Ta Không Thành Tiên

Chương 286 - Những Cành Mai Trong Chiếc Bình Thần Bí

/364


Dịch giả: sweetzarbie

Trên đường vẫn đông người ồn ào náo nhiệt như trước, đặc biệt còn ầm ĩ hơn lệ thường.

Nhưng lúc này, cả hai người đều chẳng có lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện la cà rong chơi mặc dù Trần Đình Nghiên vốn ham vui hiếu Kỳ và Kiến Sầu vẫn còn chưa biết nhiều về chợ Sơn Hải.

Kiến Sầu sau khi đã uống thuốc rồi thì thương thế trên người đã giảm bớt nên có thể cố gắng đi đường bình thường, không lộ ra vẻ gì khác lạ.

Trần Đình Nghiên đi trước dẫn đường, thỉnh thoảng lại ngoái đầu liếc nhìn nàng, không biết nàng còn có biểu hiện kỳ lạ gì khác hay không. Tuy trong lòng đầy nghi vấn, thắc mắc nhưng dù sao y cũng không phải là kẻ thù của nàng, vì vậy không có gì phải lo lắng.

Thấy cả hai đi qua Bát trân lâu, Kiến Sầu hỏi y: Chúng ta...

Chúng ta đi đâu đây?

Trần Đình Nghiên liếc nhìn xung quanh nói: Tuy Hình Ngộ đã bỏ đi nhưng lỡ hắn quay lại thì sao. Cô đang tìm thuê một căn nhà nhỏ mà, đúng không? Ta đã liên lạc được với người trong tộc rồi. Chi bằng nhân dịp này mình đi xuống Uổng Tử thành gặp người đó đi, như vậy cô sẽ có chỗ dưỡng thương.

Kiến Sầu thoạt trông thì không hề gì nhưng Trần Đình Nghiên sao lại không nhận thấy sắc mặt trắng bệch và sự mệt mỏi trong mắt nàng?

Nghe vậy, Kiến Sầu không khỏi quay nhìn Trần Đình Nghiên, trong lòng thầm nghĩ y sắp xếp thế này cũng là khá chu đáo rồi. Nhờ có sự giúp đỡ của y mà mình sẽ mau chóng ổn định được chỗ ở, sau đó thong thả dưỡng thương, chẳng những không sợ bị người lạ đến quấy nhiễu mà còn giữ được bí mật bản thân.

Kiến Sầu không phản đối, mỉm cười đáp: Vậy xin cám ơn Tứ công tử đã thu xếp cho.

Chuyện nhỏ thôi mà, tha hương gặp cố tri, ta nỡ lòng nào không giúp cô cho được?

Trần Đình Nghiên cũng mỉm cười, dường như thấy mình được Kiến Sầu chấp nhận nên vui vẻ vô cùng.

Y vừa đưa tay ra thì thấy họ đã đứng cạnh đường biên giới bằng sương mù bồng bềnh phiêu lãng của chợ Sơn Hải.

Chợ vẫn đang trôi lơ lửng bên trên Uổng Tử thành, nhưng các góc cạnh và đường nét của nó đã trở nên nhạt nhòa tựa như lẫn hẳn vào vòm trời u ám lờ mờ trên cao.

Có rất nhiều đường liên kết, hết đường này đến đường khác không ngừng phóng lên nối liền giữa Uổng Tử thành và chợ Sơn Hải. Đồng thời cũng có vô số ánh hào quang sáng dài như đuôi sao băng đang từ chợ Sơn Hải bắn vun vút xuống thành trì nguy nga bên dưới.

Trần Đình Nghiên vừa duỗi tay ra thì có một miếng ngọc bài từ trong sương mù mờ mịt bay đến. Kiến Sầu nhận ra nó cũng giống như miếng ngọc bài mà mình lấy được ở phòng lục tịch. Đây hẳn là ngọc bài được lưu lại khi bọn họ đi vào chợ Sơn Hải. Nghĩ vậy nên Kiến Sầu cũng bắt chước Trần Đình Nghiên duỗi tay ra.

Sương mù trong không trung liền cuồn cuộn bay.

Một đạo hào quang xanh từ xa xa phóng đến, vẽ thành một đường cung tuyệt đẹp trên bầu trời, tựa như nó đã cảm ứng được sự hiện diện của Kiến Sầu từ lâu, vừa nghe tách một tiếng thì miếng ngọc bài đã nằm gọn trong tay nàng.

Chúng ta đi thôi.

Thấy Kiến Sầu đã lấy lại ngọc bài, Trần Đình Nghiên nhanh nhẹn ngoái đầu lại, tự nhiên nắm lấy tay nàng rồi cả hai cùng nhau phi thân hạ xuống.

Ánh linh quang trắng mờ, ôn hòa ấm áp vô cùng.

Ánh sáng ấy phát ra từ nơi mi tâm của Trần Đình Nghiên, sắc thái nhu hòa thanh nhã. Trong khoảnh khắc bay hạ xuống, khí tức ấy liền bao phủ lấy Kiến Sầu khiến cho nàng cảm thấy có cái gì đó quen thuộc đến lạ thường.

Cảnh vật trước mắt họ bồng bềnh biến ảo nhưng dần dần quang cảnh của thành trì phía dưới lại càng lúc càng to và rõ ràng hơn.

