Thất Sơn Truyện

Chương 32 - Phần 10 Lăng Trì Nương Nương

/50


Lâm Gia Thái Bảo

Chúng tôi ai nấy đều thoáng ngỡ ngàng, anh Hùng đứng dậy đi ra sau rồi ngồi cạnh bên ông lão, anh nói: “Kiên Lương không thiếu lan, người tìm không đủ lực, quẩy gánh hàng đựng đồ đi tìm miễu, có miễu đập miễu, có lan hái lan, chẳng hay ông biết lan đó bao đũa?”

Nghe đến đó ông lão cười khoái chí rồi ra hiệu cho bọn chúng tôi ra bàn phía sau quán ngồi để tránh tai mắt. Ông rửa vội đôi tay đầy nhớt xe, tôi để ý mới thấy ông bị mất một chân, phải đeo chân giả, bước đi khập khiễng. Ông giới thiệu mình tên Nghĩa, gọi Sáu Nghĩa là được, trước kia đi thả diều ở khu vực Tây Ninh. Trong một lần ở Bù Đăng, tay đập miễu do khinh địch nên bị vật chết, ông thì thoát được nhưng bị gặm mất cái chân. Đợt ấy không nhờ đồng đạo lên cứu kịp thì chắc ông đã bỏ mạng. Đó là chuyện của mười lăm năm trước, từ đó tới nay ông trở về quê Kiên Lương, làm nghề sửa xe sống qua ngày. Suốt quãng thời gian đó, ông không thấy có dân lục lâm ghé qua vùng này, mặc dù lan quý còn rất nhiều. Nói đến đây, Sáu Nghĩa mới hỏi lai lịch của bọn tôi, Sinh giới thiệu qua một loạt, đến Tú Linh thì ông Nghĩa hết sức ngạc nhiên khi biết cô là đồ đệ của Lục Tỷ. Lần bị gặm chân, suýt chút nữa bị âm khí nhập thân, may mà chở lên cho Lục Tỷ kịp. Tôi nhìn Sáu Nghĩa, một dân lục lâm bình thường. Những người trong giới tới giờ tôi biết đều có bản lĩnh rất cao cường, làm những việc kinh thiên động địa. Lúc ấy tôi nhận ra rằng, ngoài kia vẫn còn rất nhiều người như vậy, chỉ vì mưu sinh sẵn sàng liều mạng, số người gia nhập lục lâm chắc cũng ngang ngửa với người vừa chết. Sáu Nghĩa hỏi anh Hùng sao lại đến đây, săn thứ gì. Anh Hùng nhìn xung quanh, cũng không cần giấu giếm với bậc tiền bối, bèn kể lại chuyện Thông hóa thành Xà Niêng và chuyện sắp đi vào Mo So tìm Ca Lâu Thành.

Sáu Nghĩa không giấu nổi vẻ bất ngờ, ông nói: “Cái gì, chú em đùa sao? Đâu thiếu chỗ chết, vô đó làm gì cho chết mất xác?”

Anh Hùng hỏi: “Chú ở đây, có thể nói cho tụi con biết chút về hang Mo So không?”

Ông Sáu trầm ngâm giây lát rồi bảo: “Tao ở đây hồi nhỏ, lớn lên đi thả diều ở xa, về lại cũng mười lăm năm, chuyện về kỳ động trong đó chắc biết chưa được trang giấy. Tuy nhiên, có nghe nói chừng hai mươi năm trước, có hai cao nhân đã vào được đó, sao mày không tìm họ luôn?”

Anh Hùng nói: “Người đó là Lỗ Ban Tiểu Tử - Ba Lành, tụi con đến tìm thì ổng chết rồi.”

Sáu Nghĩa ngạc nhiên, có lẽ là do chúng tôi có mối quan hệ với toàn dân thứ dữ, tôi tự hỏi nếu anh Hùng nói là anh còn quen Chín Danh và từng được Bảy Săm cứu mạng không biết Sáu Nghĩa còn ngạc nhiên thế nào nữa! Ông Sáu nói: “Vào đó thì tao chưa vào, nhưng tao có nghe kể lại cách tìm đường để vô trong, trước kia có thử mấy lần nhưng không được, giờ cụt chân thế này càng không được!” Chúng tôi tò mò hỏi về cách đó, ông Sáu nói: “Nếu tụi mày tinh thông Tiên Thiên Bát Quái thì được, Mo So là Bát Quái Động đó!” Nghe đến đây bỗng anh Hùng và Tú Linh có phần hơi e dè, Sinh mới hỏi Bát Quái Động là sao, Sáu Nghĩa nhìn trước sau rồi bảo: “Hông ấy giờ vầy đi, tụi mày qua nhà tao nằm nghỉ một chút, dù gì cũng đang kẹt công an với cứu hộ đang quây kín mẹ nó rồi, tụi mày có vô được đâu, qua làm lai rai với tao, tối tao dẫn đến cửa hang.”

