Sao Đen

Chương 20: GIẲI PHÓNG VÀ CÁI BẮT ĐẦU CỦA SỰ KẾT THÚC

/72


Cách đây hai mươi mốt năm, Trần Văn Đỗ khóc không chịu ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Giờ đến lượt Trần Văn Lâu mang bộ mặt đưa tang ký hiệp định Pa-ri. Thiệu hoàn toàn không tán thành những điều khoản của nó. Nhưng sự ra đi của Mỹ là không thể cưỡng nổi. Lợi dụng lời cam kết của Nixon: "Mỹ sẽ dùng sức mạnh đầy đủ trở lại nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định". Thiệu bắt đầu một kế hoạch lấn chiếm quy mô lớn để giành ưu thế. Nếu ta phản ứng, chúng sẵn sàng gây lại chiến tranh để kéo Mỹ vào cuộc. Chúng là những kẻ chuyên sống bằng chiến tranh, bằng viện trợ. Rời những thứ đó ra chúng sống không nổi. Quân ngụy được tăng cường bằng kho vũ khí Mỹ để lại bắt đầu các cuộc hành quân lấn chiếm các vùng da báo. Những tháng đầu chúng đã giành được một số vùng do ta sơ hở.

Tùng Lâm trở về làm sư trưởng sư 97. Gặp tôi ở hành lang, viên chuẩn tướng ôm chầm lấy tôi, mùi rượu, mùi son phấn sặc lên!

- Ở đây hòa bình quá ta. Bọn tau vẫn phải uýnh hoài. Chà, nhưng sao hồi này Việt cộng mất tinh thần quá xá. Uýnh ngon quá bay ơi! Về làm tham mưu trưởng cho tau nghe! Tau đang cần một phụ tá trẻ khỏe, tài năng. Thế nào, ưng không?

- Ưng quá chứ anh Tư - Tôi trả lời xã giao cho qua chuyện. Tôi không ngờ ý kiến của anh được đưa lên cơ quan quân lực. Trung tâm điện toán lúc này cũng được tăng cường thêm một số sĩ quan trẻ, nên họ muốn đưa một số có trình độ chỉ huy ra nắm đơn vị. Tôi nhận lệnh điều động và được nghỉ phép mười ngày. Sự biến động này làm cho công tác của tôi gặp khó khăn. Tôi tiến cử Bạch Kim vào tổ chức. Kim sẽ phụ trách điện đài và làm trung chuyển giữa tôi với cấp trên. Anh Hai Bền cũng sẽ cộng tác với Kim, nhưng không trực tiếp vì anh đã lộ. Một khó khăn nữa là Kim chỉ biết đánh pi-a-nô chứ chưa bao giờ đánh moóc và nhận tín hiệu. Tôi phải giúp Bạch Kim học. Lúc đầu tôi hoàn toàn thiếu tin tưởng vào cô. Suốt từ nhỏ Kim sống lười nhác. Kẻ hầu người hạ. Nay hơn ba mươi tuổi mới bắt tay vào một công việc vừa bận rộn vừa nguy hiểm, biết cô có làm nổi không. Nhưng thật lạ lùng, Kim nhận công việc này với một niềm hứng khởi thực sự. Cô học hành nghiêm túc và rất thông minh. Tiếng ma-níp của cô còn non nớt nhưng đầy hứa hẹn. Có nhiều đêm chúng tôi học đến khuya.

- Anh thấy chưa, em đã hứa với anh, em sẽ sống tiếp cuộc đời của chị Dung. Chẳng những em nuôi dạy được Tôtô, chia sẻ với anh những vui buồn mà còn bước treo anh trên con đường chiến đấu... Em đã trở thành đồng chí của anh.

- Anh rất cảm ơn em. Nếu như ngày đầu tiên chúng ta đi với nhau trên bãi biển anh nhận ra ngay vẻ đẹp mang đầy quyền lực của em thì sau mười năm sống bên nhau anh cũng chưa nhận ra đầy đủ sức mạnh tinh thần của em. Chỉ vài hôm trước đây thôi, anh còn nghĩ rằng em thừa khả năng làm người bạn đời đức hạnh của anh; nhưng em không thể sóng bước với anh trong cuộc chiến đấu, thì đến hôm nay anh sung sướng mà nói rằng, em cũng hoàn toàn có đủ sức mạnh cùng anh đi trên con đường cách mạng. Hồi còn sống, Dung rất quý em - tin em và nhiều lúc Dung còn khuyên anh lấy em.

- Trời ơi! Chị Dung mà lại muốn cưới vợ lẽ cho chồng sao? - Kim ngạc nhiên.

- Không phải. Lúc đó anh chị chưa lấy nhau, thậm chí chưa phải người tình của nhau. Anh chị là hai người bạn công tác phải đóng vai vợ chồng. Mãi đến lúc anh lên đường đi Mỹ mới chính thức lấy nhau và có được Tôtô.

- Ôi lạ lùng quá! Sao lại có thể sống trong sạch bên nhau năm sáu năm trời?

- Nhưng anh thì hư hơn. Đôi lúc anh cũng đòi lọt vào "khu vườn cấm thiêng liêng của Chúa". Nhưng chị đã giữ được anh một cách nhẹ nhàng êm dịu.

- Anh thế là ngoan lắm rồi đấy. Em phục anh chị quá! Còn em thì...! Xấu hổ quá anh nhỉ?

- Giữa anh và Dung có khác. Có một vấn đề để hai đứa vịn vào mà đứng vững - Tôi kể lại cuộc đời của Dung cho Kim nghe. Câu chuyện đầy bi tráng cửa một nữ chiến sĩ tình báo đã làm cho Kim xúc động. Nước mắt cô trào ra. Kim ôm chặt cánh tay tôi trên ngực mình. Tôi cảm thấy những cơn nức nở trong trái tinh cô trào lên như sóng. Cô muốn vươn tới tấm gương trung liệt. Cô tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu Tổ Quốc thiết tha.

Anh chị tôi cũng biết sự phát triển tình cảm giữa hai chúng tôi. Nhưng không hề hỏi han, ngăn cấm. Họ tôn trọng tự do của chúng tôi vì chúng tôi đã lớn tuổi, đã từng trải cuộc đời và biết suy nghĩ cho tương lai của mình.

...

Ngày tận thế của chế độ Sài Gòn được báo trước năm mươi ba ngày bằng trận Buôn Mê Thuột. Tướng Phạm Văn Phú được lệnh tháo chạy khỏi Tây Nguyên bằng sự tan rã hoàn toàn, quân ta cắt ngang từ Tây Nguyên xuống bờ biển đe dọa cô lập Quân khu 1. Một nỗi kinh hoàng nổ tung trên đầu bộ máy quân sự Sài gòn.

