Phế Đô

Chương 65 - Chương 65

/67


Các báo chí đăng Trang Chi Điệp thua kiện, trong thành Tây Kinh lập tức đồn rầm lên. Những người trước đây còn chưa biết vụ kiện này lại đi tìm khắp nơi để mua số “tạp chí Tây Kinh” có đăng bài của Chu Mẫn. Lý Hồng Văn đã bí mật đem số tạp chí ấy còn niêm phong giữ lại ở toà soạn bán cho một con buôn sách cá thể với giá cắt cổ, con buôn sách lại nâng giá bán cho các hiệu sách ở ngoài phố. Càng có những tờ báo và tạp chí lá cải đến phỏng vấn toà soạn tạp chí và Cảnh Tuyết Ấm, viết nhiều bài nói về vụ kiện này, nhằm tăng thêm lượng phát hành của mình. Bỗng chốc các phố to ngõ nhỏ xôn xao bàn tán chuyện gì cũng có. Hàng ngày có người đến gõ cửa gia đình Trang Chi Điệp mười mấy lần, mà anh vẫn không mở cửa, còn điện thoại thì reo hết hồi này đến hồi khác, người hỏi tình hình rút cuộc thế nào, kẻ thì an ủi, người thì bất bình hậm hực, kẻ thì chửi bới trách móc. Trang Chi Điệp liền chặt phéng dây điện thoại, không thể tiếp tục ở nhà được nữa, một mình đeo kính râm đi ra phố vốn định đi đến một nơi nào dó, chẳng hạn đến nhà Mạnh Vân Phòng đánh bài, chẳng hạn đi tìm Triệu Kinh Ngũ hoặc Hồng Giang lấy một ít tiền tiêu, chẳng hạn đến bệnh viện tâm thần thăm A Lan. Nhưng hễ đến ngã tư phố, Trang Chi Điệp lại băn khoăn không biết nên đi đâu. Một cái xe đạp đang đi đến trước mặt, anh vội vàng lái sang bên trái nhường đường, thì chiếc xe đạp cũng lách sang bên trái, anh rẽ sang phải nhường đường thì chiếc xe đạp cũng rẽ sang phải. Người kia kêu cuống lên:

– A. . a…

Cả người lẫn xe tránh nhau đã đổ kềnh. Trang Chi Điệp lồm cồm bò dậy, thấy ai đi trên đường cũng nhìn anh cười, hối hả đi theo phố. Người đi xe đạp cưỡi xe đi bên cạnh anh, quay đầu chửi một câu:

– Gà nó mỏ mất mắt rồi hả?

Trang Chi Điệp bỗng chốc nghẹn ứ cổ, đứng đực người tại chỗ không nhúc nhích. Người đi xe đạp đã đi lên trước, song lại ngoặt xe lại đi qua Trang Chi Điệp một lần nữa, vừa đạp chầm chậm vừa hỏi:

Bạn đang đọc truyện tại

– Trang Chi Điệp phải không?

Trang Chi Điệp không nhận ra người đó, mặt anh ta có đầy mụn trứng cá. Người đó bảo:

– Hơi giông giống, không, không phải Trang Chi Điệp.