Cuối cùng hai người cũng hạ xuống trên một con đường trong Uổng Tử thành cách địa thượng lâu mười tám tầng không xa lắm. Xung quanh tòa lầu này cũng có một đám đông đang ồn ào bàn tán, chỉ trỏ. Kiến Sầu biết chắc đó quá nửa là vì chuyện đỉnh tranh mà ra.

Nàng khẽ nhíu mày rồi ngoái lại nhìn Trần Đình Nghiên.

Lúc này luồng bạch quang nhàn nhạt phát ra từ nơi mi tâm Trần Đình Nghiên đang dần dần tan biến mất. Thấy nàng nhìn mình, y bất giác xoa xoa mi tâm, lấy làm lạ hỏi: Có chuyện gì sao?

Không, ta chỉ cảm thấy công pháp mà công tử tu luyện hơi khác so với những quỷ tu khác mà thôi.

Kiến Sầu mỉm cười, không giấu y suy nghĩ của mình.

Trần Đình Nghiên ngạc nhiên nhưng ngay sau đó liền cười, vẻ mặt sảng khoái đắc ý. Y chỉ vào mi tâm mình thản nhiên đáp: Trong mười đại quỷ tộc, tộc Nhật Du là tộc có công pháp tu luyện ôn hòa quân bằng hiếm thấy nên dĩ nhiên là nhìn khác hẳn so với các quỷ tu khác.

Nói đến đây, y chợt khựng lại, liếc mắt nhìn nàng, rồi bỗng nhiên thắc mắc hỏi: Nhắc đến mới nói, cô thuộc về tộc nào?

Tộc gì?

Hẳn là y muốn nói đến thập đại quỷ tộc rồi.

Kiến Sầu đã nghe nói quỷ tu ở đây sau khi tu luyện đến một cấp độ nào đó thì sẽ có thể may mắn được mười quỷ tộc lớn thu nạp.

Nói như vậy thì đây cũng chính là cơ hội thăng tiến của đa số quỷ tu.

Nhưng...

Y hỏi mình điều này để làm gì?

Kiến Sầu lắc đầu đáp: Ta mới đến Cực Vực chưa được bao lâu, hơn nữa tu vi cũng tầm thường nên chưa gia nhập vào tộc nào cả.

Thân là tu sĩ hóa châu, nhưng hồn châu lại nhỏ đến đáng thương.

Thành thử xem ra, nàng đúng là không có triển vọng được quỷ tộc thu nạp.

Nhưng trông bộ dáng của nàng thì không có vẻ gì là mới đến Cực Vực chưa được bao lâu cả.

Đôi mắt Trần Đình Nghiên lấp lánh sáng, y cười nói: Tộc Nhật Du sắp tới sẽ lại bắt đầu tìm kiếm tộc nhân mới. Nếu cô không ngại thì khi trở về tộc ta sẽ hỏi thăm tình hình cụ thể thế nào, sau đó sẽ lại đến hỏi ý cô, xem cô có bằng lòng gia nhập tộc của ta hay không nha?

Cứ nhìn Trần Đình Nghiên thì có thể biết công pháp tu luyện của tộc Nhật Du theo lối bình hòa hiếm có.

Mà Kiến Sầu thì lại xuất thân từ Nhai Sơn. Tuy ở trung vực tả tam thiên tu sĩ không tị hiềm chính tà nhưng trong người nàng hiện giờ lại có một luồng đạo khí , công pháp này quá tà dị, nếu cứ tiếp tục tu luyện thì sẽ ảnh hưởng đến tính tình tu vi. Trong khi đó nàng còn đang ở Cực Vực, tạm thời không thể bỏ đi đâu được, nếu gặp được người quen thì gia nhập, tu luyện trong tộc tiện hơn nhiều.

Trong lòng Kiến Sầu suy nghĩ như vậy nên nàng không từ chối mà gật đầu đáp: Xin không dám từ chối hảo ý của Trần tứ công tử.

Trần Đình Nghiên nghe xong thì vô cùng hoan hỉ.

Kỳ thật y đâu có cần phải hỏi han, xem xét tình hình này nọ cho mất công. Mọi chuyện lớn nhỏ trong tộc đều đến tai y không sót điều gì. Việc tuyển tộc nhân mới y đã biết rành rẽ chi tiết từ lâu nhưng lại cố tình nói sẽ lại đến hỏi ý là vì lỡ nàng không chịu thì sau đó vẫn có thể có lý do chính đáng để lại đến tìm nàng.

Bây giờ Kiến Sầu không từ chối, thật đúng là cầu được ước thấy.

Một cảm giác khoan khoái lạ lùng từ từ xâm chiếm tâm hồn Trần Đình Nghiên, tựa như y đã nẫng được tay trên của Tạ Bất Thần rồi vậy.

Để tránh bị Kiến Sầu thấy mình vui mừng lộ liễu, Trần Đình Nghiên che miệng, ho khan một tiếng, rồi vừa phất quạt vừa nói: Có gì đâu, chuyện nhỏ mà. À, chúng ta đi tìm vị tộc nhân kia đi, chờ cô dưỡng thương khỏe lại, ta sẽ đến tìm cô.

Được.

Thương thế trên người nàng tuy không có vẻ nghiêm trọng lắm nhưng đâu ai biết được sẽ có biến chứng gì không?

Kiến Sầu đồng ý ngay, rồi cùng sánh bước đi với Trần Đình Nghiên, ngay cả đám đông đang xúm xít bu quanh tòa địa thượng lâu mười tám tầng để làm cái gì nàng cũng chẳng màng để ý đến nữa___

Khi mà cái mạng nho nhỏ còn lo không xong thì tâm trí đâu mà ham vui vớ vẩn.

