Ta Là Tiên Phàm

Chương 8 - Thiếu Niên Bang Phái

/37


Nơi lòng sông bên dưới cầu xích sắt, từ sớm đã có vài người ngư dân chống bè trúc đợi sẵn. Thấy đứa trẻ rơi xuống, bọn họ không để nó vùng vẫy lâu trong dòng nước lạnh, ngay tức khắc vớt lên đưa vào bờ, hoàn trả cho cha mẹ nó.

Cặp cha mẹ vội thay ngay y phục thấm nước trên người con mình. Chú bác trong nhà cũng nhóm sẵn một đống lửa bên cạnh cầu sắt để sưởi ấm, xua đi cái rét cho đứa bé, không để nó vì nhiễm lạnh mà sinh bệnh.

Lục tục lại thêm mười mấy đứa trẻ nữa lấy hết dũng khí bò lên cầu. Nhưng đáng tiếc, hơn phân nửa trong số chúng, nếu không ngã khỏi cầu rớt thẳng xuống dòng nước lạnh, thì cũng sợ đến khóc mếu máo, khiếp hãi không dám lên cầu nữa.

Có đứa xui xẻo rơi xuống nước, đương nhiên cũng có đứa gặp vận may.

Có hai trong số những đứa trẻ tham gia thử thách nôm đã hơi lớn tuổi, áng chừng khoảng mười hai, mười ba, lớn gan lớn mật, mà sức lực cũng đủ đầy. Hai đứa chúng nó cắn răng chịu đựng cái rét, vận hết sức bình sinh leo qua được cầu sắt.

Đặc biệt là thằng bé Trương Thiết Ngưu con trai của Trương đồ phu, bình nhật thường ăn nhiều lòng heo, lắm chất mỡ nên thân thể tròn trịa, cánh tay thô to hữu lực. Nó gầm một tiếng, dụng cả tay chân leo lên cầu xích sắt, thoăn thoắt một hơi đã leo được qua cầu. Bách tính bên bờ trông thấy đều hò reo nhiệt liệt.

Tô Trần xem đến cảnh ấy, kinh ngạc ngớ cả người ra. Trương Thiết Ngưu leo nhanh đến thế, quả là bẩm sinh đã có thiên khiếu luyện võ.

“Cừ lắm con trai! Quay về cha sẽ nấu một... không không… phải là hai cái đùi heo thật bự cho con ăn!” Trương đồ phu kích động hô lớn, mặt mày đỏ bừng vì phấn khởi. Qua được cầu xích sắt là đã trở thành ngoại môn đệ tử của Dược Vương Bang. Từ đây về sau, đứa con trai này của Trương đồ phu gã đã không còn là tiểu tử con nhà mổ heo, thân phận thấp hèn nữa. Rốt cuộc nó cũng đã là môn đệ Dược Vương Bang, ngày sau tiền đồ ắt rộng mở.

Ở bờ kia cầu sắt, những đứa trẻ đã qua cầu được mấy thiếu niên bạch y là đệ tử Dược Vương Bang tiếp đón, dắt vào bên trong Dược Vương Sơn Trang.

Tô Trần đứng quan sát, trong lòng vừa kích động vừa kinh ngạc.

Muốn leo qua nổi cây cầu xích giá lạnh này, nói khó thì không hẳn là khó, mà nói dễ cũng chưa chắc thực dễ. Chỉ cần được như Trương Thiết Ngưu sức lực đầy đủ, lại cẩn trọng một chút, ắt có cơ hội leo qua được, trở thành ngoại môn đệ tử của Dược Vương Bang.

Tô Trần tuy thân thể mỏng manh, chẳng được vạm vỡ cường tráng như Trương Thiết Ngưu; nhưng từ nhỏ y đã làm những công việc thô trọng, lại hay trèo cây móc tổ chim, lặn sông mò tôm cá, kinh nghiệm leo trèo đã có, mà cử động cũng linh hoạt, khỏe khoắn.

