Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 10: Minh chủ hữu hoa

/27


Vì biết Sách Ni là một đại trung thần nên tôi bảo Huyền Diệp kết thân với ông, bởi thế mà Huyền Diệp quen được cháu gái Lan Hi của Sách Ni, thành một đôi thanh mai trúc mã. Lan Hi rất xinh đẹp, cầm kỳ thư họa chẳng món nào không tinh thông, gia cảnh lại tốt, nếu tôi có những điều kiện này thì đuôi đã vểnh tận trời, thế nhưng con bé lại rất khiêm tốn lễ phép, thông minh lanh lợi, rất biết tùy mặt gửi lời, là một đóa hoa giải ngữ(1). Tôi rất thích nó.

(1): tri thông hữu lễ.

Huyền Diệp dần lớn, một số bé gái đủ tuổi của các thế gia bắt đầu viện đủ thứ lý do để ra vào cung, trong đó có em gái của Nạp Lan Minh Châu, cũng là em họ của Vô Trần – Minh Tuệ, Vãn Thúy của Át Tất Long gia và Thủy Hàn của Đồng gia là xuất chúng nhất. Cả đám người ấy đều nhắm đến Hậu vị kia.

Huyền Diệp thích Lan Hi nhất, nhưng nó cũng rất ưu ái những cô bé khác, trước đây tôi chúa ghét đàn ông trăng hoa, song Huyền Diệp do chính tay mình nuôi lớn, bất giác trái tim tôi nghiêng về nó, dù sao thì xã hội lúc ấy cũng là thế, làm Hoàng đế mà chung tình thì chỉ có thể rơi vào kết cục như Phúc Lâm thôi, thế nên tôi nhếch môi cười kiêu ngạo nhìn những cô bé kia được Huyền Diệp ưu ái đến rung động, suy cho cùng cũng do tôi đào tạo mà thành, chả thể tầm thường được! Lại nhớ đến việc mình trú ngụ trong cái thân xác già nua này, chỉ có thể đứng sau hậu trường vung tay chỉ đạo, lòng đầy cảm giác chẳng nói nên lời.

Thoắt cái đã đến Khang Hi năm thứ tư, Huyền Diệp nên tuyển Hậu rồi, cháu gái Quỳnh Hoa của Ngao Bái cũng được liệt vào danh sách, con bé ấy y như ông nội mình, là một đứa kiêu ngạo ngang ngược. Tôi biết Hoàng hậu của Huyền Diệp sau khi sinh hạ Thái tử sẽ qua đời, chỉ không nhớ người ấy là ai nên nhắm vào Quỳnh Hoa, song xuất phát từ khía cạnh chính trị thì vẫn nên lập Lan Hi làm Hậu, Huyền Diệp rất vui, tôi lại thương tiếc vô cùng.

Tôi xót cho Lan Hi, một đóa hoa tươi ngậm nụ rồi héo khô không khỏi khiến lòng người thương tiếc, cảm thấy như lòng mình đã già hơn rất nhiều. Nhưng có vài việc mà tôi không thể nhúng tay vào được, chỉ hi vọng Thái tử ra đời trễ một chút, dù sao thì chúng vẫn còn nhỏ.

Trước ngày đại hôn, tôi gọi Huyền Diệp đến, giảng cho nó một bài. Ngẫm lại tôi cũng rất khó xử, bản thân mình vẫn chưa trải qua lần nào, những kiến thức sức khỏe sinh sản kia sớm đã quăng trả giáo viên rồi. Vắt óc cả nửa ngày, cuối cùng tôi nghĩ ra một cách lấp liếm. Tôi nói với Huyền Diệp: “Hoàng thượng, Người biết không? Khi xây một căn phòng, phải hong khô gỗ rồi mới dựng thành xà nhà được, nếu không sẽ bị ngói ép cong. Bây giờ Hoàng thượng lo nghĩ cho xã tắc, sau có Hoàng hậu, phi tử rồi, Hoàng thượng vẫn còn bé, nhất định không được trầm mê nữ sắc…” Tôi nói tới đây thì dừng lại, Huyền Diệp là một đứa thông minh, lập tức hiểu được những ý ẩn trong lời tôi, cung kính hành lễ: “Đa tạ Hoàng tổ mẫu dạy bảo, nhi thần sẽ tránh.” Vài năm sau Huyền Diệp mới “có quan hệ” thật với nhóm phi tần kia, chẳng thế thì Thái tử đã có thể lớn thêm vài tuổi.

Nó và Lan Hi là vợ chồng thiếu niên, vô cùng đằm thắm, tôi vừa tiếc thương cho đóa hoa tàn Lan Hi nên thương yêu con bé hơn, vừa sợ Huyền Diệp yêu quá sâu đậm, sau sẽ đau khổ nên hăng hái nạp phi cho nó. Ầy, lối suy nghĩ của tôi ngày càng phong kiến hóa rồi.

