Quỷ Thoại Liên Thiên

Chương 6 - Bà Nội

/101


Mưa dầm tiết Thanh minh, người xưa nói không sai, mấy ngày nay trời đều mưa sụt sùi. Ban đêm, giọt mưa đập vào lớp kính cửa sổ, sinh ra những tiếng lách tách không ngừng, khiến cho cả đáy lòng đều cảm thấy phiền muộn.

Đêm đã khuya, tôi nằm trên giường mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, nhưng mãi vẫn không sao ngủ được. Bạch Dực đã ngủ say, tiếng thở đều đều của anh ta khiến lòng tự nhiên cảm thấy yên tâm đến lạ.

Tôi trở mình thêm một cái, từ từ nhắm mắt lại. Trong đầu giống như có một thước phim đang tua lại liên tục những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, cuối cùng, dừng lại ở một hình ảnh từ rất lâu, một câu chuyện của tôi và bà nội…

Khi đó tôi còn rất nhỏ, mà bệnh chung của những đứa trẻ ở tuổi tôi là nghịch ngợm. Tôi từng cùng một đám bạn phá vỡ kính cửa sổ nhà hàng xóm, chọc thủng lốp xe đạp của một ông già, bắt nạt cô bé con nhà bên cạnh…

Mỗi lần gặp rắc rối tôi lúc nào cũng là thằng nhóc ngốc nghếch xông lên trước gây họa, cho nên đương nhiên cũng trở thành đối tượng bị giáo huấn dữ dội nhất của người lớn. Ba tôi căn bản cứ nhìn thấy tôi là nọc ra đánh, mẹ chỉ dám đứng một bên nhìn, tuy thường khuyên ba là tôi ăn chưa no lo chưa tới, nhưng cũng không dám can thiệp; chỉ có bà nội già cả của tôi, bà nội luôn luôn hơi nheo nheo mắt, là hết lòng che chở cho tôi.

Ba tôi cực kỳ nghe lời bà nội, bà là người phụ nữ có địa vị quan trọng nhất trong nhà. Có người bảo bà tôi vốn là một tiểu thư con nhà giàu, từng được đi học, từng được ra đời giao tiếp, nhưng lại phải lòng ông nội ở chỗ chăm chỉ siêng năng, nên cho dù bị gia đình phản đối vẫn nhất quyết lấy ông. Lấy xong thì bắt đầu theo chồng chịu khổ, nhà bà cố cũng không bao giờ đoái hoài tới, có thể coi giống như bị gia đình từ mặt. Chỉ có anh trai của bà nội thương em gái phải chịu khổ, nên từng nói riêng với bà tôi là ngày nào không chịu nổi nữa thì cứ nói thật, ông ấy sẽ không để em gái ruột mình phải ở bên ngoài chịu khổ. Nhưng cho dù ở những thời điểm khó khăn nhất đi nữa, bà nội cùng thà đi vác than còn hơn ngửa tay xin tiền nhà mẹ đẻ mình.

Trong trí nhớ của tôi, bà nội lúc nào cũng là một người bà mái tóc hoa râm cắt ngắn, trông có vẻ khỏe mạnh trẻ trung hơn tuổi. Y phục lúc nào cũng là màu xanh đậm, là ủi phẳng phiu sạch sẽ. Mùa đông, bà lại quàng thêm một cái khăn san dày kiểu xưa.

Bà nội là như thế, bất kỳ lúc nào tôi gây sự, sau đó gặp rắc rối, bà cũng không trách không đánh, chỉ kéo tôi đến nhà người ta cúi đầu xin lỗi. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng bà nội là người hiền lành yếu đuối, mãi cho đến khi chuyện đó xảy ra…

Đó là một mùa hè năm tôi 12 tuổi, tôi cùng bà nội về quê của bà thăm gia đình, cũng coi như là đi nghỉ hè. Nhà bà tôi nằm ở một thị trấn nhỏ bé xa xôi gần núi Kỳ Vân, trong trấn rất hiu quạnh, hầu như thanh niên đều bỏ đi hết, chỉ có người già ở lại giữ trấn và làm nông.

Sau thời gian dài cả nửa thế kỉ, ông nội đã qua đời từ lâu, đến bây giờ bà nội mới được trở về thăm nhà mình, trong trấn hầu như không còn ai nhận ra bà nữa. Nhà bà tôi họ Hứa, thời dân quốc là một dòng dõi thư hương nổi tiếng của vùng này, có người nói thời Tuyên Thống trong họ còn có mấy người đậu tiến sĩ. Mặc dù khi tới thời Cách mạng văn hóa, tất cả những truyền thống xưa cũ này đều bị xóa sổ sạch.

