Phát Súng Ân Tình

Chương 2: chương 2

/9


Sáng hôm sau đi làm - tôi làm luôn cả ngày thứ bảy - vừa rồ máy xe là tôi đã trở nên háo hức muốn phóng hết ga để mau tới gặp ông Bob mà khoe cái chuyện lần đầu tiên giết người thành công của mình. Nhưng, lúc quẹo xe vào bãi đậu, sự háo hức của tuổi trẻ lắng xuống nhường chỗ cho sự thận trọng và... nhát gan bình thường.

Tôi sực nhớ những câu chuyện xảy ra trong tòa án đã đọc được trên báo hàng ngày. Nhiều thằng lì lợm khéo léo, làm nhiều việc tày trời mà pháp luật không bao giờ đụng đến được một sợi lông cho đến khi, trong một lúc đắc thắng, vui mồm lỡ miệng khoe chuyện mình làm cho vợ hay bạn bè nghe. Vợ rồi sẽ có lúc bỏ mình, bạn bè rồi sẽ có lúc hết thân với mình. Hết thân nhau rồi thì một cú điện thoại vào sở cảnh của mụ vợ để trả thù chồng, hay của thằng bạn muốn hại mình, là một chuyện rất dễ làm. Tôi toát mồ hôi khi nghĩ đến đó. Mình không thể nào chơi ngu như vậy được. Tôi rất quý ông Bob nhưng đâu có thể để ông ta cầm tù mình suốt đời được.

Thế là quyết định nín khe, không thèm nói gì cả. Đối với một người tuổi trẻ háo thắng như tôi lúc ấy, chuyện này rất khó làm nhưng rồi tôi cũng giữ im lặng được. Thật ra câm mồm cũng chẳng khó lắm. Chỉ cần nghĩ tới hình ảnh cái ghế điện lạnh lẽo trong khám đường thì dù có ngứa mồm tới đâu cũng cảm thấy... hết ngứa, phải khóa họng lại.

Nhưng ông Bob, một tay giang hồ lão luyện đã bôn ba khắp nơi trên thế giới, đã từng đi lính TQLC Mỹ cho đến lính Lê Dương của Pháp quả thật là một tay tinh đời. Vừa nhìn thấy mặt tôi là ông ta đã nhận ra sự khác lạ liền. Ông mỉm cười bí mật, hỏi dồn dập:

- Mày giết thằng da đen đó rồi phải không?

Tôi lắc đầu, cố giấu vẻ hãnh diện vừa bùng dậy trong lòng, trả lời ra dáng mệt mỏi:

- Chưa! Nhưng mà có lẽ tôi không còn ý định giết nó nữa?

- Trời đất, sao vậy mày?

Tôi suýt bật cười vì thái độ sốt sắng của ông Bob. Hễ cứ nghe nhắc tới đánh đấm hay bắn nhau thì mắt của ông cựu TQLC này sáng trưng lên. Người như thế mà phải làm đầu bếp thì cũng uổng thật. Tôi nhún vai trả lời lạnh lùng:

- Giết người không phải là lối giải quyết của tôi. Bạo lực chẳng đi đến đâu cả.

Ông Bob đứng chưng hửng một lúc rồi nhún vai, mặt xệ xuống ra dáng thất vọng lắm.

Ông phán một câu trước khi bỏ đi:

- Đồ cái thằng chết nhát (nguyên văn tiếng Mỹ: You're chicken).

Bình thường mà bị nghe chửi như vậy thì tôi cảm thấy nhục nhã lắm nhưng trong trường hợp này, tôi lại cảm thấy... khoái chí vô cùng mới là kỳ. Lần đầu tiên kể từ khi vào làm việc ở đây, tôi đã lừa được con người khôn ngoan ghê gớm này. Trong khách sạn này, từ lão quản lý lớn cho đến thằng tận cùng làm nghề rửa chén như là tôi, chưa hề có ai lừa được ông Bob.

° ° °

Tôi nhìn theo ông ta, cười thầm trong bụng, toan bỏ đi, bỗng ông Bob dừng chân rồi bất ngờ quay người lại. Ông nhìn xoáy vào đôi mắt tôi làm tôi giật nảy mình như thằng bé đang ăn vụng bị bắt quả tang. Ông ta tiến tới kéo tôi ngồi xuống ghế:

- ĐM cái thằng Vietnamese refugee này ghê gớm thật. Mày dám lừa luôn cả tao à?

Tôi cứng họng chưa biết trả lời sao thì ông ta nói luôn:

- Để tao hỏi mày. Tại sao mặt mũi mày bơ phờ như vậy?

- Tối hôm qua tôi đi chơi về trễ, ham vui.

- Chơi chỗ nào?

- Đi uống rượu ở mấy cái bar.

- Bar nào? Tên gì, ở đường nào?

Tôi ú ớ không trả lời được. Bob cười cười, nheo một con mắt lại:

- Thằng da vàng này gớm thật, nhưng phải nói là tao phục mày. Người ta thường thường bị chết oan uổng là bởi vì cái lỗ miệng. Mày giữ được cái lỗ miệng như vậy thì thế nào cũng làm được chuyện lớn:

Tôi nhún vai:

- Nhưng tôi có làm gì đâu?

Ông ta lắc đầu, cười rồi vỗ vỗ vào vai tôi, dáng thân thiện:

- Ừ, mày chẳng có làm gì hết. Tao biết. Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Ngày xưa, lần đầu tiên tao giết người, tao cũng y hệt như mày vậy. Đừng có lo...

Tôi cũng cười cười, nói "Xin lỗi, tôi phải đi rửa chén..." rồi đứng lên bỏ đi. Tuy không nhìn lại nhưng tôi biết Bob đang ngồi nhìn theo tôi...

Quá trưa một chút, tôi xin nghỉ sớm đi về. Ông Bob đồng ý ngay, chẳng hỏi thêm một câu. Sở dĩ tôi muốn về nhà sớm hôm nay vì tôi muốn chứng kiến những gì xảy ra khi xe rác tới xúc rác.

Tôi nhớ đã đọc được ở Việt Nam trong một cuốn sách viết về tội phạm, nói rằng kẻ sát nhân luôn luôn trở lại chốn phạm trường để nhìn nạn nhân mình. Tôi ngạc nhiên và thấy khâm phục ông tác giả này vô cùng vì điều này quả thật là đúng trong trường hợp tôi. Giết thằng Rao xong tôi cẫn còn thấy chưa đã, tôi muốn nhìn thấy tận mắt thiên hạ bốc xác nó ra khỏi thùng rác. Thật trên đời này không còn cảm giác nào sung sướng cho bằng.

Lái xe về nhà, từ đàng xa tôi đã thấy hồi hộp, bàn chân ga của tôi hơi run lên khi nghĩ đến không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình. Rất có thể là đã có hai ông cảnh đang ngồi chờ tôi ở trong phòng. Cũng rất có thể là đã có sẵn một bọn Mỹ đen với chừng chục họng tiểu liên đang chờ tôi ở ngoài bãi đậu xe. Tôi chỉ cần mở cửa bước ra là chúng nó đốn tôi ngã liền. Và cũng rất có thể là chẳng có gì xảy ra cả...

Nhưng càng tới gần nhà thì càng thấy... bớt run bởi vì khu chung cư vẫn bình thường như mọi ngày. Bãi đậu xe vắng tanh. Xa xa phía trong vẫn là hình ảnh bình thường của cái cảnh tụ năm tụ ba của những kẻ vô công rỗi nghề. Dưới đất, đó đây vẫn lác đác những rác rưởi, vẫn tiếng nhạc loạn cuồng phát ra từ những chiếc máy casette trong không gian...

Tốt. Mọi chuyện đều trở lại bình thường. Từ thuở nhỏ, tôi vốn rất ghét những chuyện bất bình thường.

Tôi thắng xe, bước xuống. Cái cảm giác sẽ không còn bị thằng Rao chặn đường đòi tiền mãi lộ làm cho lòng tôi cảm thấy sung sướng và thoải mái. Phải nói là thoải mái và sung sướng. Tôi bình thản đi vào chung cư nhưng cặp mắt vẫn cứ láo liên, đề phòng một thằng nào đó bất ngờ xông ra chĩa súng vào tôi mà bóp cò... Nhưng tôi lên tới phòng mà chẳng có ai để ý tới tôi cả.

Tôi tắm rửa thay đồ rồi ra ngồi nơi phòng khách khui bia uống, vừa coi ti vi vừa nhìn xuống nhà để chờ chiếc xe rác tới. Tôi cứ thầm cầu nguyện cho chiếc xe rác đến xúc trước khi trời tối để thiên hạ có thể nhìn thấy xác chết của thằng Rao.

Lời cầu của tôi "linh" thật. Khoảng 4 giờ chiều, chiếc xe rác chậm chạp quẹo vào chung cư, tiếng máy xe gầm rú như thường lệ. Chiếc xe từ từ bò tới thùng rác. Tôi hớn hở tắt ti vi bước ra đứng ngoài lan can, bình thản nhìn xuống như một người vô sự.

Chiếc xe rác thắng, rú ga, de lui rồi đút đầu tới. Người tài xế hạ hai cái cảng xuống, từ từ móc vào hai bên hông thùng rác. Thùng rác to lớn bắng sắt đựng xác thằng Rao từ từ được nâng lên. Đến lúc đó, tôi mới đau lòng nhận ra một điều là sẽ chẳng ai có thể nhìn thấy xác thằng Rao cả... Chiếc xe xúc rác sẽ nâng cao thùng rác lên quá đầu, đưa ra sau rồi đổ nó xuống. Người tài xế nếu để ý lắm thì có thể nhìn thấy được xác nó trong cái núi rác qua cái kiếng chiếu hậu nhỏ nhưng hôm nay là chiều thứ bảy, tôi dám chắc thằng tài xế chỉ mong đổ rác cho lẹ để còn về nhà ăn nhậu.

Tôi quả tình thất vọng thật nhưng tự an ủi, dù sao thì mình cũng giết nó chết rồi.

Hai cái cảng sắt đưa thùng rác lên cao quá đầu chiếc xe rồi chuyển ra sau. Đồng thời, nắp trên của chiếc xe khổng lồ cũng rú lên kèn kẹt, mở cửa ra để chuẩn bị nhận rác.

Thùng rác từ từ nghiêng xuống, và theo đà nghiêng, từ trong, rác cũng từ từ chảy xuống, dù mới đầu rất chậm...

Tôi nín thở chờ đợi...

