Ta Không Thành Tiên

Chương 293 - Chín Kiểu Chữ Viết

/364


Dịch giả: sweetzarbie

Lúc trước nàng đã đọc thấy nước này có thể nuôi dưỡng vạn vật, giờ đây lại thấy thêm những câu đề cao nó đến mức quý hiếm khó tìm như thế này thì đáy lòng không khỏi có chút rúng động.

Nàng nhìn trang giấy một lúc lâu rồi mới từ từ nhìn xuống mặt đất.

Nền nhà đã được quét sạch bụi bặm. Gạch nền viên nào viên nấy đều tăm tắp. Đường rãnh giữa các viên gạch đều dường như được trát lại bằng vữa vô cùng kín kẽ.

Đây là chỗ mà tiểu chồn đã hít hít ngửi ngửi.

Nước ao chuyển sinh Địa Tạng...

Câu nói này tự nhiên lại hiện ra trong trí nàng.

Kiến Sầu vẫn án binh bất động. Mọi nỗi vui mừng phấn khích đều dần dần được nàng đè lắng xuống tận đáy lòng. Khi khổng khi không có cái bánh từ trên trời rớt xuống thì dĩ nhiên là chuyện tốt, nhưng nếu không cẩn thận thì có khi lại bị nó đè chết, đến lúc đó có muốn khóc cũng chẳng có chỗ để khóc.

Cẩn tắc vô áy náy, Kiến Sầu đã quyết định trong lòng nên vẫn tiếp tục đọc, tiện tay giở sang trang thứ hai.

Ồ?

Sau khi đọc sơ qua, nàng lại càng ngạc nhiên hơn.

Lúc còn chưa thấy mấy chữ nước ao chuyển sinh , Kiến Sầu cho rằng đây là một quyển sổ toàn ghi chép lại những điều quái dị, từ ngữ phóng đại khoa trương. Lúc đọc đến nước ao chuyển sinh , nàng lại nghĩ rằng quyển sổ này hẳn là có liên quan đến thư tịch ghi chép của Cực Vực.

Nhưng đến bây giờ, nàng mới vỡ lẽ____

Đây chính là một quyển sổ viết về phương pháp luyện đan!

Đan phương thứ nhất: Hoạt khô thủy.

Ba phần nước ao chuyển sinh, một phần nước suối địa linh, ba phần thanh mai đỏ. Đun bằng lửa từ cây bách trăm năm trong ba ngày là thành.

Dùng thuốc này thì thảo mộc bị đốt thành tro đều có thể sống lại, dưỡng cỏ thành rừng cũng được.

......

Chữ viết gọn gàng đơn giản, mang hơi hướm sắc sảo uy nghiêm y như trang thứ nhất, không có chút gì khác biệt. Thần thái trong bút tích lại còn có vẻ trấn tĩnh ngạo nghễ.

Kiến Sầu xem kỹ cả trang, ánh mắt đăm đăm nhìn vào hàng chữ Đan phương thứ nhất một hồi lâu rồi từ từ hít sâu vào một hơi khí lạnh.

Cũng giống như đại phu sau khi khám bệnh sẽ cho đơn thuốc, luyện đan sư luyện đan cũng cần đến công thức điều chế mà người ta hay gọi là đan phương .

Mỗi một đan phương đều do luyện đan sư tổng hợp, đúc kết qua vô số lần thất bại nên vô cùng trân quý.

Nhưng ở đây...

Kiến Sầu có linh cảm trong lòng nên liền lật tiếp các trang.

Phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư...

Hết trang này đến trang khác, tất cả quả nhiên đều chép đan phương! Phương thuốc nào cũng dùng nước ao chuyển sinh làm dược liệu chủ đạo.

Đây không chỉ đơn thuần là một quyển đan phương mà là một công trình lấy nước ao chuyển sinh để nghiên cứu ra đan phương.

Cuối mỗi đan phương đều có ghi lại một ít chú giải và tường thuật về hiệu quả của thuốc.

Mặc dù Kiến Sầu không rành về luyện đan luyện dược nhưng xem sơ qua thì cũng có thể hiểu rõ!

Qua đó có thể thấy được người viết quyển đan phương này phải là người có kiến thức và kinh nghiệm kinh khủng đến mức nào.

Nhưng... chẳng lẽ nước ao chuyển sinh lại rất dễ lấy được hay sao?

Chứ nếu không thì tác giả làm sao lại có thể có nhiều nước này đến như vậy để luyện thuốc chứ?

