Thất Lão Kiếm

Chương 35 - Đêm Đối Thoại

/58


Vết thương của Nhuế Vĩ bị chấn động, máu tươi trào ra, tình trạng của chàng mười phần trầm trọng.

Lâm Quỳnh Cúc không biết làm gì hơn là khóc thét lên.

Hoạt Tử Nhân thở dài, thốt :

- Lo cứu người khóc có lợi chi!

Lão cúi mình xuống điểm huyệt quanh vết thương cầm máu, rồi bắt mạch làm mấy cử động cấp cứu.

Lâm Quỳnh Cúc hỏi :

- Đại ca tôi có sao không hở tiền bối?

Lão nhân không đáp.

Lâm Quỳnh Cúc quýnh quáng lên, thốt qua nức nở :

- Tiền bối! Đại ca tôi...

Thần ni cười lạnh :

- Làm gì mà rối rít thế? Hắn chết thế nào được!

Lâm Quỳnh Cúc nổi giận :

- Đại ca tôi có bề nào thì bà phải chết với tôi đấy. Tôi báo thù! Tôi phải báo thù cho đại ca tôi!

Thần ni biến sắc vụt chiếc phất trần xuống đầu nàng.

Hoạt Tử Nhân không quay đầu, chỉ hoành tay ngược về phía sau, đánh một chưởng, hất chiếc phất trần qua một bên lộ vẻ không vui hỏi :

- Trước mặt ta ngươi dám giết người sao, a Ngọc?

Thần ni dằn cơn giận, đáp :

- Được! Sự việc nơi đây, tôi để cho ông xử lý cách nào đó tùy ông. Nhưng khi tiểu tử tỉnh lại, ông nói cho hắn biết, nếu hắn không bỏ ý định tìm gặp lại Dã nhi thì tôi sẽ có cách giết cả hai đấy!

Bà quay mình trở ra ngoài.

Hoạt Tử Nhân thở dài, bế Nhuế Vĩ lên, rồi bảo Lâm Quỳnh Cúc :

- Đi theo ta!

Lão trở lại Tương Phi Am, song không vào am lại đi trịch về phía tả.

Đi được mười dặm đường, họ đến một ngọn tuyết phong.

Hoạt Tử Nhân đưa tay chỉ bên dưới một gành đá, thốt :

- Ta ở nơi đó.

Gành đá không lớn lắm, chỉ có nơi đó là không có tuyết phủ. Có lẽ lão nhân quét hằng ngày. Gành có mấy chữ: “Hoạt Tử Nhân chi mộ”. Chữ rất đẹp, mường tượng viết bằng bút lông, nhưng lại ăn sâu vào đá, dù thợ chạm khéo tay đến đâu cùng không thể chạm khéo bằng.

Hoạt Tử Nhân bước lên gành đá, ấn chân vào một chỗ lồi, nơi đó từ từ lún xuống, bày ra một khoảng trống vừa đủ một người chui.

Hoạt Tử Nhân vào trước, Lâm Quỳnh Cúc do dự một chút rồi chui theo.

Xuống đến bên dưới rồi, Hoạt Tử Nhân lại ấn tay vào một chỗ trên vách.

Tảng đá chùng xuống đó, lồi trở lên như cũ.

Bên dưới là một sơn động, có con đường dài và hẹp, một thứ ánh sáng yếu ớt chiếu mờ mờ, không rõ ánh sáng từ đâu đến. Càng vào sâu, ánh sáng càng tỏ rõ hơn, cuối con đường động là một tòa thạch thất rộng độ mấy trượng vuông.

Trong thạch thất, ánh sáng chiếu rõ như ban ngày.

Giữa nhà có hai cỗ quan tài bằng bạch ngọc thạch. Hoạt Tử Nhân mở nắp quan tài bên tả.

Lâm Quỳnh Cúc sợ hãi, không dám bước đến gần. Nàng nghĩ trong quan tài hẳn là có xác chết. Nhưng Hoạt Tử Nhân đặt Nhuế Vĩ vào đó. Lâm Quỳnh Cúc kinh hoàng kêu lên :

- Đại ca tôi chưa chết mà, sao ông bỏ vào đó?

Hoạt Tử Nhân mỉm cười :

- Ngươi mở mắt to, trông cho kỹ đi.

Lâm Quỳnh Cúc dù sợ cũng bước đến nhìn vào quan tài. Bên trong đó nào có xác chết? Bên trong có gối, có chăn, có cả nệm êm ấm.

Hoạt Tử Nhân đặt Nhuế Vĩ nằm xong xuôi rồi quay đầu lại, hỏi :

- Ngươi không còn sợ ta chôn sống đại ca ngươi nữa phải không?

