Sông Đông Êm Đềm

Chương 85

/232


Các đơn vị thuộc quân đoàn kỵ binh số ba và sư đoàn Tuzemnaia điều về Petrograd chuyển quân với những khoảng cách rất lớn trên tám tuyến đường sắt: Rêven, Vêdenbéc, Nácva, Yamburg, Vưricha, Dno, Pskov, Luga. Tất cả các ga xép và ga tránh xe đều đầy những đoàn tàu nhà binh chạy chậm rề rề vì nghẽn đường. Các sĩ quan chỉ huy cấp trên không còn có thể tác động chút gì tới tinh thần các trung đoàn, các đại đội bị phân tán mất hết liên lạc với nhau.

Tình hình đã rắc rối lại càng rắc rối thêm, vì ngay trên đường hành quân, quân đoàn cùng sư đoàn Tuzemnaia phối thuộc với nó phải được biên chế lại thành một tập đoàn quân. Muốn vậy cần phải tiến hành một đợt điều thuyên chuyển khá lớn, phải tập hợp những đơn vị đang phân tán, phải sắp xếp lại các đoàn tàu. Tất cả những việc đó gây ra tình trạng rối như bòng bong, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, các mệnh lệnh nhiều khi không ăn khớp với nhau, không khí đã căng thẳng như đầu óc người lên cơn thần kinh lại càng bị hun nóng.

Tuyến đường nào cũng bị các công nhân và viên chức của ngành đường sắt hoạt động chống lại, các đoàn tầu của quân đội Kornilov cố vượt các khó khăn, từ từ bò về Petrograd có những lúc dồn ứ lại ở các ga đầu mối nhưng rồi lại tản ra.

Trong những ngày sơn đỏ của các toa xe, bên cạnh những con ngựa đói dở đã tháo yên cương, có những con người cũng ăn không đủ no bị lèn như cá hộp: những binh sĩ Cô- dắc các quân khu sông Đông, Usuri, Orelburg, Nectrisk và Amur, những người Ingus, Cherket, Kabarda, Oset, Dagestan. Các đoàn tầu nhà binh chờ đến lượt chuyển bánh, phải nằm lại hàng giờ ở các ga, bọn kỵ binh đổ ào ào từ các toa xe xuống, đứng lúc nhúc như châu chấu trong các phòng đợi, kéo đàn kéo lũ đi trên các đường tàu. Chúng ăn sạch tất cả những cái gì ăn được mà các đoàn tàu đi trước còn để lại, lấy cắp của nhân dân, phá kho lương thực.

Những nẹp quần Cô- dắc vàng vàng đỏ đỏ, những cái áo vét lộng lẫy của long kỵ binh, áo tréc- két- ca của các dân tộc miền núi… Phong cảnh thiên nhiên miền Bắc vốn dè sẻn mầu sắc, chưa từng thấy muôn mầu phối hợp phong phú như thế nầy.

Ngày hai mươi chín tháng tám, lữ đoàn ba của sư đoàn Tuzemnaia do công tước Gagarin chỉ huy đã tiếp cận với địch ở gần Paplovsk. Hai trung đoàn Ingusky và Cherket tiến trên đầu sư đoàn phát hiện thấy đường sắt bị phá hoại, bèn xuống tầu và hành quân đi bộ về hướng Traskoie Xelo. Những toán trinh sát của trung đoàn Ingusky len lỏi tới nhà ga Somrino. Hai trung đoạn từ từ triển khai tấn công, đánh đồn Xích vệ, chờ các đơn vị khác của sư đoàn đến đủ. Song các đơn vị đã tới ga Dno còn chờ tàu chuyển bánh. Một số đơn vị còn chưa tới được ga nầy.

Công tước Bagraction, sư đoàn trưởng sư đoàn Tuzemnaia đang trong trang trại riêng cách nhà ga không xa lắm để chờ đợi các đơn vị còn lại tới tập trung đầy đủ, vì dại gì mà liều lĩnh cho binh sĩ cưỡi ngựa hành quân tới Vuricha.

Ngày hai mươi tám, Bagration nhận được của bộ tư lệnh Mặt trận miền Bắc bản sao bức điện sau đây:

"Đề nghị truyền đạt với quân đoàn trưởng Quân đoàn ba và các thủ trưởng sư đoàn sông Đông số một, sư đoàn Usuri và sư đoàn Tuzemnaia ở Kavkaz mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao là nếu vì những hoàn cảnh bất ngờ nào đó mà gặp khó khăn trong việc hành quân bằng đường sắt. Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh cho các sư đoàn tiếp tục vận dộng bằng cách hành quân trên đường cái. Ngày 27 tháng tám năm 1917. Số 6411. Romanovsky".

Khoảng chín giờ sáng, Bagration đánh điện báo cho Kornilov biết rằng hồi 6 giờ 40 phút sáng, hắn đã được đại tá Vagratuni, tham mưu trưởng Quân khu Petrograd chuyển cho mệnh lệnh của Kerensky bắt phải cho tất cả các đoàn tầu nhà binh quay trở về và hiện nay các đoàn tầu của sư đoàn đang bị giữ lại trên quãng đường từ ga tránh xe Gatka đến Oredot, vì theo lệnh của Chính phủ lâm thời, ngành đường sắt không được phát giấy lộ trình.

Tuy Bagration có nhận được quyết định của Kornilov nói rõ ràng: "Gửi công tước Baglation. Tiếp tục chuyển quân bằng đường sắt. Nếu không thể dùng đường sắt được nữa thì hành quân trên đường cái tới Luga, tại đấy sẽ hoàn toàn chịu quyền chỉ huy của tướng quân Krumov", hắn vẫn không quyết định cho các đơn vị dưới quyền hành quân trên đường cái và cứ ra lệnh cho quân đoàn bộ lên các toa xe.

Trung đoàn trong đó Evgeni Litnhiki đã từng phục vụ cùng các trung đoàn khác trong biên chế của sư đoàn Cô- dắc sông Đông số một được chuyển về phía Petrograd theo tuyến đường sắt Rêven - Vêdenbéc - Nácva. Năm giờ chiều ngày hai mươi tám, đoàn tàu chở hai đại đội của trung đoàn nầy tới Nácva. Viên chỉ huy đoàn tàu nhà binh được biết rằng đến đêm tàu không thể lại lên đường vì đoạn đường sắt giữa Nácva và Yamburg đã bị phá hoại, và một bộ phận của tiểu đoàn sắt đã được phái đến đấy bằng một đoàn tàu hoả tốc. Sáng mai, nếu kịp chữa xong đoạn đường, đoàn tầu sẽ chuyển bánh.

Dù muốn hay không, viên chỉ huy đoàn tàu nhà binh cũng bắt buộc phải đồng ý. Hắn vặc rầm lên một trận, leo lên toa xe của hắn, cho bọn sĩ quan biết tin rồi ngồi vào bàn uống trà.

Đêm hôm ấy trời u ám. Một làn gió đầy hơi ẩm, lạnh thấu xương thổi từ ngoài vịnh. Trên đường sát, anh em Cô- dắc âm thầm nói chuyện với nhau trong các toa xe. Những con ngựa lo lắng vì những tiếng đầu máy rúc còi, chốc chốc lại đập móng xuống sàn gỗ. Ở đuôi đoàn tầu có một gã Cô- dắc trẻ tuổi ngồi hát trong bóng tối, không biết hắn muốn kể khổ với ai.

Thôi vĩnh biệt tỉnh thành, thị trấn

Vĩnh biệt người, thôn xóm thân yêu

Thôi vĩnh biệt cô em tươi trẻ,

Vĩnh biệt em, đoá hoa biếc nhỏ nhoi! 1

Nhớ khi trước, sớm chiều gần gụi,

Bàn tay anh nắm chặt tay em,

Nhưng em hỡi, nay sớm chiều dòi đõi,

Dựa bên anh, còn khẩu súng nầy thôi…

Từ sau ngôi nhà xám xịt, to lù lù của kho hành lý, có một người bước ra. Người ấy đứng lại một lát, vừa lắng nghe tiếng hát và nhìn theo đoạn đường ray in lốm đốm những ánh đèn vàng ệch rồi mạnh dạn bước về phía đoàn tàu nhà binh. Chân anh ta bước nhẹ nhàng, khi dậm trên các tà vẹt còn có tiếng trầm trầm, nhưng khi bước xuống lớp đất sét nện cứng thì không còn nghe thấy gì nữa. Người ấy đi tránh toa xe cuối cùng, nhưng gã Cô- dắc đứng ở cửa xe ngừng tiếng hát và gọi anh ta:

- Ai?

