Phế Đô

Chương 7 - Chương 07

/67


Sáng sớm ngày mười ba, Chu Mẫn ngủ dậy lao ngay vào bếp sửa soạn. Bởi thuê nhà tạm thời, nên dụng cụ nhà bếp không đủ, phải đích thân đến quán cơm gần đó thuê mượn ba cái bát, mười cái đĩa to, năm cái đĩa nhỏ, một cái lồng chưng, một cái nồi lẩu. Khi về thấy vợ quét dọn trong nhà ngoài sân, đã đặt ngay mấy quyển truyện và tuyển tập Tân văn của Trang Chi Điệp mua về lên bàn, the thé hỏi tấm bản đồ Đồng Quan đem theo khi đến Tây Kinh để ở đâu. Chu Mẫn nói:

– Đang bận bỏ mẹ lên còn rắc rối, tìm cái đó làm gì?

Đường Uyển Nhi bảo:

– Dán lên tường chứ làm gì!

Chu Mẫn ngẫm nghĩ rồi bảo “Con cáo ranh ma!” liền véo vào mông Đường Uyển Nhi một cái. Chị ta kêu lên một tiếng ái chà, rồi nhõng nhẽo vén váy lên cho chồng xem chỗ bị véo thâm tím. Sau đó tuyên bố thẳng thừng rằng chị ta không làm việc gì nữa, chị ta phải chưng diện và bôi son đánh phấn đã. Chu Mẫn bắt đầu mổ cá, chốc chốc Đường Uyển Nhi lại ra bảo nhìn xem bộ váy áo đỏ có đẹp không, chiếc váy mini màu đen này thế nào. Từ áo lót đôi giày, chiếc tất, dây chuyền, thứ nào cũng phải thử. Chu Mẫn bảo:

Bạn đang đọc truyện tại

– Em là cái giá treo quần áo, đi ăn xin lại cứ đòi mặc đẹp! Thầy Trang Chi Điệp là nhà văn, một con người đứng đắn, lại gặp mặt lần đầu, vẫn cứ mặc giản dị chất phác hay hơn.

Đường Uyển Nhi liền chọn trong đống quần áo trên ghế xa lông lấy ra một chiếc váy màu vàng mặc vào, đứng trước gương bôi sáp phấn, kẻ lông mày tô môi son. Lúc này, vợ chồng Mạnh Vân Phòng đã đến, xách một chai rượu nặng Quế Hoa, lại một gói quả mơ. Chu Mẫn nói:

– Ai bảo đem đến nào, làm thế chẳng phải trả nợ ư?

Hạ Tiệp dí ngón tay vào trán Chu Mẫn nói:

– Rượu này tôi đem cho Uyển Nhi, thầy Điệp của anh thích ăn mơ nhất đấy, tôi e anh chị không biết thị hiếu của anh ấy. Uyển Nhi đâu, cho mình ngó cô em xem đẹp đến đâu nào?

Đường Uyển Nhi vội vàng ra tiếp, nói:

– Dạ em đây, ngó rồi không muốn nhận em này nữa.

Chu Mẫn nói:

– Thế nào em, gọi là cô mới phải chứ!

Hạ Tiệp bảo:

– Tôi không đòi hỏi danh phận ấy đâu! Quả nhiên người đẹp hiếm có!

Hai người đàn bà gặp nhau rối rít nói nhiều chuyện của đàn bà, không ngoài những câu quần áo này đẹp, em còn trẻ thế này, dùng loại mỹ phẩm nào, có dùng đệm vú không, Đường Uyển Nhi liền bảo:

– Anh Chu Mẫn ơi, anh bày cỗ nhé, em phải tiếp cô Tiệp mấy ván cờ.

Thế là bê luôn bàn cờ và quân cờ lôi Hạ Tiệp lên cái chòi ở gác hai. Ba hôm trước, cả gia đình người cho thuê nhà đi du lịch, ba gian gác hai khoá chặt, trên sàn nhà dựng cái chòi gỗ, bên trong đặt một cái bàn đá, bốn cái đôn đá, hai người vừa nói chuyện vừa đánh cờ, liếc nhìn đại lộ dưới gác. Chu Mẫn đã bưng nước trà, kẹo, dưa hấu và đào lên. Hạ Tiệp hỏi:

– Cậu Mẫn này, hôm nay xem cậu cho bọn tôi ăn sơn hào hải vị gì?

Chu Mẫn đáp:

– Hôm nay áy náy với cô Tiệp đấy, một là không có thứ gì ngon, hai là không biết nấu nướng, chỉ là biểu lộ tấm lòng.

Hạ Tiệp nói:

– Tôi cũng không muốn cậu bày vẽ, chờ sau này cậu ăn nên làm ra, chỉ cần không quên tôi là được.

Liền gọi Mạnh Vân Phòng ở nhà dưới:

– Này, hôm nay anh phải vào bếp đấy, cũng đừng ra cái vẻ thầy giáo ngồi xếp bằng uống trà nhé!

Mạnh Vân Phòng bảo:

– Ở nhà anh nấu cơm, đi ra ngoài cũng phải nấu cơm hả? Hôm nay anh thế nào nhỉ, Trang Chi Điệp mà ra mắt, thì anh sẽ thành ma cho mà xem?

