Thần Điêu Đại Hiệp

Chương 30: DỰ ANH HÙNG YẾN

/104


Trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Côn qua bổng lại, gió lộng, tuyết bay, đánh mãi đến chiều tối không biết bao nhiêu hiệp, hai người cũng không chịu ngừng tay.

Dương-Qua đưa mắt nhìn quanh thấy đầu non tuyết phủ trắng xóa một màu, bao nhiêu ngọn cây, hóc đá, hầm hố bụi bờ đều bị bao bọc bởi một lớp tuyết thật dày cho nên không biết chỗ nào lành nơi nào nguy hiểm nữa.

Chàng lo ngại hai người tuổi cao sức đã kém, nếu cứ đấu hoài thế nào cũng phải kiệt quệ, rủi có bề nào thật là đáng ân hận.

Chàng vội vàng lớn tiếng yêu cầu hai vị tạm ngừng trận đấu, nhưng đôi bên mãi mê say đánh, mặc kệ cho van nài chẳng thèm đếm xỉa mà càng đánh hăng thêm.

Sực nhớ đến cố tật của Hồng-thất-Công, chàng nghĩ ra một kế:

- Ta phải tìm món gì thật thơm, đem nướng nơi đầu gió, xông vào mũi ông ấy may ra mới dụ được ngừng tay.

Chàng chạy luôn xuống dưới khe suối, hái mấy thứ cây và cỏ thơm mang lên, đem lại phía mỏm đá ở trên gió, chụm lửa để đốt.

Mùi "cam thảo, hoắc hương" nướng cháy, khói tỏa ra mùi thơm ngạt mũi. Hồng-thất-Công đánh hơi thèm quá nhịn không được bảo Âu-dương-Phong:

- Lão Cáp-Mô hãy tạm dừng một chút, ta có việc cần.

Nói xong ông kiễng đầu quay ra sau, chạy lại phía Dương-Qua lấy mấy khúc cam thảo nướng đưa vào miệng vừa nhai vừa chắp và khen Dương-Qua:

- Cháu bé chu đáo lắm!

Âu-dương-Phong chờ một chập không thấy Hồng-thất-Công trở lại bèn vung nhánh cây nhảy lại đập nhầu.

Hồng-thất-Công né xong, cầm khúc cam thảo nướng đi vào mồm Âu-dương-Phong bảo:

- Hãy nuốt đi cho ấm bụng. Thơm quá.

Âu-dương-Phong ngạc nhiên ngần ngừ một chút nhưng cũng đưa tay nhận lấy và nhai ngon lành, quên cả chuyện đánh nhau.

Nhai xong mớ cây thuốc, cả ba cùng vào hang đã nghỉ ngơi.

Đêm đã xuống, âm u rùng rợn làm sao! Đỉnh Hoa-Sơn như chìm đắm trong màn đêm dày đặc. Ngoài hang gió lộng từng cơn, tuyết đổ ào ào đập vào vách đá như tiếng gào thét của rừng xanh. Dương-Qua nằm không ngủ được, to nhỏ đem những chuyện ngày xưa hỏi lại Âu-dương-Phong nhưng ông chỉ ngơ ngẩn nói không trúng vào đâu hết, có nhiều lúc chỉ làm thinh không trả lời.

Khi bị hỏi vặn, Âu-dương-Phong vỗ tay vào trán để suy nghĩ mãi không ra, mặt mày lộ vẻ băn khoăn quá sức rồi ngẩn người lộ vẻ âu sầu bực tức lắm.

Dương-Qua sợ hỏi mãi ông lão sẽ nổi cơn điên gây sự thì nguy hiểm lắm nên ân cần dỗ ngọt để cha nuôi ngủ đi cho rồi.

Khi cả hai ông lão đã ngủ mê, tiếng ngáy đều đều, Dương-Qua lồm cồm ngồi dậy, rảo bước đi ra ngoài hang.

Chàng nhớ lại bao nhiêu thế quyền khi sáng hai cụ đã thi thố quả thật vô cùng kỳ diệu. Thế rồi chàng đứng lên tập luyện một mình để nhớ lại những thế hiểm ác nhất mà mình đã tận mắt nhìn xem đôi bên thi thố.

Tập một hồi thấm mệt, chàng vào hang ngủ lại.

Rạng ngày sau, khi ánh mặt trời le lói dọi vào hang, Dương-Qua thức giấc, đã nghe phía ngoài cửa hang có tiếng chân dẫm trên tuyết rào rạo và chưởng lực chạm vào nhau rầm rập. Chạy ra xem thấy Hồng-thất-Công và Âu-dương-Phong đã đem nhau ra đồng để đấm đánh từ lúc nào rồi.

Dương-Qua chép miệng than thầm:

- Hai ông cụ đã già, gần đất xa trời nhưng còn háo thắng, tranh nhau như con nít, thật ngán!

Chàng ngồi trên một tảng đá nhìn xem hai người đấu nhau, hết bằng quyền thì đến côn bổng.

Các đòn tấn công của Hồng-thất-Công hiểm ác vô cùng, nhưng Âu-dương-Phong đâu chịu sút kém, dùng ngón khác phá được ngay rồi phản công lại.

Cuộc chiến đấu đôi bên cứ kéo dài suốt sáu ngày ròng rã, cứ ngày đánh, đêm nghỉ, chẳng ai chịu thua ai, mà cũng không người nào nắm phần thắng thế.

Dương-Qua nghĩ bụng:

- Nếu để cục diện kéo dài, giữa hai người thế nào cũng có một kẻ bị thương nặng. Đêm hôm ấy, chờ Âu-dương-Phong ngon giấc, Dương-Qua thưa nhỏ cùng Hồng-thất-Công:

- Xin mời Hồng-Lão tiền bối ra cửa động, cháu có tý việc muốn trình bày.

Khi hai người ra khỏi động ít trượng, Dương-Qua bỗng sụp xuống lạy dài không nói một tiếng.

Hồng-thất-Công nhìn thấy ngạc nhiên nhưng bỗng nghĩ lại:

- Có lẽ cậu này thấy cha nuôi bị bệnh nên muốn van nài xin ta nhân nhượng cho chăng?

Ông ngước mặt cười dài rồi nói:

- Ta đã hiểu ý muốn của ngươi rồi.

Nói dứt lời, ông cầm khúc cây ngắn phi thân bay luôn xuống núi.

Nhưng ông vừa đi chưa được vài trượng, thình lình nghe gió lộng từ phía sau, có tiếng ai nạt lớn:

- Thằng già ăn mày, định trốn đi đâu đó?

Té ra Âu-dương-Phong vừa thức dậy trông thấy, vội cầm gậy ngắn phi thân đuổi theo, chận lại.

Hồng-thất-Công đã có ý định nhận lời cầu khẩn của Dương-Qua, cố nhẫn nhịn, tìm đường chạy thoát cho xong chuyện.

Nhưng Âu-dương-Phong lầm tưởng ông hoảng sợ cố ý lánh mình nên càng làm già đuổi riết. Y vung gậy ngắn đánh đập tứ phương quyết ngăn đường cản lối.

Phàm khi nghênh chiến cùng một địch thủ ngang tài phải giữ miếng ngay từ giờ phút đầu. Nếu để thua sút một đòn cũng đã bất lợi, huống chi Hồng-thất-Công đã tránh né nhường nhịn luôn mười ngón thì lúc cần lấy lại thế quân bình không phải dễ.

Đã hai ba lần suýt lâm nguy với cây gậy của Tây-Độc Âu-dương-Phong, Hồng-thất-Công không dám nhân nhượng nữa, phải tận lực múa bổng chống cự lại để cứu vãn tình thế.

Thình lình Âu-dương-Phong phóng một gậy đâm thẳng vào bụng dưới nếu lôi thôi sẽ lủng ruột ngay, nên Hồng-thất-Công vội vàng né qua một bên rồi múa bổng gạt mạnh một cái.