Chuyện duy nhất đáng lo chính là, y chẳng có người lớn trong nhà đi cùng, nhỡ sảy chân rơi xuống sông, cả người thấm ướt mà không có y phục thay, cũng không có lửa sưởi ấm, chẳng chết thì cũng lạnh đến toi mất nửa cái mạng.

Cho nên cơ hội chỉ có một lần, lần này nhất định phải qua được. Một khi thất bại, phải đến năm sau mới lại có cơ hội ứng tuyển tiếp vào Dược Vương Bang. Một mình y ở nơi đất Cô Tô này không dễ dàng gì tìm được việc làm, cũng chẳng biết liệu bản thân có thể chống chọi được đến ngày này năm sau hay chăng.

Tô Trần khổ tâm suy nghĩ đối sách, đột nhiên ngẩng đầu nhìn vầng dương trên bầu không.

Ngày đông giá, mặt trời lên tương đối muộn, đến chính ngọ là lúc ấm áp nhất. Thời điểm ấy qua cầu, tay chân đỡ phải tê cóng. Mà cầu sắt phơi lâu trong nắng, cũng sẽ ấm lên một chút.

Trong lòng đã có kế sách, y cũng yên tâm hơn.

Đi đi lại lại suốt dễ khiến người mệt lã vì đói, Tô Trần bèn tìm một tảng đá sạch sẽ bên dưới gốc đại thụ gần cầu sắt, dứt khoát ngồi xuống nghỉ ngơi, cố gắng giảm bớt sự tiêu hao lực khí.

oooOoOoOooo

Y đợi đã tròn một buổi sáng.

Trong hai, ba canh giờ qua, có đến gần năm, sáu mươi đứa trẻ thử sức qua cầu sắt, nhưng chỉ có hơn mười đứa bò qua thành công. Phần lớn những đứa trẻ thể lực quá yếu đều bị đào thải, tỉ lệ bị đào thải cực kỳ cao. Thậm chí, nhiều đứa bé nhát gan ngay từ đầu đã không dám qua cầu; người lớn có đánh chửi thế nào, chúng nó cũng sống chết không chịu bò qua.

Đến giữa trưa khi mặt trời trên cao không đạt đến thời điểm nóng nhất, phần lớn băng giá đóng trên cầu sắt đều đã len lén tan chảy.

Thế nhưng lúc này, đám đông tụ tập ở đầu cầu sắt đã vãn dần, số bách tính còn nán lại rất thưa thớt. Những đứa trẻ có gan qua cầu thì đã tham dự khảo hạch ngay từ đầu; những đứa không có gan qua, người nhà cũng đã sớm dắt chúng rời đi trong nỗi ê chề.

Tính trên tổng lượng thiếu niên tham gia khảo thí, con số có thể thông qua cây cầu sắt lạnh giá này chưa đến một phần năm, thậm chí còn ít hơn một chút.

Tô Trần cứ chốc chốc lại quan sát vầng dương trên cao.

Cầu sắt đã phơi dưới ánh nắng cả một buổi trưa, chắc không còn lạnh lắm.

Y không dám đợi nữa, bèn lấy từ trong ngực áo ra ba cái màn thầu thô lương lớn, ngốn cho kỳ no; lại hớp lấy một ngụm nước từ con sông bên dưới cầu, ngậm trong miệng cho ấm rồi mới uống vào bụng. Y cố nghỉ ngơi trong chốc lát, dưỡng đủ khí lực cho chính mình.

Tô Trần vận động tay chân một chút rồi mới bắt đầu tham gia cuộc khảo hạch qua cầu.

Liệu y có thể vào được Dược Vương Bang mưu cầu một sinh kế, dấn bước tiếp trên con đường tương lai… Thảy đều quyết định tại thời khắc này, y phải dốc hết toàn lực!

Đôi tay nhỏ của Tô Trần cẩn thận nắm chặt lấy một trong những sợi xích sắt thô to. Chỉ trong sát na, bàn tay y đã cảm nhận được một luồng khí lạnh buốt tỏa ra từ dây xích sắt. Cái lạnh ấy thấu vào tận xương cốt.