Rác bây giờ bắt đầu rớt xuống nhiều nhưng tôi vẫn chưa thấy xác thằng Rao đâu cả. "Ủa, thằng nhọ này trốn đi đâu nhỉ..." Đang tự hỏi lòng mình như thế thì tôi nhìn thấy lẫn lộn trong đám rác rưởi, cái xác chết be bét máu của thằng Rao lòi ra. Nhìn thấy là tim tôi như ngừng đập ngay, một cảm giác... sung sướng chen lẫn kinh hoàng chạy rần rần khắp người tôi.

Xác thằng Rao rồi cũng từ từ tuột ra. Tôi toan đưa tay ra vẫy chào vĩnh biệt thì nhận thấy một chuyện lạ. Chuyện lạ đó là xác chết thằng Rao không rớt tỏm vào trong thùng mà lại nằm vắt vẻo nửa trong nửa ngoài trên nóc chiếc xe rác. Không biết có phải vì xác nó nặng quá không rớt xuống sâu được hoặc hay vì xe rác đã quá đầy, không thể nhét thêm được nữa. Vì lý do gì đối với tôi lúc ấy không quan trọng lắm, nhưng tôi biết chắc một điều là với cái xác người nằm như thế đó, dân chúng ở khu chung cư này sắp sửa được xem một màn hấp dẫn ngoạn mục.

Nhất định là phải ngoạn mục như xem một cuốn phim xi nê...

Và tôi đã đoán đúng. Người tài xế, chẳng hề biết sau xe mình có một cái xác người máu me nằm vắt vẻo, vừa hạ thùng rác xuống, thò tay rút điếu thuốc lá nơi miệng vất đi, toan sang số để de lui thì nghe được một tiếng thét thất thanh rú lên từ phía sau xe. Tôi cười thầm. Bọn này quả thật là nhát gan. Nhìn thấy xác chết thì xác chết, có gì đâu mà phải la toáng lên như vậy?

Tiếng la đó kéo theo nhiều tiếng rú khủng khiếp nữa. Anh chàng tài xế da đen lái xe rác bấy giờ mới thắng xe, mở cửa leo xuống. Hắn hỏi người đàn bà rồi quay lui nhìn lên và nhận ra ngay một xác chết đang nằm vắt vẻo trên cái càng xúc rác của hắn. Thế là anh tài xế cũng rú lên một tiếng và đưa tay làm dấu thánh giá lia lịa.

Tôi lại mỉm cười. Lạnh lùng và thâm độc. Tôi ngạc nhiên về sự bình tĩnh của mình lúc ấy. Trong khi tôi vẫn đứng yên nhìn thì nhiều người từ trong chung cư mở cửa chạy ra. Nhiều tiếng xì xào nổi lên. Chẳng bao lâu sau đó, mọi người trong chung cư đã tới quây quần bên chiếc xe rác.

10 phút sau, ba chiếc xe cảnh sát và một chiếc xe cứu thương chớp đèn phóng thẳng vào khu chung cư. Lại có thêm cả một xe chửa lửa mới là lạ lùng.

Xác thằng Rao được kéo xuống, để trên một cái băng ca. Mấy người cảnh sát và cứu thương đứng xúm chung quanh cái xác chết. Tôi để ý một điều là họ làm việc tỉnh bơ, nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, chẳng có dấu gì là ghê gớm hay khẩn cấp cả. Khi người ta phủ tấm ra trắng lên người thằng Rao thì tôi quay lui, trở vào phòng đóng cửa lại và khui bia uống.

10 phút sau xe Hồng Thập Tự rút. Rồi xe cảnh sát cũng biến mất luôn. Tôi chẳng thấy ai điều tra hay hỏi han ai một câu nào cả. Sinh hoạt trong cái chung cư rẻ tiền lại trở về bình thường. Bọn da đen vẫn tụm năm tụm ba để đàn đúm với nhau, vẫn hút xì ke và nhún nhẩy cái mông đít như chẳng hề có chuyện xảy ra, như thằng bạn thân của nó chưa hề bị bắn chết thê thảm. Mẹ, tình bạn của bọn đen này thật là nhẹ như lá mùa thu. Những người còn lại trong chung cư thì chẳng ai thèm thắc mắc hay bàn tán, hay bận tâm đến cái chết của thằng nghiện hút da đen, một kẻ cùng đinh trong xã hội.

Tối đó, tôi nghiệm ra một chân lý mới trong đời sống mình. Giết một thằng cùng đinh trong xã hội thật là dễ dàng. Và chân lý này đã trở nên nền tảng cho những việc tôi làm về sau này.

Ngày hôm sau khi thằng Rao chết, tôi thấy việc đi xuống để đàn đúm với chúng nó chẳng còn cần thiết nữa nên lên giường ngủ sớm. Nhưng giỗ giấc ngủ mãi không được vì cứ nằm xuống là bị xác chết của thằng Rao lại hiện trở về ám ảnh tôi. Có một lúc, hình như tôi lại nhìn thấy nó đứng chập chờn ngoài cửa sổ, vừa khóc vừ rú lên mấy tiếng "motherf... sao mày lại giết tao?"

Hai hàm răng trắng nhởn của nó làm tôi lạnh mình.

Tôi hoảng hồn thò tay chụp cây súng, ngồi dậy. Thằng Rao lại biến mất. Tôi liền bật hết đèn đuốc lên và chợt nhận ra mình mẩy tôi ướt đẫm mồ hôi không biết từ lúc nào. Tôi uống thêm mấy lon bia để dỗ giấc ngủ nhưng khốn nạn, bia uống càng nhiều thì càng lại mất công đi vào cầu tiêu để xả nước, ngủ cũng đếch được. Tôi bèn thay đồ, phóng xe ra tiệm 7/11 mua một chai Huýt Ky rẻ tiền. Sau khi tu gần hết chai huýt ky, say hết biết trời đất tôi mới tìm được giấc ngủ.

Nhưng ngày hôm sau tôi phải trả cho giấc ngủ mình bằng một giá rất đắc. Ngay sau khi thức giấc, tôi bị "ảnh hưởng" chai rượu hành đến rả người ra. Đầu thì nhức như búa bổ, mắt hoa chẳng nhìn thấy đường, bao nhiêu thức ăn thức uống mấy ngày nay cứ muốn dội ngược trở ra nơi đằng miệng... Trong lúc chui vào cầu tiêu để nôn mữa, tôi giật mình nghĩ ra một chuyện: nếu ngày nào cũng phải tu hết một chai Huýt ky như thế này rồi mới ngủ được thì chẳng bao lâu tôi phải xuống lỗ mà nằm với thằng Rao. Tôi không muốn chết sớm cho nên mới nghĩ ra thêm được một chuyện khác.

Thế là tắm rửa thay quần áo xong, tôi hối hả phóng xe ra phố, vào một tiệm bán đồ Tàu để mua một bó nhang. Tối đó, chờ cho mọi người trong khu chung cư đi ngủ hết, tôi nhét cây súng vào bụng, cầm theo ba cây nhang rồi mở cửa bước xuống. Tới chỗ thùng rác, tôi đốt nhang, quỳ xuống lạy ba lạy rồi nói:

- Rao! Tao bình sinh là một kẻ hiền lành, không muốn gây gỗ, không muốn... giết người. Nhưng mày làm quá, ép tao quá, cực chẳng đã tao phải giết mày. Bây giờ thì tao hối hận vô cùng. Nhưng dù sao thì mày cũng đã chết rồi. Sống khôn chết thiêng, tao cầu xin vong hồn mày tiêu diêu nơi miền cực lạc và đừng có về đây phá tao...

Tôi lại lạy thêm mấy lại, toan đứng lên cắm 3 cây nhang vào mép thùng rác nhưng lại sực nghĩ ra một chuyện. Thằng Rao này người Mỹ đen mà mình khấn bằng tiếng Việt thì làm sao nó hiểu mình được. Mình cùng vái thành khẩn như thế mà lỡ nó không hiểu, nó tưởng mình đùa dai hay chửi cha nó như ngày nào, tối nay nó lại hiện về đòi mạng nữa thì bỏ mẹ. Nghĩ xong là tôi liền cúi rập người ba cái nói bằng tiếng Mỹ như sau:

- Rao! I am sorry. I am very sorry. I don't want to fuck with you, but you kept fucking with me so I have to fuck with you. Now, you die, don't come back. You go away. Thank you.

Tôi vẫn biết rằng trong lúc cúng vái, mình không nên "phắc phiết" để làm mất vẻ trang nghiêm đi, nhưng tôi nghĩ, nói chuyện với thằng Rao mà muốn cho nó hiểu thì phải vậy. Hơn nữa, tuy lòng tôi cũng muốn đọc một bài điếu văn cho nó văn vẻ đàng hoàng nhưng cái vốn liếng chữ nghĩa tiếng Anh chỉ có bấy nhiêu thì biết sao?

Khấn xong tôi dập đầu lạy ba cái rất thành khẩn rồi đứng lên nhét 3 cây nhang vào mép thùng rác. Kỳ lạ thật, tối hôm đó và những đêm sau tôi ngủ được những giấc ngủ ngon lành. Thằng Rao chẳng bao giờ trở về nữa. Ai bảo cúng vái là không linh?

Và cũng kể từ khi thiên hạ tìm thấy xác chết thằng Rao trong thùng rác, tôi để ý đến một điều là nhiều người trong chung cư nhìn tôi bằng một cặp mắt khác lạ. Tôi phải dùng chữ khiếp sợ hay kính phục mới đúng.

Mới đầu tôi ngạc nhiên về chuyện này lắm vì chẳng ai nhìn thấy tôi giết người cả, nhưng suy nghĩ kỹ lại thì chuyện này chắc cũng dễ hiểu thôi. Đơn giản lắm. Chuyện vỏ xe tôi bị cắt, cả building này ai cũng biết. Mọi người còn biết là chính tôi đã bị thằng Rao đấm chảy máu mũi, và sau đó là mấy cái vỏ xe của tôi bị cắt đứt. Bây giờ, tự nhiên cái thằng đấm tôi chảy máu và cắt vỏ xe tôi bị bắn chết tươi trong thùng rác thì dù dốt nát và làm biếng suy nghĩ đến đâu đi nữa, người ta cũng có thể ngờ ngợ nghĩ ra kẻ bắn chết thằng Rao là ai.

Còn ai vào đây nữa?