Nhưng lúc bỗng chạm phải gậy, Hồng-thất-Công có cảm giác như một cái roi đập phải bức tường sắt. Cây gậy của Âu-dương-Phong đứng sững nặng có ngàn cân. Hồng-thất-Công biết y đã vận chuyển toàn nội lực phổ vào ngọn cây để áp đảo mình. Nếu không cấp bách tận dụng hết khả năng nội công ứng phó thì nguy đến sinh mạng như chơi.

Thế là từ võ thuật, hai bên đã đem nội lực ra đấu nhau.

Đối với hai quái kiệt này bản lãnh đã đến mức linh diệu tuyệt kỹ, nếu kẻ nào chỉ sơ hở trong đường tơ kẽ tóc thì không bỏ mạng cũng mang tật suốt đời.

Từ quyền cước, đến côn bổng bây giờ qua nội lực, người nào cũng hiểu rõ quá nhiều công phu tài nghệ của đối phương cho nên không dám coi thường vì hễ chủ quan, nó mất một ly là chết liền.

Sau bảy ngày tranh tài về võ thuật thấy không qua mặt được Hồng-thất-Công, sáng nay Âu-dương-Phong nhất định đem nội lực ra đối chọi.

Suốt mấy chục năm qua, Hồng-thất-Công ghét cay ghét đắng bản chất hung bạo tàn ác của Âu-dương-Phong. Hễ có dịp là ra tay hạ sát mới đả giận. Nhưng càng võ gia, tâm tánh càng thuần hậu, lòng háo thắng cũng chẳng còn. Hơn nữa vì Dương-Qua đã hết lòng van xin cầu khẩn, nên Hồng-thất-Công không muốn ra độc thủ, chỉ đánh cầm chừng, có thủ nhưng không muốn tấn công, chờ hắn hở cơ là tẩu thoát.

Không dè Âu-dương-Phong lại vận chuyển nội lực hùng hậu như sóng cồn, thác chảy, khiến Hồng-thất-Công phải giật mình kinh hãi.

Suốt đời Hồng-thất-Công chú trọng khổ luyện về công lực cho nên tuy về già nhưng không đến nỗi tệ. Vì vậy nên cố vận hết nội công đối chọi. Cả hai bên cứ giữ mãi cái thế quân bình, không hơn không kém.

Dương-Qua để ý nhìn thần sắc hai người có vẻ khẩn trương, đem hết tâm lực vào cuộc so tài. Tuy hai người đứng yên không cử động nhưng cả hai cùng dồn hết nội lực như hai quả núi đang choảng nhau, nếu người nào sút một ít sẽ bị đè bẹp hay bị nội thương ngay.

Chàng lo ngại cho tánh mạng của Âu-dương-Phong, muốn thừa cơ phóng ám khí hay tập kích sau lưng Hồng-thất-Công để tiếp sức cho dưỡng phụ. Nhưng nhìn vẻ mặt hiền hậu đầy chánh khí hiên ngang của ông lão, Dương-Qua bỗng thấy thẹn cho cảm nghĩ thiếu đứng đắn của mình và nghĩ thầm:

- Hồng-Lão tiền bối quả là một bậc trượng phu đáng kính, ta không thể nào dùng thủ đoạn ám muội để hãm hại ông được.

Thình lình Âu-dương-Phong hét lên một tiếng vang trời, vụt quay đầu xuống đất, chổng cẳng lên trời, nội lực ngùn ngụt phát ra nghe vo vo, mà Hồng-thất-Công vẫn đứng trụ vững như pho tượng đồng không hề chuyển động tý nào.

Từ đầu đến gót chân của Âu-dương-Phong phát tiết một làn hơi trắng, ngùn ngụt bốc ra, cuộn khắp người của Hồng-thất-Công.

Hồng-thất-Công tăng gia nội lực để đánh tan luồng bạch khí này. Hình như ông chỉ muốn đối phó bằng cách chống đỡ chứ không muốn phản công lại như những lần trước.

Thế rồi hai bên cứ tận dụng toàn thể nội lực áp đảo nhau, cầm cự dằng dai từ giờ thìn đến cuối giờ ngọ. Hồng-thất-Công có vẻ kém sức, mà trái lại công lực Âu-dương-Phong cứ cuồn cuộn trào dâng như nước thủy triều.

Hồng-thất-Công than thầm trong bụng:

- Thằng Tây-Độc càng điên khùng càng lợi hại, ta đây tuổi càng cao, nội lực cũng kém sút, không khéo phen này ta bị nguy mất.

(Xin lỗi bạn đọc truyện bị thiếu 1 trang)

Hồng Thất Công đắn đo một chập rồi mới nói thêm :

- Ta có một món võ bí truyền của Cái Bang vô cùng kỳ diệu, muốn đem truyền lại cho con. Theo quy luật của Cái Bang thì môn võ này chỉ có thể độc truyền lại cho vị bang chủ kế vị để cầm giềng mối vạn mạng của bổn bang , tuyệt đối không dạy cho một kẻ nào khác, dầu vợ chồng con cái cũng vậy. Nay vì dưỡng phụ con có chọc tức nói khích, ta chịu không được mới đem dạy cho con đó.

Dương Qua mừng rỡ không xiết kể nhưng vẫn từ chối lấy lệ :

- Thưa lão tiền bối, nếu theo quy luật của Cái Bang, võ công ấy chỉ có thể truyền lại cho Cái Bang bang chủ mà thôi thì con đâu dám học. Vả lại dưỡng phụ con đang lúc điên điên khùng khùng, nói năng không đúng chỗ, hơi đâu mà chấp nệ những lời ông ấy nói. Dầu có truyền lại cho con rồi chưa chắc gì ông ấy thấu hiểu nổi.

Hồng Thất Công nói :

- Phàm những tuyệt kỹ võ công có hai phần : "tư thế" và "quyết khiếu". Phải biết cả hai chuyện mới đến chỗ hoàn toàn. Hôm nay ta dạy cho ngươi cái tư thế để sử dụng chân tay trong "Đả cẩu bổng pháp" chứ không truyền lại cái phép về "quyết khiếu" thì đâu có vi phạm quy luật mà hòng ngại.

Dương Qua nghĩ thầm :

- Đả cẩu bổng pháp là môn võ thuật trấn môn, quý báu nhất của Cái Bang đã duy trì uy danh của Bang này trên mấy mươi đời nay, chắc gì dưỡng phụ mình hiểu. Hôm nay Hồng lão tiền bối muốn dùng mình để biểu diễn thị uy cùng cha nuôi đây chứ gì.

Hồng Thất Công thấy Dương Qua lộ vẻ nghĩ ngợi cũng hiểu được những điều mà chàng đang thắc mắc nên nói cùng Âu Dương Phong :

- Này chú Tây Độc, thằng con nuôi của ngươi nó cũng thừa hiểu ngươi không thể nào sánh nổi với "Đả cẩu bổng pháp" của ta nên do dự không dám nhận biểu diễn vì sợ mất mặt cha nuôi đấy.

Âu Dương Phong tự ái nổi đầy bụng, trợn mắt nói :

- Này Qua nhi, con cứ làm theo ý hắn muốn đi. Sau khi con hiểu xong mấy cái thế võ quèn của lão rồi, ta sẽ chỉ cho con một vài bí quyết vô cùng ảo diệu mà hắn nhất định không bao giờ hiểu thấu nổi.

Thấy cả hai vị đều thúc ép, Dương Qua thấy khó nỗi chối từ đành lại trước mặt Hồng Thất Công chờ ông chỉ bảo.

Hồng Thất Công bảo chàng đi bẻ một nhánh cây nhỏ làm bổng rồi bắt đầu dạy tỷ mỷ từng ly từng tý tư thế trong "Bổng đả song khuyển" ( tức là một gậy đánh hai chó ).