Xích sắt phơi dưới ánh nắng đã hơn nửa ngày, mà lại vẫn giá lạnh đến thế!

Lòng bàn tay vừa nghe lạnh cóng, Tô Trần liền giật mình kinh hãi, vội nới lỏng đôi tay.

Xích sắt lạnh lẽo quá, chẳng trách số đứa trẻ không trèo qua nổi lại nhiều đến thế. Cứ để tay trần như vậy bò trên xích sắt, hai bàn tay sẽ rất nhanh mất đi cảm giác vì tê cóng; cuối cùng không nắm nổi nữa, vuột tay ngã xuống lũng sông bên dưới.

Tô Trần suy nghĩ một lúc, lại xé góc áo thành hai mảnh vải gai, quấn một lớp quanh đôi tay nhỏ rồi thắt chặt. Lớp vải ấy có thể dùng chống cái rét. Vải gai không thể quấn quá dày, nếu không các ngón tay sẽ không còn cảm giác, rất dễ trượt, nắm không chắc được; nhưng cũng không thể quá mỏng, bằng không chẳng ngăn nổi hàn khí xâm nhập vào.

Tiếp theo, đôi tay y mới lại lần nữa nắm chắc lấy xích sắt. Y đồng thời dụng cả tay lẫn chân, bắt đầu trèo lên sợi xích sắt lạnh buốt ấy.

Xích sắt lạnh đến cắt thịt thấu xương. Hai tay nắm lấy dây xích, Tô Trần lạnh đến mức không ngừng run cầm cập. Nhưng cũng may, phần lớn sương giá kết trên xích sắt đều đã tan chảy dưới ánh thái dương, không còn trơn trượt như trước.

Dừng lại càng lâu trên cầu càng dễ bị bỏng lạnh, có thể cóng đến tê cứng. Một khi tay chân đều đã tê cóng, rơi xuống nước gần như là chuyện tất nhiên.

Tô Trần cắn chặt hai hàm răng, chẳng dám dây dưa, dừng nghỉ dù chỉ một khắc, tay chân liên tục leo về phía trước với tốc độ rất nhanh.

Leo được hơn mười trượng, tức đã đến nửa đường, đôi cánh tay của y khẽ run rẩy. Y cảm giác được sức lực mình đã tổn hao nghiêm trọng. Nếu không phải vừa nãy đã ăn ba cái màn thầu thô lương lớn, bụng đã đầy, lực khí đã dưỡng đủ, chỉ e y chẳng thể chi trì nổi ngay từ đầu, sớm đã rơi thẳng xuống sông rồi.

Tô Trần lo sợ. Nếu rớt xuống sông, chắc chắn phải cóng mất nửa cái mạng.

Y đã mơ mình có thể gửi thân nơi Dược Vương Bang, ngày sau ngao du giữa giang hồ. Nay nhỡ nhất thời vì không cẩn thận mà lộn đầu xuống sông, e rằng tại nơi này - trên cầu xích sắt, y chỉ đành dở dang một giấc mộng.

Trong lúc cấp bách, Tô Trần chợt nghĩ ra một biện pháp. Hai chân y liền quặp lấy xích sắt, tiếp đó tháo lấy sợi dây gai quấn ngang lưng áo, một đầu buộc ngay hông, đầu còn lại thắt vào xích sắt; để nhỡ có sẩy tay cũng còn sợi dây gai giữ lại, không phải rơi xuống sông.

Bốn tên thanh y đao khách đứng canh lối vào hơn nửa ngày trời, từ sớm cũng đã mỏi mệt, lúc này đang ngồi bên cạnh cầu sắt nói chuyện rỗi, chẳng màng ngó Tô Trần.

Đoạn cầu xích dài ngắn ngủi còn lại đã tiêu hao hết tất cả thể sức của Tô Trần…

Y rốt cuộc cũng leo đến bờ kia.

oooOoOoOooo

Tô Trần đã mệt mỏi rã rời, gắng gượng giẫm bước lên bờ kia cầu sắt, tay chân nghe như rệu rã.

