một gốc cây nở đầy bông hoa cạnh cây Du. Nó hé mỏ ngậm hai đóa hoa tía rồi lại vỗ cánh bay đi.

Cao Quang động tánh hiếu kỳ, nghĩ bụng :

- “Đóa hoa tía kia không biết là loại hoa gì? Lại có sức hấp dẫn loài chim đẹp đẽ ấy từ phương trời xa bay lại kiếm ăn, ta thử xuống xem sao”.

Phi thân nhảy xuống gốc cây hoa, đưa tay ngắt lấy một đóa hoa tía đưa vào mũi ngửi giây lâu. Nhưng lạ thay, đóa hoa không có một hương vị gì cả, vừa chực dùng miệng nếm thử, trong lòng chợt rung động, nghĩ bụng :

- “Lỡ loại hoa này là một độc vật thì sao? Ta có trúng độc mà chết cũng không đáng lo, duy chỉ có đại ca thì ai sẽ trông nom?”

Nghĩ rồi đâm đổi ý, bỏ đóa hoa kia vào trong túi. Nhưng khi nghỉ đến loài chim màu sặc sỡ từ phương trời xa bay lại chỉ vì hai đóa hoa này, tất loại hoa tía ấy không phải là vật tầm thường, nên Cao Quang liền thò tay ngắt thêm mấy cánh hoa nữa cất vào người rồi mới phi thân nhảy lên cây.

Cây Du cành lá um tùm, che cả ánh sáng mặt trời, chỉ cảm thấy sắc trời dần dần tối lại, không sao đoán biết được giờ giấc. Cao Quang mong đợi Hoàng Vĩnh trở về sớm, không ngờ ngồi chờ đã mỏi con mắt mà vẫn không thấy bóng người, mắt thấy thương thế Thiếu Bạch mỗi lúc một trầm trọng, như bất cứ lúc nào cũng có thể tuyệt khí mà chết được nên càng đâm ra hoảng hốt, lo sợ. Cao Quang có cảm tưởng một giây phút lúc ấy dài như cả nửa tháng trời.

Mãi lâu sau mới nghe có tiếng chân hối hả truyền tới. Cao Quang phấn chấn tinh thần, mở to đôi mắt ra nhìn, chỉ thấy một đại hán ăn vận theo lối nhà nông, cõng trên lưng một lão nhân mặc trường bào đang hấp tấp chạy lại.

Cao Quang giật nẩy mình nghĩ bụng :

- “Nông nhân kia chạy vào trong đám rừng rậm này, không hiểu vì nguyên nhân nào nhỉ?”

Tuy nông nhân có cõng thêm một người trên lưng nhưng cước bộ rất mau lẹ, chớp mắt đã đến dưới gốc cây cao giọng nói :

- Tam đệ, thương thế đại ca ra sao?

Đúng là giọng nói của Hoàng Vĩnh, còn lão nhân tuổi tác đã cao, tuy được Hoàng Vĩnh cõng từ trấn trở về cũng chẳng có vẻ mệt mỏi vì đường trường.

Cao Quang vội nhảy xuống nói :

- Thương thế đại ca trầm trọng lắm rồi, tiểu đệ đang bó tay thúc thủ, nhị ca lại trở về đúng lúc. Nếu chờ đợi hồi lâu nữa, có lẽ đệ chết mất thôi!

Hoàng Vĩnh kéo chiếc nón rơm ra, khẽ giọng nói :

- Tam đệ mau lên cây, thòng một sợi dây thừng xuống để đem vị này lên.

Cao Quang khẽ vâng dạ rồi đề khí vút mình lên, thả lỏng sợi dây thừng xuống. Hoàng Vĩnh cột chặt dây vào lưng lão nhân và đẩy mạnh thân mình lão lên. Cao Quang mượn đà kéo mạnh lão nhân lên tàng cây, Hoàng Vĩnh cũng tung mình lên theo.

Lão nhân sau một hồi thở dốc mới bắt mạch cho Thiếu Bạch. Chỉ thấy lão khẽ lắc đầu nói :

- Thương thế rất nặng, e rằng sức lão phu không thể cứu được.

Cao Quang giật nẩy mình nói :

- Sao? Đại phu nói đại ca tại hạ không thể cứu được hả?

- Lão phu không nói là vị lịnh huynh không cứu được, có điều lão hủ không dám chắc thôi.

