Tam Sinh Tam Thế Chẩm Thượng Thư

Chương 1

/31


Tháng ba cỏ xanh tận chân trời, tháng tư oanh vui chao cánh, bên ngoài Đông hải vạn trùng khơi, rừng đào mười dặm đang độ trổ hoa, hoa bạt ngàn tầng tầng rực rỡ, một bức gấm thêu lộng lẫy giữa càn khôn.

Thiên tộc ở Cửu Trùng Thiên liên hôn với cửu vĩ Bạch hồ tộc ở Thanh Khâu, các bậc tôn trưởng hai tộc thong dong nghị đàm hết ngày này sang ngày khác, trải qua hai trăm hai mươi ba năm nghị đàm gian nan, cuối cùng đại hôn được ấn định vào một ngày đầu năm.

Ngày lành được lựa chọn công phu, đúng vào tiết cuối xuân hoa đào nở rộ.

Tân lang cùng tân nương sau những lận đận kéo dài hơn hai trăm năm đến nay mới viên mãn thành thân chính là thái tử Dạ Hoa của Cửu Trùng Thiên và thượng thần Bạch Thiển, đế cơ[1] của Thanh Khâu.

[1] Đế cơ: cách gọi tôn kính đối với nữ vương.

Cả tứ hải bát hoang[2] đã sớm chờ đợi đại hôn lễ này từ lâu, chúng tiên lớn nhỏ ai nấy đều đoán Lão Thiên Quân hẳn sẽ tổ chức hôn lễ này tưng bừng, long trọng nhất bậc. Ngoài cách đó ra, mọi người không thể nghĩ ra được ngài còn cách nào khác để thể hiện quân uy của mình.

[2] Tứ hải bát hoang: chỉ bốn biển và tám vùng lục địa.

Mặc dù vậy, khi thấy đoàn đón dâu trùng trùng như sóng từ Thiên giới cuồn cuộn tiến vào Thanh Khâu, xuất hiện trên bờ biển Vãng Sinh trên núi Vũ Trạch, Mê Cốc Tiên Quân cầm chiếc khăn đứng ở bờ bên kia cảm thấy có vẻ mình chưa đánh giá đúng Thiên Quân.

Đoàn đón dâu không phải là đông, mà vô cùng, vô cùng đông, kéo dài bất tận, hùng hậu không thể tưởng tượng.

Mê Cốc Tiên Quân trước nay luôn theo hầu bên cạnh thượng thần Bạch Thiển, là vị địa tiên sống ở trong Thanh Khâu đã lâu nên cũng hiểu nhiều biết rộng.

Theo luật lệ Thiên giới, tân lang không đi đón tân nương, việc này do huynh trưởng tân lang đảm trách.

Mê Cốc nghĩ, Mặc Uyên có thể coi là huynh trưởng của thái tử Dạ Hoa, vì vậy vị tôn thần này xuất hiện trong đoàn đón dâu là hợp tình hợp lý.

Tôn thần xuất hành, tùy tùng theo hầu phải là các vị thần tiên bậc cao, nhưng lại không được quá cao, vậy thì xem ra, Ti Mệnh Tinh Quân, vị tiên chuyên quản vận mệnh người trần, “ăn lương” của Nam Cực Trường Sinh Đại Đế trên Thiên giới, theo hầu cũng là hợp tình hợp lý.

Còn Liên Tống Thần Quân con trai thứ ba của Thiên Quân quanh năm xuất quỷ nhập thần đi đằng trước Ti Mệnh chính là tam thúc của thái tử, hình như không có phận sự ở đó, chắc là đến góp vui.

Mê Cốc suy nghĩ rất lâu, tại sao ba vị tôn thần phúc khí dồi dào đó cũng xuất hiện trong đoàn đón dâu, nghĩ mãi cũng tìm ra được vài nguyên do.

Nhưng vị tiên tóc trắng áo choàng tím đi bên cạnh Mặc Uyên, là người đã ở ẩn mười mấy vạn năm như lời đồn đại, vốn không vạn bất đắc dĩ không dễ bước chân khỏi Cửu Trùng Thiên, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong những bức họa hoặc vài yến tiệc cực lớn, người khiến hậu thế luôn hoài niệm, Đông Hoa Đế Quân tại sao cũng xuất hiện trong đoàn đón dâu?

Mê Cốc vắt óc suy nghĩ nhưng nghĩ mãi cũng không ra.

Ở bờ biển bên này, cách cả mặt biển Vãng Sinh trùng trùng sóng biếc, mặc dù mắt rất tinh, nhưng Mê Cốc cũng không nhìn rõ gì hơn.

Đoàn đón dâu rầm rộ, khí thế ngút trời tiến đến vịnh Nguyệt Nha, nhưng chưa vượt biển ngay, mà dừng lại bên bờ biển, hàng tiểu tiên nga đi cuối đoàn lần lượt tiến lên chuẩn bị ấm chén, sắp xếp chỗ ngồi để các vị tôn thần nghỉ chân.

Biển Vãng Sinh xanh ngắt, gió hiu nhẹ, hoa vũ thời bờ bên này cố vớt vát khí xuân muộn cuối cùng từ từ nảy ra những nụ non xanh biếc.

Tam điện hạ của Thiên giới, tam thúc của tân lang, Liên Tống Quân lơ đãng mở nắp ly trà, thong dong nói với Ti Mệnh đứng bên: “Trước khi khởi hành bản quân có nghe nói Thanh Khâu thật ra có hai vị đế cơ, ngoại trừ Bạch Thiển sắp phải gả cho Dạ Hoa, hình như còn có một hậu bối nữa thì phải?”.

Ti Mệnh mặc dù có địa vị thấp hơn Đông Hoa Đế Quân rất nhiều, nhưng có may mắn cùng Đông Hoa Đế Quân được mệnh danh là hai bộ toàn thư sống của Cửu Trùng Thiên. Chỉ có điều, Đông Hoa Đế Quân là bộ pháp điển[3] toàn thư sống, còn Ti Mệnh lại là bộ bát quái toàn thư sống, nổi tiếng bởi biết rõ bí mật ba đời tổ tông của cả những người không mấy quen biết.

[3] Những tác phẩm kinh điển của Phật giáo.

Bộ bát quái toàn thư sống đang thấy bức bối suốt cả buổi sáng bởi không khí trang trọng của đoàn đón dâu kéo dài mười dặm, lúc này, đã có cơ hội mở miệng, mặc dù nôn nóng muốn nói chuyện phiếm, nhưng mặt vẫn làm bộ trịnh trọng, chắp tay vái, thi lễ đầy đủ, mới từ tốn cất lời: “Tam điện hạ nói phải, Thanh Khâu thực sự có hai vị đế cơ. Vị nhỏ tuổi kia chính là tôn tử duy nhất của nhà họ Bạch, mang hai dòng máu bạch hồ và xích hồ, cả tứ hải bát hoang chỉ có duy nhất một hồ ly chín đuôi lông đỏ, là điện hạ Phượng Cửu. Thiên tộc có ngũ phương ngũ đế, nước Thanh Khâu cũng có ngũ hoang ngũ đế, bởi vì thượng thần Bạch Thiển sớm muộn cũng gả vào Thiên tộc, cho nên hai trăm năm trước, thượng thần đã trao đế vị của Thanh Khâu cho cháu gái là điện hạ Phượng Cửu. Khi kế vị, tiểu điện hạ lúc ấy chỉ mới ba vạn hai nghìn tuổi, Bạch Chỉ Đế Quân thậm chí còn có ý để điện hạ Phượng Cửu kế thừa ngôi vị cao nhất Thanh Khâu, tuổi trẻ mà quyền cao chức trọng như vậy, có điều… cũng hơi kỳ lạ”.

Tiểu tiên nga bước tới rót trà, Ti Mệnh dừng lại, bưng ly trà bốc khói đưa lên miệng, qua làn khói mời, đưa mắt liếc Đông Hoa ngồi bên cũng đang lặng lẽ uống trà.

Liên Tống hình như được khơi hứng, tựa vào ghế đá giơ tay ra hiệu, nheo mắt cười cười: “Nói tiếp đi”.

Ti Mệnh gật đầu, nghĩ một lát, lại tiếp: “Thật ra tiểu tiên đã biết điện hạ Phượng Cửu từ lâu, khi đó, điện hạ mới khoảng hai vạn tuổi, lúc nào cũng ở bên Bạch Chỉ Đế Quân, bởi là cháu gái duy nhất nên rất được cưng chiều, tính cách vì thế cũng rất hiếu động, những chuyện như câu cá, bắt chim đương nhiên khỏi bàn, còn thường thích trêu chọc người khác, ngay tiểu tiên cũng bị điện hạ đùa giỡn mấy lần. Nhưng …”. Ti Mệnh dừng lại một chút, “Hơn hai trăm năm trước điện hạ đã xuống Phàm giới một lần, đi mấy chục năm, sau khi trở về không biết tại sao lại trầm lặng hơn nhiều. Nghe nói, ngày từ Phàm giới trở về, điện hạ mặc một bộ tang phục. Hơn hai trăm năm trôi qua, điện hạ cũng đã trưởng thành, vì được nuôi dưỡng để trở thành nữ vương, có lẽ cũng vì lo lắng điện hạ không có người ở bên phò trợ, cho nên một trăm năm qua Bạch Chỉ Đế Quân đã chọn cho điện hạ vài vị hôn phu, nhưng điện hạ …”.

Liên Tống sốt ruột hỏi: “Nàng ta thế nào?”.

Ti Mệnh lắc đầu, ánh mắt như vô tình liếc về phái Đông Hoa Đế Quân, tỏ vẻ tươi cười, nói: “Thật ra cũng không có gì, chỉ là điện hạ một mực cho rằng mình đã xuất giá, dù phu quân đã qua đời, nhưng cũng không thể tái giá. Hơn nữa lại nghe nói hơn hai trăm năm nay, điện hạ chưa một ngày gỡ chiếc trâm hoa trắng khỏi mái tóc, cũng chưa lúc nào bỏ tang phục”.