Vốn được trời phú tư chất thông minh lanh lợi, học đâu hiểu đấy và nhớ kỹ càng, nên Dương Qua cầm bổng đứng lên biểu diễn được ngay.

Âu Dương Phong trông thấy đường bổng pháp quả nhiên kỳ diệu. Nếu mấy ngày qua mà lão ăn mày đem ngón này ra dùng, chắc mình chống đỡ không thể nổi.

Vì vậy, ông gọi Dương Qua để gỡ gạc lại phần nào danh dự :

- Được rồi, bây giờ con lại đây, cha dạy cho con phép "Nhất trượng sát song hùng" cho lão xem để mở rộng thêm tầm mắt của lão đôi chút.

Dương Qua lại gần, Âu Dương Phong tay chân múa máy, mồm giảng giải từ động tác cơ bản đến cái lối đánh đỡ, biến thế dọc ngang nhất nhất rành rẽ từng ly từng tý.

Dương Qua học xong, biểu diễn lại không sai một chút nào.

Hồng Thất Công gật đầu khen :

- Hay lắm, khá lắm đấy !

Thế rồi Hồng Thất Công lần lượt dạy cho Dương Qua cả 36 đường trong "Đả cẩu bổng pháp", phân tích những lối biến hoá kỳ diệu không biết đâu mà lần.

Đáp lại, Âu Dương Phong cũng đem ra dạy tất cả các bí quyết về "Công thủ" khiến Hồng Thất Công phải tấm tắc khen thầm.

Hai bậc lão anh hùng thi nhau đem tất cả các môn ruột bí truyền của mình dạy hết cho Dương Qua để biểu diễn lại trong suốt ba ngày liền. Đến cuối ngày thứ ba, Hồng Thất Công mới đem môn "đục biến" của môn múa bổng dạy nốt cho Dương Qua. Đây là một thế tối hậu của mọi bí quyết, có cả lối "bạt thảo tầm xà" ( vạch cỏ tìm rắn ) vô cùng kỳ ảo.

Dạy xong, Hồng thất công nhìn Âu Dương Phong nói :

- Ta có thể nói, đây là môn võ công tinh diệu nhất, dầu có thánh cũng không thể nào phá giải được. Mi cứ thử xem nào ?

Âu Dương Phong cứ đứng nhìn hoài, tìm mãi không biết cách nào để khắc chế nên cứ làm thinh suy nghĩ mãi.

Suốt đêm ấy, Âu Dương Phong không ngủ, nằm thao thức lăn lộn cố tìm cách phá giải và đến gần cuối canh hai mới tìm ra được cách, gọi Dương Qua thức dậy bảo :

- Ta đã có cách phá cái thế "Bạt thảo tầm xà" rồi. Mi đem trượng lại đây ta dạy cho ngay bây giờ.

Nghe tiếng nói của nghĩa phụ thay đổi khác giọng nói thường ngày , Dương Qua ngạc nhiên nhìn kỹ thì thấy tất cả râu tóc của Âu Dương Phong đã bạc phếch, sắc diện già đi hơn người mấy tuổi. Ghê thay cho tác dụng của một đêm lao tâm suy nghĩ.

Dương Qua khiếp hãi, định lại năn nỉ cùng Hồng Thất Công xin bãi bỏ lối thi đâu này đi, nhưng chàng chưa kịp làm thì Âu Dương Phong đã mở miệng thét vang gọi Hồng Thất Công ra đấu.

Hồng Thất Công đang ngủ trên ổ cỏ, nghe gọi bèn ngồi dậy bước ra liền.

Dương Qua ngại nguy hiểm cho dưỡng phụ vội nắm áo kéo Âu Dương Phong lại nhưng toàn thân của lão đứng sững như cột đá, vững như trời trồng không thể nào lay chuyển nổi. Chẳng biết làm sao hơn, chàng đành đứng phía sau canh chừng mọi sự bất trắc.

Thấy Âu Dương Phong đã tìm ra lối phá, Hồng Thất Công cười ha hả nói:

- Âu Dương lão trượng, nhà ngươi quả là bậc kỳ tài mới tìm ra được lối phá thế võ ấy. Ta hoàn toàn cảm phục và xin có lời thành thực khen ngợi người đấy nhé .

Âu Dương Phong võ nghệ cao siêu thật, nhưng tuổi cao, sức yếu, lại thêm dùng tận lực đấu nhau suốt mấy ngày liền, còn phải trải qua một đêm suy nghĩ quá sức nên đã hoàn toàn kiệt quệ.

Vừa nghe Hồng Thất Công nhắc đến hai chữ Âu Dương ông tự nhiên nhớ lại, trí óc như bừng sáng, tư tưởng như được mở rộng, ký ức nhớ lại bao chuyện đã qua trong dĩ vãng rõ ràng như một tấm gương soi, bất giác thích chí cười lên một tràng dài rồi thét lớn ;

- à ! Đúng là tên Âu Dương Phong. Tên ta là Âu Dương Phong rồi, đúng lắm, đúng lắm !

Tiếng của lão rống lên như tiếng chuông ngân, âm thanh rùng rợn vang dội bên tai như tiếng cười đắc chí của tử thần.

Hồng thất Công cũng thích chí vụt ngồi dậy ôm chầm lấy Âu Dương Phong. Hai ông lão cứ ôm lấy nhau cười ngất, tiếng cười kéo dài mỗi lúc một to, rồi nhỏ dần và cuối cùng thì tắt hẳn.

Hai thân hình cứ ôm nhau mãi không cử động.

Dương Qua sợ hãi liền kêu lớn :

- Dưỡng phụ, dưỡng phụ ! Hồng lão tiền bối ! Hồng lão tiền bối !

Tiếng gọi của chàng như rơi vào hư vô, vang bên sườn núi rồi tắt hẳn không lời đáp lại.

Thân hình hai ông lão cứ đứng sát vào nhau, trơ như hai bức tượng đá, như muốn nhắc lại cho người đời nhớ rằng : "đời người lắm chuyện bạc đen, không thèm nghe, chẳng thèm ngó gì nữa. Chết là giải thoát !"

* *

*

Rừng sâu vắng lặng hình như còn rơi rớt dư âm của chuỗi cười cuối cùng của hai nhà đại hiệp khách, suốt mấy mươi năm lừng lẫy giang hồ.

Dương Qua không thấy ai đáp lại, đến sờ vào lưng Hồng Thất Công thì thấy lạnh như băng , đặt thử tay lên ngực Âu Dương Phong cũng thấy không còn hơi thở nữa. Nhưng nhìn sắc diện hai người thấy vẫn tươi nhuận và bình thản như đang ngủ một giấc êm đềm .

Thiên hạ muôn đời về sau nghe lại chuyện này đều băn khoăn suy nghĩ :

Hai đại anh hùng võ lâm Bắc Cái và Tây Độc đã từng sống qua cuộc đời chém giết, làm lưu huyết biết bao nhiêu người. Họ xem nhau như thù số một , vậy mà lại cùng ôm nhau cưòi đến chết ngay trên đỉnh núi Hoa Sơn này .

Chẳng biết họ cười nhau là ngu ngốc hay kém cỏi, hay cười để xoá tan bao ngày hận thù chồng chất. Thật khó hiểu cho cái cười kỳ lạ, mà cũng không ai ngờ đến cái chết của hai quái kiệt võ lâm.

Dương Qua không ngờ được cái chết quá ngẫu nhiên và đột ngột như thế này. Chàng chỉ lầm thầm khấn vái mong sao đây chỉ là một cuộc chết giả cũng như ngày trước đây Hồng Thất Công đã chết giả trong ba ngày ba đêm liên tiếp. Biết đâu lần này ông cũng giả chết để khỏi có sự tranh chấp với dưỡng phụ mình.

Cầu khấn xong chàng ẵm hai người đem đặt tại giữa hang và ngồi ngay ở giữa để xem chừng ra sao.