Lâm Quỳnh Cúc không đáp, hỏi lại :

- Tiên bối ngủ trong đó?

Hoạt Tử Nhân gật đầu.

- Có cái hiệu là Hoạt Tử Nhân, thì ngủ trong quan tài cũng hợp lý lắm. Nhưng còn cỗ quan tài kia? Biết đâu lại chẳng có...

Nghĩ đến xác chết, nàng run sợ.

Ngồi bên cạnh quan tài, Hoạt Tử Nhân xoa nắn cho Nhuế Vĩ.

Không lâu lắm, Nhuế Vĩ tỉnh lại, mở mắt ra, thốt :

- Bà không thể giết Dã nhi!

Lâm Quỳnh Cúc nắm tay chàng hỏi :

- Đại ca muốn nói ai muốn giết Dã nhi?

Nhuế Vĩ bấy giờ mới thấy Lâm Quỳnh Cúc và Hoạt Tử Nhân nên biết sự tình như thế nào rồi. Chàng dợm mình toan ngồi dậy, tỏ lời cảm tạ, Hoạt Tử Nhân chận lại, nói :

- Ngủ đi! Càng ngủ được nhiều, càng tốt. Để cho vết thương mau lành miệng, ngươi không nên động đậy!

Nhuế Vĩ ấp úng :

- Đa tạ tiền bối... cứu mạng lượt nữa.

Hoạt Tử Nhân lắc đầu :

- Đừng tạ ơn ta! Ta...

Lão dừng lại đó. Rồi lão nhìn sang Lâm Quỳnh Cúc.

Nhuế Vĩ giật mình, hỏi Lâm Quỳnh Cúc :

- Vừa rồi ngu huynh nói mơ sao đó?

Lâm Quỳnh Cúc đáp :

- Đại ca bảo đừng giết Dã nhi! Hay là đại ca nằm mơ thấy Dã nhi bị người giết! Ai giết?

Nhuế Vĩ thở dài :

- Ngu huynh thấy Dã nhi trong mơ.

Lâm Quỳnh Cúc mỉm cười :

- Vậy là tốt chứ sao!

Nhuế Vĩ tiếp :

- Nhưng sư phụ nàng bắt nàng, toan giết nàng...

Lâm Quỳnh Cúc nhớ lại câu nó của Nhất Đăng thần ni trước khi rời đi, nhờ Hoạt Tử Nhân thuật lại với Nhuế Vĩ. Câu nói đó phù hợp với cơn mơ của Nhuế Vĩ.

Nàng rợn người.

Vì có lẽ sợ Nhuế Vĩ bị Thần ni giết, sau này nàng tìm đủ cách ngăn trở chàng, không cho chàng đi tìm Cao Mạt Dã, do đó mà biết bao sóng gió nổi lên!

Ánh sáng yếu dần, rồi tắt hẳn. Đêm đã xuống, Hoạt Tử Nhân đốt lên bốn ngọn đèn, đoạn lấy cơm khô, nước uống ra, cả ba cùng ăn uống.

Lâm Quỳnh Cúc thầm nghĩ, Cao Mạt Dã mất tích, Nhuế Vĩ hôn mê. Sau này đến lượt nàng lâm nạn, nàng có hôn mê không? Chàng có thương tâm cỡ đó không? Nàng nghe lòng chua xót quá!

Nàng nghe buồn ngủ quá, song thấy Nhuế Vĩ trong tình trạng đó, nàng không làm sao chợp mắt được. Nàng ngồi bên cạnh quan tài, chốc chốc lại gục.

Hoạt Tử Nhân phất ống tay áo, tụ phong phớt qua, điểm vào huyệt ngủ của nàng. Nhuế Vĩ nghe thinh âm, biết nàng bị điểm huyệt, bèn hỏi :

- Nàng ngủ rồi à?

Hoạt Tử Nhân gật đầu :

- Ngủ rồi!

Nhuế Vĩ hỏi :

- Do đâu tiền bối biết tiểu bối trúng độc?

Hoạt Tử Nhân đáp :

- Lúc ta nghe mạch, thấy mạch rối loạn bất định, song không rõ tại sao.

Cho nên ta âm thầm điểm vào huyệt nhân trung của ngươi, ngươi vẫn hôn mê, không hề tỉnh lại. Do đó ta biết ngươi hôn mê vì một lý do nào khác chứ không vì bị ưu tư sầu muộn kích thích. Ta nghĩ ngươi có một chứng bịnh cũ, và chứng bịnh đó đột nhiên tái phát, và y thuật của ta thì không chữa trị nổi những quái chứng.