Hoàng Vĩnh xen lời nói :

- Đại phu đừng sợ, dẫu cho đại ca tại hạ thật có bất hạnh, chúng tôi cũng không dám đòi đại phu thường mạng đâu.

- Nhị vị đều là bậc đại anh hùng, đại hào kiệt, tất nhiên không đến nỗi giận lây với lão phu.

- Nhưng đại phu là một vị thầy thuốc danh tiếng lừng lẫy, thiết tưởng phải có biệt tài, mong đại phu tận tình chữa trị thương thế cho đại ca tại hạ, nếu đại phu cứu được người, chúng tôi tất sẽ có hậu tạ.

- Hậu tạ lão phu không dám nhận, nhưng lão nguyện sẽ tận lực chữa trị. Có điều lão hủ không dám chắc, nên khó quyết đoán được.

Cao Quang gằn giọng quát :

- Thương thế nhỏ mọn thế này, các hạ cũng không định đoán được, thì còn gì là cái danh đại phu nữa?

Lão lang vốn đã sợ hãi lại thấy Cao Quang quát tháo, toàn thân run lẩy bẩy nói :

- Lão hủ... sẽ... hết sức mình...

Tuy lão đã cố sức nói rõ ràng, nhưng hai hàm răng va vào nhau cầm cập, nên không sao trả lời rành mạch được.

Cao Quang càng thêm giận, sấn mình tới nói :

- Đại ca của ta thọ thương như thế nào các hạ cũng không nhận ra được sao?

Lão lang ấp úng nói :

- Lịnh huynh hình như thọ chứng phong hàn.

- Đại ca ta nội công thâm hậu, nóng lạnh không thể xâm nhập, rõ ràng bị thương vì chưởng thế, chứ sao lại bị phong hàn mà chỉ được cái nói bậy, xem ra các hạ hồ đồ quá lắm!

Lão nhân càng thêm hoảng sợ, chỉ thấy đôi môi mấp máy, lắp ba lắp bắp trong miệng mà không sao thốt được thành lời. Hoàng Vĩnh thấy vậy khẽ thở dài nói :

- Tam đệ đừng nên quát nạt lão, lão đã luống cuống như thế, làm sao có thể định vị thuốc được.

Quay qua lão nhân chàng tiếp lời :

- Người em của tại hạ vì quá lo lắng cho thương thế của đại ca nên đã nói khá nặng lời, nhưng nó quyết không làm hại tính mạng của đại phu đâu. Đại phu chớ sợ hãi, mong rằng đại phu hết sức giải cứu cho đại ca tại hạ là đủ rồi.

Lão nhân lại bắt mạch cho Thiếu Bạch, mãi hồi lâu sau mới nói :

- Xét theo mạch của lệnh huynh, thật đã thọ chứng phong hàn vì trong bụng dường như có một làn hơi độc.

- Đại phu có cách giải cứu chứ?

- Lão hủ không am hiểu võ công, chỉ có thể căn theo chứng bệnh mà nói, chứng này, trước hết phải làm sao đổ mồ hôi để cho khí lạnh khuynh toát ra, sau đó mới cho uống thuốc.

Cao Quang lên tiếng nói :

- Chắc cần một thời gian dài?

- Bệnh tình của lệnh huynh nặng lắm, cứ theo kinh nghiệm mấy năm trời của lão hủ, riêng cái lần đổ mồ hôi ấy cũng phải mất một ngày một đêm, rồi sau đó mới tìm phương thuốc bổ cứu căn bệnh được.

Hoàng Vĩnh biết lời lão nhân là thật, một người không hiểu võ công cho dù là y lý có tinh thâm cũng chỉ có thể định bệnh mà khó chữa thương được, hà huống thương thế của Thiếu Bạch lại do một môn võ công ngoại đạo tàn độc, dẫu có dùng cái chết để uy hiếp lão, lão nhân cũng đành bó tay thúc thủ nên khẽ thở dài nói :

- Xin đại phu thử nghĩ kỹ xem gần đây còn có vị danh y nào có thể chữa trị được căn bệnh này không?

Lão nhân nghĩ ngợi giây lâu nói :

- Theo chỗ lão hủ biết, cách đây chừng ba mươi dặm có một vị lão tăng xuất gia, y đạo tinh thông hơn lão phu nhiều.

Cao Quang xen lời nói :

- Lời nói các hạ có đáng tin không?

- Ấy là câu chuyện hơn mười năm về trước, lão hủ đã được một nạn nhân mời đến xem mạch, chẳng may giữa đường gặp mưa lớn, chúng tôi phải vào núp nhờ trong một ngôi chùa bỏ hoang.