Nói thì nói vậy, song cũng ra bể nước rửa tay.

Hai người đàn bà cùng liếc xuống, chỉ cười hi hí trên chòi.

Vốn hẹn mười giờ Trang Chi Điệp đến, đã mười giờ mười phút trước cửa vẫn im hơi. Mạnh Vân Phòng thái xong thịt, rán xong viên, ngâm xong mộc nhĩ hoa vàng, chiên xong cá, ba ba cũng hầm trong nồi lẩu, anh nói:

– Biển số ngõ phố đã nói đầy đủ cả, anh ấy không đến nõi tìm không ra đâu nhỉ? Mình thử ra đầu đường trước mặt xem sao.

Mạnh Vân Phòng đi ra phố, chỗ đầu đường người qua lại thưa thớt, đứng một lúc rồi rẽ vào ngõ nhỏ, hấp ta hấp tấp đi vào am ni cô.

Hôm nay am ni cô không tu sửa, cổng am khép. Mạnh Vân Phòng đẩy cửa đi vào. Một sãi già hỏi tìm ai, Mạnh Vân Phòng đáp tìm sư phụ Tuệ Minh, sãi già liền dẫn Mạnh Vân Phòng đến điện to ở đằng sau. Trong điện mát rượi, mồ hôi trên người lập tức không ra nữa, song vì từ ở ngoài có ánh nắng đu vào, chẳng nhìn rõ gì cả. Đứng một lúc mới nhìn thấy ở góc điện đặt một cái giường, mắc chiếc màn ny lông, có một người đang ngủ trên giường. Mạnh Vân Phòng cảm thấy không tiện, liền quay ra. Người trong màn đã tỉnh dậy, liền gọi một tiếng “Thầy giáo Phòng!”, Mạnh Vân Phòng quay người lại, người ngồi trên giường chính là Tuệ Minh, cổ áo chưa cài, sắc mặt đỏ ửng, tự thấy xinh đẹp hơn ngày thường. Tuệ Minh gọi và giắt cánh màn lên, song không đi dép xuống đất, vẫn ngồi co ro trên giường, bảo:

– Ngồi xuống đây nào, hôm nay đi qua tạt vào chứ?

Mạnh Vân Phòng nuốt nước miếng đáp:

– Có người mời cơm.

Tuệ Minh nói:

– Em biết thầy chỉ ngồi một lát rồi đi – quay đầu bảo sãi già – bà cứ đi làm việc của mình.

Vãi già cười rồi kéo cửa điện đi ra.

Nửa tiếng sau, Mạnh Vân Phòng ra khỏi am ni cô, chạy gằn ra ngã tư. Ngẩng đầu lên liền nhìn thấy chiếc xe máy mác “Mộc lan” đỗ cạnh đường, cảm thấy quen quen, nhìn kỹ thì ở càng bên phải đã tróc một mảng sơn, ở chỗ ngồi đàng sau có một hòn gạch to tướng buộc bằng dây thừng. Ngó bên trái, bên phải, quả nhiên ở cạnh đường có một hiệu sách cũ, Trang Chi Điệp đang đứng ở đó. Mạnh Vân Phòng đi đến, thì Trang Chi Điệp cũng đã nhìn thấy anh, liền cất tiếng:

– Anh Phòng ơi, mau lại mà xem, ở đây có chuyện buồn cười đáo để.

Mạnh Vân Phòng lại xem thì là một quyển sách cũ, song lại ghi “Tác phẩm chọn lọc của Trang Chi Điệp”, trên bìa phụ có chữ ký của Trang Chi Điệp “Xin tặng Cao Văn Hành tiên sinh, hân hạnh được tiên sinh chỉ bảo”, ở dưới là ngày x tháng x năm x. Trên ba chữ Trang Chi Điệp còn có đóng dấu. Ngay lúc đó thấy khó xử thay cho Trang Chi Điệp, Phòng liền chửi:

– Cái thằng cha này, có bán sách của người ta tặng, thì cũng phải xé bỏ bìa phụ đi mới phải. Sách của Trang Chi Điệp đâu có đến nỗi không đáng gì như vậy.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Anh có nhớ Cao Vân Hành là ai không?

Mạnh Vân Phòng không nhớ ra, Trang Chi Điệp nói:

– Là một người bạn của Triệu Kinh Ngũ. Hồi ấy gặp mình, nói là người sùng bái mình, cứ nằng nặc đòi mình tặng một quyển sách.

Trang Chi Điệp liền mua lại quyển sách theo giá rồi viết luôn ở chỗ ký tên “Xin tặng lại Cao Văn Hành tiên sinh, hân hạnh được tiên sinh chỉ bảo. Hiệu sách cũ ngày y tháng y năm y”.

Mạnh Vân Phòng nói:

– Anh cho tôi cuốn sách này, như thế mới có giá trị bảo quản.

Trang Chi Điệp nói:

– Mình phải gửi đi cho ông ta mới được.

Mạnh Vân Phòng nói:

– Anh làm thế bằng treo cổ ông ta rồi còn gì.

