The Secret

Chương 2: Ngôi biệt thự màu rêu (2)

/27


Khác với thường ngày, hôm nay ông bà Phương dậy sớm hơn mọi khi, hôm nay là chủ nhật, theo thường lệ sẽ là ngày các con của ông bà về đông đủ. Ngoại trừ cô con gái cả hiện đang cùng chồng tu nghiệp ở nước ngoài thì hai ông bà còn ba cậu con trai nữa, hai trong ba người đã trưởng thành và ra ở riêng, còn lại cậu con trai út vẫn sống ở ngôi nhà này cùng bố mẹ. Mặc dù trong nhà còn rộng rãi nhưng ông bà Phương là người có học, lại có suy nghĩ tân tiến nên rất khuyến khích con cái tự lập.

Ông Phương là đại tá quân đội đã nghỉ hưu được nhiều năm. Từ khi về nhà, ông rất thích trồng và chăm sóc cây cảnh, thường ngày ông hay đi chơi cờ cùng mấy người bạn hưu trong tổ dân phố, đến bữa mới về ăn. Có hôm ông mải đánh cờ thì thậm chí bỏ cả bữa trưa, đánh cờ xong thì cùng mấy ông bạn già ra quán uống rượu với lòng lợn. Mặc dù lương hưu của ông rất cao, các con ông cũng kiếm ra tiền, nhưng là lính nhiều năm, quen với cuộc sống dân dã đạm bạc nên ông vẫn giữ thói quen khi còn trẻ. Lúc nào ông cũng mặc bộ quần áo bộ đội đã cũ sờn và bạc phếch, đầu đội mũ cối, đi chiếc mi-pha sắm từ những năm chín mươi. Ông đạp xe khắp thành phố, tìm tới những người bạn chiến đấu khi xưa để ôn lại chuyện cũ, ông cũng sẵn sàng san sẻ khó khăn với những người anh em không được may mắn như mình. Bạn của ông, có những người mang trên mình một đống chứng tích chiến tranh, cuộc sống thì tạm bợ qua ngày, đôi khi anh em gặp nhau, nói chuyện, rồi khóc với nhau. Ngày xưa đi lính thì vỗ vai bảo nhau phải mạnh mẽ bền gan, lúc về già rồi gặp lại nhau thì khóc cho người còn kẻ mất, khóc cho cuộc sống cơ hàn, khóc cho trăm ngàn nỗi cơ cực mà không phải ai cũng hiểu.

Bà Phương ngày trước là con gái gốc thành phố, xinh đẹp, duyên dáng, mười tám tuổi đã lấy ông. Hai ông bà lấy nhau được hai tháng thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Ông phải vào trong chiến trường, còn bà làm công nhân ở nhà máy xe đạp thống nhất. Sau khi Tư lệnh Kim Tuấn hy sinh tại chiến trường Campuchia, quân đoàn 3 mà ông tham gia được điều động về tham gia phòng thủ ở chiến trường Đông Bắc. Trong suốt thời gian tham gia hai cuộc chiến tranh, ông rất ít khi xin nghỉ phép về nhà. Chỉ mỗi lần theo chỉ huy về Hà Nội họp ông mới tranh thủ ghé qua nhà, nghỉ lại một đêm rồi sáng sớm hôm sau lại vội vã về đơn vị ngay. Hai người con của ông bà Phương, Nguyễn Đại, Nguyễn Lâm đều ra đời trong những tháng ngày khó khăn trùng trùng ấy.