Tôi không ngờ chuyện giết người cực chẳng đã của mình lại biến tôi thành một thứ "anh hùng" của chung cư. Dân da đen nghèo và dân hút xách ở trong chung cư sợ tôi thì khỏi nói rồi, ngay cả những người lao công, những người thợ điện làm việc cho chung cư cũng có thái độ hoàn toàn khác hẳn với tôi. Tôi nhớ ngày xưa, khi cái bóng điện ở cầu thang bị cháy, đi đêm về có lần vấp suýt té, tôi gọi điện thoại giục lên giục xuống mấy lần mà chẳng có mà nào thèm đến thay. Bây giờ chỉ cần hỏi một câu là đi làm về, tôi thấy một loạt bốn năm cái bóng đèn được bắt lên sáng trưng. Có cả những cái đã cháy từ trước khi tôi dọn vào vẫn được sửa chữa lại đàng hoàng.

Một lần khác đang ngủ, bị tiếng nhạc từ căn phòng nhà dưới mở lớn quá, tôi bực mình lấy chổi dộng xuống nền nhà mấy cái để làm dấu cho người ở dưới biết. Chuyện này ai đã ở trong chung cư thì biết là nó xảy ra rất thường. Có khi mình dộng như vậy, gặp chủ nhà biết điều thì họ vặn nhỏ nhạc đi nhưng gặp thằng say rượu hay thằng ba trợn thì nó còn mở lớn hơn nữa để chọc tức.

Số tôi xui, hôm ấy tôi gặp một thằng say rượu nên nó mở lớn hơn nữa.

Nằm suy nghĩ một lúc, chẳng biết làm sao hơn, tôi bèn ngồi dậy, mặc đồ đi xuống nhà dưới tính gặp chủ nhân để nói chuyện phải trái, hay năn nỉ để nó cho tôi ngủ ngày mai còn đi làm. Không ngờ, khi mở cửa ra vừa nhìn thấy tôi, thằng da đen chủ nhà giựt nảy mình lên như vừa nhìn thấy một thằng... ác quỉ. Nó sợ đến tái mặt đi, mếu máo nói "sorry, sorry" loạn cào cào đến độ văng cả nước miếng vào người tôi. Nó nói nó không biết người ở trên là tôi, nếu biết thì nó đâu dám hỗn như thế. Rồi nó năn nỉ tôi tha tội cho nó, đừng đem nó ra thùng rác mà... giết.

Dĩ nhiên, tôi khoái chí lắm nhưng cũng khiêm nhường cho biết rằng đời tôi, tôi chưa bao giờ giết ai cả, tôi chỉ muốn năn nỉ hay nói phải trái với nó thôi.

Thằng đen nghe vậy thì càng tái mặt và càng năn nỉ to hơn nữa. Hai tay nó ôm lấy tay tôi, nước mắt nó như muốn chảy ra. Tôi nói "Every thing will be OK" rồi bỏ đi. Bỏ đi mà lòng dâng lên một cảm giác sung sướng khó mà tả được. Ôi, cuộc sống thật là tuyệt diệu nếu mình có uy quyền trong tay và ai cũng sợ mình.

Dĩ nhiên, tiếng nhạc không còn bao giờ được nghe nữa và tuần sau, thằng da đen đó bỏ đi mất biệt. Tôi cũng chẳng tiếc gì.

Thế là tôi thấy mình khỏi cần phải dọn đi đâu nữa. Mình đang làm vua ở đây, ngu gì lại bỏ một chỗ mà ai cũng khiếp sợ mình để ra đi. Hơn nữa, tiền nhà ở đây chỉ có 25 đô một tháng trong khi những nơi khác, chỗ rẻ nhất là 150 đô, tức gấp 6 lần. Vốn là một con người bần tiện, lại sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nên tôi quý trọng đồng tiền ghê lắm. Tôi ngu gì bỏ một "chỗ 25 đồng" để đi lấy một "chỗ 150 đồng."

Trong một giây phút hứng tình, tôi định bụng sẽ ở lại đây cho đến già.

Tuy thế, vì từ thuở nhỏ tôi đã ham mê nghiên cứu binh thư nên tôi không ngủ quên trên chiến thắng mà luôn luôn đề phòng tối đa. Tôi chẳng bao giờ khinh địch cả. Kẻ thù thường chờ đến cái lúc bất ngờ nhất, cái lúc mà mình yếu đuối nhất hay sơ hở nhất để tấn công. Biết đâu thằng Rao lại chẳng có bà con hay bạn bè thân thiết muốn báo thù cho nó? Tuy bọn đen này chẳng đứa nào biết về binh thư nhưng tôi không muốn đùa với mạng sống mình. Chơi một canh bạc thua cháy túi còn đi làm lụng xây dựng lại được chứ mạng sống mà mất thì không thể kiếm lại được. Vì thế, khi đi đâu về vào những buổi tối, tôi luôn luôn rút súng đút vào bụng và đứng lặng yên trong bóng tối như vậy để dò xét trước khi bước đi...

Đó là lý do tại sao tôi phải luôn luôn thủ cây 38 Special trong người và đi đứng luôn luôn coi chừng trước sau như buổi tối hôm ấy.

Tối hôm đó, tôi đứng lặng trong bóng tối để dò xét như thường lệ và đồng thời tận hưởng cho đã mùi nước mắm... thân yêu mà đã lâu tôi chưa được ngửi.

Ngày hôm sau tôi được biết tên gia đình mới dọn tới là anh chị Báu. Sau khi ra khỏi trại tị nạn, hai người ở tiểu bang Idaho nhưng tìm cách dọn về đây vì không chịu nổi khí hậu lạnh. Gia đình anh Báu có ba người con, hai trai một gái. Anh Báu ngày xưa là sĩ quan Hải quân, tôi là sĩ quan Không quân. Hai ông "quân" gặp nhau, và ai cũng có tật thích đấu nên chúng tôi dễ trở nên thân thiết.

Tôi bảo anh Báu:

- Ở đây cũng chẳng ấm cúng hơn gì. Kansas City tuần trước tuyết xuống 11 inches. Sau đó lạnh xuống gần 0 độ.

Anh Báu nhìn ra xa, đáp:

- Lạnh ở ngoài không bằng lạnh trong lòng. Lạnh trong lòng mới đáng sợ.

Lúc ấy tôi đã uống mấy chai nên không hiểu anh Báu muốn nói gì. Mãi sau này, 10 năm sau, khi trở lại thành phố Kansas City, tôi mới hiểu câu nói ấy…

Sau khi dọn nhà về đây được ít lâu, anh Báu xin được việc làm ở một nhà in. Tuy lương không cao lắm nhưng tương lai có phần sáng sủa hơn cái công việc chùi nhà và rửa chén của tôi.

Và thời gian bình lặng trôi qua...

Một ngày, anh Báu đi làm về, đậu chiếc xe Oldsmobile Cutlas mới tinh bóng lộn trong bãi đậu làm cả chung cư phải ngạc nhiên. Thật ra, chiếc xe mà anh Báu vừa mua không phải là xe mới cắt chỉ, nhưng trong khu chung cư nghèo hèn này, lái một chiếc xe second-hand mới có vài năm, lại được dealer đánh bóng lộn lên như xe mới thì kể như là sang trọng quá rồi. Thiên hạ... da đen thì thầm bàn tán. Có nhiều người khen, cũng có nhiều người chửi thề vì sự ghen tức. Có thằng chẳng thèm giấu giếm, đứng ngay trên lầu chửi tọt xuống: "Motherf..., tao sinh ra và lớn lên ở đất nước này mà suốt đời tao chưa hề làm chủ được chiếc xe mới. Thằng tị nạn da vàng này, nó mới đến có mấy tháng mà đã mua được xe hơi rồi."

Một giọng khác tiếp theo: "Motherf..., mày không biết đó chớ chính phủ mình cho tụi nó nhiều tiền lắm. Nghe nói mỗi đứa vào đây được thưởng 10 ngàn đô la và tụi nó không phải đóng thuế..."

Khốn nạn thật! Chỉ vì một người tị nạn da vàng lái chiếc mới vào đậu trong chung cư mà mọi người da vàng khác đều phải nghe chửi. Tôi bực mình lắm nhưng chẳng biết làm gì. Dĩ nhiên, anh Báu phải nghe đủ hết nhưng cũng chẳng hé răng. Có lẽ anh nghĩ, mình là dân đi xe mới thì trách bọn đi xe cũ hay đi bộ làm chi.

Tối đó tôi ăn cơm nhà anh Báu. Hai người uống hết một két bia để mừng chiếc xe mới. Tôi uống nhiều và cảm thấy ái ngại dùm cho anh. Là một người tị nạn mới tới Mỹ, lại ở trong một chung cư hỗn tạp như thế này không nên đi xe mới quá. Tôi ngờ ngợ nghĩ rằng chiếc xe này rồi sẽ trở thành một rắc rối cho anh. Tuy nghĩ vậy nhưng tôi không dám nói ra sợ anh buồn.

Quả thật, đúng như tôi nghĩ, kể từ khi có chiếc xe mới, anh Báu được nhiều người trong chung cư để ý và dòm ngó. Và chuyện này đã suýt gây ra một thảm kịch trong gia đình anh...

Số là, khu chung cư tôi ở, mỗi building có một nhà giặt dưới hầm. Cái hầm giặt đồ này, không biết đối với ai người ta thế nào chứ riêng tôi, mỗi lần đi giặt đồ, nhất là vào những buổi tối, tôi cứ thấy rờn rợn trong người. Vì thế, sau khi giết thằng Rao, mỗi lần đi giặt tôi luôn luôn lận cây P.38 gia bảo trong bụng. Nhiều hôm trời lạnh, nhét súng vào bụng, nòng súng dài chạm thật lạnh làm tôi thón người lên, đi đứng lọm khọm khổ sợ như một thằng đau lậu. Tôi nghĩ, nếu có đứa nào muốn phục kích tôi thì chỗ đó là chỗ lý tưởng nhất.

Một tối, chị Báu đi giặt đồ thế nào không biết thì bị một thằng da đen rình sẵn từ trong bóng tối nhảy ra đè chị xuống...

Tôi không biết nó có làm gì được chị không nhưng theo lời chị Báu kể thì nó chưa sơ múi gì được nhờ chị mặc cái quần sì líp bằng lụa, thằng da Đen tuột mãi không được. Ấy cũng là theo lời chị nói, và tôi không muốn tìm hiểu thêm làm gì, nhưng tôi ngờ ngợ là chị không nói thật. Một thằng đen to con lớn xác như vậy mà đè được một người đàn bà Á Đông bé bỏng ở dưới hầm thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xãy ra được. Hơn nữa, trừ những trường hợp đặc biệt, đàn bà bị hiếp dâm thường có khuynh hướng muốn quên chuyện ấy đi. Ở Mỹ, theo số thống kê mà tôi đọc, cứ 10 người đàn bà bị hiếp thì chỉ có 1 người đứng ra tố cáo kẻ hiếp dâm mình.