Bà nội nắm tay tôi chậm rãi đi một vòng quanh thôn, dùng trí nhớ xa xưa của mình mà tìm nhà họ Hứa. Cuối cùng, tìm được một ông lão năm xưa đã từng làm công trong nhà.

Bà nội cười tươi bước tới chào hỏi ông lão nọ: “Vương nhị ca, còn nhớ tôi không?”

Ông Vương ngẩng đầu lên, híp mắt nhìn hồi lâu, rồi dường như đã nhận ra bà tôi, liền kích động đến gần như nhảy dựng lên, vội vã chào bà tôi rồi dẫn chúng tôi vào nhà ngồi.

Chúng tôi bước vào phòng, trong phòng rất sơ sài đơn giản, đồ đạc vừa ít vừa cũ. Ông Vương rót cho hai bà cháu hai ly nước, tôi cảm thấy ông ta rất tôn kính bà nội, khi nói chuyện với bà đều gọi là “Nhị tiểu thư”.

Ông Vương ngồi ở đầu ghế, đối diện với chúng tôi, hút một điếu thuốc vấn mà bắt đầu câu chuyện: “Nhị tiểu thư, sao bây giờ bà mới về, ai, đã bao nhiêu năm qua rồi nhỉ. Tiểu thư xuất giá không bao lâu thì Hứa lão gia cũng qua đời, đại ca của bà chỉ có một mình không chống đỡ nổi gia nghiệp được bao lâu, cuối cùng cũng bán hết điền sản đi nơi khác lập nghiệp rồi.”

Bà nội thở dài, năm mươi năm là một thời gian dài tới mức nào, cảm giác quá khứ dần dần đóng bụi trong ký ức thế nào, chỉ có người đã kinh qua năm tháng đổi thay mới có thể hiểu được. Vì thế tôi lúc đó không rõ trong tiếng thở dài của bà mang theo bao nhiêu tiếc nuối lẫn bất đắc dĩ.

Khi ấy tôi là một đứa trẻ đặc biệt ham chơi, nên rất hiếu kỳ đối với thôn trấn bé nhỏ này, kỳ thực vừa vào làng thì tôi đã phát hiện một cỗ quan tài màu đỏ rực để ngay ở đầu làng rồi. Hơn nữa tất cả những ngôi nhà trong làng đều treo những dải lụa màu đỏ rực, mỗi lần gió thổi qua, trên từng cánh cửa nhà đều phần phật những dải lụa đỏ tươi như máu.

Tôi ngảng đầu lên nhìn bà nội: “Bà ơi, sao ở cổng làng lại đặt quan tài? Còn nữa, sao nhà nào cũng treo vải đỏ lên cửa thế?”

Bà nội nhìn sang ông Vương, hiển nhiên cũng không hiểu lý do vì sao. Cặp mắt ông Vương trong phút chốc hơi lóe lên, rõ ràng rất sợ phải đề cập đến vấn đề này, sau đó ông ta vội vàng quay đầu lại nhìn phía sau như thể sợ ai đó nghe lén, rồi mới ghé sát mặt vào chúng tôi mà thì thầm: “Ai, cũng không còn cách nào khác, trong thôn dạo này không yên, có dịch bệnh. Hồi trước chết nhiều người lắm, bây giờ có thể bình an vô sự là nhờ một lão đạo sĩ chỉ cách cho chúng tôi đấy. Ông ta nói trong làng chúng ta có Hoàng đại tiên (chồn) quậy phá, cho nên phải làm cho đại tiên một tòa nhà lớn. Đại tiên chỉ ở trong quan tài, cho nên cần phải dùng gỗ hoàng lê thượng đẳng làm quan tài, chặn ngay giữa làng, coi như là ‘phủ trạch’ của đại tiên. Còn nữa, tất cả các nhà đều phải treo vải đỏ tránh tai nạn.”

Bà nội cũng nhìn bốn phía, sau đó quay lại hỏi ông Vương: “Vậy hiện nay trong làng còn ai là người nhà họ Hứa không?”

Ông Vương cúi đầu suy nghĩ một lát, sau đó đột nhiên ngẩng đầu nói: “Nhị tiểu thư, bà còn nhớ bà có một người họ hàng không, hình như vẫn ở đây. Tên là…tên là Hứa Bì Tử thì phải?”