Nghe đến đó, anh Hùng cười rồi nói: “Được chú Sáu giúp đến vậy, tụi con biết ơn lắm.” Nói đoạn, anh quay sang bảo cả bọn đứng lên đi theo chú Sáu về nghỉ, trước khi đi anh còn kêu Tú Linh đưa ba lô anh đeo cho đỡ mệt.

Chúng tôi khởi hành về nhà chú Sáu, từ chợ Kiên Lương đi về hướng Chùa Hang, chưa đến ngã ba rẽ vào hang Mo So thì có một cây cầu ván nhỏ bắc sang con kênh rộng chừng sáu, bảy thước. Đi dọc theo con đường đầy lau sậy và những hàng dừa cao, cuối cùng chúng tôi vào một con đường mòn, đi vừa đủ một người. Tính ra đi từ chợ Kiên Lương đến đây mất khoảng bốn mươi phút. Con đường mòn khá ngoằn ngoèo, tôi nghĩ trong đầu rằng đúng là lục lâm có khác, nơi ở cũng phải thật khác người. Từ lúc vừa bước vào con đường nhỏ này, tôi để ý có một đứa nhóc chừng sáu, bảy tuổi, mặc quần vải nâu, cởi trần, trên mình lấm lem bùn đất cứ chạy theo sau lưng chúng tôi, mỗi lần tôi quay ra sau dòm nó thì nó lại lui lại mấy bước rồi nép vào một tán cây gần đó, đầu cứ lắc qua lại nhẹ nhẹ.

Phía trước anh Hùng đi hàng đầu cùng chú Sáu, đang trao đổi đủ thứ chuyện lục lâm, Tú Linh thì vừa đi vừa ngắm cảnh ruộng đồng, thứ mà ở Sài Gòn cô không thấy, phần Sinh thì nó cứ ba bốn bước lại kẹp nhẹ một hớp rượu. Vào con đường mòn lúc ấy đã gần 6h tối, nơi đây không có đèn đường, đi mười phút thì đến nhà của chú Sáu. Đó là một mái nhà tranh đẹp như vẽ, trước mặt là hồ cá, hai bên trái phải là vườn cây và đồng ruộng, sau lưng là một quả núi dựng đứng (nếu đi từ đường quốc lộ sẽ thấy nơi này đang được khai thác đá làm xi măng). Lúc này nhà chú Sáu đã lên đèn, ánh đèn dầu lúc sáng lúc tỏ, nơi này vẫn chưa có điện. Từ trong nhà, một bà lão rất già bước ra, có vẻ như mắt đã mờ, bảo: “Thằng Sáu hả? Bây về trễ vậy? Má nấu cơm rồi đó, mày vô ăn đi.”

Chú Sáu quay ra bảo: “Tới nhà tao rồi, đây là má tao đó.” Ông quay sang nói nhỏ với chúng tôi đầy chua xót: “Làm lục lâm, bảo vật có khi cầm cả vài tỷ trong tay mà ngay cả mẹ ruột tao cũng không lo cho được cái nhà đàng hoàng, chua xót lắm mấy đứa ơi!” Nghe xong lời chú Sáu nói, tôi chợt giật mình nghĩ về những thứ xa xôi, lỡ đâu mình về già cũng như ông Sáu? Sáu Nghĩa tiến đến thưa mẹ ông ấy hết sức lễ phép rồi giới thiệu về chúng tôi, bỗng tôi nhớ lại về thằng nhỏ, quay ra sau thì thấy hình như nó đã lẩn ra sau hàng chuối gần đó, tôi thấy hơi lạ vì sau đó thấp thoáng rất nhiều mả đất, thấy nó đi rồi nên tôi cũng không thắc mắc với chú Sáu làm gì. Bà lão đã già, mắt đã kém, không nhìn rõ được chúng tôi, chỉ hướng mặt về phía Sáu Nghĩa rồi cười hề hề, hết sức bình dị. Không hiểu sao lúc đó, tôi thấy tình cảnh ông Sáu hết sức đáng thương, đời người chỉ một kiếp, lục lâm giàu thì vô số nhưng chết hoặc tàn phế cả đời cũng nhiều không kém, khi đó cuộc đời có tăm tối như chú Sáu chăng?