Liên Tống chống cằm tựa vào ghế đá: “Nghe ngươi kể, ta lại sực nhớ bảy mươi năm trước cơ hồ đã xảy ra một chuyện, Thương Di Thần Quân ở núi Chức Việt thành thân, hình như có liên quan đến Thanh Khâu?”.

Ti Mệnh nghĩ một lát, muốn đáp, nhưng thượng thần Mặc Uyên ngồi bên cạnh im lặng nãy giờ đã lên tiếng, giọng thanh sảng lạnh lùng: “Chỉ là Bạch Chỉ muốn gả Phượng Cửu cho Thương…”. Ti Mệnh bên cạnh vội nhắc: “Thương Di”. Mặc Uyên nói tiếp: “Gả cho Thương Di, sai trói Phượng Cửu đưa lên kiệu hoa, Phượng Cửu tức giận, đêm đó liền hủy hoại Thần Cung của núi Chức Việt mà thôi”.

Hai chữ “mà thôi” từ miệng Mặc Uyên thốt ra nhẹ tựa mây bay, Ti Mệnh nghe mà tim đập chân run. Chuyện này quả thực Ti Mệnh không biết, cảm thấy nên tiếp lời, nhưng đắn đo mãi cũng chỉ thốt lên một tiếng “Ôi...” thật dài.

Liên Tống tay cầm quạt, mỉm cười, ngồi thẳng người, nói với Mặc Uyên: “Vậy là đúng rồi, ta nhớ có ai đó kể với ta, hôn lễ năm xưa hình như ngài còn làm chủ hôn. Theo lời kể thì Thương Di Thần Quân lại thật lòng yêu Phượng Cửu, vị tân nương chưa bái đường, còn làm loạn Thần Cung của mình, đến nay cung điện được tu sửa lại vẫn còn treo mấy bức họa của Phượng Cửu, Thương Di vẫn ngày ngày nhìn ngắm nhớ cố nhân”.

Mặc Uyên không nói thêm nữa, Ti Mệnh lại than: “Nhưng yêu là một chuyện, có được yêu lại hay không lại là chuyện khác. Tiểu tiên còn nghe nói Tần Cơ ở núi Chung Hồi si mê tứ ca Bạch Chân của thượng thần Bạch Thiển, nhưng làm gì có gan tranh giành với thượng thần Chiết Nhan”.

Gió thổi, những bông hoa vũ thời không ngừng lay động. Mấy vị tôn thần dáng vẻ trang nghiêm chuyện phiếm xong, ai về chỗ nấy, có vị nghỉ ngơi, có vị thưởng trà, có vị ngắm cảnh. Nhưng mấy tiểu tiên đứng hầu bên cạnh nghe lỏm được câu chuyện bí mật như thế, không sao giữ được bình tĩnh, ai nấy hưng phấn đỏ cả mặt, nhưng lại không dám bàn tán ra miệng, chỉ đưa mắt nhìn nhau thầm trao đổi, bên bờ biển Vãng Sinh lúc này chỉ toàn những ánh mắt “đắm đuối”.

Một tiểu tiên biết ý đưa cho Ti Mệnh ly trà để nhuận giọng, Ti Mệnh Tinh Quân dùng nắp gẩy vụn trà nổi trên mặt chén, ánh mắt lượn mấy vòng rồi lại liếc sang Đông Hoa Đế Quân, khẽ nhíu mày, tư lự.

Liên Tống xoay ly trà trong tay, cười hỏi: “Ti Mệnh, hôm nay ngươi bị máy mắt hả, sao cứ liếc Đông Hoa thế?”.

Đông Hoa Đế Quân ngồi cách đó hai trượng[4] đặt ly trà xuống, hơi ngước mắt lên, Ti Mệnh ngượng ngùng cười khan hai tiếng, mở miệng định nói thì “ào” một tiếng, mặt biển bỗng bùng lên một cơn sóng lớn.

[4] Đơn vị đo chiều dài cổ của Trung Quốc, tương đương 3,3 mét.

Ngọn sóng dâng cao mười trượng rồi tản ra lấp loáng trong nắng sớm, bên bờ vịnh Nguyệt Nha bỗng xuất hiện một mỹ nhân xiêm y trắng muốt.

Suối tóc đen nhánh của mỹ nhân vắt trên cánh tay để trần trắng tuyết, trên mái tóc cài chiếc trâm hoa cũng màu trắng, xiêm y của nàng cơ hồ không thấm nước, dường như còn bay nhẹ trong gió mai, trên người nàng hầu như không dính hạt nước. Suối tóc đen lại ướt đẫm, vài sợi tóc mai dính vào má, cỏ vẻ rất lạnh, nhưng khóe mắt cong cong lại vô cùng ấm áp, nàng mủm mỉm nhìn Ti Mệnh Tinh Quân vừa rồi còn buôn chuyện rôm rả.

Ti Mệnh tay chân luống cuống bưng ly trà che mặt, Liên Tống đưa chiếc quạt trong tay cho Ti Mệnh: “Mặt ngươi quá to, ly trà không che hết, dùng cái này đi”.

Ti Mệnh mặt đầy khó xử, mấy lần định quỳ xuống, mặt nặn ra một nụ cười vô cùng đau khổ: “Không biết điện hạ Phượng Cửu du thủy đến đây, vừa rồi tiểu tiên lỗ mãng, xin điện hạ niệm tình quen biết bấy lâu, lượng thứ cho tiểu tiên”.

Mặc Uyên liếc nhìn Phượng Cửu hỏi: “Ngươi ẩn mình dưới biển Vãng Sinh làm gì thế?”.

Phượng Cửu toàn thân xiêm y trắng muốt, đứng trên mặt nước yên tĩnh, đoan trang trả lời: “Rèn luyện sức khỏe ạ”.

Mặc Uyên cười nói: “Vậy ngươi lên đây làm gì? Phải chăng muốn hù dọa Ti Mệnh một phen?”.

Phượng Cửu ngập ngừng, nhìn về phía Ti Mệnh đang khổ sở quỳ trên đất: “Ngươi vừa nói, vị Tần Cơ nào đó ở núi Chung Hồ, thích tiểu thúc của ta thật sao?”.

“…”.

Phần 1: Bồ đề vãng sinh

Thời gian như nước chảy, tính ra hai nghìn bảy trăm năm đã trôi qua, có quá nhiều chuyện xảy ra trong quãng thời gian dài dặc đó, rất nhiều chuyện còn nhớ được, rất nhiều chuyện trước đây vẫn nhớ, nhưng lại không muốn nhớ, nhớ nhớ quên quên, những gì nhớ được cũng đã trở thành quên lãng.

Ẩn dật ở Thanh Khâu hơn hai trăm năm không hẳn được coi là yên tĩnh, nhưng trong hai trăm năm này cũng rất khó để nàng nhớ đến Đông Hoa, nhưng khi đến Cửu Trùng Thiên thì không muốn gặp chàng cũng khó. Thấy Đông Hoa không hề nhận ra mình, nàng thầm nghĩ như vậy cũng tốt.

Nàng với Đông Hoa ứng với câu Phật ngữ kia, nói không được, nói không được, nói nhiều là sai, nói nhiều là họa.

1.

Về sau có một ngày, khi cây bồ đề vãng sinh trong cung Thái thần trổ đầy hoa, những chùm hoa tựa đám mây bay trên đầu tường, Đông Hoa nhớ lại lần đầu tiên gặp Phượng Cửu.

Khi đó, chàng không có ấn tượng gì về nàng. Là vị tôn thần lánh đời vạn năm trong cung Thái Thần, những điều có thể thu hút ít nhiều chú ý của chàng chỉ có sự sai lệch của bốn mùa, sự thay đổi của nhật nguyệt và những kiếp nạn của tạo hóa.

Mặc dù được Thiên Quân năm lần bảy lượt mời rời cung Thái Thần đi đón dâu cho thái tử Dạ Hoa, nhưng chàng hầu như không mấy bận tâm. Đương nhiên, cũng không nhớ lắm cô thiếu nữ từ dưới biển Vãng Sinh đội sóng mà lên, có giọng nói trong trẻo như mưa bụi đầu xuân. Cũng không nhớ giọng nói trong trẻo đó cố nén cười đó, hỏi Ti Mệnh: “Vị Tần Cơ nào đó ở núi Chung Hồ thích tiểu thúc của ta thật sao?”.

Đông Hoa thực sự có chút ấn tượng với Phượng Cửu là ở trong yến tiệc thành hôn của Dạ Hoa.

Đại hôn lễ của thái tử Thiên tộc, tân nương lại là thượng thần Bạch Thiển – người mà tứ hải bát hoang phải tôn kính gọi là cô cô, đương nhiên phải khác thường. Thần tiên trên Thiên giới phân thành cửu phẩm, trừ những vị thuộc Thiên tộc, may mắn được mời dự yến chỉ có mười vị chân hoàng, chân nhân[1] và hai, ba chục vị linh tiên ngũ phẩm trở lên.

[1] Chỉ người tu hành đắc đạo.

Điện Tử Thanh ráng mây sáng rực, khai yến cũng đã khá lâu.

Thiên Quân đời nay vốn kiêu ngạo, bất luận yến tiệc gì, qua ba tuần rượu sẽ mượn cớ tửu lượng kém cáo từ, cho dù tiệc cưới của cháu ruột cũng không ngoại lệ.

Còn tân lang Dạ Hoa mình vận hỷ phục tửu lượng vốn kém, tối nay lại càng kém, rượu chưa quá ba tuần đã phải nhờ một tiểu tiên dìu về cung Tẩy Ngô. Mặc dù Đông Hoa nhìn thấy thái tử cơ hồ đã say đến tưởng chừng sắp ngất xỉu nhưng bước chân vẫn ngay ngắn.

Nhị vị thần tiên vừa ra khỏi điện Tử Thanh không lâu thì mấy vị chân hoàng cũng lần lượt tìm cớ cáo lui, các vị trưởng bối đã cáo từ, không khí bữa tiệc thoái mái không ít. Đông Hoa xoay ly rượu đã uống cạn trong tay, cũng định ra về, để cho các tiểu tiên bên dưới đang ngồi ngay ngắn, cố giữ lễ được thoải mái thưởng thức yến tiệc.