Quảng Trị thất thủ! Ngày 26 tháng 3: quân ta giải phóng Huế. Quân ngụy khắp nơi dồn về Đà Nẵng gây nên một không khí khiếp sợ bao trùm lên lực lượng đồn trú ở đây. Ngày 27 tháng 3 đến lượt nó sụp đổ.

Sư đoàn 97 của tướng Tùng Lâm được bố trí trên một tuyến phòng ngự mới được thiết lập ở Nam Trung Bộ, nơi những dãy núi trùng điệp của cao nguyên đổ dài xuống bờ biển. Đứng về mặt địa hình. Nó rất có giá trị giúp cho đội quân phòng ngự có ưu thế, vì sông Đan Ly tạo thành một chướng ngại thiên nhiên hiểm trở.

Sư đoàn dàn theo đội hình hàng ngang với chính diện bảy kilômét, và chiều sâu bốn kilômét. Tiếp sau nó là đội hình của hai sư đoàn bạn. Một bộ tư lệnh hỗn hợp được hình thành do tướng Trần Đức Tạo làm tư lệnh chỉ huy toàn tuyến phòng thủ.

Mệnh lệnh của Tổng thống là phải tử thủ để cho trên nửa phần còn lại của Nam Việt tập trung sức mạnh phản công khi Mỹ ném bom trở lại. Mọi tin tức phía trước đều bị phong tỏa. Nơi chúng tôi đóng quân cuộc sống vẫn thanh bình. Buổi sáng sớm sông Đan Ly phủ một màn sương mỏng. Những đàn vịt trời bay là là mặt nước rồi mờ dần trong khoảng rừng xa.

Tướng Tùng Lâm hỏi tôi:

- Nếu cộng quân cứ giữ nhịp độ tiến quân như hiện nay thì bao lâu nữa chúng sẽ nổ súng vào phòng tuyến của chúng ta?

- Chỉ hai tuần nữa. Liệu chúng ta có thể đứng vững tại đây được bao lâu?

- Ai mà nói chắc được. Nếu quân lính chịu chiến đấu, có không quân và một trăm hai mươi nòng pháo đầy đủ đạn dược thì họ rất khó chọc thủng nổi trong vài tuần. Điền đáng sợ là sự tháo chạv của binh lính phía trước. Họ sẽ đạp đổ phòng tuyến của chúng ta trong vài giờ (tôi nói với một niềm vui mừng ác ý).

Viên chuẩn tướng thở dài nhìn xuống đường.

Trên quốc lộ 1, một dòng người, xe cộ di tản như con sông dài vô tận. Đó là đám vợ con công chức ngụy quyền, một số dân các đô thị, thị trấn sợ vạ lây vì bom đạn, di chuyển đến những vùng chưa có chiến sự chưa thấy lính hoặc có nhưng họ đã thay quần áo nên cái bệnh dịch thất trận còn chưa lan tới.

- Ta cho lệnh phá cầu chứ?

- Chưa được. Làm như vậy sẽ trao cho địch hàng ngàn quân xa, hàng trăm đại pháo, hàng vạn tù binh (tôi rất lo cầu bị phá sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tiến quân của ta).

- Hãy tạo cho chúng một bối thủy trận để buộc chúng phải chiến đấu.

- Cũng có thể là chúng chiến đấu. Nhưng nếu chúng hiểu là ta thí mạng chúng thì chúng sẽ đầu hàng với toàn bộ vũ khí hạng nặng. Quân Bắc Việt sẽ dùng ngay những thứ đó trút vào phòng tuyến của ta.

Một tuần sau Đà Nẵng, quân ta tiến vào giải phóng Nha Trang. Mọi tin tức thất trận không sao phong tỏa nổi. Những lời đồn đại còn gây rung động hơn hệ thống thông tin báo chí. Những toán lính đầy vũ khí. những quân xa chở lẫn lộn cả binh lính lẫn vợ con họ nối nhau như những đàn chim tránh lạnh đổi mùa bay tới phương Nam. Hình ảnh đó tác động mạnh mẽ đến những binh đội còn đang đào hầm hố, chăng dây thép gai, kiến tạo bãi mìn để xây dựng phòng tuyến chống cự.

Ngày mồng 3 tháng 4, Đà Lạt, thành phố nghỉ mát của "bọn quý tộc" trên cao nguyên thất thủ. Tin tức đó gây nên nỗi lo lắng sân sắc trong những người chỉ huy tuyến ngăn chạn trên bờ sông Đan Ly. Sườn phía Tây của họ đã bị hở. Những ngày thanh bình đã qua đi. Tôi nghe rõ tiếng trọng pháo vang vọng trầm trầm từ phía Bắc mà lòng rộn ràng sung sướng. Cái kết thúc đang đến gần.

Tướng Tùng Lâm kinh hoàng khi nhận ra quá trình tan rã đã bắt đầu trong chính sư đoàn mình. Mới qua hai ngày chưa đánh nhau, họ đã mất 1.328 binh lính. Đến giờ này thì không hiểu cái bệnh dịch đó đã lan ra đến mức nào.

- Hắc Hổ đâu? A lô! Hắc Hổ... Thiếu tá Bang đấy à? Cấm trại. Kẻ nào bỏ trốn bắn bỏ? Cứ theo quân lệnh thi hành nghe?

- Hoàng Sà! A lô, tôi gọi Hoàng Sà. Tướng Tùng Lâm đây. Xin tăng viện? Chu cha! Uýnh chác chi đâu mà đòi tăng quân hả ông nội? Đã nhìn thấy quân Bắc Việt à? Cho gọi pháo bắn. Ừ được, xem quânchánh quy hay ba thằng du kích?

Viên sư trưởng gọi điện thoại, gào thét inh ỏi với các sĩ quan chỉ huy trên những cứ điểm phòng ngự.

Bỗng nhiên không trung réo lên những đường đạn bỏa tiễn 122 và tiếp đó là những tiếng nổ dữ dội.

- Cho phá cầu thôi chứ? - Tùng Lâm hỏi tôi.

- Cho phép tôi nhận định tình hình một phút. Tôi chạy ra khỏi hầm quan sát. Tiếng súng rộ lên ở hướng Tây Nam đằng sau phòng tuyến. Tôi chạy vào.

- Trình chuẩn tưởng! Cuộc tiến công của địch lại nhằm vào phía sau phòng tuyến của chúng ta. Phía Bắc hoàn toàn yên tĩnh. Nếu phá cầu chẳng may ta phải rút sang bờ Bắc thì sao?