Vì vậy, ta bảo ngươi đừng cảm tạ ta. Ta không có cách gì cứu được ngươi.

Nhuế Vĩ thở dài :

- Tiền bối có thể phán đoán vãn bối còn sống được bào nhiêu hôm nữa chứ?

Hoạt Tử Nhân thốt :

- Ngươi hãy kể sự tình lại cho ta nghe xem!

Nhuế Vĩ bèn thuật lại mọi việc từ lúc mang thương thế, được Cao Mạt Dã cứu, đến lúc đưa nàng đến Tiểu Ngũ Đài sơn nhờ Sử Bất Cựu chữa trị cho nàng.

Rồi chàng thốt :

- Sử Bất Cựu có nói, hoàn độc dược đó sau hai năm mới phát tác. Từ ấy đến nay đã được một năm sáu tháng, còn đến sáu tháng nữa mới đúng hạn kỳ.

Chẳng rõ tại sao độc tánh phát tác sớm như vậy?

Hoạt Tử Nhân đáp :

- Về cách dụng độc ta không thông hiểu tí nào. Song ta nghĩ tại ngươi xa cách Dã nhi, trong lòng luôn luôn lo lắng, tâm tư tiêu hao, kháng lực trong người kém giảm nên độc tánh dễ phát sanh.

Nhuế Vĩ gật đầu :

- Tiền bối có lý! Vãn bối còn sống không bao lâu nữa, ân thâm của tiền bối chắc là kiếp này không mong gì báo đáp được, vậy xin nguyện lại kiếp sau! Dã nhi trong sáu tháng nữa nếu không thấy vãn bối đi tìm thì nàng cũng biết là vãn bối chết vì độc dược của Sử Bất Cựu, chỉ có...

Nhìn sang Lâm Quỳnh Cúc đang nằm ngủ, chàng tiếp :

- Chỉ có nghĩa muội của vãn bối còn lại một mình bơ vơ trên cõi thế, nàng là con người đáng thương hại lắm đó. Vãn bối ước mong tiền bối chiếu cố đến nàng ít nhiều.

Hoạt Tử Nhân thốt :

- Tuy không cứu được ngươi, ta vẫn có thể bức dồn độc dược về một nơi trên mình ngươi ngăn trở sự phát tác. Trong thời gian đó ngươi hãy tìm đến Dược Vương Gia nhờ lão ấy chữa trị cho.

Nhuế Vĩ trố mắt :

- Dược Vương Gia là ai? Ở đâu?

Hoạt Tử Nhân tiếp :

- Về y thuật lão ta trên bậc Sử Bất Cựu, mấy mươi năm trước danh vọng của lão vang dội khắp sông hồ. Nhưng sau này lão ẩn tích mai danh nên hiện tại ít người biết đến!

Nhuế Vĩ hỏi :

- Vãn bối tìm đến nhờ chữa trị, biết vị tiền bối đó có vui lòng cứu hay không?

Hoạt Tử Nhân đáp :

- Trên đời đâu phải ai ai cũng giống Sử Bất Cựu. Dược Vương Gia có cái hiệu là Thánh Thủ Như Lai. Đã là vị Như Lai rồi, là phải có cái tâm từ bi vô lượng.

Ai tìm đến nhờ chữa bịnh, lão ta luôn luôn cứu giúp, và bất cứ chứng bịnh nào qua tay lão ta là phải tiêu trừ.

Nhuế Vĩ thở dài!

- Một người tài, có cái tâm như vậy, lại trốn thế thì đúng là một thiệt thòi cho người đời.

Hoạt Tử Nhân tiếp :

- Ta không nghĩ thế, cho nên năm xưa, lúc lão ra đi, ta có khuyên lão bỏ ý định tỵ thế, ta yêu cầu lão nghĩ lại kỹ, nhưng đối với kiếp nhân sanh, lòng lão đã nguội lạnh rồi. Ta nói cách nào lão cũng không nghe, lúc đó ta trách lão kém tình nhân loại. Bây giờ nghĩ lại, lão có lý thật! Thế sự chẳng có gì đáng cho ta tha thiết luyến lưu...

Nhuế Vĩ ức đoán, hẳn trong dĩ vãng, lão nhân có một tâm sự bi đát lắm, cho nên mới chọn cái lối sống này, ngủ trong quan tài, y hiệu Hoạt Tử Nhân, rồi nói đến Dược Vương Gia, thành xúc động tâm tư, hận đời, hận thế. Chàng hỏi :

- Dược Vương Gia ở tại địa phương nào hở tiền bối?

Hoạt Tử Nhân đáp :

- Trừ một vài vị thân hữu ra, không một ai biết lão ở đâu. Ta chỉ cho ngươi, ngươi tìm được lão, là bịnh chứng của ngươi cầm chắc được diệt trừ.