Bà nội gật đầu: “Nhớ kỹ, nhớ kỹ, phụ thân ông ấy làm nghề mộc, năm xưa ổng tuổi còn trẻ mà tay nghề đã rất khéo rồi.”

“Đúng đúng, nghề mộc của ổng trong trấn này là số một số hai đó, tòa nhà của Hoàng đại tiên cũng là ổng đóng.” Ông Vương nói tiếp, “Để tôi đưa tiểu thư đến gặp ổng.”

Ông Vương thập phần khách khí, đóng cửa nhà rồi dẫn chúng tôi đến nơi ở của Biểu đại gia[1].

Biểu đại gia là một ông lão mù một bên mắt, con mắt còn lại rất nhỏ, khi nhìn cái gì cũng hơi híp lại, mi mắt thỉnh thoảng còn giật giật, nhìn lâu vào con mắt đó tự nhiên cũng muốn chớp chớp mắt theo. Vóc người ông ta rất thấp bé, mặt gầy choắt, bên mép lún phún râu trắng toát. Bộ áo cánh ngắn mặc trên người trông như đã bao nhiêu năm không thèm giặt, tóc bù xù như tổ quạ, trên người tỏa ra một mùi hôi vừa ngửi thấy đã choáng váng cả đầu. Nhưng ông ta nhận ra bà nội ngay, vội vã bước tới nắm tay bà: “Nhị nha đầu! Cô trở về rồi đa! Ta còn tưởng cả đời không gặp lại cô nữa chớ!”

Tôi nhìn Biểu đại gia chăm chăm, ông ta cũng nhìn thấy tôi, sau đó cười: “Đây là cháu nội cô đó hả! Nhìn dễ thương ghê, không ngờ cô còn mang cả cháu về nhà!”

Bà nội cũng cười: “Đã vài chục năm rồi mà, già rồi, tự nhiên là lá rụng về cội, tốt xấu gì cũng muốn quay về nhà nhìn một cái.”

Tôi bất thần chú ý đến bên mắt mù của ông già chợt hiện lên một tia sáng xanh lè, lúc đó tôi tưởng là do ánh sáng phản chiếu, nên vô thức nhắm mắt lại rồi lại mở ra. Biểu đại gia nhìn sang tôi, lại cười cười, một thứ mùi kỳ quái tỏa ra từ trong miệng ông ta phả thẳng vào mặt, tôi cau mày lẩn ra sau lưng bà nội. Biểu đại gia thấy tôi có vẻ e ngại mình nên cũng không nói chuyện với tôi nữa, chỉ quay lại cười cười nói với bà: “Nếu đã tới thì ở lại mấy ngày đi hả, ta đi chuẩn bị chỗ ở cho hai bà cháu. Người nhà họ Hứa tuy không còn ai nhưng nhà cửa thì vẫn còn y nguyên.”

Bà nội vội vàng nói: “Vậy thì phiền phức anh quá, tôi chỉ muốn mang Tiểu An tới cho nó thăm nhà ông bà cố…”

Tôi trước đó chưa từng ở miền quê bao giờ, sau đó tôi mới nhận ra là trong thôn chỉ dùng nước giếng, nằm giường còn phải mắc màn, gian nhà cũng rất cổ xưa. Nơi này là nhà chính của nhà họ Hứa, xem ra ngày xưa là một gia đình cực kỳ giàu có, trên khung cửa còn chạm trổ nhiều hoa văn tinh xảo. Nhưng hiện tại đã thành vườn không nhà trống, trong nhà trống huơ trống hoác, cánh cửa gỗ mở ra liền phát ra tiếng kẽo kẹt, hơn nữa do nhiều năm không có ai tới trông coi quét dọn nên phủ một tầng bụi dày, mạng nhện giăng tứ phía, vừa đẩy cửa ra là rơi lả tả xuống đầu.

Tôi nắm tay bà nội, ánh mắt bà ngây dại nhìn quanh nhà, tôi nghe thấy tiếng bà lẩm bẩm: “Năm mươi năm rồi, cha, mẹ, con đã trở về đây…”

Sau đó bà nội buông tay tôi ra, chỉ nói tôi đừng đi lung tung, còn bà thì phải bắt đầu đi dọn dẹp trong nhà, Biểu đại gia và ông lão Vương cũng bắt tay vào hỗ trợ.

Tôi đi loanh quanh trong sân sau, phía sau nhà cứ như một rừng cỏ dại, khắp nơi đều là cỏ cao quá thắt lưng, vì lúc đó đang là mùa hè nên trong vườn rộn rã tiếng ve kêu.