Mặt viên chuẩn tướng thất sắc.

- Chạy sang phía Bắc sông. Ông điên à, trung tá? Hướng phòng thủ của ta là phía Bắc kia mà?

- Dạ trình chuẩn tướng, tôi còn rất tỉnh táo. Chiếm Đà Lạt họ có thể đánh tạt sườn phòng tuyến của chúng ta. Họ không thèm đánh vỗ mặt. Đó là sở trường của quân Bắc Việt. Khi họ cắt được liên hệ của ta với hậu phương thì coi như đã kết thúc.

- Ông học tận bên Mỹ, trong tình huống đó họ dạy ông phải làm gì? - Tùng Lâm nhìn tôi cười mỉa mai.

- Anh Tư ạ, chỉ còn cách nhảy xuống biển. Người Mỹ đã hành động như vậy cách đây hai năm! Ba mươi sáu chước, chước chuồn là thượng sách.

Nhưng ngay cái chước chuồn cũng đã là quá muộn. Mũi thọc sâu của bộ binh cơ giới từ phía Bắc tiến vào không bắn một phát súng. Khi nghe tiếng xe thiết giáp rú thì họ đã ở đầu cầu bên kia. Tùng Lâm quên cả lệnh phá cầu. Tôi, anh ta cùng vài sĩ quan chỉ huy nhảy ra mấy chiếc xe Jeep lao rađường, theo hướng Nam phóng thục mạng. Nhưng xe chúng tôi không hề đi nhanh vì có nhiều chỗ tắc nghẽn vì dòng người, xe cộ...

Đột nhiên phía trước ngừng cả lại. Tôi đỗ xe xem sao thì đã thấy mấy tiếng lao xao: "Quân giải phóng chặn đường rồi". "Họ đã chiếm Bảo Sơn". "Ở đồn Trạch cũng đã kéo cờ Mặt trận".

- Thế là hết. - Viên chuẩn tướng xị mặt xuống.

Hai mươi phút sau đó chúng tôi đã là tù binh. Nhờ có cái quân hàm chuẩn tướng mà cả sáu sĩ quan được chuyển nhanh về sở chỉ huy hành quân. Một cán bộ lập hồ sơ cho bọn tôi. Tôi không mảy may tiết lộ tung tích của mình vì diễn biến chiến tranh chưa thể lường trước được. Đến 13 tháng 4 thì tôi không còn đủ kiên trì. Tôi nói riêng với đồng chí cán bộ thẩm vấn: Tôi có ông cậu là trung tá hay thượng tá Nguyễn Hữu Đức công tác ở cơ quan tình báo Miền. Tôi xin được nói điện thoại với cậu để xin chỉ thị. Nửa ngày sau có một đồng chí đến gọi tôi lên Phòng tham mưu. Ở đây tôi được phép nói chuyện với cậu Đức.

- A lô. Cậu Đức đấy ạ? Cháu Phan Quang Nghĩa A.32 đây? Cháu đã hàng Quân Giải phóng, dạ cháu chẳng biết đơn vị nào... Sư 47 ạ (một đồng chí đứng bên nhắc tôi). Cậu cần giao nhiệm vụ gì cho cháu thì cứ giao. Vâng, vâng. Cậu điện cho Kim biết là cháu vẫn an toàn.

Tôi đề nghị Phòng tham mưu cũng gọi riêng vài sĩ quan khác lên để các đồng chí hỏi qua cho họ không coi tôi là nhân vật đặc biệt.

Hôm sau, một chiếc xe Jeep đến đón tôi và tù binh Lê Hòa đi. Khi tạm biệt, Tùng Lâm cầm tay tôi đầy nước mắt:

- Liệu còn được gặp nhau nữa không?

- Cứ hy vọng, anh Tư. Dù sao thì chiến tranh cũng sẽ kết thúc trong vài ngày nữa - Tôi an ủi anh ta.

Một ngày ô tô chạy trong những con đường miền Đông đầy ổ gà, chúng tôi được chuyển đến một trại giam mới. Tới đây Hòa được ly gián với tôi bằng một nhiệm vụ che mắt: "Mỗi người đi một hướng dẫn đường cho quân Giải phóng đánh thành phố".

Ở đây tôi đã được gặp cậu Đức. Cậu cháu ôm nhau vui mừng khôn xiết. Tôi báo cáo lại toàn bộ tình hình công tác với cật. Tôi cũng thưa với cậu tôi và Kim đã thành vợ chồng. Cậu cũng hơi ngạc nhiên:

- Thế cưới xin lúc nào mà không tin cho cậu hay để cậu viết thư ra Hà Nội?

- Có cưới xin gì đâu ạ. Cảnh "rổ rá cạp lại" cậu ạ. Ngay những người trong đó cháu cũng chẳng thông báo chuyện này. Cháu sợ chẳng may bị lộ thì Kim vẫn làm việc được với cậu, không sợ liên lụy.

- Tốt lắm, đó cũng là một sáng kiến hay. Cậu ủng hộ các cháu. Nhưng dù sao, với một cán bộ tình báo, cháu vẫn phải xin phép chứ? Bây giờ cháu phải về ngay Sài Gòn. Quân ta sẽ vào giải phóng thành phố một sớm một chiều. Nhưng ta cũng phải tính đến trường hợp chúng lợi dụng những cấu trúc kiên cố của thành phố mà tử thủ để mặc cả. Mục tiêu của chúng ta là buộc địch phải đầu hàng vô điều kiện. Chúng ta vẫn cần nhiều tin tức trong nội bộ chúng. Ngay như thành phố được giải phóng đi nữa cũng vẫn cần phải nắm những tổ chức phản động hoặc tàn dư của nó. Cháu sẽ vẫn không xuất đầu lộ diện trước cơ quan An ninh giải phóng, rõ chưa?

- Rõ ạ! Nhưng cũng chưa thông lắm. Suốt mấy chục năm khoác bộ quần áo ngụy cũng muốn trút bỏ nó ra để đứng trong đội ngũ vinh quang của những người chiến thắng. Nhưng cấp trên đã chỉ thị thì cháu xin nghiêm túc chấp hành.

- À cậu cũng chính thức thông báo cho cháu biết là Quân đội đã quyết định trao cho cháu cấp làm thiếu tá. Những giấy tờ đó cậu đã chuyển cho mẹ cháu để bà mừng. Như cậu đã nói với cháu, niềm vinh quang của người chiến sĩ tình báo là không thể phô trương, không thể đem chia sẻ. Bằng lòng chứ?