Rồi lão tiếp :

- Dược Vương Gia có năm chỗ ẩn cư, ta nói qua chắc ngươi không nhớ hết.

Vậy ta cho ngươi một bức địa đồ, ngươi cứ theo địa đồ mà tìm.

Lão lấy trong mình ra một bức địa đồ, trao cho Nhuế Vĩ. Đoạn lão thốt :

- Ta dùng nội gia chân khí bức dồn độc tánh vào hai bàn tay ngươi. Hãy chú ý!

Lão chưa kịp vươn tay, bỗng có mấy tiếng cạch cạch vang lên rất khẽ. Hoạt Tử Nhân biến sắc, bảo :

- Đừng nói chuyện!

Lão ngưng thần, chăm chú nghe, thần sắc trầm trọng, như sắp có cường địch đến nơi.

Nhuế Vĩ phát hiện tiếng cạch cạch từ trên đỉnh thạch thất vang xuống. Rõ ràng là người nào đó đang dò tìm lối vào động.

Lão lẩm bẩm :

- Miễn là nàng đừng tìm gặp lỗ thông ánh sáng thì chẳng sao!

Nhuế Vĩ lấy làm lạ :

- Nàng? Ai thế?

Hoạt Tử Nhân đáp :

- A Ngọc!

Nhuế Vĩ lại hỏi :

- Nhất Đăng thần ni tìm lối vào động?

Hoạt Tử Nhân gật đầu.

Tiếng cạch cạch vang nhỏ dần rồi dứt hẳn.

Hoạt Tử Nhân thở phào, thốt :

- Nàng đi rồi! May quá, nàng không tìm được!

Nhuế Vĩ cau mày :

- Bà muốn vào đây! Để làm gì?

Hoạt Tử Nhân cười lạnh :

- Để đánh cắp di thể của vợ ta!

Nhuế Vĩ càng lấy làm lạ , thầm nghĩ :

- “Đường đường là một bậc tôn sư, lại là người đánh cắp xác chết của vợ người để làm gì? Không đáng thẹn hay sao?”

Hoạt Tử Nhân thở dài :

- Nếu ta không giải thích rõ ràng cho ngươi hiểu thì không bao giờ tin được A Ngọc định cướp di thể của vợ ta!

Quả thật Nhuế Vĩ có ý tưởng đó. Chàng gật đầu.

Hoạt Tử Nhân hỏi :

- Ngươi biết ta là ai không?

Nhuế Vĩ nhìn sững lão.

Lão tiếp :

- Ta là Lưu Trung Trụ, đại sư bá của ngươi. Giản Lạc Quan là nhị đệ của ta.

Còn tam đệ là Du Bách Long, sư phụ của ngươi đó!

Nhuế Vĩ kêu lên :

- Tiền bối là... là đại sư bá của tiểu điệt?

Lão nhân gật đầu :

- Phải! Ta và nhị sư bá của ngươi, có sự giao ước chỉ phúc vi hôn, khi hai vị sư bá mẫu của ngươi mang thai.

Nhuế Vĩ cau mày :

- Nhưng sư phụ tiểu điệt nói rằng, đại sư bá đã khứ thế rồi!

Lưu Trung Trụ gật đầu :

- Phải! Hồn đã chết, xác còn đây! Người tuy chết trước mắt thế nhân, song người chết còn sống ngoài cõi thế, nên gọi là Hoạt Tử Nhân.

Đoạn lão tiếp :

- Nhị sư bá của người tuy là một vị tể tướng triều đình, nhưng lại thích phiêu lưu, hành hiệp, do đó cả ba cùng gặp nhau và kết nghĩa đệ huynh. Tuy nhiên, ta và nhị sư bá ngươi thân thiết nhau hơn, khi hai bà khai hoa nở nhụy, nhị sư bá mẫu sanh trai, đại sư bá mẫu sanh gái, ngờ đâu cả mẹ lẫn con đều bất hạnh.

Lão xúc động tâm tình, không nói gì được nữa.

Nhuế Vĩ hết sức thương cảm, dù đoạn cố sự đó, chàng có nghe sư phụ thuật qua.

Hoạt Tử Nhân bật khóc. Lão khóc vì thương tiếc vợ, dù vợ đã chết qua mấy mươi năm rồi. Suốt mấy mươi năm qua, hình bóng người bạn đường không phai mờ trong tâm khảm của lão. Lão kêu gào luôn mấy tiếng :

- Tuệ muội! Tuệ muội!

Hẳn là tên của người đầu ấp tay gối!