Hai người đi ngang qua địa thượng lâu mười tám tầng. Không lâu sau, ngay tại đầu đường, Trần Đình Nghiên gặp một lão giả mặc trường bào màu xám, gọi là lão Chu .

Ở Cực Vực, có thể nói Uổng Tử thành là một nơi mà nhân khẩu cực kỳ rối rắm phức tạp.

Hàng ngày đều có quỷ mới được dẫn tới nên thập đại quỷ tộc cũng có đặt phân chi ở đây để chiêu dụ nhân tài. Ngoài ra, thỉnh thoảng lại có quỷ đã ở đủ số năm tuổi thọ nên bị buộc phải rời thành. Vì vậy, phòng ốc trong thành biến động thường xuyên, từ đó mới sinh ra nghề môi giới chuyên việc dàn xếp chỗ ở.

Lão Chu là một người môi giới có kinh nghiệm phong phú trong nghề này.

Lão chào hỏi Trần Đình Nghiên với thái độ vô cùng cung kính, nhưng bên cạnh đó cũng không quên để ý liếc mắt tò mò nhìn Kiến Sầu, trong bụng nghĩ thầm: Nàng này ắt hẳn là nhân tình chi đây.

Trần Đình Nghiên có địa vị đặc thù trong tộc Nhật Du. Y thuộc loại công tử phong lưu hào hoa mà người trong giới mối lái như lão Chu rất thích. Thế nên vừa nhận được tin là lão đã sốt sắng chạy đến ngay.

Tuy Kiến Sầu trông cực kỳ yếu đuối, hơn nữa lại có vẻ bần cùng nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến việc lão muốn lấy lòng, xây dựng quan hệ với Trần Đình Nghiên.

Vì thế lão ém cái mặt khinh người lại mà đối với Kiến Sầu cũng khá là nhiệt tình.

Lão Chu dẫn hai người đi hết một con lộ lớn, cuối cùng tới ngã tư đường thì tìm đến một căn nhà cửa nẻo rất bình thường. Kế đó, lão lấy ngọc giản từ trong người ra áp lên cửa, cánh cửa lúc bấy giờ mới ken két mở ra.

Thưa tứ gia và Kiến Sầu cô nương, đây là một căn nhà tương đối, vừa không gây chú ý vừa ẩn náu khá tốt, bên trong cũng không tệ đâu.

Khoảnh sân trong nhà không lớn. Trong sân có trồng hai cái cây, thân cây đen thui tựa như bị lửa thiêu xạm, nhưng tán lá thì xanh thẫm, thấp thoáng điểm xuyết những đốm hoa trắng nhỏ không hương không mùi.

Kiến Sầu không biết là cây gì nên cứ nhìn mãi.

Trần Đình Nghiên đi tới, thấy ánh mắt chăm chú của nàng thì khẽ nói: Đây là cây quýt, coi dáng thì chắc được sáu bảy mươi năm rồi đó. Nhưng bình thường phải tới một trăm năm cây cho trái thì mới có chỗ hữu dụng, trái của nó cũng có thể luyện đan được.

Luyện đan luyện dược, ý của y là muốn nàng lưu ý đến tính ưu khuyết của nguyên liệu.

Kiến Sầu mặc dù chưa bao giờ chế thuốc luyện đan nhưng cũng đã từng nghe nói qua. Sau khi được Trần Đình Nghiên giải thích thì nàng đã hiểu sơ giá trị của hai cái cây này nên khẽ gật đầu. Tuy vậy nàng cũng không muốn hỏi gì thêm mà rảo bước để theo kịp lão Chu.

Lão Chu cầm ngọc giản trong tay, đi xuyên qua con đường bằng phẳng giữa sân, rồi rẽ sang bên trái đến cuối hành lang thì bắt đầu giới thiệu cho Kiến Sầu và Trần Đình Nghiên nghe.

Sân nhà này không lớn nhưng được người chủ trước chăm sóc khá tỉ mỉ. Quý vị xem, hai gian ở bên trái là đan phòng và khí phòng. Còn ở bên phải, hai gian thông nhau đó dùng làm nơi tĩnh tu hàng ngày, ngay cả tụ linh trận bên trong cũng không bị gỡ bỏ, cứ lắp huyền ngọc vào là sử dụng được.

Két két.

Cửa phòng từng gian lần lượt mở ra, Kiến Sầu và Trần Đình Nghiên cùng theo sau lão Chu xem phòng.

Mặt đất trong đan phòng khắc toàn là trận pháp. Trên vách tường còn lưu lại rất nhiều ký hiệu kỳ lạ, cứ nhìn đủ thứ vết khắc nông sâu cũ mới thì biết là nơi này đã từng có nhiều người ở qua.

Khí phòng cũng giông giống như vậy. Trên xà nhà còn treo lủng lẳng một cây đại thiết chùy thường thấy, dường như được đúc nên để sau này sử dụng.

Có điều hai gian phòng này đều phủ một lớp bụi dầy, có vẻ như lâu rồi không có người ở.

Kiến Sầu để ý nhớ kỹ điểm này, sau đó đi hết hành lang thì đến chính gian.

Phòng này dĩ nhiên là chỗ thường để nghỉ ngơi tiếp khách. Gian kế bên vẫn còn mấy con linh hồ hơi nghịch, nếu ở thì phải chịu khó thuần hóa tụi nó một chút. Còn bên này là thư phòng, người chủ thuê trước đây hình như cũng không có thu dọn gì cả, trong phòng sách vở cũng khá nhiều. Hà hà, ta chưa có xem qua nhưng có lẽ cũng có ích đôi chút cho quý vị.