- Vâng ạ!

...

Hai hôm sau tôi đã có mặt ở Sài Gòn. Vợ chồng bố con ôm chặt lấy nhau vui mừng tràn nước mắt. Anh chị Ân đi rồi. Họ sang Pháp rồi đi Ca-na-đa. Anh chị cứ bắt em đưa Tôtô đi cùng, nhưng em kiên quyết ở lại chờ anh. Dù chết hai mẹ con cũng ở lại. Nhận được điện của cậu Đức báo tin anh, em mừng điên lên. Em tưởng đến ngày giải phóng hoàn toàn anh mới về cùng đoàn quân chiến thắng. Ai ngờ hôm nay đã về.

- Nhớ em và con quá, anh phải bỏ trốn về. - Tôi nói đùa.

- Chuyện gì mà lạ vậy! Thật xấu hổ.

- Sẽ kể sau - Tôi cười quay lại Tôtô - Con trai của ba lớn rồi, từ nay ba mẹ không gọi yêu con là Tôtô nữa nhé. Phan Quang Trung, con của thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Phan Quang Nghĩa chứ không phải Tôtô con viên trung tá ngụy nữa nghe!

Con tôi cũng hết sức ngạc nhiên và cả hai chúng tôi cùng giải thích cho con. Cháu ôm chầm lấy tôi:

- Thế mà hôm nay con mới biết. Sao ba không kể cho con từ khi còn má?

- Con bé quá, con nói lộ ra thì nguy hiểm.

- Chẳng bao giờ con dại thế.

- Đã có lần con nói với mẹ Kim về công việc của ba.

- Con chỉ nói với mẹ Kim thôi.

- Nhưng lúc đó mẹ Kim cũng chưa biết ba làm việc cho Giải phóng.

- Nhưng con tim là mẹ rất yêu ba nên mẹ phải giữ cho ba chứ.

- Rất đúng, ôi con tôi thông minh quá - Bạch Kim ôm chặt lấy thằng bé hôn như mưa lên đôi má dễ thương của nó - Không có con nói ra điều đó thì có khi số phận mỗi người lại rẽ đi những ngả khác nhau. Anh phải cảm ơn con đi!

...

Đêm hôm đó khi hai đứa lên nằm trên gác thượng tôi mới kể lại nhiệm vụ trước mắt cho Kim nghe. Kim cười vui vẻ:

- Những mong ngày giải phóng để được khoác tay đồng chí thiếu tá Giải phóng đi dạo trên đường phố Sài Gòn không ngờ vẫn mang tiếng hai lần làm vợ trung tá ngụy.

- Ngụy này là ngụy vỏ thôi, bỏ bộ đồ ra là Vi-xi chính hiệu!

Chúng tôi ôm nhau ngất ngây trong niềm hạnh phúc.

Bầu trời đầy sao. Gió thổi xào xạc những tàu dừa. Đèn thành phố vẫn sáng rực, không xa lắm, tiếng đại bác vang vọng nặng nề. Những chuyến bay của những chiếc Galaxy khổng lồ vẫn tiếp tục. Không trung ầm ầm tiếng động rồi tan loãng dần đi. Thanh bình ngự trị...

Tại sao người ta gọi dải tinh vân rực rỡ kia là sông Ngân anh nhỉ?

- Ở nước mình nó gắn với câu chuyện phân ly của Ngưu Lang - Chức Nữ. Ở nhiều dân tộc khác, dải Ngân Hà là vết bay của đàn chim hạc. Hàng năm những đàn chim tránh tuyết lại kéo nhau bay về phương Nam . Khi mùa xuân đến, nó vạch nên một đường bay ngược lại. Dấu vết của đàn chim gắn liền với những ngôi sao trên dải Ngân Hà. Những câu chuyện đó hình như đều có một biển tướng chung: Sự tha hương, sự chia ly...

Bạch Kim thở dài. Một nỗi buồn nhè nhẹ lướt qua.

- Em nghe nói mỗi con người gắn với một vì sao. Trong muôn ngàn vì sao rực sáng kia, đâu là sao anh, đâu là sao em?

- Anh không nhận nổi nhưng chắc là phải ở bên nhau, rất gần nhau.

- Thôi, em đành chọn cho chúng mình hai ngôi sao kia.

Cô chỉ cho tôi hai ngôi sao đỏ như màu lửa trên chòm sao Vũ Tiên.

- Hai ngôi sao đẹp quá, nhưng có thể chẳng thích hợp với chúng ta.

- Thế chúng mình thích hợp với những ngôi sao nào?

- Sao đen. Những ngôi sao sống âm phần trong vũ trụ mà ta không thể nhìn thấy được. Chúng có khối lượng riêng rất lớn, mật độ vật chất cao. Chúng không phát ra ánh sáng mà còn hấp thụ hoàn toàn những nguồn khác rọi vào chúng.

- Thế thì làm sao biết được sự tồn tại của chúng?

- Vì mật độ vật chất cao nên người ta vẫn nhận ra bởi trường lực hấp dẫn mạnh mẽ của chúng. Chúng vẫn tồn tại với cái tên huyền bí: Sao Đen.

Ngày 22 tháng 4 tôi đến trình diện tại Bộ Tổng tham mưu. Tôi ngạc nhiên thấy người tiếp tôi là tướng Lâm Quang Thới, viên tướng già đầu bạc được tôi cứu sống trong trận Sông Mang. Ông ta đã về hưu hơn chục năm, nay bỗng ra "tham chiến" trong một tình thế rất xấu này. Ông ôm chặt lấy tôi vui vẻ:

- Ồ, không ngờ lại còn được gặp anh! Fort Leavenworth đã dạy anh những gì để các anh đạt được một cục diện "tốt đẹp" như ngày nay!

- Thừa tướng quân, họ dạy tất cả, trừ việc ném bom hạt nhân!

Cả hai đều cười rất thoải mái. Tôi kể cho ông nghe chuyện thất trận của sư đoàn 97 cùng việc Tùng Lâm và toàn bộ phòng tham mưu bị bắt. Tôi đã trốn thoát được và đến đây trình diện. Ông cười và thì thầm.

- Trình diện làm gì. Sắp kết thúc rồi. Cứ ở nhà, đó là cách hành động khôn ngoan nhất.

- Nhưng theo papa, tại sao papa nhiều tuổi thế mà vẫn còn ra gánh vác công việc...