Lão bước đến cạnh chiếc quan tài kia, vừa ôm quan tài vừa khóc!

Nhuế Vĩ gắng gượng bước ra, chệnh choạng đến cạnh lão, khuyên lão.

Lão khoát tay, bảo chàng trở về nằm tịnh dưỡng.

Một lúc lâu, cơn thương tâm lắng dịu, lão thuật tiếp :

- Vợ của ta chết rồi, ta cáo biệt bằng hữu, mang thi hài đến Điểm Thương sơn ẩn cư luôn. Hai vị nghĩa đệ không biết được sự tình nên độ chừng ta đã chết theo người tình. Năm sau, ta có trở về tìm kiếm thì mới hay nhị đệ của ta quy tiên rồi. Ta đau buồn đi biệt một lúc, rồi về luôn Điểm Thương sơn không trở lại trên chốn giang hồ nữa. Lần đó, khi về đến Điểm Thương sơn, ta vô tình bắt gặp bọn Thất Tàn Tẩu, cùng quây quần đàm đạo với nhau. Khi đàm đạo họ thường đề cập đến Du Bách Long. Ta lấy làm lạ, nấp gần đó rình nghe.

Nhuế Vĩ hỏi :

- Có phải sáu vị trong Thất Tàn Tẩu?

Hoạt Tử Nhân gật đầu :

- Phải! Vào thời gian đó, ta cũng có nghe danh Thất Tàn Tẩu, song không tưởng sư phụ ngươi là một trong nhóm. Họ nói, cả bảy người đều vì học “Hải Uyên kiếm pháp” mà thành tàn phế, nhưng tại sao riêng Du Bách Long thì được hai chiêu, còn họ thì mỗi người chỉ có một chiêu thôi? Á Tẩu ra dấu tay cho biết, Du Bách Long bị cung hình (hình phạt thiến dái) thì sự tàn phế đó đáng được đền bù bằng hai chiêu kể ra cũng công bằng!

Nhuế Vĩ kêu lên :

- Cung hình? Thảo nào sư phụ tuy cao niên song chẳng có sợi râu nào. Ai đã hành xử hình phạt đó?

Hoạt Tử Nhân thở dài :

- Dâm phụ Trương Ngọc Trân. Lão phu nghe chuyện đó, quyết tâm bào thù cho sư phụ ngươi! Nhưng...

Lão thở dài lượt nữa, đoạn tiếp :

- Trương Ngọc Trân là con gái của sư phụ ta! Ta làm sao giết sư muội báo thù cho nghĩa đệ? Ta có thể vong bội ân đức tài bồi của sư phụ ta được sao?

Nhuế Vĩ mơ màng :

- “Hải Uyên kiếm pháp”, phát xuất từ “Hải Uyên đao pháp” của Hồ Nhất Đao! Độc ác thật!

Hoạt Tử Nhân “ạ” một tiếng :

- Ngươi biết Hồ Nhất Đao?

Nhuế Vĩ thuật lại đoạn cố sự do Bạch bảo chủ Hồ Dị Phàm kể ngày trước.

Hoạt Tử Nhân tiếp :

- Lúc sư muội câu dẫn Hồ Nhất Đao thì ta đã ly khai sơn môn rồi. Hành vi ô uế của nàng được loan truyền khắp phương, hào kiệt võ lâm đều biết sư muội ta là một dâm nữ. Sư phụ ta hết sức đau lòng, tuy trục xuất nàng ra khỏi gia môn, song mỗi lần nghe đến một hành vi của nàng là lão nhân gia đóng cửa phòng mấy mươi ngày liên tiếp không muốn thấy mặt ai! Nàng dâm dật, cái đó chẳng nói làm gì, điều đáng nói là nàng bất hiếu đến nỗi nghe cha chết mà vẫn dửng dưng như không, chẳng chịu về thọ tang báo hiếu!

Nhuế Vĩ nổi giận :

- Bà ấy tồi tệ đến thế à?

Hoạt Tử Nhân thở dài :

- Vì nể sư phụ ta không nỡ trách phạt nàng nặng nề. Tìm được nàng ta rồi ta chỉ khuyên nàng cải ác tùng thiện, chỉ mong nàng đừng làm quấy nữa. Nàng ãn năn, cải hối là ta bỏ qua cuộc báo thù cho nghĩa đệ! Ngờ đâu, nàng không nghe lời ta khuyên, trái lại nàng mỉa mai sư phụ ngươi cho rằng tham lam thì phải chịu hậu quả! Bởi cái việc nàng lừa Hồ Nhất Đao mà đoạt tám quyển đao phổ, thiên hạ giang hồ đều biết và ai ai cũng mơ mộng trở thành thiên hạ đệ nhất cao thủ như Hồ Nhất Đao ngày trước, sư phụ ngươi không ngoại lệ!