- Thế cậu đợi ai đấy? - Người kia miễn cưỡng trả lời nhưng không dừng bước.

- Đêm hôm khuya khoắt thế nầy còn láng cháng ở đây làm gì hử? Cái bọn đầu trộm đuôi cướp chúng mày, bọn ông thì nện cho nhừ tử! Định nhòm ngó xem có cái gì sơ hở để xoáy có phải không?

Người kia không trả lời, cứ đi tiếp đến giữa đoàn tàu, rồi ngó đầu vào khe cửa một toa xe và hỏi:

- Đại đội nào thế?

- Đại đội nhà pha - Trong bóng tối có tiếng cười khà khà.

- Mình hỏi có việc đấy, đại đội nào thế?

- Đại đội hai.

- Thế trung đội bốn đâu?

- Đếm từ đầu là toa thứ sáu.

Ba anh chàng Cô- dắc đang hút thuốc bên cạnh toa xe thứ sáu tính từ đầu máy. Một người ngồi xổm, hai người đứng cạnh đấy. Cả ba lặng thinh nhìn người đang đi tới gần họ.

- Chào anh em đồng hương.

- Ơn Chúa! - Một người nhìn chằm chằm vào mặt người lạ trả lời.

- Nikita Dulgin còn sống không? Cậu ấy có ở đây không?

- Mình đây - Người ngồi xổm trả lời bằng một giọng nam cao véo von như hát rồi đứng dậy, lấy gót ủng di di điếu thuốc. - Mình không nhận được ra cậu. Cậu là ai thế? ở đâu đến thế? - Anh ta vươn bộ mặt râụ ria xồm xoàm cố nhận ra người lạ. Người nầy mặc áo ca- pôt, đầu đội chiếc mũ cát- két binh sĩ nhầu nát. Bỗng anh lính Cô- dắc ngạc nhiên kêu lên - Ilia! Buntruc phải không? Người anh em thân mến của mình, ma quỷ nào xách cổ cậu về đây thế nầy?

Anh ta đưa bàn tay sần sùi ra nắm lấy bàn tay đầy lông lá của Buntruc một lát rồi cúi xuống khẽ nói:

- Đây toàn là anh em mình, cậu đừng sợ. Cậu từ đâu mò về đây thế nầy? Nói đi chứ, ma quỷ bắt cậu đi!

Buntruc chào hai anh chàng Cô- dắc kia rồi trả lời bằng một giọng yếu ớt, trầm trầm như tiếng gang:

- Mình ở Petrograd về, mất bao nhiêu công sức mới tìm thấy các cậu. Có việc phải làm đấy. Cần phải bàn với các cậu.

- Người anh em ạ, mình thấy cậu còn sống, còn khoẻ mạnh là mình mừng lắm.

Buntruc mỉm cười. Trên khuôn mặt rất to có vầng trán mênh mông, răng của anh hiện ra trắng loá, cặp mắt long lanh, ấm áp, vui vẻ, nhưng trầm tĩnh.

- Có việc bàn với nhau à? - Anh chàng râu xồm lại nói véo von với cái giọng nam cao. - Cậu là sĩ quan mà cũng đi lại chơi bời với bọn mình. Cám ơn cậu, và ơn Chúa, nếu không chúng mình đây đừng hòng được nghe một lời thân mật âu yếm… - Trong giọng nói của Dulgin thoáng có ý trêu chọc, nhưng hồ hởi, không có gì ác ý.

Buntruc cũng thân mật pha trò:

- Được thôi, rồi sẽ có đủ chuyện cho cậu phá quấy! Cậu vẫn chẳng bỏ cái tính nghịch ngợm một chút nào! Nhưng cứ pha trò nữa đi râu cậu dài quá rốn rồi đấy.

- Râu ria thì bọn mình có thể cạo bất cứ lúc nào cũng được. Nhưng cậu hãy cho biết tình hình ở Petrograd như thế nào đã? Bắt đầu có bạo động rồi à?

- Ta vào trong toa đã, - Buntruc đề nghị, giọng đầy hứa hẹn.

Bốn người leo lên toa xe, Dulgin đưa chân lay một anh chàng nào đó, khẽ gọi:

- Dậy đi các cậu! Có một nhân vật đến thăm bọn mình giữa lúc đang cần đây. Nào, mau lên các thầy quyền, quàng quàng lên!

Đám Cô- dắc è è trong họng, lổm ngổm đứng dậy. Có hai bàn tay không biết của ai, hai bàn tay rất to, nặc mùi thuốc lá và mùi mồ hôi ngựa, nhẹ nhàng sờ soạng trong bóng tối trên mặt Buntruc lúc nầy đang ngồi trên một cái yên ngựa. Một giọng trầm đặc sệt như dầu ma- dút hỏi:

- Buntruc đấy à?

- Mình đây. Còn cậu, Trikamasev đấy phải không?

- Mình đây, mình đây. Chào cậu, anh bạn thân mến!

- Chào cậu - Mình chạy ngay đi gọi anh em trung đội ba nhá?

- Phải, phải! Quàng lên đi!

Trung đội ba đến gần đủ, chỉ để lại hai anh chàng coi ngựa. Anh em Cô- dắc lại gần Buntruc, họ nhìn những bàn tay sần sùi to như lát bánh mì gối bắt tay anh, họ khom người dưới ánh đèn bão, nhìn vào khuôn mặt rộng bè bè và hơi âm thầm của anh, họ gọi anh, khi là Buntruk, khi là Ilia Mitơrit, khi là Ilinsa, nhưng trong tất cả các giọng nói đều chỉ có thể cảm thấy một vẻ vồn vã thân mật, ấm áp.

Trong toa xe bắt đầu thấy ngột ngạt. Ánh đèn nhảy múa trên những thành xe làm bằng ván ghép, những cái bóng không ra hình thù gì cả đung đưa và to ra, ngọn đèn bốc khói mù mịt, ánh đèn vàng khè nhớp nhúa.

Mọi người niềm nở kéo Buntruc tới gần ngồi ở chỗ sáng. Những người phía trước thì ngồi xổm, còn lại bao nhiêu đều đứng vây quanh, chen chúc như nêm. Dulgin húng hắng ho, rồi cất cái giọng nam cao nói:

- Ilia Mitơrit ạ, hôm nọ chúng mình có nhận được thư của cậu, nhưng vẫn muốn được nghe cậu nói, để được cậu bảo cho biết sau nầy bọn mình sẽ phải làm như thế nào. Chúng nó đang lôi bọn mình đi Petrograd, thế thì làm thế nào bây giờ?

- Mitơrit ạ, cậu thử xem trời đất bây giờ như thế nào? - Gã Cô- dắc đứng ở ngay cửa toa xe nói, một chiếc vòng lủng lẳng dưới cái dái tai nhăn nhúm. Chính gã đã từng bị Evgeni Litnhiki làm nhục không cho nấu nước trà bên lá chắn súng máy trong chiến hào - Đã có những thằng tuyên truyền đủ loại đến đây khuyên can bọn mình, nào là các cậu đừng đi Petrograd, nào chúng ta không đánh lẫn nhau làm gì. Chúng nó còn nói nhiều ý khác, nhưng đại loại đều như thế cả. Bọn mình nghe thì cứ nghe, nhưng chẳng tin gì chúng nó. Chúng nó không phải là anh em mình. Chưa biết chừng chúng nó muốn đưa bọn mình đến chỗ chết cũng nên, ai biết đâu mà ăn cỗ? Nếu từ chối không đi thì Kornilov sẽ kéo bọn Cherket đến đây và lại đổ máu. Còn cậu là anh em nhà, là dân Cô- dắc, bọn mình rất tin cậu và thậm chí rất cám ơn cậu đã viết thư từ Petrograd về cho bọn mình, lại gửi cả báo nữa… Bọn mình thú thực là ở đây đang thiếu giấy cuộn thuốc ghê gớm, vừa may nhận được báo…

- Cậu nói tầm bậy tầm bạ những gì thế hả, đầu óc gì mà ngu khổ ngu sở? - Một gã khác bực mình ngắt lời gã đeo vòng tai. - Cậu là một thằng mù chữ nên cứ tưởng mọi người đều tối tăm như cậu phải không? Cậu nói như bọn mình đem báo ra cuộn thuốc hút ấy?

- Cậu Ilia Mitơrit ạ, những tờ báo ấy bọn mình thường là cứ đọc từ đầu đến cuối đấy.

- Nó nói láo đấy, đồ quỷ, đồ sâu thuốc!