Y vội vàng gỡ ngay sợi dây gai buộc mình với xích sắt ra, tránh để mấy tên đao khách giữ cửa kia phát hiện. Bọn họ mà thấy, nói không chừng sẽ hủy hết tư cách của y, hoặc giả sẽ phạt y leo lại lần nữa. Khí lực của y đã tiêu hao hết, nếu lại bị phạt leo thêm lần nữa, chắc chắn y chẳng còn cơ hội bước chân vào Dược Vương Sơn Trang.

Y chột dạ bước lần theo bậc thang hơn trăm nấc trước sơn môn, tiến vào bên trong Dược Vương Sơn Trang.

Đứng trên bậc thềm đá là một vị sư huynh trẻ tuổi thân vận bạch y, hai tay ôm kiếm. Gã chẳng nói chẳng rằng, lạnh nhạt nhìn Tô Trần một cái rồi đưa y đến một tòa đại viện tường xây bằng đất.

Bạch y sư huynh dặn dò Tô Trần một câu, bảo y cùng với đám thiếu niên đợi ở tòa viện này không được chạy lung tung; chờ đến ngày mai sau khi Dược Vương Bang phân loại đệ tử mới nhập môn xong, mới được phép tự ý rời đi.

oooOoOoOooo

Ngay cửa đại viện cũng có hai gã đao khách trẻ tuổi trấn giữ. Nơi đây tường cao viện sâu, những kẻ phàm phu không cách gì ra vào được.

“Lại một đứa nữa đến kìa!”

“Cái bánh bao đất nào mới từ dưới quê lên thế?! Coi nó mặc áo gai rách rưới kìa, quê mùa gớm!”

Bên trong đại viện tụ tập sẵn một đám trẻ con và thiếu niên. Thấy bộ dạng tiểu ngư dân của Tô Trần, bọn chúng không nhịn được, nhao nhao chế giễu cười cợt y.

Thần trí tỉnh táo lại, Tô Trần bèn ngó vào nội viện, lúc này mới kinh ngạc phát hiện, hóa ra trong tòa đại viện đã tụ tập sẵn hơn trăm thiếu niên, đều là những đứa trẻ đã thông qua cuộc khảo hạch leo cầu sắt, trở thành đệ tử mới của Dược Vương Bang. Đám thiếu niên tụ tập thành nhóm từ ba đến năm người bên trong đại viện, thần sắc đều cực kỳ phấn khởi.

Tô Trần không để ý đến mấy lời giễu cợt kia, cũng không nghĩ ngợi nhiều. Y cúi đầu bước đến một góc nhỏ bên trong đại viện, yên lặng chờ đợi, cẩn thận quan sát đám thiếu niên.

Tuổi tác của đám thiếu niên ấy đều tầm chín đến mười ba tuổi. Từ trang phục, cách ăn vận cho đến thần thái, khí chất của bọn chúng, có thể thấy xuất thân của đám thiếu niên này không đồng nhất, phân ra mấy nhóm quý tiện rõ rệt(1).

Trong số ấy có mười thiếu niên nam nữ vận y phục tơ lụa đẹp đẽ, ngoài khoác áo lông báo, chân mang ủng da đen, khí chất ngời ngời xuất chúng. Chúng nó trưng ra vẻ mặt kiêu ngạo, chẳng thèm ngó ngàng những đứa trẻ đến từ tiểu trấn thôn quê hoặc xuất thân bình dân của Cô Tô huyện thành.

Có vẻ như đám thiếu niên này, nếu không phải con cháu nhà đại phú hộ, thì cũng là tử đệ những gia tộc quyền quý trong huyện thành.

Tô Trần sững người. Y chợt thấy, lẫn trong số đó có một thiếu nữ hình mạo thanh tú, trên thân khoác áo da báo rất dày: chính thị con gái của phú thương họ Lý mà y đã gặp trên bến Tây Môn, hình như tên gọi Lý Kiều.