Căn nhà tranh lụp xụp bỗng rộn ràng hơn. Tú Linh ở nhà trước châm cứu cho bà lão đỡ đau lưng, Sinh thì lo mần con vịt, tôi nhóm lửa, anh Hùng vẫn đi theo chú Sáu hỏi mãi về những chuyện săn lan thả diều. Buổi nhậu nhanh chóng được dọn lên, chỉ có vài món đơn giản và ít rượu chuối, Sinh không giấu nỗi thất vọng khi hết Gò Đen, tuy nhiên nó vẫn uống lấy uống để rượu chuối trên bàn đến mức chú Sáu còn sợ. Rượu hôm nay có vẻ khá nặng, uống chưa được một xị tôi đã chóng mặt, mặc dù tửu lượng tôi không tệ, tôi chỉ thấy hình như bọn tôi đều sỉn cả, Sinh thì gục trước, thậm chí đã ngáy khò khò, ọc một bãi ra. Lúc tôi gục xuống cũng thấy Tú Linh đang sắp tới bến. Rồi tôi vật ra đất, ngất đi.

Đầu nhức ong ong, lưng trần cảm thấy lạnh ngắt, lúc đó tai tôi nghe có tiếng nói lạnh ngắt: “Chạy đi!” Tôi mở mắt ra, mặc dù đầu còn rất choáng. Khi còn chưa định hình được xung quanh, tôi chỉ thấy lưng mình rất lạnh, như đang nằm trần trên nền đá vậy. Cố nhắm mắt, định lấy tay dụi thì tôi phát hiện ra nó đã bị trói! Sự hốt hoảng làm tôi tỉnh táo ngay lập tức, tôi vùng dậy nhưng cổ cũng đã bị trói lại, chính xác còn thêm cả hai chân. Những sợi dây thừng to tướng siết chặt, trông tôi như tử tù đang đợi ngũ mã phanh thây.

Định thần lại, tôi thấy mình đang cởi trần, nằm trên một cái bàn đá trong một căn hầm đất, rễ cây mọc tua tủa, nhìn những nhánh rễ cây đâm ra, chắc hẳn nó phải rất to - đồng nghĩa căn hầm này đang nằm sâu dưới đất. Không gian được chiếu sáng bởi ba cây đèn dầu cũ mèm đặt ở cái bàn trông bẩn thỉu ở góc. Kế bên đèn, anh Hùng, Tú Linh và Sinh đang gục xuống, bị trói chặt vào ghế. Trong lúc tôi đang hết sức hoảng loạn, chưa biết chuyện gì đang xảy ra thì âm thanh mài dao vang lên phía đầu tôi. Tôi cố ngước lên quay về phía âm thanh rùng rợn kia. Trong ánh đèn leo lét, bà lão đang cặm cụi làm gì đó, có lẽ là mài dao. Cảm giác sợ hãi hiện diện ở từng lỗ chân lông, ngay lập tức tôi quay về phía ba người kia hét lên hết sức bình sinh, hy vọng họ tỉnh lại, biết đâu có cái Ấn nào giải quyết được tình cảnh này chăng! Tôi vừa cất tiếng, bà lão liền ngưng mài dao, từ từ quay đầu sang rồi tiến về bàn đá tôi nằm. Về phần mình, tôi cứ ra sức hét, nhưng bên kia, ba người họ vẫn còn gục - có vẻ thuốc mê rất nặng. Bà lão đến sát bên, cây dao miết nhẹ trên da cổ tôi lạnh ngắt, tóc tai bù xù che khuất khuôn mặt, ánh đèn vàng vọt chỉ chiếu được cái miệng rộng và đỏ lòm, đôi mắt rực lên hai lằn chỉ máu. Bà ta cúi xuống ngang tai tôi, thì thào những tiếng ghê rợn: “Kêu làm mẹ gì, khi chết đừng có kêu lớn, la thì chết không có được đầu thai mà bắt làm quỷ khóc, cô hồn vất vưởng đó cháu à!”

Đúng giọng của mẹ Sáu Nghĩa, tôi hét lên: “Bà làm cái gì vậy, không có giỡn đâu, thả tôi ra ngay!”

Bà ta phá lên cười điên dại, nói: “Đâu sớm vậy, để tao lột da mày đi rồi mày mới chết được, chết giờ mất thiêng!”

Tôi hét lên lần nữa: “Thả tôi ra, bà làm cái gì vậy! Anh Hùng, Tú Linh, Sinh, tỉnh dậy nhanh lên!”

Bà lão lại cười, mặt áp sắt mắt tôi, tôi có thể thấy rõ lớp da nhăn nheo, đôi mắt trắng dã chỉ có một vệt máu như mắt mèo, nanh nhọn hoắc, miệng hết sức hôi thối, tay vẫn lăm lăm con dao bầu như chực chờ chọc tiết tôi. Bỗng bà ta khựng lại, quay sang nhìn tôi đầy căm thù, bảo: “Hét lên đi, mày hét lên lớn hơn nữa đi, coi thằng nào cứu được mày! Má nó, mười lăm năm nay, thằng Nghĩa cụt giò, mất mẹ hết mối làm ăn, nay đem về hàng độc như mày, có chết cũng đừng trách tụi tao độc ác, có trách thì trách sao mày mang Hổ Phù đi!”