Tôi quệt mồ hôi trên trán, híp híp mắt nhìn quanh, nơi này với tôi mà nói quả thực quá xa lạ, trong lòng tôi tràn ngập hiếu kỳ, hưng phấn đùa bỡn với đám cỏ dại xung quanh, hoàn toàn vứt những lời dặn dò của bà ra sau đầu.

Chơi đùa thỏa thích trong sân cả nửa buổi, cuối cùng tôi mệt đến đứt hơi phải ngồi bệt xuống một tảng đá, dùng tay quạt quạt trên mặt nhưng vẫn thấy nóng muốn chết, đầu còn hơi nhức nhức. Tôi cảm thấy cơ thể đã hơi mất sức, đang chuẩn bị quay vào nhà, thì chợt phát hiện giữa bụi cỏ nhảy ra một con vật màu vàng! Ban đầu tôi tưởng đó là một con mèo, nhưng con vật nọ có cái đầu lớn hơn nhiều.

Nó chằm chằm nhìn tôi, trong mắt dường như mang theo một thứ cảm giác âm lãnh ghê người nào đó, tôi tự nhiên thấy cả người ớn lạnh, cảm giác nóng bức lúc nãy thoáng cái đã bị quét sạch trơn. Tôi kinh hoàng nhảy dựng lên chạy bổ vào nhà, ai ngờ đang chạy lại đụng phải Biểu đại gia.

Tôi lại vội vàng lui về phía sau, cái mùi tỏa ra từ cơ thể Biểu đại gia quả thực quá hôi thối, giống như một miếng da thuộc nứt nẻ bao nhiêu năm không có ai đụng vào vậy. Ông ta nhếch môi cười hỏi: “Tiểu An, nhìn thấy cái gì vậy hả, sao nhìn sợ hãi vậy? Bà nội cháu đang tìm cháu kìa, mau đi theo ta, đi!”

Tôi nhìn thấy bàn tay khô nẻ vàng ệch nọ đang định chạm vào người mình, đột nhiên sinh ra một cảm giác chán ghét mơ hồ, vì thế lại vô thức lùi về phía sau một bước. Nhưng nghĩ tới trong sân còn có con vật kỳ quái kia, nên cũng không dám quay đầu trở lại.

May quá, bà nội ở trong phòng chợt gọi to: “Tiểu An, đừng chơi ngoài sân nữa, vào nhà rửa mặt ăn cơm đi con!” Tôi vội vã lách người qua Biểu đại gia chuồn vào phòng, nhưng chợt nghe thấy một tiếng gầm gừ khe khẽ như của dã thú thoảng qua tai. Tôi quay lại nhìn Biểu đại gia, thấy ông ta cũng đang chằm chằm nhìn tôi, trong mắt lóe lên ánh sáng xanh sẫm ghê người.

Khi ăn, chúng tôi ngồi xung quanh một cái bàn nhỏ giản dị, đồ ăn là do ông Vương mang tới. Để chúng tôi có thể ăn ngon miệng, ông ta còn đặc biệt giết một con gà mái đang đẻ trứng.

Canh gà rất thơm ngon, tôi đã đói gần chết, đồ ăn vừa mang ra đã hăng hái khua muôi. Bà nội ăn rất ít, nhưng đáng ngạc nhiên nhất chính là Biểu đại gia, ông ta ăn hùng hổ như thể chó sói đói vậy.

Chúng tôi đều cực kỳ kinh ngạc, không ngờ một ông già lại có thể ăn nhiều đến thế, gần như cả con gà đều vào bụng ông ta cả, hơn nữa ông ta còn chẳng để lại bao nhiêu xương. Ông ta nhìn thấy chúng tôi đang kinh ngạc nhìn mình, có vẻ có phần xấu hổ, bèn lau lau miệng, nhai nốt miếng thịt trong miệng rồi buông đũa, nhưng con mắt vẫn tham lam nhìn vào miếng thịt gà trong chén tôi.

Bà nội xấu hổ cười cười: “Anh đã già như vậy mà còn thích ăn thịt gà nhỉ. Đừng khách khí, dù sao chúng tôi cũng ăn không được bao nhiêu, hôm nay cảm ơn anh và ông Vương đã giúp đỡ, nếu không chỉ có một mình tôi thật không biết phải làm sao mới xong việc nổi.”

Biểu đại gia nói: “Không sao không sao. Ta ăn no rồi, còn chuyện gì cần ta giúp không?”

