Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã

Chương 18 - Quyển 3 - Chương 18: Từ Nay Về Sau, Đừng Tùy Tiện Chạm Vào Ta Như Thế Nữa...

/65


Tằm thấy Tưởng bước vào cái sân gạch. Hẳn cậu vừa từ võ quán trở về. Tằm mau chóng đi đến thưa, bà Tư đang chờ cậu bảo là có chuyện quan trọng. Tưởng gật đầu toan quay lưng đi thì bắt gặp ánh mắt Tằm hướng lên vầng trán mình.

Hình như trán cậu bị thương.

Chuyện thường thôi, thi thoảng ta tập võ cũng bị như vậy.

Cậu để Tằm xem thử, khéo phải bôi thuốc mới khỏi.

Dứt lời, Tằm đưa tay vén lớp tóc trên trán Tưởng, chạm nhẹ vào vết xước. Tằm không biết rằng, việc làm đó khiến Tưởng thoáng bất động. Nam nữ thụ thụ bất thân, chuyện đụng chạm thế này thật là không hay. Chưa kể với tình cảm dành cho Tằm bấy lâu nay, Tưởng không khỏi bồi hồi trước hành động nhẹ nhàng ấy.

Trong khi Tằm mãi chăm chú quan sát vết thương thì Tưởng cứ nhìn Tằm không rời. Bao nhiêu năm qua, những đường nét quen thuộc thân thương đó đã in sâu vào tâm trí lẫn trái tim cậu nhiều thế nào. Càng nhìn kỹ gương mặt nhỏ nhắn khả ái ấy, Tưởng càng nhận ra niềm mong mỏi và khao khát được chạm vào Tằm.

Tưởng mau chóng nắm bàn tay Tằm đang vuốt trên trán, hòng ngăn lại. Đối diện, Tằm tròn xoe mắt trước hành động đột ngột này. Tay Tưởng siết chặt, Tằm cảm nhận rõ hơi ấm lạ ám vào da thịt. Trông cảnh Tưởng yên lặng ngước nhìn, Tằm đã nghĩ cậu sẽ nói điều gì đó nhưng hóa ra chỉ là một câu kỳ quặc:

Từ nay về sau, đừng tùy tiện chạm vào ta như thế nữa...

Tằm vẫn chưa hiểu ý thì Tưởng đã buông tay. Nhanh đến nỗi, cảm giác thật hờ hững. Không nói gì nữa, cậu rời đi. Tằm vẫn đứng đó lặng im, thật khó hiểu về chuyện vừa xảy ra. Lát sau, Tằm nhìn xuống bàn tay vừa nhận được hơi ấm lạ kia. Chẳng phải từ trước đến nay Tằm vẫn luôn bôi thuốc chữa thương cho cậu ư?

Bà Tư đang ngồi thêu thùa bên chiếc bàn đá, chợt thấy có người ngồi xuống bên cạnh. Chậm rãi để cái khung thêu xuống, bà nhìn qua và thấy Tưởng hỏi:

Mẹ tìm con có chuyện gì ạ?

Dạo này ít thấy con nên mẹ muốn biết thế nào.

Là do mẹ ít ở nhà chứ con có đi đâu xa xôi.

Ừ đúng rồi. Mẹ lên Chùa khấn vái Trời Phật phù hộ cho Triệu gia.

Nhờ mẹ có lòng mà Triệu gia mới trong ấm ngoài êm.

Bà Tư buồn cười trước lời đùa của con trai. Rồi tự nhiên bà lặng lẽ nhìn Tưởng. Đứa con trai ngỗ nghịch này ngày xưa đã khiến cha mẹ lo lắng, tức giận biết bao nhiêu ấy vậy giờ lại trưởng thành như thế, khiến bà cũng làm lạ.

Con, từ đứa ham chơi trở nên ham học, tính tình cũng thay đổi một cách kỳ lạ. Chẳng rõ là do Trời Phật thương tình hay vì một người nào đó...

Tưởng nhíu mày trước câu nói có phần lạ lùng từ mẹ, như thể bà đang ám chỉ điều gì. Bắt gặp ánh mắt khó hiểu đó, bà Tư mỉm cười rồi bất giác hỏi điều khác:

Con và Tằm rất thân thiết phải không?