Cứ để yên liên tiếp 7 ngày 7 đêm, Dương Qua thấy hai thây ma đã bắt đầu đổi sắc và có mùi nên chắc chắn là chết thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa. Chàng ôm mặt khóc lóc một hồi rồi đào hai cái huyệt để an táng hai quái kiệt võ lâm, nằm song song bên cạnh nhau muôn đời trên núi tuyết.

Chàng loay hoay vác đá lên đắp thành hai cái mồ thật cao, rồi bước ra nhìn lại. Trên mặt tuyết vẫn in rành rành dấu chân của hai vị đã giẫm lên trong lúc cùng nhau kịch chiến.

Dương Qua âu sầu than nhỏ :

-" Dấu chân trên tuyết nay còn đó

Hình bóng người thân đã mất rồi "

Than xong, chàng lẳng lặng bước tới nhìn hai nấm mồ rồi đặt chân mình vào dấu chân của người quá cố, bất giác cảm thấy nỗi nhớ thương tràn ngập, thổn thức can tràng.

Nhớ lại hai người, chàng đau lòng hoài niệm :

- Suốt đời tung hoành dọc ngang, uy danh chấn động giang hồ, tiếng tăm cho lắm, tranh tài cho lắm rồi bất quá cũng vùi thây dưới ba thước đất cho tuyết dập sương pha, lúc sinh tiền họ đã giết chết bao nhiêu người, khuất phục bao nhiêu tài danh thiên hạ, thế mà ngày nhắm mắt lìa đời không có một manh chiếu bọc thân, cũng không tránh nổi thây sình xác rữa. Ôi ! đời người sống tham nhiều chết càng thối lắm ! Cuộc đời phải chăng là một giấc mộng, mới thấy đó đã mất liền. Thế mà ai cũng ham sống để tranh danh đoạt lợi, theo cái bả phù hoa .

Nghĩ vẩn vơ hồi lâu, chàng đứng tần ngần nhìn lại lần chót, cúi sụp lạy bốn lạy rồi quay mình xuống núi.

Xuống núi lần này, Dương Qua tuyệt nhiên không có một tham vọng chi hết, lòng lâng lâng như thoát tục, thản nhiên cất bước thẳng về phía trước, chẳng cần lựa chọn phương hướng, và cũng không có chủ định đi về đâu.

Trong thâm tâm chàng lúc nào cũng nghĩ :

- Cái thân cô độc này, dầu có đi đến nơi nào trên khắp bầu trời cũng chưa tìm được chốn định đậu. Biết đâu là nhà, là thân tộc ? Thà cứ đi lang thang cho đến ngày mãn phần hết số là yên thân.

Trong thời gian nửa tháng trên đỉnh Hoa Sơn tuyết phủ, Dương Qua có cảm giác như trải qua nhiều năm giữa thị trấn đông người.

Sống giữa chốn hoang sơn không có ai khinh, người trọng, chẳng bận rộn đến chuyện đời, chẳng oán hận giận hờn, mọi việc đều xem như đám phù vân lơ lửng, mới đó rồi tan mất ngay.

Chàng tự nhủ thầm ;

- Cuộc đời nhan nhản cả điều ngang trái, giàu trọng khó khinh, bao nhiêu tiền bạc hạnh phúc đều nằm trong tay một bọn quyền thế, dân nghèo thì cơ khổ cho đến mãn đời cũng chỉ có bàn tay trắng. Như vậy thì cuộc đời đâu có gì đáng thiết tha và bận tâm đến. Ta chỉ cần biết trọng những kẻ quý ta và khinh kẻ muốn hại ta.

Ngày nọ, chàng đặt bước đến xứ Thiểm Nam, nơi đây có cả một cánh đồng bao la, mênh mông bát ngát. Chàng ngừng chân phóng tầm mắt quan sát tận chân trời thấy toàn là cây khô lá úa, cỏ mọc lơ thơ, có vẻ vô cùng cằn cỗi. Mỗi luồng gió thổi qua lá vàng theo cát bụi bay mịt trời.

Thình lình từ phía Tây nổi lên nhiều tiếng sấm, rồi từng đám mây đen bao kín khắp bầu trời. Một đàn ngựa đông đen có vài trăm con chen nhau chạy gấp từ đằng xa lại, tiếng vó giậm vang lên rầm rập, cách chỗ chàng đứng độ một dặm thì dừng lại. Con nào con nấy đều có vẻ ngơ ngác, hình như đang lo sợ một kẻ nào đó. Dương Qua thấy đoàn ngựa rừng chạy lồng trên đồng hoang thì thích chí lắm, nghĩ thầm :

- Con ngựa có khớp yên cương vào, xem oai vệ đẹp đẽ lắm, nhưng đâu được tự do chạy nhảy như mấy chú ngựa rừng này.

Cũng như trên đời này biết bao nhiêu kẻ tự cao tự đại, xêng xang với mũ cao áo dài, oai nghi chốn thềm vàng điện ngọc, nhưng trên đầu họ có biết bao nhiêu sự ràng buộc áp bức, đâu có được thảnh thơi tự tại như ta đây. Cái thằng Dương Qua với mảnh áo xơ mướp, manh quần rách ống nhưng muốn dọc ngang tuỳ ý.

Bọn giàu sang co tiền bạc cho nhiều , có lụa là gấm vóc cũng chỉ cố che đậy cái xác thân dơ bẩn, tâm hồn ghẻ lở lúc nào cũng háo hức của ngon vật lạ, lăm le hãm hại lẫn nhau. Ngày nay ta sống với trái rừng nước suối, bạn với cảnh đẹp bao la, cõi lòng hồn nhiên thích sống cạnh thiên nhiên.

Đang trầm ngâm suy nghĩ về cuộc đời phù phiếm, nhân tình thế thái , Dương Qua nghe từ đằng xa có một giọng ngựa hý rất buồn bã. Chàng quay lại nhìn, thấy trên con đường gồ ghề đầy sạn đá, một con ngựa ốm nhom, lưng bày xương, ỳ ạch lôi một chiếc xe to tướng, chất đầy củi tiến về phía này.

Dương Qua thấy dáng điệu con ngựa ốm quá ư thiểu não, thật hợp với tiếng hý buồn bực vừa nghe. Chàng nhìn con ngựa nghĩ thầm :

- Có lẽ ngựa này thèm khát cái không khí tự do của mấy trăm đồng loại, xót cho phận mình éo le phải ỳ ạch kéo xe mà không có ai cùng cảnh ngộ để chia sẻ bớt số kiếp hẩm hiu chăng ?

Chàng mải suy tư mà con ngựa ốm đã kéo chiếc xe củi đi ngang qua trước mặt.

Con ngựa này tuy gầy ốm có lẽ vì thiếu ăn, lại phải làm việc quá sức, nhưng nom kỹ thì tầm vóc rất cân đối, chân cao, mình dài. Tội nghiệp cho nó, vì mình ốm gầy xương nhô lên rõ ràng từng cái một, lông rụng lơ thơ, ghẻ mọc khắp nơi, mới nhìn cũng phát ớn.

Trên chiếc xe chất củi đầy nhóc, một gã đại hán ngồi chễm chệ ngay phía trước, cứ mỗi lần con ngựa đi chậm một chút là thẳng tay nện tới tấp.

Dương Qua đã thấm thía với cuộc đời hẩm hiu bị thiên hạ giày xéo, khinh miệt, nay trông thấy con ngựa ốm bị chủ hành hạ tàn nhẫn quá nên cảm thấy đau lòng và liên tưởng số phân nó và số phận mình cũng chẳng khác gì nhau.

Vì thương tâm cho con ngựa khốn khổ, chàng cảm thấy đầu óc nóng bừng, lòng dạ xót xa, nước mắt chực trào ra nên đứng né sang một bên đường và tức quá không dằn được quát lớn ;

- Tên kia,ngươi không có lương tâm hay sao mà nỡ hành hạ con ngựa quá lắm vậy ?