Ông Vương cũng nói: “Đúng đó, Nhị tiểu thư, bà còn cần gì nữa không thì cứ nói nhé. Bà xem gian nhà này cũ quá rồi, bằng không thì mời bà và cậu đến nhà tôi ở tạm đi, bà nhà tôi có thể soạn cho bà và cậu một gian phòng riêng được mà.”

“Không cần, tôi muốn ở lại nhà mình thôi. Đã 50 năm tôi mới quay về một lần, mà có thể đây là lần cuối cùng tôi còn về thăm lại nơi này cũng không chừng.”

Tối hôm đó, bà nội mắc màn giường, rồi dùng nhang muỗi hun trong giường một chút cho hết muỗi. Trong trấn thực ra có điện, nhưng căn nhà cũ đã nhiều năm không có ai này hiển nhiên cũng không có điện. Lo ban đêm trong nhà heo hút tối tăm, ông Vương đã đưa cho bà một ngọn đèn dầu kiểu cũ, bà nội cũng lấy trong hành lý ra một cái đèn pin.

Dưới ánh đèn tù mù, bà nội ngồi trên ghế, trong tay cầm quạt hương bồ quạt quạt một chút cho đỡ oi bức. Vì nóng quá nên bà không đóng cửa ngoài, từ trong phòng có thể nhìn thấy sân nhà đen kịt bên ngoài, từ góc nhà, một làn khói xám mỏng mảnh vươn lên từ khoanh nhanh muỗi vẽ những vòng tròn khói nhàn nhạt vào không trung.

Tôi nằm úp sấp trên giường, vì quá nóng mà không ngừng lật qua lật lại trên giường không sao ngủ nổi. Đúng lúc đó, chợt có một thứ gì đó nhanh như chớp lẩn vào nhà, cây quạt của bà cũng “cạch” một tiếng rớt xuống đất, tôi từ trong màn ngồi dậy thò đầu ra khỏi màn, ngơ ngác hỏi: “Bà ơi, cái gì vậy?”

Bà nội nhanh chóng cầm lấy đèn pin chiếu vào góc nhà nơi nó vừa chạy vào, thấy rõ ràng một cái bóng màu vàng chui xuống dưới rương.

Bà nội liền nhẹ nhàng cầm lấy cây gậy gỗ dựng trong góc nhà rồi chậm rãi tiến về phía cái góc đó, tuy tôi không biết là con gì, nhưng nghe rất rõ tiếng nó sột soạt di chuyển trong bóng đêm. Giữa bóng tối, một cặp mắt phát ra ánh sáng xanh lè nhá lên, nhìn theo động tĩnh của chúng tôi chằm chằm.

Đột nhiên thứ nọ nhảy dựng lên, vòng qua người bà, hướng về cái giường của tôi mà xông tới. Bà nội không kịp phản ứng thì thứ vàng vàng nọ đã chui tọt vào trong màn.

Tôi vô thức cuộn tròn mình lại lui vào góc giường, sợ hãi gọi bà ơi liên tục. Bà nội lập tức chạy tới, nhưng thứ kia rõ ràng nhanh hơn nhiều, bà chưa kịp tới nó đã hung hăng cắn một cái thật mạnh vào mắt cá chân tôi rồi. Trong nháy mắt, mắt tôi chạm phải mắt nó, nhìn thấy đôi mắt cực kỳ âm hàn mà lạnh lẽo nọ, bèn nhớ tới con thú quái dị đã nhìn thấy trong sân nhà lúc chiều.

Bà nội vừa xốc màn lên đã thấy cổ chân tôi toàn là máu, bà hét to lên, dùng gậy đuổi đánh con thú nọ, nhưng nó nhanh cực kỳ, thoắt cái đã lẻn qua người bà mà chạy thoát ra ngoài, trốn vào bóng đêm mênh mông bên ngoài vườn.

Bà nội lập tức xông tới kiểm tra vết thương cho tôi, tôi chỉ cảm thấy chân mình rất đau lại rất nóng, như thể đang bị hỏa thiêu vậy, trong đầu vẫn còn ám ảnh đôi mắt ghê tởm lạnh lẽo kia.

Bà nội có vẻ rất lo lắng, đưa tay kiểm tra trán tôi, tóc tôi đã bị mồ hôi lạnh làm cho ướt đầm. Tôi đột nhiên thấy cổ họng khô nóng, cực kỳ khát nước, vì thế khàn khàn nói với bà: “Bà, con muốn uống nước.”

Bà run run vỗ vỗ lưng tôi: “Tiểu An, con khó chịu ở đâu?”