- À... Họ mời tôi và tôi thấy cần phải có mặt. Tôi thuốn có một kết thúc êm đẹp. Tôi muốn bảo toàn tánh mệnh cho dân chúng, cho binh sĩ tránh đổ vỡ cho kinh thành. Để công việc lọt vào tay bọn cực đoan có thể gây ra đổ máu không cần thiết. Tôi đâu có tham quyền cố vị. Anh cứ về nhà. Chưa có việc cần đến anh đâu.

Tôi cảm ơn viên tướng già và bắt tay từ biệt ông. Nhưng phút cuối cùng này ông đã sống với tư cách một người Việt Nam có trách nhiệm. không thờ ơ với số phận của mọi người.

Hoàng Quý Nhân đã thu thập hành trang cho một cuộc chạy trốn. Vàng kim cương, đô-la thì không phải lựa chọn. Nhưng đống tài liệu đồ sộ thì lúc này không còn có thời gian để phân loại. Đó là bộ sưu tập y bỏ ra cả nửa cuộc đời để tranh cướp tìm kiếm. Những cuốn phim vi ảnh, nhưng cuộn băng thu âm, các mật danh, mật ngữ, hồ sơ, sổ đen ghi hàng chục tổ chức, hàng trăm số phận biết cái nào còn có ích trong tương lai. Sự biến chuyển của thời thế đã diễn ra quá nhanh. Trong khi Quý Nhân bận rộn như vậy thì vợ y cứ nhởn nhơ. Ẳ triết lý:

- Cái gì phải đến nó sẽ đến. Con tàu đắm thì dại khôn đều chết.

- Ít ra thì cũng phải biết tìm cho mình cái phao chứ.

- Đó là công việc của ông đấy, thưa ngài đại tá cảnh sát. Chẳng lẽ mười ngàn con người cần cứu vớt mà người ta lại không nhớ đến ông. Không ai có thể tin chắc là mình sẽ tìm được một cái vé máy bay. Cả các vị tướng cũng vậy thôi. Phải có một người Mỹ đón được vào sân bay hay tòa đại sứ thì mới chắc chắn.

- Polga đâu? Harold Smith đâu. Toàn những con người ngày nào cũng chén chú chén anh đâu cả rồi. Anh hãy gọi điện cho họ.

- Gọi rồi, hàng chục lần quay điện thoại, mở cả PRC.25 đủ mọi tần số. Bao nhiêu mật khẩu, mật hiệu, bí danh tung ra hết nhưng không lần nào được nói trực tiếp với Polga. Những tay phụ tá của họ đều trả lời: "Xỉn ông đến với chúng tôi, sân bay Tân Sơn Nhất hay tòa đại sứ cũng được". Nhưng làm sao có thể vượt qua được cái vòng vây khủng khiếp đó mà ra đi.

- Thế thì ở lại với cái la-bô rồi tiếp tục hoàn thành cái luận án khoa học của mình để nhận giải Nobel. Nhưng bây giờ thì lấy đâu ra "thỏ" mà thí nghiệm. Hãy tự tiêm chất độc vào mình. Hãy ngồi vào trong cái "đàn oóc của thánh đường Hamilton"...

- Thôi, cô im đi! Còn cô nữa đấy.

- Đúng, cả tôi nữa. Chúng ta đã tắm biển, tắm nắng tắm du-xơ, tắm hơi, tắm bằng sữa người. Bây giờ phải được tắm máu cho đủ mùi!

Quý Nhân không thể ngồi nghe vợ y chì chiết. Y lên xe phóng về lâu đài Vie du Château. Y gọi tất cả các nhân viên trong la-bô tụ tập lại. Lúc đó chỉ còn năm người.

- Chúng ta không thể tránh khỏi sự sụp đổ. Người Mỹ đã bỏ chúng ta. Hy vọng cuối cùng là chúng ta được một chỗ trên máy bay di tản. Tôi rất đau lòng phải chia tay với những người cộng sự trong nhiều năm nay. Nhưng trước khi rời khỏi đây chúng ta phải thiêu mọi giấy tờ, phá mọi phương tiện, không để lọt vào tay Bắc Việt. Bây giờ ta bắt tay vào việc.

Chúng di chuyển toàn bộ công cụ, giấy tờ đến căn phòng chính. Sau đó Quý Nhân cho bọn tay chân về nhà, thu xếp gia đình với năm trăm đô-la mỗi người. Chỉ một người bí mật quay lại với y là một tay trung úy. Tên này đã được Nhân rỉ tai: "Chờ đợi ở đây sẽ có xe của CIA đến đón cả gia đình cùng đi". Trong khi chờ, tên này được giao đào một cái hố sâu bí mật ngoài vườn cây. Y nói là sẽ chôn đi một số tài liệu quý. Nến sau này có cơ quay lại, thứ đó sẽ là cái vốn vô giá. Quý Nhân cũng chia cho tên này một số vàng, đô-la đủ sống suốt đời khi phải tha hương đất khách quê người.

Quý Nhân lái xe mò về nhà thì thấy cửa đóng chặt. Y mở khoá vào thì không còn ai. Y lái xe đến nhà Hứa Vĩnh Thanh chỉ còn thấy mình lão, vợ và các con lão đã đi rồi. Không ai biết Quế Lan và Jimi đâu. Trong trạng thái tâm thần bất định, Quý Nhân phóng xe đến cửa sân bay Tân Sơn Nhất. Một đám đông hỗn độn chen lấn như ong vỡ tổ. Hàng ngàn ô tô đỗ lộn xộn ngăn chặn lối vào. Trước đây có một đợt pháo kích nên sân bay tạm ngừng hoạt động. Một số máy bay lên thẳng "Hiệp sĩ biển cả" của hải quân vừa cố gắng đỗ xuống thì làn sóng người bên ngoài lại rồ lên như muốn tràn qua những lớp song sắt để vào được sân bay. Một số người Việt leo bừa lên những vật chắn bị lính quân cảnh Mỹ đẩy xuống. Một số lọt được vào. Quý Nhân cố nghển lên nhìn những vẻ mặt đã lọt được vào bên trong, y nhận ra vợ y đang dắt tay Jimi đi bên cạnh Price. Tay ả xách cái va-li nhỏ trong đó đựng tất cả những thứ quý giá mà y đã gói ghém vào đấy.

- Quế Lan! Quế Lan ơi! - Tiếng y lọt thỏm vào cái ồn ào hỗn độn.

- Quế Lan ơi! Tiến sĩ Price!

Hình như vợ y đã nghe thấy, ả ngoái đầu nhìn quay rồi lại quay đi bước tiếp cuộc hành trình. Y lao vào đám người, chen lấn, đạp lên họ. Viên đại tá cảnh sát có võ thuật mà vẫn không sao vượt nổi đám người kia. Cuối cùng y cũng đến được những song sắt. Y trèo lên định nhảy vào, Nhưng tên lính Mỹ ấn đầu y xuống.