Lão nhân khẽ đằng hắng tiếp lời :

- Ngôi chùa đó đã bỏ hoang lâu năm, trong chùa chỗ nào cũng bị tàn phá và chỉ có một vị lão tăng một mắt. Đêm ấy lão tăng cho chúng tôi ngủ nhờ ở căn phòng mé Tây.

Cao Quang thấy lão nhân nói dài dòng, càng thêm sốt ruột, vừa chực lên tiếng giục thì Hoàng Vĩnh đã liếc mắt ra hiệu, đành hứ một tiếng hậm hực làm thinh.

Lão nhân nhìn lại Cao Quang nói tiếp :

- Có lẽ độ quá canh ba mưa gió càng lớn, bên ngoài sấm chớp ầm ầm, vị lão tăng tiếp đãi lão hủ đã sớm ngủ say. Lão hủ chợt giật mình tỉnh giấc vì tiếng sấm nổ rền trời, không còn lòng dạ nào để ngủ tiếp nữa, lão phu đi đến bên sông, định xem cái cảnh mưa gió bão bùng ngoài trời, không ngờ lão hủ lại nhìn thấy một việc lạ!

Cao Quang nóng nảy giục :

- Nói mau đi, còn ngập ngừng gì nữa.

- Cái đó lão hủ không dám.

Đưa tay vuốt mồ hôi trên trán tiếp lời :

- Lão hủ đến bên song cửa, vừa đúng lúc đó một ánh chớp nhoáng lên. Soi sáng hai bóng người toàn thân đầy máu, trong tay đều cầm binh khí giữa cảnh mưa gió mù mịt nên khó phân biệt máu và mưa. Lão hủ vừa kinh hãi và cũng chưa nhìn rõ diện mạo của họ, nhưng thiếu nữ ấy mình mặc áo trắng lại nhuốm đầy máu tươi, nên xem rất rõ ràng...

Hoàng Vĩnh vội ngắt lời :

- Có thiếu nữ nữa sao?

- Phải, họ là một nam một nữ. Thiếu nữ đầu óc rối bời, hình dung ghe rợn, hắn tuy đỡ lấy nàng nhưng thương thế có lẽ còn nặng hơn cả thiếu nữ. Lão hủ định thần rồi mới sực nhớ đến thương thế của hai người, cần phải trị liệu gấp, nếu muộn e sẽ khó bảo toàn tính mạng, nhưng vừa chực mở cửa dìu hai người vào phòng, hốt nhiên thấy lão tăng một mắt ấy đã đứng trên thềm đá trước đại điện lúc nào rồi.

- Thế là lão tăng ấy có chữa trị thương thế cho hai người không?

- Lão tăng hủ chỉ nghe thiếu nữ nói một tiếng, lão thiền sư mở lòng từ bi, rồi cùng với nam nhân ngã lăn xuống mặt điện, lão tăng một mắt khẽ thở dài ôm lấy hai người dậy, dìu vào trong gian đại điện.

- Về sau ra sao?

- Về sau lão hủ không được thấy gì nữa.

- Đại phu đã không nhìn thấy, vì sao biết được lão tăng ấy chữa lành thương thế của hai người.

- Lão hủ kinh hoàng vì việc đó nên suốt đêm thao thức, trằn trọc mãi cho đến lúc trời vừa tờ mờ sáng, cơn mưa tạnh hẳn, lão hủ liền xin cáo biệt ra đi, lúc trở về, thuận đường lão hủ có ghé vào tòa miếu hoang ấy xem xét kỹ lưỡng, vẫn không thấy điểm khả nghi nào.

- Đại phu thấy xung quanh tòa hoang miếu ấy có những gì?

- Lão hủ nghĩ rằng, lão tăng xuất gia ấy vốn lấy từ bi làm gốc nếu như một nam một nữ kia đã chết vì thương thế quá nặng vô phương cứu giải, lão hòa thượng tất sẽ chôn cất cẩn thận, nhưng tòa miếu hoang chưa hề thấy thêm mô đất mới nào, lão hủ mới đoán là thương thế của hai người đã bình phục rồi.

Hoàng Vĩnh nghĩ ngợi giây lâu nói :

- Đại phu có nhớ tên ngôi chùa ấy không?