Lão Chu đẩy cửa thư phòng thì Kiến Sầu nhìn thấy bài trí bên trong.

Gần cửa sổ có một cái bàn viết rất dài. Trên bàn có mấy quyển sách được sắp xếp ngay ngắn, không chút lộn xộn. Hai bên là hai hàng giá sách cao lớn, sách vở trên kệ cũng đều được xếp đặt ngăn nắp trật tự, loại nào ra loại đó, cũ mới đều có.

Ô cửa sổ được chạm trổ đẹp đẽ, giấy dán trên cửa được làm từ một loại nguyên liệu đặc biệt, trông trắng sáng như ánh tuyết ngày mùa đông. Khi ánh sáng từ bên ngoài chiếu qua thì dường như không còn thấy rõ sắc màu u ám của Cực Vực nữa mà tưởng như chỉ cần đẩy cửa sổ ra là thấy được trời xanh mây trắng, tuyết sáng khắp nơi.

Cạnh cửa sổ có một cái bình sứ xanh, trong bình có cắm ba cành mai. Nhưng dường như người chủ trước đã bỏ đi khá lâu nên ba cành mai này đã gần như khô héo hết, trên bệ cửa sổ còn vương vãi rải rác những cánh hoa khô đen. Chỉ duy có một cành trong số đó là còn giữ được một nụ hoa khô màu đỏ bầm.

Chủ nhân của căn phòng này hóa ra cũng có chút thú vị.

Trần Đình Nghiên bước tới, mắt sáng lên, hơi có vẻ thích thú trước chủ nhân của căn phòng này.

Hoa mai ở Cực Vực không phải là chuyện đơn giản đâu.

Đất đai Cực Vực cằn cỗi, vạn vật đều khó sinh trưởng. Đừng nói chi đến hoa mai, ngay cả dại có sức sống bền bỉ mà đến Cực Vực thì cũng thành sống dở chết dở.

Trần Đình Nghiên nghĩ vậy liền bước lại gần cạnh chiếc bình mai, nghiêng đầu nhìn vào miệng bình nói: Quả thực là vô cùng xa xỉ...

Sao vậy?

Kiến Sầu thấy y cứ tặc lưỡi hít hà thì không khỏi hiếu kỳ, cũng tiến tới cúi đầu nhìn theo.

Chiếc bình mai này đơn sơ, thậm chí còn chẳng có gì đặc biệt nhưng dáng bình thì lại thanh thoát dễ thương. Trong bình vẫn còn lại một lớp nước mỏng vàng vàng, mặt nước mờ mờ bụi phủ, phảng phất có mùi nhẹ nhàng, bình thường.

Kiến Sầu hơi suy nghĩ một chút rồi ngạc nhiên hỏi: Nước này đặc biệt ư?

Đúng vậy.

Trần Đình Nghiên đứng thẳng người. Y dời mắt nhìn cành mai duy nhất còn sót lại chiếc nụ mà đầu chân mày hơi nhíu lại.

Nước này chính là nước ao chuyển sinh ở cuối đường luân hồi, có thể nuôi dưỡng thiên địa vạn vật, bởi vậy nên các cành mai mang từ cô đảo nhân gian về này mới có thể sống được. Nhưng có lẽ vì người chủ bỏ đi đã lâu, không có ai chăm sóc nên chúng mới héo rũ như vậy.

Trần Đình Nghiên tuy chưa nói nước này trân quý đến bực nào nhưng Kiến Sầu ngoái đầu lại, thấy lão Chu cũng đang hít hà trầm trồ thì biết nó tuyệt không phải là thứ tầm thường.

Nước ao chuyển sinh ở cuối đường luân hồi có thể nuôi dưỡng thiên địa vạn vật.

Nghẫm nghĩ giây lát, Kiến Sầu bất giác hỏi: Xin hỏi Chu lão, chủ trước thuê trạch viện này là ai?

Điều này...

Lão Chu đã quá tuổi trung niên mà lần đầu tiên mới nghe thấy có người dùng nước ao luân hồi để dưỡng mai. Lão cố nhớ một hồi rồi gượng cười đáp: Ngay cả ta cũng thật không biết. Nhưng tòa trạch viện này thì đúng là có hơi kỳ lạ.

Kiến Sầu nghe thấy vậy thì sinh tò mò.

Trần Đình Nghiên cũng rời mắt khỏi cành mai, hỏi: Xin lão kể cho nghe một chút được không?

Ta làm nghề này cũng gần hai trăm năm rồi. Căn nhà này do ta quản lý, cho thuê được tổng cộng bốn lần, mỗi lần cho thuê kéo dài khoảng bốn năm mươi năm, người thuê lần nào cũng là quỷ mới đến Uổng Tử thành. Nhưng cuối cùng không biết có chuyện gì xảy ra mà người nào người nấy đều không ở cho hết kỳ hạn, chỉ được một thời gian là biến mất tăm mất tích.

Biến mất tăm mất tích ư? Kiến Sầu không khỏi kinh ngạc.

Trần Đình Nghiên cũng cảm thấy quái dị: Ai cũng vậy sao?

Cũng gần gần như thế. Vì Tứ gia muốn thuê nhà nên ta cũng không dám giấu ngài làm gì.