- Cho tôi vào! Tôi là đại tá? Đại tá cảnh sát.

- Giấy đâu?

Y móc túi nhưng không thấy ví, trong lúc vội y quên ví ở đâu hay đã bị kẻ nào móc mất. Không có bằng chứng gì chứng tỏ y là đại tá.

- Tôi bỏ quên xin hãy tin tôi, tôi là đại tá Hoàng Quý Nhân.

- Về lấy! - Tên lính thủy lạnh lùng đáp lại.

Một số người Việt đứng quanh đó ồn ào lên tiếng:

- Đại tá giả đó bay? Tau xưng là bộ trưởng nó còn đẩy lại đói

- Tướng thật còn chưa đi nổi nữa là đại tá giả!

Tiếng cười chế giễu vang lên lạc lõng giữa cái cảnh hãi hùng thất vọng. Quý Nhân tức điên người nhưng rõ ràng quyền lực của y đã xuống đến mức thấp nhất. Như mọi lần, y có thể nổ súng vào kẻ khiêu khích. Nhưng bây giờ thì không thể. Sụp đổ hết rồi. Y nghĩ đến Quế Lan với cái dáng đi thanh thản của ả. Ôi cái sống và cái chết chỉ cách nhau có một hàng song sắt mà y không sao vượt nổi. Khi trở lại trạng thái tâm lý cân bằng. Hoàng Quý Nhân thấy cần phải tiếp tục những công việc đang làm dở.

Về đến Biệt thự Vie du Château y thấy viên trung úy đã hoàn thành nhiệm vụ.

- Trình đại tá, sâu đủ một mét rưỡi.

- Cảm ơn, cảm ơn. Tắm rửa đi rồi ta ăn tối.

Chính tay y bầy bàn ăn rồi ngồi chờ người cộng sự trung thành từ trong buồng tắm đi ra.

- Thưa đại tá, chúng ta sắp được đón chưa ạ?

- Ngày mai, Polga đã hứa. Bây giờ xin nâng cốc chúc mừng dịp may cuối cùng đang đến!

Chúng chạm cốc nhau, cả hai uống gọn ly Whisky. Hoàng Quý Nhân rót tiếp cốc thứ hai đưa lên định chúc tụng thì viên trung úy không còn đủ sức đứng vững nữa. Y ngồi phịch xuống ghế quằn quại, mồm méo đi rớt rãi chảy ra. Liều thuốc độc đó vừa uốn đủ để giết một trăm mạng người. Quý Nhân giải thoát cho người cộng sự những lo âu sợ hãi nhanh chóng nhất. Viên trung úy chẳng có lỗi gì ngoài cái cấu trúc cơ thể xấp xỉ với Hoàng Quý Nhân. Y cần một cái xác chết như vậy để ngành cơ thể học pháp y dễ lầm lẫn. Y lôi người bạn xấu số đó sang phòng tập trung tài liệu và đồ đạc. Y thắt cho xác chết cái thắt lưng của mình, đeo cho nó chiếc lập lắc mang tên mình cùng tất cả các thứ mang dấu tích của y, nhưng không cháy được. Súng ngắn, đồng hồ dao nhíp.

Y hì hục khuân số vàng còn lại ra chiếc hố ngoài vườn chôn cẩn thận, xoá dấu vết. Vàng là quý nhưng với khối lượng đó thì một lực sĩ cùng không thể mang theo người được. Y chờ đợi dịp trở lại. Biết đâu niềm hy vọng đó lại chẳng trở thành sự thật.

Y bỏ lâu đài Vie du château lúc hai mươi hai giờ mười phút bằng một chiếc xe hòm Toyota. Hai mươi hai giờ mười lăm phút, tòa biệt thự bốc cháy. Những người xung quanh ngó ra nhưng không ai đến chữa. Đêm 29 tháng 4 các trạm cứu hỏa cũng không còn người trực. Ngọn lửa thiêu hủy hết thảy đồ đạc trong can phòng chính rồi tàn lụi. Nó không vượt qua được những bức tường bê tông. Y nhìn qua cái gia tài bốc cháy rồi buồn bã lái xe đi. Lúc này y mang thẻ căn cước với một cái tên mới, nghề nghiệp mới. Con rắn đã hai lần lột xác. Tuy nhiên y vẫn mang theo cái chứng minh thư đại tá để hy tvọng iến được vào cái chấn song sắt ngày hôm qua, nó vẫn còn giá trị trong vòng nửa ngày nữa.

Không ai biết y có lên được máy bay hay đang sống lẩn lút ở đâu. Khi anh Hai Bền vào được lâu đài Vie du Château thì cái xác đã cháy hết. Anh làm một bản báo cáo đúng như kịch bản của Hoàng Quý Nhân đã dựng. Kết luận: tên ác ôn đã tự sát và tiên hủy mọi dấu vết.

Thành phố giải phóng được hai ngày thì cậu Đức đến thăm chúng tôi. Vừa là cấp trên, vừa là người trong gia đình, chúng tôi vô cùng vui mừng. Đây cũng là lần đầu Bạch Kim được thấy cậu, tóc cậu đã bạc, hơi gầy, nhưng dáng điệu còn nhanh nhẹn và đặc biệt cặp mắt còn tinh anh lắm. Cháu Trung cũng mới được gặp ông, nhưng chẳng mấy chốc hai ông cháu đã trở nên thân tình vì ông hay nhắc lại chuyện má cháu ngày xưa. Cậu ở chơi với chúng tôi không lâu vì có nhiều công việc phải làm. Chúng tôi đề nghị hết giờ làm việc cậu về đây nghỉ với chúng tôi, nhưng cậu từ chối.

- Cháu nên nhớ rằng bên ngoài cháu vẫn là trung tá ngụy. Cậu đến nhiều lộ mất. Ai gọi trình diện thì cứ ra. Bảo đi đâu cứ chấp hành, không được nhờ gọi điện cho cậu, nghe chưa?

- Dạ, cháu xin chấp hành. Cháu chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Sau hai mươi năm xa nhà, cháu muốn được trở về thàm mẹ cháu và bà con, thăm cháu Hiền. Sau đó cậu muốn cho cháu vào trại cải tạo cháu cũng không dám từ chối.

- Cậu cũng đã nghĩ đến chuyện đó. Có điều là cấp trên chưa có một chương trình hậu chiến dứt khoát nên cháu phải chờ đợi một chút. Còn việc về Bắc thì cứ chuẩn bị. Cả ba vợ chồng con cái nhé. Đi một chuyến độ nửa tháng. Được chưa? Cậu cũng muốn cùng đi cho vui.