- Lúc đi thì lão hủ không chú ý, nhưng khi trở về lão hủ có xem qua ngôi chùa ấy có tên là Tiểu Thiên Vương.

Hoàng Vĩnh lẩm bẩm :

- Tiểu Thiên Vương tự.

- Đúng vậy, lão hủ nhớ rõ lắm, quyết không thể lầm được.

- Bây giờ làm sao đại phu biết chắc lão hòa thượng vẫn còn ở ngôi chùa ấy?

- Điều này lão hủ thật khó trả lời, việc cách hơn mười năm trường, ngôi miếu hoang ấy lại không hương hỏa, biết đâu sớm đã tàn theo tro bụi của thời gian rồi và lão tăng một mắt ấy còn có ở trong chùa không, lão hủ không dám nói chắc?

Hoàng Vĩnh lại hỏi vị đại phu về phương hướng, chỗ tọa lạc của Tiểu Thiên Vương tự xong, bèn ôm lão nhảy xuống cây Du, trầm giọng nói :

- Nếu như lão trượng muốn toàn gia được bình yên, đừng nên nhắc đến chuyện tại hạ mời lão trượng đi xem bệnh đấy.

- Cái đó lão hủ hiểu rồi.

- Được! Tại hạ đưa lão trượng ra khỏi rừng!

Cao Quang nghĩ bụng :

- “Đại ca chỉ còn thoi thóp, cứ nghe lời nói huyên thuyên của lão già kia mà để cho lão ta đi, chẳng phải là quá mạo hiểm sao?”

Hoàng Vĩnh sau khi đưa lão đại phu ra đến bìa rừng liền quay trở lại. Chỉ thấy Cao Quang sắc mặt giận dữ ngồi một bên, lẩm bẩm nói :

- Nếu đại ca có bề gì bất trắc, Cao Quang này dù có mất mạng cũng phải phóng hỏa thiêu rụi Phúc Thọ bảo.

Hoàng Vĩnh vốn biết Cao Quang nóng tính, đang cơn khích phấn cũng không để ý đến, chỉ thò tay đặt trên ngực của Thiếu Bạch, tuy cảm thấy lồng ngực của chàng hô hấp yếu ớt, nhưng cũng không thấy có sự biến hóa gì kể từ lúc hôn mê bất tỉnh, nên cũng yên tâm quay sang Cao Quang khẽ nói :

- Tam đệ, sự thế đã ra thế này có nóng cũng chẳng ích gì, hiện tại là làm sao chữa trị thương thế cho đại ca đây.

- Phải đấy! Tiểu đệ cũng nghĩ thế, nhưng chữa trị như thế nào bây giờ, lão đại phu duy nhất ấy nhị ca đã đuổi đi rồi, hai chúng ta không thông biết y lý biết phải làm sao?

- Đại ca bị trúng loại võ công ngoại môn tàn độc, lão đại phu ấy tuy là danh y, nhưng một là không thấy vết thương, hai là chưa thông hiểu nguyên do căn bệnh, bảo lão phải ra tay như thế nào?

- Chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi đợi xem thương thế đại ca phát tác mà chết hay sao?

- Chúng ta hãy đi Tiểu Thiên Vương tự một chuyến xem sao đã.

- Sự việc đã cách đây hơn mười năm, làm sao chắc được lão hòa thượng ấy vẫn còn ở trong hoang miếu.

- Nếu như lão tăng chột mắt này là một vị cao nhân võ lâm đã qui ẩn thì trước khi chưa có người phát giác chỗ ẩn cư, tất vẫn còn ở đó.

Cao Quang nhảy xuống cây nói :

- Không thể chần chờ, hẳn đi trước đã, chậm một giây nào đại ca còn mất thêm một phần hy vọng sống thôi.

- Không được, hiện giờ Phúc Thọ bảo đang phái rất nhiều nhân thủ truy tầm nơi hạ lạc của ta, mà lúc này chúng ta lại đi Tiểu Thiên Vương tự, ấy chẳng phải là tự tiết lộ hành tung đấy sao?

- Vậy phải thế nào?

Hoàng Vĩnh ngước mặt nhìn trời lẩm bẩm nói :

- Nhưng như được trời xanh phù hộ, để cho đêm nay u ám...

Ngừng một chút chàng nói tiếp :

- Tuy vậy chứ mà hành động trong đêm tối, chỉ sợ cũng khó khỏi chạm mặt với người của Phúc Thọ bảo, tam đệ hãy nghỉ ngơi giây lát vì có thể tối nay ta sẽ phải động thủ đấy.