Nhuế Vĩ lắc đầu :

- Đao pháp đó theo tiểu điệt chẳng có gì xuất sắc!

Hoạt Tử Nhân đáp :

- Ngươi lầm! Đao pháp chuyển biến thành kiếm pháp vẫn có công hiệu phi thường. Nếu ngươi học được toàn bộ, chẳng những A Ngọc không là địch thủ của ngươi, mà đến cả ta cũng bị áp đảo dễ dàng nữa! Rất tiếc ngươi chỉ học được sáu chiêu, mà sáu chiêu kiếm dù lợi hại cũng chỉ là những chiêu thức rời rạc, lẻ tẻ, sáu thức thì đúng hơn chứ đâu phải là một kiếm pháp! Như vậy ngươi đâu có thể phát huy đun mức cái lực của “Hải Uyên kiếm pháp”, và ngươi không đánh bại được A Ngọc là lẽ đương nhiên.

Nhuế Vĩ cúi đầu có vẻ thẹn.

Hoạt Tử Nhân tiếp :

- Lúc đó ta bảo với nàng dù tam đệ của ta có tham, nàng cũng không nên truyền cho y hai chiêu kiếm mà gây sự tàn phế suốt đời. Nàng cười giải thích với ta, tại tam đệ cam tâm tình nguyện để cho ta tùy tiện xử trí như bọn Tàn Tẩu kia.

Tất cả bảy người đều kém võ công. Họ không thể bức nàng truyền tuyệt học mà phải bằng lòng với mọi định đoạt của nàng, vậy nàng mới truyền tuyệt học cho.

Ta trách đành là thế, song nàng không nên tàn khốc như vậy bởi thiếu chi cách xử trí nhẹ nhàng hơn! Nàng viện lẽ, học một chiêu thì chịu tàn phế nhẹ, học hai chiêu phải chịu tàn phế nặng hơn. Dù sao thì nàng không hề ép ai học, tại tất cả đều bằng lòng thì ta trách nàng là trách cái gì? Sau đó, ta lại biết thêm được một việc khác, là vừa trông thấy tam đệ, A Ngọc đâm yêu ngay. Nàng không ngần ngại tỏ tình, song bị tam đệ cự tuyệt. Cũng bởi thất vọng vì tình, nàng sanh hận, và nghĩ ra hình thức tàn phế đó dành cho tam đệ. Ta lại trách, nếu thế thì nàng nên truyền thọ toàn bộ kiếm pháp Hải Uyên cho tam đệ mới tương xứng với cực hình đó. Nàng lắc đầu, cho rằng ai học trọn bộ kiếm pháp Hải Uyên là đánh thắng nàng, mà nàng thì không thích bại. Ta cười mỉa, bảo với nàng, trong thiên hạ thiếu chi người thừa năng lực đánh bại nàng, như ta là một. Nàng thách ta tỷ thí. Ta hiểu, ngày trước sư phụ ta thấy nàng không có phẩm cách nên không truyền thụ hết sở học cho nàng, dù nàng là giọt máu duy nhất. Mà ta thì học được trọn vẹn võ công của sư phụ ta. Ta cầm chắc cái thắng trong tay, cho nên ta nhận lời tỷ thí.

Ta còn hận nàng khinh miệt võ công của sư phụ ta, là phụ thân của nàng. Do đó, ta càng muốn có cuộc tỷ thí. Ngờ đâu, song phương đánh nhau qua ngàn chiêu, vẫn ở trong cái thế quân bình. Sau mấy năm cách biệt, tài năng của nàng tinh tiến vô cùng. Cũng vì nàng đem dâm đãng đổi tuyệt học cao siêu của các nhân vật mê say nhan sắc nàng mà nàng trở thành một tay xuất loại. Chả trách nàng cao ngạo là phải! Tuy nhiên, cuối cùng rồi ta cũng thắng nàng, bằng một chiêu của sư phụ ta, ta chế trụ nàng hoàn toàn. Nàng kể công với ta, là đã truyền “Thiên Y thần công” cho tam đệ ta, thì ta phải biết ơn nàng. Nếu ta giết nàng là vong ơn bội nghĩa.

Nhuế Vĩ kêu lên :

- “Thiên Y thần công”?

Hoạt Tử Nhân gật đầu. Nhuế Vĩ nói :

- Sư phụ có truyền tâm pháp môn công đó cho tiểu điệt, song không chỉ dẫn cách thức tập luyện bởi chính lão nhân gia chưa hề luyện đến. Lão nhân gia cho biết chính một bậc kỳ nữ truyền lại cho lão nhân gia.