Sau này, vì áp lực từ phía Ngao Bái, Huyền Diệp phong Quỳnh Hoa làm Hoàng quý phi, Quỳnh Hoa càng vênh váo tự đắc hơn, hếch mũi lên tận trời. Huyền Diệp bày tỏ bất bình trước mặt tôi, tôi dỗ dành nó: “Đừng giận, bây giờ để nó làm quý phi đi, Người cứ gọi nó là Quỵ phi(2), cứ tưởng tượng rằng nó quỳ lạy Người mỗi ngày.” Huyền Diệp được tôi chọc cười, vô cùng bùi ngùi nói: “Hoàng tổ mẫu à, tuy Người không nghiêm cẩn như trước kia, nhưng ta lại thấy thích Người của hiện tại hơn.” Khụ khụ, tôi suýt nữa thì sặc, gượng gạo nói: “Hoàng tổ mẫu già rồi, đã nhìn thấu nhiều điều, không chấp nhất như xưa nữa.” Thằng nhóc hư hỏng này khiến tôi xấu hổ quá.

(2): 贵 (quý) và 跪 (quỵ – quỳ xuống) có cách đọc giống nhau.

Về sau, phàm là những chuyện cần tai to mặt lớn xuất hiện thì tôi đều ra mặt, trong lòng đã biết trước Hiếu Trang sẽ không chết bất đắc kỳ tử, có quậy ra rắc rối cũng có Huyền Diệp bọc hậu cho mình, thế nên mới dám lý trực khí tráng(3). Huyền Diệp vừa xúc động vừa phục sát đất: “Hoàng tổ mẫu, khi nào thì nhi thần mới có thể oai phong như Người vậy?” Tôi cười gượng: “Người trưởng thành thì tự khắc sẽ oai phong.” Chờ cậu phát hiện cười một lần thì lại nhiều thêm một nếp nhăn, để gương mặt tránh bị nhăn như bông cúc, cậu chỉ còn cách lầm lì im lặng thôi, không biểu cảm thì người ta soi không ra cảm xúc, nét uy nghiêm tự khắc sẽ lộ ra.

(3): nôm na là hùng hồn hổ báo. =))

Ầy, già mà không chịu mình già thì kính phục cái nỗi gì? Tôi chỉ hi vọng tuổi xuân của mình quay trở lại.

Trong thời gian này, tôi biết Nạp Lan Thành Đức qua Minh Tuệ (sau vì tị húy Đông cung mà đổi tên thành Tính Đức), về sau cậu ta chính là Đại từ nhân Nạp Lan Dung Nhược(4), cùng tuổi với Huyền Diệp. Lúc vừa lên đại học, vì ra vẻ thục nữ mà tôi đã đọc qua danh tác của người này, thế nên cũng nảy ra vài phần kính trọng. Tướng mạo và khí chất cậu ta rất giống với Vô Trần, Vô Trần cũng rất thích cậu cháu trai này, tôi bèn để Dung Nhược làm thị độc(5) cho Huyền Diệp, cùng theo học Vô Trần.

(4): Nạp Lan Dung Nhược được biết đến như là một tài năng văn chương, tài hoa nhưng yểu mệnh, được tôn là “Thanh sơ đệ nhất từ nhân” (Đệ nhất từ nhân đầu đời Thanh).

(5): hầu sách.

Cha của Dung Nhược là Nạp Lan Minh Châu luôn giục cậu đọc chính kinh văn chương(6) nhiều hơn, không thích nó đeo đuổi thi từ ca phú phong hoa tuyết nguyệt(7). Sau lại do tôi ra mặt giúp đỡ, Dung Nhược mới có thể tự do phát triển thiên phú của cậu, cho ra đời rất nhiều bài từ hay. Song vì tình cảm của cậu quá tinh tế, luôn ưu sầu, thế nên chết sớm. Ầy, chẳng biết tôi đã hại hay giúp cậu bé nữa.

(6): kiểu như văn chính trị.

(7): thơ tình các loại.

Một bài từ của Nạp Lan: Nhân sinh năng kỷ? Tổng bất như hưu nhã, tình điều hận diệp. Cương thị tôn tiền đồng nhất tiếu, hựu đáo biệt ly thì tiết. Đăng đả khiêu tàn, lô yên nhiệt tẫn, vô ngữ không ngưng ế. Nhất thiên lương lộ, phương hồn thử dạ thâu tiếp. Phạ kiến nhân khứ lâu không, liễu chi vô dạng, do tảo song gian nguyệt. Vô phân ám hương thâm xứ trú, hối bả lan khâm thân kết. Thượng noãn đàn ngấn, do hàn thúy ảnh, xúc tự thiêm bi thiết. Sầu đa thành bệnh, thử sầu tri hướng thùy thuyết.(8)

(8): Bài này là 百字令 (Bách Tự Lệnh).

Nhân sinh được mấy bận? Chi bằng thôi vương oán hận tình thù. Bồi nhau cười ngày ấy, biệt ly ngay. Đèn tắt dầu cạn, khói bếp tan, chẳng màng than thở. Ngày sương giá, ai ơi tình đêm ấy. Sợ cảnh người đi nhà trống, liễu xanh trăng sáng. Mai thầm thấm đẫm nơi nao, tiếc vì vạt áo ai vương vấn. Tựa gỗ thêm hương, như bóng xanh trời rét, thêm ưu sầu. Âu lo thành bệnh, nỗi buồn này biết gửi cho ai. – Dịch nghĩa.


/27

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status