Người ấy quắc mắt nhìn lại, thấy một chàng trai trẻ, quần áo lam lũ rách rưới như ăn xin, chực đứng ra can thiệp vào chuyện của mình nên giơ roi nạt lớn :

- Bé con tránh ra cho mau, không tao cho một roi võ sợ liền bây giờ .

Dương Qua bước tới một bước hét lớn ;

- Ngươi đánh nó một roi nữa, ta giết ngươi ngay lập tức.

Gã đánh xe không đáp lại, giơ roi thẳng tay quất mạnh vào đầu Dương Qua.

Dương Qua đưa tay nắm lấy ngon roi, giật mạnh rồi quất luôn vào người hắn mấy cái. Tên đánh xe đau quá té nhào xuống xe rên la lăn lộn, mặt mũi dính đầy đất, sưng bầm nhiều chỗ.

Con ngựa ốm nhìn thấy xấu nhưng khôn ngoan vô cùng. Nó biết kẻ hành hạ nó bị đánh đau nên cất cổ hý vang, dường như hả dạ lắm, rồi đến gần cọ đầu vào đùi Dương Qua như tỏ ý cảm ơn.

Dương Qua cảm động tháo bỏ dây cương cho nó rồi đưa tay hất nhẹ chiếc xe qua bên đường, xem bộ nhẹ nhàng như ném một chiếc hộp quẹt rồi đưa tay chỉ vào đàn ngựa hoang vừa mới phi ngang qua hãy còn lưu lại một đám bụi trắng và bảo

- Ta cho mi được tự do đi theo các bạn ngươi phi về hướng đó.

Con ngựa hình như hiểu biết ý chàng, cất tung hai vó trước lên cao, hý một tràng dài như để cảm ơn rồi chạy ngay về phía đó.

Không ngờ, vì nhịn đói lâu ngày và bị buộc mãi giữa hai gọng xe , bốn chân cóng quá, nên mới loạng choạng được mấy chục trượng đã té nằm dài, đưa bốn vó lên cao không đứng dậy nổi.

Dương Qua thương hại quá, vội chạy lại nâng nó lên xem nhẹ như nâng một con mèo rồi vỗ nhẹ vào cổ nó như để an ủi.

Gã đánh xe ngồi dậy trố mắt nhìn, thấy chàng thiếu niên xách chiếc xe như bó củi, nâng con ngựa như nâng con mèo thì biết chàng có dũng lực phi thường, không dám chọc nữa, vội vàng tìm đường chạy trốn.

Nhưng khi chạy độ nửa chặng đường, hắn bỗng dừng lại dậm chân la lớn :

- Ôi bà con ơi, có cướp, có cướp . Quân này đã cướp mất con ngựa của tôi rồi, Bà con ơi !

Dương Qua chỉ mỉm cười chẳng chút quan tâm, chạy lại lề đường bứt mấy đám cỏ non đút cho con ngựa ăn. Thấy con ngựa bị hành hạ khổ sở giống như hoàn cảnh của mình nên Dương Qua chạnh lòng thương mến nó lắm.

Khi ngựa ăn cỏ đã no, chàng vỗ nhẹ vào lưng nó nói nhỏ :

- Mi khỏi đi đâu xa nữa, từ nay cứ đi theo ta nhé.

Rồi chàng ung dung dắt ngựa đi chầm chậm, qua thị trấn mua lúa cho ăn thật no, rồi dẫn nó ra khe tắm rửa thật sạch.

Qua hôm sau ngựa đã bình phục, sức khoẻ tăng lên gấp mấy lần. Dáng điẹu không còn quá thiểu não như ngày hôm qua nữa. Lúc bấy giờ chàng mới cưỡi nó đi từng bước một.

Lúc đầu nó chạy còn ngập ngừng, nhưng một chập sau mau hơn và mỗi lúc càng chạy thật khoẻ.

Liên tiếp bảy tám ngày, Dương Qua cho ngựa ăn no nê, tắm rửa thường xuyên nên lông lá đã láng, mụn ghẻ không còn nữa và dáng điệu trông đẹp lắm .

Chàng thấy vậy mừng rỡ, càng chăm sóc con ngựa chu đáo, cho ăn uống no nê, bất cứ đi đến chỗ nào cũng buộc ngựa luôn một bên.

Một hôm, vào một thôn trang nọ, Dương Qua tìm quán trọ và kiếm thức ăn đỡ lòng. Bỗng thấy con ngựa nghênh mũi nhìn vào một hũ rượu gần đó, miệng hý vang như muốn đòi uống.

Dương Qua thấy lạ bèn gọi tửu bảo đem ra một hồ đổ vào bát, đặt ngay trước mặt nó. Con ngựa cúi xuống uống một hơi cạn ráo không còn một giọt.

Thấy vậy Dương Qua thích chí cười vang, cho là một chuyện hy hữu. Chàng bảo tửu bảo đem thêm. Con ngựa uống thêm cả mứòi bát thật lớn, mũi thở khịt khịt vẫn tỏ ý muốn uống nữa.

Dương Qua muốn thử thách tửu lượng của nó đến mức nào nên bảo tửu quán đem thêm rượu ra thêm nữa.

Tên tửu bảo thấy chàng ăn mặc rách rưới như ăn mày, sợ không đủ tiền trả nên nói khéo ;

- Tiệm tôi hết cả rượu rồi .

Dương Qua lặng thinh không nói một lời, móc túi trả tiền cơm, tiền rượu rồi nhảy lên ngựa đi liền.

Con ngựa có thấm hơi men, hừng nóng da thịt, tung bốn vó sải như bay,cây cối hai bên đường thi nhau lao ngược về phía sau như đèn kéo quân.

Nhiều lúc đang kiệu thật êm, nó bỗng nổi chứng, búng hai giò sau cao vút lên không rồi từ từ rơi xuống, khi chân vừa chạm đất thì bốn vó lại cất đều như đánh nhịp dòn tan trên đất cứng. Nếu người cưỡi ngựa hơi yếu nhất định phải té nhào gãy cổ trẹo chân hay trẹo xương sống ngay.

Dương Qua thì khác hẳn. Hễ ngựa càng lồng bao nhiêu thì chàng càng thích thú bấy nhiêu, và cho rằng ngựa hay phải có tật dữ.

Chàng đoán rằng :

- Sở dĩ con thiên lý câu có tánh bất thường, tinh nghịch, hễ gặp bất cứ con vật nào trên đường cũng phi vút qua đầu và đá hậu lại là vì trong người nó đã có sẵn tính ngang tàng, bất khuất của một con tuấn mã. Huống chi tron g thời gian qua nó chịu đoạ đày dưới làn roi của một đứa lái xe vũ phu quê kệch, bây giờ được thảnh thơi nên muốn tận hưởng những cái gì có thể tận hưởng được của không khí tự do. Khi trước người ta cho nó ăn ít mà làm nhiều, tài năng bị giảm sút, bây giờ được chủ biết tài, chăm sóc mến chuộng, nó cũng tỏ ra ngang tàng để bù lại những khi bị áp chế hành hạ quá đáng.

Thời may tính ngang tàng của con ngựa lại hợp với bản tính của Dương Qua cho nên chàng rất quý mến nó. Từ đó về sau, người và ngựa quyến luyến nhau như một đôi tri kỷ.

Vốn còn trẻ tuổi, ưa tinh nghịch hay đùa cho nên trên đường trường, Dương Qua để cho nó mặc tình rong ruổi đúng sức mà còn khuyến khích chạy mau hơn nữa.

Cứ theo đường mòn chạy mãi, chưa mấy hôm đã quá Lam Kiều, khỏi Thương Huyện rồi qua Long Câu trại.

Dừng lại Long Câu trại mấy hôm nghỉ dưỡng sức, rồi người ngựa lại lên đường nhắm hướng Kinh Tử quan.