Tưởng đảo mắt, sao tự nhiên mẹ hỏi điều này. Ngẫm nghĩ một lúc, cậu đáp:

Chúng con cũng giống như anh em thôi, chẳng phải cha mẹ muốn thế ư?

Nếu vậy thì tốt. Bà Tư nhìn vào gương mặt mang nét ngập ngừng của con trai, hẳn con cũng biết mẹ Ba đã muốn Tằm trở thành con dâu. Dù gì các con cũng lớn rồi, không thể quá gần gũi như xưa. Điều gì nên tránh thì tránh, con hiểu chứ?

Tưởng nhìn sâu vào đôi mắt dịu dàng nhưng đầy ẩn ý của mẹ. Cậu hiểu, bà đang nhắc mình một cách ý nhị. Chẳng hay bà có nhận ra được gì về tình cảm thầm kín của con trai mà lại nói những lời như thế. Nhưng để mẹ yên tâm, Tưởng đành khẽ gật đầu.

Giờ Mùi, Tằm vào thư phòng đọc sách. Dù không còn đi học nữa nhưng đây vẫn là điều Tằm thích nhất. Chưa được nửa canh giờ, Tằm gấp sách, lòng đang nghĩ đến chuyện của Liêm và Ái. Liêm là niềm tự hào của Triệu gia, ông và các bà muốn người vợ mà cậu lấy sẽ là cô gái con nhà lành, đoan trang thùy mị, biết đàn địch chữ nghĩa chứ nào đâu thích một cô đào tô son đánh phấn.

Vì mải nghĩ ngợi mà Tằm ngủ quên lúc nào chẳng hay. Đúng lúc cửa thư phòng mở, một người bước vào. Không phải Liêm mà là Tưởng. Vừa luyện võ xong, cậu định vào thư phòng học bài cho đỡ nhàm chán. Khi nãy thấy có bóng người thấp thoáng bên cửa sổ nên cứ ngỡ là Liêm, vào đây rồi mới biết là Tằm. Nhỏ đọc sách gì mà đến nỗi ngủ quên thế này. Cậu tiến lại gần.

Đây là lần đầu tiên, Tưởng bắt gặp Tằm ngủ say. Bình thường, Tằm hay tỏ ra nghiêm túc trước mặt cậu nhưng giờ nom mặt mũi hiền lành thế kia, thật không khỏi buồn cười. Tưởng cứ đứng yên bên bàn học, chăm chú nhìn thật lâu. Và rồi sự luyến thương thầm kín lại thôi thúc, khiến cậu ngập ngừng đưa tay lên. Tằm đang ngủ lại chẳng có ai nhìn thấy nên hành động âm thầm này chỉ trời biết, đất biết thôi. Nhưng khi Tưởng sắp chạm vào gương mặt Tằm thì bỗng nghe:

Cậu Liêm... xin đừng lo lắng...

Tưởng bất động. Những ngón tay lập tức cứng đơ, mãi một lúc sau mới co lại. Ngay cả lúc mộng mị, Tằm cũng chỉ gọi tên anh trai cậu. Ánh mắt bỗng chốc mờ nhạt. Cậu nhớ đến lời mẹ, điều gì nên tránh thì tránh. Tự nhiên, Tưởng cười nhẹ nhưng cay đắng và như đang giễu chính mình. Cậu vừa làm chuyện ngu ngốc gì thế này?

Nhìn lại Tằm lần nữa, Tưởng nhận ra, mọi chuyện đến nước này là đủ lắm rồi. Không thể tiếp tục kéo dài như vậy nữa, vì cậu sợ rằng đến một lúc nào đấy mình sẽ gây ra sai lầm. Với Liêm. Với Tằm. Với cả bản thân. Chính cậu sẽ kết thúc nó. Với ý nghĩ đó, Tưởng bình thản rời phòng.

Triệu xã trưởng và ba bà vợ đang ngồi nói chuyện trong phòng chính thì Tưởng bước vào. Lần lượt nhìn họ, cậu lên tiếng:

Con có việc quan trọng muốn nói.

Một canh giờ sau, Tưởng từ trong phòng chính bước ra. Đưa mắt nhìn ánh chiều tà đang dần phủ lên cái sân gạch, cậu thở mạnh một tiếng rồi gọi lớn tên thằng Ngãi. Rất nhanh, tên người làm từ nhà dưới lật đật chạy lên: Cậu gọi con ạ .