Kiến Sầu thắc mắc trong lòng. Những mối hồ nghi khác cũng nhân đó dồn về___

Nàng còn nhớ rõ những gì đã thấy ở Phẩm tự lâu. Vì lịch sử quá ngắn, tạo nghệ về luyện đan, luyện khí và trận pháp của Cực Vực quá thấp so với thập cửu châu.

Nhưng quyển đan phương trước mắt đã khiến cho nàng ngộ được ra một điều: Trình độ của bạn nàng, dược nữ Lục Hương Lãnh của Bạch Nguyệt cốc chỉ e là kém một trời một vực so với luyện đan sư này!

Không biết quyển sách này là của vị lão tiền bối nào lưu lại đây?

Kiến Sầu chỉ có thể nghĩ được đến thế. Nàng tiếp tục giở xem cho hết.

Từng đan phương một vì vậy lần lượt xuất hiện trước mắt nàng. Càng về sau, công dụng của mỗi phương thuốc càng khiếp người và dĩ nhiên, dược liệu sử dụng cũng càng trân quý hơn nhiều.

Cái thì dùng để chữa trị thương tích trên thân thể, cái thì để làm cho đất đai trở nên màu mỡ, cái thì nâng cao sức phòng ngự, và cũng có cái có thể giúp cho người ta tái sinh tứ chi...

Xoạt xoạt...

Trong gian thư phòng u tối, ngoài tiếng lật sách của Kiến Sầu thì không còn nghe thấy tiếng gì nữa.

Phần sách chưa đọc trong tay nàng dần dần mỏng đi.

Bất tri bất giác, đêm đã khuya lắm rồi.

Ngón tay của Kiến Sầu cũng dần dần lướt đến trang cuối cùng, nhưng tình trạng của nó lại khiến cho nàng ngạc nhiên.

Góc trang lại bị ai đó gấp lại một góc lớn giống như là để đánh dấu.

Trang này không có chữ. Kiến Sầu lật ép nó lên trang đối diện, sang mặt bên kia cũng không thấy có bút tích gì. Nàng cảm thấy kinh ngạc trong lòng và đâm ra tò mò vô cùng.

Trang sách được gấp kỹ như vậy hẳn là phải có điểm gì đó đặc biệt.

Kiến Sầu đưa ngón tay cẩn thận vén góc trang lên. Vì vậy, toàn bộ phần chữ viết bị che khuất liền xuất hiện ra trước mắt nàng.

Phương thứ một trăm mười sáu: Nghịch hồn đan.

Một trăm phần nước ao chuyển sinh, năm phần Hàn thiên ma, một phần Huyết ngọc phật thủ, ba phần Vương bất lưu hành.

Lửa cần thanh liên, đốt trong dược đỉnh bằng sành trắng, bảy chín ngày là thành đan.

Đan này ăn vào, dược lực rất mạnh. Nhưng ăn thường xuyên thì thứ nhất là bồi bổ tàn hồn, tạo không thành có; thứ hai là dưỡng hồn lực nâng cao cảnh giới; thứ ba là tạo ra kim thân, liên tục không ngừng...

Làm sao làm được!

Trong khoảnh khắc đó, Kiến Sầu tròn mắt kinh ngạc, vẻ mặt gần như không tin là thực.

Ký ức liền thoáng diễu qua trước mắt nàng nhanh như hình ảnh trên đèn kéo quân:

Trong kho vũ khí Nhai Sơn, thanh kiếm Nhất Tuyến Thiên loang lổ vết rỉ sét đang bị niêm phong dưới dòng sông băng;

Bên giếng Quy Hạc, Phù Đạo sơn nhân trông thong thả ung dung nhưng sâu trong đáy mắt lại ẩn giấu niềm ưu tư lo lắng khó thấy.

Ngoài ra...

Từ lúc đến Cực Vực, nàng đã vấp phải đủ thứ khó khăn trong việc tu luyện!

Hồn phách khiếm khuyết, thiên hư chi thể.

Dưới Xuất khiếu không có địch thủ, một khi đến Vấn tâm chắc chắn phải chết...

Bao cay đắng, khổ sở đọng lại trên đầu lưỡi nàng.

Kiến Sầu ngẩn ngơ ôm quyển đan phương, nhìn ba chữ Nghịch hồn đan mà tưởng như mình đang nằm mơ: Có thật là có cách không?

Lúc đọc thấy cụm chữ có thể dưỡng vạn vật , nàng đã không để ý đến vì dù sao hồn phách không phải là thứ thuộc về phạm trù vật chất . Chỉ đến khi trở lại thư phòng, trong khoảnh khắc mở quyển sách này ra, nàng mới biết được mình đã xem thường công hiệu của nước ao chuyển sinh , nhưng tuy vậy nàng vẫn còn bán tín bán nghi trước khả năng quá ư thần thánh của nó.