Cao Quang thấy cũng hữu lý, liền sẽ dạ rồi ngồi xếp bằng dưới gốc cây điều tức.

Lúc ấy vừng hồng đã ngã về Tây, màn đêm từ từ buông xuống, tạo cho khu rừng một cái vẻ âm u lạ thường.

Hoàng Vĩnh bỗng thấy Thiếu Bạch, nhảy xuống cây, khẽ bảo :

- Tam đệ, buộc chặt đại ca vào mình ngu huynh.

Cao Quang làm theo bằng cách xé vạt áo ngoài, kết thành sợi dây vải, buộc chặt Thiếu Bạch vào lưng Hoàng Vĩnh. Hoàng Vĩnh lại chỉ rõ phái hướng và vị trí của ngôi Tiểu Thiên Vương tự cho Cao Quang, rồi tiếp :

- Nếu như giữa đường gặp phải cường địch, anh em chúng ta mỗi người lạc một nơi, tam đệ cứ tìm đến ngôi hoang miếu ấy, và nếu như một ngày một đêm không thấy ngu huynh, tam đệ khỏi cần đợi nữa.

Cao Quang ngạc nhiên, buộc miệng nói :

- Tại sao thế?

- Bởi vì nội trong một ngày một đêm, ngu huynh và đại ca còn chưa tới đó, tất đã gặp chuyện hung hiểm, khi ấy tam đệ khỏi cần đợi mà hãy tìm một nơi an toàn để ẩn náu cho qua...

Cao Quang vội vã ngắt lời, nói :

- Nhị ca sao lại nói thế, anh em chúng ta đã nguyện đồng sanh cộng tử, như quả nhị vị huynh trưởng có gặp bề chi bất trắc thì tiểu đệ làm sao có thể sống một mình ở cõi thế gian?

Hoàng Vĩnh vốn biết rõ tính người em, dẫu có khuyên nữa cũng chỉ là vô ích, cho nên chàng nói :

- Chúng ta đi thôi!

Cao Quang sẽ đáp dạ, cao giọng tiếp :

- Tiểu đệ xin khai lộ.

Rút soẹt song bút, đi trước dẫn đường. Hai người không dám đi thẳng ngoài quan đạo, chỉ nương theo bóng đêm, len lỏi trong những lối hoang. Cho nên lộ trình đến Tiểu Thiên Vương tuy không đầy mười dặm, nhưng hai người vì phải đi vòng, lúc chạy lúc nghỉ để tránh tai mắt của địch nên đến nơi vừa mất đúng hai canh.

Quả nhiên như lời đại phu, ngôi Tiểu Thiên Vương tự tọa lạc ngay giữa cánh đồng cỏ hoang vu, trong vòng vài dặm không thấy một nóc gia.

Bây giờ hai cánh cửa miếu sơn đen đã đóng chặt, gió từ muôn phương thổi về làm dao động hai cây bạch dương trước miếu, cành lá chạm vào nhau soàn soạt, càng làm tăng thêm cái vẻ hoang lương, lạnh lẽo của tòa cổ tự.

Cao Quang tiến lên, vừa chực đưa tay gõ cửa, Hoàng Vĩnh đã kéo tay người em, khẽ giọng nói :

- Chúng ta nhảy tường vào thì hơn.

Tung vút người lên, bấu lấy đầu tường rồi mượn sức nhảy vào bên trong.

Cao Quang cũng theo bén gót. Hai người vừa hạ chân xuống đất, Cao Quang liền khẽ nói :

- Nếu quả thật lão tăng ấy là một vị võ lâm tiền bối đã lui gót phong trần, chúng ta vượt qua tường vào thế này chẳng phải là bất kính lắm sao?

Hoàng Vĩnh xẵng giọng hỏi lại :

- Nếu như lão không muốn tiếp khách, nghe thấy tiếng chúng ta gõ cửa, lão trốn không chịu gặp, chẳng phải là ta đã phí công toi đấy à!

- Nhị ca nói phải...

Cao Quang đảo mắt nhìn quanh quất, không thấy một ánh đèn, liền nói :

- Ngôi miếu này tuy không rộng nhưng cũng không dưới vài chục gian, chúng ta biết phải tìm lão tăng ấy bằng cách nào?

- Chúng ta đành đi tìm từng gian một xem sao?