Tôi đáp: “Con…khát quá…chân…đau quá…” Kỳ thực lúc đó mắt cá chân tôi đã sưng vù lên.

Bà nội lập tức rót cho tôi một ly trà, tôi gần như bị sặc, lại bật ho khan. Bà nội vỗ vỗ lưng tôi, lẩm bẩm trong miệng: “Nguy rồi, bị chồn cắn phải rồi, phải làm thế nào bây giờ…?!”

Qua không bao lâu sau, bà băng qua loa cổ chân cho tôi, phủ thêm y phục rồi cõng tôi trên lưng, chạy sang nhà ông Vương.

Lúc đó đã quá nửa đêm, khí trời oi bức cực kỳ, giữa cánh đồng mênh mông sẫm đen còn mơ hồ nhìn thấy những ánh ma trơi lập lòa xanh biếc. Tới buổi tối là trong thôn đã vắng bóng người qua lại, chỉ có những con chó bị cột trong sân nhà lên tiếng sủa bâng quơ.

Bà nội cố chịu đựng mệt mỏi, nhưng trên lưng áo đã ướt đầm mồ hôi. Trên đường chạy đã mấy lần chúng tôi té ngã, nhưng bà đều ra sức bảo vệ cho tôi không bị thương. Nhưng lúc này lý trí của tôi đã gần như không còn bao nhiêu, tôi mơ hồ nghe tiếng bà đang gọi to tên mình, giọng của bà khàn đặc thảm thiết như đang khóc, nhưng tôi chỉ cảm thấy cơ thể mình cứ dần dần lạnh đi theo từng tiếng gọi của bà, ngược lại, miệng vết thương thì càng lúc càng nóng rực lên.

Rốt cuộc bà cũng chạy tới được nhà ông Vương, bà khẩn thiết gõ cửa, ông Vương liền ra mở cửa. Ông ta nhìn thấy bà, rồi nhìn thấy tôi, rồi mắt ông ta bất thần trở nên kinh hoảng, lập tức sập cửa lại nhốt tôi và bà nội bên ngoài.

Bà nội kích động vô cùng, đập cửa kêu gào không ngừng, van xin ông ta giúp chúng tôi.

Nhưng trong cửa chỉ truyền ra thanh âm run rẩy của ông Vương: “Nhị tiểu thư, bà mau mang cậu đi…đi mau…cậu bị Hoàng đại tiên chọn phải rồi…không…không cứu nổi nữa đâu…chẳng bao lâu nữa cậu ấy sẽ bị Hoàng đại tiên đưa đi làm thế thân rồi. Bà mau đưa cậu ấy đi, đừng hại cả nhà chúng tôi a…”

Bà nội không gõ cửa nữa, bà té sụp xuống đất, nhưng vẫn không ngừng gọi tên tôi, không ngừng nghỉ lấy một giây. Tôi yếu tới mức không mở miệng nổi, tôi biết bà đang gọi tôi, nhưng một thanh âm khác cũng đang vang lên trong đầu tôi, thanh âm kinh khủng đó gọi tên tôi, càng lúc càng thê lương âm u hơn.

Bà nội quay lại nhìn tôi, phát hiện sắc mặt tôi đã đổi thành màu xám ngoét, trên mặt bắt đầu mọc lên một lớp lông mỏng màu vàng, liền hãi hùng tìm cách nhổ sạch đám lông đi, nhưng vừa nhổ xuống thì lông vàng lại mọc ra gần như tức khắc.

Bà nội lại đứng lên, lảo đảo đi gọi cửa những nhà xung quanh, nhưng mọi người vừa nhìn thấy tôi thì cứ y như nhìn thấy quỷ, đều nhanh như chớp khóa chặt cửa lại. Mặc kệ bà gọi cửa van nài thế nào, bọn họ cũng nhất quyết không mở cửa ra, toàn bộ thôn trấn chìm vào im lìm như một thôn chết.

Cuối cùng bà nội cũng không cõng nổi tôi nữa, bà cắn răng, trong mắt tràn ngập kinh hãi lẫn không cam lòng. Nhưng rồi đột nhiên như vừa nghĩ ra cái gì, bà lại giãy dụa muốn ôm lấy tôi, nhưng thực sự không còn đủ sức nữa. May mà cuối cùng bà tìm được một cái sọt cũ, may mà khi ấy vóc dáng tôi còn khá nhỏ bé, bà bỏ tôi vào cái sọt rồi dùng một sợi dây cột cái sọt vào bên lưng, ra sức tha tôi tới nhà của Biểu đại gia.