Chiến tranh biên giới khép lại, ông Phương trở về Hà Nội công tác. Ngày trở về ông còn đem về hai đứa trẻ. Ban đầu bà con hàng xóm không biết, bàn tán rằng ông đóng quân ở xa rồi có con rơi con vãi ở đó. Đứa con gái lớn hơn con trai cả của ông tới hai tuổi, còn đứa con trai út khi đó vẫn còn đỏ hỏn trên tay ông. Ông nói rằng đó là con của một đôi vợ chồng trẻ từng cưu mang đùm bọc cho ông trong một lần ông bị thương và bị lạc đơn vị. Sau đó cha mẹ của chúng qua đời trong một trận lũ quét cuối năm ấy. Ông đã gửi chúng cho một gia đình ở gần đơn vị cưu mang, bây giờ mới đưa chúng về đây. Thằng Đại khi ấy mới chuẩn bị đi học, còn thằng Lâm mới thôi nôi, mặc dù nhà nghèo, con cái nheo nhóc nhưng bà Phương vẫn đón nhận hai đứa trẻ, yêu thương chăm sóc chúng thậm chí còn hơn cả con của mình. Nếu không có cha mẹ chúng, có lẽ các con của bà cũng chẳng còn một người cha để yêu thương như bây giờ. Ông Phương thường phải ở lại đơn vị, tới cuối tuần mới về nhà, một mình bà tần tảo nuôi bốn đứa con lớn lên. Bốn đứa trẻ hiểu được nỗi vất vả của bà, nên nếu chúng có sự xa cách với tính tình nghiêm khắc của ông Phương thì lại rất tình cảm với người mẹ thân yêu của mình.

Khi ông Phương nghỉ hưu thì những đứa con cũng đã khôn lớn, thế nên khi ông muốn dùng kỷ luật của quân đội để uốn nắn các con mình thì không thể được nữa, thậm chí còn tạo ra những mâu thuẫn giữa cha và con. Đầu tiên là người con lớn của ông.

Nguyễn Đại năm nay đã hai tám tuổi, là người thừa hưởng nhiều nhất ngoại hình cũng như tính cách của ông. Đứa con lớn này của ông có một niềm đam mê kinh doanh vô cùng lớn, nên sau những bài răn dạy của ông dành cho con về đạo đức kinh doanh thì hai cha con thường cãi nhau rất lớn. Nó lại giống ông, cứng đầu và đã muốn thì sẽ làm cho bằng được nên càng ở gần lại càng xung khắc. Hơn nữa, trong chuyện tình cảm, đứa con này của ông dường như lại nghĩ rất thoáng. Mặc cho ông nói rằng như thế là mất dạy, là vô đạo đức, nó vẫn sống theo ý mình, thậm chí còn chuyển ra ở riêng một chỗ cho thoải mái, đỡ làm ông chướng mắt.

Đứa con trai thứ hai là Nguyễn Lâm, cũng là con đẻ của ông. Nếu anh trai của nó chọn nghề kinh doanh, dù đôi khi bị coi là nghề lừa lọc nhưng vẫn còn đỡ hơn cái nghề mà ông cho là chỉ toàn tai tiếng- ca sĩ. Hồi còn trẻ, bà Phương cũng là cây văn nghệ của cơ quan, Lâm được thừa hưởng tài năng này từ bà. Nhưng nếu chọn nó làm một nghề thì ông lại cực lực phản đối. Mỗi ngày xem thời sự hay đọc những bài báo chướng tai gai mắt về giới nghệ sĩ là ông lại liên tưởng tới con trai mình. Cứ nghĩ tới có ngày người khác đọc bài báo về nó rồi cũng có cảm giác chướng tai gai mắt như mình là ông lại khó chịu. Con trai ông không phải để người ta nhìn vào rồi bàn tán, chỉ trỏ, thế thì có khác nào họ đang dè bỉu, chê bai thẳng vào mặt ông bà?

Đó là lý do Nguyễn Lâm cũng dọn ra khỏi nhà vì mỗi lần bố con ngồi với nhau là ông lại cằn nhằn và cáu bẳn, bắt con phải suy nghĩ về một nghề nghiệp tử tế hơn.