Cũng theo lời chị ấy kể, may nhờ... chiếc quần sì líp bằng lụa và nhờ chị Báu có biết chút ít võ nghệ (chuyện này tôi nghĩ là có thật vì hai vợ chồng anh chị Báu là người Bình Định, vốn là một vùng đất "con trai múa gươm con gái đi quyền") lại nhanh trí, đá một cái thật mạnh vào hạ bộ thằng đen rồi bỏ chạy được.

Chị về phòng vừa khóc tức tưởi vừa kể lại chuyện xảy ra cho chồng nghe.

Dĩ nhiên, trong tất cả mọi vụ hiếp dâm, người vợ có thể quên được dễ dàng nhưng với người chồng thì lại là một chuyện khác. Làm sao quên được hở trời? Nghe kể xong, anh Báu nổi xung... tát cho con vợ một bạt tai nên thân rồi nghiến răng trợn mắt đi xuống hầm giặt đồ kiếm thằng đen để trừng phạt.

Và... xui cho anh Báu, lúc anh xuống dưới hầm thì thằng khốn vẫn còn ngồi yên trên cái máy giặt, nhất định không thèm bỏ chạy theo như ý anh tưởng. Chẳng những vậy, nó còn ngồi bên cạnh cái giỏ đồ dơ của chị Báu, tẩn mẩn giở từng cái quần lót, từng cái xú chiên của chị Báu ra mà xem xét. Nghe anh Báu kể, nó có vẻ khoái cái đống quần xì líp dơ của chị Báu lắm mới là chuyện lạ.

Anh Báu hét lớn lên một tiếng, xông tới tấn công thằng khốn nạn.

Tôi nói xui cho anh Báu bởi vì chuyện đời thường có nhiều cái oái ăm. Tát vợ thì dễ chứ đánh một thằng da đen hộ pháp mạnh như trâu điên lại đang lên cơn động dâm như cái thằng da đen nọ thì hơi khó. Thay vì trừng phạt nó về tội hỗn láo với vợ mình, anh Báu lại bị nó... trừng phạt.

Chẳng hiểu chuyện dưới hầm xảy ra thế nào, chỉ biết sau một lúc quần thảo, người ta thấy hai bóng đen trong hầm giặt đồ chạy ra. Người chạy trước là... anh Báu. Người rượt theo là thằng đen, vừa rượt vừa "motherf..." loạn xị xà ngầu.

Thằng da đen chỉ chịu dừng chân khi anh Báu chạy lên tới phòng mình gọi cửa. Chị Báu mở cửa ra và đau khổ nhận ra rằng chồng mình đã bị gãy mất hai cái răng cửa.

Chẳng còn biết làm sao hơn, chị Báu liền gọi cảnh sát. Cảnh sát tới liền không lâu sau đó. Thế là một màn nói chuyện vừa bằng mồm vừa bằng tay diễn ra giữa vợ chồng chị Báu và mấy người cảnh sát. Nói chuyện với chị Báu xong, hai người cảnh sát bắt đầu thẩm vấn đám dân da đen cư ngụ ở đó. Chẳng biết mấy thằng đen làm chứng cho nhau và ăn nói thế nào không biết, thay vì còng tay cái thằng hiếp dâm, cảnh sát lại còng tay... anh Báu thảy lên xe cảnh sát.

Nếu hôm có tôi ở nhà để cắt nghĩa cho cảnh sát hiểu thì chắc chuyện không đến nổi xảy ra như vậy... Đời tị nạn quả có nhiều chuyện oái ăm.

Tối đó, chị Báu nhờ một người bạn của anh Báu vào ty cảnh sát đóng tiền chuộc anh ra. Về nhà anh Báu thấy đau tay quá mới bảo vợ chở vào nhà thương. Tại đây, người ta chụp hình rồi khám phá ra anh bị gãy tay. Thế là chỉ một đêm, vợ anh bị làm hỗn, anh Báu bị mất hai cái răng và có thêm một cánh tay bị băng bột.

Thật là một buổi chiều có nhiều biến cố của vợ chồng anh Báu mà tôi chẳng biết gì. Nhưng sau này nghĩ lại, tôi thấy mừng vì đã không có nhà. Nếu có mặt tôi hôm đó, với tính nóng của tôi, tôi biết tôi có lẽ tôi đã ôm súng xuống hầm mà nẹt thằng khốn kia chết liền tại chỗ. Và trên đời này có nhiều cái ngu nhưng không cái ngu nào bằng cái ngu bắn chết người để ngồi tù. Bắn chết người ta mà vẫn phây phây đi lại như tôi bắn thằng Rao mới là ngon.

Ngày hôm sau tôi lên ăn cơm nhà anh Báu, thấy miệng anh móm hẳn vào vì mấy cái răng bị gãy và một cánh tay băng bột thì mới giật mình. Anh Báu ngồi lầm lì không nói gì nhưng chị Báu vừa khóc vừa kể cho tôi nghe mọi chuyện.

Tôi giật thót mình, nghe tới đâu thì máu sôi lên tới đó, chỉ muốn đứng dậy xách súng xuống nhà đi kiếm thằng đen bắn chết tươi liền. Nhưng lạ lùng thay, sau khi nghe hết câu chuyện thì tôi bỗng thay đổi ý kiến, chẳng muốn làm anh hùng nữa. Tôi đọc trong sách nghe người ta nói anh hùng thường bị chết bởi những chuyện vớ vẩn. Tôi tự cho mình là anh hùng và nghĩ rằng chuyện này chỉ là một chuyện vớ vẩn mà thôi. Hơn nữa, dù sao thì nước cũng đã chảy qua cầu rồi. Và quan trọng nhất, chuyện của người ta không dính dáng gì đến mình thì đừng có xía vào. Ách ở giữa đàng không nên quàng vào cổ, người xưa đã bảo vậy. Dĩ nhiên, tôi biết, đương không bị mất khơi khơi... hai cái răng cửa như vậy thì ai lại chả tức nhưng bên Mỹ này bác sĩ tài giỏi lắm, đi trồng lại mấy hồi? Tôi nghĩ anh chị Báu rồi cũng sẽ quên được chuyện này như những chuyện lẩm cẩm khác thường xảy ra trong đời người.

Nhưng đã đến nhà người ta ăn cơm chực, lại nghe gia chủ tả oán như vậy không lý mình lại ngồi yên coi kỳ quá. Rồi tôi chợt nhớ ra rằng trên cõi đời này có hai thứ không mất tiền mua mà ai cũng có thể ban phát được đó là lời khen và tiếng chửi. Thế là tôi liền mở miệng lên réo tên bọn da đen ra mà chửi rủa thóa mạ, làm y như chính chị Báu là... chị ruột tôi vậy. Thôi thì bao nhiêu từ ngữ xấu xa, bao nhiêu chuyện ẩn ức, ẩn ức thật cũng có mà tưởng tượng cũng có đều được tôi moi ra mà nói và chửi. Thỉnh thoảng, tôi ngừng chửi, thò đũa gắp một miếng thịt nạc cho vào miệng, và một và cơm nhai ngấu nghiến, nuốt chửng rồi lại chửi tiếp...

Chửi mãi cho đến lúc cảm thấy đủ cho một bữa ăn, tôi mới kết luận bằng một câu an ủi anh Báu:

- Thôi, đừng buồn anh Báu, năm cùng tháng hạn... răng đi thay người.

Đang rầu méo mặt mà anh Báu cũng phì cười, nói với tôi:

- Ông mới qua Mỹ mà đã quên tục ngữ nước nhà, nói tầm bậy. Người ta nói của đi thay người chứ có ai nói răng đi thay người bao giờ?

Tôi nhún vai:

- Thì răng cũng là của. Mất răng đỡ hơn mất mạng.

Anh Báu lắc đầu không nói gì. Chị Báu nhìn tôi bằng một cặp mắt khó hiểu. Tôi ngồi thêm một lúc rồi kiếu từ ra về.

Ra khỏi apartment của vợ chồng anh Báu, không hiểu tại sao, tôi không về phòng mình liền mà lại đánh một vòng xuống chỗ nhà giặt nơi chị Báu suýt bị (hay đã bị rồi mà không dám nói) hiếp dâm. Tôi đứng yên trong nhà giặt một lúc, quan sát tường tận rồi lầm lũi bước lên lầu trở lại. Tối hôm đó tôi đi ngủ với hình ảnh của cái nhà giặc hôi hám đó lẩn quẩn trong đầu...

Sáng hôm sau tôi vừa thức giấc, đang chuẩn bị thay đồ đi làm thì có người đập cửa phòng tôi rầm rầm...

Từ lúc giết thằng Rao xong, thần trí tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi chuyện kinh khủng là sẽ có một ngày nào đó, cảnh sát đến gõ cửa phòng bắt tôi dẫn đi để đền tội. Giết người có chủ đích có chuẩn bị kỹ như thế thì thường thường là phải lên ghế điện, nhẹ lắm cũng chung thân.

Tôi biết rõ luật pháp nước Mỹ nên co rúm người lại, không biết phải phản ứng như thế nào. Trong giây phút hoảng hốt, tôi liền nghĩ đến việc bỏ chạy nhưng thấy e khó mà thoát cho nổi. Tất cả các phòng trong khu chung cư này chỉ có một lối ra vào phía trước. Hơn nữa, một khi cảnh sát đã đến gõ cữa để bắt một thằng sát nhân thì chắc họ cũng đã chuẩn bị cẩn thận rồi. Tệ hơn, dù khỏi cần canh trước canh sau, một người tị nạn da vàng, không nghề nghiệp, không bạn bè thân thiết, khó mà chạy đi đâu xa cho được. Cảnh sát chỉ cần ngồi trong văn phòng chờ tôi tới đầu thú...

Tôi nằm yên trên giường, mồ hôi toát ra, và chợt nhớ lại lời ông Bob đã nói với tôi: "Nếu tao là mày thì tao cho nó quách 25 cents ngày hôm đó thì yên chuyện rồi..."

Tiếng đập cửa bên ngoài lại vang lên ầm ầm, dữ dội hơn nữa. Tôi liền tung mền ngồi dậy và suy nghĩ rất mau. Tôi nhớ tới cây súng. Phải rồi, tôi biết rằng luật pháp nước Mỹ khi muốn buộc tội ai, nhất là trong những trường hợp án mạng quan trọng, người ta phải tìm được vũ khí thì mới buộc tội được. Thế là tôi thò tay rút cây súng vẫn thường để ở dưới gối mình ra, đi vòng vòng chung quanh... giường để tìm chỗ giấu.