Căn nhà này trước đây có bốn người thuê. Ta chỉ gặp họ một lần lúc cho thuê, về sau rất hiếm khi gặp lại. Chờ đến khi đáo hạn, ta đến xem thì thấy không có ai, mọi thứ ở đây cũng chẳng có thay đổi gì.

Nói đến đây, lão Chu cười khan, dường như sợ Trần Đình Nghiên không chịu thuê nên vội vàng nói thêm.

Ta nghĩ đó là do họ tài nghệ chưa tới nên chết ở ngoài, hoặc là do tu luyện thành công nên đã bỏ đi chỗ khác, hoặc cũng có khi vì niên hạn đã đến nên phải đi chuyển thế đầu thai. Cứ nhìn những gì khắc ở trên tường thì biết họ không giống như người bình thường mà, hà hà...

Trần Đình Nghiên và Kiến Sầu đưa mắt nhìn nhau, ánh mắt cả hai đều có vẻ tư lự, nghĩ ngợi.

Y hỏi trước: Kiến Sầu, cô thấy thế nào?

Có thuê nhà này không?

Trần Đình Nghiên vừa hỏi câu này thì lão Chu thót tim, biết ngay là lời nói của nữ tu này rất có trọng lượng nên vội vàng nhìn về phía nàng, dáng vẻ hồi hộp mong chờ.

Nhà trên dương gian cũng có ma, huống hồ là ở Uổng Tử thành này chẳng thiếu gì ma quỷ.

Căn phòng này có hơi cổ quái...

Nhưng Kiến Sầu ngẩng đầu lên, ánh mắt lần nhìn từng quyển sách một trên giá mà thầm thở dài trong lòng: Có nhiều sách như vậy thì sao có thể không chịu nơi này cho được?

Nàng gượng cười nói: Chỗ này không tệ, ta rất thích. Còn chuyện mất tích hay không mất tích... Ta cũng không định ở lại lâu nên không sao cả.

Cô nương thật là có con mắt tinh tường. Ngay ở Uổng Tử thành này, có mà đốt đèn cũng không tìm được căn nhà tốt như thế này đâu. Nếu có thì ta đã giới thiệu cho nhị vị từ trước rồi. Gần đây, quỷ nhập thành hình như càng lúc càng nhiều, ta e rằng sẽ khó tìm nhà cửa đó.

Lão Chu vừa nghe thấy Kiến Sầu nói vậy thì vỗ tay vui mừng, mặt mày hớn hở.

Trần Đình Nghiên nghĩ bằng đầu ngón chân cũng đoán biết được rằng căn nhà này chắc chắn không rẻ. Lão già này cũng biết nhìn mặt ra giá, thế nào cũng cho là mình và nàng có quan hệ mật thiết gì đó, nên dĩ nhiên sẽ cứ chuẩn bị nhè y mà chém thôi.

Nhưng nữ tử này đâu có nghèo túng gì cho cam.

Nếu cô đã quyết ý thì cứ vậy mà làm đi. Nhưng vì căn nhà này cổ quái như vậy nên thỉnh thoảng ta sẽ lại tới thăm cô, không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất mà thôi.

Thật tốt quá, lại có thêm một cái cớ nữa để tiếp cận nàng rồi.

Trần Đình Nghiên lâng lâng vui sướng trong lòng.

Kiến Sầu cũng khẽ gật đầu, không nói gì thêm.

Thương thế của nàng còn chưa khỏi hẳn. Hơn nữa trận chiến kịch liệt lúc nãy đã gần như vắt kiệt hết trí óc sức lực của nàng nên nói chuyện từ nãy đến giờ lâu như vậy cũng khiến nàng dần dần trở nên mệt đến mức không thể gắng được nữa.

Chu lão, căn nhà này thuê như thế nào?

Cứ mười năm là bảy trăm huyền ngọc. Nhưng vì cô nương là người do Tứ gia giới thiệu đến nên nếu cô thuê năm mươi năm thì ta chỉ lấy cô ba ngàn mà thôi.

Huyền ngọc tại Cực Vực đúng là vật có giá. Phải có mấy ngàn viên mới mua được một món pháp khí, không có chuyện gì bất trắc xảy ra thì cứ vậy mà sử dụng hoài. Còn đây thuê một căn nhà trong năm mươi năm mà cũng bằng ấy tiền, Kiến Sầu thấy vậy thì biết là rất mắc.

Nhưng căn nhà này có đầy đủ chỗ tu luyện, thậm chí lại còn có rất nhiều sách vở, thoáng nhìn sơ thôi cũng biết là đều có thể có liên quan đến Cực Vực, điều này lại vừa khéo hợp ý nàng. Nếu là người khác thì chưa chắc y đã chịu thuê nhưng nếu người đó là Kiến Sầu thì đồng ý là chuyện đương nhiên.

Nàng vừa mới bán đồ trong Phẩm tự lâu. Viên chưởng quỹ lùn đã mua ba phần trong cái đống ve chai đó, trả cho nàng một lô huyền ngọc có đến mười mấy triệu viên nên cái giá này nàng hoàn toàn có thể trả được.

Vì vậy Kiến Sầu liền không chút do dự lấy ngay từ trong tay áo ra một cái túi nhỏ.

Phẩm tự lâu trả huyền ngọc cho nàng phần lớn là loại thượng phẩm và trung phẩm, còn loại hạ phẩm thì do nàng yêu cầu riêng. Mặc dù là có đến mười mấy triệu viên huyền ngọc nhưng đổi thành thượng phẩm thì chưa tới một ngàn khối.