Hai người quay lại đẩy xe máy. Mạnh Vân Phòng bảo, Chu Mẫn ở nhà đợi sắp phát điên lên rồi sao bây giờ mới đến, Trang Chi Điệp bảo, đi qua chân tường thành phiá đông thấy ở đó xếp một đống gạch đá vỡ, bới tìm được cục gạch này, loại gạch đời nhà Hán đấy, đào đâu ra được hòn gạch nguyên vẹn như thế này hả anh. Liền hỏi:

– Chỗ này cách am ni cô gần lắm, anh không đến đấy à?

Mạnh Vân Phòng đỏ mặt đáp:

– Mình đến đó làm cóc gì. Đi mau lên!

Trang Chi Điệp bảo Mạnh Vân Phòng cứ về trước, mình còn ra bưu điện gởi sách tặng. Mạnh Vân Phòng về báo tin Trang Chi Điệp sẽ đến ngay, đi luôn vào bếp xào thức ăn. Đường Uyển Nhi hốt hoảng từ chòi gác hai đi xuống, khe khẽ hỏi Chu Mẫn nhìn xem mái tóc mình có mượt không. Chu Mẫn bảo hai bên thường có sợi tóc rời xoà xuống, phải nhớ kẹp nó về sau tai. Đường Uyển Nhi liền bảo, anh sẵn sàng nhắc em đấy. Chu Mẫn nói, anh ho một cái làm ám hiệu nhé! Đường Uyển Nhi lại lên chòi chơi cờ với Hạ Tiệp. Lúc này ngoài cửa có tiếng máy nổ. Mạnh Vân Phòng ở trong bếp gọi to “Đến đấy!” rồi cùng Chu Mẫn bước ra. Đường Uyển Nhi nhìn thấy một chiếc “Mộc lan” đỗ ở trước cổng, một người vừa gầy vừa lùn nhảy xuống, phần trên người mặc chiếc áo sơ mi cộc tay vải ráp màu đỏ sẫm, phần dưới mặc quần dài màu trắng xám, không đi tất, đi một đôi dép rọ màu tro. Ngay tức khắc có phần nào ngạc nhiên: Đây là Trang Chi Điệp ư? Tên tuổi thì rung trời chuyển đất, mà người thì loắt choắt thế này, lại đi chiếc xe máy “Mộc lan” kiểu đàn bà thế kia? Điều lạ lùng hơn là vừa bước xuống xe không móc lược chải đầu, ngược lại đã cố ý làm rối bung mái tóc. Liền nghe Mạnh Vân Phòng ở cổng đang giới thiệu Chu Mẫn. Trang Chi Điệp bắt tay Chu Mẫn một cách khách sáo rồi nói: “Cậu tươi tỉnh gớm nhỉ, mái tóc chải dầu thơm?”, lại nhìn xung quanh, “Sao ở đây lại tĩnh mịch gớm nhỉ?”. Bước vào sân nói ngay: “Có sân hay đấy, trong sân lại có cây lê này hay đấy. Trên tường có giàn nho này hay đấy! Nhà mình ở giống con chim, không có hơi đất!”

Đường Uyển Nhi cảm thấy vị danh nhân này dễ dãi thú vị, trong lòng bớt căng thẳng. Đến khi Chu Mẫn ở dưới gọi lên, Đường Uyển Nhi vội vàng đi xuống, nào ngờ cúi đầu xuống một cái, chiếc cặp xương voi Vân Nam kẹp trên đầu, thế quái nào lại rơi ngay trước chân Trang Chi Điệp vỡ tan…

Trang Chi Điệp và Mạnh Vân Phòng nói chuyện, nghe Chu Mẫn gọi Đường Uyển Nhi xuống chào thầy, mới đầu không để ý, bất thình lình chiếc cặp rơi xuống chân vỡ vụn, liền ngẩng lên. Trên cầu thang hai người đàn bà đều “a” lên một tiếng, một người có mái tóc chảy dài rơi xoà xuống thành đống, vội vàng đưa tay túm lấy, ngay lập tức vừa đi vừa vấn ra sau gáy, khi người xuống đến nơi thì tóc cũng đã vấn xong.

Hai người đàn bà trước mặt, Hạ Tiệp ngoài bốn mươi tuổi mặc bộ váy áo đỏ lộng lẫy, chân để trần, bắp chân béo sù lên, trên mặt tuy lớp phấn rất dày, nhưng cảm thấy không sạch sẽ. Đường Uyển Nhi trạc hai lăm hai sáu tuổi, chiếc váy chui màu vàng nhạt bó sát người, căng tới mức chỗ nên béo đã béo ra, chỗ nên gầy đã gầy hết. Khuôn mặt không phải hình hạt dưa, trắng bóng, cặp lông mày nhổ cong cong, sống động nhất là cái cổ nhỏ dài, nõn nà như ngọc, đeo một sợi dây chuyền, nổi rõ hai xương quai xanh rất đẹp. Trang Chi Điệp nghĩ bụng, Mạnh Vân Phòng nói Chu Mẫn dẫn được một người đàn bà, bỏ nhà bỏ cửa đến Tây Kinh, liền suy tính đây là con người tuyệt diệu gì đó, quả nhiên là một tinh người, trong thành Tây Kinh cũng hiếm thấy.

Đường Uyển Nhi thấy Trang Chi Điệp nhìn mình mỉm cười, liền nói:

– Em mất mặt quá cơ! – Song lại ngẩng mặt tự nhiên thoải mái rồi đưa tay ra bắt tay xin chào thầy Điệp – Hôm nay mời thầy giáo đến được nhà chúng em thật là tạo hoá, vừa nãy cứ tưởng thầy không chịu đến cơ đấy!