Lời vừa dứt, thốt nghe có một giọng trầm trầm, truyền tới nói :

- A di đà Phật! Nhị vị thí chủ giá lâm tệ tự, không biết có điều chi chỉ giáo?

Hai người ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy trong màn đêm mông lung chập chờn như có một bóng người. Cao Quang cất bước chạy tới, đưa mắt nhìn kỹ, quả nhiên, đấy là lão tăng chột mắt, không nín được nên bật cười.

Lão tăng khẽ thở dài nói :

- Thí chủ vui vẻ quá, nhưng chẳng hay thí chủ cười gì thế?

- Vãn bối nghĩ đến chuyện có thể gặp được từ nhan của lão tiền bối, thật không uổng chuyến đi...

Đảo mắt, Cao Quang thốt thấy lão hòa thượng ấy tuy chột một mắt nhưng tướng mạo rất trang nghiêm, không thể khinh thường, diễu cợt nên chàng đổi sang giọng nói mát.

Hoàng Vĩnh rảo bước đi tới trước, vòng tay vái dài một cái, nói :

- Lão thiền sư mở lượng từ bi...

Lão tăng đảo con mắt sáng quắc còn lại nhìn hai người, trầm giọng :

- Nạn nhân bệnh trạng nặng lắm không?

Cao Quang xen lời, nói :

- Đại ca tại hạ nội công thâm hậu, nóng lạnh bất xâm, làm sao có thể sinh bệnh? Âu là người thọ thương.

Lão tăng chiếu con mắt duy nhất, nhìn hai người giây lâu, gằn giọng nói :

- Lão và nhị vị vốn không quen biết, sao nhị vị lại biết mà tìm đến Tiểu Thiên Vương tự này?

Hoàng Vĩnh chột dạ nói :

- Chúng tôi được một vị lão tiền bối chỉ bảo, cho nên mới mạo muội tới đây, mong rằng lão thiền sư không nỡ hẹp lòng.

Lão tăng xẵng giọng hỏi gọn :

- Ai?

- Tại hạ không được biết tánh danh lão tiền bối ấy...

Lão tăng bỗng sa sầm nét mặt, ngắt lời :

- Thí chủ thật không biết, hay là không chịu nói ra?

- Lão tiền bối ấy chỉ bảo chúng tôi đến đây, cầu giáo tài thần y của lão thiền sư chớ chưa hề cho biết tên họ.

Lão tăng ngẩng mặt nhìn trời, lẩm bẩm :

- Các ngươi đã tìm tới đây, lẽ nào lão tăng không nghĩ đến đức hiếu sanh của Phật tổ mà không ra tay cứu độ.

Hoàng Vĩnh nghiêng mình cảm tạ, nói :

- Lão thiền sư bụng dạ từ bi, vãn bối xin hết lòng cảm kích.

Cao Quang xen lời :

- Nếu như lão thiền sư chữa khỏi được cho đại ca chúng tôi, Cao Quang này nguyện sẽ vái cao tăng làm sư phụ.

Lão tăng chột mắt cười thảm đạm :

- Tiếc là tuổi lão gần bảy nươi, cho nên sớm đã không thâu đồ đệ nữa.

Đưa mắt nhìn sang Hoàng Vĩnh, lão nói tiếp :

- Xin đi theo lão tăng!

Nói xong lão tăng quay người đi trước dẫn đường. Hoàng Vĩnh và Cao Quang cũng vội cất bước đi theo lão tăng vòng qua gian đại điện, đến một căn thiền phòng lão chậm rãi bật quẹt lửa, đốt sáng ngọn đèn dầu.

Căn thiền phòng này bày biện thật sơ sài, chỉ vỏn vẹn mỗi một chiếc giường gỗ, một kệ sách và một cái bồ đoàn đã cũ. Lão tăng đưa tay chỉ chiếc giường nói :

- Hãy đặt tạm lệnh huynh xuống chiếc giường đó, để lão nạp xem xét thương thế ra sao đã.

Hoàng Vĩnh cởi sợi dây vải đặt Thiếu Bạch xuống, Cao Quang cầm lấy chiếc đèn dầu, giơ cao tay. Lão tăng thủng thẳng bước tới bên giường, thò hai ngón tay đặt trên mạch cổ Thiếu Bạch, từ từ khép đôi mắt lại. Mãi giây lâu sau, lão mới hé mắt, nét mặt nghiêm trang :

- Lịnh huynh bị người ta dùng Âm Phong Thấu Cốt chưởng đả thương?