Lúc này đa phần huyền ngọc mà Kiến Sầu lấy từ trong túi ra thuộc hàng trung phẩm. Một viên trung phẩm bằng mười viên hạ phẩm, giống như quy đổi linh thạch vậy.

Ta cũng không biết mình phải lưu lại Uổng Tử thành bao lâu nên thôi thuê trước mười năm, sau này nếu có cần thuê thêm thì sẽ trả tiếp.

Kiến Sầu đưa cho lão Chu cái túi nhỏ, bên trong có bảy mươi viên huyền ngọc trung phẩm.

Nàng biết tiền tài bất lộ bạch, không nên để cho người khác biết mình có tiền.

Ở Phẩm tự lâu, người ta chỉ biết nàng có đi lên lầu trên nhưng không biết nàng làm cách nào mà khiến cho viên chưởng quỹ thay đổi ý kiến, đem thanh hắc kiếm tặng cho, và cũng lại càng không biết nàng đã bán đi thứ gì. Vì thế trừ Phẩm tự lâu ra, không ai biết nàng là bậc cự phú.

Khi đã đến được Uổng Tử thành nơi mà vàng thau lẫn lộn thì Kiến Sầu tự nhiên trở nên cẩn thận. Nàng thuê mười năm trước nhất là vì cảm thấy mình sẽ không phải chờ lâu đến như vậy, thứ hai là vì không muốn để cho người ta thấy mình là khách sộp.

Thật ra lão Chu đang lo ngay ngáy, sợ không cho thuê được căn nhà quỷ dị này nên trong đầu vẫn còn bận suy tính lời ngon tiếng ngọt để thuyết phục nàng. Nào ngờ, lão chưa kịp nói câu nào thì nàng đã đưa huyền ngọc ra rồi.

Lão ngẩn người nhưng ngay sau đó thì tít mắt lên, vội vàng nhận lấy cái túi nói: Quý cô nương thật là rộng rãi, căn nhà này thuê tuyệt đối không thiệt đâu!

Chu lão miệng thì khen ngợi nhưng tay thì cẩn thận mở cái túi nhìn vào, thấy rồi thì giật thót tim!

Đúng là sang quá!

Toàn là huyền ngọc trung phẩm hết!

Viên nào viên nấy đều được cắt gọt chỉnh tề, ánh sáng phát ra rực rỡ, đầy đặn sung mãn đến nỗi linh khí bên trong dường như có thể tràn ra bất cứ lúc nào.

Trên toàn Cực Vực, linh thạch hạ phẩm rất thường gặp trong khi huyền ngọc trung phẩm khá hiếm thấy.

Không ngờ vị Kiến Sầu cô nương này vừa ra tay là đã đưa thứ trung phẩm, tuy số lượng không lớn nhưng đủ thấy nàng ta là người không đơn giản.

Nhưng lão Chu lại nghĩ đây thật ra cũng không phải là huyền ngọc thượng phẩm, người có thể đi cùng với Trần Đình Nghiên thì trả bằng huyền ngọc trung phẩm cũng là chuyện bình thường.

Lão nhìn kỹ cái túi. Bên trong có tất cả đúng bảy mươi viên huyền ngọc trung phẩm.

Đến lúc này, lão Chu cũng chẳng để ý gì đến thân thế của Kiến Sầu nữa. Lão cất cái túi đựng huyền ngọc đi, sau đó lấy ra tấm ngọc giản đã dùng để mở cửa lúc nãy, vạch lên đó một đường rồi nói: Đây là ngọc phù để mở cửa trạch viện. Ngoài việc mở cửa nó còn dùng để kích hoạt trận pháp bảo hộ, ngăn không cho người khác nhìn lén. Khi nào cần cô cứ làm phép, dùng tinh hồn bắt nó nhận chủ thì có thể điều khiển thoải mái mọi thứ trong nhà.

Nói đoạn liền hai tay dâng ngọc giản lên.

Kiến Sầu cầm lấy tấm ngọc phù nho nhỏ, thấy đầu trên và đầu dưới mỗi đầu có khắc chạm một nửa hình linh thú thao thiết, ở giữa thì chi chít đồ văn huyền ảo như ẩn như hiện.

Nàng xem xong tấm ngọc phù thì cười đáp lễ: Xin đa tạ Chu lão.

Là Chu lão ta phải đa tạ cô nương mới đúng.

Lão Chu trúng được một mối khách, mặc dù không kiếm được nhiều huyền ngọc lắm nhưng cũng đã lời được chút đỉnh rồi nên thái độ đối với Kiến Sầu rất chân thành khác hẳn với vẻ nhiệt tình giả tạo lúc trước.

Ta ngụ tại thành đông tộc Nhật Du. Sau này nếu có chuyện gì, cô cứ đến đó tìm người nhắn tin là được. Bây giờ cũng không còn sớm, hà hà, xin không quấy rầy nhị vị nữa.

Lão Chu sao lại không biết Trần Đình Nghiên là ai. Vả lại, lão cũng đã nhìn ra giữa hai người có điều gì đó không bình thường, mà việc mua bán bây giờ cũng đã xong, nên liền chắp tay từ biệt, không muốn dây dưa ở lại nữa.

Trần Đình Nghiên tuy biết lão hiểu lầm nhưng lại cảm thấy vui bụng nên chỉ vờ trách: Cái lão này, chỉ nói hưu nói vượn là giỏi!