Trong cơn hoảng loạn, tôi thấy phía cửa căn phòng, dưới ánh đèn chập chờn bóng thằng bé lấm lem hồi chiều. Nó đứng dựa vào cửa, hai tay ôm bản lề, đôi mắt đen ngòm không có lòng trắng, thân thể khô đét gầy gộc, da nứt nẻ và miệng cứ chảy dài máu đỏ. Thằng bé cứ đứng đó nhìn tôi chằm chằm. Mụ già kia đi vòng quanh, lựa thêm đồ nghề gì đó từ cái hòm gỗ đen kịt, có lẽ là do máu thấm lâu ngày mà thành. Tôi nghĩ chỉ có cách câu giờ, hy vọng ba người kia tỉnh lại thì có cách gì đó, tôi hỏi: “Bà định làm gì tôi?” Mụ già ngẩng đầu lên, có vẻ như mụ đã tìm thấy thứ cần thiết, là một cây gắp bằng đồng. Mụ quay sang tôi, ré lên những tiếng cười quái quỷ, rồi mụ ta nói bằng giọng nghe như thều thào chứ không mạnh: “Tao lột da mày, lột cả bộ, mà trước đó tao cắt cổ mày, hứng huyết, thêm miếng ngò vô là thơm dữ dằn, da mày đó, da mày còn non, lột ra đẹp dữ lắm đó, mà được cái là mày còn có thêm Hổ Phù, hé hé, da mày mà đem ra bán, ít nhất cũng bảy tám tỷ, tao sống dày!”

Mẹ kiếp! Tôi chửi thầm. Hổ Phù trên vai tôi thoạt nghe thì uy lực vô biên, thế mà đến giờ tôi sắp bỏ mạng khi còn chưa bộc phát được năng lực của nó. Hai tay mụ ta cầm kẹp đồng và một bộ dao, cây nào cây nấy sáng loáng, mụ quay lại bàn đá chỗ tôi nằm. Trong phút giây tuyệt vọng, tôi nhìn ra cửa, chỉ thấy thằng nhóc lúc nãy đã mất lớp da, cơ thể nó chỉ còn lớp thịt đỏ ối còn rỉ máu, miệng nó cứ mấp máy, nghe như “Chạy đi, chạy đi...” Mắt tôi quen dần với ánh sáng trong phòng, khi tôi đảo xung quanh kêu cứu thì thấy trên trần, những bộ rễ cây đang quấn quanh mấy bộ xương người đủ kích cỡ. Lúc ấy tôi chỉ hối hận, chết mà không biết nguyên do, ai hoặc cái gì gây ra, quả là cái chết thống khổ. Mụ già đã đến bên giường, mụ sờ vào chân, rồi lân sang đỉnh đầu, có vẻ như đang lựa chỗ để bắt đầu xẻ da ra lột. Mụ xoa xoa chỗ ngực tôi, ngay cơ hoành, mụ ấn mạnh vào làm tôi tắt thở đến mấy giây rồi phá lên cười, coi bộ khoái chí vì lựa được chỗ đâm dao. Mụ ta xoa bàn tay nhăn nheo xương xẩu lên má tôi, rồi giả bộ cười nhân từ, nói: “Có chết đừng tìm ngoại, ngoại chỉ làm việc ngoại nên làm, con chết là đáng, ai kêu con có đồ quý!” Vừa nói dứt lời, tôi chỉ thấy ánh đèn như khẽ lay động, ánh sáng lúc này chập chờn hơn nữa, mụ già co tay lấy thế rồi đâm thẳng tới ngực tôi, định một dao xuyên tim. Tôi nhắm chặt mắt lại, sẵn sàng đón nhận cái chết, nhưng không tài nào chấp nhận được! Không cam tâm!

Khi mắt tôi còn đang nhắm chặt, chỉ nghe mụ già chửi ai đó: “Thằng chó, sao mày còn tỉnh?” Nghĩ là ảo giác do đang chết dần, tôi chẳng dám mở mắt ra, sợ thấy âm tào địa phủ, Đầu Trâu Mặt Ngựa đang dẫn đường thì khổ. Bỗng giọng thằng Sinh vang lên: “Dăm ba cái Hổ Phù tào lao thôi mà để Lăng Trì Nương Nương phải đích thân ra tay sao? Ổng còn chưa khai phù xong mà, thằng óc chó nào dám trả bảy, tám tỷ cho ngoại để mua miếng da lộn hả? Bán có được con mẹ gì đâu, ngoại xa lục lâm lâu quá nên ngu muội đi nhiều rồi đó. Muốn lột da hả, lột dùm con cái Chú Dạ Xoa nè!” Tôi choàng tỉnh dậy, Sinh đang siết chặt cánh tay mụ già, tay còn lại đã bắt Ấn. Sinh vút một cái định tung chưởng vào mụ quỷ, ai ngờ mụ ta loáng cái đã thoát được, đu lên trần nhà rồi bò ra phía cửa trốn đi, nhìn hết sức dị hợm. Tôi hét lên: “Sinh, cởi trói cho tao lẹ, tao tưởng mày chết rồi chứ!”