- "Đem cuộn thuốc hút", thế mà cũng mở mồm ra nói!

- Nói với thằng ngu thì chẳng khác gì vạch đầu gối ra mà nói!

- Các cậu ạ, có phải là mình muốn nói như thế đâu, - Gã Cô- dắc đeo vòng tai chống chế. - Tất nhiên là đầu tiên đem báo ra đọc đã…

- Chính ngài đọc ấy à?

- Mình thì chữ nghĩa chẳng có… mình chỉ muốn nói rằng đầu tiên mọi người đọc đã, rồi sau mới đem ra hút thuốc…

Buntruc tủm tỉm cười, ngồi xuống một yên ngựa rồi đưa mắt nhìn anh em Cô- dắc một lượt. Anh cảm thấy ngồi mà nói thì không tiện, bèn đứng dậy xoay lưng về ánh đèn rồi bắt đầu nói, giọng chậm rãi, gần như miễn cưỡng:

- Các cậu chẳng phải đến Petrograd làm gì. Trên ấy chẳng có bạo động bạo điếc gì đâu. Các cậu có biết chúng nó định xách cổ các cậu lên trên ấy làm gì không? Để lật đổ Chính phủ lâm thời đấy… Đúng thế đấy! Đứa nào bắt các cậu đi? - Thằng Kornilov, tướng của vua Nga. Thế nó cần phải hất cẳng Kerensky để làm gì? Để chính nó ngồi vào chỗ của Kerensky. Các cậu cẩn thận đấy, anh em đồng hương ạ? Chúng nó định tháo khỏi cổ các cậu một cái ách bằng gỗ, và nếu chúng nó lồng được một cái ách khác vào thì lần nầy sẽ là bằng thép đấy! Nếu bắt buộc phải chịu một trong hai tai hoạ thì hãy chọn tai hoạ nào đỡ khổ hơn. Có phải thế không nào? Đấy các cậu tự ngẫm mà xem: dưới chế độ vua Nga, chúng nó quạng gãy răng các cậu. Rồi dưới chế độ Kerensky, chúng nó cũng không để cho mình được yên, nhưng không đánh gãy răng mình. Sau Kerensky, khi nào chính quyền chuyền sang tay người Bolsevich, tình hình sẽ hoàn toàn khác hẳn. Người Bolsevich không muốn chiến tranh. Nếu họ nắm được chính quyền thì lập tức sẽ hoà bình ngay. Mình không ủng hộ Kerensky, quỷ dữ là anh em của nó, tất cả chúng nó đều một duộc cả thôi - Buntruc mỉm cười đưa tay áo lên lau mồ hôi trán rồi nói tiếp - Nhưng mình kêu gọi các cậu không nên làm đồ máu anh em công nhân. Nếu là chính quyền của Kornilov thì nước Nga sẽ ngập đến đầu gối trong máu của thợ thuyền, dưới chính quyền của nó sẽ càng khó dành được chính quyền để đặt nó vào tay nhân dân lao động.

- Hượm một chút đã, Ilia Mitơrit! - Một gã Cô- dắc đứng ở một hàng sau bước lên. Người gã nhỏ bé, béo lùn cũng như Buntruc. Gã húng hắng ho, xoa hai tay dài ngoẵng, sần sùi như hai đoạn rễ sồi già cỗi chìm dưới nước, và nhìn Buntruc bằng cặp mắt tươi cười màu xanh lá cây nhạt, lấp lánh như hai cái lá non - Cậu vừa nói đến chuyện cái ách… Thế người Bolsevich đoạt được chính quyền rồi thì họ sẽ lọng vào cổ chúng ta cái ách bằng gì?

- Cậu làm sao thế? Tự mình lại đem ách quàng vào cổ mình hay sao?

- Tự mình là nghĩa thế nào?

- Dễ hiểu lắm. Dưới chế độ Bolsevich ai sẽ nắm chính quyền? Cậu sẽ nắm, nếu người ta bầu cậu lên, hoặc là Dulgin, hoặc là nhà bác kia cũng được. Chính quyền do nhân dân bầu ra. Hội đồng Xô viết. Cậu hiểu chưa?

- Thế mãi tít trên kia là ai?

- Cũng là người nào được bầu ra. Người ta mà bầu cậu thì cậu sẽ lên ngồi "mãi từ trên kia".

- Thật thế ư? Cậu không nói bậy đấy chứ, Mitơrit?

Anh em Cô- dắc phá lên cười, mọi người nhao nhao cùng nói một lúc. Cả đến chàng lính gác đứng ngoài cửa cũng tạt vào một phút, nói xen vào câu chuyện.

- Thế còn vấn đề ruộng đất thì họ định sao?

Họ có chiếm mất của chúng ta không?

- Còn chiến tranh thì họ sẽ chấm dứt chứ? Hay chưa biết chừng bây giờ hứa hão để người ta giơ tay bầu cho họ.

- Cậu cứ lấy lương tâm ra mà nói cho bọn mình biết với?

- Bọn mình ở đây tối như bưng, chẳng được biết gì cả.

Tin những kẻ không phải là anh em mình thì thật là nguy hiểm. Có lắm kẻ nói láo quá…

- Hôm qua có một thằng thuỷ binh nhóc con nào đó đến khóc lóc kêu gọi ủng hộ Kerensky, bọn mình bèn nắm tóc lôi cổ nó luôn ra khỏi toa xe.

- Nó lại còn làm rầm lên: "Chúng mày là đồ phản!".

- Cái thằng đến là kỳ quặc!

- Bọn mình chẳng hiểu các lởi lẽ như thế nghĩa lý ra sao, không biết nên đem ăn với món gì được.

Buntruc xoay đầu khắp xung quanh, vừa chờ mọi người đỡ ồn ào, vừa dùng mắt dò xem tinh thần anh em Cô- dắc như thế nào. Đầu tiên anh cũng chưa tin chắc vào kết quả của công việc mình làm, nhưng bây giờ mọi điều nghi ngờ đã tan ra mây khói. Sau khi nắm vững được tinh thần của mọi người, anh biết rõ rằng dù là hoàn cảnh thế nào cũng phải giữ đoàn tàu nhà binh ở lại Nácva. Một ngày trước đó, khi tới ban chấp hành đảng bộ khu Petrograd đề nghị cho mình đảm nhiệm công tác tuyên truyền trong các đơn vị sư đoàn sông Đông số một đang tiến về phía Petrograd, anh đã tin vào kết quả, nhưng sau khi tới Nácva sự tin tưởng đó đã có phần lung lay. Anh hiểu rằng muốn nói với anh em Cô- dắc thì phải dùng những lời lẽ riêng, nhưng anh lo lắng cảm thấy rằng chưa biết chừng mình sẽ không tìm ra được tiếng nói chung với họ. Trước đây, sau chín tháng trở lại đi sâu vào quần chúng thợ thuyền, anh đã hoàn toàn hoà mình với họ, đã quen chỉ nói nửa lời đã làm cho họ cảm thông với mình, hiểu mình ngay. Nhưng bây giờ về với anh em đồng hương, tình hình lại đòi hỏi phải có một thứ tiếng nói khác, thứ tiếng cục mịch của địa phương mà mình đã quên mất một nửa, phải xoay xở nhanh nhẹn khéo léo như một con thằn lằn, phải có cả một năng lực thuyết phục rất lớn, không những chỉ để nhen ngọn lửa mà còn làm cho mọi người cháy bùng lên, sao cho có thể xoá bỏ được cái tâm lý sợ không dám cưỡng lệnh trên đã tích luỹ bao nhiêu thế kỷ như những lớp phù sa, đánh bạt cái thói thủ cựu hủ lậu, khêu gợi cho mọi người cảm thấy chân lý của mình, lôi cuốn mọi người theo mình.

Đầu tiên, lúc mới bắt đầu nói, chính tai Buntruc lại bắt gặp trong lời nói của mình những chỗ vấp váp chập chững, gượng gạo, cứ như anh là một người khác đứng bên nghe những lời khô khan của anh.