Xe đạp đã đi qua, Trang Chi Điệp nghĩ bụng, may mà anh ta không nhận ra mình, không thì khó coi quá. Anh đi về phía trước một cách không có mục đích, song lại nghĩ, cho dù anh ta có nhận ra, thì mình cũng không thừa nhận là Trang Chi Điệp! Thế là anh cười không thành tiếng. Chợt nhìn thấy trong ngõ nhỏ bên cạnh có một lá cờ vàng nho nhỏ đang bay dưới cây liễu, trên lá cờ vàng nho nhỏ ấy có viết một chữ “rượu”, đi tới quả nhiên là một quán rượu nhỏ, liền vào quán gọi rượu ngồi uống. Sau khi uống một ly rượu gạo, mới chợt nhớ ra mình đã từng vào cái quán này. Hôm ấy, lúc uống rượu anh đã nhìn thấy con hiền cháu thảo đưa ma đi ngang qua đây, đã từng nghe bản nhạc du dương đưa đám tang trầm bổng rất hay, bỗng chốc anh cảm thấy quán rượu này vô cùng gần gũi, liền không đi đến nhà Mạnh Vân Phòng chơi bài nữa, cũng chẳng thiết đi tìm Triệu Kinh Ngũ và Hồng Giang, móc ở trong giày ra một tờ tiền giấy mua ly rượu thứ hai. Cứ như vậy uống một tiếng đồng hồ, ánh nắng trên bàn đã trượt dần xuống mép bàn. Trang Chi Điệp thỉnh thoảng nhìn ra ngoài cửa sổ và đã nhìn thấy một người đang hối hả đi qua, hình như là Liễu Nguyệt, liền gọi một tiếng, nhưng không được trả lời. Đi ra tựa cửa nhìn xa xa, Người đang đi ở phía trước chính là Liễu Nguyệt. Anh lại gọi một tiếng “Liễu Nguyệt!”, một luồng gió phả vào mồm, chạy lên phía trước được chục mét, thì uỵch một tiếng, say ngã kềnh ra đất, oà oà nôn ra hẳn một đống.

Khi Liễu Nguyệt đang đi lên phía trước, hình như có tiếng người gọi, cô ta đi chậm lại, song không nghe thấy tiếng gọi thứ hai, cứ tưởng nghe nhầm, lại tăng tốc độ. Đã đi khá xa lại cảm thấy không đúng, liền quay đầu lại, thì vừa vặn nhìn thấy một người ngã xuống, trong lòng thấy nghi nghi, liền quay trở lại và kêu a một tiếng:

– Thầy Điệp ơi! Thầy Điệp, thầy say rượu đấy à?

Liễu Nguyệt vội vàng đỡ anh, song đỡ không nổi, liền nhảy sang bên đường vẫy một chiếc taxi. Một chiếc xe taxi phóng qua nhưng lại đang chở đầy người. Lại một chiếc khác đi đến, vẫn chở người. Khó khăn lắm mới vẫy được một chiếc, lại phải năn nỉ với lái xe mãi, cuối cùng mới cùng với cô khiêng người say lên xe. Nhưng khi quay lại thì nhìn thấy con chó đã ăn hết bãi nôn bên cạnh Trang Chi Điệp, nó đang thè lưỡi dài ngoằng liếm vào mặt Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp không đủ sức đủôi con chó, tay giơ ra, mồm nói:

– Đánh chó! Đánh chó!

Liễu Nguyệt đá con chó ra xa rồi cùng với lái xe khiêng Trang Chi Điệp lên xe, phóng vun vút về khu hội văn học nghệ thuật và dìu anh lên nhà rửa mặt súc miệng.

Liễu Nguyệt trông nom Trang Chi Điệp cho tới khi tỉnh dần và trở lại bình thường, thì cô ta oán trách anh không nên uống như vậy có hại đến sức khoẻ, nói xong cô ta mở ví da lấy ra một xấp giấy tiền. Trang Chi Điệp hỏi:

– Em làm gì vậy?

Liễu Nguyệt đáp:

– Em biết hiện nay anh thiếu tiền, nhưng anh thiếu tiền thì cứ bảo với em. Liễu Nguyệt này bây giờ tuy không có vạn quan tiền giắt ở lưng, song cũng không phải như lúc còn làm người hầu việc trong nhà ngày nào. Anh nói với em một câu, cho dù có hạ thấp thân phận của anh, nhưng anh không nên đem thanh danh của mình đi chà đạp bản thân đổi tiền uống rượu!

Trang Chi Điệp nghe đến nỗi đâm ra lẩn thẩn. Liễu Nguyệt liền bảo:

– Anh còn nói dối em hả? Hồng Giang đã kể hết với em rồi.

Trang Chi Điệp càng chẳng hiểu thế nào cả. Từ trong túi áo, Liễu Nguyệt lấy ra một quyển sách mỏng, nói:

– Anh xem đi.