Còn hai đứa trẻ mà ông mang về năm xưa lại luôn ngoan ngoãn khiến ông rất hài lòng. Tâm, con gái lớn của ông đã lấy chồng và có một đứa con trai. Hai vợ chồng cô đều đang tu nghiệp ở nước ngoài, để lại cháu ngoại nhờ ông bà chăm giúp. Thằng cháu ngoại được cả nhà gọi là Tin, cũng sắp được hai tuổi, đang bập bẹ học nói. Đứa con trai út của ông bà là Trường Minh, em ruột Tâm, hiện cũng đang là sinh viên năm thứ ba trường kiến trúc, vẫn ở cùng ông bà tại ngôi biệt thự cũ kỹ này.

Nếu chỉ có hai vợ chồng ông với đứa con trai út thì ông bà cũng không phải thuê người giúp việc. Nhưng chăm sóc thằng cu Tin quá vất vả, một mình bà Phương chăm nó cũng không xong, không có thời gian chăm lo tới nhà cửa và cơm nước cho bố con ông nữa nên mới thuê người giúp việc, cũng là để bà có người nói chuyện hàng ngày cho đỡ buồn. Bà giúp việc đầu tiên của nhà ông là do Đại tìm về, thật thà, chất phác nên ở được với ông bà hơn một năm nay rồi. Nếu không phải nhà bà này có việc phải về quê thì chắc sẽ còn ở lại lâu nữa. Người giúp việc mới được bà giới thiệu là một đứa cháu cùng quê, nhà đang khó khăn nên cần tìm việc, mà học hành không tới nơi tới chốn nên đi làm công nhân cũng khó. Thấy con bé có vẻ ngoan ngoãn, lại thạo việc, tháo vát nên ông bà đồng ý cho ở lại luôn.

Sáng nay người giúp việc cũ sẽ về quê nên hai ông bà dậy sớm hơn một chút để chào, không ngờ khi xuống nhà thì chị ta đã ra về từ bao giờ, chỉ có cô gái giúp việc mới đang lúi húi nấu cơm sáng. Ông Phương đi quanh vườn cây vài vòng, uốn éo tập thể dục mấy cái rồi chạy ra phố mua một tờ báo về ngồi đọc trong đình viện giữa hồ.

Ông ngồi đọc báo giữa chừng thì bà Phương gọi vào ăn sáng. Hai ông bà vừa ăn vừa bàn xem hôm nay mấy đứa con trai về sẽ làm món gì cho chúng nó ăn. Bàn một thôi một hồi, cuối cùng lại dẫn tới tận chuyện bây giờ đã là mùa thu rồi, đang là mùa cưới, cũng nên giục thằng lớn lấy vợ đi là vừa. Có vợ con rồi chắc nó mới tu chí làm ăn, không suốt ngày lang thang, nhậu nhẹt, gái gú nữa.

-Tôi nhắm kĩ đứa thứ hai nhà anh Học rồi, hôm nào mời nhà nó sang đây ăn một bữa cơm, gọi cả thằng Đại về xem ý kiến nó thế nào.- Bà Phương vừa ăn vừa nói với chồng.

-Cần ý kiến của nó làm gì. Chắc chắn là con gái nhà người ta hơn hẳn với đám bạn bè ăn chơi của nó rồi.- Ông Phương đặt đũa xuống rồi rót một chén nước trà, uống một ngụm rồi nói tiếp- Cái lũ con gái ấy chỉ được cái suốt ngày trát phấn lên mặt, rồi vòi tiền, không khéo có ngày tiền thì mất mà tật cũng mang, đổ bệnh ra đấy thì nó khổ, tôi khổ, bà khổ chứ con nào nó khổ thay cho đâu. Bà cứ gọi nó về, bắt nó lấy vợ, xem nó có dám cãi lời bà không?

-Ừ, mà con bé Huyền nhà anh Học thì cũng khôn ngoan và giỏi chắn vén lắm, phải nó mới trị được thằng Đại nhà mình.- Bà Phương gật đầu đồng tình với chồng, nhưng rồi như sực nhớ ra gì đó, bà hỏi tiếp- Nhưng mà lần trước tới nhà hàng của nó, tôi nghe bọn nhân viên nó kháo nhau là nó đang theo đuổi cái cô đầu bếp làm ở đó cơ mà, chắc lại thôi rồi à?