Anh lo lắng thấy cái lý lẽ mình đưa ra hình như chưa đủ sức thuyết phục, anh đau khổ moi móc trong óc, cố kiếm với những khối từ ngữ thật to, thật nặng để đem ra dùng vào việc đập phá của mình…

Nhưng với một cảm giác chua chát không giải thích nổi, anh vẫn cảm thấy rằng những lời không có trọng lượng mình nói ra nổ vỡ ngay trên môi như bọt xà phòng và đầu óc mình cứ rối bời với những ý nghĩ nhạt nhẽo, không có nơi bám chắc. Anh thở hổn hển đứng dậy, mồ hôi đổ ra nóng bỏng. Anh vẫn nói, nhưng một ý nghĩ cứ khoan khoáy vào đầu anh: "mình được tin cậy, được trao cho một công tác quan trọng như thế và lại tự tay làm hỏng bét… Nói năng chẳng ra đầu ra đũa gì cả… Nhưng không hiểu sao mình lại như thế nầy nhỉ? Trong trường hợp mình thì có lẽ một cậu khác đã trình bày, đã thuyết phục tốt hơn gấp trăm gấp ngàn lần. Chà, mẹ khỉ, sao mình lại vụng về đến thế nầy nhỉ?

Anh chàng Cô- dắc có cặp mắt xanh lá cây nhìn dính như keo hỏi về chuyện cái ách đã lôi được Buntruc ra khỏi cái trạng thái nửa tỉnh nửa mê tệ hại đó. Các ý kiến trao đổi sau đó đã giúp anh rũ bỏ hết hoang mang, lấy lại tinh thần. Và sau đó chính anh lại ngạc nhiên thấy dồi dào sức lực khác thường và có được cả một loạt những lời hết sức phong phú, sáng sủa, sắc bén, đánh rất trúng. Buntruc hăng lên nhưng vẫn cố giấu sự xúc động đột ngột của mình dưới một vẻ ngoài bình thản. Lúc nầy anh đã trả lời rất xác đáng, rất cay độc tất cả các câu hỏi móc mói, anh điều khiển cuộc trao đổi ý kiến như một người trị một con ngựa bất kham, đang chạy hăng sùi bọt mép.

- Cũng được, nhưng cậu hãy bảo Quốc hội lập hiến có gì không tốt nào?

- Ông Lenin của các cậu có phải do bọn Đức đưa về không hử? Không à? Thế thì ông ấy từ chỗ nào mò ra bây giờ? Nứt mây rơi xuống phải không?

- Mittơri à, cậu đến là cậu tự ý đến hay được người ta cử đến thế?

- Các ruộng đất của quân khu rồi đây sẽ lọt vào tay ai?

- Dưới chế độ vua Nga, đời sống của chúng ta đã tồi tệ ở chỗ nào?

- Cánh Melsevich cũng vì nhân dân cơ mà?

- Ở vùng chúng ta cũng đã từng có "cơ- rúc" 2 quân khu, cũng là chính quyền nhân dân. Vậy thì chúng ta còn cần có Xô viết làm gì?

Trên đây là một số câu hỏi của anh em Cô- dắc.

Quá nửa đêm mọi người mới kéo nhau ra về. Nhưng trước đó họ đã quyết sáng maỉ sẽ họp một cuộc mít tinh chung của cả hai đại đội Buntruc ở lại nghỉ đêm trong toa xe. Trikamasev mời anh em cùng nằm với hắn. Hắn làm dấu phép trước khi đi ngủ, thu xếp chỗ nằm rồi báo trước.

- Ilia Mitơrit ạ, cậu có thể nằm yên ngủ kỹ mà chẳng cần phải lo gì cả, nhưng cậu cũng thứ lỗi cho bọn mình… Anh bạn thân mến ạ, ở chỗ bọn mình chấy rận như sung ấy. Nếu chúng nó kéo đến với cậu thì chớ bực mình. Cứ phải nuôi những con rận to lù lù như thế nầy thì thật là tai vạ! Con nào con nấy cứ như một con bò non vùng đồi núi ấy - Hắn nín lặng một lát rồi khẽ hỏi - Ilia Mitơrit nầy, Lenin là người dân tộc nào thế nhỉ? Mình muốn hỏi ông ấy sinh ở đâu, lớn lên ở đâu?

- Lenin ấy à? Người Nga đấy.

- Thật ư?

- Thật đấy người Nga mà.

- Đâu có thế, người anh em thân mến ơi! Mình thấy cậu có vẻ ít hiểu về Lenin lắm, - Giọng Trikamasev trầm hẳn xuống, nghe có phần kẻ cả. Cậu có biết máu của Lenin là máu người ở đâu không? Máu người vùng chúng ta đấy. Ông ấy chính là dân Cô- dắc sông Đông, sinh ở tỉnh Sansky, trấn Velikonazeskaia, cậu đã hiểu chưa? Nghe nói đã từng đi lính pháo thủ. Cứ nhìn nét mặt cũng nhận được ra ngay một tay Cô- dắc vùng sông Đông Hạ: gò má thì cao, cả cặp mắt nữa chứ!

- Cậu nghe nói như thế ở đâu đấy?

- Anh em Cô- dắc bàn tán với nhau như thế, mình nghe lỏm được.

- Không phải thế đâu, cậu Trikamasev ơi? Lenin là người Nga, sinh ở tỉnh Simbirk đấy.

- Không, mình tin sao được. Thậm chí có lý do rất đơn giản để không thể tin được! Pugachev có phải là dân Cô- dắc không? Còn Stepan Radin? Còn Ermark Timofeevich nữa? Đấy đấy, cậu đã thấy chưa? Tất cả những người lãnh đạo dân khố rách áo ôm dấy lên chống lại vua Nga, tất cả đều là dân Cô- dắc tuốt. Thế mà cậu lại bảo: là người tỉnh Simbirk: Cậu Mitơrit ạ, chỉ nghe nói thế cũng đủ bực mình rồi…

Buntruc mỉm cười hỏi:

- Thế anh em bảo là Cô- dắc à?

- Cô- dắc hẳn đi chứ lỵ, chỉ có điều bây giờ còn chưa nói rõ thôi. Mình chỉ cần nhìn qua tướng mạo một cái là lập tức nhận ra ngay - Trikamasev châm thuốc hút rồi vừa húng hắng ho vừa phả vào mặt Buntruc một hơi thuốc lá hạng tồi nồng nặc. - Mình cũng ngạc nhiên và bọn mình ở đây đã tranh cãi gần như đánh nhau đến nơi: Nếu Vladimaya Inghit là dân Cô- dắc chúng ta, là một người lính pháo binh, thì ông ấy kiếm ở đâu ra cái tài thông kim bác cổ như thế được? Nghe nói hình như hồi chiến tranh mới bùng nổ, ông ấy có bị bọn Đức bắt làm tù binh, nên đã học tập ở bên ấy, đã mò mẫm nắm được tất cả các môn khoa học, rồi bắt đầu dấy bọn thợ thuyền nước chúng nó nổi lên bạo động, và còn đeo lại kính cho bọn bác học của chúng nó nữa làm chúng nó sợ chết đi được. Chúng nó bèn bảo ông ấy: "Nầy cái anh trán dô kia, anh hãy về nước anh mà sinh sống, cầu Chúa che chở cho anh, nếu không anh cứ gây cho chúng tôi những chuyện như thế nầy thì đến già chúng tôi cũng không gỡ được hết đâu?, Thế là chúng nó đưa ông ấy về bên Nga, chỉ sợ ông ấy lôi thợ thuyền nước chúng nó nổi dậy. Đã thấy chưa? Chà, người anh em ạ.

- Lenin quả là một tay ghê gớm! - Trikamasev nói câu cuối cùng không khỏi có vẻ huênh hoang rồi sung sướng bật cười trong bóng tối. Còn cậu, Mitơrit ạ, cậu đã được gặp Lenin lần nào chưa? Chưa à? Thật đáng tiếc. Nghe nói ông ấy có cái đầu to lắm thì phải - Hắn húng hắng ho, thở ra đằng mũi một hơi khói, hút nốt điếu thuốc rồi lại nói tiếp - Bọn đàn bà phải đẻ cho nhiều những con người như thế mới được. Quả là một tay lợi hại, thật đấy! Mà Lenin đâu phải chỉ lật đổ một lão vua Nga nầy! - Nói đến đây hắn thở dài - Không, Mitơrit ạ, cậu cãi lại mình cũng vô ích thôi: Inghit chính là dân Cô- dắc đấy… Trong chuyện nầy thì có gì mà phải che đậy? Ở tỉnh Simbirk không thể mọc ra những tay như thế đâu Buntruc lặng thinh mỉm cười nằm im giờ lâu, hai con mắt ráo hoảnh.