Tiếng đập cửa lại vang lên mạnh hơn, và lạy Chúa, lần này tôi nghe được tiếng la bên ngoài. Không phải tiếng Mỹ của cảnh sát mà là tiếng Việt Nam: "Chú Trường ơi, mở cửa, tôi đây..."

Đúng là tiếng của anh Báu. Giọng anh vừa bực dọc vừa pha lẫn cáu kỉnh. Thế là không phải cảnh sát rồi. Tôi mừng đến độ muốn chảy nước mắt.

Tôi liền nhét cây súng dưới tấm nệm rồi chạy ra mở cửa. Anh Báu xuất hiện ngay cửa, mặt mày tái mét, dơ hai tay với quả đấm lên trời, nói không ra hơi, bọp mép sùi cả ra ngoài:

- ĐM cha tổ nó mấy thằng đen khốn nạn!

Lại có chuyện rồi, nhưng tôi không biết chuyện gì và cũng không cần biết. Tôi đang mừng điên lên vì vừa tưởng sẽ bị cảnh sát thộp cổ, hóa ra lại được gặp quới nhân. Tôi... nhe răng cười hì hì, đưa tay ra bắt tay anh Báu:

- Trời ơi anh Báu, anh vô nhà chơi. Gặp anh tôi mừng quá...

Nụ cười và bộ tịch hớn hở của tôi làm anh Báu khựng người lại trong giây lát. Một cái nhìn kỳ lạ và khó hiểu chợt hiện lên trên mắt anh. Mải về sau này, hơn mười năm, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của cái nhìn khó hiểu này của anh Báu...

Tôi hỏi:

- Chuyện gì vậy anh Báu?

Anh Báu tức quả, vẫn còn thở chưa ra hơi, bước vào nhà. Anh lại lớn tiếng thóa mạ:

- ĐM cha tổ nó mấy thằng đen khốn nạn, chó đẻ... ĐM chúng nó...

- Tôi biết chúng nó khốn nạn từ lâu rồi, nhưng mà chúng nó làm gì anh?

- Mấy thằng khốn nạn... Chúng nó cắt hết mấy cái bánh xe mới tinh của tôi rồi.

A, thế này thì khốn nạn thật. Tôi nhăn mặt lại đau đớn giùm cho anh Báu và chợt nhớ lại cái cảm giác tức giận của mình vào buổi sáng ngày nào, lúc tôi bị chúng nó cắt bốn cái vỏ xe.

Tôi thông cảm với anh Báu vô cùng. Tôi mặc vội bộ đồ vào rồi hai người đi xuống nhà. Ra bãi đậu xe, tôi nhìn thấy chiếc Olds mới của anh Báu xụ xuống một đống như cái bánh bao chiều bởi vì bốn cái vỏ xe xẹp lép. Lúc ấy tôi mới chợt nhận ra một điều là chiếc xe dù mới đến đâu đi nữa mà bị xẹp vỏ thì coi chẳng khác gì một thứ đồ vật dụng bị phế thải. Nhìn thấy tang thương lắm.

Anh Báu lại mở miệng chửi, miệng anh méo xệch đi, coi tang thương chẳng khác chiếc xe của mình:

- ĐM bọn khốn nạn, chó đẻ... Chiếc xe này tôi còn trả nợ mấy năm nữa mới xong...

Đồng tiền bên Mỹ này kiếm ra không phải là dễ cho nên tôi hiểu được cái sự... méo miệng của anh Báu. Tôi tới gần xe, cúi xuống quan sát rồi ngửng mặt lên, nhìn anh Báu lắc đầu nói bằng giọng nói của một người có rất nhiều kinh nghiệm về vụ vỏ xe bị cắt:

- ĐM tiêu, tiêu. Tiêu rồi anh Báu ơi.

Giọng anh Báu như sắp khóc:

- Tiêu làm sao ông?

- Thợ máy chê.

- Thợ máy chê?

- ĐM nó thọt ngang hông như thế này thì thợ máy... chê, chỉ còn nước mua vỏ xe mới.

Hồi còn đi lính ở Việt Nam, chúng tôi thường dùng danh từ "bác sĩ chê" để chỉ một vết thương trầm trọng khi đem vào nhà thương mà bác sĩ đành lắc đầu bó tay. Sang đây, tôi sửa danh từ ấy lại thành "thợ máy chê" cho hợp với hoàn cảnh mới.

Trong lúc anh Báu đứng nhìn chiếc xe... "thợ máy chê," tôi nhớ liền ra một chuyện, xoay người lại liền và đảo mắt nhìn một vòng chung quanh khu chung cư.

Kinh nghiệm cho tôi biết là một trong những cái thú của những kẻ hại người là được nhìn thấy sự đau khổ của nạn nhân. Thật chẳng còn gì thú cho bằng đánh lén vào đầu kẻ thù mình một cái rồi đứng nép sau một chỗ nào đó nhìn nó ôm đầu rên rỉ. Cắt bánh xe người ta cũng vậy thôi. Nhìn nạn nhân đứng hít hà khổ sở trước tác phẩm của mình thú lắm chứ.

Tôi đảo mắt một vòng và dĩ nhiên, đúng như ý tôi đoán, tôi nhìn thấy ít nhất có hai cái màn cửa gần đó từ từ hạ xuống rất mau. Tuy hạ xuống rất mau nhưng không thoát khỏi cặp mắt của tôi được. Đã bảo mắt tôi là mắt phi công mà. Và tôi còn biết rõ vì sao chúng nó lại bỏ rèm cửa xuống như vậy. Tôi nhớ khi vỏ xe tôi mới bị cắt, tôi cũng đã quay lui nhìn và thấy nhiều khuôn mặt lọ lem từ trong nhà ngó ra như vậy nhưng chẳng đứa nào thèm bỏ rèm cửa xuống. Thậm chí có đứa còn tỉnh bơ đứng dưới gốc cây cười hề hề một cách rất khêu khích. Bây giờ, chúng nó bỏ rèm cửa xuống không dám nhìn là vì chúng nó đã nhìn thấy cái xác của thằng Rao trong thùng rác ngày nào. Dĩ nhiên, chắc chẳng có đứa nào muốn nối gót thằng Rao.

Quan sát một vòng xong, ghi nhận những gì mình nhìn thấy thật kỹ trong đầu rồi tôi bỉnh tĩnh quay lui, không phê bình và cũng không mở miệng nói một câu.

Thật ra trong lòng tôi đang có một mối phân vân lớn...

Tuy ăn cơm nhà anh Báu, tuy rất quý mến anh chị Báu nhưng tôi nhất quyết không xía vào chuyện thiên hạ. Tôi sẽ giúp anh ấy mua vỏ xe mới nhưng sẽ không dùng "uy tín giết người" để bảo vệ anh Báu hay làm gì cả. Tôi cũng cần nói thêm một điều nữa ở đây rằng tôi là một con người biết tính toán rất kỹ. Món đồ dùng nào không cần thiết, tôi không bỏ tiền ra mua bao giờ. Lòng của anh chị Báu thì tôi đã có sẵn, khỏi cần mua. Còn danh vọng hay tiếng tăm hay lời khen là "người tị nạn tốt" đối với tôi cũng như những món đồ trang sức mà thôi. Có nhiều người sống không thể thiếu những món trang sức này được, sẵn sàng bỏ bạc ngàn bạc vạn ra mua nhưng với tôi thì những thứ đó tôi coi chẳng ra gì. Tiếng tăm đâu có làm cho người ta hạnh phúc được. Nó là một thứ xa xí phẩm không cần thiết. Và đã không cần thiết thì tôi không bao giờ thèm bỏ tiền ra mua.

Dĩ nhiên, tôi nhất định không giúp anh Báu chuyện này nhưng sẵn sàng hỗ trợ trong... tiếng chửi. Lời nói chẳng mất tiền mua mà. Thế là anh Báu đang lom khom xem xét mấy cái vỏ xe thì ngạc nhiên khi nghe mấy tiếng motherf... của tôi vang dội trời đất. Từ thuở nhỏ, tôi vốn là một thằng to mồm.

Anh Báu đến bên tôi, ra vẻ cảm động lắm. Không ngờ xe của mình bị cắt mà nó đau đớn hơn mình, chửi to hơn mình.

Chửi... gió chán chê một lúc, cho rằng đã "làm tròn bổn phận" với bạn bè, tôi ngưng chửi. Chúng tôi lại trở lên lầu. Anh Báu dụi tắt điếu thuốc vào cái gạt tàn trong phòng tôi, nói với tôi bằng giọng rơm rớm nước mắt:

- Chán quá. Thế này thì tôi đành dọn nhà mà đi chú Trường ạ. Ở không nổi với bọn khốn nạn chó đẻ này rồi.

Nghe nói vậy, tôi toan nhún vai lạnh lùng nhưng bỗng giật mình khi nghĩ ra một chuyện. Phải, chuyện này với người khác chắc không quan trọng lắm nhưng với tôi thì rất là quan trọng: anh chị Báu mà dọn đi thì tôi ăn cơm với ai đây?

Nói ra thì thật là mắc cỡ nhưng chỉ vì miếng ăn mà nghe anh Báu nói vậy thì tôi kinh hoảng thật sự. Cái dĩ vãng mấy tháng trường không... canh chua cá lóc, không thịt kho hột vịt, không nước mắm ớt trở về ám ảnh tôi. Như vậy là tai nạn của anh Báu không còn phải là chuyện riêng của gia đình anh ấy nữa. Nó đã ảnh hưởng sang tới tôi rồi. Và một khi nó đã ảnh hưởng dang tới tôi thì tôi không thể tọa thị bàng quan được nữa, tôi quyết định nhảy vào vòng chiến.

Anh Báu đang lui cui lật cuốn sổ điện thoại để kiếm một cái ga ra gần nhà thì tôi chụp cuốn sách trong tay anh vất sang một bên, hất hàm hỏi:

- Anh quyết định dọn nhà ra khỏi đây à?

Anh Báu ngạc nhiên vì thái độ nổi nóng bất ngờ của tôi, nhìn tôi một cách khó hiểu rồi lại thò tay nhặt cuốn điện thoại lên:

- Tụi tui không thể ở đây được ông ơi. Mình chén kiểu không đụng với chén sành.

Anh lại cúi đầu lật lật tiếp cuốn điện thoại. Tôi lại thò tay chụp cuốn điện thoại vất sang một bên lần nữa. Lần này tôi ném xa hơn, quá khỏi tầm tay của anh Báu.

Anh Báu trợn mắt nhìn tôi:

- Ông làm gì vậy?