Ngồi trên mình ngựa chẳng có việc gì làm, Dương Qua hồi tưởng những lúc đùa cợt Lục Vô Song và chọc tức Lý Mạc Thu rồi thích chí cười sằng sặc một mình.

Mặt trời vừa đúng Ngọ, Dương Qua bỗng gặp một bọn ăn mày. Cứ nhìn qua dáng điệu bên ngoài chàng có thể đoán được đây cũng là những tay cao thủ có hạng.

Nghĩ lại chuyện rắc rối cũ, chàng tự hỏi mình :

- Không hiểu Lục Vô Song có điều gì liên hệ trước kia với bọn này mà nuôi mãi hận thù đến nay, hễ gặp nhau là hậm hực.

Hay là bọn này có tiền cừu cùng Lý Mạc Thu , nên bất cứ người nào có liên hệ cùng Lý Mạc Thu , tất thảy đều là kẻ thù của họ nên quyết tìm cách thanh toán đấy chăng ?

Thấy ăn mày tụ hội đông quá, chỗ nào cũng có tụm năm, tụm bảy những chàng bị gậy quần áo lươm tươm nên chang để tâm theo dõi.

Đang lúc phân vân chưa hiểu ra sao , chàng bỗng nhớ đến Hồng Thất Công.

- Hồng Thất Công là cựu bang chủ Cái Bang. Tuy ta chưa hiểu rõ tôn chỉ mục đích của Cái Bang ra sao, nhưng chỉ cần nhìn thái độ uy nghi đại độ, quang minh chính đại của Hồng lão tiền bối thì cũng có thể đoán trước rằng bang Khất Cái phải là một bang có nhiều đức tính, hành vi chính đáng. Ta cũng nên lân la làm quen với họ, trước để hiểu thêm những người này, sau là để báo tin Hồng bang chủ đã qua đời cho họ rõ.

Được biết Dương Qua quen với Hồng bang chủ, ăn mày từ các nẻo kéo về , bị gậy cùng đường, ai ai cũng có lòng kính nể đối với chàng. Nhưng có một điều lạ mà mọi người đều phân vân tìm hiểu:

- Cứ theo lối ăn mặc bẩn thỉu rách rưới của Dương Qua thì có vẻ đúng là ăn mày rồi. Nhưng lạ một nỗi là ăn mày mà còn cưỡi ngựa ?

Nếu đi ăn xin mà cưỡi ngựa thì sang quá rồi, ai thèm bố thí cho nữa.

Dương Qua vô tình đâu biết điều tối kỵ đó nên cứ nhởn nhơ ngồi trên ngựa đi rong ruổi khắp phố phường.

Bỗng đâu có tiếng chim điểu kêu lớn, và từ không trung một đôi thần điêu từ từ sà xuống.

Một chú ăn mày đứng bên đường nhìn đôi chim điêu lẩm bẩm :

- Hoàng bang chủ lại sắp đến rồi đấy. Chiều nay có cuộc họp bất thường ở Cửu Thành.

Người bên cạnh nói :

- Không rõ có Quách đại hiệp đến dự không nhỉ ?

Người kia đáp :

- Điều đó chưa ai dám chắc được .

Khi ấy một người khác chột mắt, đứng nhìn Dương Qua cưỡi ngựa đi qua, đôi mắt lườm lườm, tỏ ý bất bình nhưng chưa nói ra.

Dương Qua nghe nhắc tới Quách Tỉnh và Hoàng Dung trong lòng đã hơi e ngại .

Ngày này đã lớn rồi, tính tình chàng không lất khất nông nổi như xưa kia nữa, cho nên bề ngoài vẫn giữ được vẻ điềm nhiên và nghĩ bụng :

- Ngày xưa ta sống dưới mái nhà họ Quách thật đã đổi bát mồ hôi để lấy bát cơm, thế mà từ lớn đến nhỏ nhà ông đều khinh thường áp chế ta mãi. Nhưng vì sức yếu và còn nhỏ dại, ta phải cam tâm chịu đựng. Ngày nay ta đã thoát ly ra ngoài ảnh hưởng gia đình này, bốn phương đâu cũng là nhà thì còn bận tâm đến họ làm gì cho mệt xác. Nếu họ còn ngược đãi khinh khi ta nữa, ta nhất định sẽ có phản ứng lại liền.

Chàng dự định giả một kẻ tứ cố vô thân đến xin nương tựa xem họ đối xử với mình ra sao.

Dự mưu xong, chàng tìm nơi vắng vẻ, lấy bùn đất bôi mặt, vò tóc cho rối bù lên, đưa tay tự đấm vài thoi vào mặt , khiến cho lưỡng quyền sưng vù như bị ai đả thương. Trên trán cũng cào xước luôn mấy đường như bị gai cào.

Nhìn Dương Qua lúc bấy giờ mặt mày sưng húp, trán xước mấy lằn rớm máu, quần áo đã rách rưới bẩn thỉu mà chàng còn lăn lộn dưới đất vài vòng nên càng lem luốc tàn tệ hơn nữa. Thật quả là một kẻ ăn xin chinh cống cuối chợ đầu đình.

Thay hinh đổi dạng xong, chàng dắt ngựa lững thững trở lại chen vào đám đông chứ không cưỡi nữa.

Có một người hỏi chàng ;

- Sao, cậu có đi dự "Đại yến" không ?

Dương Qua chẳng hiểu gì để trả lời, đành cứ ngơ ngác đứng ngó.

Thình lình cả sóng người xô lên, tràn vào lấn Dương Qua lọt ra phía sau chẳng nói năng gì được nữa.

Cả sóng người lần lượt kéo nhau đi như trảy hội. Trời về chiều, bóng hoàng hôn cổ miếu có mấy cây cổ thụ cành là sum suê, hai con thần ưng đang đậu trên cành cao nhất. Hai anh em họ Võ đang loay hoay xắt thịt cho đôi chim ăn.

Bữa nọ , Dương Qua lo nhìn Quách Phù mà không để ý đến anh em họ Võ. Nay có dịp, chàng cố ý nhìn , thấy hai người này cũng có ve oai nghi đường bệ, đáng mặt anh hùng. Võ Đôn Nho có vẻ cứng rắn mực thước, mỗi hành vi cử chỉ đều cẩn thận đắn đo, còn Võ Tu Văn thì lanh lẹ liến thoắng, hay xem chỗ này, đi chỗ nọ, ít khi điềm tĩnh như anh.

Võ Đôn Nho mặc áo bào tím, Võ Tu Văn mặc áo bào lam, cả hai đều buộc dây đơm gâm thêu hoa, trông có ve phong lưu tiêu sái, phong nhã hào hoa.

Dương Qua bước lại trước mặt hai người, cúi đầu chào, ngập ngừng một chút rồi nói :

- Kính chào nhị vị .... tôn huynh, mấy lúc nay nhị vị đều mạnh giỏi cả chứ ?

Ngay lúc ấy khắp nơi, xung quanh toà cổ miếu nhan nhản những người ăn mày bị gậy, quần áo rách tả tơi. Dương Qua ăn mặc cũng rách rưới, tiều tuỵ như mọi người nên không bị ai để ý.

Võ Đôn Nho cũng nhã nhặn vòng tay chào lại, đưa mắt nhìn Dương Qua nhưng không nhận ra được nên trả lời :

- Xin lỗi , nhân huynh là ai mà tôi quên mất ?

Dương Qua đáp :

- Tên họ của tại hạ chẳng có gì đáng làm rườm tai đại huynh. Tại hạ chỉ muốn được vào diện kiến Hoàng bang chủ thôi.

Ngay lúc đó, đằng xa có một giọng nói thanh tao như tiếng ngọc reo :

- Võ đại ca, em muốn gặp anh ngay. Việc mình không lo sao cứ đi lo chuyện thiên hạ mãi thế. Mau lên đi.