Trang Chi Điệp nói:

– Sao lại không đến, cũng không thể không đi gặp đồng hương?

Đường Uyển Nhi hỏi:

– Thầy giáo Điệp vẫn nói tiếng Đồng Quan kia ư?

Trang Chi Điệp đáp:

– Vậy thì tôi nói tiếng gì?

Đường Uyển Nhi nói:

– Ai đến Tây Kinh dăm bữa nửa tháng, khi trở về cũng thay đổi giọng. Em cứ tưởng thầy nói tiếng phổ thông cơ!

Trang Chi Điệp nói:

– Mao chủ tịch cũng có nói tiếng phổ thông đâu, tôi nói làm gì.

Ai nấy cùng vui cười. Chu Mẫn nói:

– Xin mời tất cả vào trong nhà nói chuyện, đứng ngoài sân nóng lắm!

Vào trong nhà rồi, Chu Mẫn đương nhiên đứng lên rót trà mời thuốc. Cứ nói đi nói lại nhà chật chội, mong thầy giáo thông cảm. Hạ Tiệp nói:

– Cậu Mẫn ơi, đừng dài dòng khách sáo nữa. Cậu và thầy Phòng của cậu xuống bếp sắp cơm, tôi tiếp thay cậu được rồi!

Mạnh Vân Phòng và Chu Mẫn đi vào bếp. Đường Uyển Nhi đứng tại chỗ phun nước hoa nhài trên cánh quạt điện đang quay. Hạ Tiệp nói:

– Chi Điệp ơi, lại đây ngồi bên tôi, anh đi dài ngày thế, mong nhớ đến nỗi ngày nào người ta cũng hỏi thăm anh đấy.

Trang Chi Điệp cười đáp:

– Cám ơn chị vẫn còn có tấm lòng ấy. Dạo này chị bận việc gì, chị có biên soạn dàn dựng được điệu múa nào hay không?

Hạ Tiệp nói:

– Thì vì chuyện này mà yêu cầu anh đấy! Thị trưởng chị định cho chúng tôi đưa ra một chương trình biểu diễn, nhưng dàn dựng được mấy tiết mục, lại cảm thấy không được, buồn đến nỗi tóc cứ rụng từng mảng.

Trang Chi Điệp nói:

– Hiện giờ chị đã có anh Phòng, lại còn bảo tôi à?

Hạ Tiệp đáp:

– Anh ấy không ăn thua. Mây phủ mù che đấy thôi, mở mồm ra là vũ đạo cổ điển Trung Quốc thế nào, vũ đạo hiện đại Tây dương ra sao, hơi một tí là đứng ra đạo diễn, diễn viên người ta ngán hết rồi. Anh đến thử xem, tôi tin ở cảm giác của anh.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Nội dung thế nào chị?

Hạ Tiệp đáp:

– Một cái là “Đập táo chua”, một cái là “Đấu mồm”, một cái là “Gánh nước”. Viết về đôi trai gái, bởi ra giếng gánh nước gặp nhau nên yêu nhau, tiếp theo là cưới và nô đùa, cuối cùng là có thai thèm chua.

Trang Chi Điệp bảo:

– Cấu từ hay đấy!

Hạ Tiệp nói:

– Hay phải không? Có điều ngôn ngữ múa không nhiều.

Trang Chi Điệp nói:

– Chị đã xem tranh “Treo tranh” kịch Hoa cổ của Trần Tôn Tài của Đồng Quan chưa?

Đường Uyển Nhi nói xen vào:

– Kịch của nghệ nhân già họ Trần em xem rồi, người đã sáu mươi tuổi, đi đôi giày bé cỏn con bằng ngần này, có thể nhảy một cái lên lưng ghế, hay nhất là cầm quả trứng giấy, tung lên không trung mà dùng mũi chân đá một phát trúng! Trước ngày giải phóng, ông ấy diễn ăn khách lắm. Người Đồng Quan bảo “Thà xem Tồn Tài “Treo tranh”, không ngồi gầm trời Quốc dân đảng”.

Hạ Tiệp nói:

– Kịch là kịch, múa là múa, hai thứ khác nhau.

Đường Uyển Nhi ngượng đỏ mặt, liền ngồi im thin thít trong ghế xa lông, mơ hồ như nghe mà không phải nghe. Trang Chi Điệp nói:

– Chị có thể tiếp thu hình thức nhảy ghế ấy, ví dụ gánh nước ở sân giếng, có thể để diễn viên nhảy hai chân lên rìa thùng được không?

Hạ Tiệp nghĩ một lát rồi nói:

– Đúng, đúng, để thể hiện nỗi sung sướng của cô ta, cũng là để khoe đôi giày mới của cô ta, để mỗi chân của cô ta giẫm lên một mép thùng, đòn gánh vẫn ở trên vai, vậy thì hai chân thay nhau đi từng bước từng bước.

Hạ Tiệp liền bảo Đường Uyển Nhi tìm cho một tờ giấy, nhờ thầy giáo Điệp thiết kế cho. Thấy không thể nói chen vào được, Đường Uyển Nhi lại rót thêm trà cho hai người, rồi ra ngoài sân.