Đang định hạ chén đứng lên, vừa ngước mắt chợt nhìn thấy ở cửa điện không biết từ lúc nào xuất hiện một chậu hoa câu tô ma. Đằng sau khóm hoa vàng nhạt thấp thoáng bóng thiếu nữ áo trắng ẩn mình đang khom lưng cúi đầu, một tay nâng váy, một tay bưng chậu hoa che mặt, nghiêng người lần theo chiếc cột ở góc tường, lén lút di chuyển từng bước về phía bàn tiệc.

Đông Hoa dựa vào thành ghế, tìm một tư thế thoải mái, lại ngồi xuống chiếc ghế tử kim[2].

[2] Một loại khoáng sản có hàm lượng vàng khoảng 58,5%.

Trên sân khấu vừa kết thúc một vũ khúc, thiếu nữ áo trắng va chỗ nọ đụng chỗ kia, cuối cùng cũng tìm được một ghế trống, ló đầu ra thận trọng nhìn tứ phía, khi đã chắc chắn không bị ai chú ý, liền nhanh như chớp ló mắt khỏi chậu hoa câu tô ma, thừa dịp mọi người đang nhìn lên sân khấu, vỗ tay tán thưởng, nàng vừa thản nhiên ngồi xuống ghế vỗ tay phụ họa khen hay, vừa thò chân đá chậu hoa phía sau xuống gầm bàn.

Chưa giấu được, lại đá tiếp.

Vẫn không giấu được, lại đá tiếp.

Cú đá cuối cùng quá mạnh, cả chậu hoa câu tô ma xui xẻo bay qua chân bàn, vượt qua đầu các vũ cơ trên sân khấu, bay thẳng về phía Đông Hoa lúc đó còn chưa kịp đứng lên ra về.

Chúng tiên kinh ngạc kêu một tiếng, chậu hoa dừng lại cách trán Đông Hoa ba thốn[3].

[3] Đơn vị đo chiều dài cổ Trung Hoa, tương đương 3,3 centimét.

Đông Hoa một tay chống cằm, tay kia giơ ra bắt lấy chậu hoa giữa không trung, cúi nhìn về phía “thủ phạm”.

Ánh mắt của chúng tiên cũng theo ánh mắt Đông Hoa nhất loạt dồn vào đó.

“Thủ phạm” ngây người một lát rồi lập tức nhanh nhẹn ngoảnh đầu đi, vừa chân thành vừa nghiêm túc hỏi vị tiên áo nâu bên cạnh: “Mê Cốc, sao ngươi nghịch ngợm thế, lại tùy tiện đá chậu hoa vào đầu người ta?”.

Sau bữa tiệc, tiểu quan theo hầu Đông Hoa mới cho chàng biết, thiếu nữ áo trắng, đầu cài hoa trắng tên là Phượng Cửu, là vị đế cơ nhỏ tuổi của Thanh Khâu.

Đại hôn lễ của thái tử Dạ Hoa tưng bừng náo nhiệt suốt bảy ngày.

Sau bảy ngày lại là lễ hội ngàn hoa mỗi giáp (sáu mươi năm) tổ chức một lần, do Liên Tống Quân đích thân chủ trì, vì vậy, rất nhiều vị thần tiên được mời dự tiệc cưới còn nán lại xem hội hoa, chưa vội ra về.

Cửu Trùng Thiên nổi tiếng thiêng liêng thanh khiết bây giờ chẳng còn lại mấy nơi yên tĩnh, chỉ có ao Phấn Đà Lợi[4] của Nhất Thập Tam Thiên được coi như là nơi duy nhất còn yên tĩnh. Chắc vì ao này chẳng có mấy vị thần tiên dám đến gần quấy rầy.

[4] Phấn Đà Lợi: Âm Hán-Việt là Phân Đà Lợi (hoa sen trắng) nhưng ban biên tập điều chỉnh thanh điệu cho phù hợp với mỹ cảm của người Việt Nam.

Trong cái gọi là “không có vị thần tiên nào” lại không bao gồm thượng thần Bạch Thiển mới về làm dâu Thiên Tộc.

Mười bảy tháng tư, tiết trời ấm áp, thượng thần Bạch Thiển giúp cháu gái Phượng Cửu mở hai bữa tiệc nhỏ để gặp gỡ các trang nam tử, tìm đấng phu quân tài giỏi, bàn tiệc đường hoàng bày biện bên ao Phấn Đà Lợi.

Thượng thần Bạch Thiển mười bốn vạn tuổi được gả cho thái tử Dạ Hoa, luôn cảm thấy mình xuất giá vào tuổi ấy là thích hợp nhất, nên không khỏi lấy mình làm chuẩn để đánh giá người khác, suy đi tính lại vẫn cảm thấy Phượng Cửu mới hơn ba vạn tuổi quả thực vẫn còn nhỏ, chưa thích hợp để tính chuyện hôn nhân, nhưng nàng đã được nhị ca Bạch Dịch, phụ thân của Phượng Cửu nhờ vả, nên không tiện từ chối, chỉ có thể hết lòng giúp cô cháu mở bữa tiệc gặp mặt xem có nam tử nào lọt vào mắt xanh hay không.

Nhưng dạo này Cửu Trùng Thiên rất náo nhiệt, chẳng có chỗ nào thích hợp để mở một bàn tiệc nhỏ lịch sự, trang nhã. Nghe nói Đông Hoa Đế Quân thường ngày luôn ẩn mình trong cung Thái Thần, rất ít khi ra ngoài, cho dù giết người phóng hỏa trước cung Thái Thần cũng chẳng ai bận tâm, Bạch Thiển suy nghĩ hồi lâu, quyết định bày tiệc bên bờ ao Phấn Đà Lợi cạnh cung Thái Thần.

Hôm đó lại có đến hai trang nam tử lần lượt đến xem mặt.

Tuy nhiên, hôm đó mọi người đều tính nhầm. Đông Hoa không chỉ ra khỏi cung, mà còn ở ngay bên ngoài cung. Chỉ cách chỗ bày tiệc chừng năm mươi bước, bị cây liễu sum suê bên bờ ao che khuất, thư thái nằm trên ghế trúc, dưới chân là chiếc cần câu bằng trúc tím, che mặt bằng cuốn kinh thư, vừa nhắm mắt dưỡng thần vừa ung dung chờ cá cắn câu.

Phượng Cửu thưởng thức xong bữa sáng, uống một tách trà, lề mà lề mề rõ lâu mới đến Nhất Thập Tam Thiên.

Giữa làn nước xanh biếc nổi lên vô vàn đóa sen, đóa hoa nối nhau trải dài vô tận, như đám mây trắng muốt thêu chìm vân sen.

Bên cạnh bàn tiệc đã có một vị thần áo xanh nho nhã, thư thả phe phẩy chiếc quạt trong tay, thấy nàng chầm chậm đi đến, gập chiếc quạt đánh phạch một tiếng, nheo mắt cười.

Thực ra Phượng Cửu cũng không quen vị thần quân này, chỉ biết là thiếu chủ của một chi nào đó trong Thiên tộc, tĩnh tu ở tiên sơn nào đó nơi Phàm thế, tính tình cởi mở hòa nhã. Nếu nói đến nhược điểm, chàng chỉ có một nhược điểm là quá ưa sạch sẽ, không chịu nổi mấy người không tuân thủ lễ nghĩa, giờ giấc. Vì thế, nàng cố tình đến trễ nửa canh giờ.

Bữa tiệc này cũng chỉ là tiểu yến, không quá khách sáo lễ nghi, hai người hàn huyên một hồi rồi ngồi xuống.

Đông Hoa nằm khuất sau sau cây liễu gần đó, bị quấy rầy bởi những lời to nhỏ kia, giơ tay nhấc cuốn kinh thư trên mặt, nhìn ra, thấy cách một gốc dương liễu chừng hơn năm mươi bước, Phượng Cửu hơi nghiêng đầu, cau mày nhìn khay gỗ hình rẻ quạt trước mặt.

Khay được bày kín, có một bầu rượu bằng ngọc Đông Lăng cùng vài món ăn màu sắc sặc sỡ.

Tiểu yến trên Thiên giới đã có lệ, mỗi khách một khay, thức ăn như nhau, nhưng rượu được phân theo phẩm vị của từng người.

Vị thần áo xanh gập chiếc quạt, gợi chuyện: “Khéo thật, gia tộc của tiểu tiên từ thượng cổ chuyên quản lễ nghi của Thần tộc, trước đây có nghe thượng thần Bạch Thiển nói, trong việc lễ giáo Phượng Cửu điện hạ cũng đạt đến cảnh giới…”.

Bốn chữ “vô cùng tinh thông” còn chưa kịp thốt ra, Phượng Cửu ngồi đối diện đã nhanh như gió giải quyết xong một đĩa chân giò, vừa dùng đũa gạt nốt chỗ nước tương cuối cùng trong đĩa, vừa nấc vừa hỏi: “Cũng gì cơ?”.

Trên khóe miệng còn dính chút nước tương.

Vị thần áo xanh thông thạo lễ giáo kia sửng sốt nhìn nàng.

Phượng Cửu lấy trong tay áo ra chiếc gương nhỏ, vừa mở gương vừa lẩm bẩm nói: “Trên mặt ta có gì ư?”.

Nàng ngừng lại một chút: “A, đúng là có thật”.

Vậy là giơ ngay tay áo đưa lên chùi miệng. Ống tay áo trắng muốt lập tức bị dính vệt mỡ rõ mồn một.

Gương mặt vị thần áo xanh ưa sạch sẽ bỗng tái xanh.

Phượng Cửu đưa gương lên soi kỹ lần nữa, soi xong coi như không có chuyện gì xảy ra, thản nhiên nhét vào trong tay áo, có lẽ trên tay còn dính ít dầu mỡ nên khung gương bằng gỗ tử đàn còn lem nhem mấy dấu tay mỡ màng.

Mặt vị thần áo xanh tím ngắt.

Đúng lúc hai giọt nước tương từ đầu đũa nhỏ xuống bàn đá.

Phượng Cửu cắn đũa, dùng ngón tay cạo, cạo không sạch, dứt khoát lấy ngay ống tay áo lau, lần này sạch ngay.