Cứ xem bộ dạng mảnh mai, yểu điệu, đôi tay trói gà không chặt của Lý Kiều thì biết chắc chắn nàng không leo qua nổi cây cầu sắt lạnh giá kia. E là cha nàng đã nghĩ ra biện pháp khác để đưa nàng vào Dược Vương Sơn Trang.

Nhóm thiếu niên đó chẳng phú cũng quý, nếu không phải có thế lực chống lưng vững vàng, thì cũng có đầu dây mối nhợ với các nhân vật cao tầng trong Dược Vương Bang.

Những đứa trẻ xung quanh cũng đang thầm thì riêng với nhau, nhỏ giọng bàn tán về chúng:

“Người kia là thiếu gia nhà họ Vương, Vương Phú Quý! Nghe nói gã là thân thích của Vương huyện lệnh, tức đường huynh đệ của huyện lệnh công tử; trong số tử đệ nhà quyền quý ở huyện thành ta, gã là số một đó! Chắc ăn gã được xếp vào nội môn, trở thành đệ tử trọng yếu của Dược Vương Bang rồi!

“Không sai, lại còn Ngụy Hàn, thân thích của Vương đường chủ bang ta nữa, nghe đâu bên trên cũng đã định sẵn cho làm nội môn đệ tử!”

“Kia là đại tiểu thư Lý Kiều nhà buôn gạo họ Lý ở huyện thành! Tuy không xuất thân quyền quý, nhưng gia đình nàng mở mấy gian hàng gạo lớn, tính ra là nhà đại phú lắm tiền của! Chẳng biết cha nàng đã tốn bao nhiêu bạc để đưa nàng vào đây!”

“Mấy người bọn họ chắc đều là nội môn đệ tử cả rồi, có tiền có thế mà, ăn đứt ngoại môn đệ tử chúng ta! Mọi người nên thức thời chút đi, đừng có mà đắc tội với họ, bằng không sống không yên ở Dược Vương Bang đâu!”

Vương Phú Quý rất có khí độ. Gã chào hỏi những thiếu niên bình dân mới nhập môn ở xung quanh; đối với những lời tâng bốc của đám thiếu niên, gã hết sức hài lòng.

Ngụy Hàn lại khoanh hai tay trước ngực, vẻ mặt lạnh lùng kiêu ngạo, không để ý đến ai.

Xung quanh mười thiếu niên nam nữ ăn vận đẹp đẽ này là những đứa trẻ nhà bình dân trong huyện thành. Những đứa trẻ này đa phần đều mặc bố y tầm thường, tuổi tác tuy không lớn, nhưng đã sớm hiểu chuyện xu nịnh quyền thế, biết trông sắc mặt, nghe lời nói mà đoán ý người.

Đứa con trai béo núc ních của Trương đồ phu, Trương Thiết Ngưu, cũng lẫn trong đám ấy. Bộ dạng cường tráng mà đần độn của nó gần như không lẫn được với đám đông những thiếu niên bình dân khác. Những thiếu gia như Vương Phú Quý, Ngụy Hàn về căn bản đã định sẵn là nội môn đệ tử của Dược Vương Bang, chắc chắn được những đứa trẻ bình dân khác nịnh nọt tán dương. Cho nên Thiết Ngưu nó cũng muốn nhân lúc mới nhập môn mà đánh bạn, tạo mối quan hệ tốt với những thiếu niên thân phận cao quý này.

Số còn lại là những đứa trẻ xuất thân lao khổ, đến từ mấy mươi ngôi làng, tiểu trấn quanh huyện thành; đa số đều là con cái những gia đình làm thuê mướn cho người ta hoặc nông dân cày ruộng, ngư dân, thợ săn, tiều phu… Nôm đứa nào đứa nấy thực thà, hiền lành như đất.

Những đứa trẻ này, ngay cả tư cách tâng bốc nịnh hót bọn trẻ nhà giàu còn chẳng có, nên bị gạt ra phía ngoài cùng của đại viện. Có bị người ta bắt nạt, chúng nó cũng đành ngậm đắng nuốt cay chứ không dám sinh thêm chuyện phiền nhiễu.