Ở trong nhà một lúc, Trang Chi Điệp kiếm cớ đi tiểu cũng ra ngoài sân. Đường Uyển Nhi ở dưới giàn nho, bóng nắng lốm đốm khoác lên người, đang lúc buồn chán, thấy Trang Chi Điệp đi ra, lập tức tươi cười. Trang Chi Điệp nói:

– Nghe giọng em là người Đông Hương Đồng Quan phải không?

Đường Uyển Nhi nói:

– Thầy giáo tài tình thật, thầy giáo đã đến vùng Đông Hương bao giờ chưa?

Trang Chi Điệp nói:

– Ở đó ngon nhất là món thịt xào đậu thái nhỏ.

Đường Uyển Nhi nói:

– Thế thì hay rồi, em bảo thầy đến chơi. Mình làm món thịt xào đậu thái nhỏ. Chu Mẫn lại cười em, bảo thông thường người ta ăn không quen.

Trang Chi Điệp nói:

– Thế thì tốt quá.

Đưa mắt nhìn Uyển Nhi, Uyển Nhi chớp chớp mắt, Trang Chi Điệp vẫn còn nói, nho này giống gì mà bây giờ vẫn còn xanh, liên nhảy lên định hái một quả, nhưng không với tới. Đường Uyển Nhi cười hư hứ. Trang Chi Điệp hỏi cười cái gì. Đường Uyển Nhi nói:

– Họ bảo thầy thích ăn chua, em không tin. Một người đàn ông có tuổi lại thích ăn chua, lại chẳng phải thai nghén. Quả nhiên thầy thích ăn chua thật.

Thế là đứng lên ghế hái nho. Dây nho còn cao, một chân phải kiễng lên, ngón chân kia đẩy mạnh, người cong thành cái cung, ống tay phải tụt xuống, để lộ cánh tay trần trắng nõn nà. Trang Chi Điệp nhìn rõ một nốt ruồi ở khuỷu tay. Chu Mẫn bưng thức ăn ra khỏi bếp nhìn thấy, nói:

– Sao em lại để thầy giáo ăn nho xanh? Ê răng thầy giáo mất, thì ăn cơm thế nào được?

Trang Chi Điệp cũng cười, vội đi ra nhà vệ sinh. Trở về rửa tay xong, thì ba món rau trộn đã bày sẵn trên bàn, lại đã mở mấy lon đồ hộp. Đương nhiên Trang Chi Điệp ngồi ở ghế thượng khách. Hạ Tiệp uống rượu Quế hoa mang đến, Mạnh Vân Phòng chỉ dùng nước quả hạnh nhân, Chu Mẫn liền bê đầy ly rượu trắng lên nói:

– Thưa thầy giáo Điệp, thầy là danh nhân ở Tây Kinh, càng là niềm kiêu hãnh của Đồng Quan mình. Học trò được thầy quan tâm đã được làm việc ở toà soạn, ơn đức này suốt đời không dám quên. Điều em muốn nói hôm nay là, để được đến làm việc ở toà soạn, trong đó có những việc làm không thoả đáng, đã mượn danh phận của thầy viết giấy giả mạo, mong thầy tha thứ cho em. Còn bài viết về thầy, em cũng mới tập viết, xin thầy đừng cười.

Trang Chi Điệp nói:

– Công việc đã thành, khỏi cần nói nữa. Còn bài cậu viết tôi cũng chưa đọc. Hiện giờ loại bài này nhiều người viết, tuy bảo tuyên truyền tôi, nhưng cũng là văn người ta. Trước đây có người viết đưa tôi xem, tôi xem xong bảo đừng đăng, nhưng cuối cùng người ta vẫn đăng. Người viết bài, ai cũng muốn đăng mà, cho nên từ đó trở đi loại bài này tôi đều không xem nữa.

Chu Mẫn nói:

– Thầy giáo rộng lòng như thế, thật không ngờ đấy ạ. Vậy thì xin thầy nhận của đứa học trò này một chén đầy.

Trang Chi Điệp nhận rượu, ngửa cổ uống nói:

– Anh Phòng cai thật à?

Mạnh Vân Phòng nói:

– Đương nhiên là cai rồi.

Trang Chi Điệp nói:

– Việc gì phải thế! Chúng mình học nào Phật, nào đạo, chủ yếu là học những cái trong lĩnh vực triết học mỹ học, đừng có hạ cấp đến mức đốt hương khấn vái như các bà già dân gian. Thật ra, những sư sãi trong nhà chùa cũng là một nghề nghiệp.

Mạnh Vân Phòng nói:

– Chuyện này thì anh không hiểu, không ở trong cuộc không biết nội tình. Luyện khí công, không cai rượu, thịt, hành, tỏi thì khí cảm không nhập thân. Đã có khí thân rồi, ăn rượu thịt hành tỏi vào sẽ bị thấy khó chịu.

Trang Chi Điệp nói:

– Tu luyện, tu luyện, những người giỏi giang thật sự trên đời đều do tu mà nên, chỉ có con cháu học trò mới cả ngày luyện.