Bàn tay cầm khăn lụa chìa ra cho nàng khựng lại giữa không trung.

Hai người nhìn nhau một hồi, vị thần áo xanh mặt đã chuyển sang màu đen, khàn giọng nói: “Điện hạ cứ từ từ dùng, tiểu tiên còn có chút việc, xin phép đi trước, hôm khác lại hầu chuyện điện hạ”. Vừa dứt lời đã sải bước thật nhanh gần như chạy mất.

Đông Hoa bỏ quyển kinh thư trên mặt xuống, thấy Phượng Cửu tay cầm đũa vẫy quyến luyến cáo biệt, trong đôi mắt sáng ngời chẳng có gì lưu luyến, lại còn long lanh như cười, giọng nói “eo éo” như bị bóp cổ: “Vậy hôm khác tái ngộ, nhưng đừng để người ta chờ lâu quá…”. Đến khi vị thần áo xanh kia biến mất, Phượng Cửu mới cười khúc khích, thong thả rút chiếc khăn mùi tay trắng thêu hoa vũ thời trong tay áo ra ung dung chùi tay, thuận tay vuốt lại những nếp gấp trên ống tay áo vừa bị đè lên bàn đá.

Suốt hai trăm năm qua chuyện thế này đã gặp rất nhiều, tài xua đuổi thần tiên muốn kết thân với Thanh Khâu của Phượng Cửu điện hạ có thể nói là đã đạt đến độ thần thông. Vị thần quân thứ hai lúc đến cũng tràn đầy trề hứng khởi, lúc đi cũng chuồn thật nhanh như bị ma đuổi, chỉ để lại chén, bát ngổn ngang trên bàn, trong ánh còn loang loáng màu mỡ.

Chưa đến một canh giờ ăn hết hai đĩa chân giò lớn, thấy bụng đầy anh ách, Phượng Cửu cầm ly trà quay lưng về phía ao Phấn Đà Lợi, vừa chiêm ngưỡng vẻ uy nghiêm tráng lệ của cung Thái Thần, vừa tiêu hóa thức ăn. Đông Hoa Đế Quân phía kia hình như có hai con cá nhỏ cắn câu, cuốn kinh thư trên tay cũng đã được giở đến trang cuối cùng, ngước mắt nhìn trời thấy nắng mỗi lúc càng gay gắt, liền dọn đồ hồi cung, thản nhiên đi qua tiểu yến bên bờ ao.

Phượng Cửu trầm ngâm cầm ly trà, bộ dạng như một bà lão, nghe thấy bước chân thong thả sau lưng, tưởng là Mê Cốc dạo gần đây ngày càng lắm lời, sực tỉnh nói: “Sao đến sớm thế, sợ ta đánh nhau với bọn họ à?”. Nói đoạn ngồi dịch sang ghế bên, lẩm bẩm: “Khẩu vị của cô cô gần đây đến là kỳ quái, chọn được hai đám giống như mèo hen, ta cũng chẳng nhẫn tâm đấm cho họ vài quả, đã lừa hai vị đại thần yếu ớt chạy mất rồi, có điều ta đang mệt muốn chết đây”. Nàng bưng ly trà im lặng một lát, “Ngươi ngồi đây với ta một lúc, lâu lắm rồi không được thấy mặt trời mọc, lặn ở đây, lại thấy nhớ nhớ”.

Đông Hoa dừng bước, thấy Phượng Cửu vừa dứt lời liền ngồi xuống ngay sau nàng, chọn một trong hai ấm trà đặt trên bàn rồi tiện tay rót một ly trà lạnh nhuận giọng.

Phượng Cửu yên lặng một lúc, tâm trí nhất thời bị cuốn hút bởi ao sen trắng, lòng xao xuyến, xoay chiếc chén trong tay, giọng mơ màng: “Người ta bảo, mỗi bông sen trắng ở ao Phấn Đà Lợi này đều là do lòng người biến thành, những người chúng ta quen mặc dù không có ai là người phàm, nhưng Mê Cốc, ngươi nói xem, có phải Thanh Đề cũng có một bông sen trắng ở đây?”. Dường như nghĩ một lúc, hỏi tiếp, “Nếu đúng, ngươi nói xem là bông nào?”. Rồi lại thở dài thườn thượt như bà lão, “Người như chàng …”. Cùng với tiếng thở dài, lại nhấp một ngụm trà.

Đông Hoa cũng cúi đầu nhấp thêm ngụm trà, chàng láng máng nhớ ra Mê Cốc hình như là vị địa tiên thường đi cùng Phượng Cửu, xem ra nàng đã nhận nhầm người, Thanh Đề là ai, chàng chưa từng nghe nói.

Bóng cây đổ xuống, hai chân Phượng Cửu gác lên bờ ao, úp mở nói: “Nửa tháng trước, Tô Mạch Diệp ở Tây Hải mời tiểu thúc ta đến uống rượu, ta cũng đòi đi theo, lúc cưỡi mây qua Phàm thế đó…”. Dừng một lát, lại tiếp: “Thì ra triều Tấn đã diệt vong, chính vào năm thứ bảy sau khi Thanh Đề qua đời”. Ngập ngừng rồi lại tiếp, “Ta đã sớm nhận ra triều đại đó không thể tồn tại lâu”. Lại thở dài, quay đầu, rót thêm trà, miệng còn lầm bầm, “Nghe nói loại trà Tô Mạch Diệp mới chế, tên là gì nhỉ, à, Bích Phù Xuân, cũng khá, sau này ngươi đan giúp ta một cái sọt tre, lần sau đi Tây Hải, ta…”, vừa ngẩng đầu, câu nói mắc trong họng, nghẹn cứng, rồi kéo theo một cơn ho sặc sụa, ho xong vẫn giữ tư thế định rót trà, im bặt mãi không nói gì nữa.

Ngón tay thon dài của Đông Hoa đặt trên nắp ly trà men sứ màu xanh nhạt, dưới ánh mặt trời lấp lánh, đến đầu ngón tay cũng lóng lánh phát sáng. Ánh mắt tĩnh lặng như vô tình dừng trên cái tay áo dính đầy nước tương của Phượng Cửu rồi lại chậm rãi hướng lên trên, nhìn gương mặt ửng hồng của nàng đã đỏ mọng vì ho, giống sắc lá đỏ ở Hỷ Thiện Thiên.

Dường như đã lấy lại tinh thần, khuôn mặt Phượng Cửu từ từ nở một nụ cười, mặc dù hơi thiếu tự nhiên, nhưng là một nụ cười thật sự, khách khí mở lời trước, khách khí thỉnh an: “Không biết Đế Quân ở đây, tiếp đón không được chu đáo, Thanh Khâu Phượng Cửu bái kiến Đế Quân”.

Đông Hoa nghe xong lời thỉnh an, ngước mắt nhìn nàng, bảo nàng ngồi, chờ nàng cúi đầu bước đến ngồi xuống ghế, chàng mới mở nắp ly trà gạt lá trà vừa chậm rãi nói: “Nhìn thấy ta, ngươi ngạc nhiên lắm sao?”.

Phượng Cửu vừa rồi y lời bước đến coi như biết cư xử chừng mực, lúc này lại như ngạc nhiên thật sự, ngẩng đầu, môi mấp máy, nhưng vẫn nở một nụ cười khách khí xa cách: “Lại được gặp Đế Quân, lòng mừng khôn xiết, không ngờ lại khiến Đế Quân chê cười”.

Đông Hoa gật đầu, coi như chấp nhận lời nàng nói, mặc dù người nào sáng mắt đều có thể nhận ra trong nụ cười cứng đơ đó khó tìm thấy cái gọi là “vui mừng khôn xiết”, chàng giơ tay rót thêm một chén nước lạnh cho nàng.

Hai người cứ ngồi như vậy, nhìn nhau không nói, quả thật hơi có chút ngượng ngập. Chớp mắt Phượng Cửu đã uống hết chén nước, đưa tay cầm quai ấm trà làm như chuẩn bị rót thêm trà cho mình. Đông Hoa ngước mắt nhìn, đúng lúc thấy ly trà không hiểu sao hơi nghiêng, ly trà nóng vừa rót đầy đổ thẳng vào vạt áo trắng muốt của nàng, để lại một vết ố lớn.

Đông Hoa đặt tay trên bàn đá, mắt nhìn nàng không chớp.

Chàng chẳng qua nhất thời nổi hứng, nhìn nàng thư thái ngắm mặt trời mọc của Thập Tam Thiên có vẻ rất say sưa, chàng đã tưởng từ vị trí đó nhìn ra được phong cảnh đặc sắc nào, lại thấy nàng mời ngồi, liền tiện thể ghé lại. Lúc này bỗng thấy hứng thú thật sự, nhớ là nàng rất giỏi đóng kịch, có lẽ tưởng chàng cũng đến xem mặt nhưng ngại thân phận của chàng, không thể tùy ý đuổi khéo như hai vị kia, cho nên mới “thông minh” dùng khổ nhục kế, tự làm ướt áo mình để kiếm cớ bỏ đi. Chỗ trà đổ lên vạt áo vẫn còn bốc khói, chứng tỏ nó rất nóng, quả là nàng rất bạo gan.

Đông Hoa chống cằm, thầm nghĩ, bước tiếp theo có phải nàng định rút lui, quả nhiên thấy Phượng Cửu hai, ba lần phủi vết trà trên áo, đương nhiên không phủi được, vậy là ngần ngại, cung kính, khách khí, xa cách lại không giấu được sự vui mừng, đứng lên cáo biệt: “Ôi, nhất thời sơ ý, làm chuyện thất lễ, Phượng Cửu xin phép được cáo lui, hôm khác sẽ thỉnh giáo Đế Quân về Phật lý, đạo pháp”.

Hương sen thanh khiết theo gió thoảng qua, Đông Hoa ngước mắt, đưa ấm trà cho nàng, thong thả nói: “Chỉ một ly trà có là gì, dùng luôn cả ấm này đi, vừa rồi ta cầm, đã làm nguội lạnh rồi, đổ hết lên xiêm áo của ngươi lần nữa, như thế mới thật là thất lễ”.

“…”.