Hoạt Tử Nhất thốt :

- Sư phụ ngươi học võ công của tà phái mà “Thiên Y thần công” là một môn công thuộc chính phái nên không luyện được, bởi chính tà như nước với lửa không bao giờ dung hợp được nhau.

Rồi lão thở dài tiếp :

- “Thiên Y thần công” là tinh hoa võ học của sư phụ ta, người truyền cho A Ngọc với lời dặn dò, sau này gặp ý trung nhân thì truyền lại cho kẻ đó. Nghĩ ra, sư phụ ta có ý dùng võ công đó làm của hồi môn khi con gái lấy chồng. Ta nghe nàng nói thế không nỡ giết nàng. Nhưng ta đâu buông tha nàng dễ dàng như vậy được! Ta buộc nàng phải đến Điểm Thương sơn, sống dưới sự giám thị của ta, ta lại còn buộc nàng thề độc, trừ khi nào ta chấp thuận, tuyệt đối nàng không được hạ sơn. Ngoài ra, nàng phải xuống tóc làm ni cô chuyên tâm tu hành. Ta cũng cấm đoán nàng luôn, không được tùy tiện giết bất cứ ai bất chợt lên núi. Mọi sự giết chóc phải có ta đồng ý nàng mới được làm. Bởi dù sao nàng cũng có quyền tự vệ, mà nàng thì có rất nhiều kẻ thù, chẳng lẽ ta bảo nàng khoanh tay chịu chết trước kẻ thù? Bất quá ta hạn chế hành động của nàng, cho nàng đừng buông ác tính thôi.

Nhuế Vĩ vỡ lẽ ra, cũng vì thế mà Nhất Đăng thần ni khuất phục, tuân lời Hoạt Tử Nhân.

Hoạt Tử Nhân tiếp :

- Từ đó, A Ngọc an phận, ở tại Điểm Thương sơn này tu hành. Ta thấy nàng cải hối, nên chấp nhận cho nàng mỗi năm được hạ sơn một vài lần. Sau lần thứ nhất hạ sơn trở về, nàng hết sức kinh ngạc cho ta biết là khắp bốn phương trời, ai ai cũng biết pháp danh nàng, đi đến đâu nàng cũng nghe người ta ca tụng nàng như thần linh. Ta không nói gì. Nàng có biết đâu, bởi nhớ ơn sư phụ giáo huấn tài bồi, ta không muốn con gái của lão nhân gia mãi mãi bị người đời thóa mạ, nên sau ngày A Ngọc xuống tóc làm ni cô, ta âm thầm hạ sơn, đi khắp đó đây hành hiệp, tác nghĩa. Sau mỗi lần hành sự ta lưu lại một bức vẽ hình đầu ni cô, bên dưới có một ngọn đèn. Như thế mà nàng có danh tính tốt đẹp trên giang hồ. Nhờ thế mà không ai tin là Trương Ngọc Trân có một dĩ vãng xấu xa. Danh tự của sư phụ ta được vãn cứu, và nàng được người đời trọng vọng. Trong mấy năm gần đây, thiên hạ giang hồ chỉ biết một Trương Ngọc Trân từ bi, bác ái, chuyên tâm cứu thế tế nhân, mà không tin một Trương Ngọc Trân dâm đãng, hung ác!

Bọn họ Hồ, vì mối thù của Hồ Nhất Đao ngày trước, cố truyền bá việc xa xưa, để phá hoại thinh danh của nàng, song đa số không tin nhưng lời truyền ngôn đó, cho rằng họ Hồ vì tư thù, sanh lòng đố kỵ một trang nữ hiệp luôn luôn vì chánh nghĩa. Ta cũng cho ngươi biết luôn, trên giang hồ có hai vị kỳ khách, một thích màu hồng, một thích màu xám. Từ y phục, nhà cửa, đồ vật gia dụng, nhất cái gì cũng khoác màu sắc ưa thích của họ. Ngươi thích màu hồng là Hồng Bào Nhân Nhậm Hữu Khách, người thích màu xám là Lam Nhiêm Khách Lộ Đình Hoa.

Chính hai người này truyền cho ngươi bộ pháp thần kỳ và chưởng pháp siêu việt.

Nhuế Vĩ kêu lên :

- Sao sư bá biết được?

Hoạt Tử Nhân mỉm cười :

- Trong thời gian ngươi học tập ta ở bên cạnh, có điều các ngươi không phát hiện ra ta mà thôi!