Đường Uyển Nhi cười hí hí, mọi người nhìn chị ta, thì chị ta mím môi quay đầu nhìn cây lê ngoài cửa sổ. Cây lê khoe lá xanh đầy cành, trên thân cây già nua cong queo có một cái hang. Thấy nét mặt Đường Uyển Nhi rất đẹp, Trang Chi Điệp liền hỏi:

– Em định nói gì phải không?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Các thầy nói toàn học vấn, em nghe cho vui thôi!

Mạnh Vân Phòng nói:

– Học vấn gì đâu! Chúng tôi thường tranh cãi quen rồi. Độ này tôi càng ngày càng bất đồng với anh ấy.

– Tôi cảm thấy anh thích đi đến cực đoan. Nói cai rượu là cai luôn, ý chí ấy tôi xin chịu, không làm nổi. Nhưng không động đến một giọt rượu thật ư? Loại này “Ngũ lương dịch” thật sự đấy!

Mạnh Vân Phòng nói:

– Có là Mao đài cũng không uống.

Hạ Tiệp đã uống một bát rượu Quế hoa, lại bảo Chu Mẫn rót thêm bát nữa, nói:

– Chi Điệp này, anh nói đúng đấy. Cả cuộc đời Vân Phòng chịu thiệt vì hay cực đoan. Khi đến Tây Kinh, anh ấy đã có tiếng tăm, nhưng mấy năm qua, anh thì huy hoàng xán lạn, còn anh ấy vẫn là anh ấy. Hiện nay văn chương cũng đã chững lại, suốt ngày đọc nào Phật, nào luyện công, không ăn cái này, không động đến thứ kia, cũng khiến luôn cái bụng mình chỉ có canh có nước, không có mỡ.

Chu Mẫn nói:

– Như vậy là thầy Phòng không được sướng mồm. Trên đời có những hộ cá thể đi buôn bán, họ giàu mà không sang. Còn thầy Phòng sang mà không giàu.

Mạnh Vân Phòng nói:

– Đúng đấy, đúng đấy. Thầy Điệp của các vị giàu sang song toàn, sống đến mức ấy phong lưu lắm, cần gì có nấy.

Trang Chi Điệp nghe xong, chăm chú nhìn tia nắng chiếu qua song cửa rọi vào đĩa thức ăn. Trong tia nắng có những vật sống động đang trôi, nét mặt hơi nhăn lại, nói:

– Cái gì cũng có rồi, nhưng mình cần phải “phá thiếu”.

Mạnh Vân Phòng ngạc nhiên hỏi:

– Anh nói cái gì vậy?

Trang Chi Điệp nhắc lại một lần nữa:

– “Phá thiếu”.

Mạnh Vân Phòng nói:

– Tôi bây giờ cũng khó nắm bắt được anh. Nói thật, tôi không ngờ anh đi đến nhà máy bia lâu đến thế. Gần đây, một số bài đăng trên báo, dường như quan điểm cũng đã khác trước nhiều.

Trang Chi Điệp nói:

– Mình cũng đã từng ngạc nhiên chính mình, không hiểu là thuận theo xã hội hay là đang truỵ lạc?

Mạnh Vân Phòng nói:

– Điều ấy thì mình không thể kết luận, e rằng sẽ giống mình mê khí công như thế nào và đòi cai rượu thịt. Tất cả đều là dòng chảy tự nhiên của mạng sống, như nước đun lên, tất nhiên sẽ xuất hiện hiện tượng tổ chức phá thiếu đối xứng.

Hai người nói như thế, Chu Mẫn và Đường Uyển Nhi nghe cứ tưởng như hiểu mà không hiểu. Tuy nhiên vẫn còn cười, cười gượng gạo. Hạ Tiệp liền chà chà tặc lưỡi, chép miệng nói:

– Đồng chí Mạnh Vân Phòng, hôm nay được mời ăn cỗ, chứ có phải hội thảo học thuật đâu, xin các đồng chí đừng rao bán những danh từ ấy nữa.

Trang Chi Điệp hươ tay, nói:

– Không nói nữa, không nói nữa, chúng mình uống rượu đi. – rồi nâng cốc lên tự uống.

Uống đi uống lại chỉ có Trang Chi Điệp và Chu Mẫn uống với nhau, không khí không bốc lên được. Chu Mẫn liền đề nghị, có thể chơi oẳn tù tì với thầy Điệp cho vui được không, Trang Chi Điệp từ chối mãi. Chu Mẫn vẫn cứ luôn nài nỉ. Đường Uyển Nhi thì cứ cười hoài. Thấy hai bên đều giằng kéo, liền nói:

– Chu Mẫn ơi, đừng mang cái lối của bọn người ăn không ngồi rồi các anh ra đối xử với thầy giáo Điệp như vậy. Thầy Điệp ơi, cũng xin chúc thầy một chén.

Trang Chi Điệp vội vàng đứng lên, nâng ly rượu. Đường Uyển Nhi nói:

– Quen biết thầy giáo Điệp chúng em mới được ở lại Tây Kinh. Từ nay về sau, thầy giáo còn phải nhận học trò Chu Mẫn, anh ấy theo thầy giáo học viết văn.

Trang Chi Điệp nói:

– Chu Mẫn bây giờ là người của toà soạn, sau này, tôi gửi bài còn phải nhờ cậu ấy.

Đường Uyển Nhi nói:

– Vậy thì em xin uống trước.