Võ Đôn Nho vừa nghe gọi, vội vàng quay đi ngay, chưa kịp trả lời cùng Dương Qua .

Dương Qua quay lại nhìn theo, thấy từ trong miếu có một nữ lang tuyệt đẹp , mặc áo màu hồng nhạt, thoăn thoắt đi ra. Nàng mặt đẹp như hoa, đôi mi vòng nguyệt, mũi thẳng mày cao, môi tươi như hoa hàm tiếu cười xuân, thân hình nở nang cân đối. Rõ ràng là Quách Phù , ái nữ của Quách Tỉnh đại hiệp.

Nàng không trang sức loè loẹt như bao nhiêu cô gái con nhà khuê các khác. Trên cổ nàng chỉ đeo một chuỗi hạt châu , lóng la lóng lánh, chiếu sáng ngời làm cho vẻ mặt hoa càng tăng thêm phần lộng lẫy diễm lệ.

Nhìn nàng rực rỡ như tiên nữ, Dương Qua nhớ lại thân mình áo quần như xơ mướp , bẩn thỉu lem luốc nên chạnh lòng quay đi nơi khác không nhìn nàng nữa.

Nàng vừa tới, hai anh em Võ Đôn Nho, Võ Tu Văn cùng chạy lại xoắn xít một bên truyện trò vồn vã lắm. Võ Đôn Nho thì có ve mặt kiêu kỳ tự phụ, còn Võ Tu Văn thưa dạ luôn mồm ra vẻ một kẻ nịnh đầm thiện nghệ.

Vừa bước đi, Võ Đôn Nho bỗng sực nhớ lại câu chuyện Dương Qua hỏi mà mình chưa kịp đáp, quay lại nhìn chàng hỏi :

- Tôn huynh đến đây để dự "Anh hùng yến" phải không ạ ?

Dương Qua đâu hiểu "Anh hùng yến" là gì, do ai tổ chức để làm chi nhưng cũng buột miệng dạ ẩu cho rồi.

Võ Đôn Nho bèn đưa tay ngoắt một người ăn xin gần đó lại dặn :

- Nhờ anh tiếp đãi ông bạn này cho chu đáo rồi mời sang Kinh tử quan nhé .

Người ăn xin được lệnh đến gần Dương Qua lễ phép hỏi :

- Xin quý khách vui lòng cho biết rõ tên họ !

Dương Qua cho biết tên họ thật của mình. Chú ăn mày chỉ là một người vô danh tiểu tốt trong giới hành khất đâu có biết Dương Qua là ai nên không để ý đến

Khi Dương Qua hỏi lại họ tên thì người ăn xin trình bày lại lý lịch, cấp bậc của mình trong giới hành khất ;

- Tôi họ Vương, đứng hàng 13 trong hạng 2 túi của Cái Bang. Võ công tôi còn kém cỏi , nhưng được cái miệng mồm lanh lẹ hoạt bát nên được thượng cấp giao cho lo liệu việc tiếp tân.

Khai lý lịch rồi , hắn hỏi thêm :

- Dương huynh từ đâu về đây ?

Dương Qua đáp :

- Tôi từ Tây Bắc lại .

Người ấy vội hỏi :

- Như vậy chắc Dương huynh là môn đệ của phái Toàn Chân chăng ?

Chàng bực mình khi nghe nhắc lại ba chữ Toàn Chân phái nên lắc đầu đáp ngay :

- Không phải !

Vương thập tam bèn đem lời tán khéo :

- Như vậy chắc Dương huynh được mời đến dự "Anh hùng yến" , Dương huynh có mang thiếp mời theo đó chứ ?

Dương Qua đáp :

- Tiểu đệ chẳng qua chỉ là một kẻ phiêu bạt giang hồ, chưa có chi trên thiên hạ nên đâu có cái vinh dự được mời dự yến này. Trước kia tiểu đệ có quen cùng Hoàng bang chủ , nhân dịp đến đây, muốn gặp mặt để xin ít tiền lộ phí về quê. Sự thật là thế .

Vương thập tam tỏ vẻ bất bình, cau mày suy nghĩ một chặp rồi đáp :

- Hiện nay quan khách quá đông, Hoàng bang chủ đang bận tiếp đãi các bạn anh hùng bốn phương về dự "Anh hùng yến" nên không có thì giờ để tiếp Dương huynh.

Mục đích của Dương Qua là cố làm ra vẻ rách rưới tồi tệ để cho thiên hạ khinh khi, nên vừa nghe Vương thập tam nói thật đúng ý mình thì thích chí lắm và giả vờ than thở thêm :

- Xưa nay Hoàng bang chủ vẫn lừng danh con người hào hiệp không trọng phú khinh bần. Hơn nữa bao nhiêu người trong bang hành khất đều là những kẻ bần cùng đâu có giàu sang hơn ai, nhưng người nào cũng theo tôn chỉ cứu nạn phò nguy, phục vụ cho các thành phần khốn khổ. Tôi đoán chắc không khi nào bang chủ đi xem thường một kẻ bần cùng như tôi để chỉ hướng về những kẻ giàu sang quyền quý như Vương huynh tưởng .

Nghe giọng nói của chàng có vẻ bi thiết và tâng bốc Cái Bang mình nên Vương thập tam dịu giọng nói :

- Thôi, ông bạn cứ theo tôi ăn cơm đã. Mai đây về Kinh Tử quan sẽ nhờ vị công tử lúc nãy chuyển lời lên Bang chủ, còn việc được tiếp hay không tôi không dám quả quyết được .

Sở dĩ lúc đầu Vương thập tam tâng bốc "Dương huynh" là vì tưởng chàng được thiệp mời dự "Anh hùng yến" . Nhưng sau này được biết là không phải nên hắn đổi cách xưng hô ngay thấy Dương Qua tuổi kém thua mình .

Dương Qua đồng ý , tỏ lời cám ơn rồi bước theo Vương thập tam vào miếu dọn cơm rau ra đãi.

Theo quy luật của Cái Bang thì các bang chúng thực thụ dầu có được thiết tiệc, khách tiệc, rượu thịt phủ phê sang trọng đến đâu cũng phải ăn trước một vài món cơm thừa canh cặn để khỏi mang tiếng "vong bổn" rồi sau đó muốn ăn gì cũng được. Tuy nhiên đối với khách thì lúc nào cũng phải thết đãi đàng hoàng chứ không giữ thủ tục ấy.

Dương Qua đang ngồi ăn bỗng thấy một bóng trắng lướt qua trước mặt. Quách Phù đã đi đến, từ ngoài bước vào , vừa đi vừa nói chuyện luôn mồm như bắp rang. Nàng lo chuyện trò liến thoắng cùng anh em họ Võ nên không để ý đến Dương Qua đang ngồi ăn cơm bên cạnh tượng Phật.

Nàng nói :

- Nếu chúng mình đi ngay chiều nay thì chỉ trong một đêm là đến Kinh Tử quan chứ gì . Để tôi bảo bọn nó đưa đôi hồng mã của hai anh đến nhé.

Ba người cứ chuyện trò rồi đi lần ra hậu viện, lấy hành lý và khi sắp đặt trên ngựa xong rồi cùng đi ra khỏi miếu.

Tiếng vó ngựa vang lên dồn dập, xa dần rồi không nghe nữa.

Ngồi nghe tiếng vó ngựa mỗi lúc một nhỏ, Dương Qua đưa đũa quấy bát canh thừa, thấy đắng cay cho phận mình và ngẫm nghĩ :

- Thật đáng phiền cho lũ người kiêu kỳ xa hoa, lúc nào cũng coi thường người đói rách thản nhiên tiến qua cửa số để hợm đời. Nhân tình thế thái thật đáng nguyền rủa.