Trang Chi Điệp cầm quyển sách nhỏ xem. Trang bìa hầu như không có vẽ vời gì, trên giấy trắng chỉ in giòng chữ “quá trình vụ kiện chơi bời của Trang Chi Điệp”, bên dưới là mấy dòng mục lục chương tiết chủ yếu, thứ tự là:

Tình cũ khó quên Cảnh Tuyết Ấm, Chu Mẫn viết bài kể trăng hoa. Người đẹp nổi cơn tìm lãnh đạo, một bức thư riêng trơ mặt van xin, toà án trong ngoài mù mịt khói, Chu Mẫn bị phản bội, đáng đời!

Trang Chi Điệp quăng luôn quyển sách nhỏ, hỏi:

– Sao thế nhỉ?

Liễu Nguyệt đáp:

– Ở trong tiệm ca múa, em thấy có người cầm quyển sách này, em giật mình, hỏi mua ở đâu, trả lời mua ở nhà sách “Đại chúng”, em đến nhà sách “Đại chúng” tra hỏi thì Hồng Giang đang ở đó giúp người ta bó loại sách này phát cho bưu điện huyện ngoại thành. Em hỏi Hồng Giang ai viết sách này, đây chẳng phải chà đạp lên thầy Điệp để kiếm tiền ư? Tại sao anh cũng tham gia vào việc này? Hồng Giang đáp anh cũng không biết, loại sách này đã kiếm ra tiền, thì tại sao để người khác kiếm mà mình không kiếm? Chị cả Ngưu Nguyệt Thanh và thầy Điệp đã ở riêng, thầy Điệp ngượng không đến đó lấy tiền, đành phải đến chỗ tôi xin, hiệu sách của mình phải có tiền chứ. Hồng Giang bảo anh cũng ngấm ngầm đồng ý chuyện này, bảo em quan tâm vừa vừa thôi, nói cũng in ít thôi. Sự việc có đúng như thế không?

Trang Chi Điệp nổi giận đùng đùng mắng:

– Cha cái thằng Hồng Giang, nó cũng dám bôi xấu tôi à?

Chửi mắng xong, lại khẽ cười bảo:

– Hì hì, Liễu Nguyệt này, anh không chửi hắn nữa, hắn quả là một người biết buôn bán, anh mắng hắn làm cái quái gì? Anh cũng chẳng truy hỏi ai viết. Chu Mẫn cũng được, Triệu Kinh Ngũ hoặc bọn Lý Hồng Văn cũng được, cứ để cho bọn họ viết, bây giờ cả thành phố đã ầm ĩ lên rồi, anh có thể bịt một hai cái mồm, chứt bịt sao nổi mồm dân toàn thành phố. Thầy Phòng của em đã từng nói chung quanh anh có một loạt người viết văn đang ăn anh, nào ngờ cái hiệu sách mà mình mở, cũng in trộm loại sách này để kiếm tiền, như vậy đã đến phiên anh ăn anh rồi đó!

Liễu Nguyệt nghe Trang Chi Điệp nói thế cũng chua xót trong lòng, liền nói an ủi:

– Thầy nghĩ như thế cũng được. Thầy còn choáng đầu không? Em dìu thầy lên giường nằm một lát.

Trang Chi Điệp lắc đầu, anh bảo không được anh không ngủ, lại nhìn Liễu Nguyệt một cách đáng thương, nói:

– Tại sao anh sống thành như thế này nhỉ? Liễu Nguyệt ơi, em bảo vụ kiện đã kết thúc, sự việc ấy đã xong, tại sao lại trở thành thế này?

Liễu Nguyệt đáp:

– Anh là danh nhân mà!

Trang Chi Điệp bảo:

– Là danh nhân, anh là danh nhân. Bây giờ anh càng là một danh nhân, một cái tên để cười, một cái tên để chửi!

Liễu Nguyệt nói:

– Thầy Điệp này, thầy cũng đừng quan tâm nhiều đến chuyện ấy, thầy là nhà văn, xét đến cùng nhà văn nói chuyện bằng tác phẩm, chẳng phải thầy định viết một truyện dài đó sao? Thầy nên bình tâm lại, dồn sức viết tác phẩm, thầy sẽ có thể vì chính danh của thầy, thầy vẫn có thể tạo ra thanh danh lớn hơn, tốt hơn.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Vậy ư? Vậy ư?

Liễu Nguyệt đáp:

– Đúng vậy.