Nhà của Biểu đại gia chính là mái nhà tranh nằm ngay bên cạnh con đường cái quan nơi đặt cái quan tài. Xung quanh không có ai dám ở, chỉ có một mình ông ta, bà dùng hết sức kéo tôi đi, trên tay để lại một đường rách toác rướm máu. Nhưng bà chỉ cắn răng, dù thở hổn hển khó nhọc đến mấy, bà vẫn không ngừng, không ngừng gọi tên tôi.

Tôi cảm giác cổ chân mình lúc này đã bắt đầu tỏa ra một mùi rất kinh khủng, vết thương đã hóa thành màu đen bầm, từ dưới băng gạc rỉ ra một thứ nước đặc quánh màu vàng. Tôi cố nhướn mắt nhìn xung quanh, phát hiện có vô vàn những đôi mắt màu xanh đậm đang chằm chằm nhìn theo chúng tôi, như thể chỉ muốn thừa dịp lôi tôi đi. Tôi sợ muốn khóc, nhưng phát hiện ngay cả tiếng khóc của mình cũng đã biến thành một thứ thanh âm giống như tiếng thú kêu.

Bà lôi tôi đi thật lâu thật lâu, cuối cùng gần như ngã sấp vào cánh cửa nhà Biểu đại gia, dùng vai đập vào ván cửa. Bà dùng hết sức tàn gọi to: “Xin ngài cứu cháu tôi, xin ngài mở cửa ra với. Tôi xin ngài!!!”

Tôi càng khát hơn bao giờ hết, chân trái đã hoàn toàn tê dại đi không còn cảm giác, ý thức từng chút từng chút một tan rã, nhưng vẫn cảm thấy giữa bóng tối xung quanh hàng trăm con mắt nhìn tôi chằm chằm, chúng phát ra những tiếng hú hét ghê người.

Cửa cuối cùng cũng mở ra, Biểu đại gia nhìn chúng tôi hồi lâu, cuối cùng nói: “Vào đi rồi tính.”

Ông ta giúp bà nội đỡ tôi vào nhà, tôi phát hiện mùi hôi trên người ông ta giống hệt như mùi hôi phát ra trên chân mình. Bà nội run rẩy ôm cánh tay tôi, nhưng tôi không cảm thấy hơi ấm gì, chỉ cảm thấy cả người lạnh run.

Biểu đại gia nhìn ta một chút, rồi thở dài: “Cháu ngươi sợ là không sống nổi tới sáng mai đâu, Nhị nha đầu, chuẩn bị hậu sự cho nó đi.”

Bà nội nước mắt giàn giụa nói: “Không đâu, nhất định còn có cách mà, Biểu đại gia, cầu ngài cứu nó đi, nó là cháu tôi a!”

Nói xong bà lập tức quỳ xuống, liên tục dập đầu trước mặt ông ta. Tôi vẫn cảm thấy những thứ kia chờn vờn quanh nhà muốn bắt tôi đi, nhưng không dám vào phòng. Dường như chúng sợ nơi này.

Biểu đại gia cau mày, vẻ mặt âm trầm, rồi mới mở miệng đáp: “Kỳ thực đây chính là do lỗi của người nhà họ Hứa các người, ngươi nếu đã đi, còn quay về làm gì?”

Bà nội không đáp lời, chỉ ôm chặt tôi một mực lắc đầu. Trong phòng rất tối, gương mặt Biểu đại gia càng có vẻ quỷ dị hơn: “Nhị nha đầu, ngươi cũng biết nhà họ Hứa các ngươi được Đại tiên phù hộ cho nên mới phát đạt được như vậy, nhưng món nợ này cần phải trả. Đại tiên đã muốn thằng bé này đi làm thế thân thì để cho ngài ấy đi.”

Bà nội ngẩng đầu lên run rẩy nói: “Nó là cháu nội của tôi, tôi không cho phép bất kỳ ai làm hại nó được!!!”

Biểu đại gia nhìn chúng tôi thật lâu, rồi mới chậm rãi nói: “Người nhà họ Hứa có cách của người nhà họ Hứa, nếu đã như vậy thì ngươi cứ dựa vào biện pháp cũ, dùng một con mắt của nó mà đổi lấy mạng cho nó vậy.”

Bà nội càng run lên, nhìn Biểu đại gia rồi lại nhìn tôi, cuối cùng nói: “Tiểu An còn quá nhỏ, dùng mắt của tôi đi, tôi dùng mắt mình cứu mạng cho Tiểu An.”