-Con bé Nhật Lệ đó tôi gặp rồi, cao ráo, xinh đẹp lại có nết, thằng con nhà mình nằm mơ mới vớ được nó.- Ông Phương chép chép miệng.

-Sao nghe nói nó bỏ nhà hàng của thằng Đại để sang nhà hàng nào đó trả lắm tiền hơn mà.- Bà Phương ngẩn ra hỏi lại.

-Bà nghe ai nói? Nó đi chữa bệnh rồi. Nhà nó ở quê, nhưng mà cũng mua một căn hộ ở ngay bên cạnh căn hộ của thằng Đại. Dạo đó thằng Đại đi công tác nước ngoài, tôi phải tới trông nhà cho nó mấy bữa còn gì. Khi đi nó còn sang chào cả tôi, rồi còn nói gửi con chó ở chỗ thằng Đại, sẽ quay lại lấy sau mà.

-A, cái con chó to ấy là của cô Lệ ấy à? Tôi tưởng thằng Đại nó mua, nó nói mua loại chó ấy phải mấy chục triệu đấy.- Bà Phương xuýt xoa kể lể.- Mà thôi, cứ lấy con gái thành phố cho nó gần nhà. Lấy gái quê, tết nhất chạy đi chạy lại hết nhà mình tới nhà vợ, vừa khổ vừa mệt chứ làm gì.

-Bà chỉ được cái nghĩ ngắn. Con gái quê thì càng ngoan chứ sao. Tôi là tôi chỉ thích nó lấy con gái quê cho nó chân chất. Con gái thành phố, nhiều đứa con dâu vừa về đã cãi bố mẹ chồng như chém chả.

Ông Phương nói rồi thủng thẳng đứng dậy, đi ra bàn uống nước, nói với Linh lúc này đang lau bàn ghế.

-Tí nữa đi chợ về nhớ tưới cây cho bác, sang mùa khô rồi, cứ tưới đẫm đẫm vào.

-Vâng.

-Cháu ra ăn với bác luôn đi, rồi đi chợ. Hôm nay có hai anh nữa con trai bác về ăn cơm trưa nên đi sớm mua được nhiều đồ tươi ngon. Chắc cháu biết chợ ở đâu rồi chứ?- Bà Phương gọi.

-Vâng, cháu biết rồi ạ.

-Ừ, cháu biết đi xe máy thì lấy cái xe máy của bác mà đi, còn nếu không thì đi xe đạp của bác trai cũng được. Mua ngọn su su về xào, cua để nấu canh chua, cá bống kho với tương, nhớ chọn cá loại nhỏ nhé.

-Dạ. Cháu nhớ rồi.- Linh gật đầu.

-À khoan đã, cháu lên gọi thằng Minh dậy đi.- Ông Phương khoát tay.- Con trai con đứa gì mà sáng cứ nằm ườn ra, không chịu dậy tập thể dục gì cả. Chắc nửa cái ba lô của bộ đội ngày xưa bây giờ nó cũng chẳng đeo nổi. Gọi nó dậy bằng được cho bác.

-Thời mình đói khổ nó quen rồi mà ông.

-Thời nào chả có người khổ.- Ông Phương nghe thấy vợ bênh con thì quát lại- Cứ sướng quen rồi hư cả người, đến lúc đói rách thì khổ nó chứ khổ ai. Bà toàn bênh con những cái không đâu. Còn thằng Lâm nữa, nó về thì bảo nó học lấy cái nghề khác tử tế hơn đi, tôi không cấm nó đam mê hát hò, nhưng chọn nó làm nghề mưu sinh là không được. Nó đi hát mãi được à, bốn năm chục tuổi đầu thì ai người ta mướn nó hát mấy cái bài hát vớ vẩn, anh anh em em nghe não ruột nữa. Ngày xưa mình hát mấy bài về cách mạng, về quê hương hay như thế, bây giờ nghe chúng nó hát mà nhão hết cả người, giống như không có tình yêu đôi lứa thì chúng nó chết hết ấy. Ngày xưa mình phải yêu quê hương, yêu Tổ quốc rồi mới dám nghĩ tới yêu nhau…

Biết tính chồng nên bà Phương lặng im, không cãi lại nữa, chỉ khẽ khoát tay ra hiệu cho Linh đi lên lầu gọi con trai xuống.