Mãi chẳng làm thế nào chợp được mắt. Của đáng tội, khắp người anh đã đầy rệp, chúng bò khắp mọi chỗ dưới áo sơ- mi, gây một cảm giác nóng rát, ngứa ngáy khó chịu. Trikamasev nằm bên cạnh hết thở dài lại gãi sồn sột. Hắn đang mơ mơ màng màng thì một con ngựa không biết của ai bỗng nhiên nổi nóng thở phì phì. Rồi đến lúc hắn chưa thiếp đi hẳn, mấy con ngựa không chịu ở yên với nhau lại đá lộn lung tung, chân dẫm lộp cộp, kèm theo những tiếng hí đầy bực bội.

- Có yên đi không, đồ quỷ dữ! Đồ chết tiệt! - Dulgin chồm dậy, quát giọng nam cao ngái ngủ rồi đánh con ngựa buộc gần hắn nhất bằng một cái gì có lẽ nặng lắm.

Buntruc khổ vì rệp, cứ trằn trọc mãi. Anh quay lưng nằm nghiêng sang bên kia và bực mình biết trước rằng còn chán mình mới ngủ được. Vì thế anh bắt đầu nghĩ đến buổi mít tinh sáng mai. Anh cố tưởng tượng xem bọn sĩ quan sẽ có thể có những phản ứng như thế nào rồi cười nhạt: "Anh em Cô- dắc mà nhất loạt phản đối thì có lẽ chúng nó sẽ đánh bài chuồn nhưng mẹ khỉ, làm thế quái nào biết được chúng nó! Để tránh mọi điều bất trắc, mình sẽ bàn trước với Uỷ ban của đơn vị đóng ở đây mới được. Rồi không hiểu sao Buntruc bất giác nhớ lại một tình tiết trong chiến tranh, trận tấn công tháng mười năm 1915, và sau đó trí nhớ của anh tựa như sung sướng vì được đưa vào những con đường quen thuộc, đã qua nhiều lần, cứ ngoan cố và quái ác bới móc, moi ra những mẩu hồi ức: những bộ mặt, dáng nằm khủng khiếp của những người lính Nga và Đức bị giết, những lời nói đủ các giọng, những mảnh phong cảnh nhợt nhạt, không có màu sắc mà xưa kia anh đã từng được thấy, những ý nghĩ chưa nói ra nhưng không hiểu sao vẫn còn lưu lại trong óc, hồi âm của những loạt pháo kích chỉ cảm thấy rất loáng thoáng trong nội tâm, tiếng súng máy tằng tằng quen thuộc và tiếng băng đạn chạy lạch xạch nghe như một giai điệu hùng tráng, những đường nét lờ mờ của cặp môi người đàn bà mà anh đã từng yêu, những đường nét đẹp đến đau nhói trong lòng mỗi khi nhớ tới, rồi lại là những mẩu hình ảnh chiến tranh những xác chết, những nấm mồ lún xiêu vẹo chôn chung không biết dến bao nhiêu người chết.

Buntruc cảm thấy rạo rực bồi hồi, anh chống tay ngồi dậy, không hiểu mình nói ra hay mới nghĩ trong đầu óc: "Mình sẽ ghi nhớ đến chết các hồi ức đó. Nhưng đâu phải chỉ có mình, tất cả những ai còn sống sót đều không thể nào quên được. Chúng nó đã làm cho sự sống trở nên đui què tàn tật, chúng nó đã bôi nhọ cuộc sống! Cả một lũ đáng nguyền rủa! Cả một lũ khốn kiếp. Cái chết cũng không xoá được tội chúng mày đâu?"

Rồi anh nhớ tới Lusa, một đứa con gái mười hai tuổi, con gái một người thợ luyện kim Petrograd đã chết ngoài mặt trận. Người nầy là bạn thân của anh, trước đó làm việc cùng một chỗ với anh ở Tula.

Một buổi tối, Buntruc đang đi trên một con đường trồng cây thì thấy Lusa ngồi ở đầu một chiếc ghế dài, hai cái chân lèo khoèo dạng rộng với một vẻ rất càn, điếu thuốc lá lắt lẻo trên môi, nhưng vẫn còn giữ cái dáng mảnh khảnh, ngượng nghịu của một cô bé chưa thành niên.

Trên khuôn mặt héo hon của Lusa, hai con mắt hiện lên mệt mỏi, một nét chua chát hằn rõ trên mép cặp môi tô đỏ chót, đánh sang hai bên, mọng lên quá sớm. "Chú không nhận ra cháu nữa à?" - Lusa mỉm cười một nụ cười giả tạo của một tay hành nghề đã thạo, hỏi giọng khàn khàn, rồi đứng dậy, cong hẳn lưng xuống, úp mặt vào khuỷu tay Buntruc khóc nức nở một cách bất lực và đau đớn, hoàn toàn như một đứa con nít.

Buntruc gần như tắc thở vì lòng căm hờn trào lên trong lòng làm anh ngột ngạt như trúng hơi độc. Anh tái mặt, rên rỉ, nghiến răng ken két, môi run bần bật, và cứ phải đưa tay lên vuốt mãi bộ ngực lông lá. Anh có cảm tưởng lòng căm hờn ấy cháy bừng bừng trong ngực mình như một hòn than hồng, rồi cứ thế âm ỉ, không cho anh thở nữa và làm cho bên ngực trái, chỗ bên dưới tim đau nhoi nhói.

Cho đến sáng Buntruc cũng không chợp mắt được phút nào.

Nhưng trời vừa rạng anh đã đi ngay tới Uỷ ban cách mạng của công nhân viên đường sắt, mặt vàng hẳn ra, nom cau có bực bội hơn bao giờ hết. Bàn bạc xong về việc không cho đoàn xe chở lính Cô- dắc chuyển bánh khỏi Nácva, một giờ sau anh ta tìm các uỷ viên của uỷ ban đơn vị đóng quân trong thành phố.

Đến tám giờ Buntruc lại quay về đoàn tàu. Anh cảm thấy cái ấm ấm mát mát của khí trời buổi sáng ngấm khắp người mình, anh sung sướng nghĩ rằng chuyến công tác của mình rất có khả năng thành công, vì vầng mặt trời đang ngoi lên khỏi cái mái hoen rỉ nham nhở của kho hành lý, và một giọng nói phụ nữ véo von như hát vẳng tới không biết từ chỗ nào. Lúc trời sắp hửng đã mưa thốc tháo một trận rất to nhưng cũng rất ngắn. Mặt đường toàn đất cát bị nước xói còn ngoằn ngoèo dấu vết những con suối tí hon, mùi nước mưa xông lên nhạt thếch. Ở những chỗ bị những giọt mưa rơi nặng ăn sâu, mặt cát còn hằn vô số những cái lỗ nhỏ mới se se, nom rỗ nhằng rỗ nhịt như mặt một người bị bệnh đậu mùa.

Một viên sĩ quan đi vòng đoàn tàu tới trước mặt Buntruc. Hắn mặc áo ca- pôt, đi đôi ủng cao ống bê bết những bùn. Buntruc nhận ra tên đại uý Kalmykov, bèn hơi chậm bước, cho hắn tới. Hai người đi đến sát nhau. Kalmykov đứng lại, long lanh hai con mắt đen xếch lạnh như tiền.

- Thiếu uý Buntruc à? Anh được tự do à, không bị ngồi tù hay sao? Xin lỗi, tôi không chìa tay cho anh bắt đâu…

Hắn mím chặt môi, thọc hai tay vào túi áo ca- pôt.

- Tôi có định chìa tay cho anh bắt đâu… chớ vội tưởng, - Buntruc trả lời, giọng chế nhạo.

- Thế nào, anh về đây để cứu lấy cái mạng của anh à? Hay là… ở Petrograd về đây. Từ chỗ anh chàng đẹp trai Kerensky đến đây phải không?

- Sao vậy, hỏi cung à?

- Đây chỉ là sự tò mò rất hợp lý muốn biết về số phận của một tên đào ngũ trong đám đồng sự cũ.

Buntruc ghìm một nụ cười chế nhạo, nhún vai.

- Tôi có thể nói cho anh yên tâm: tôi đến đây không phải do Kerensky phái đến đâu.

- Nhưng bây giờ đứng trước một mối nguy cơ đang ập tới trước mặt, các anh cũng phải hợp nhất với nhau, một sự gần gụi quả là cảm động. Nhưng dù sao tôi cũng muốn hỏi hiện nay anh là một con người như thế nào? Lon chẳng có, ca- pôt là ca- pôt của lính… - Kalmykov phập phồng cánh mũi, nhìn cái thân hình gù gù của Buntruc với một vẻ vừa khinh bỉ vừa thương hại - Là một tay đi chào hàng chính trị à? Có đúng thế không? - Rồi hắn không chờ Buntruc trả lời, quay ngoắt đi, bước những bước rất dài.