Sinh nhìn tôi rồi cười châm chọc, nói: “Để lão đại làm đi, tui đi xử con mụ già này cái.” Dứt lời thì Sinh cũng vọt đi, tôi quay sang nhìn anh Hùng và Tú Linh thì thấy họ cũng vừa cởi dây trói xong. Tú Linh lầm bầm: “Con bà nó, giả ngất mà cũng tê cổ hết mẹ nó rồi!” Anh Hùng cởi dây trói cho tôi, hỏi tôi có bị gì không, tôi lắc đầu quầy quậy, không tin là mình còn sống, tán mấy cái liên tiếp vào mặt đến đỏ cả má. Anh nói: “Nghe lục lâm đen đã lâu, nay không ngờ rơi vào ổ của chúng.”

Tôi ngồi dậy, mặc áo vào, hỏi anh Hùng lục lâm đen là gì. Anh kể, lục lâm thời kỳ đầu hết sức ô tạp, đầu thế kỷ XIX, một tiền bối tên Mạc Hải Vinh đưa nó vào quy củ. Năm 1858, thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam, tình hình bắt đầu biến đổi, có nhiều lục lâm hoạt động cho Pháp trong việc khai thác bảo vật. Đến trước năm 1914, hình thành hẳn một nhóm lục lâm làm tay sai cho thực dân, bọn này phá bỏ luật lệ của Mạc Hải Vinh đưa ra, chuyên làm chuyện thương thiên hại lý, cướp của giết người. Bọn này không phải Na Long Hội, tuy nhiên cách làm cũng tương tự - săn bảo vật bất chính rồi bán lại. Những năm 1950, Miền Tây nổi tiếng với một người phụ nữ có biệt hiệu Lăng Trì Nương Nương, nghĩa là Bà Lột Da. Mụ này hết sức tàn nhẫn, chuyên lột da sống người khác rồi bán lại. Nếu họ là người trẻ, trên da không có Chú hoặc Phù thì bà ta bán cho những kẻ muốn cải trang hoặc đóng giả người khác, hoặc dùng cho thuật trường sinh; nếu là người có xăm Chú, kết Phù thì da đó hết sức có giá trị, Chú và Phú đó có thể lột ra từ người này rồi ép lên cơ thể của người khác.

Chuyện này vốn dĩ lúc mới vào lục lâm, anh Hùng chỉ nghe kể, cảm thấy như những lời “chém gió”, nay tận mắt thấy mụ Lăng Trì Nương Nương định lột da tôi lấy Hổ Phù đem bán thì anh mới biết chuyện ghép Phù là có thật. Lúc chiều khi gặp lão Sáu Nghĩa, anh Hùng đã có chút nghi ngờ, bởi vì lão tự xưng là thả diều nhưng hành xử không phải là thả diều. Lục lâm, ngoài Thông Hải vốn đã mất tích từ lâu, trong các nhánh còn lại thì thả diều là kín tiếng nhất, chẳng ai thả diều mà tự giới thiệu trước cả, luôn luôn là để người ta tự đến tìm, Sáu Nghĩa vồn vã quá đã khiến anh Hùng sinh nghi. Thứ hai là cách gọi, nếu thực sự là thả diều, họ sẽ không tự nói là mình đi “thả diều” ở đâu cả mà sẽ gọi là đi “giật dây”. Vì thế nên anh theo sát chân Sáu Nghĩa không rời, cứ nghĩ làm thế là lão sẽ không bỏ thuốc vào rượu thịt được, ai dè nhà lão lúc nào cũng có sẵn thuốc mê trong vật dụng. Cũng may có mượn trước ba lô Tú Linh, anh lấy ra một cây kim, giắt vào đồng hồ, lúc nãy tôi hét như heo bị chọc tiết làm anh có chút ý thức lại, cử động tay cho kim đâm vào da, nhờ thế mà tỉnh táo hoàn toàn. Còn chuyện mở dây, mấy trăm năm giới lục lâm đúc kết ra không biết bao nhiêu cách tự tháo dây trói. Anh Hùng nói: “Cẩn thận mà còn bị lũ này úp sọt, cũng may chúng ta phước lớn mạng lớn, không thôi là xong phim hết cả đám rồi!”