Tôi chẳng thèm trả lời, lại hỏi anh câu hỏi của ông Bob đã hỏi tôi cách đây mấy tháng:

- Anh tưởng dọn nhà qua chỗ khác ở rồi không bị những thằng khác lén cắt vỏ xe anh à?

- Nhưng tôi không thể sống ở đây được nữa. Mỗi phải ngày nhìn mặt cái thằng quỷ đó tôi máu tôi giận sôi lên mà không làm gì được.

Tôi nhìn thẳng vào mắt anh Báu, hỏi bằng một giọng rất chậm rãi, lạnh lùng:

- Anh muốn tôi giết nó giùm anh không?

Anh Báu giật nảy mình lên như người ngồi trúng đống lửa. Tôi đọc thấy một tia nhìn vừa kinh ngạc vừa khiếp đảm trong mắt anh. Hình như giọng nói của một kẻ đã từng giết người có một thần lực gì đặc biệt. Tôi lập lại câu hỏi, lần này càng chậm chạp và rõ ràng hơn nữa:

- Anh có muốn tôi giết nó không?

Một lần nữa, không hiểu trong giọng nói tôi có ma quỷ hay thần lực gì mà làm cho anh Báu tái mặt. Anh ấp úng:

- Ông nói gì? Không lý mình giết người chỉ vì mấy cái vỏ xe hơi?

Từ lúc mới gặp anh Báu, tôi đã nghĩ anh là một người có tâm địa hiền lành dễ thương. Câu trả lời của anh bây giờ cho tôi biết là tôi đã nghĩ đúng. Vợ anh có thể vừa bị hiếp dâm, anh bị mất hai cái răng, cánh tay còn băng bột và lại còn phải chuẩn bị để vác chiếu ra tòa, rồi thêm vào đó, xe anh bị chúng nó đâm nát mà anh không muốn giết người thì anh quả là một ông phật sống rồi.

Biết vậy nên tôi đâm ra... chán nản. Thuở đời nay có người nào được người ta tình nguyện giết người dùm mà lại dửng dưng lạnh lùng như vậy. Mà không giết nó đi, để anh Báu dọn nhà đi thì chắc tôi cũng phải dọn nhà đi theo. Cứ nghĩ đến mấy miếng hamburder ở tiệm McDonald là tôi thấy... lạnh mình.

Anh Báu lại nói tiếp:

- Tôi từ hồi nhỏ tới giờ chưa làm chuyện thất đức ông ơi. Thôi mình cứ bỏ đi đi cho rồi...

Tôi không thèm nói năng gì, mồi một điếu thuốc hút và suy nghĩ. Vậy là kẹt mình rồi. Cha nội... phật sống này không dám giết người, lại nhát gan như vậy thì mình không nên dính líu tới. Kinh nghiệm cho tôi biết, âm mưu giết người với những kẻ như vậy thì rất dễ ngồi tù. Chỉ cần một cái tát tai và vài lời hăm dọa của cảnh sát thì cái gì thằng chả lại chẳng phun ra? Nhưng ngược lại, nếu không giúp, để thằng chả dọn nhà đi thì mình hết có mòi ăn cơm Việt Nam... Tôi liền nghĩ ra ngay một kế để trấn an anh Báu. Tôi xuống giọng, nói nhỏ nhẹ:

- Anh nói đúng! Tôi nói là nói chơi vậy thôi chứ vì mấy cái vỏ xe vớ vẩn mà mình phải giết người thì... coi nó kỳ quá. Anh không biết chứ tôi cũng là dân ăn chay trường... Nhưng anh khỏi phải dọn đi đâu vì tôi có quen một ông cảnh sát Mỹ. Nếu anh muốn, tôi sẽ nhờ ông ta bắt thằng đó thường mấy cái vỏ xe cho anh. Nếu cần, tôi sẽ nhờ ổng nói cho nó bỏ cái chuyện truy tố anh ra tòa đi. Anh cứ ở đây đừng đi đâu hết, tôi sẽ nhờ ông Mỹ lo lắng mọi chuyện cho anh.

Anh Báu là một người tuy hiền lành nhưng không phải là không thông minh. Anh nhìn tôi ngờ vực:

- Ông nói làm sao chứ cảnh sát nào thèm tới đây. Hôm trước có cái thằng da đen bị bắn chết nằm trong thùng rác mấy ngày mà tụi nó chỉ tới hỏi qua loa vài tiếng rồi bỏ đi. Hỏi ông, cùng là Mỹ với nhau mà nó còn như vậy thì mấy cái vỏ xe của một thằng tị nạn da vàng như mình nghĩa lý gì?

Lại mặc cảm da vàng! Tôi thấy hình như đa số người tị nạn Việt Nam đều mang mặc cảm này. Anh Báu luận đúng thật nhưng đó là lý luận bình thường của một người chưa bao giờ... giết người. Nhưng tôi cũng không muốn cãi với anh. Tôi chỉ muốn anh đừng đi khỏi đây để tôi còn nhờ vả. Tôi nói:

- Anh đi hay ở là tùy anh, tôi cản không được, nhưng nếu đi, anh đâu có đi liền chiều nay hay sáng mai được. Anh mướn nhà mau nhất cũng phải là vài ngày mới có, đúng không?

- Đúng năm.

Tôi cười thầm vì câu trả lời của anh Báu vẫn còn đầy chất nhà binh. Quả thật, mười mấy năm chinh chiến trong máu mủ đâu có thể gột rửa nó trong vòng vài tháng trời được. Tôi tiếp:

- Chuyện trước mặt bây giờ là lát nữa anh phải thay bốn cái vỏ xe, có đúng không?

- Ông hỏi nhiều quá ông nội. Đúng, rồi sao?

- Tôi không có trù nhưng hỏi anh nếu sáng mai nó lại chơi anh một quả nữa cái kiểu "thợ máy chê" một hơi bốn cái vỏ xe mới như hôm nay thì anh tính sao?

Anh Báu khựng người lại, đưa tay lên vuốt cằm. Biết ngay mà. Tôi cười thầm trong lòng, tấn công thêm:

- Tôi đề nghị với anh như thế này. Nếu tôi nhờ được ông cảnh sát bắt cái thằng đen đó thường bốn cái vỏ xe cho anh, rồi để anh yên thì anh thấy thế nào?

Mắt anh Báu sáng lên một chút hy vọng:

- Ông nói thật không?

Tôi gật đầu quả quyết:

- Anh Báu, anh quen tôi mấy tháng nay, anh thấy tôi chưa bao giờ nói dóc anh mà anh Báu.

Anh Báu mừng rỡ:

- Nếu được như vậy thì tốt quá. Bây giờ tôi mới thấy cái câu nói "máu loãng còn hơn nước lạnh" của mình là đúng. Nói thật với ông, tôi cũng ngán chuyện dọn nhà lắm. Cha ông mình nói ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà mà...

Tôi bồi thêm một chưởng, trúng ngay vào tim đen anh Báu:

- Thật ra thì đồ đạc tụi mình chẳng có gì, lại toàn đồ cũ, nhiều khi chỉ cầu mong cho nó... cháy bớt để có cớ mua đồ mới xài mà khỏi phải thấy có tội. Cái kẹt là tiền nhà ở đây rẻ quá, nếu hai vợ chồng anh chịu khó ở đây một thời gian thì chắc chắn sẽ dành dụm được nhiều tiền, mai mốt có một số vốn lớn ra làm ăn hay đặt cọc mua nhà mới. Mình đang trả tiền nhà 25 đồng một tháng, tội gì phải dọn đi để trả 250 đồng một tháng. Mình đang ở chỗ sáng, tội gì phải dọn ra chỗ tối...

Mấy trăm đồng bạc tôi nhắc đến có vẻ đã làm anh Báu xiêu lòng. Quả thật hồi ấy, một tuần lễ lao động cật lực, bị Mỹ sai như chó chỉ đem về tấm check trừ thuế rồi có còn 6, 70 đồng bạc. Con số sai biệt tới hơn 200 một tháng làm ai cũng phải suy nghĩ. Anh Báu gật đầu, vỗ vai tôi:

- Ông còn nhỏ mà... khôn quá xá. Thì ý tôi cũng muốn như vậy. Mình là dân tị nạn mới qua, ai có khinh, có coi thường thì cứ để cho họ khinh. Mình cần làm lụng để có chút vốn dằn lưng trước rồi mai mốt tính sau.

Anh ngừng nói, nhìn tôi một lúc rồi tiếp:

- Nhưng mà "tụi mình" nhờ vả "người ta" như vậy có gì là quá đáng không? Không biết phải quà cáp như thế nào cho nó coi được. Tôi thật không muốn phiền lụy ai chút nào hết.

Lại chuyện quà cáp, đúng y như những ngày nào còn ở Việt Nam. Tôi vỗ vai anh Báu, giọng chắc nịch:

- Chẳng có gì phiền lụy hết. Ba cái lỉnh kỉnh này đối với mình là lớn nhưng đối với ông ta chẳng có gì. Hơn nữa ông này rất thích người Việt Nam, rất cảm thông với những kẻ cô thế như mình. Anh cứ ở yên đây đi đừng đi đâu hết, tôi sẽ lo cho anh.

- Tôi cám ơn ông lắm. Nếu tôi xin được hai chữ bình an để sống ở đây thì tôi dọn đi làm gì?

Vậy là xong việc lớn rồi. Tôi gọi điện thoại vào sở xin phép đi làm trễ để phụ anh Báu tháo bốn cái vỏ xe đem đi thay.

Chiều hôm đó tôi lại xin nghỉ sở đi về sớm. Ông Bob nhìn tôi cười cười:

- Mày lại sắp sửa giết người à?

Tôi lắc đầu, nghiêm sắc mặt:

- Ông cứ đùa dai. Tôi lặp lại là tôi chưa hề giết người và cũng sẽ không bao giờ muốn giết người. I am a Vietnamese refugee.

Ông Bob nhún vai, nụ cười vẫn không tắt trên môi:

- I’m sorry. Nhưng để tao bảo cái này. Thói thường ở đời, hễ người ta giết người một lần rồi thì cứ muốn... giết hoài. Giết hoài cho tới khi bị giết hay bị bắt, mày có biết chuyện đó không?

Câu nói làm cho tôi cảm thấy lành lạnh đằng sau gáy. Tôi không nói gì, nhún vai bỏ đi.

Về đến nhà, với cái kế hoạch đã có sẵn trong đầu, tôi đút cây 38 special vào bụng rồi ra đứng trước gương để quan sát dung nhan mình. Tôi luôn luôn làm vậy trước khi ra khỏi nhà.