Về đến toa xe của anh, Buntruc gặp Dulgin:

- Cậu còn định làm gì thế? Cuộc mít tinh bắt đầu rồi đấy.

- Sao lại bắt đầu rồi?

- Chỉ biết là bắt đầu rồi thôi. Thằng đại uý Kalmykov đại đội trưởng đại đội nầy vừa rồi không có mặt ở đại đội, hôm nay nó ngồi trên một chiếc đầu máy mò từ Petrograd về đây, và cho gọi luôn anh em Cô- dắc tới. Nó lại sắp sửa hô hào dụ dỗ chúng nó đấy.

Buntruc nán lại, hỏi xem Kalmykov được phái đi công tác ở Petrograd từ bao giờ. Qua lời Dulgin, anh được biết rằng thằng cha đã đi vắng gần một tháng nay.

"Nó là một trong những thằng muốn bóp chết cách mạng mà Kornilov đã đi Petrograd dưới danh nghĩa nghiên cứu về vấn đề ném bom. Như thế là một thằng cốt cán của bọn Kornilov đây. Nhưng được, rồi xem!" - Buntruc đã có những ý nghĩ rời rạc như thế trong khi đi với Dulgin tới chỗ họp mít tinh.

Sau nhà kho hành lý, những binh sĩ mặc va- rơi Cô- dắc và áo ca- pôt đã đứng chen chúc thành một hàng rào xanh xanh xám xám.

Kalmykov đứng ngay giữa đám trên một cái thùng ton- nô lật sấp. Bọn sĩ quan vây quanh hắn. Hắn nói gay gắt, tách bạch từng tiếng.

- Tiến hành cho tới thắng lợi cuối cùng! Chúng ta được cấp trên tin cậy và chúng ta sẽ tỏ ra xứng đáng với lòng tin đó! Bây giờ tôi sẽ đọc bức điện của đại tướng Kornilov gửi các quân nhân Cô- dắc.

Rồi với một vẻ hấp tấp thật ra chẳng có gì cần thiết, hắn rút trong túi bên của chiếc ấo quân phục cổ rút ra một mảnh giấy nhầu nát và thì thầm với tên chỉ huy đoàn tàu nhà binh.

Buntruc và Dugin len tới gần, lẫn trong đám binh sĩ Cô- dắc.

Kalmykov đọc bằng một giọng truyền cảm và không thiu vẻ hùng hồn:

"Hỡi anh em Cô- dắc, anh em đồng hương thân mến! - Chẳng phải nhờ có xương máu của tổ tiên anh em mà biên cương quốc gia Nga đã được mở rộng, được đẩy xa thêm hay sao? Chẳng phải nhờ có tinh thần dũng cảm đầy sức mạnh của anh em, nhờ các kỳ tích hi sinh và khí phách anh hùng của anh em mà nước Nga vĩ đại đã trở nên hùng mạnh hay sao? Anh em là những người con tự do, không chịu kiềm toả của sông Đông êm đềm, sông Kuban kiều diễm, sông Cherek ngang tàng, là những con đại bàng quả cảm ngoan cường của các đồng cỏ và núi non ở Ural, Orelburg, Astrakhan, Semiretrensk và Sibiri, cũng như của các vùng xa xôi Zabaikan, Amur và Usuri, bao giờ anh em cũng đã từng đứng lên bảo vệ danh dự và vinh quang cho lá cờ của mình và đất nước Nga đã ghi biết bao nhiêu huyền thoại về công huân của cha ông anh em.

Bây giờ đã đến giờ phút anh em phải góp phần bảo vệ Tổ quốc. Tôi tố cáo Chính phủ lâm thời về tội thiếu quyết tâm trong hành động, bất tài và vô năng trong việc quản lý quốc gia, về tội để cho quân Đức hoàn toàn làm mưa làm gió trong nước, chưng cớ rành rành là vụ để nổ gần một triệu trái đạn pháo và một vạn hai ngàn khẩu súng máy bị phá huỷ ở Kazan. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Tôi tố cáo một số thành viên Chính phủ về tội trực tiếp phản bội Tổ quốc và xin nêu duới đây chưng cớ về tội đó: hôm tôi đến dư cuộc họp của Chính phủ lâm thời ở Cung điện Mùa Đông ngày mồng 3 tháng tám, Bộ trưởng Kerensky và Savilkov có báo cho tôi biết rằng đừng nói hết mọi điều vì trong số các bộ trưởng có những kẻ không trung thành. Rõ ràng là một Chính phủ như thế chỉ có thể đưa nước nhà đến chỗ diệt vong, rõ ràng là không thể nào tín nhiệm đưọc một Chính phủ như thế và với một Chính phủ như thế thì không thể nào cứu vớt nước Nga đang đau khổ… Vì thế, khi hôm qua Chính phủ lâm thời, chiều theo ý muốn của kẻ thù, đòi tôi phải từ bỏ chưc Tổng tư lệnh tối cao, thì với tư cách là một người Cô- dắc chỉ nghe theo tiếng gọi của lương tâm và danh dự, tôi đã bắt buộc phải từ chối không chấp hành yêu cầu dó, thà chết trên chiến trường còn hơn chịu nhục và phản bội Tổ quốc. Hỡi anh em Cô- dắc, hỡi các dũng sĩ của đất nước Nga! Anh em đã hứa sẽ đứng bên cạnh tôi để cứu Tổ quốc khi tôi thấy việc đó là cần thiêt. Giờ phút ấy đã điểm: Tổ quốc đang sắp bị diệt vong! Tôi không phục vùng mệnh lệnh của Chính phủ lâm thời và với mục đích cứu nước Nga tự do, tôi chống lại Chính phủ lâm thời và chống lại những tên cố vấn vô trách nhiệm của Chính phủ ấy đang bán rẻ Tổ quốc. Hỡi anh em Cô- dắc, anh em hãy gìn giữ danh dự và vinh quang của người Cô- dắc anh dũng vô song, và chính làm như thế anh em sẽ cứu được Tổ quốc cùng quyền tự do mà cách mạng đã dành được. Anh em hãy tuân theo, hãy chấp hành các mệnh lệnh của tôi! Anh em hãy đi theo tôi!

Ngày 28 tháng tám năm 1917.

Tổng tư lệnh tối cao,

Đại tướng Kornilov.

Kalmykov nín lặng một lát rồi gấp tư tờ giấy, kêu lên:

- Những tên tay sai của bọn Bolsevich và của Kerensky đang cản trở cuộc tiến quân bằng đường sắt của chúng ta. Chúng ta đã nhận được mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao là trong trường hợp không có điều kiện thực hiện việc tiến quân bằng đường sắt, chúng ta sẽ đi ngựa tiến về Petrograd. Chúng ta sẽ lên đường ngay hôm nay. Anh em mau sửa soạn xuống xe?

Buntruc dùng hai khuỷu tay một cách thô bạo, len thẳng vào giữa đám người. Chưa lên tới chỗ bọn sĩ quan, anh đã sang sảng nói to bằng một giọng quen dùng trong các cuộc mít tinh:

- Các đồng chí Cô- dắc? Tôi là người được công nhân và binh sĩ Petrograd cử đến đây với các đồng chí. Chúng nó đang đưa anh em vào một cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt, đang dùng anh em để đàn áp cách mạng. Nếu các đồng chí muốn chống lại nhân dân, muốn lập lại chế độ vua quan thì các đồng chí hãy đi! Nhưng công nhân và binh sĩ Petrograd mong rằng các đồng chí không phải là những tên Cain 3. Công nhân và binh sĩ gửi tới các đồng chí lời chào anh em nồng nhiệt và muốn nhìn thấy ở các đồng chí không phải là những kẻ thù, mà là những người bạn đồng minh…

Nhưng mọi người đã không để cho Buntruc nói hết lời. Nơi họp mít tinh bỗng nhao nhao như vỡ chợ. Những tiếng la thét vang lên ghê gớm tựa như lôi Kalmykov từ trên cái thùng ton- nô xuống. Hắn khom người bước rất nhanh về phía Buntruc, nhưng khi còn cách vài bước thì hắn xoay gót ủng lại:

- Anh em Cô- dắc! Năm ngoái thiếu uý Buntruc đã đào ngũ, bỏ mặt trận, chuyện ấy anh em đã biết cả. Thế nào, chẳng nhẽ chúng ta có thể nghe lời một kẻ hèn nhát, một tên phản bội hay sao?