Cho đến bây giờ...

Phương thuốc Nghịch hồn đan vậy mà lại được ghi rành rành ở đây. Thậm chí ngay cả cách luyện chế, công dụng hiệu quả cũng đều được chép lại vô cùng tỉ mỉ.

Bánh nhân thịt từ trên trời đột nhiên rớt xuống, đập xuống đầu Kiến Sầu, khiến nàng choáng váng. Nàng thậm chí còn tự hỏi không biết có ai đó đang cố ý bày ra những trò này để đùa bỡn mình.

Kiến Sầu đưa mắt nhìn quanh___

Ba cành mai vẫn lặng lẽ đứng yên trong bình, giấy dán cửa vẫn trăng trắng phía sau.

Hoàn toàn không có gì lạ thường.

Nàng vốn nghĩ rằng vấn đề của mình vô phương cứu chữa nhưng trong nháy mắt, gió lại đổi chiều, cơ hội lại bày ra rành rành trước mắt nàng.

Nếu...

Nếu nước ao chuyển sinh thật sự công hiệu đến vậy, vừa có thể tu bổ hồn phách vừa có nâng cao cảnh giới, thì tuy nàng không dám chắc chắn nó có thể giúp nàng thoát khỏi tình hình ngặt nghèo hiện tại hay không nhưng ít ra nàng cũng giành được phần chủ động, tự quyết định vận số của mình.

Nếp gấp sắc cạnh trên trang sách vẫn trầm lặng nằm đó.

Ánh mắt Kiến Sầu vẫn cứ như dán chặt trên đường gấp ấy. Một hồi lâu sau nàng mới chớp mi mắt, chầm chậm khép quyển sách lại, tâm trí cũng dần trở nên tỉnh táo.

Đan phương thì không biết thật giả ra sao. Nhưng đây là lần đầu tiên nàng nhìn thấy phương thuốc Tu bổ tàn hồn . Vì vậy, thật cũng được mà giả cũng được, nàng đều muốn thử một phen.

Kiến Sầu hít sâu một hơi, nhìn vào một nơi trên nền nhà trước thư án hai trượng rồi đi tới. Nàng còn nhớ rõ chỗ mà tiểu chồn đã đặt chân lên. Đó chính là một viên gạch nằm ngay giữa thư phòng.

Viên gạch này vuông vắn hai xích, màu sắc đen thẫm, không chút bóng bẩy, so với những viên gạch khác ở xung quanh thì không có gì khác biệt.

Chỉ lấy mắt nhìn thì không thấy chút manh mối nào cả.

Kiến Sầu cúi người, giơ tay gõ nhẹ.

Cốc cốc.

Tiếng vang khá đầy đặn.

Điều này cũng hợp với dự đoán của nàng.

Kiến Sầu cũng không lật viên gạch lên. Nàng nghĩ người ta sẽ không giấu nước ao chuyển sinh ở dưới đơn giản như vậy. Vì thế, sau giây lát nhíu mày nghĩ ngợi, nàng liền rót hồn lực vào đầu ngón tay, hít sâu một hơi, rồi cẩn thận áp lên viên gạch.

Hơi gạch mát lạnh truyền qua đầu ngón tay nàng. Từ đó, một chút hồn lực mỏng manh dần dần thoát ra, xuyên xuống mặt đất...

Một xích.

Hai xích.

Ba xích...

Ngay khi hồn lực vừa xuống sâu đến ba xích và tưởng sẽ còn tiếp tục xuống sâu hơn nữa thì đột nhiên một luồng khí kỳ lạ bỗng từ sâu trong lòng đất bắn lên!

Chết rồi!

Kiến Sầu thầm kêu không hay, phản ứng cực mau, không chút chần chờ mà rút tay lên ngay, lật mình phóng lên, cả người đều lơ lửng trong không trung.

Rào rào...

Một chùm ánh sáng xanh xanh như màu lá trúc liền từ sâu trong lòng đất phun lên, trông tựa như một cột sóng biển.

Nhưng ngoài điều đó ra thì mọi thứ vẫn sóng êm biển lặng.

Sức phun của chùm ánh sáng ấy rất chừng mực, tuy ban đầu phun mau nhưng về sau chỉ còn cách mặt đất chừng một bàn tay rồi đột nhiên ngừng lại. Từng giọt sáng màu xanh nhẹ nhàng nhiễu xuống mặt đất rồi từ từ quanh co uốn lượn vẽ nên những đường nét khá lạ lùng.