Ngươi hãy mau đi thu xếp hành trang, hai hôm nữa chúng ta lên đường, đây sẽ là một chuyến đi dài đấy. Tưởng yêu cầu.

Dạ, con biết rồi. Nhưng, chúng ta đi đâu thế cậu?

Tưởng quay qua thằng Ngãi, sau đó trả lời rõ ràng hai từ: Kinh thành!

Chuyện Tưởng thưa với cha và các mẹ chính là lên kinh thành thi vào Đốc Học Đường(12). Nếu trở thành Giám sinh, cậu sẽ học ở đó vài năm. Bà Tư tỏ ra lo lắng vì con xa nhà quá lâu như vậy nhưng Tưởng vẫn nhất quyết làm thế. Triệu xã trưởng trầm tư một lúc rồi ưng thuận, dặn dăm ba tháng nhớ bắn tin về cho nhà.

Dĩ nhiên, nguyên cớ cho chuyến đi đường đột này là bởi Tưởng muốn rời xa Tằm.

***

Việc Tưởng lên kinh thành vẫn không ai biết, ngoài tên Ngãi. Và hắn được cậu dặn dò kỹ lưỡng, chớ nói cho người khác nghe. Theo dự tính, ngày hôm kia cậu sẽ lên đường. Và vào đêm trước đó, xã Thổ diễn ra đêm hội thả đèn lồng.

Chiều hôm đó, mặt trời vừa buông xuống là ai nấy trong Triệu gia đều khấp khởi chuẩn bị đến hội đèn lồng. Thi thoảng mới có dịp vui chơi như vậy, Triệu xã trưởng cho phép tất cả mọi người được đến dự lễ hội truyền thống lâu đời này.

Trước, hễ ở đâu có lễ lộc náo nhiệt là Tưởng luôn đến đó, ấy vậy đêm nay lại bảo chỉ muốn ở nhà, Tằm lấy làm ngạc nhiên lắm. Tưởng đáp thơ thẩn rằng: Bỗng nhiên ta thấy mệt nên sẽ ở nhà nghỉ ngơi. Ngươi cứ đi dự hội vì một năm mới có một lần . Thấy cậu kiên quyết thế, Tằm đành nghe theo dẫu không mấy vui.

Tưởng trở về phòng, thu xếp hành trang, sáng mai là phải lên đường sớm nên bây giờ cần chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng còn tâm trí đâu mà dự hội nữa. Chung quy một phần cũng do cậu không muốn đi cùng Tằm. Khó khăn lắm mới quyết tâm chôn chặt mối tình vô vọng này, giả mà lại tiếp tục ở cạnh nhau khéo cậu mềm lòng và không muốn lên kinh thành nữa mất.

Tưởng nghe có tiếng gõ cửa phòng. Cứ ngỡ thằng Ngãi, hóa ra lại là Liêm. Cậu chưa kịp hỏi là mau chóng bị anh trai kéo đi, bảo có chuyện cần giúp.

***

Ở xã Thổ có một con phố nhỏ cổ kính được gọi là phố Đèn Lồng, vì tại đây bán rất nhiều lồng đèn và cũng là nơi tổ chức lễ hội thả đèn truyền thống. Đêm nay, lồng đèn treo đầy, những ánh nến lập lòe làm sáng rực một góc trời. Người người đến dự hội đông nghịt, toàn là nam thanh nữ tú, quần là áo lụa thướt tha. Trai gái dìu nhau đi chơi dập dìu, đủ mọi tầng lớp. Quả là một đêm hội náo nhiệt.

Tằm ngước nhìn vô số đèn lồng treo trên cao, với vẻ say mê thích thú. Dẫu năm nào cũng dự hội đèn lồng nhưng chưa bao giờ Tằm thấy chán. Lúc nào cũng đầy mới mẻ, lạ lẫm. Mỗi năm, lồng đèn nhiều hơn, người đến chơi hội cũng đông lên. Quan sát mọi thứ với niềm háo hức xong, Tằm phát hiện chẳng thấy Liêm đâu.

--------------------------------

Chú thích:

(12) Tên gọi của Quốc Tự Giám thời bấy giờ, trường quốc học đầu tiên vào triều Nguyễn.

/65

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status