Không được! Cây súng lớn quá mà tôi thì ốm nên nó nổi lên một cục ai nhìn cũng thấy liền. Tôi tính khoác thêm chiếc áo jacket phía ngoài nhưng bỏ ý nghĩ này liền vì trời đang trong mùa nóng, chỉ có những thằng khùng mới mặc áo ấm giờ này. Nghĩ ngợi một lúc, tôi bỏ cây 38 Special vào trong một cái bao giấy nâu gói hàng của tiệm thực phẩm rồi cuộn tròn lại. Nhưng coi vẫn chưa được. Tôi lại mở ra, bỏ thêm vào trong bao giấy đó một cuốn sách, nhét cây súng vào giữa. Bây giờ mới nhìn thấy tạm được.

Tôi khoan thai sách bao giấy mở cửa đi xuống lầu, nhàn nhã và bình thản như một người... đi chợ mới về. Tôi gõ cửa một trong hai căn phòng mà tôi nhớ là mới sáng nay có người đứng từ trong vén màn nhìn lén ra.

Cánh cửa mở, một người đàn bà da đen xuất hiện sau cánh cửa. Nhìn thấy tôi đứng lù lù một đống thì mụ ta giật nảy mình làm như là nhìn thấy ma quỷ. Với vẻ khiếp đảm như vậy dành cho một người tị nạn da vàng với khuôn mặt hiền lành đẹp trai như tôi thì tôi biết ngay rằng mụ phải biết tôi là người đã giết chết thằng Rao. Không chừng mụ còn tưởng tôi tới đây để giết mụ.

Mới xuất hành mà gặp được người... sợ mình như vậy là ăn tiền rồi. Cái này nhà tướng số gọi là đại cát. Lợi dụng tình thế, tôi cất giọng lạnh lùng, đóng trọn vai trò ghê gớm của mình:

- Bà muốn... chết không?

Giọng nói của tôi lúc ấy chắc phải ghê gớm lắm, như phát ra từ cuối đáy địa ngục vì mụ nhọ mới nghe có vậy là khuôn mặt da đen liền trở nên tái ra. Cặp mắt trắng dã của mụ tròn xoe, dựt lên từng hồi, cặp môi dày vén lên, cất giọng mếu máo:

- Không không, tao không muốn chết. "Ai èn đân nốt thinh." (I ain't done nothing.)

ĐM nốt thinh hay nốt thiếc gì thì lát nữa biết liền, cứ từ từ, chẳng đi đâu mà vội. Điều quan trọng nhất hiện thời là tôi cần muốn biết là trong nhà này ngoài mụ ra còn ai nữa không. Tôi lại cất giọng lạnh lùng hỏi:

- Mọi người đâu hết rồi?

Mụ da đen nhún vai:

- Tao ở có một mình.

Hèn gì người ta chẳng bảo tụi này là tụi ngu. Ở một mình, gặp hung thần vừa giết người mà lại cứ khai ra ở một mình thì chẳng khác gì mời nó vào nhà. Nếu mụ không trả lời hoặc cứ nói bừa là có bồ tao ở trong thì bố tôi đã chẳng dám vào.

Thế là tôi chẳng cần chờ đợi con mẹ mời, liền lách mình bước vào nhà một cách tự nhiên và tỉnh bơ như bước vào nhà mình vậy.

Vào nhà, tôi thò tay ra sau đóng cánh cửa lại sau lưng mình nghe đến rầm một phát. Cửa vừa đóng thì tôi bỗng nhăn mặt lại vì đủ thứ mùi hôi nồng nặc xông lên mũi, chịu không nổi được. Bọn đen này ăn ở dơ dáy quá. Nhưng chỉ trong tích tắc, tôi lấy lại được sự lạnh lùng cần phải có của một tay đao phủ thủ ngay. Giết người còn chưa sợ thì sợ gì mấy cái mùi rẻ tiền này.

Tôi lại cất giọng, mặt lạnh lùng làm như sắp sửa và sẵn sàng giết người một lần nữa:

- You ain done nothing. Very good. Vậy là bà không muốn chết. Rất tốt, tôi cũng chẳng muốn chết nhưng tôi muốn nói chuyện phải trái với mày một chút được không?

- Xin ông nói.

- Nhưng trước khi nói, tôi phải đi... đái cái đã.

- Phòng tắm kia kìa, ông quẹo trái là tới.

Tôi mỉm cười đi theo hướng tay của mụ chỉ nhưng thay vì quẹo trái tôi lại quẹo phải để đi thẳng vào phòng ngủ của chủ nhân. Thật ra tôi có mắc đái mắc... đít gì đâu? Tôi muốn đi một vòng để kiểm chứng coi thử lời nói của mụ có đúng không thôi.

Chẳng có ai trong phòng này hết. Con mẹ này chắc ở nhà một mình thật. Tôi đi lộn trở ra:

- Ồ, sorry tôi đi lộn phòng.

-Tôi đã bảo ông mà, cánh cửa đầu tiên bên trái.

-OK, xong rồi.

Tôi lại lộn trở vào nhưng thay vì quẹo vào cánh cửa đầu tiên bên trái, tôi đi thẳng vào để quan sát phòng ngủ thứ hai. Cũng chẳng có ai cả. Cuối cùng tôi quẹo vào cầu tiêu thật, rồi trở ra. Mụ đen tròn cặp mắt lại, hỏi một câu thật là ngớ ngẩn:

- Ông... đái gì mau vậy... sao không nhấn nước?

Mẹ kiếp, cái chết trước mắt chưa lo, cứ lo chuyện nước cầu tiêu. Tôi nhăn mặt, nhún vai:

- Tôi tự nhiên thấy hết... mắc đái rồi.

Mụ đàn bà da đen hình như bây giờ đã lấy lại được chút ít bình tĩnh. Tôi chỉ cái ghế, nói tỉnh bơ như chính mình là chủ nhà:

-Bà ngồi xuống đi.

Tôi kéo cái ghế ngồi ngay trước mặt bà ta, hỏi:

-Bà biết tôi là ai không?

-Thưa không!

Tôi cười:

- Đừng có làm bộ ngây thơ. Bà biết tôi là ai không, nói thiệt đi.

Bà ta gật đầu, hai cắp mắt tròn lại:

- Thưa ông biết. Ông là người đã giết thằng Rao.

Có thế chứ, những gì tôi nghĩ về người đà bà này quả không sai. Tôi gật gù cái đầu:

-Biết vậy là tốt nhưng tôi xác nhận lại là chưa giết ai cả. Bà hiểu tôi muốn nói gì không?

- Thưa ông tôi hiểu.

- Good. Để tôi hỏi bà cái này, bà có muốn... chết không?

Mụ da đen rúng người lên một phát:

- Không, không, tại sao? Tôi ngu gì mà muốn chết.

Tôi kéo ghế tới gần bà, cất giọng chậm rãi của một thằng đao phủ thủ:

- Vậy thì nói đi, thằng chó đẻ nào cắt vỏ xe hơi của bạn tôi?

Con mụ liền ú ớ. Để làm "tăng phần long trọng cho câu nói", tôi thò tay vô bao giấy từ từ rút ra cây súng. Xưa nay, về vấn đề "trình diễn" thì tôi chưa bao giờ thua ai. Mụ đen nhìn thấy con chó lửa đen thùi lùi trong tay tôi thì thất kinh rụng rời. Một vẻ khiếp đảm hiện lên nét mặt mụ. Nét khiếp đảm này ghê gớm đến nổi nó làm cho tôi cũng... khiếp đảm luôn.

Tôi... khiếp đảm luôn bởi vì tôi biết, vào nhà người ta mà rút súng ra hăm dọa như vậy thì nếu bị lôi ra tòa, cái án nhẹ nhất cũng là 5 năm tù ở. Quả thật, nếu bị bắt trong trường hợp này thì có lẽ trong mấy trăm ngàn người Việt Nam tị nạn ở Mỹ, chẳng có người nào ngu hơn tôi. Kẹt một điều là tôi đã ở trong cái thế không thể rút lui được nữa...

Nhưng cây 38 Special đen nhánh và bóng loáng đã từng nổ chết một thằng da đen chừng như toát ra một sức mạnh vô hình, làm cho tôi tăng thêm nghị lực để làm việc. Ở Việt Nam, tôi vẫn thường nghe người ta nói cây súng có cô hồn, bây giờ tôi mới thấy có phần nào đúng. Nhìn cây súng trong tay, tôi thấy như mình là vị thần Aladin với cây đèn thần. Chỉ cần vuốt nhẹ vào nó là một vị thần sẽ xuất hiện để cứu mình.

Mụ đen mở tròn hai con mắt trắng dã nhìn vào cây súng, lắp bắp:

- Ông làm gì vậy... tôi... tôi không biết...

Chẳng nói chẳng rằng, tôi từ từ nâng cây súng lên ngang mặt con mụ. Sắc mặt mụ đen càng lúc càng trở nên trắng dã. Một lần nữa, tôi thấy có cái gì hơi kỳ lạ về phản ứng của mụ này. Một cái gì kỳ lạ mà tôi nghĩ không ra...

Vì thế, tuy bề ngoài làm ra vẻ lạnh lùng nhưng lòng tôi thì bối rối vô cùng. Tôi chỉ muốn hù mụ đàn bà này một chút thôi, đâu muốn giết mụ làm gì. Nó không đáng để mình giết. Nhưng nếu nó nhất định không chịu nói thì tôi thật tình chẳng biết tính sao. Mẹ, hù nó không được, nó lại gọi cảnh sát tới đây, khai thêm cái tội giết người của mình cộng thêm cái tội toan... hiếp dâm nó thì tàn đời trai. Ra tòa vì tội giết thằng Rao thì không sao, nhưng đẹp trai ngon lành như tôi mà phải đứng hầu tòa về cái tội đem súng ống vào nhà toan hãm hiếp một mụ già Mỹ đen nặng gần 300 pounds thì chẳng thà tự tử chết sướng hơn. Tôi biết là con mụ này, nếu cờ về tay mụ, mụ sẽ chẳng bao giờ ngượng ngùng, khóc bù lu bù loa khai trước tòa ra cái cảnh tôi lột áo mụ như thế nào, bóp vú như thế nào, v.v. trước khi hành sự...

Nhưng chẳng lẽ lại giết nó sao? Lạy Chúa, giết thằng Rao thì đó là việc phải làm, nhưng con mụ này đâu có đáng chết? Thật là khó nghĩ.

Nhưng đã đóng kịch, tôi đành phải đóng trọn vai trò. Tôi lại cất giọng lạnh lùng làm như sắp sửa bóp cò thật:

- Bà không biết?

- Tôi không biết.

- Bà không nói thì tôi bắt buộc phải nổ tung cái sọ khỉ của bà ra.