Lão Chu cũng không nhiều lời, cười xòa rồi lui ra ngoài.

Trước cửa phòng chỉ còn lại Kiến Sầu và Trần Đình Nghiên.

Sau khi tiễn lão Chu đi xong thì hiện giờ Kiến Sầu đã không còn giấu nổi vẻ mỏi mệt được nữa. Nàng vào thư phòng tìm ngay một chiếc ghế cạnh chiếc bàn tròn mà ngồi xuống, bàn tay còn ấn lên trên hông, đôi hàng mày liễu cau lại, mặt hơi rịn mồ hôi.

Cô bị thương ư?

Trần Đình Nghiên thất kinh, vội vàng tiến tới xem xem thương thế của nàng ra sao.

Nhưng Kiến Sầu lại lắc đầu, trên khuôn mặt tái xanh phảng phất còn có một làn khắc khí mờ mờ thoáng qua. Nàng chỉ nói: Hôm nay Kiến Sầu đã phiền Trần tứ công tử lao tâm khổ trí một phen rồi. Thật là ngại quá. Ta vừa định tiếp đãi công tử sao cho chu đáo nhưng thương thế như thế này thì sợ phải đành thất lễ thôi.

Trần Đình Nghiên đúng là còn lưu luyến muốn ở lại nhưng nàng đang bị thương nên y cũng biết là không phải lúc.

Nhưng ngày rộng tháng dài, lo gì không có dịp.

Ngẫm nghĩ một hồi, y lấy từ trong ngực ra một cái bình gỗ màu tím nhạt để lên trên chiếc bàn tròn cạnh Kiến Sầu, ánh mắt nhìn nàng có phần lo lắng, quan tâm.

Ta và cô nương vốn quen biết nhau, tha hương gặp lại thì nên giúp đỡ nhau mới phải, còn hiềm thất lễ hay không thất lễ nữa sao. Cái bình này là Tam hương địa hoàn tuyền, dùng để chữa nhiều loại thương tích rất có hiệu quả.

Tay y phất quạt, mắt thấy Kiến Sầu định mở miệng muốn nói, sợ nàng từ chối nên Trần Đình Nghiên lại bồi thêm.

Ta biết thân thế của cô nương không đơn giản và cũng không thiếu mấy cái thứ này nhưng đây là tấm lòng của ta, xin cô nương nhận cho. Cùng lắm sau này ta mà có gặp nạn, cô đến cứu là được chứ gì.

Y nói vậy thì Kiến Sầu từ chối làm sao cho đặng.

Nàng đành lắc đầu, thở dài nói: Vậy xin cung kính không bằng tuân mệnh.

Cô hãy tĩnh dưỡng cho tốt, đến khi nào lành vết thương thì cũng có thể đến tộc Nhật Du tìm ta, Trần Đình Nghiên lại cười nói, Nhưng ta nghĩ thương thế của cô không nặng, vậy ít lâu sau ta sẽ tới thăm cô được chứ?

Kiến Sầu khẽ gật đầu đáp: Ừ.

Vậy xin từ biệt, ngày sau sẽ có dịp gặp lại.

Trần Đình Nghiên chắp tay chào. Kiến Sầu muốn đứng dậy đưa tiễn nhưng lại bị y ấn vai đè xuống, bảo nàng hãy ngồi cho khỏe, rồi tự mình đi ra, trước khi đi còn khép cửa lại cho nàng.

Lách cách, lách cách.

Tiếng bước chân y xa dần.

Kiến Sầu vẫn ngồi đó, mắt liếc nhìn chiếc bình gỗ để trên bàn. Nàng thông tuệ nhạy cảm như vậy thì có lý nào không hay không biết tấm lòng của Trần Đình Nghiên là cái gì chứ?

Nhưng....

Nàng hoàn toàn không hề thấy rung động trước người ta!

Khụ... khụ...

Nàng ho khan hai tiếng, rồi không động đến chiếc bình gỗ kia mà lấy ra một cái bình ngọc từ trong túi càn khôn, đoạn đổ ra ba viên bỏ vào miệng cho đỡ khó chịu, sau đó mới thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.

Nếu muốn vết thương lành hẳn thì không thể hoàn toàn dựa vào đan dược mà lát nữa còn phải ngồi xuống đả tọa mới ổn được.

Tấm ngọc phù đang nằm trong tay Kiến Sầu. Nàng cúi đầu nhìn thì bỗng chốc ngỡ ngàng: phương pháp dùng tinh hồn để nhận chủ... nàng đâu có biết nó là cái gì đâu.

Hồi nãy để cho người ta khỏi nghi ngờ, nàng có nghe nhưng lại không hỏi. Bây giờ làm sao đây...

Kiến Sầu nghoảnh đầu nhìn lại, ánh mắt lần theo từng hàng từng hàng thư tịch được sắp xếp ngay ngắn trên giá: Cực Vực tạp đàm, Vạn dặm ác thổ, Lô trung ngũ thuật, Hóa châu cảnh kỷ yếu...

Sách vở đa dạng như vậy thì hẳn trong số đó sẽ có ghi chép về phép Tinh hồn nhận chủ .

Kiến Sầu hoàn toàn không chút lo lắng.

Nàng mủm mỉm cười, ánh mắt đang lướt trên từng hàng thư tịch cũng dần bừng sáng lên.

Thật đúng là buồn ngủ lại được chiếu manh. Những cuốn sách này chẳng phải là thứ mà mình đang cần nhất đây sao?