Giờ thì tôi hiểu tại sao hồi chiều anh Hùng hành xử hơi khác, tôi hỏi anh sao lại muốn đến nhà Sáu Nghĩa làm gì, anh bảo: “Trừ hại thôi!” Dứt lời anh xắn tay áo lên, đi ra cửa, tôi sực nhớ lại thằng nhóc lúc nãy nên bảo anh Hùng dừng lại. Tôi kể chuyện mình gặp vong thằng nhỏ đi theo, anh có thể siêu thoát cho nó được không, anh Hùng nhìn xung quanh căn phòng rồi tiến đến một góc, nơi có một cái tủ gỗ rồi giật tung cánh cửa ra. Cảnh tượng bên trong hết sức kinh khủng, Tú Linh phải quay mặt đi: hàng chục bộ xương trẻ em xếp lẫn lộn, trên có treo một vài bộ da, vài bộ còn nguyên vẹn cả tóc! Bọn bất nhân này không trừng trị không được. Anh Hùng siết chặt nắm đấm, nghiến răng lại, đóng cửa tủ rồi châm lửa, miệng anh lầm rầm đọc chú, có vẻ như là chú siêu thoát, nghe đầy căm giận. Ánh lửa cháy làm căn phòng bừng sáng, khắp nơi là những dấu bàn tay kéo lê, nhìn khá cũ, tuy nhiên xung quanh cũng có những vết máu tung toé!

Anh Hùng quay ra cửa, cầm lại cây búa của chú Ba Lành mà mụ quỷ già để trên bàn, quyết tâm rửa hận cho thanh danh lục lâm. Tú Linh và tôi đi theo sau lưng. Vừa ra đến cửa, nhìn qua hành lang bên trái có cầu thang dẫn lên, có vẻ như đường ra. Sinh bước từ trên xuống, đôi tay lấm lem chất lỏng màu đen nhầy nhụa. Anh Hùng hỏi xong chưa, Sinh gật đầu, mặt khá âu lo, nói: “Hai mẹ con thằng này luyện ngải đó anh, cẩn thận, nhóm mình không có dân đào giếng nên trừ bọn này khó lắm. Lúc nãy em trừ được mụ Lăng Trì Nương cũng do mụ đã già, công lực chưa đủ, còn thằng chó Sáu Nghĩa thì em chưa gặp.” Anh Hùng bảo chúng tôi đứng đợi ở đây, anh sẽ quay vào trong tìm Sáu Nghĩa tính sổ. Bỗng mặt đất khẽ rung nhẹ, phía hành lang bên trong vọng ra tiếng cười the thé. Chỉ có thể là Sáu Nghĩa, anh Hùng quay người chạy thẳng vào trong, dĩ nhiên chúng tôi lòng dạ nào mà đứng đợi bên ngoài được, nên cũng chạy theo anh.

Đường hầm càng vô trong càng tối, chỉ có ánh đèn cà na chập chờn. Một mùi hôi xộc lên khi chúng tôi đến một ngõ cụt, bên phải có một cửa hang, anh Hùng lấy cây búa ra cầm trên tay rồi tiến vào, trong căn phòng tối, nhờ ánh đèn le lói ngoài kia hắt vào, chúng tôi thấy được vô số lớp rễ cây to cỡ cánh tay, đan cài khắp nơi, tới động ngải rồi! Đối diện là bóng của Sáu Nghĩa đang cúi đầu, Tú Linh bật đèn pin lên rọi vào hắn ta, chỉ thấy phần thân dưới của hắn đã dính liền với một gốc cây khổng lồ. Hùng và Sinh nhớ lại cảnh đánh kumanthong ngày xưa, cảm giác ngải này mạnh hơn bọn ma con đó cả trăm lần. Sáu Nghĩa ngẩng đầu dậy cười man dại, lúc này áp khí từ hắn toả ra khiến tôi như ngộp thở, không cử động được. Anh Hùng bảo tôi và Tú Linh lùi ra sau, chuẩn bị chạy, rồi anh ra dấu sang bảo Sinh lên cùng. Tú Linh tuy cảm thấy hết sức lo lắng, nhưng đạo hạnh cô chưa đủ để trừ được ngải, đành trông cậy vào hai người họ, cô kéo tôi ra trước cửa. Bên trong, Sáu Nghĩa dùng rễ cây đánh tới tấp, Sinh vận công lực bộc phát Thiên Đăng Ẩn Quang Chú lần nữa. Lúc này tôi chứng kiến lưng nó sáng lên những hình vẽ như giun, tay nó phát sáng tỏa ra áp khí, thiêu đốt hàng tá đám rễ cây, cản bước Sáu Nghĩa. Anh Hùng lợi dụng thời cơ Sáu Nghĩa chậm lại, lao đến toan chém một búa vào đầu nhưng lão đã né được, nhát chém bị lão đẩy ra, lưỡi búa găm vào những gốc cây phía sau, máu đen không biết từ đâu phun ra như xối. Tôi nghe Tú Linh chửi thầm: “Mẹ nó, Mộc huyết…” Lão thốt ra những tiếng cười châm chọc rồi dùng xúc tu từ những gốc cây tấn công Hùng và Sinh, lúc cả hai vừa nhảy ra né cũng là lúc những cái đầu nhọn hoặc đâm thủng mặt đất, Hùng dùng búa còn Sinh dùng tay bắt Ấn, chặt đứt vài cái làm lão Sáu Nghĩa thét lên. Sáu Nghĩa nghiến răng, hồ như đang nổi điên, lão gầm lên rồi nhoài cả thân người về trước, những cái rễ cây giờ là thân mình dưới của lão bị bốc lên biến thành chân, trông lão giờ chẳng khác gì con bạch tuộc làm bằng gỗ. Hùng quay sang Sinh, nó gật đầu dường như đã hiểu ý, cả hai quay đầu chạy về phía tôi và Tú Linh, anh Hùng ngoắc tay rồi nói thầm: “Ra chỗ đường cùng lúc nãy. Nhanh!”