Có tất cả sáu đường bán nguyệt cùng giao nhau tại một chỗ. Trong vùng ánh sáng ấy, vài giọt ánh sáng xanh cực kỳ nổi bật gắn đính lên đường giao nhau của sáu vòng bán nguyệt này.

Đồ hình này trông kỳ lạ làm sao.

Kiến Sầu chắc chắn là mình chưa từng nhìn thấy những đường nét như thế này bao giờ.

Nhưng...

Không biết sao nàng lại thấy nó quen quen?

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Kiến Sầu. Tuy cả người vẫn đang lơ lửng trong không trung nhưng trong khoảnh khắc ấy nàng tròn mắt ngạc nhiên: Là trận pháp ư?

Đúng rồi, không phải trận pháp thì là gì?

Kiểu kết cấu quen thuộc, hơn nữa lại có thêm những giọt sáng xanh phân bổ trên đường giao tuyến!

Lúc này, Kiến Sầu cảm thấy bàng hoàng vô cùng.

Nàng đã từng thấy trận pháp của Cực Vực. Đa phần đều cực kỳ thô sơ. Ngay cả truyền tống trận cũng chỉ là một đường tròn ghồ ghề thô kệch, tính ổn định của nó thua xa những cái ở thập cửu châu.

Nhưng tòa trận pháp trước mắt nàng...

Kiến Sầu nhìn kỹ nó một hồi lâu, đầu mày không khỏi nhíu chặt.

Tòa trận pháp trước mặt nàng sương khói trùng trùng điệp điệp, mịt mờ một vùng, các đường bán nguyệt trong đó liên tiếp di chuyển, trông tựa như có nhiều tòa trận pháp đan lồng vào nhau và tương tác lẫn nhau...

Thiên biến vạn hóa, vô cùng vô tận!

Ngay cả Kiến Sầu là người có trực giác siêu phàm và rất có khiếu về trận pháp mà cũng khó có thể tìm ra được chỗ sơ hở để phá trận!

Đây chẳng phải là một cao thủ bày trận sao?

Nhưng...

Không có lý nào...

Bao điều thắc mắc nghi ngờ mà lúc trước Kiến Sầu đã coi nhẹ đến lúc này lại đua nhau ùa về trong tâm trí nàng.

Thực tế về trình độ luyện đan, luyện khí và trận pháp trên toàn Cực Vực nông sâu ra sao?

Chủ nhân của căn nhà này trước tiên không những có một quyển nghiên cứu khiếp người về các bài thuốc từ nước ao chuyển sinh, mà hơn nữa hôm nay lại còn tung ra một trận pháp cực kỳ kinh khủng như vậy. Rốt cục, người này có lai lịch như thế nào?

Phải chăng là một vị ẩn sĩ đại năng?

Nhưng đây lại là Uổng Tử thành.

Trong bảy mươi hai thành trì của địa phủ, Uổng Tử thành là nơi có nhiều quỷ mới nhất, tuy vậy công bằng mà nói, thiên tài dù cũng có nhưng thực lực lại thấp nhất.

Tu sĩ định cư lâu dài ở Uổng Từ thành sẽ không chọn thuê nơi đây, tu sĩ đại năng thường thường cũng sẽ không thuê liền một hơi năm mươi năm. Còn quỷ mới...

Quỷ mới thì làm sao lại có thể có được một tri thức uyên bác, kinh nghiệm phong phú và hơn nữa một trình độ về trận pháp kinh khủng đến như vậy?

Theo lời lão Chu lúc cho thuê nhà mà xét thì trạch viện này đã qua nhiều đời chủ. Tuy người nào người nấy đều hơi kỳ dị, cổ quái nhưng họ đều không phải là tu sĩ đại năng và hầu như đều là quỷ mới đến...

Lẽ nào những người đó có tài bố trí nên những thứ này?

Hay những thứ này được tạo lập lúc xây dựng trạch viện chăng?

Kiến Sầu có trăm nghĩ nghìn suy cũng không tài nào giải thích nổi, và đồng thời nàng cũng trở nên vô cùng tò mò về thân thế của người chủ chiếc bình mai.

Đan phương mà nàng đã đọc được trong quyển sách kia khẳng định là có thể chữa lành tàn hồn. Trong khi đó, nước ao chuyển sinh là nguyên liệu quan trọng nhất để luyện thành đan này và hơn nữa nó lại gần như chắc chắn nằm ở dưới khối gạch kia thì nàng lại chỉ có thể trơ mắt nhìn, hay ít ra là vào thời khắc này chỉ đành thúc thủ vô sách, không có cách gì giải quyết.