Nhưng Trang Chi Điệp lại nói bô bô:

– Anh không viết nữa, anh không cần thanh danh này nữa!

Trang Chi Điệp tiễn Liễu Nguyệt về rồi, liền kiên định ý nghĩ của mình không viết nữa. Không bao giờ viết nữa mới gỡ bỏ được thanh danh của mình! Cuối cùng anh đã kết thúc cuộc đời sáng tác của mình bằng một bài viết cuối cùng, anh đã viết một tin dài một ngàn không trăm hai mươi tám chữ nói rõ bở mất ngủ nặng nề dẫn đến mất khả năng sáng tác. Trang Chi Điệp hiện nay thích thú tuyên bố rút khỏi văn đàn. Bài viết xong, ký tên tác giả, gửi tới “văn đàn đạo bảo” đã đăng, các báo và các tạp chí lá cải ở thành Tây Kinh đã đăng tin sốt dẻo này. Tối hôm đó Mạnh Vân Phòng đã đến nhà Trang Chi Điệp hỏi:

– Chi Điệp ơi, anh có biết bên ngoài lại tung tin nhảm nhí về anh không? Họ bảo anh mất khả năng sáng tác, đã rút khỏi văn đàn, đây chẳng phải trò cười ư? Trưa nay, chủ tịch thành phố có gọi mình đến hỏi chuyện gì, mình đáp không thể có chuyện ấy. Chủ tịch thành phố cũng buồn lắm, nói nếu là đồn nhảm nhí thì phải tra hỏi chuyện này ở đâu ra, báo chí ở Tây Kinh tại sao lại có thể bóp chết danh nhân của mình như vậy? Chi Điệp có biết ai viết tin này hay không?

Trang Chi Điệp đã cạo trọc đầu, cái trán bóng loáng, anh đáp:

– Tôi viết đấy.

Mạnh Vân Phòng hỏi:

– Anh viết ư? Tại sao anh chơi đùa với chính mình như thế? Tâm tình anh có tồi tệ đến đâu chăng nữa, thì cũng không được làm như vậy. Anh thử nghĩ, ngoài sáng tác ra, anh còn biết làm được cái gì nữa hả? Ra phố đánh giày ư? Bán bánh quẩy à?

Trang Chi Điệp đáp:

– Tôi không đói là được chứ gì, cho dù có đói, thì tôi đến nhà anh ăn mày, anh cũng không cho ư?

Mạnh Vân Phòng nói:

– Vậy thì thôi, xưa nay có bao giờ anh nghe tôi đâu nhưng tôi xin nói với anh, hiện nay anh không phải là Trang Chi Điệp của Trang Chi Điệp nữa, anh là Trang Chi Điệp của thành phố Tây Kinh anh có lý lẽ thì đi gặp chủ tịch thành phố mà nói! Hôm nay tôi đến còn có một nhiệm vụ, đây cũng là chỉ thị của chủ tịch thành phố, đó là trong ngày tết văn hoá của thành cổ cần anh viết mấy bài quan trọng, trong đó có một bài về huy hiệu biểu tượng của ngày tết. Mình bảo với chủ tịch thành phố, gần đây anh không được khoẻ, chủ tịch thành phố bảo mình viết bản thảo ban đầu đã. Mình viết xong, ông ấy xem, cảm thấy không lý tưởng, nhất định đòi người cao tay như anh sửa chữa tỉa tót cho hay hơn.

Nói xong đưa ra cuốn bản thảo. Trang Chi Điệp cũng không thèm xem, quẳng sang một bên và nói:

– Tôi mất khả năng sáng tác rồi, viết không nổi, chữa cũng không nổi.

Mạnh Vân Phòng đáp:

– Anh nói dối người khác, chứ nói dối Mạnh Vân Phòng này ư? Cho dù anh yên tâm không lên tiếng nữa, bài văn này coi như ký tên mình, anh cũng vẫn phải sửa chữa giúp.

Trang Chi Điệp nói:

– Tôi có thể giúp anh, cũng chỉ giúp anh được lần này, nhưng không được để lộ với chủ tịch thành phố một chữ nào đâu đấy nhé?