Đông Hoa Đế Quân ở ẩn trong cung Thái Thần, xa lánh thế sự quá lâu, các vị thần tiên trẻ tuổi không có cơ duyên “thưởng thức” tài châm biếm sâu cay của chàng nhưng các vị thần tiên trưởng bối thì chẳng ai dám quên. Đông Hoa mặc dù luôn ít nói, nhưng lời nào nói ra cũng sắc bén như thanh kiếm trong tay chàng.

Tương truyện một vị thiếu chủ khá hung hăng của Ma tộc nghe nói về chiến tích của Đông Hoa ghi trong kinh sử viễn cổ, năm đó hùng dũng xông vào Cửu Trùng Thiên tìm Đông Hoa định thách đấu một phen. Kết quả vừa lẻn vào cung Thái Thần đã bị thị vệ phục tứ phía tóm ngay.

Lúc đó Đông Hoa đang ngồi bên ao sen cách đó không xa, chơi cờ một mình.

Thiếu chủ tuổi trẻ hăng máu, dù bị bắt vẫn lớn tiếng chửi bới hòng khiêu khích.

Đông Hoa cầm hộp cờ đi ngang qua, thiếu chủ càng ngang ngược, gào to, rằng nghe đồn Thiên tộc xưa nay nổi tiếng trọng đạo đức, không ngờ hôm nay vừa gặp lại bị đối xử thế này, Đông Hoa nếu còn chút đạo đức lương tri thì hãy ra đây giao đấu tay đôi với hắn, chớ nên phái thuộc hạ cậy đông ức hiếp một người …

Đông Hoa cầm hộp cờ, đi qua rồi lại lùi lại hai bước, hỏi thiếu chủ đang phục trên đất: “Ngươi nói, đạo… gì?”.

Thiếu chủ nghiến răng: “Đạo đức!”. Lại hét to nhắc lại: “Ta nói là đạo đức!”.

Đông Hoa nhấc chân đi về phía trước: “Đó là cái gì? Chưa từng nghe nói”. Thiếu chủ uất quá ngất tại trận.

Ba ngày sau Phượng Cửu mới nhớ ra điển cố này, lúc ấy nàng đang ở điện Khánh Vân, xem cô cô của nàng giáo dưỡng nhi tử.

Điện Khánh Vân là nơi ở của tiểu thiên tôn A Ly, cục cưng của thượng thần Bạch Thiển và thái tử Dạ Hoa, mọi người thường gọi là Cục bột nhỏ.

Tiểu thiên tôn thân vận áo vàng ngồi đối diện mẫu thân, thấy người lớn ngồi trên ghế hai chân chạm đất, chân mình lại chỉ có thể lơ lửng đung đưa, nên cố gắng thử chạm tới đất, nhưng chân thì ngắn, ghế lại cao, cố một hồi mũi chân cũng không chạm tới đành giận dỗi bỏ cuộc, mặt ỉu xìu cúi cái đầu nhỏ bé, nghe mẫu thân giáo huấn.

Bạch Thiển nghiêm nghị, lời lẽ thống thiết: “Mẫu thân nghe nói phụ thân con mười mấy tuổi đã đọc thuộc ‘Đại Tát Ca Ni Kiền Tử Sở Thuyết Kinh’, ‘Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn Kinh’, ‘Để Lý Tam Muội Da Bất Động Tôn Uy Nộ Vương Sử Giả Niệm Tụng Pháp’, tại sao lại chiều con như vậy, đã hơn năm trăm năm tuổi rồi, ngay cả ‘Huệ Lâm Âm Nghĩa’ cũng học không xong, dĩ nhiên… học không xong cũng không phải là chuyện lớn, nhưng con cũng không thể làm xấu mặt ta và phụ thân con”.

Cục bột nhỏ phụng phịu phản bác rất có lý: “A Ly cũng không muốn như vậy, nhưng đầu óc A Ly là di truyền từ mẫu thân chứ không phải từ phụ quân!”.

Phượng Cửu bật cười, phun cả ngụm trà trong miệng ra, Bạch Thiển nheo mắt, ý tứ nhìn nàng, Phượng Cửu khổ sở nén cười, vội vàng xua tay giải thích: “Không có ý gì, chỉ là dạo này tiêu hóa kém, hai người cứ tiếp tục, cứ tiếp tục”.

Khi Bạch Thiển quay sang tính sổ với Cục bột nhỏ, không hiểu sao, Phượng Cửu đột nhiên nhớ đến tin đồn Đông Hoa khiến vị thiếu chủ của Ma tộc kia uất ức ngất xỉu. Nàng cầm ly trà lên lại uống một ngụm, ánh mắt như cười, cúi đầu nhìn xiêm áo trắng muốt trên người, nụ cười tan biến, nàng giơ tay phủi sợi tóc vương trên tay áo.

Nỗi phiền muộn ở đời cũng nhiều như tóc trên đầu, không sao đếm xuể, chuyện gì cũng để bụng không phải là cách hành xử của nàng. Phượng Cửu miên man hồi tưởng, thời gian như nước chảy, tính ra cũng đã hai nghìn bảy trăm năm trôi qua, có quá nhiều chuyện xảy ra trong quãng thời gian dài đặc đó, rất nhiều chuyện còn nhớ được, rất nhiều chuyện trước đây vẫn nhớ, nhưng giờ lại không muốn nhớ, nhớ nhớ quên quên, những gì nhớ được cũng trở thành quên lãng.

Ẩn dật ở Thanh Khâu hơn hai trăm năm không hẳn được coi là yên tĩnh, nhưng trong hai trăm năm này cũng rất khó để nàng nhớ đến Đông Hoa, khi đến Cửu Trùng Thiên thì không muốn gặp chàng cũng khó. Thấy Đông Hoa không hề nhận ra mình, nàng âm thầm nghĩ, như vậy cũng tốt.

Nàng với Đông Hoa ứng với câu Phật ngữ kia, nói không được, nói không được, nói nhiều là sai, nói nhiều là họa.

Đã sửa bởi Tử Thiên Băng lúc 20.04.2014, 01:05.

2.

Hôm nay là ngày cuối cùng của lễ hội ngàn hoa do tam điện hạ Liên Tống chủ trì, theo thông lệ, cũng chính là ngày ngàn hoa đua sắc rực rỡ nhất. Nghe nói mấy vị cổ Phật ở Tây Phương Phạn Cảnh cũng vượt ngàn dặm xa xôi đến tham dự, mang theo một vài loài hoa hiếm của chốn Linh Sơn mà ngày thường không thể nhìn thấy, Cửu Trùng Thiên bỗng chốc trở nên đông vui náo nhiệt, ngay các thần tiên có phẩm vị cao đều đến góp vui.

Phượng Cửu xưa nay không mấy hứng thú với các loài hoa cỏ, tình cờ là để chúc mừng hôn lễ của thái tử Thiên tộc, chủ nhân ngọn tiên sơn nào đó dưới Hạ giới đã dâng lên mấy ca nữ biết hát kịch, lúc này đang do Mê Cốc phụ trách, sẽ diễn ra một đoạn trong vở “Giai nhân tướng quân” ở Thừa Thiên Đài của Thất Trùng Thiên.

Phượng Cửu cầm túi hạt dưa, dắt theo “cái đuôi” đi qua thiên môn Thất Trùng Thiên vào xem kịch.

“Cái đuôi” trắng trắng tròn tròn đo chính là biểu đệ duy nhất của nàng, Cục bột nhỏ A Ly.

Thiên môn Thất Trùng Thiên cao vòi vọi, sum suê cây lá, Đông Hoa Đế Quân chỉ thoáng xuất hiện trong lễ hội ngàn hoa rồi lặng lẽ rút lui đang ngồi trước Diệu Hoa Kính pha trà, đọc sách.

Diệu Hoa Kính là một trong những thánh đại của Thất Trùng Thiên, tuy nói là kính, thực ra là một thác nước, trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới[5] có vô vàn Phàm thế, nếu đủ pháp lực, có thể nhìn vào kính mà quan sát sự đổi thay hưng suy của bất kỳ Phàm thế nào trong số đó.

[5] Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới là quan niệm về vũ trụ của Phật giáo. Trong đó có vô vàn “tiểu thế giới”. Một nghìn “tiểu thế giới” gọi là “tiểu thiên thế giới”, một nghìn “tiểu thiên thế giới” là một “trung thiên thế giới”, một nghìn “trung thiên thế giới” là một “đại thiên thế giới”. Một “đại thiên thế giới” có ba loại “thiên thế giới” là tiểu, trung, đại nên được gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.

Bởi thác nước này linh khí rất vượng, các thần tiên bình thường không chịu nổi, ngay cả mấy vị chân hoàng ở đây lâu cũng choáng váng đầu óc, vì vậy nhiều năm qua chỉ có mình Đông Hoa lấy nơi này làm chỗ nghỉ ngơi, đọc sách, câu cá.

Phượng Cửu dẫn Cục bột nhỏ đi qua Thất Thiên Môn, dặn nó: “Đi sát vào tỷ, đừng đến gần Diệu Hoa Kính bên kia, coi chừng bị linh khí làm bỏng”.

Cục bột nhỏ vừa vâng lời đi sát vào một chút, vừa giận dỗi đá những viên sỏi trên đường, phụng phịu: “Phụ quân xấu ơi là xấu, đệ nhớ rõ ràng tối qua đệ ngủ cùng mẫu thân ở điện Trường Thăng, sáng nay tỉnh giấc lại thấy đệ ở điện Khánh Vân của đệ, phụ thân lừa đệ, nói là đệ mộng du tự đi về”. Nói đoạn xòe hai tay tỏ vẻ bất lực: “Rõ ràng là phụ thân muốn độc chiếm mẫu thân nên thừa dịp đệ ngủ, bế đệ về điện Khánh Vân, lừa cả con ruột, phụ quân đúng là không từ thủ đoạn”.

Phượng Cửu tung hứng túi hạt dưa trong tay hỏi: “Vậy sao lúc tỉnh dậy đệ không chạy ngay đến điện Trường Thăng gào khóc ầm ĩ cho họ biết? Đệ quá sơ suất rồi”.