Tô Trần đương nhiên cũng là một trong số ấy; cho nên y rất tự giác nấp vào một góc đại viện nghỉ ngơi, phục hồi khí lực, chẳng buồn chen qua đám đông để đi làm chuyện mình chẳng có chút hứng thú.

Y chẳng hiểu thế nào là nội môn đệ tử, thế nào là ngoại môn đệ tử. Lại thấy đám trẻ trong đại viện học theo dáng vẻ của người lớn, nhàn đàm, a dua nhau để tạo mối quan hệ, y đâm ra chán chường, bèn thu lu vào một góc trong viện chờ đợi, lòng bâng khuâng suy nghĩ…

Y bỏ nhà ra đi, đến huyện thành không có việc để làm, cho nên mới nghĩ đến chuyện đầu nhập Dược Vương Bang, mưu cầu một lối thoát. Y đương nhiên không quan tâm đến cái gì là nội môn đệ tử, ngoại môn đệ tử, cũng không muốn nịnh nọt ai, chỉ mong ở Dược Vương Bang này có được chén cơm ăn là đủ.

oooOoOoOooo

Đến chiều, lại có lục tục vài đứa trẻ nữa được đưa vào trong tòa đại viện. Đã có tổng cộng một trăm đứa trẻ và thiếu niên hơn mười tuổi tập trung bên trong đại viện.

Trời sập tối. Cổng lớn sơn trang đóng sầm lại.

Cuộc chiêu mộ tân đệ tử năm nay đã chấm dứt. Những ai còn muốn vào Dược Vương Bang chỉ có thể đợi đến năm sau.

Giờ cơm tối, đầu bếp trong sơn trang đưa đến mười mấy thùng lớn đầy cháo với màn thầu, dưa muối.

“Nào, ăn cơm thôi!”

“Cơm canh hôm nay hơi kém một chút, ăn tạm vậy. Đợi đến mai các ngươi nhập môn, bái sư rồi thì có thể ăn uống thoải mái.”

Mười mấy thùng đầy ắp cháo và thức ăn này, rất nhanh đã bị cả trăm đứa trẻ bụng đói cồn cào nhất loạt xông lên, chia nhau ăn sạch sẽ.

Tô Trần phải vất vả lắm mới chen được đến phía trước, liều mạng giành lấy hai cái màn thầu thô lương lớn. Sau đó y về lại cái xó xỉnh của mình, nhai kỹ nuốt chậm từng chút, một mảnh vụn cũng không bỏ sót, rốt cuộc cũng ăn đến no bụng, dằn được cơn đói.

Đến lúc này y mới phát hiện ra, số thiếu gia, tiểu thư nhà giàu kia khinh khỉnh đứng nép ra xa xa, không muốn đi tranh mấy thứ cháo và màn thầu đó. Cảnh ấy khiến y cảm thấy ngạc nhiên.

Tô Trần lấy làm lạ là, vị đại thiếu gia Vương Phú Quý kia lại đem một khoản ngân lượng đi đút lót cho nhà bếp, mà đầu bếp thì vẫn cứ tươi cười rạng rỡ, làm riêng cho bọn họ một bữa ăn thịnh soạn toàn gà vịt thịt cá. Mùi thơm bay ra khắp viện.

Những đứa trẻ khác nhìn chúng bằng ánh mắt sửng sốt, ngưỡng mộ, lại thèm thuồng chảy cả nước dãi. Những đệ tử nội môn này, quả là gia đình có tiền có thế, cho nên đi đến đâu cũng không phải chịu khổ.

oooOoOoOooo

Đêm đã khuya. Trời càng thêm lạnh lẽo.

Trong đại viện có phòng nghỉ và giường sưởi(2), nhưng số lượng có hạn.