Kiến Sầu biết trận pháp trước mắt ôn hòa, hoàn toàn không có nguy hiểm nên chầm chậm thả người rơi xuống mặt đất, đứng bên cạnh khối gạch.

Hiện tại, trình độ về trận pháp của nàng cũng chỉ thường thường. Nếu phải đối phó với những trận pháp bậc trung thì họa may còn có thể thành công, chứ loại trận pháp phức tạp thiên biến vạn hóa như thế này thì nàng chẳng có chút hy vọng nào;

Còn nếu ỷ mạnh phá nó...

Nhưng hiện giờ, với thực lực chẳng đâu vào đâu của nàng thì chuyện phá trận pháp càng thật như hái sao trên trời.

Phải làm sao mới phá được trận pháp, lật miếng gạch kia lên để lấy nước ao chuyển sinh đây?

Kiến Sầu đau hết cả đầu.

Nàng cố vắt óc suy nghĩ mà cũng không tìm ra được cách gì hiệu quả, trong phút chốc chỉ đành duỗi các đầu ngón tay ra mà dạo bước trong phòng.

Giữa hai hàng giá sách hai bên, bước chân Kiến Sầu miên man đi dọc trở lại theo hàng gạch dưới chân. Bóng nàng nghiêng nghiêng đổ dài lên hàng hàng thư tịch được xếp đặt ngay ngắn trên kệ...

Cực Vực kỳ văn , Bát phương thành chí , Khảo về chiến trường Cực Vực ,...

Lô trung ký , Bách thảo tập ,...

Thiên môn trận , Bát quái lưỡng nghi , Càn khôn tinh nguyệt trận ,...

Sách gì cũng có, thể loại được sắp xếp rõ ràng, vô cùng phong phú, thậm chí ngay cả sách về trận pháp cũng không thiếu!

Kiến Sầu bất giác nhận thấy như vậy. Nàng đang định bật cười nhưng khóe môi vừa động thì những cái tên sách kia chợt như một tia chớp lóe lên trong trí!

Trận pháp?

Trận pháp!

Kiến Sầu liền ngừng bước, xem lại tất cả.

Trên giá sách gần nàng nhất đâu chỉ có một quyển duy nhất liên quan đến trận pháp? Nguyên cả một dãy thế mà đều xếp đầy sách về loại này cả!

Trong nháy mắt, hàng loạt chi tiết lách cách vang lên trong đầu nàng___

Chủ nhân chiếc bình mai, dòng chữ về người hữu duyên yêu hoa, quyển đan phương về nước ao chuyển sinh ở trên bàn, nước ao chuyển sinh có thể được tìm thấy ở dưới nền nhà, trận pháp thần bí xuất hiện...

Ngoài ra, lúc này còn có thêm giá sách cao cao nghất ngưởng!

Từng chi tiết một bắt đầu xâu chuỗi lại.

Kiến Sầu đột nhiên có cảm giác rằng những chi tiết này trở nên rõ ràng hơn một chút.

Không biết chủ nhân của chiếc bình mai, người lấy nước ao chuyển sinh để dưỡng mai, là người thứ mấy thuê nhà. Nhưng cho dù các đan phương là của ai đi nữa thì ít nhất dòng chữ viết nước ao chuyển sinh Địa Tạng phải là của người này lưu lại. Nói cách khác, tòa trận pháp này và chủ nhân của chiếc bình mai đều không tránh khỏi có liên quan đến nhau.

Y nếu như muốn có người yêu hoa thay mình dưỡng mai thì có lẽ nào lại cố ý làm khó, khiến cho người ta ngay cả lấy nước ao chuyển sinh để dưỡng mai cũng làm không xong?

Vì vậy...

Ánh mắt Kiến Sầu thoáng chốc bỗng lấp lánh sáng ngời như trăng sao trong đêm.

Với nụ cười tươi tắn trên môi, nàng quay người đi đến trước giá sách nọ.

Tính chất của trận pháp này ôn hòa, thật không phải để đả thương người mà hóa ra là vì chủ nhân chiếc bình mai muốn bảo vệ chỗ cất gữ nước ao chuyển sinh. Cách phá giải trận pháp này ắt hẳn là được giấu trong các quyển sách này. Nếu quả như tìm được cách phá trận thì việc lấy nước ao chuyển sinh không còn là chuyện khó khăn nữa.

Nàng nghĩ vậy thì thông suốt mọi điều.

Kiến Sầu chỉ tự đặt mình vào vị trí của người chủ chiếc bình mai thần bí, cùng chơi trò hoạch định cục diện và giải mã những chỗ bí ẩn. Nàng đang dõi mắt tìm sách trên giá thì bỗng chốc thấy một quyển Bát quái lưỡng nghi .