Linh đi lên lầu rồi vẫn nghe thấy ông Phương nói ở bên dưới về những chuyện ngày xửa ngày xưa của ông. Cô nhìn trái nhìn phải, nhớ tới hướng dẫn của bác Hiền bèn đi tới căn phòng ngoài cùng nhìn ra vườn trước gõ cửa. Cô gõ mấy tiếng cũng không có ai đáp lại, có lẽ người trong phòng vẫn còn ngủ say. Đây là phòng của cậu con trai út ông bà Phương, cũng là người mà sáng qua khi tới đây cô đã gặp ở cổng, anh chàng cao lớn có đôi mắt sắc lạnh, đi chiếc xe mô tô màu đen rất bắt mắt.

Cô mở cửa, cửa không khóa. Vừa đẩy cửa vào, một luồng không khí lạnh toát xộc tới khiến cô rùng mình, nhìn lên điều hòa thấy chỉ để mười tám độ. Cô nhìn quanh căn phòng rộng và đi thẳng tới chiếc giường ở cạnh cửa sổ. Một người đang trùm chăn kín từ đầu tới chân nằm trên giường. Thực ra cô biết anh chàng này tới 4h sáng hôm nay mới mò về, nên giờ này dĩ nhiên là đang ngủ rồi. Ông bà Phương có lẽ chẳng bao giờ ngờ cậu con trai út tưởng là ngoan nhất nhà này lại luôn trèo cổng trốn ra ngoài lúc nửa đêm và sẽ không bao giờ về trước 4h sáng.

Linh kéo rèm căn phòng cho ánh sáng chiếu vào rồi đặt tay lên chăn khẽ lay:

-Cậu Minh, cậu Minh.

Không có tiếng đáp lại. Cô lại lay lần thứ hai:

-Hai bác gọi cậu xuống ăn sáng kìa.

-Không ăn.- Lần này có tiếng đáp lại với giọng ngái ngủ.

Linh lắc đầu ngán ngẩm, một chút cảm giác chán ghét đám cậu ấm cô chiêu này dâng lên trong đầu, lại nhớ tới lời của ông Phương, phải gọi dậy bằng mọi cách, thế nên cô cầm lấy chăn và kéo soạt một cái:

-Cậu dậy đi, bác trai nói cậu không chịu xuống thì…

Nhưng lời nói đến đây thì không thể nào trôi ra được nữa, trước mắt cô, nằm co ro trên giường mà một thằng con trai mét tám trần như nhộng, chỉ mặc duy nhất một chiếc quần con con bé xíu. Cảm giác lành lạnh, Trường Minh mở mắt ra, thấy trước mặt mình là một con bé quê mùa, da đen, lông mày sâu róm, nói chung là xấu như quỷ, tay đang ôm cái chăn trắng tinh, miệng há hốc, mắt thì mở trừng trừng nhìn vào mình, hay nói đúng hơn là một vị trí nhạy cảm trên cơ thể mình thì vội vàng giật lấy cái chăn rồi hét lên:

-Cút………ra…………mau. Đồ nhà quê, chưa thấy con trai cởi truồng đi ngủ bao giờ à?

-Aaaaa….- Giọng Linh hét sau đó còn to hơn, cô chạy biến ra khỏi phòng với tốc độ nhanh nhất có thể, để lại phía sau tên con trai mặt mũi đỏ như gấc chín, nhưng thực ra mặt cô còn đỏ hơn cả hắn.

/27

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status