- Phải, sau khi cùng người động thủ, mãi hồi lâu mới phát giác.

- Lệnh huynh tuổi nhỏ mà có được công phu như thế, thật là hiếm có. Có lẽ cũng chính vì lệnh huynh nội công thâm hậu, cho nên sau lúc thọ thương vẫn còn có thể vận khí kháng cự với chất độc âm hàn ấy. Nhưng chỉ tiếc là lệnh huynh không biết kịp thời vận khí điều tức, đẩy lui chất hàn độc, đến nỗi để cho chất độc ấy thừa cơ xâm nhập vào nội tạng mới gây ra căn bệnh trầm trọng như thế này.

Lời của lão tăng nghe như hai tiếng sét lớn ở bên tai Cao Quang và Hoàng Vĩnh. Cao Quang thừ người ra, tay phải bất giác liền buông thỏng, đánh rơi tuột ngọn đèn dầu trong tay.

Thấy vậy lão tăng vội vã thò tay chụp lấy. Hoàng Vĩnh buồn bã lên tiếng hỏi :

- Nói như thế là không thể nào chữa trị được nữa sao?

- Cái đó lão nạp không dám chắc, có thể cứu được hay không còn chờ xem sự biến chuyển đã.

- Chỉ cần lão thiền sư chịu cứu mạng cho đại ca, chúng đệ tử xin cảm kích lắm rồi.

Hai giòng lệ nóng từ từ trào khỏi đôi khóe mắt Hoàng Vĩnh.

Cao Quang buồn bã nói :

- Ba anh em chúng tôi tuy là khác tên khác họ, nhưng đã nguyện cùng nhau họa phúc đồng hưởng, lão thiền sư cứu đại ca, chẳng khác nào là đã cứu mạng cả ba anh em chúng tôi.

Lão tăng ngước mắt nhìn lên giọng trầm trầm :

- Lão đã nhận lời cứu chữa thương thế cho lệnh huynh, tất là phải cố hết sức mình, nhưng vết thương đã ăn sâu đến nội tạng, tình thế thật nghiêm trọng, chỉ sợ lão nạp đành bó tay, không thể nào vãn hồi được đấy thôi.

- Lão thiền sư y thuật tinh thông như nếu không cứu được đại ca chúng tôi thì trên cõi đời này, còn ai là kẻ có thể cứu sống cho người.

Lão tăng chột mắt khẽ thở dài nói :

- Chất hàn độc trong nội tạng của lệnh huynh tuy rất lợi hại nhưng không phải là tuyệt không còn cách cứu chữa, có điều nếu thiếu hai vị thuốc, lão cũng đành thúc thủ.

Hoàng Vĩnh vội cất tiếng :

- Đó là những vị thuốc nào?

- Ôi! Linh dược ấy, nhất thời biết tìm nơi đâu?

- Lão thiền sư có thể cho anh em chúng tôi được mở thêm tầm kiến thức?

- Dẫu có nói ra cũng vô ích, nhưng nhị vị thí chủ nhất định muốn biết lão tăng đành nói...

Cất tiếng thở dài, đưa con mắt còn sót lại nhìn về phía giường giây lâu, mới tiếp :

- Vị thí chủ kia thật là người có cốt cách luyện võ rất tốt, mà lão bình sinh mới được thấy qua. Đáng tiếc là trời xanh không có mắt, chứ như nếu lệnh huynh có thể sống thêm được hai mươi năm nữa, lão dám chắc là lệnh huynh sẽ trở thành một đệ nhất cao thủ trong võ lâm.

Cao Quang xen lời hỏi :

- Đại ca của tại hạ còn thiếu những vị thuốc nào, xin lão thiền sư cứ nói rõ ra để anh em đệ tử sẽ chia nhau đi tìm lập tức.

- Muộn rồi, lão tuy muốn đem hết sức mình, không tiếc linh đơn phò trợ lệnh huynh một khẩu khí chân nguyên, cũng chẳng qua là lệnh huynh chỉ sống thêm được vài ngày. Trong vòng vài hôm ngắn ngủi ấy biết đâu tìm cho ra hai vị thuốc kia?

- Xin lão thiền sư cứ cho biết đấy là những vị gì?

- Vị thứ nhất là Tử viêm hoa, vị thuốc này thuộc về hành hỏa, có sức chế ngự âm hàn.

Cao Quang ngạc nhiên ngắt lời :

- Tử viêm hoa? Xin lão thiền sư cho biết hình dạng của nó ra sao?