Lưỡng nghi...

Nàng không lạ gì hai chữ này.

Viên châu bị thiếu trên thanh quỷ phủ cũng là lưỡng nghi châu .

Bắc Vực là một nơi thần bí.

Phật môn vốn ở Trung Vực nhưng sau cuộc chiến Âm dương giới thì không biết tại sao lại dời lên Bắc Vực, đã thế vừa đến nơi là tan rã. Thiền tông và Mật tông, hai phái chủ chốt trong môn mỗi nhánh đi mỗi đường. Vì vậy mới có Tây hải thiền tông ở phía tây và Tuyết vực mật tông ở phía đông.

Đạo môn thì từ lúc thành lập đã đóng tại Bắc Vực. Trong môn có một con suối mà hai đầu nam bắc là một đầu âm và một đầu dương. Nước suối này uống vào có thể cải thiện được thể chất, thích hợp cho tu hành công pháp.

Nhưng vì con suối phân thành hai khúc lưỡng nghi nên công pháp mà các tu sĩ trong môn tu luyện ra đương nhiên cũng không giống nhau.

Mâu thuẫn sinh ra từ đó.

Sau trận chiến Âm dương giới ít lâu, Đạo môn tách thành hai tông âm dương, lấy đường ngăn giữa hai phần âm dương của con suối làm ranh giới.

Thế nên, từ đó về sau bốn tông, Thiền, Mật, Âm, Dương cùng tồn tại ở Bắc Vực, gọi là Bắc Vực tứ tông .

Hai chữ lưỡng nghi trên quyển thư tịch này chính là lấy ý từ Âm dương nhị tỉnh của Bắc Vực.

Hai tông Âm, Dương chuyên nghiên cứu về trận pháp, nổi tiếng trên toàn thập cửu châu.

Vì vậy, sau khi thấy cái tựa Bát quái lưỡng nghi thì Kiến Sầu không đắn đo gì nữa mà lấy ngay nó xuống.

Dường như quyển sách này đã được đọc đi đọc lại rất nhiều lần rồi nên các rìa đều sờn rách hết cả.

Trên trang bìa đề bốn chữ to Bát quái lưỡng nghi . Chỉ có điều những nét chữ này so với chữ viết mà Kiến Sầu đã thấy trên quyển đan phương thì dường như không giống nhau chút nào, nhưng...

Không biết tại sao giữa chúng lại có một cái gì đó tương đồng?

Kiến Sầu thì thầm, nhưng rồi cũng không để ý đến lắm.

Trong thiên hạ có không ít người có nét chữ tương tự nhau. Chỉ dựa vào đó thì không thể suy ra được điều gì. Nàng đoán rằng người này hoặc không biết đến ngọc giản, hoặc không có tiền mua, hay cũng có khi là có sở thích ham mê thư tịch, chứ nếu không thì không có lý nào y lại không dùng ngọc giản để lưu thông tin. Thứ này không những vừa giữ được lâu, vừa dễ bảo quản mà mang theo bên người cũng thuận tiện.

Có chỗ nào giống như ở đây? Cả một phòng đều đầy những sách là sách.

Tuy vậy, cũng giống như thoáng ngỡ ngàng về nét chữ, những ý nghĩ trên cũng lướt qua rất mau trong trí nàng.

Kiến Sầu chầm chậm lật trang bìa lên.

Trang thứ nhất cực kỳ cổ xưa, mặt giấy đã ố vàng hết cả, ngay cả nét mực cũng đã bắt đầu phai mờ. Nét chữ trên trang này và trên trang bìa giống nhau nên hẳn là cùng một người viết. Nội dung viết về cách phân chia các phương vị bát quái căn bản nhất, các đánh giá và tác dụng của lưỡng nghi... Những điều này Kiến Sầu đã từng đọc qua trong tàng kinh các ở Nhai Sơn nên coi như không có gì mới mẻ.

Nàng xem qua một lượt quyển sách, đến khi lật đến vài trang ở gần cuối thì thấy ở trang bên trái có vẽ một trận đồ đơn sơ nên mới khựng lại, chăm chú nhìn kỹ. Nhưng cũng đúng vào lúc này, nàng lại chợt phát hiện ra có cái gì đó không bình thường.

Chữ viết khác đi rồi sao?

Nét chữ lúc trước dày nặng, cổ xưa, mang hơi hướm trì trệ. Còn bút tích ở đây tuy bề ngoài cũng có vẻ hơi trì trệ nhưng nét chữ lại mạnh mẽ, linh động và khá sắc sảo. Cả hai nét chữ này đều hoàn toàn khác nhau.