Con mắt duy nhất đục ngầu của Biểu đại gia đảo qua đảo lại, ông ta cười lạnh: “Hắc hắc, đôi mắt của người nhà họ Hứa là cặp mắt Âm Dương, có thể thấy những thứ người thường không sao thấy được, mà ngươi thà từ bỏ nó cũng muốn cứu mạng cháu mình sao? Được, ngươi tự sang nói với Đại tiên đi!” Ông ta chỉ vào cỗ quan tài màu đỏ đặt giữa đường, cả người bà tôi liền run lên, tôi cảm thấy bà đang ôm lấy tôi chặt hơn, như thể sợ rằng chỉ cần buông lỏng tay thì tôi sẽ lập tức bị bóng đêm nuốt mất vậy.

Biểu đại gia vẫn nhe răng cười, lộ ra hàm răng vừa nhọn hoắt vừa vàng như sáp nến mà nói: “Ngươi vừa muốn giữ mạng cho cháu mình, vừa muốn giữ mắt cho nó, vậy ngươi mang đôi mắt mình ra mà trả lại cho bọn họ đi. Ha ha ha, người nhà họ Hứa cuối cùng đều thành thế này!!!”

Bao tử tôi chợt quặn lên, tôi cong người nôn mửa ra một đám gì đó cực kỳ hôi thối khó chịu. Tôi ngẩng đầu lên mờ mịt nhìn bà nội, bà nhìn tôi đầy bi thương, muốn nói với tôi gì đó, nhưng tôi đã không nghe thấy gì nữa. Trước mặt tôi dần dần bị bóng đêm phủ kín, không thấy bà nội, cũng không thấy Biểu đại gia nữa. Không thấy bất kỳ thứ gì nữa, chỉ có một đôi mắt màu xanh đậm nhìn tôi từ xa, trong mắt tràn đầy lạnh lẽo.

Khi tôi lần thứ hai mở mắt ra, đã thấy mình nằm trong bệnh viện trên thị trấn, ba mẹ đều ngồi bên cạnh, nhưng không thấy bà nội đâu. Tôi yếu ớt hỏi bà nội, ba tôi vội trấn an: “Bà nội nằm ở phòng khác, con bị động vật gì đó cắn, có khả năng bị nhiễm trùng, cần phải theo dõi vài ngày. Đừng sợ, ba mẹ đều ở đây.”

Tôi lại nhắm mắt lại, lần này không còn đôi mắt xanh lè đáng sợ kia nữa, mà là một giấc ngủ yên lành.

Sau đó chúng tôi trở về thành phố. Sau chuyện này, thị lực của bà nội càng lúc càng kém đi, cuối cùng hoàn toàn không còn nhìn thấy gì nữa. Bà vẫn hiền lành như trước đây, nhưng tôi biết đôi mắt của bà mãi mãi không thể trở về nữa. Tôi cũng không bao giờ gặp lại Biểu đại gia nữa. Chỉ có một lần khi nói chuyện phiếm với ba, ba mới nói cho tôi biết, kỳ thực nhà bà nội có tập tục cung phụng chồn tinh, mà người nhà họ Hứa có thói quen gọi chồn tinh là “Biểu đại gia”…

.

Mưa vẫn tí tách rơi cả đêm, trong ký túc xá chợt vang lên tiếng điện thoại, sắc trời bên ngoài không biết tự lúc nào đã sáng rõ. Tôi lập tức trở dậy tiếp điện thoại, hóa ra là bà nội, đầu dây bên kia truyền tới giọng nói hiền lành quen thuộc: “Tiểu An à, là bà đây, yên tâm đi, bác sĩ nói khối u của bà là lành tính con à, đã chuẩn bị phẫu thuật cắt bỏ rồi.”

Gánh nặng trong lòng tôi lập tức được dỡ xuống, kích động đến mức run lên, vội vàng nói: “Bà nội không sao là tốt rồi, không sao là tốt rồi.”

Bạch Dực cũng không biết đã tỉnh dậy từ lúc nào, khoác lên vai tôi một cái áo khoác ấm áp. Tôi lập tức cảm thấy cả người ấm hẳn lên, tựa như khi còn bé nằm trong lòng bà nội.

Bà nội – End

[1] “Biểu” tức là họ hàng (bên ngoại), “đại gia” là cách gọi những người đàn ông có tuổi trong nhà. Như vậy “Biểu đại gia” giống giống như “ông họ” (là anh em của ông/bà mình) nhưng trong này để nguyên mà không dịch.

/101

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status