Cục bột nhỏ tỏ vẻ kinh ngạc: “Đệ nghe nói chỉ nữ nhi mới có thể một là khóc, hai là làm ầm ĩ, ba là treo cổ”. Rồi lắp bắp: “Thì… thì ra nam nhi cũng có thể ư?”.

Phượng Cửu bắt túi hạt dưa rơi xuống, liếc nhìn Cục bột nhỏ, trịnh trọng trả lời: “Có thể chứ, tiểu nam nhi, đó là pháp bảo mà tất cả tiên giới đều chung hưởng”.

Đông Hoa chống cằm nhìn bóng hai người mỗi lúc một xa, một cuốn sách giải trí đặt bên cạnh, trong Diệu Hoa Kinh phong vân biến đổi, binh mã đao kiếm ầm ầm một phen, vậy là ở trần thế nào đó thế sự hưng suy đã diễn xong, trên bàn đá nước pha trà cũng bắt đầu sôi.

Từ thiên môn của Thập Trùng Thiên đến Thừa Thiên Đài nơi diễn kịch vẫn còn một đoạn đường dài.

Đi đến hòn giả sơn, Cục bột nhỏ đòi nghỉ chân. Hai người vừa ngồi xuống, đã thấy trên không lóe lên một tia sáng bạc chói mắt, trong tia sáng đó thấp thoáng một cỗ xe ngựa phóng như bay, bánh xe lăn qua những đám mây vỡ vụn, bắn tung như những cánh hoa bông trắng xóa, gió mang đến hương thơm ngào ngạt của hoa núi.

Cỗ xe ngựa đó có lẽ là của một vị tôn thần ở tiên sơn nào đó dưới Hạ giới lên Thiên giới xem lễ hội ngàn hoa.

Cỗ xe ngựa chớp mắt đã biến mất, hình như đã vào Bát Trùng Thiên, phía sau hòn giả sơn bỗng có tiếng nói, có lẽ là hai thị nữ đang buôn chuyện.

Một người nói: “Người đánh cỗ xe vừa rồi chẳng phải là công chúa Tri Hạc, nghĩa muội của Đông Hoa Đế Quân sao?”.

Người kia thong thả đáp: “Kiểu phô trương như vậy cũng hơi giống, thời gian trôi qua nhanh quá, tính ra công chúa bị đày xuống Hạ giới đã ba trăm năm”.

Người thứ nhất lại hỏi: “Vậy cớ sao nàng bị Thiên Quân lưu đày? Năm đó tỷ hầu hạ ở Nhất Thập Tam Thiên, có biết nguồn cơn không?”.

Người kia sau một hồi trầm ngâm, hạ giọng nói nhỏ: “Cũng không rõ lắm. Nhưng, năm ấy có rất nhiều chuyện xảy ra. Nghe nói trưởng công chúa Ma tộc sắp được gả vào cung Thái Thần nhưng vì công chúa Tri Hạc đem lòng ái mộ Đông Hoa Đế Quân gây trở ngại, cuối cùng hỷ sự không thành. Thiên Quân biết chuyện nổi cơn thịnh nộ, liền hạ lệnh lưu đày công chúa Tri Hạc xuống Hạ giới”.

Người thứ nhất kinh ngạc: “Ý tỷ là, gả vào cung Thái Thần? Gả cho Đế Quân ư? Tại sao trên Thiên giới chưa từng nghe nói chuyện này? Chẳng phải Đế Quân xưa nay không dính chuyện hồng trần sao?”.

Người kia lại nhẹ nhàng giải thích: “Ma tộc muốn liên hôn với Thiên tộc, đã tìm hiểu khắp Thiên tộc, ngoài Liên Tống Quân chỉ có Đế Quân. Những việc triều đường đó không phải chuyện ta và muội có thể bàn tán, vả lại Đế Quân hầu như không bận tâm tới chuyện ngoài Thiên đạo, có lẽ cảm thấy cưới đế hậu cũng chẳng sao”.

Thị nữ kia xuýt xoa một hồi, vẫn chưa hết hứng thú, tiếp tục gợi chuyện khác: “À, muội nhớ hơn ba trăm năm trước có một lần may mắn được nhìn thấy Đế Quân, thấy bên cạnh ngài có một con hồ ly lông đỏ như lửa. Muội nghe mấy vị tiên bác ở cung Thái Thần nói, Đế Quân rất cưng chiều tiểu hồ ly đó, đi đâu cũng mang theo, nhưng mấy ngày trước, lúc muội hầu hạ ở yến tiệc đại hôn của thái tử điện hạ lại không thấy tiểu hồ ly kia đi cùng Đế Quân, không hiểu là vì sao?”.

Người kia dừng một lúc lâu rồi mới thở dài nói tiếp: “Đế Quân đúng là rất yêu quý con hồ ly đó, nhưng năm xưa, khi tin Đế Quân sắp cưới Đế Hậu lan khắp cung Thái Thần, tiểu hồ ly liền mất tích. Đế Quân từng cho người tìm khắp Tam Thập Lục Thiên giới cũng không thấy”.

Phượng Cửu dựa vào ngọn giả sơn, chơi trò tung hứng túi hạt dưa, cuối cùng tung hơi xa, túi hạt dưa rơi tõm xuống cái ao nhỏ bên cạnh hòn giả sơn. Hai thị nữ giật mình, tiếng chân bước gấp xa dần rồi biến mất, có lẽ đã chạy đi rất xa.

Cục bột nhỏ nhẫn nhịn hồi lâu, khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ ửng, nhìn mặt nước vẫn còn gợn sóng, phụng phịu: “Lát nữa xem kịch lấy gì ăn?”.

Phượng Cửu đứng dậy sửa sang xiêm áo định bước đi, Cục bột nhỏ cúi đầu nói dỗi: “Tại sao trên Thiên giới có tiểu hồ ly, đệ lại không biết”. Rồi băn khoăn lẩm bẩm một mình: “Con tiểu hồ ly ấy sau đó đi đâu nhỉ”.

Phượng Cửu dừng bước chờ Cục bột nhỏ.

Phía chân trời Thất Trùng Thiên lộ ra những tia nắng sớm, Thất Trùng Thiên giống như được viền vàng lóng lánh.

Phượng Cửu giơ tay ra che mắt, ngửa đầu nhìn ánh vàng sáng loá nói: “Có thể nó đã về nhà”. Rồi quay lại nhìn Cục bột nhỏ: “Tiểu đệ, cái chân ngắn ngủn của đệ có thể đi nhanh hơn được không?”.

Cục bột nhỏ lắc đầu nguầy nguậy: “Không thể!”.

Đến lúc ngước mắt đã nhìn thấy Thừa Thiên Đài, Phượng Cửu mới phát hiện ánh vàng phía chân trời lúc trước không phải là nắng ban mai do Mão Nhật Tinh Quân rắc xuống.

Cách Thừa Thiên Đài mười trượng, Phượng Cửu bỗng sững lại.

Ngay trước mặt, Thừa Thiên Đài cao trăm trượng được ghép bằng hàn ngọc nghìn năm không hiểu vì sao chìm trong biển lửa. Nếu Mê Cốc không nhanh tay tung kết giới trùm lên bảo vệ, thì ngọn lửa đã thiêu sống đám ca nữ đang khiếp sợ run rẩy. Cỗ xe ngựa ban nãy cũng dừng lại trước biển lửa, xung quanh có một kết giới vững chắc bảo vệ, người bên trong chính là Tri Hạc – vị công chúa ba trăm năm trước đã bị lưu đày xuống Hạ giới. Hình như Mê Cốc đang lớn tiếng nói gì với nàng ta, tay nàng ta nắm chặt càng xe, gương mặt bối rối.

Phía sau biển lửa đột nhiên vọng ra một tiếng gầm chói tai.

Phượng Cửu nheo mắt, cuối cùng cũng tìm ra căn nguyên trận hỏa hoạn: Một con hung thú Xích Diệm (lửa đỏ rực) đang đập cánh bay khỏi biển lửa, cái mồm rộng ngoác đỏ như chậu máu liên tục phun lửa, nó liệng một vòng, trợn đôi mắt như hai chiếc chuông đồng, rồi lao vào biển lửa lần nữa, va thẳng vào kết giới của Mê Cốc. Kết giới trong suốt đã xuất hiện vết nứt, phía sau biển lửa trùng trùng, đám ca nữ kinh hoàng run rẩy, chắc là la hét thảm thiết nhưng do tiên chướng trùm lên, nên không có âm thanh nào truyền ra. Tất cả như một bức tranh khiến người ta cảm thấy kỳ dị.

Tri Hạc lần này trở lại Thiên giới, động cơ khá rõ ràng, bề ngoài là lên dự lễ hội ngàn hoa của Liên Tống Quân, kỳ thực muốn lén gặp nghĩa huynh Đông Hoa Đế Quân. Cơ hội quay lại Cửu Trùng Thiên của nàng lần này hoàn toàn là do mấy ngày trước nàng lấy lòng thượng thần Bạch Thiển, biết thượng thần thích ca kịch, liền lựa chọn mấy ca nữ biết hát kịch ở tiên sơn của mình dâng lên. Vì vậy, cũng định nhân tiện lên xem các ca nữ có làm hài lòng thượng thần Bạch Thiển hay không.

Nhưng không hiểu cơn cớ gì lại xui xẻo như thế, chẳng biết ai đã động vào phong ấn giam cầm hung thú Xích Diệm bên dưới Thừa Thiên Đài khiến cỗ xe của Tri Hạc vừa đến đã thấy lửa cháy ngút trời.

Thực ra Tri Hạc thuộc thủy thần, ngày trước khi còn ở cung Thái Thần, thực sự có thể coi là thủ hạ của Tứ Hải Thủy Quân Liên Tống Thần Quân, trợ giúp hô gió gọi mưa ở Tây Hoang, là vị nữ thần hữu dụng hiếm hoi của Thiên giới, cho nên mặc dù bị đày xuống Hạ giới, nàng vẫn quản trách hô gió gọi mưa ở tiên sơn của mình.

Tri Hạc cũng biết, chút tài mọn của mình hoàn toàn không phải là đối thủ của con hung thú. Nàng định đi tìm người giúp, hình như vị thần tiên áo nâu trong kết giới đang hét gì với nàng, dường như ông ta có cách, nhưng ông ta nói gì, nàng hoàn toàn không nghe được.