Dường như...

Dường như trong nét chữ thứ hai có cái gì đó hợp với nét chữ thứ nhất, khiến cho Kiến Sầu khó phân biệt.

Nàng cảm thấy hơi ngạc nhiên.

Đây rõ ràng là một quyển sách mà nội dung từ đầu đến cuối đều liên tục, liền lạc. Có vẻ như vị tu sĩ đó trong lúc nghiên cứu đã ghi sang một bên tất cả những cảm ngộ và hiểu biết của mình về trận pháp.

Nhưng theo lẽ thường, việc có hai người ghi chép như thế này không thể xảy ra.

Thật là kỳ quặc.

Chuyện lạ cứ liên tiếp xảy ra. Kiến Sầu nghĩ mãi mà cũng không tài nào hiểu được nên liền kệ mà tiếp tục giở trang xem tiếp.

Từ chỗ có bút tích của người thứ hai, nội dung hơi không được lưu loát cho lắm, tựa như người viết là một chàng sĩ tử phải vào trường thi nhưng đã bỏ mặc bài vở khá lâu, không có ôn luyện lại. Nhưng Kiến Sầu càng đọc suốt về sau thì cái cảm giác ngắc ngứ, không lưu loát ấy biến mất.

Ở phần sau sách ghi chép một số cảm ngộ về trận pháp và một ít sáng kiến về kết cấu trận pháp. Những điều này đạt đến trình độ siêu phàm khiến cho người ta phải thán phục và hoàn toàn vượt quá khỏi sự tưởng tượng của nàng.

Kiến Sầu đọc thấy mà thầm kinh hãi.

Nếu người chủ của nét chữ thứ nhất chưa có thời gian nghiên cứu xong thì người chủ thứ hai cũng theo kịp và tiếp tục công việc. Đây thật là Trường Giang sóng sau xô sóng trước.

Nàng tập trung xem kỹ, càng xem càng say mê.

Bát quái phân thành tiên thiên và hậu thiên, trong đó dương hào... Hả?

Sau khi đọc tới chữ hào , Kiến Sầu lại kêu lên ngạc nhiên.

Nàng quả thực tưởng mình hoa mắt____

Nét chữ lại thay đổi!

Dương hào chính là một quẻ tượng trong bát quái. Đây là một từ kép.

Ở đây, bút tích chữ dương cũng giống như các chữ khác nhưng đến chữ hào thì lại đổi thành một nét chữ mà Kiến Sầu chưa thấy bao giờ.

Nàng tiếp tục đọc tiếp thì lại thấy lại cái cảm giác câu chữ không lưu loát giống như ban đầu.

Kiến Sầu cảm thấy hoang mang khó nói nên lời___

Một vị công tử ăn chơi nào đó đã nhặt được quyển sách này hay sao?

Nhưng tại sao bút tích lại thay đổi?

Kiểu chữ lúc này được viết theo lối tiểu triện. Nét chữ ngay ngắn chính trực, sâu rộng tựa biển cả, trầm ổn tựa núi non.

Dường như...

Nét chữ này dường như kế thừa một chút gì đó từ nét chữ thứ hai!

Rốt cục đã xảy ra chuyện gì?

Người thông minh như Kiến Sầu mà lúc này cũng cảm thấy hoang mang, nghi hoặc chưa từng có.

Nàng thấy trên trang này có hai nét chữ hoàn toàn khác nhau thì chợt có linh cảm nên vội lật nhanh sang những trang khác...

Trong mười sáu trang sau đó, người chủ của nét chữ thứ ba nghiên cứu một lĩnh vực hoàn toàn mới___

Cửu cung!

Cảm giác không lưu loát cũng chỉ kéo dài vài trang rồi hoàn toàn biến mất. Nhưng về sau, sự tiến bộ trong công trình càng khiếp người, vượt xa những tác giả trước.

Mặc dù vậy biện luận của người này khó hiểu, ngay cả Kiến Sầu cũng đọc không thông.

Sau đó...

Nét chữ lại thay đổi lần nữa!

Thấy thế, Kiến Sầu hít vào sâu một hơi khí lạnh, trong lòng bừng bừng tựa như muốn thét lên: Cũng lại như vậy, cũng lại như vậy! Quả nhiên là cũng lại như vậy!

Nàng có cảm giác hình như mình đã khám phá ra một bí mật nào đó, và mặt khác vì cũng nóng lòng muốn kiểm chứng giả thuyết của mình nên lật trang càng lúc càng nhanh hơn. Mọi ý tưởng thâm sâu khó hiểu đều bị gạt hết sang một bên. Điều duy nhất mà nàng chú ý đến là___

Chữ viết!