- Tử viêm hoa ấy có sắc tím, hình như cái bông mai, nhưng không biết chắc được nó nở vào mùa nào, và sinh trưởng ở đâu nên chi khó tìm lắm.

Cao Quang giật mình nghĩ bụng :

- “Nói như thế, nó thật là giống đóa hoa tím mà ta đã hái ở khu rừng dạo nọ”.

Lòng nghi ngại, chàng buộc miệng :

- Đóa hoa tím ấy có hương vị gì không thưa lão thiền sư?

Lão tăng lắc đầu nói :

- Cũng chính vì nó không có hương vị, cho nên người thường có gặp, cũng không thể nào hiểu được nó là vật quí giá.

Cao Quang đằng hắng hỏi tiếp :

- Loài Tử viêm hoa ấy, chim chóc có thích ăn không?

Lão tăng sẽ chớp chớp con mắt duy nhất như thể nghĩ mông lung :

- Tất nhiên, vì luận về sự phân biệt loại kỳ hoa dị thảo, con người khó sánh được bằng chim.

Cao Quang thò tay vào người, rút ra hai đóa hoa tím mới hái hôm nọ nói :

- Lão thiền sư thử xem, đây có phải là loại Tử viêm hoa như lời người nói?

Lão tăng vừa nhìn thấy đóa hoa tím trong tay Cao Quang, bất giác ngẩn người sửng sốt nói :

- Đúng rồi, ấy chính là loài Tử viêm hoa, vị thuốc có sức chế ngự chất hàn độc, thí chủ đã hái được ở đâu thế?

- Nếu như lão thiền sư chữa trị được thương thế đại ca chúng tôi, tại hạ nguyện xin dẫn đường cho thiền sư đến đấy.

Lão tăng chậm rãi ngồi xuống, sẽ lẩm bẩm :

- A di đà Phật, lão tăng tọa thiền đã bốn mươi năm, làm sao vẫn chưa dứt được lòng tham sân si ấy chứ!

Hoàng Vĩnh thấy lão tăng thốt nhiên thần sắc trang nghiêm, bất giác hoảng hốt nghĩ bụng :

- “Nếu như lão hòa thượng này sanh lòng cố chấp, không muốn quản đến chuyện phàm trần nữa thì thật là rắc rối”.

Nghĩ vậy, chàng bèn nói :

- Lão thiền sư, giờ đã có được loại Tử viêm hoa, hẳn có thể chữa trị thương thế cho đại ca tại hạ được chứ?

- Chưa đủ, vẫn còn thiếu một vị thuốc chủ yếu nữa!

Cao Quang nóng nảy xen lời :

- Còn thiếu vị thuốc nào nữa, thưa lão thiền sư?

Lão tăng liếc mắt nhìn Cao Quang, cao giọng :

- Vị thuốc này tuy không giống như loại Tử viêm hoa nhưng nói ra cũng không phải là dễ tìm đâu!

Hoàng Vĩnh chột dạ nghĩ bụng :

- “Giọng nói của lão tăng này hòa hoãn như thế, tất phải là vật khó tìm lắm”.

Cao Quang nóng nảy, lên tiếng giục :

- Xin lão thiền sư cho anh em chúng tôi được biết rõ hơn.

- Ấy là loại “Kim vỹ ly ngư” sống trên ba trăm năm.

Hoàng Vĩnh nghĩ ngợi giây lâu nói :

- Đại ly ngư còn có thể tìm được, có điều, con đã sống trên ba trăm năm biết phải phân biệt bằng cách nào?

- Loại cá ly này chia ra làm mười ba loại, thương thế của lệnh huynh chỉ cần loại Kim vỹ ngư là đủ.

Hoàng Vĩnh trầm ngâm nghĩ bụng :

- “Chắc hẳn loại Kim vỹ ngư này toàn thân đều màu vàng”.

Lão tăng dường như đã đoán được điều thắc mắc của Hoàng Vĩnh cho nên, không đợi chàng kịp hỏi, lão nói nhanh :

- Loại “Kim vỹ ly ngư” mà lão nạp nói là một trong mười ba loại cá ly. Lúc sinh ra, đuôi nó đã có những đường chỉ vàng, theo thời gian các sợi chỉ vàng đó càng thêm đậm, lẽ ra phải gọi là “Kim tuyến ly” mới đúng, nhưng người thường vẫn quen gọi là “Kim vỹ ly” thôi.


/63

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status