Đang chần chừ, bỗng nhiên một thiếu nữ xiêm y trắng tinh bay đến trước mặt Tri Hạc, đôi hài thêu màu trắng như đạp gió lướt tới, gió nóng từ biển lửa thốc qua, ống tay áo bằng sa trắng của nàng phồng lên tựa như đóa sen trắng bừng nở.

Tri Hạc nhìn đôi hài thêu, ánh mắt men theo chiếc váy sa phấp phới di chuyển dần lên trên, bỗng kêu một tiếng kinh ngạc.

Trong ký ức của Tri Hạc cũng có gương mặt như thế, đôi môi mỏng lạnh lùng, sống mũi cao thẳng, đôi mắt hạnh đào, hàng chân mày thanh tú, chỉ là giữa trán không có đóa hoa phượng vũ băng lạnh diễm sắc như thế này.

Nhưng trong ký ức của nàng, nữ tử kia chẳng qua chỉ là một nô tỳ thấp hèn ở cung Thái Thần, khi ấy nàng chưa từng trải, cũng từng ghen tức bởi một nô tỳ dám có nhan sắc khuynh thành như thế, chỉ sợ Đông Hoa Đế Quân nhìn thấy sẽ bị mê hoặc, nên luôn tìm cách ngăn cản không cho nữ tỳ kia có cơ hội giáp mặt Đế Quân, còn nhiều lần hành hạ, thậm chí có vài lần khiến kẻ đó khốn khổ.

Tri Hạc kinh ngạc hồ nghi: “Ngươi là …”.

Người đó lại cất lời trước, giọng lạnh như băng: “Là thủy thần, gặp hỏa hoạn sao không hành phép gọi mưa? Thiên tộc phong ngươi làm thủy thần để làm gì?”.

Nói xong không đợi công chúa Tri Hạc phản bác, đã rút ra cây sáo dài ở thắt lưng, xoay người xông thẳng vào biển lửa.

Bao nhiêu năm qua, Phượng Cửu thạo nhất hai ngón, một là nấu ăn, hai là đánh nhau. Lánh xa sự đời hơn hai trăm năm ở Thanh Khâu chẳng có cơ hội đánh nhau, nàng cũng thấy hơi cô đơn. Bỗng dưng chứng kiến hung thú Xích Diệm gây họa ở đây, nếu bảo không ngứa ngáy chân tay muốn động thủ e là nói dối.

Trong biển lửa ngút trời, bóng áo trắng bay liệng như múa cùng tiếng sáo du dương. Kỳ thực đó chính là khúc cầu mưa.

Tiếng sáo đơn độc vấn vít trong biển lửa bay thẳng lên trời, đánh thức Thiên Hà, nước từ dòng Thiên Hà trên Tam Thập Lục Thiên cuồn cuộn đổ xuống, trong chớp mắt đã mưa như trút. Mưa tuy giảm được lửa, nhưng lại kích nộ hung thú, Xích Diễm thôi không tấn công kết giới của Mê Cốc nữa mà quay ra phun lửa vào Phượng Cửu.

Thật ra đây cũng là kế điệu hổ ly sơn của Phượng Cửu, nếu không vì phải tìm cách cứu Mê Cốc cùng đám ca nữ trên thiên đài thì với tính cách của mình Phượng Cửu đã rút luôn thanh kiếm Đào Chú chém chết hung thú. Tất nhiên, vì đối thủ là con dã thú Xích Diệm hung hãn, chém chết nó chắc cũng tốn không ít sức lực. Nhưng nếu làm thế Phượng Cửu cũng không đến nỗi rơi vào thế bị động như lúc này.

Phượng Cửu thất vọng nghĩ, nàng không thể phân thân, vừa thổi sáo cầu mưa vừa rút thần kiếm trảm yêu. Lại không trông cậy được gì ở công chúa Tri Hạc, chỉ có thể trông cậy vào Cục bột nhỏ chân ngắn chạy nhanh một chút gọi vị nào trong nhà đó đến cũng là cứu binh.

Nàng vừa nghĩ vừa nhanh nhẹn né mấy quả cầu lửa của hung thú, thổi sáo cầu mưa thì không thể dùng tiên khí hộ thân, Phượng Cửu toàn thân ướt sũng. Mưa tầm tã, biển lửa bao quanh Thừa Thiên Đài cuối cùng cũng bị dập tắt một góc, hung thú mải lo tấn công Phượng Cửu, không ngờ lãnh địa phía sau bị bỏ trống, tất cả những vật săn bị giữ trong đó lần lượt chạy mất.

Giằng co như vậy hết nửa ngày, Phượng Cửu cảm thấy thể lực đã có phần đuối, lâu rồi không đánh nhau vừa ra tay lại bị thua, điều này tuyệt đối không thể được, như vậy khi trở về Thanh Khâu biết ăn nói thế nào với các bậc hương thân phụ lão. Nàng cảm thấy đã đến lúc phải thu sáo về, rút kiếm Đào Chú ra, nhưng nếu tấn công trực diện, chắc chắn hung thú sẽ tránh được, nếu tấn công từ phía sau, vạn nhất nó tránh được, còn mình mất đà, không tránh được bị nó tấn công thì sao…

Khi nàng còn đang suy nghĩ những vấn đề này nhưng chưa tìm ra đối sách thì bỗng một đường kiếm từ phía sau xé gió chém tới.

Hung thú trước mặt lại tiếp tục phun một quả cầu lửa đỏ rực, nàng không kịp để ý tới đường kiếm kia, đang định tránh lửa, đã được bàn tay ai nhẹ nhàng đưa đi.

Sức gió từ đường kiếm hất tung tay áo Phượng Cửu, mạnh đến mức trở nên có hình dáng, như một bức tường kính đồ sộ chặn đứng lưỡi lửa khổng lồ đang liếm về phía nàng, sau tia sáng bạc lóe lên, lưỡi lửa rừng rực vừa rồi còn nhe răng múa vuốt lại bị đánh bật ngược lại tấn công hung thú.

Đang bàng hoàng, một chiếc áo choàng tím chụp xuống. Nàng vùng vẫy thò đầu ra khỏi chiếc áo khô, nhìn bóng người cầm kiếm, thân vận áo tím cao quý, mái tóc trắng như tuyết ở Thanh Khâu.

Những ngón tay dài thanh tú, trong cung Thái Thần cầm kinh Phật, ngoài cung Thái Thần cầm thần kiếm Thương Hà, bất luận cầm gì, cũng đều rất hợp.

Thừa Thiên Đài bỗng chốc có một trận gió tanh mưa máu, trong ánh sáng bạc không nhìn rõ động tác của Đông Hoa, tiếng rống thê thảm của hung thú vút tận chân trời, chỉ một, hai chiêu, con hung thú đã nặng nề rơi xuống từ trên không trung, làm rung chuyển Thừa Thiên Đài.

Đông Hoa tra kiếm vào vỏ, trên người không dính nửa giọt máu.

Công chúa Tri Hạc vẫn đứng dựa vào cỗ xe ngựa, sắc mặt trắng bệch, dường như định đến gần, nhưng lại không dám.

Đám ca nữ chưa từng nhìn thấy cảnh tượng như thế, trải qua một trận kinh hoàng, ai nấy hồn xiêu phách lạc, có người còn khóc thút thít.

Mê Cốc đỡ Phượng Cửu ngồi xuống ghế đá dưới Thừa Thiên Đài, còn không quên bổn phận của một người hầu trung thành, nhắc nhở nàng: “Điện hạ như thế này thật tùy tiện, hôm nay nếu không có Đế Quân kịp thời ra tay, không biết hậu quả thế nào, ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì, tiểu tiên chết cũng không hề gì, nhưng biết ăn nói sao với thượng thần Bạch Thiển”.

Phượng Cửu khẽ lầm bầm: “Chẳng phải vô sự rồi ư?”.

Thâm tâm mặc dù cũng rất cảm kích Đông Hoa, nhưng Phượng Cửu cho rằng hôm nay nếu Đông Hoa không đến, thì cô cô Bạch Thiển và cô phụ cũng đến, chẳng có việc gì lớn, cũng chẳng nguy hại gì đến tính mạng mình. Ngước mắt thấy Đông Hoa cầm kiếm đi tới, nghĩ chàng chắc là đến tìm Tri Hạc, vội đứng dậy chuyển sang bàn bên cạnh, thấy trên mình vẫn còn khoác áo của chàng, liền khẽ bảo Mê Cốc: “Ngươi cởi áo ngoài cho ta mượn một lát”.

Mê Cốc hắt hơi một cái, nhìn chiếc áo chòang tím trên người nàng: “Chẳng phải điện hạ đã có áo khô mặc rồi sao?”. Lại ngây người, nói: “Dù sao chuyện cũng qua, tiểu tiên thấy hai trăm năm nay điện hạ cũng không để tâm nữa, sao hôm nay lại câu nệ chuyện nhỏ này”. Nói rồi giữ chặt áo trên người, tỏ ý không muốn cho nàng mượn.

Phượng Cửu cởi chiếc áo chòang, cắm cúi gấp lại định trả cho chủ nhân của nó.

Vừa ngẩng đầu lên, đã hốt hoảng lùi sau.

Đông Hoa đã đến trước mặt nàng, tay cầm kiếm Thương Hà, ánh mắt lạnh lùng, đăm đăm nhìn nàng.

Toàn thân Phượng Cửu ướt sũng, nước từ vạt áo vẫn nhỏ ròng ròng, chỉ một lát đã đọng thành vũng dưới chân, trông cực kỳ thảm hại. Nàng vừa nhỏ nước, vừa lạnh lùng nhìn trả, về khí thế miễn cưỡng có thể coi là ngang cơ với chàng nhưng lòng nàng thì ngổn ngang cảm xúc. Nàng cảm thấy sau lần tình cờ gặp khiến nàng kinh sợ mấy hôm trước, bản thân nàng vẫn chưa thích ứng được, vẫn chưa tìm được đúng vị trí của mình, vẫn chưa biết nên đối xử với chàng thế nào, để tránh xảy ra sơ suất, nên tránh gặp thì hơn, nhưng không hiểu sao nàng rắp tâm né tránh lại liên tục giáp mặt.