Một hơi cạn chén, sắc mắt ửng đỏ. Trang Chi Điệp cũng uống hết ly rượu. Đường Uyển Nhi lại uống liền ba chén, Chu Mẫn ho một tiếng. Đường Uyển Nhi đưa tay gạt tóc loà xoà ở hai bên kẹp ra sau tai, khuôn mặt ấy càng thêm xinh tươi, mê hồn. Trang Chi Điệp cũng đang hăng, uống luôn ba chén, không khí tẻ nhạt vừa nãy đã gạt hết, lại còn cầm cả chai rượu trong tay, không chịu thua tửu lượng của Đường Uyển Nhi. Mọi người hỉ hỉ hả hả ầm ĩ một chầu. Mạnh Vân Phòng lại đi xào ba món thịt cá, ba món rau, lại bưng lên một đĩa cá chiên, một đĩa thịt lưng sốt, một đĩa thịt ếch, một nồi lẫu hầm ba ba. Hạ Tiệp khen rối rít ba ba ngon, bảo ai ăn được xương kim người ấy sẽ có phúc. Ở nước ngoài, xương kim làm tăm mỗi cái năm đô la. Chia thịt ra gắp vào đĩa nhỏ trước mặt mỗi người một suất. Đường Uyển Nhi lấy đũa lật đi lật lại phần của mình trong đĩa, phát hiện có xương kim trong một miếng, liền nói:

– Ở Đồng Quan em được ăn nhiều ba ba trong sông Hoàng, cứ thấy có mùi tanh bùn, thầy giáo Điệp ơi, sức khoẻ của thầy quan trọng, xin dành thầy phần này.

Không cho nói lôi thôi, Đường Uyển Nhi đổ luôn vào đĩa của Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp biết Đường Uyển Nhi quan tâm đến mình, cũng gắp luôn một miếng cho chị ta, bảo:

– Thứ này ngon, em không thể không ăn.

Đường Uyển Nhi nhìn xem, thì đó là cái đầu con ba ba vừa đen vừa dài trông dữ tợn, sợ quá giật nảy người đưa mắt lườm Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp cố làm ra vẻ bình thản. Đường Uyển Nhi liền gắp đầu ba ba mút chùn chụt, nhai sồn sột ngon lành. Khi Trang Chi Điệp đưa mắt nhìn lai, thì hai tai và mặt bỗng đỏ bừng lên xấu hổ. Hạ Tiệp đã nhìn thấy, định nói đùa một câu, thì Trang Chi Điệp đã cướp lời nói trước:

– Ái chà, mình ăn phải xương kim rồi!

Hạ Tiệp liền bảo:

– Chi Điệp gặp số đỏ, mồng một tết năm ngoái mình gói một đồng xu vào bánh chẻo, không ai ăn phải, Trang Chi Điệp đến chúc tết mời anh ấy ăn, anh ấy không ăn, mình bảo, cứ nếm thử một cái xem nào, liền gắp một cái mời ăn, không ngờ trong bánh có đồng xu.

Đường Uyển Nhi nuốt xong đầu ba ba, không đỏ mặt xấu hổ nữa, song không dám nhìn vào mặt Hạ Tiệp, bảo xuống bếp làm món thịt xào đậu thái nhỏ, liên đứng lên đi ra ngoài.

Trang Chi Điệp còn uống thêm nhiều rượu, bất giác đầu nặng chình chịch, nghe thấy từ bếp vang lên những tiếng xèo xèo, nói:

– Hễ ngửi thấy mùi là tôi không thể ngồi yên, để tôi đi xem cách xào nấu.

Hạ Tiệp bảo:

– Có gì mà xem, nếu anh thích ăn, sau đây bảo Đường Uyển Nhi đến nhà xào nấu cho anh. Anh cứ thật thà ngồi đó, uống ly rượu tôi chúc đây, mượn hoa dâng Phật, xin được bài toả lời cám ơn anh về điệu múa của tôi.

Trang Chi Điệp cười, lại uống một chén nữa, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa. Cửa ra vào trong nhà vừa vặn đối diện với nhà bếp, cửa bếp không khép. Đường Uyển Nhi đang xào nấu ở trong.

Đường Uyển Nhi xuống bếp thái thịt, bật hơi ga, lửa cháy lép bép, liền nảy ra nhiều ý nghĩ. Chị ta đặt một cái gương con lên sàn trước bếp, tấm gương vừa vặn soi đúng Trang Chi Điệp đang ngồi, liền nghĩ: “Nếu xét về hình dáng, thì nhà văn không điển trai, nhưng cũng lạ, vừa tiếp xúc một lúc, lại cảm thấy người này đáng yêu. Hơn nữa, cái tướng càng nhìn càng hấp dẫn. Ngày trước ở huyện lỵ Đồng Quan chỉ biết Chu Mẫn vừa thông minh tháo vát, biết viết văn, thì ra Tây Kinh xét cho cùng là Tây Kinh. Trước mặt anh ấy, Chu Mẫn chỉ tỏ ra thông minh chút xíu mà thôi…” Nghĩ miên man như vậy mỡ đã nóng tới, vội vàng đổ đậu thái nhỏ vào, song đã bỏ luôn vào một miếng gừng chưa cắt, miếng gừng có nước, xèo một cái, mỡ bắn tứ tung, một giọt mỡ bắn vào người, chỉ cảm thấy mặt rát rát như kim châm, kêu lên một tiếng úi chà, ngồi xổm xuống.