Sau bảy trang, nét chữ lại khác;

Chín trang sau đó, lại một nét chữ khác;

Năm trang, mười trang, mười ba trang,...

Đến khi Kiến Sầu lật đến trang cuối cùng thì đã là nét chữ thứ chín rồi!

Kiểu chữ được viết theo lối chính khải, nghiêm chỉnh, thận trọng. Tuy chỉ nằm trên giấy nhưng nét chữ trông hùng vĩ, phi phàm, thế mạnh như thác đổ. Với nét chữ này thì nàng cảm thấy rất quen mắt, không chút xa lạ.

Kiến Sầu từ từ quay đầu nhìn về phía ô cửa sổ có chiếc bình mai chưng trên bệ, rồi lại nhìn về phía chiếc bàn viết với sách vở và bút mực xếp đặt ngăn nắp bên trên. Nàng hít sâu một hơi rồi cất bước đi tới cạnh bàn, cứ để mở trang cuối của quyển sách về trận pháp sang một bên như vậy, rồi để quyển đan phương ở bên phải.

Hai quyển sách cùng mở rộng, đặt kề nhau. Quyển ở bên trái mới hơn, còn quyển bên phải thì quá sức cổ xưa.

Thế nhưng...

Trên cùng một trang, nét chữ trên cả hai quyển lại giống nhau như đúc!

Làm sao điều này lại có thể xảy ra... . Giọng nàng vang nhẹ như gió thoảng, phảng phất chút hoảng hốt, bàng hoàng.

Một quyển sách viết về trận pháp bát quái mà lại có đến chín loại chữ viết khác nhau!

Xét về nội dung, chín phần nghiên cứu này đều liền mạch với nhau. Điều này đúng ra phải là công trình của một người nhưng trừ những phần nối nhau có hơi không được lưu loát lắm thì người sau thường luôn có tổng kết và nghiên cứu vượt hơn người trước, luận điệu kinh nhân hãi tục.

Làm sao trí tuệ của một người có thể vượt qua giới hạn của bản thân đến tận tám lần như vậy?

Đã vậy, những nét chữ đều hoàn toàn khác nhau.

Kiến Sầu cho rằng cứ mỗi lần chữ viết thay đổi là mỗi lần thay đổi tác giả, nhưng đây chính là điều mà hết lần này đến lần khác nàng vẫn không tài nào hiểu nổi___

Mỗi lần một nét chữ mới bắt đầu thì thế nào cũng sẽ kế thừa một chút phong cách của người đi trước, dường như là bị ảnh hưởng vậy.

Nhưng...

Nhưng nếu quanh năm suốt tháng không nhìn mãi thành quen thì làm sao có thể dễ dàng chịu ảnh hưởng đến như vậy? Vì thế đây là khả năng lớn nhất khiến mỗi người tiếp tục công trình nghiên cứu có nét chữ hơi hơi giống với người đi trước.

Bí ẩn trùng điệp, rối như tơ vò, khiến cho việc phân tích suy xét khó khăn.

Kiến Sầu nhìn hai quyển sách trước mặt rồi lại nhìn những quyển khác xếp trên giá mà nàng còn chưa mở ra xem, sau đó liền ôm hết một đống xuống, rồi lật xem hết cuốn này đến cuốn khác.

Không nhìn không thấy còn đỡ, chứ nhìn rồi thì đau hết cả đầu!

Quyển nào quyển nấy đều như nhau!

Sách vở xếp trên giá, cho dù là chủ đề gì cũng vậy, tất cả đều xảy ra chuyện thay đổi nét chữ!

Trong quyển Bát quái lưỡng nghi , nếu gọi nét chữ xuất hiện lần đầu tiên là một và những nét chữ sau đó lần lượt là hai, ba, bốn, năm, sáu, thì trình tự xuất hiện của chữ viết trong những quyển sách khác cũng y như vậy: có cuốn trình tự là một, hai, ba; có cuốn ba, bốn, năm; có cuốn hai, bốn, sáu. Nhưng đặc biệt không bao giờ có ba, hai, một.

Tức là, trình tự xuất hiện của mỗi dạng chữ viết đều không bao giờ bị đảo lộn.

Hơn nữa, sách vở tuy rất nhiều nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chín nét chữ đó mà thôi, tuyệt nhiên không có thêm nét nào khác.

Rốt cục, đây là một người tự thay đổi nét chữ hay là có chín người khác nhau, mỗi người một thời cùng kế tục nhau viết nên...

Kiến Sầu nhìn đống sách trước mắt mà cả người bàng hoàng, ngơ ngẩn.

/364

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status