Chàng thấy nóng bừng trên mặt, muốn lên ngựa đuổi theo, xuất lộ hình tích coi lũ này đối xử ra sao để cho một vố cho hả lòng căm tức, nhưng đưa mắt nhìn phía trên có tấm biển chạm hai chữ "từ bi" , chàng thấy bao nhiêu căm hận đã tiêu tan và trở lại với tâm hồn hiền lành thủ phận và lẩm bẩm hai chữ "sắc không" .

Màn đêm đen kịt, cả bầu trời ảm đạm không một vì sao. Từ toà cổ miếu cho đến cái nhà to lớn trong miếu đều chìm ngập trong bóng đêm dày đặc. Chàng lại nghĩ đến một chuyện rồi mỉm cười lẩm bẩm :

- "Tắt đèn, nhà ngói như nhà tranh" , xã hội loài người có bình đẳng chăng cũng chỉ trong đêm tối,kẻ sáng người mù cũng như nhau, kẻ giàu người nghèo cũng không có gì để phô trương và chỉ cùng chung một định luật.

Nghe tiếng trùng khóc đêm khuya rì rầm , Dương Qua nghĩ thầm :

- Hoá công sanh làm chi voi to trùng nhỏ, đêm đêm trùng khóc có phải là để than thân trách phận hay phàn nàn cái bất công của tạo hoá đây chăng ? Nghĩ phận voi to và loài trùng dế nhỏ cũng chẳng có gì hơn nhau.

Nghĩ vẩn vơ rồi chàng thiếp ngủ từ lúc nào không biết.

Sáng sớm hôm sau, Vương thập tam gọi Dương Qua thức dậy để lên đường lên Kinh Tử quan.

Trên đường đi , hàng đoàn ăn mày cũng kéo nhau đi lũ lượt.

Chốc chốc, có một vài người trong các môn phái khác , trẻ già có đủ hình dạng cũng chen chân vào đám đông. Có lẽ họ đi xem hội hay được mời dự "Anh hùng yến" .

Dương Qua nhắc đi nhắc lại ba chữ "Anh hùng yến" mà không hiểu ý nghĩa gì. Chàng muốn nhờ Vương thập tam giải thích hộ nhưng ngại hắn từ chối nên làm thinh giả bộ ngây ngô không biết gì hết và cứ lầm lũi đi hoài.

Khi mặt trời sắp chen núi thi Dương Qua và Vương thập tam cũng vừa đến Kinh Tử quan.

Kinh Tử quan là vị trí trọng yếu nhất giữa hai tỉnh Phụng Thiên và Dự Châu, địa thế vô cùng hiểm trở, dân cư trù mật, chợ búa đông đúc hơn tất cả các địa điểm khác.

Chàng bước theo Vương thập tam đi khỏi thị trấn hơn 7 dặm thì đến một nơi có mấy trăm cây hoè cùng mấy hàng cổ thụ mọc quanh một trang viện cực kỳ to lớn, anh hùng hào kiệt từ các nơi lũ lượt kéo về đông như kiến cỏ.

Trong trang viện không biết bao nhiêu là phòng trại được dựng lên la liệt, nhiều quá đếm không xuể. Theo ước lượng của Dương Qua thì bao nhiêu phòng trại này có thể dung nạp trên hai ngàn người.

Vương thập tam đã biết phận mình hèn kém không thể nào dám gặp bang chủ trong lúc đang bận rộn nhiều khách này để xin cho Dương Qua được gặp mặt và xin tiền lộ phí. Vì vậy cho nên sau khi tìm được chỗ ăn nằm cho Dương Qua rồi thì lẻn ra ngoài tán chuyện cùng bạn bè.

Phòng của Dương Qua cũng khá rộng. Chàng ăn uống xong đứng tựa cửa nhìn quanh thấy phòng nào cũng đầy cả người, kẻ hầu người tiếp chạy qua chạy lại lăng xăng,cảnh tượng thật quá nhộn nhịp.

Chàng lạ lùng suy nghĩ :

- Chẳng biết chủ nhân trang viện này là ai, làm chức phận gì mà có một cơ nghiệp quá ư đồ sộ như vậy.

Chàng mải nhìn ngó vẩn vơ, lòng đang thắc mắc thì bỗng có tiếng phát loa nói lớn :

- Xin để ý ! Ai ở đâu ngồi đấy, chớ nên lộn xộn, ông bà Trang chủ sắp ra tiếp khách.

Tiếng loa vừa dứt, ba tiếng pháo lệnh nổ lớn "Đùng, đùng,đùng" như long trời lở đất. Tiếp theo đó bọn nhạc công đang đứng hai hàng dài ngoài sân từ cửa viện ra tận cổng, cử bài nhạc chào mừng thật là trọng thể.

Phía sau hai hàng tráng đinh là các vị quan khách anh hùng và các anh em trong giới bị gậy.

Vừa lúc ấy có hai người sánh vai nhau từ trong cửa viện bước ra, một người đàn ông và một thiếu phụ trạc độ bốn mươi.

Người đàn ông mình cao lớn, nước da hồng hào, lơ thơ vài sợi râu, mặc áo gấm thêu hoa thật là hiên ngang, oai phong lẫm liệt, tướng đi có vẻ là một tay đại thủ lãnh .

Người thiếu phụ da dẻ cũng hồng hào, mặt mũi phúc hậu, cốt cách phi thường, đáng mặt một phu nhân mệnh phụ, xuất thân con nhà quyền quý.

Trong đám tân khach có tiếng xầm xì trầm trồ :

- Lục trang chủ và Lục phu nhân !

Bước sau lưng vợ chồng Lục Trang chủ là một cặp vợ chồng khác , vừa trông thấy, Dương Qua thấy nóng bừng cả mặt, thần trí phân vân, đó chính là Quách Tỉnh và vợ là Hoàng Dung bang chủ Cái Bang.

Đã bao nhiêu năm xa cách không thấy mặt hai người, ngày nay gặp lại, Dương Qua cũng không thấy có gì thay đổi khác trước. Quách Tỉnh vẫn hiên ngang, phúc hậu và trầm tĩnh. Hoàng Dung thì đẹp như hoa, trên môi lúc nào cũng điểm một nụ cười tươi, lôi cuốn được cảm tình của ngay cả những người khó tính nhất.

Quách Tỉnh mặc áo dài vải thô, Hoàng Dung đã là bang chủ Cái Bang tuyệt đối không được ăn mặc quần áo loè loẹt, hoa hoè nên chỉ mặc một chiếc áo tía màu lợt lợt.

Nối theo sau Hoàng Dung là Quách Phù , tiếp đó là anh em họ Võ.

Trong đại sảnh, đèn đuốc thắp lên sáng rực, soi rực rỡ từ trong ra ngoài.

Nếu đứng ngoài nhìn vào, ai ai cũng phải thán phục cho lối trưng bày lộng lẫy của trang viện và náo nức trầm trồ các cặp nam nữ quý phái này, người nào cũng hiên ngang đẹp đẽ, trai anh hùng khí phách, gái yểu điệu diễm kiều. Dưới ánh đèn, mọi người đều lộ nét mặt vô cùng hân hoan sung sướng.

Mấy người tân khách ở mé trái đưa tay chỉ trỏ trầm trồ :

- Vị anh hùng đứng giữa chính là Quách đại hiệp. Người đứng kế là nữ hiệp Hoàng Dung, bang chủ Cái Bang . Còn nữ lang nào xinh đẹp như hoa đang đứng cạnh Hoàng nữ hiệp đấy ?

Người kế bên có vẻ thạo hơn, nói khẽ :

- Còn ai xa lạ nữa, nàng ấy quả là ái nữ của Quách đại hiệp rồi.

Người khác cãi lại :

- Không phải là con gái đâu. Nàng và hai thanh niên đi sau thảy đều là môn đệ của Quách đại hiệp đấy.

Dương Qua không muốn cho vợ chồng Quách Tỉnh trông thấy mặt mình nên đứng ra phía sau lưng của một người ăn mày, thân hình cao lớn, thập thò nhìn ra đằng trước....

/104

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status