Vừa ra đến nơi, anh Hùng liên quay sang Sinh: “Làm được không mày?”

Nó chậc lưỡi: “Được đại ca, mà không nhiều nước như bọn đào giếng đâu nghe!” Anh Hùng gật đầu ý nói nó triển luôn đi. Tôi hỏi thì anh nói là quan sát đi sẽ biết. Sinh thọc cả hai tay xuống nền đất vẽ một vòng tròn to bằng cái giếng, miệng đọc những câu rất khó hiểu, bỗng nhưng đường xăm kỳ lạ xuất hiện từ cổ tay nó, chạy dài lên cả vai, sau đó một tiếng nổ vang lên, đất bên trong vòng tròn bay tứ tung, từ tâm vòng tròn những bọt nước bắt đầu hiện lên rồi sau đó thì cả vòng tròn chìm trong đã ngập hết cả. Tả thì lâu chứ mọi chuyện diễn ra trong vòng chưa tới năm giây. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi, Mộc tuy thuận với Thủy, nhưng cũng tuỳ thuỷ, nước có độc thì cây chết, đây là một cái bẫy dành cho lão Sáu Nghĩa!

Cả bọn nấp vào bức tường, từ phía sau lão Sáu Nghĩa đã đuổi đến, tiếng những cái xúc tu vang vọng trong lòng hang làm tôi nghĩ đến một bầy rết mấy ngàn con đang đuổi đến chứ không phải con bạch tuộc gỗ nữa. Vừa chạy lão vừa gào lên: “Thiên Hổ Phù! Đưa tao Thiên Hổ Phù!” Chúng tôi vẫn kiên nhẫn đợi lão, tôi có thể cảm nhận được tiếng thở nặng nề của anh Hùng và Sinh, đủ biết chuyện bùa ngải đối với hai người quả thật là nghiêm trọng, không dễ dàng như mấy lúc săn lan, đập miễu mà từ đầu chuyến hành trình đến giờ tôi thấy cả đám làm ngon ơ. Một tiếng “Rầm” vang lên chỗ khúc cua, Sáu Nghĩa đã đuổi đến, tiếng bước chân ngày càng gần, chợt lão ré lên những tràng đau đớn, biết là lão đã sập bẫy, anh Hùng và Sinh liền bay ra ngay. Con “bạch tuộc” giờ đang chửi thề những tiếng rất khó nghe, lão ta cố vùng vẫy nhưng đã quá muộn, những cái xúc tu thấy nước liền hút lấy hút để, nhưng thứ nước bị Sinh yểm Ấn nên trở nên độc hại vô cùng, từ những cái lỗ trên thân cây túa ra những dòng mộc huyết xanh lè. Không chần chừ, anh Hùng vung búa nhảy lên tựa vào phần xúc tu trên hong Sáu Nghĩa, rồi bằng một nhát búa dũng mãnh chém phăng đầu lão, trong ánh mắt lão hiện rõ vẻ kinh hãi và hối hận. Lão gục xuống, những thương cảm tôi dành cho lão lúc đầu cũng trôi theo những dòng mộc huyết xanh lè.

Bỗng mặt đất rung rinh dữ dội, đất đá từ trên trần hang bắt đầu sạt lở, những phiến đá to hơn đầu tôi bắt đầu rớt xuống. Anh Hùng, tuy vẫn còn thở hồng hộc vẫn hét lớn: “Chạy ra ngoài! Lão chưa chết đâu!” Tôi hơi bối rối, đã chặt đầu rồi mà chưa chết, chẳng lẽ ngải mạnh vậy sao, vậy đạo hạnh của đào giếng tới cỡ nào?! Chúng tôi chạy vắt dò lên cổ, cũng phải khó khăn lắm mới thoát ra được, phần vì phải né tránh đất đá. Phía cửa ra dẫn đến một cánh rừng tràm. Có đường đi là được, chúng tôi cứ thế băng vào, vừa chạy tôi vừa hỏi: “Anh với Sinh đánh với thả diều mà vất vả vậy à?”