Đông Hoa nhìn nàng từ trên xuống dưới, ánh mắt dừng trên chiếc áo choàng tím đã được gấp phẳng phiu, giọng khô khan: “Ngươi có ý kiến gì về áo choàng của ta?”.

Phượng Cửu cảm thấy hai người đứng quá gần, mùi hương bạch đàn phảng phất khiến đầu nàng choáng váng, liền lùi lại một bước để kéo dài khoảng cách, đắn đo gượng cười: “Tiểu bối đâu dám, chỉ là nếu mượn mang về thì phải giặt sạch đem trả Đế Quân … vậy là phải gặp lại, à, không, phải làm phiền Đế Quân lần nữa”. Nhìn sắc mặt chàng, thức thời bổ sung một câu: “Rất ngại quấy rấy sự thanh tịnh của Đế Quân”.

Kiếm Thương Hà đặt “cạch” một tiếng lên bàn đá.

Mê Cốc ho một tiếng, khép ống tay áo nói: “Xin Đế Quân chớ hiểu lầm, không phải điện hạ không muốn gặp Đế Quân, Đế Quân ngài tôn quý như vậy, điện hạ còn hận là không thể ngày ngày được gặp ngài…”. Đang nói thì bị Phượng Cửu giẫm cho một cái, lại còn thản nhiên gi gi, đau quá đành ngậm miệng.

Đông Hoa liếc Phượng Cửu, hiểu ý nói: “Đã vậy, tặng ngươi làm kỷ niệm, không cần phải trả lại”.

Nụ cười của Phượng Cửu vốn đã cứng đờ, càng như đóng băng trên mặt: “…Ý tiểu bối không phải vậy”.

Đông Hoa thư thả ngồi xuống: “Vậy thì giặt sạch, rồi trả lại cho ta”.

Phượng Cửu chỉ cảm thấy nụ cười trên mặt mình đã cứng như khay đá, nhưng khay đá này nàng cũng sắp không thể giữ được nữa, khóe miệng nàng giật giật: “Hôm nay trời ấm, tiểu nữ cũng không thấy quá lạnh”. Nàng vốn định nói thẳng là “Không muốn mượn áo này có được không?”. Nhưng lại nghĩ, nói thế e là quá cứng ngắc, ngập ngừng một lát, bèn đổi lại cho uyển chuyển hơn: “Không mượn áo này, có được không?”. Vừa dứt lời, một trận gió lạnh thốc tới, nàng rùng mình một cái.

Đông Hoa đón ly trà không biết Mê Cốc kiếm đâu ra, thong thả nhấp một ngụm, đáp: “Không được”.

Nụ cười cứng như khay đá khổ sở lắm mới giữ được cuối cùng cũng rơi khỏi mặt Phượng Cửu, nàng nhất thời không biết nên tỏ thái độ thế nào, ngây ra hỏi: “Tại sao?”.

Đông Hoa đặt ly trà xuống, hơi ngước mắt: “Ta cứu ngươi, lẽ ra ngươi phải đem thân báo đáp, giặt một bộ y phục thì đã sao?”.

Phượng Cửu cảm thấy tính chàng trước đây đâu có vô lại như thế, nhưng nghĩ lại, có thể cũng có lúc chàng như vậy, chỉ có điều không để nàng nhìn thấy, khi định thần trở lại đã nghe thấy mình cười nhạt, nói: “Đế Quân hà tất phải làm khó người khác?”.

Đông Hoa vuốt ly trà, chậm rãi trả lời: “Trừ cái đó, ta chẳng có sở thích nào khác”.

Lúc này Phượng Cửu cười gượng hay cười nhạt đều không thể, nhăn nhó, dở khóc dở cười nói: “Đế Quân thật là …”.

Đông Hoa đặt ly trà xuống, một tay chống má, thong dong nhìn nàng: “Ta làm sao?”, nói đoạn, nhìn Phượng Cửu bị hỏi dồn lung túng không biết nói sao, đôi mắt vốn không chút cảm xúc lộ ánh cười hiếm hoi, lại thong thả hỏi nàng: “Nói đi, tại sao phải cứu bọn họ?”.

Thật ra, vừa rồi không phải nàng bị hỏi dồn không nói ra lời, chỉ là biểu hiện trên mặt Đông Hoa trong khoảnh khắc quá đỗi quen thuộc, là hình ảnh đã in sâu trong tâm trí nàng, khiến nàng sững sờ, đến khi sực tỉnh, chàng đã hỏi sang chuyện khác. Nàng nghe rõ câu hỏi vừa rồi, tại sao phải cứu bọn họ, trước kia chính nàng cũng không rõ, hoặc không quan tâm đến mạng người, nhưng có một người đã dạy nàng vài điều. Rất lâu sau, nàng khẽ trả lời: “Phu quân của Phượng Cửu lúc còn tại thế có dạy Phượng Cửu kẻ mạnh sinh ra là để bảo vệ kẻ yếu. Nếu lần này không cứu bọn họ, Phượng Cửu sẽ trở thành kẻ yếu, như vậy có tư cách gì bảo vệ thần dân của mình?”.

Rất nhiều năm sau, Đông Hoa vẫn không thể quên những lời này của Phượng Cửu, thật ra chính chàng cũng không rõ mình nhớ những lời ấy thì có ý nghĩa gì. Chỉ là thiếu nữ này luôn khiến chàng thấy có chút gần gũi, nhưng trước đó chàng không hề quen nàng. Trong ký ức, lần đầu tiên gặp nàng là ở bên bờ biển Vãng Sinh của Thanh Khâu, mái tóc đen của nàng ướt sũng như hải tảo, chân đạp sóng mà tới, chàng cũng không nhớ rõ hình dáng nàng khi ấy, giống như không nhớ rõ hoa hướng dương bên bờ biển Vãng Sinh.

Chuyện xảy ra hôm nay nhanh chóng lan truyền khắp Cửu Trùng Thiên, đồng thời có rất nhiều dị bản, kéo Đông Hoa từ Tam Thanh Ảo Cảnh xuống mười trượng hồng trần.

Có người nói, hung thú Xích Diệm gây hỏa hoạn ở Thừa Thiên Đài, Đông Hoa đang ở cung Thái Thần, Nhất Thập Tam Thiên phê chú kinh Phật, nghe nói nghĩa muội của mình là công chúa Tri Hạc gặp nạn vội vàng đến cứu, cuối cùng hàng phục được hung thú, có thể thấy tình cảm của Đế Quân đối với nghĩa muội quả thật không bình thường. Người khác lại nói Thừa Thiên Đài bốc cháy, đúng lúc Đông Hoa đi ngang qua, thấy một vị nữ tiên dung mạo cực kỳ xinh đẹp giao đấu với hung thú nhưng đang ở thế hạ phong, chàng không đành lòng, liền rút kiếm cứu giúp, Thiên Quân xưa nay luôn đánh giá Đế Quân là vị tiên vô dục vô cầu, thì ra Thiên Quân cũng có lúc nhìn nhầm. Vân vân.

Liên Tống nghe được chuyện này, tay cầm quạt ung dung đến cung Thái Thần tìm Đông Hoa đánh cờ uống rượu, nhân tiện muốn làm rõ thực hư: “Chuyện ở Thừa Thiên Đài, nghe nói hiền huynh thấy mỹ nhân giao đấu với con súc sinh đó, nhất thời không thể kìm lòng mà ra tay cứu giúp, đệ không tin”. Đặt một quân trắng xuống, nói tiếp: “Nhưng, nếu có ngày hiền huynh nghĩ thông, muốn cưới đế hậu song tu, Tri Hạc cũng không tồi, hay là hôm nào nói với phụ quân đệ một tiếng, triệu công chúa Tri Hạc về Thiên giới”.

Đông Hoa xoay ly rượu nhìn bàn cờ nghĩ ngợi, nghe vậy không đáp mà hỏi: “Mỹ nhân ư? Bọn họ cảm thấy nàng rất đẹp?”.

Liên Tống hỏi lại: “Sao?”.

Đông Hoa thong dong đặt một quân đen xuống, chặn quân trắng: “Nhãn quang của họ cũng khá”.

Liên Tống ngẩn ra, lát sau gập chiếc quạt đánh phạch một tiếng, vô cùng ngạc nhiên: “Hiền huynh thật sự đã gặp một mỹ nhân ở Thừa Thiên Đài sao?”.

Đông Hoa nhìn bàn cờ: “Có thật đệ đến chơi cờ với ta?”.

Liên Tống cười ha hả.

Bởi vậy có thể thấy, trong hai tin đồn về chuyện xảy ra ở Thừa Thiên Đài, tin đồn sau, ngay bằng hữu thân thiết của Đông Hoa Đế Quân là Liên Tống còn không tin, nói chi những thần tiên khác ở Cửu Trùng Thiên. Tất nhiên đều coi đó là chuyện bàn tán cho vui, nhưng lại có những suy đoán sáng sủa đối với tiền đồ của công chúa Tri Hạc, cho rằng chuỗi ngày cực khổ của công chúa cũng sắp qua, không lâu nữa có thể trở về Cửu Trùng Thiên, chưa biết chừng còn có thể kết lương duyên cùng Đông Hoa Đế Quân.

Cửu Trùng Thiên có một giới luật, phàm là thần tiên phải diệt thất tình lục dục[6], nhưng chỉ dành cho những vị sinh ra không phải tiên thai nhưng có cơ duyên thành thần tiên, như vậy trái với tạo hóa của thiên địa, nên phải trả giá để tế thiên địa. Ngay từ thời kỳ âm dương mới phân chia, Đông Hoa Đế Quân đã hóa thân trên Bích Hải, núi Thương Linh, là tiên thai đích thực của thiên địa, vốn không phải tuân thủ giới luật kia. Lập một đế hậu cũng là hợp tình hợp lý.

[6] Bảy thứ tình cảm và sáu điều ham muốn của con người. Thất tình gồm có: hỉ, nộ, ai, cụ (sợ), ái, ố (ghét), dục. Lục dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Đã sửa bởi Tử Thiên Băng lúc 20.04.2014, 01:06.

/31

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status