Cái giọng trầm ồm ồm như sấm của tên trung tá Sukin đại đội trưởng đại đội sáu át cả tiếng Kalmykov:

- Hãy bắt giữ lấy nó, cái thằng đê tiện! Trong lúc chúng ta đang phải đổ máu thì nó chuồn về hậu phương! Bắt lấy nó!

- Hượm đã, đừng bă- ă- ắt!

- Cứ để cho Buntruc nói đã!

- Đừng có cái kiểu nhét khăn vào miệng người ta như thế. Cứ để cho Buntruc nói rõ ý kiến của cậu ấy.

- Bắt ngay nó lại!

- Chúng ta không cần đến bọn đào ngũ?

- Cứ nói đi, Buntruc - Mitơrit, chặt cụt đuôi chúng nó đi!

- Đả đa- a- ảo?

- Câm đi, đồ chó đẻ?

- Nói cho chúng nó câm mồm đi? Buntruc, nói cho chúng nó tắc họng đi! Cậu hãy đánh gục chúng nó đi! Đánh gục chúng nó đi!

Một anh chàng Cô- dắc cao lớn, uỷ viên Uỷ ban cách mạng trung đoàn, không đội mũ, đầu cạo nhẵn thín, nhảy lên chiếc thùng ton- nô. Bằng một giọng sôi nổi, anh kêu gọi anh em Cô- dắc đừng phục tùng tên tướng Kornilov, tên đao phủ giết các đồng chí cách mạng, anh nói về hậu quả tai hại sẽ dẫn tới nếu nổ ra chiến tranh chống lại nhân dân, rồi trước khi ngắt lời, anh quay lại nói với Buntruc:

- Nhưng đồng chí ạ, đồng chí đừng tưởng rằng anh em chúng tôi cũng khinh đồng chí như khinh các ngài sĩ quan đây. Chúng tôi sung sướng được gặp đồng chí, chúng tôi kính trọng đồng chí như kính trọng một đại biểu của nhân dân. Chúng tôi càng kính trọng đồng chí hơn vì hồi làm sĩ quan, đồng chí không đè nén anh em Cô- dắc mà lại đối xử với chúng tôi như anh em một nhà. Chúng tôi chưa từng thấy đồng chí nói nặng lời với anh em bao giờ. Đồng chí đừng nghĩ rằng anh em chúng tôi, những con người không có chữ nghĩa, không hiểu cách cư xử thế nào cho phải. Lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng thì con bò con ngựa cũng hiểu, nói chi con người. Anh em chúng tôi cung kính cúi chào đồng chí và đề nghị đồng chí chuyển lời của chúng tôi tới anh em công nhân và binh sĩ Petrograd rằng chúng tôi không chống lại anh em đâu!

Những tiếng ầm ầm lại dội lên như tiếng trống: Các binh sĩ Cô- dắc la lớn tỏ ý tán thành, những tiếng gào thét vang lên tới mức cao nhất, lắng dần rồi tắt hẳn.

Rồi lại thấy Kalmykov ngật ngưỡng trên cái thùng ton- nô. Hắn cúi gập cái thân hình đầy đặn, nói về vinh quang và danh dự của sông Đông với những làn sóng bạc đầu, về sứ mệnh lịch sử của người Cô- dắc, về việc các sĩ quan và binh sĩ Cô- dắc đã cùng đổ máu. Hắn vừa nói vừa thở hổn hển, mặt nhợt nhạt như một xác chết.

Một gã Cô- dắc vai u thịt bắp, râu tóc trắng phếch đứng lên tiếp lời Kalmykov. Nhưng anh em binh sĩ đã không để cho hắn nói hết những lời căm hờn công kích Buntruc và nhà hùng biện đã bị lôi tay kéo xuống. Trikamasev nhảy lên chiếc thùng ton- nô. Anh ta chém hai bàn tay xuống như bổ củi, gào lên:

- Chúng ta không đi! Chúng ta sẽ không xuống tàu! Trong bức điện có viết là anh em Cô- dắc đã hứa ủng hộ Kornilov, nhưng đã có ai hỏi gì anh em đâu? Chúng ta chẳng hứa hẹn gì với hắn cả. Chỉ có bọn sĩ quan trong Hội đồng Hội liên hiệp quân nhân Cô- dắc hứa thôi! Grekov đã vẫy đuôi thì để cho hắn đi mà ủng hộ!

Những người thay nhau lên phát biểu mỗi lúc một nhiều. Buntruc vẫn cúi cái đầu có vừng trán dô đứng đấy, máu dồn lên làm da mặt anh đen lại như mầu đất, những mạch máu trên cổ và hai bên thái dương phồng lên, giật giật rất nhanh theo nhịp mạch. Không khí như bị truyền điện, trở nên đặc quánh. Có thể cảm thấy rằng chỉ thêm chút nữa, nếu có một hành động thiếu cân nhắc là tình hình căng thẳng có thể nổ ra thành một cuộc đổ máu.

Giữa lúc ấy, binh sĩ trong trại quân của thành phố lũ lượt từ nhà ga kéo đến, bọn sĩ quan bèn rời khỏi cuộc mít tinh.

Nửa giờ sau Dulgin thở hổn hển chạy đến tìm Buntruc:

- Mitơrit à, làm thế nào bây giờ? Thằng Kalmykov đang mưu mô giở trò gì đây. Chúng nó vừa hạ súng máy trên tầu xuống và phái một thằng liên lạc cưỡi ngựa đi đâu không biết.

- Ta lại đằng ấy đi. Cậu tập hợp cho mình chừng hai mươi anh em! Mau lên!

Bên cạnh toa xe của tên chỉ huy đoàn tầu nhà mình, Kalmykov cùng tên sĩ quan đang thồ những khẩu súng máy lên ngựa. Buntruc xông tới trước tiên, anh quay lại đưa mắt cho anh em Cô- dắc rồi thọc tay vào túi áo ca- pôt rút ra một khẩu súng ngắn của sĩ quan mới toanh lau chùi cẩn thận.

- Kalmykov mày đã bị bắt! Giơ tay lên!

Kalmykov nhảy ra khỏi chỗ mấy con ngựa, né nghiêng người chộp tay xuống bao súng, nhưng hắn không kịp rút khẩu súng ngắn ra: một viên đạn đã rít lên phía trên đầu hắn, và trước tiếng súng nổ ra, Buntruc đã quát lên bằng một giọng trầm trầm không báo trước điều gì tốt lành:

- Giơ tay lên!

Con chỏ của khẩu súng ngắn từ từ giương lên đến nửa, cho thấy đầu kim hoả. Kalmykov nheo mắt nhìn mũi kim hoả, rồi bật ngón tay đánh đét một cái và từ từ giơ tay lên.

Bọn sĩ quan trao vũ khí một cách miễn cưỡng.

- Thưa có phải tháo gươm ra không ạ? - Viên trung uý súng máy còn trẻ lễ phép hỏi.

- Có.

Anh em Cô- dắc tháo những khẩu súng máy trên lưng ngựa xuống, khiêng lên toa xe.

- Đặt thêm vọng gác ở chỗ nầy, - Buntruc bảo Dulgin - Trikamasev, bắt nốt những tên còn lại rồi giải đến đây. Có nghe rõ không, Trikamasev? Còn Kalmykov thì mình với cậu sẽ giải lên uỷ ban cách mạng của trại quân thành phố. Đại uý Kalmykov, anh bước lên trước đi cho.

- Cừ thật! Cừ thật - Một tên sĩ quan vừa tấm tắc khen vừa nhảy lên toa xe và đưa mắt nhìn theo Buntruc, Dulgin và Kalmykov đi xa dần.

- Các ngài ơi? Nhục quá các ngài ơi! Chúng ta hành động thật như một bầy con nít? Chẳng có ai nghĩ tới chuyện kịp thời cho thằng khốn kiếp ấy một phát. Lúc nó chĩa khẩu súng ngắn vào Kalmykov mà chúng ta hạ thủ luôn thì có phải xong xuôi rồi không? - Tên trung tá Sukin phẫn nộ nhìn bọn sĩ quan một lượt, những ngón tay của hắn run bắn lên, mãi không lấy được một điếu thuốc trong hộp thuốc lá ra.

- Nhưng chúng nó có cả một trung đội… chúng nó sẽ bắn chết hết, - Tên trung uý súng máy nhận xét, giọng như tự thấy mình có lỗi. Bọn sĩ quan lặng lẽ hút thuốc, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau. Mọi việc xảy ra nhanh như chớp làm chúng chưng hửng.