- Chúng cháu cảm ơn cậu và mong cậu cùng đi.

Nửa tháng sau cậu về Hà Nội thông qua kế hoạch mới. Cậu đã đón chúng tôi ra máy bay. Con đường tôi đi hơn hai mươi năm mới dài làm sao? Chỉ ba tiếng sau tôi đã trở về Hà Nội. Xe đưa chúng tôi từ sân bay về thẳng nhà anh chị tôi ở Kim Liên. Cuộc gặp gỡ thật vui mừng khôn xiết. Không có một hạnh phúc nào lớn hơn trong đời tôi. Đó là tổng số của bao niềm hạnh phúc, của chiến thắng, của thống nhất, của độc lập tự do, của sum họp gia đình sau mấy chục năm chiến đấu. Tất cả đều ở trong cuộc, số phận mọi người đều gắn bó với nhau...

Sau những phút xúc động tràn đầy nước mắt, cậu Đức nói với mẹ tôi:

- Cách đây gần hai mươi mốt năm, tôi đến nói với chị xin cho thằng Nghĩa làm lính của tôi. Chị vui lòng chấp nhận. Nay tôi trao trả nó cho chị nguyên vẹn (cậu vỗ vào vai tôi, cả nhà vỗ tay)... Nhưng tôi cũng đau lòng nhắc lại, đứa con dâu hiền của chị, cháu Phương Dung đã không còn có mặt hôm nay để gặp lại cả nhà (Tất cả nhà òa lên khóc, cậu tôi, mẹ tôi, tôi và cả anh rể tôi cùng các cháu chưa một lần biết mặt Dung cũng không cầm nổi nước mắt. Vài phút sau, cậu mới nói tiếp được, nhưng chiến đấu là phải có hy sinh. Chính sự hy sinh của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào là để cho chúng ta có những phút giây, những tháng năm hạnh phúc. Bù lại, Phương Dung đã để lại cho chúng ta một thằng bé xinh trai, thông minh như mẹ nóngày xưa. Con trai chị cũng lại đưa về cho chị một cô dâu mới sắc tài, đức độ bước tiếp được con đường của Phương Dung để lại. (Mẹ tôi ôm ghì lấy Bạch Kim và cháu Quang Trung, một lần nữa mọi người lại sụt sùi cảm kích). Chị Hậu ạ! (tên mẹ tôi là Hậu) Tôi tước ao một hạnh phúc như chị mà không được đấy.

- Cảm ơn cậu. Niềm hạnh phúc đó cũng là của cậu. Cậu đã dẫn dắt con tôi làm tròn trọng trách đối với Tổ Quốc. Tôi xin tặng cậu một nửa niềm tự hào của người mẹ! (Cả nhà lại vỗ tay).

Nhưng giờ đây nếu một lần nữa tôi lại muốn chị trao nó cho tôi. Nó lại bước vào một nhiệm vụ mới mà không có điều kiện ở gần để chăm sóc chị lúc tuổi già, chị có bằng lòng không?

- Sao lại không bằng lòng? Tôi không hiểu được hết việc làm của con tôi, nhưng tôi tin là những việc đó rất cần thiết cho Tổ Quốc chúng ta.

- Thế thì được rồi. Các cháu sẽ nghỉ phép nửa tháng. Hôm nào đi là tôi lôi cả ba đứa đi đấy. Có sụt sùi nhớ nhưng một chút cũng được, nhưng không được giữ lại bất cứ đứa nào, kể cả thằng bé con.

- Vâng. vâng. Cậu cứ yên tâm về thăm mợ và các cháu. Chúng tôi không làm lỡ việc của cậu đâu.

- Nào đã được về. Mai còn làm việc. Chưa biết chương trình ra sao.

...

Chúng tôi đã thực hiện được một thời gian biểu chặt chẽ trong hai tuần. Tôi đưa vợ con vào lăng viếng Bác Hồ, đi thăm phong cảnh Thủ đô. Kim lạ lùng khi thấy thành phố vẫn như xưa qua bao năm bom đạn ác liệt. Cô trở về thăm lại ngôi nhà thời thơ ấu của mình, mặc dù cô không còn quen biết những chủ nhân hiện tại.

Như đã hẹn, cuối đợt phép, cậu Đức đưa chúng tôi về Hải Dương thăm viếng gia đình Dung để cho cháu được nhận ông bà ngoại và chị Thu Hiền. Cuộc gập gỡ cũng vô cùng cảm động. Tôi không ngờ chán Hiền đã trở thành một cô sinh viên xinh đẹp và dịu dàng như mẹ cháu lúc ra đi. Chỉ có điều là cháu đeo kính cận. Chỉ vài giờ sau cháu gọi tôi bằng ba và Bạch Kim bằng má. Về nguyên tắc, chúng tôi không kể hết những việc của mẹ cháu đã làm, nhưng ông Đức hứa là sẽ viết thành sách để nêu gương cho thế hệ các cháu. Bạch Kim trao lại những bức ảnh và tất cả món đồ trang sức Phương Dung còn để lại. Nó vừa là nhưng kỷ niệm thiêng liêng vừa là tài sản của cháu sau này.

Mười lăm ngày ngắn ngủi ở quê hương đã hết. Chúng tôi lại phải từ biệt mẹ và gia đình. Bạch Kim để lại toàn bộ đồ trang sức của mình cho mẹ để mẹ an dưỡng lúc tuổi già. Mẹ nhất định từ chối, nhưng cô đã dỗ mẹ:

- Là dâu con, lẽ ra chúng con phải đỡ đần phụng dưỡng lúc lúc tuổi già. Nhưng nhiệm vụ của chúng con còn nặng nề, mẹ tha lỗi cho chúng con. Những thứ này thật chẳng đáng là bao. Xin mẹ nhận cho chúng con yên tâm.

Tuy gọi là lấy chồng quan lại nhưng trong cả cuộc đời mình, bà chưa bao giờ có vàng dù chỉ là một chút ít trong tay. Mẹ tôi cũng sống giản dị tần tảo như những người lao động khác. Bà có biết đâu rằng con dâu của bà là con một nhà triệu phú. Phần gia tài mà cô có quyền thừa hưởng theo di chúc gửi ở các ngân hàng nước ngoài đủ cho cô sống ung dung suốt đời. Nhưng cô tự nguyện từ bỏ tất cả để đi theo con đường cách mạng, con đường của dân tộc, con đường của giai cấp công nhân. Con đường đầy gian khổ hy sinh, nhưng là con đường tất yêu của lịch sử.