Mạnh Vân Phòng ra về. Trang Chi Điệp bắt đầu đọc và sửa bài. Anh rất buồn cười ngày tết văn hoá ở thành phố thiếu gì thứ để làm huy hiệu, là biểu tượng mà lại phải chọn con gấu mèo to cơ chứ! Gấu mèo to là con vật mà Trang Chi Điệp ác cảm hơn cả, tuy nó hiếm ở trên đời, nhưng nó đần, biếng nhác, ấu trĩ, nhất là cái dáng thơ buồn cười, làm sao có thể tượng trưng cho thành phố này và nền văn hoá của thành phố này? Trang Chi Điệp quẳng bút đi không sửa nữa. Không sửa nữa song lại nghĩ, có lẽ lấy gấu mèo to làm biểu tượng ngày tết là thích hợp chăng, cái thành phố bé nhỏ này lấy gấu mèo to như thế để tượng trưng là đáng đời lắm. Anh không muốn viết một đề nghị thay đổi vật tượng trưng, ví dụ con chim ưng, con ngựa, con bò, thậm chí con chó sói, nhưng anh không muốn sửa bài văn ca ngợi con gấu mèo này tới mức vô cùng tốt đẹp hay ho, thế là cố ý gạch xoá mấy đoạn, cho thêm nhiều lời vào, những lời ấy lộn xộn, trục trặc lung tung. Viết xong, hôm sau không gọi Mạnh Vân Phòng đến lấy, mà trực tiếp gửi cho chủ tịch thành phố. Vừa ra khỏi bưu điện, không ngờ lại gặp Nguyễn Tri Phi. Trang Chi Điệp quả thật ngạc nhiên, Nguyễn Tri Phi không đeo kính râm, hai con mắt đen lay láy. Anh hỏi:

– Mắt anh chữa khỏi rồi à?

Nguyễn Tri Phi đáp:

– Chữa khỏi rồi, vừa ra viện định đi thăm anh, nhưng chủ tịch uỷ ban thành phố cứ giữ lại, cử đi Thượng Hải mua một bộ nhạc cụ, tôi bị cử vào ban trù bị ngày tết văn hoá! Chứ không à, vừa mới ba hôm nay, đang bận mải rối tinh rối mù lên, vẫn chưa đến thăm anh được.

Nguyễn Tri Phi nhìn Trang Chi Điệp, đột nhiên nghi ngại hỏi:

– Anh làm sao thế? Mắc bệnh gì phải không? Anh đừng có xảy ra chuyện gì nữa, giống như Uông Hy Miên để tôi phải lo đấy!

Trang Chi Điệp hỏi:

– Hy Miên làm sao?

Nguyễn Tri Phi hỏi lại:

– Thế anh không biết gì ư? Việc này đầu tiên không nên để bất cứ ai biết, Hy Miên lại vẽ tranh giả các ngành hữu quan đang kiểm tra truy tìm.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Có quan trọng lắm không?

Nguyễn Tri Phi đáp:

– Hiện giờ chưa nói được, xem ra không quan trọng lắm. Chi Điệp ơi, anh phải đi bệnh viện khám sao, chắc chắn anh bị ốm.

Trang Chi Điệp đáp:

– Không có bệnh gì đâu.

Nguyễn Tri Phi hỏi:

– Vậy thì tại sao bỗng chốc lùn đi thế?

Trang Chi Điệp đâu có bé nhỏ đi, nhìn vào thể mình, anh cười bảo:

– Anh từ Thượng Hải về, đừng ăn nói bậy nhìn cái gì cũng trái mắt!

Nguyễn Tri Phi nói:

– Chuyện ấy cũng đúng. Thượng Hải người ta….

Trang Chi Điệp cười cướp lời:

– Được rồi, được rồi, nói anh chân nhỏ đủ vịn tường đi chứ gì, mỗi lần đi Thượng Hải, khi về Tây Kinh, cũng cảm thấy đường phố Tây Kinh hẹp đi, bẩn đi, người Tây Kinh ai cũng quê mùa, dăm ba hôm sau, cảm giác này không còn nữa. Không sao đâu, đến chỗ tôi uống rượu nhé!

/67

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status