Kalmykov nhai nhai đầu hàng ria đen, đi một lát chẳng nói chẳng rằng. Cái má bên trái của hắn, với gò má gồ nhọn, đỏ ửng lên như vừa ăn một cái tát. Những người dân mà ba người gặp trên đường nhìn họ một cách ngạc nhiên và đứng lại thì thầm với nhau. Trên thành phố Nácva, bầu trời ảm đạm trước lúc hoàng hôn bạc mầu dần. Lá bạch dương rụng đầy các nẻo đường, nom như những thỏi vàng ròng; tháng tám sắp trôi qua. Vài con quạ nhỏ bay qua cái nóc tròn mầu xanh lá cây của nhà thờ. Ở nơi nào đó phía sau nhà ga, sau những cánh đồng nằm lịm dưới ánh hoàng hôn, màn đêm mang theo khí lạnh đã phủ xuống mặt đất, nhưng từ Nácva tới Pskov, những đám mây rách mướp được quét lớp son chì trắng bệch của buổi chiều tà vẫn lang thang không đường không lối trên nền trời chưa từng có ai động tới từ từ trôi về phía Luga. Màn đêm vượt qua một đường ranh giới vô hình đang đánh lui ráng chiều.

Khi tới bên cạnh nhà ga, bất thình lình, Kalmykov quay phắt lại nhổ vào mặt Buntruc:

- Đồ đê tiện!

Buntruc né người tránh được bãi nước bọt. Anh giương cao hai hàng lông mày, đưa tay trái sang giữ chặt rất lâu bàn tay phải vừa thọc rất nhanh vào túi.

- Đi! - Buntruc phải cố gắng lắm mới nói được.

Kalmykov vừa đi vừa chửi rất tục tĩu và thở ra những lời hết sức bẩn thỉu.

- Mầy là một thằng bán nước! Một thằng phản bội. Rồi mầy sẽ phải đền tội! - Chốc chốc hắn đứng lại, xông tới trước mặt Buntruc, quát lên.

- Đi đi! Tôi khuyên anh đi đi… - Lần nào Buntruc cũng chỉ bảo hắn thế.

Và Kalmykov lại nắm chặt hai tay, vùng vằng đi một đoạn, nom cứ như con ngựa chạy đã kiệt sức. Ba người đi gần tới cái tháp nước.

Kalmykov nghiến răng gầm lên:

- Chúng mầy không phải là một chính đảng, mà là một bầy những cặn bã xã hội, nhơ nhớp bẩn thỉu! Kẻ lãnh đạo của chúng mày là đứa nào? Là bộ tổng tư lệnh quân Đức? Bolsevich h- h- hà Một lũ quái thai! Đảng của chúng mày, một bọn lưu manh, chúng nó thả tiền ra mua được như một lũ bán trôn… Những thằng đểu cáng? Những thằng đểu cáng! Chúng mày đã bán rẻ Tổ quốc… Tao thì treo cổ tất cả chúng mày lên cùng một cái giá. Ô- ô- ô- ô! Rồi sẽ đến lúc thôi! Tên Lenin của chúng mày đâu chỉ đem nước Nga đi bán lấy ba mươi đồng Mác Đức! Nó đã đút túi hàng triệu đồng rồi chuồn thẳng… cái thằng đã tù mọt gông ấy!

- Đứng sát vào tường! - Buntruc quát lên, giọng anh lắp bắp, kéo dài.

Dulgin cuống lên, hốt hoảng nói:

- Ilia Mitơrit, hượm đã! Cậu định làm gì thế? Hượm đã nào?

Cơn giận điên cuồng làm mặt Buntruc đen xạm, nom không còn ra hình thù gì nữa. Anh nhảy xổ tới bên Kalmykov, đánh cho hắn một cái rất mạnh vào thái dương. Anh dẫm lên cái mũ cát- két lăn từ trên đầu hắn xuống, rồi lôi hắn xềnh xệch tới bức tường gạch tối đen của tháp nước.

- Đứng vào kia!

- Mày làm gì hử? Mày! Mày không được! Mày không được đánh! - Kalmykov vừa chống cự, vừa gầm lên.

Lưng hắn đập đánh bịch vào tường tháp nước. Rồi hắn vỡ lẽ, bèn dướn thẳng lên:

- Mày muốn giết tao à?

Buntruc khom người, hấp tấp kéo khẩu súng ngắn ra vì con chỏ bị vướng vào lần lót túi.

Kalmykov vừa bước tới vừa cài rất nhanh tất cả các khuy áo ca- pôt:

- Mày bắn đi, đồ chó đẻ! Cứ bắn đi! Giương mắt lên mà xem những người sĩ quan Nga biết chết như thế nào… Ngay trước khi chết ta- a- ao…

Viên đạn cắm phập vào mồm hắn. Tiếng vọng khàn khàn của phát súng vang dần mỗi lúc một cao phía sau tháp nước. Kalmykov bước thêm được một bước thì vấp chân. Hắn đưa tay trái ôm đầu, ngã lăn kềnh. Hắn gập đôi người, nhổ xuống ngực mấy cái răng đen sì những máu, lưỡi đánh chặc chặc như đang nuốt một cái gì ngọt.

Lưng hắn duỗi thẳng ra vừa sát lớp đá dăm ẩm sì thì Buntruc bồi thêm cho hắn phát nữa. Kalmykov giãy mạnh một cái, oặt người sang bên, nấc lên một tiếng ngắn ngủi, đầu ngoặt xuống vai như con chim đang ngủ.

Đi đến ngã tư thứ nhất, Dulgin đuổi kịp Buntruc.

- Mitơrit… Cậu vừa làm gì vậy, Mitơrit? - Sao cậu lại giết nó?

Buntruc nắm chặt lấy hai vai Dulgin, hai con mắt đanh thép rất kiên định xuyên thẳng vào mắt Dulgin, rồi nói bằng một giọng mất tiếng nhưng bình thản lạ lùng:

- Một là chúng nó giết chúng mình, hai là chúng mình giết chúng nó? Không có con đường nào ở giữa. Nợ máu phải trả bằng máu. Vấn đề là ai diệt ai 4 … Hiểu chưa? Những đứa như thằng Kalmykov thì phải tiêu diệt, phải dẫm chết chúng nó, như loài rắn độc. Cả những kẻ giỏ rớt nước rãi thương tiếc chúng nó thì cũng phải cho ăn đạn… cậu hiểu chưa? Tại sao cậu lại chảy rớt chảy rãi ra như thế? Phải cứng rắn lại! Phải dữ tợn lên? Thằng Kalmykov nầy, nếu nó nắm được quyền hành thì nó sẽ bắn anh em mình mà chẳng cần nhả điếu thuốc lá khỏi miệng đâu, thế mà cậu… Chà, chỉ được cái mau nước mắt?

Đầu Dulgin lắc một thôi một hồi, hai hàm răng đập vào nhau lập cập cặp chân to đần đẫn đi đôi ủng đã chuyển thành màu hung hung không hiểu sao đi cứ vướng vào nhau một cách rất vô lý.

Hai người lặng lẽ đi theo một dãy phố hẹp không một bóng người. Chốc chốc Buntruc lại ngoái nhìn về phía sau. Trên đầu hai người, những đám mây đen lồm xồm như sủi bọt bay rất thấp về phía trời đông. Trong một mảng trong nhỏ xíu của bầu trời tháng tám, vành trăng lưỡi liềm vừa được trận mưa hôm qua rửa sạch, ghé nhòm xuống đất như một con mắt lác xanh lá cây. Ở ngã tư gần nhất có một gã bộ binh và một người đàn bà choàng trên vai một chiếc khăn màu trắng đứng sát vào nhau. Gã bộ binh ôm lấy người đàn bà, ghì chặt vào mình và rỉ tai ả những gì không biết. Chỉ thấy ả kia đưa hai tay đẩy vào ngực gã, ngửa đầu ra sau, hổn hển trả lời "Em không tin! Em không tin đâu!". - Nói xong rúc rích cười, tiếng cười nghe rất trẻ.

--------------------------------

1Người vùng sông Đông gọi loài uất kim hương trên đồng cỏ là hoa biếc (ND).2Hội đồng các đại biểu nhân dân được dân Cô- dắc bầu ra dưới chế độ vua Nga (ND).3Cain là con của Adams và Eva, vì giết em là Aben nên bị rủa sả, phải lang thang khắp nơi, đến đâu cũng bị lòng hối hận dãn vặt. (ND).4Một luận điểm nổi tiếng của Lenin trong thời kỳ cách mạng và nội chiến (ND).


/232

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status