Chúng tôi đã trở lại Sài Gòn.

Một tuần sau cậu Đức đến trao nhiệm vụ cho chúng tôi. Cậu nói:

- Các cháu đã sẵn sàng chưa?

- Dạ, chúng cháu đang mong đợi ạ.

- Cấp trên quyết định để các chán di tản ra nước ngoài. Chiến tranh đã chấm dứt, đất nước sẽ thống nhất trong độc lập, tự do và bước vào một thời kỳ xây dựng. Nhưng những thế lực đế quốc và phản động chưa để ta yên. Sự thất bại của chúng quá lớn nên nối hận thù của chúng chưa dễ nguôi ngoai. Giai cấp thống trị phải rời bỏ ngôi lầu vàng cũng chưa dễ cam phận. Họ đâu muốn ta mạnh lên! Vì vậy ta phải biết chúng định lành gì để phòng ngừa, ngăn chặn.

Chúng ta chưa từng nhìn vào lỗ khóa nhà ai. Công việc riêng của họ dở hay mặc họ. Nhưng một khi suốt ngày họ biểu lộ công khai sự thù địch với ta, bao vây, cấm vận, tẩy chay, bôi nhọ sự nghiệp của chúng ta, xúi bẩy gây bạo loạn, làm mất ổn định cuộc sống thanh bình sau hai mươi năm chiến tranh của chúng ta thì ta phải cảnh giác. Khi họ to nhỏ thì thầm những mưu đồ độc ác đối với Tổ Quốc ta thì việc ta áp tại vào cánh cửa của họ để biết trước sự tình lường cơn nguy hiểm là việc làm cần thiết và hoàn toàn có thể giải thích được.

Khi thực hiện chương trình này, cậu đã điểm lại toàn bộ danh sách những cán bộ tình báo có kinh nghiệm còn lại sau chiến tranh dưới quyền của cậu. Đáng tiếc là không còn nhiều lắm. Phần lớn thuộc thế hệ cậu, tuổi đã cao. Lớp trẻ hơn thì quan hệ hẹp hơn, ít ngoại ngữ, thiếu cơ sở ở nước ngoài, vấn đề tài chính cũng rất gay gắt. Tổ Quốc còn nghèo chưa thể có những ngân khoản lớn cho công tác này. Xét cho cùng thì rất hiếm những người có được nhiều điều kiện thuận lợi như các cháu. Điều đó giải thích vì sao cậu cứ phải "bọc giấy bóng" mãi không cho các cháu xuất đầu lộ diện như Hai Bền chẳng hạn. Lại một lần nửa cậu cần đến sự tự nguyện. Ý kiến của hai cháu thế nào?

Tôi nhìn Bạch Kim, Bạch Kim nhìn tôi. Chúng tôi đều nhường nhau phát biểu. Một sự kiện đột ngột mà tôi chưa lường đến, chưa trao đổi với nhau.

- Bạch Kim thưa với cậu đi. Anh nhường em phát biểu trước.

Sau vài phút ngập ngừng, Bạch Kim mỉm cười mạnh dạn:

- Cháu là vợ, thưa cậu, chồng cháu đi đâu cháu theo đi đấy dù phải đến nơi cùng trời cuối đất.

- Hay lắm, còn thiếu tá Phan Quang Nghĩa!

- Thưa cậu, cháu là người lính, cháu sẽ chấp hành mệnh lệnh của trên. thưa cậu. Cháu nghĩ rằng cháu cũng là người lính, mặc dù chưa bao giờ cậu công bố chính thức điều này. Nhưng cháu cũng sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh.

Một kế hoạch "hành quân" được vạch ra. Lần trước tôi với Dung phải đóng vợ chồng giả. Lần này tôi và Kim đã làm vợ chồng chính thức nhưng ra đi chỉ với danh nghĩa nhân tình để sau này cô có dịp quan hệ rộng rãi.

Tôi sẽ đi theo đường vượt biển cùng với một vài sĩ quan ngụy. Người tôi lựa là tướng Võ Tùng Lâm, một con người dễ tìm bạn, cởi mở, nông nổi và không nguy hiểm.

Bạch Kim muốn cùng đi, nhưng cậu Đức không chấp nhận vì có cháu Quang Trung đi theo, không nên để cháu phải chịu đựng những thử thách quá sớm. Hai mẹ con sẽ đi theo đường hợp pháp bằng máy bay của Air France.

Chúng tôi có hai điểm hẹn chính thức:

Một ở Poiton Brossac Québec Canađa nơi anh chị Ân tôi mới sang.

Một ở Rue de château - London Paris X. chỗ ở của anh trai Bạch Kim.

Cậu sẽ lo cho chúng tôi mọi phương tiện để thực hiện kế hoạch ra đi được thuận lợi. Một kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc từ nước ngoài cũng đã được hình thành để phục vụ cho chúng tôi báo cáo được về nhà. Cậu nói vui:

- Cháu Quang Trung rồi cũng sẽ là nguồn kế tiếp của chúng ta. Người ta nhìn thấy nhà vô địch tương lai ngay trong đám trẻ lặn ngụp ở ao tù, những trận đá bóng trên sân trường hoặc những cuộc chạy đuổi trên đường phố... Trước hết phải dạy dỗ cháu trở thành một người Việt Nam chân chính.

Tôi buộc lòng phải kết thúc câu chuyện ở đây vì chưa có gì để viết tiếp. Khép cuốn sách lại, chắc còn nhiều điều chưa làm các bạn vừa lòng. Có điều chính bản thân tôi cũng chưa hiểu nổi. Có điều còn nằm trong lưu trữ và có cả những điều chưa tiện nói ra vì sợ nó ảnh hưởng tới nhiệm vụ trong tương lai. Nếu người viết còn sống để viết quyển thứ hai thì rồi cũng còn có nhũng điều phải chờ đến những quyển "lớn hơn hai" mới có hy vọng giải quyết. Và cứ như vậy thì biết bao giờ thỏa mãn được? Tôi nghe nói ngay những bộ môn toán học chính xác nhất cũng không thể bằng phương tiện của mình để chứng minh cho sự viên mãn của chính mình. Vì vậy xin các bạn hãy vừa lòng với những điều tôi đã viết ra. Một khi các bạn còn phải suy đoán, còn phải đạt câu hỏi "tại sao" thì chính là các bạn đã thông cảm với công việc của chúng tôi. Bởi lẽ chúng tôi cũng luôn luôn phải đặt ra câu hỏi "tại sao" để rồi suy đoán tiếp...

1975

/72

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status