Anh Hùng bảo: “Anh với thằng Sinh đi săn lan đập miễu, Sáu Nghĩa tuy là thả diều, nhưng lại chơi ngải, chỉ có dân đào giếng mới diệt được ổng, anh với thằng Sinh toàn Ấn với Chú. Hôm nào rảnh anh giải thích rõ hơn cho mày!”

Có lẽ lúc này anh Hùng đang nghĩ về cô bé quét sân chỗ Chín Danh, không biết pháp lực đào giếng của cô ta ra sao mà Chín Danh có vẻ khá e dè. Cảm thấy chạy một đoạn đủ xa, cả bọn mới dừng lại, dựa vào gốc tràm thở lấy thở để. Bỗng Tú Linh chỉ tay về hướng bìa rừng, nói: “Mọi người, nhìn kìa!” Theo hướng cô chỉ, tôi thấy âm khí trong bóng đêm biến thành một làn khói trắng mỏng, thì ra nó phụt lên từ một ngọn núi đá, hang Mo So đã ở kia!

Chúng tôi ngồi lại, hiện giờ muốn đến hang Mo So, đường gần nhất là băng qua một vùng đồng cỏ, có thể có đầm lầy. Tôi hỏi: “Chuyện hồi chiều Sáu Nghĩa bảo Mo So là Bát Quái Động là sao vậy anh?” Anh bảo đó giờ anh cũng chỉ nghe về những hang động thuộc miền Bắc hoặc Bắc Trung bộ có bố trí kiểu Bát Quái, chỉ một loại hình mê cung, nếu không đi đúng sẽ bị dẫn mãi qua một vòng tròn. Tam Quốc có nhắc đến Bát Quái trận đồ, kỳ thực chỉ là một cách bày binh bố trận khép kín, dụ quân địch vào trong rồi chia cắt đội hình, khiến quân địch không thoát ra được, từ đó bị tiêu diệt. Bát Quái Động trong hang Mo So nếu có, hẳn không phải loại này. Lúc chiều Sáu Nghĩa bảo là có liên quan đến Tiên Thiên Bát Quái, thực hư không biết thế nào, tuy nhiên địa hình hang Mo So có vẻ giải thích được cho chuyện đó.

Hang Mo So, theo tiếng Khmer nghĩa là Đá Trắng, hang động ăn luồn nhau, có nhiều ngõ ngách trong núi, vách là đá vôi. Thuở xưa, khi chân núi còn tiếp giáp với biển, những cơn chấn động địa chất đã gây ra hiện tượng đất đai bị sụt lún làm nước biển tràn vào đất liền. Theo thời gian nước biển cùng với sóng xâm thực xoáy sâu vào chân núi tạo thành nhiều hang động. Sự tác động liên tục và kéo dài đã tạo ra những quần thể hang động khác nhau, lòng hang trông rất kỳ lạ và đa dạng nhưng thường có hình bầu dục, bóng loáng và rộng rãi. Những lối đi xung quanh hang, nếu anh Hùng đoán không lầm, có tác dụng như những Quẻ, nói vậy nghĩa là có sáu mươi bốn nơi gọi là cửa vào, về mặt lý thuyết thì bắt đầu từ cửa nào cũng được, tuy nhiên qua mỗi lớp cửa phải chọn một trong ba hoặc bốn ngã rẽ nữa, cứ như vậy cho đến lớp cuối cùng. Đó là lý do vì sao đó giờ chưa nghe ai nói phát hiện được của vào Ca Lâu Thành, ngoại trừ Ba Lành và người bí ẩn kia, nếu hôm nay chúng tôi muốn tiến vào Ca Lâu Thành tìm ngọc rết, giải mã bí ẩn đó là điều bắt buộc. Từ chỗ rừng tràm, trong bóng tối vùng trũng Kiên Lương, hang Mo So hiện lên sừng sững, ước tính đi đến đó chắc mất khoảng một giờ. Vừa định bước đi bỗng anh Hùng nói: “Không ổn rồi, vùng này có Ma Thành kìa!” Chúng tôi nhìn theo hướng anh chỉ, sát chân núi, thấp thoáng ánh lửa màu xanh lơ, tựa hồ như có thôn xóm, đình chùa đủ cả, nhưng nhìn đượm nét xưa cũ, bên trong vật vờ những bóng trắng đen lượn lờ qua lại làm vai tôi lại nhói lên!

/50

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status