Những thiếu gia, tiểu thư đã định sẵn trở thành nội môn đệ tử đương nhiên được ngủ trên những chiếc giường sưởi ấm áp nhất, cũng chẳng ai dám tranh với chúng. Ấy thế mà mấy vị thiếu gia, tiểu thư đó vẫn không ngớt miệng kêu ca:

“Cơm canh ở đây tệ quá, chẳng khác gì thức ăn cho heo.”

“Ngay cả một gian phòng ngủ cho đàng hoàng hay chậu tắm sạch sẽ, chăn gối tơ tằm cũng không có. Bọ chét lại một đống. Sớm biết thế này, ta đã bảo con nha đầu với mụ vú nuôi đem từ nhà đến đây vài cái giường có chăn đệm sạch!”

“Đợi đến lúc chính thức bái sư rồi, nhất định phải có một chỗ ở riêng mới được, bằng không ta chẳng ở lại nữa!”

Bọn chúng chiếm hết mười cái giường sưởi, còn dư lại mấy cái mới đến lượt những thiếu niên bình dân tương đối có thế lực ở huyện thành bá chiếm.

Tuyệt đại đa số những đứa trẻ còn lại đều không được ngủ trên giường sưởi, chỉ có thể trải chiếu cỏ ra đất, chen chúc nhau giữ ấm. Đông người dồn lại với nhau thế mà cũng ấm áp.

Tô Trần co ro trên manh chiếu cỏ. Đã quen với cái lạnh trên con thuyền chài cũ ở nhà, y cũng không cảm thấy khổ sở gì. Chỉ là do trong lòng vui sướng hân hoan nên y không ngủ được.

Số thiếu niên trong tòa đại viện này rất đông đúc, nên giữa đêm khuya mà vẫn còn ồn ào huyên náo. Bầu không khí đong đầy hoan lạc.

Vào được Dược Vương Sơn Trang, những thiếu niên này đã không còn là con em của những bách tính nhỏ nhoi nơi huyện thành nữa; mà đã một bước lên mây, trở thành đệ tử Dược Vương Bang, từ đây không còn phải lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc. Đôi chân non nớt của chúng đã giẫm bước đầu tiên trên đạo lộ giang hồ, con đường mà chúng đã từng mong cầu trong cơn mộng mị.

Tô Trần nghe lòng nhẹ nhõm, y thực sự mãn nguyện.

Ít nhất y cũng đã vào được bang phái, về sau không còn phải vì ngày ba bữa cơm ăn không no bụng, hay vì vất vả tìm một mái nhà tránh cơn gió rét mà lo buồn; cũng chẳng phải nơm nớp sợ ở nơi huyện thành bị đám lưu manh, khất cái kia bắt nạt nữa...

Cuộc sống về sau, so với ngày đó vất vả tìm kế mưu sinh ở huyện thành, ắt sẽ tươi sáng hơn nhiều...

----------------------------------------

Chú thích của người dịch:

(1) “Phân quý tiện rõ rệt”: Câu này nguyên gốc Hán Việt là “Kinh Vị phân minh”. Kinh và Vị, tức Kinh Hà và Vị Hà, là hai dòng sông bắt nguồn từ tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc ngày nay) rồi đổ vào Hoàng Hà. Nước Vị Hà vẩn đục, nước Kinh Hà lại xanh trong; nhưng khi hai dòng nước gặp nhau tại Tây An, đục trong chẳng hề lẫn lộn. Vì vậy câu này dùng chỉ những sự vật hoặc khái niệm có giới hạn phân định rõ ràng, như thị - phi, trắng - đen v.v. (Nguồn tham khảo: baike.baidu.com, tw.ichacha.net)

(2) Giường sưởi: Mùa đông ở vùng cao hoặc khu vực phía Bắc Trung Quốc rất lạnh, thường xuống tới dưới âm độ C, khí hậu khắc nghiệt. Cho nên phần nhiều các hộ gia đình nơi đây đều lắp sẵn giường sưởi. Cấu tạo giường sưởi rất đặc biệt, phía dưới rỗng, thông với hệ thống làm nóng tự nhiên trong nhà (khí nóng từ bếp lò), phía trên đắp đất và gạch để ngủ.



/37

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status