Nghe tiếng Đường Uyển Nhi hét to, Chu Mẫn từ nhà trên chạy xuống gỡ tay vợ ra, thì trên tay đã bị cháy thành một chỗ phồng rộp. Đường Uyển Nhi vội cầm gương soi, nước mắt liền trào ra. Mọi người xúm lại hỏi sao thế, Chu Mẫn nói:

– Không việc gì, có một giọt mỡ bắn vào mặt.

Chu Mẫn dìu vợ vào buồng ngủ bôi mỡ chồn. Mạnh Vân Phòng nói:

– Đàn bà bây giờ ngoài việc đẻ con, chẳng biết làm gì khác.

Hạ Tiệp nói:

– Anh đừng nói thế, ngay một đứa con cũng có đẻ cho anh được đâu!

Mọi người lại cười rộ lên, đương nhiên Mạnh Vân Phòng lại đâm đầu vào bếp.

Trong buồng ngủ, Đường Uyển Nhi lủng bủng:

– Xúi quẩy quá, mình đi gặp người ta thế nào đây?

Chu Mẫn nói:

– Không sao, thầy giáo Điệp chẳng phải là người cầu kỳ đâu mà, anh thấy anh ấy ăn mà phát khiếp, người mà anh kể với em ngửa mặt bú sữa bò ấy mà, em biết không, chính là thầy Điệp đó.

Đường Uyển Nhi nói:

– Anh ấy không cầu kỳ không thể so với cái không cầu kỳ của anh và em. Anh và em không cầu kỳ là lôi thôi lếch thếch, anh ấy không cầu kỳ là tự do thoải mái.

Chu Mẫn lại đi ra ngoài tiếp khách, tự xé thịt gà gắp miếng đầu gà bỏ vào bát của Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp cũng gắp một chân gà cho Hạ Tiệp, lại gắp một cánh gà đưa vào đĩa của Chu Mẫn đem vào cho Đường Uyển Nhi. Chu Mẫn nói:

– Uyển Nhi ơi, em mau mau ra đi. Thầy giáo Điệp đã gắp thức ăn cho em đây này.

Đường Uyển Nhi đi ra, e thẹn che mặt đáp:

– Hết sức xin lỗi!

Hạ Tiệp nói:

– Sao lại xin lỗi?

Đường Uyển Nhi nói:

– Đưa cái mặt phồng rộp ra tiếp khách là không tôn trọng mọi người.

Trang Chi Điệp nghĩ bụng: người đàn bà này tình cảm lắm đây.

Mạnh Vân Phòng cười bảo:

– Mặt cô em da mịn thịt non, bị phồng rộp một chút cũng là phá thiếu đối xứng đấy.

Đường Uyển Nhi ngồi xuống, nét mặt vẫn đỏ ửng, vừa bắt gặp ánh mắt của Trang Chi Điệp liền cười ngượng nghịu. Trang Chi Điệp uống rượu vào, người thấy rạo rực lâng lâng, kiếm cớ đi ra nhà vệ sinh. Vừa bước vào, liền đóng chặt cửa, cái của nợ kia đã dựng ngược lên, không sao tiểu tiện được, nhắm mắt lại thở hổn hển, tưởng tượng ra nhiều hình ảnh trong đầu, tự dưng…Trở lại ngồi vào mâm ăn tiếp, khí thế xẹp hẳn xuống.

Đến bốn giờ chiều, tiệc rượu kết thúc. Trang Chi Điệp đứng dậy ra về. Chu Mẫn níu giữ khéo léo thế nào cũng không được. Trang Chi Điệp có việc quan trọng phải đến chỗ Nguyễn Tri Phi. Chu Mẫn tiễn khách ra tận ngã tư, quay về thấy Đường Uyển Nhi vẫn tựa ở cổng, liền gọi một tiếng, chị ta vẫn không có phản ứng. Chu Mẫn bảo:

– Em làm sao mà thừ người ra thế?

Nhìn lên mặt thì vết bỏng đã hết rộp, hình thành một mụn nhỏ, Đường Uyển Nhi tỉnh táo lại, vội hất hàm hỏi:

– Hôm nay em không xấu mặt chứ?

Chu Mẫn nói:

– Không, hôm nay em xinh đẹp hơn bất cứ lúc nào.

Nói xong hôn chị ta một cái, Đường Uyển Nhi cứ để yên cho hôn, song lại nói:

– Cả ba đêu vui vẻ lắm, mọi thứ đều hay, chỉ tiếc phu nhân của Trang Chi Điệp không đến.

Chu Mẫn bảo:

– Nghe thầy giáo Phòng nói, mấy hôm vừa rồi chị ấy ở nhà mẹ đẻ, mẹ chị ấy ốm.

Đường Uyển Nhi nói:

– Chị Tiệp bảo phu nhân của anh ấy xinh đẹp vào loại nhất.

Chu Mẫn nói:

– Ai cũng bảo thế. Trang Chi Điệp đời nào lại chịu lấy một bà vợ xấu xí cơ chứ?

Đường Uyển Nhi thở dài, ngồi lại trên giường đực mặt ra.

/67

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status