Đoạn lão tiếp :

- Tuy xuất gia tu đạo, A Ngọc vẫn còn mang nặng hiếu thắng. Nghe danh của Hồng Bào Nhân và Lam Nhiêm Khách vang dội khắp sông hồ, nàng không nhịn được ganh tức, nên hạ sơn tìm họ tỷ thí. Kết quả nàng chiến thắng cả hai, nàng bức họ phải về ẩn cư tại vùng núi non này cho nàng đỡ tịch mịch. Trước khi mời họ đến đây, A Ngọc có hỏi qua ý kiến ta. Ta bảo miễn là nàng đừng giở thói dâm dật như thuở xa xưa thì ta không phản đối. Nàng giữ được mình trọn vẹn đến ngày nay, không mất phong độ một người xuất gia tu đạo. Cũng từ đó trên giang hồ vắng bóng hai đại hiệp một Hồng, một Lam. Sau đó mấy năm, nàng lại hạ sơn, mang về một đứa bé gái.

Nhuế Vĩ kêu lên :

- Dã nhi?

Hoạt Tử Nhân gật đầu :

- Phải! Nàng yếu đuối quá, có thể chết bất cứ phút giây nào. A Ngọc mang nàng đến Tiểu Ngũ Đài sơn nhờ Sử Bất Cựu chữa trị. Đến khi trưởng thành, Cao cô nương đã học được khá nhiều công phu của A Ngọc. A Ngọc đưa nàng về gia đình, rồi tháng tháng chịu khó đến nơi dạy thêm cho nàng. Dần dần rồi A Ngọc thấy quá tịch mịch, bực bội với lối sống giam mình trong quy củ tại vùng núi hoang lạnh này. Lúc đó, bản lĩnh của nàng rất cao, nàng có thể đánh bại ta dễ dàng, song vị lời thề độc ngày trước, nàng không dám tự chuyên ly khai Điểm Thương sơn. Một hôm nàng đề nghị với ta, nên tìm nơi khác mà ở. Ta không chấp thuận, nàng vẫn kiên trì đòi hỏi. Cứ mỗi lần gặp ta là nàng chỉ nói đến việc di cư thôi. Ta cho nàng biết dứt khoát là trọn kiếp này ta không rời khỏi Điểm Thương sơn. Nàng cười hỏi lại: “Nếu tôi có cách khiến cho sư huynh phải ly khai?” Ta thách nàng cứ làm đủ mọi cách, xem ta có bằng lòng bỏ nơi này hay không.

Không hiểu do đâu, nàng biết ta ở lại đây để giữ xác vợ. Nàng quyết tìm lối vào động này đánh cắp xác vợ ta mang đi nơi khác. Trong trường hớp đó, ta bắt buộc phải đi theo nàng.

Nhuế Vĩ hỏi :

- Còn Hồng và Lam nhị vị lão hiệp?

Hoạt Tử Nhân đáp :

- Ngày trước, họ có cam kết với nàng, nếu họ chiến bại, thì họ truyền võ học cho nàng, và cam tâm ẩn cư tại Điểm Thương sơn bầu bạn với nàng. Hơn mười năm qua, họ có tái đấu với nàng, song trước sau vẫn bại mãi. Như vậy, họ phải lưu lại, chứ thực sự họ đâu chịu phí bỏ cuộc đời họ giữa chốn hoang vắng này.

Dừng lại một chút, Hoạt Tử Nhân tiếp :

- “Phi Long bộ pháp”, và “Hóa Thần chưởng pháp”, mà ngươi do Lam Hồng nhị hiệp truyền cho ngươi sử dụng mà còn gây khó khăn cho A Ngọc được, huống hồ họ? Tại sao họ không đòi tái đâu, để dùng tuyệt học đó thủ thắng trước A Ngọc, giải kết lời giao ước ngày trước, ly khai Điểm Thương sơn? Võ công của họ, A Ngọc biết hết rồi, hai môn tuyệt học này phải là khắc tinh của những gì họ đã truyền cho A Ngọc từ lâu. Ta nghĩ, có lẽ họ vừa sáng chế gần đây thôi, nên chưa kịp tái khiêu chiến. Chắc chắn trong tương lai, hoặc sớm, hoặc muộn, phải có cuộc đấu giữa họ và A Ngọc. Họ truyền cho ngươi, mượn ngươi thực nghiệm cho họ đó.

Nhuế Vĩ cho là có lý. Bởi, Hồng Bào Nhân và Lam Nhiêm Khách từng nói với chàng, họ vì họ mà dạy chàng chứ không vì chàng.

Một già một trẻ, đàm đạo với nhau, không tưởng cuộc đối thoại kéo dài suốt một đêm.

Ánh sáng bắt đầu chiếu vào thạch thất, mờ dần, nhạt dần...

/58

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status