Kiến Sầu vừa rời mắt khỏi giá sách thì trong tầm mắt lại thấy chiếc bình mai đặt bên cạnh cửa sổ...

Nước ao chuyển sinh ở cuối đường luân hồi.

Nàng khẽ nhíu mày, buông tấm ngọc phù xuống rồi đứng dậy, đi đến gần chiếc bình mai.

Nụ hoa hao gầy, khô héo ấy đang lắc lẻo trên cành. Không biết nó trụ lại được như vậy đã bao lâu, nhưng trông nó dường như vẫn còn có dịp nở rộ được. Dọc trên bệ cửa sổ rải rác những cánh mai khô đen đang nằm im lặng lẽ.

Ánh sáng từ bên ngoài chiếu qua ô cửa sổ, sau khi xuyên qua giấy dán cửa sáng trắng như tuyết thì trở nên vừa tinh khiết vừa thanh tịnh. Cái ánh sáng ấy lại rọi lên chiếc bình mai xanh khiến màu gốm trông tươi sáng long lanh.

Kiến Sầu ngắm nhìn mà cảm thấy cảnh vật trước mắt thanh nhã, đẹp như thơ như họa.

Nàng vừa đến trước cửa sổ, trên đôi môi nhợt nhạt không chút huyết sắc bất giác nở một nụ cười.

Chủ cũ căn nhà này hẳn là một người rất mê hoa*.

Kiến Sầu tuy không có tính sầu bi trước cảnh hoa tàn*, nhưng thấy cánh mai rụng rơi đầy trên bệ cửa sổ thì cũng đâm ra bồi hồi hoài cảm. Nàng đưa tay định nhặt một cánh hoa khô lên.

* Sự say mê sầu lụy này là liên tưởng văn học, trong truyện Hồng Lâu Mộng có Lâm Đại Ngọc khóc chôn hoa. Thơ rất hay.

Nhưng lạ thay đầu ngón tay của nàng vừa mới khẽ đụng đến thì cánh hoa ấy bỗng chốc rã thành phấn đen bay lả tả trong không trung.

Kiến Sầu hơi giật mình.

Không biết người chủ trước đã mất tích bao lâu rồi, cũng không rõ cánh hoa này rơi xuống đây tự bao giờ, nhưng trải bao tháng ngày thì nó tự nhiên phải khô héo thành tro. Sở dĩ cánh hoa vẫn còn giữ nguyên hình dạng là vì không có ai đụng vào mà thôi.

Kiến Sầu thầm thở dài trong lòng, thôi không nhặt hoa nữa mà định quét sạch cái bệ để mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài.

Tay áo nàng phất lên, một luồng gió nhẹ vừa thổi tới thì lập tức tất cả những cánh hoa mai khô trên bệ cửa sổ liền hóa thành tro bụi, bay cuốn theo gió rồi rơi lả tả trên mặt đất.

Bệ cửa sổ liền trở nên sạch sẽ.

Kiến Sầu nhân dịp đó liền định đưa tay mở cửa sổ, vừa đảo mắt nhìn thì chợt bắt gặp một hàng chữ mờ mờ trên bệ cửa cạnh chiếc bình mai.

Chữ viết ư?

Nàng ngạc nhiên, nhíu mày.

Một hàng chữ nhỏ xíu cân đối đều đặn theo kiểu chữ khải được khắc sâu trên bệ cửa từ phải trang trái.

Nếu có duyên, mong người yêu hoa thay ta dưỡng mai...

Kiến Sầu khẽ đọc, ngón tay nhẹ lần theo hàng chữ, đến chữ mai cuối cùng thì thấy một nửa chữ còn lại bị khuất dưới bình mai.

Trong ba cành mai cắm trong bình thì chỉ có một cành là còn mỗi một nụ hoa khô héo kia.

Kiến Sầu nhìn thoáng qua, trầm ngâm trong giây lát rồi không khỏi bật cười: Lấy nước ao chuyển sinh dưỡng mai, phải là một người hữu duyên mê hoa đến bực nào thì mới có thể xa xỉ đến như vậy...

Hàng chữ để lại ắt hẳn là của người chủ cũ căn nhà và hẳn chính y cũng là người nuôi dưỡng mai này.

Kiến Sầu nhìn hàng chữ ấy mà không biết nói gì và thật ra nàng vốn cũng không có ý thuận theo di nguyện của người kia mà chỉ muốn mở cửa sổ. Nhưng bàn tay vừa đưa ra lưng chừng thì linh quang trong mắt chợt lóe. Nàng như chợt nghĩ đến điều gì đó nên lại cúi đầu nhìn nửa chữ mai ấy thêm một lần nữa.

Tâm niệm vừa động thì Kiến Sầu đã chuyển tay về, lấy cả hai tay cẩn thận nhích nhẹ chiếc bình mai sang bên cạnh một chút.

Nửa phần sau của chữ mai liền hiện ra.

Khuôn mặt nàng vẫn giữ vẻ điềm tĩnh nhưng đáy mắt thì lại long lanh sáng, đôi bàn tay cũng không ngừng lại ở vị trí đó mà vẫn tiếp tục xê dịch chiếc bình.

Rất nhanh sau đó, chiếc bình mai đã bị đẩy ra một khoảng cách chừng hai lòng bàn tay.

Phần bị che dưới đáy bình đã hiện ra, nhưng____

Ngoài một nửa chữ mai ra thì phần lộ ra ấy lại vẫn còn mấy chữ nữa...

/364

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status