Nhưng mụ đen không phải là người chịu thua dễ dàng. Tuy mồ hôi vãi ra đầy trán nhưng mụ cứ một mực lắc đầu:

- Tôi, tôi không biết thực mà...

Có thể con mẹ này nó biết tôi không dám bắn nó thật. Tôi suy nghĩ thật mau: ở đời, nhiều khi, có nhiều việc mình không bao giờ muốn làm mà cuối cùng vẫn phải làm. Như việc đi lính, như việc bỏ nước chạy, như việc giết thằng Rao, v.v. Chẳng biết làm gì khác hơn, tôi đánh dùng ngón tay kéo con cò mổ của cây súng từ từ ra sau. Tôi kéo thật nhẹ nhàng và trái tim trong lồng ngực đánh lên thình thịch, lạy trời cho cây súng đừng có cướp cò bất tử... Một tiếng "cắc" lạnh lùng vang lên khi con chó lửa nằm ở vị thế sẵn sàng mổ xuống.

Tôi ngồi xích ra sau một chút làm như sắp sửa nổ súng thật...

May cho tôi quá, lúc ấy tôi chợt nhìn thấy một nét kinh hoàng khác hiện ra trong cặp mắt mụ. Có thế chứ! Mẹ, lính tráng như mình mà nếu bị người ta chỉa súng vào đầu cũng còn thấy run, huống gì con mụ đàn bà chân yếu tay mềm này. Nhưng tôi chưa kịp mừng lâu, vừa tính mở miệng nói thêm một câu thì con mụ già bỗng trợn tròn cặp mắt lên rồi khựng người lên một cái, cái thây đen to lớn nặng mấy trăm pounds rớt oành một cái xuống sàn nhà.

ĐM súng cướp cò rồi, tôi nghĩ vậy và đâm ra thất kinh rụng rời. Nhưng nghĩ lại thì thấy vô lý. Mình chưa nghe tiếng nổ mà... Vậy tại sao mụ lại nằm lăn lộn trên sàn nhà, mắt trợn ngược, hai tay ôm lấy ngực nhăn nhó? Hay là nó muốn giở chứng gì đây? Tính ăn vạ cái kiểu mấy bà bán cá Việt Nam chăng?

Gì không biết nhưng tôi đâm ra bối rối vô cùng. Tôi đã toan đứng lên... bỏ chạy ra ngoài thì bỗng nhìn thấy bọt mép sùi ra hai bên miệng mụ đen, mụ ú ớ lầm bầm một tràng tiếng nói tôi không hiểu được, chỉ tay vào phía sau lưng tôi.

Tôi quay lại và nhìn thấy một cái tủ thuốc nhỏ với hàng chục chai lọ lỉnh kỉnh. Bây giờ thì tôi phần nào hiểu được cái cảm giác khó hiểu lúc nãy khi nhìn thấy những nét kinh hoàng lần đầu tiên trên đôi mắt của con mụ.

Và tôi... mừng rơn lên. Mừng không thể nào nói được. Thì ra con... mập này bị bệnh đau tim hay bị kinh phong gì đây. Dĩ nhiên, nếu để nó chết ở đây thì mình cũng ở tù mọt gông, phải hành động gấp. Tôi hốt hoảng đứng dậy, quăng luôn cả cây súng để lo đi lấy thuốc cho mụ. Mười mấy lọ thuốc, chẳng biết lọ nào, tôi cứ vơ hết đem xuống để thành một đống trước mặt mụ.

Mụ đen chụp ngay lấy một lọ mở nắp ra, lấy mấy viên nuốt trọng liền một cách thành thạo. Sau đó, mụ thở hổn hển, chỉ tay vào cái vòi nước ú ớ nho nhỏ: "nước nước..."

Tạ ơn trời đất. Nó đã uống được thuốc thì chắc khó mà chết được. Thế là tôi ở tủ tìm cái ly, mở vòi nước. ĐM ngày hôm nay thật là xúi quẩy. Tính đi làm thám tử điều tra hóa ra lại trở thành y tá miễn phí.

Một lát sau, mụ dịu lại, cặp mắt trở nên bình thường rồi từ từ ngồi lên. Mụ muốn đứng lên nhưng thân thể phì nộn quá, không đứng được một mình. Tôi đành đưa tay ra kéo mụ lên.

Khi con mụ ngồi được lên ghế, tôi thở phảo nhẹ nhỏm và quyết định bỏ đi, chấm dứt cái trò chơi ngu dốt này. Thật là công dã tràng, xém chút nữa thì còn bị ở tù lãng nhách.

Tôi đứng dậy, nhét cây súng trở lại vào bao giấy và tự nhiên, không hiểu sao một niềm trắc ẩn của một người lưu lạc cô đơn nổi lên trong lòng tôi. Tôi chợt cảm thấy tội nghiệp con mụ da đen nghèo khổ này. Tôi biết mụ cô đơn lắm. Vừa mập lại xấu và... đen thì chắc mà khó kiếm được chồng. Tôi thấy hơi hối hận vì mình đã làm hơi quá, đã ăn hiếp một người đàn bà thế cô tội nghiệp.

Hối hận, tôi bèn móc bóp ra, lấy 5 đồng đưa cho mụ, lí nhí mấy tiếng:

- Tôi xin lỗi bà. Tôi cho bà 5 đồng...

Nhìn thấy tờ giấy bạc là cặp mắt lờ đờ tròng trắng bỗng sáng rỡ lên liền. Mụ ta thò tay chụp liền tờ giấy bạc như sợ tôi đổi ý. Thế mới biết mãnh lực của đồng tiền. Da đen, da trắng, da đỏ hay da vàng cũng vậy, hễ nhìn thấy tiền là sáng mắt lên ngay. Tôi vừa quay người tính bước đi thì bà ta nói theo một câu làm tôi giật nẩy mình:

- 20 đô la, không kém một xu.

Tôi quay người lại, vẫn không hiểu con mụ này muốn nói gì:

- Bà nói cái gì?

- Ông đưa tôi hai chục đô, tôi sẽ chỉ đứa nào đâm lủng vỏ xe bạn ông...

Chao ôi, lại thêm một bằng chứng hùng hồn về mãnh lực của đồng tiền. Một chuyện đơn giản giản như vậy mà sao suốt từ sáng đến giờ mình chẳng nghĩ ra, lại cứ đem súng đem ống và nhà người ta hăm dọa để gây ra không biết bao nhiêu là phiền phức và xem chút nữa thì ở tù mọt gông lãng nhách. Và tôi nhớ mãi cái bài học này.

Tôi bước trở lại, mừng rỡ hỏi:

- Bà nói thật không?

- Thật.

- Tên nó là gì?

Mụ đen lắc đầu, vừa bỉu môi vừa chìa tay ra:

- Á... à... Tiền trước nói sau.

Tôi móc bóp ra loay hoay đếm tiền. Mụ ta nói luôn:

- Nó là thằng Mike cháu của tôi chớ ai nữa.

Tôi ngạc nhiên lắm vì tôi vốn biết thằng này:

- Thằng Mike cháu ruột của bà à?

- Ừ, nó là cháu ruột tôi đó, nhưng nó là thằng đã cắt vỏ xe của bạn ông.

Tôi mỉm cười nham hiểm. Là một người xài tiền rất kỹ từ thuở mới sinh ra, và đã biết được cái mình muốn biết thì tội gì để phải để mất tiền. Tôi móc ra một tờ giấy 5 đồng đưa cho bà ta, nhún vai:

- Sorry, tôi tính đưa bà 20 nhưng tôi chỉ còn có 5 đồng.

Mụ da đen nghiến răng tru tréo lên:

- Hê, đồ khốn nạn, motherf..., mày hứa với tao là 20 đồng mà.

Lòng trắc ẩn của tôi lúc nãy đối với mụ đen đã biến đi mất tích. Tôi bình thản bỏ bóp vào túi, lắc đầu:

- Bà đòi 20 chứ tôi không có hứa đưa bà 20.

- Mày hứa mà, đồ motherf...

Tôi nhướng mày:

- Bà không cầm lấy 5 đồng này thì tôi bỏ túi luôn.

Nhanh như cắt, mụ đen lại thò thay ra chụp tiền liền. Tôi nói "thank you" rồi quay lui bước tới cửa. Mụ đen chửi vọng theo:

- Hey, motherf..., mày còn thiếu tao 10 đồng, mày nói là mày đưa tao 20 mà. Đồ lường gạt, đồ chó đẻ, đồ da vàng bần tiện...

Quả thật mãnh lực đồng tiền mạnh quá. Mới lúc nãy đây, con mụ da đen này còn một điều thưa ông hai điều kính thưa mà bây giờ, chỉ vì mất có 10 đồng mà nó dám lôi cả giòng họ, cả dân tộc tôi ra chửi mà chẳng sợ gì cả. Đã đưa tay xuống thò vào nắm cửa nhưng tôi dừng lại, quay lui dơ cao cái bao giấy có đựng cây súng lên nói:

- Mụ còn motherf... tôi hay chửi tôi một lần nữa thì tôi quay trở lại nhét cái họng súng này vào họng mụ rồi lấy hết tiền của mụ bây giờ liền. Tôi không có hăm họa mụ đâu, mụ nói thử một tiếng nữa thì biết liền.

Lời cảnh cáo của tôi có hiệu lực. Con mụ im thin thít. Có lẽ hình ảnh cái chết thê thảm của thằng Rao còn ám ảnh mụ. Ra đến ngoài, khóa trái cửa lại rồi tôi mới nghe được một tràng những lời xỉ vả toàn những chữ motherf... từ phía trong vẳng ra...

Vậy cũng tốt thôi. Ít nhất, trước mặt mình nó đã không dám chửi. Con người, dù là trắng đen vàng đỏ gì ai ai cũng có thỉ nộ ái ố, phải cho người ta một lúc nào đó hay một chỗ nào đó để xả xú bắp. Tôi quên con mụ đen liền lập tức và bắt đầu suy nghĩ đến kế hoạch đối phó với thằng Mike...

Như đã nói, tôi chẳng lạ gì thằng này. Nó cũng là một thằng thường hay đàn đúm với thằng Rao, và cũng hay cặp kè với cái thằng đã muốn làm hỗn với chị Báu. Tôi chỉ hơi thắc mắc và lấy làm lạ một điều là cái tình nghĩa gia đình của bọn Mỹ đen này thật là rẻ tiền. Nó dám bán thằng cháu ruột của nó chỉ vì 20 đồng bạc. Không, đúng hơn là 10 đồng.

Tôi lên lầu, khui một lon bia ngồi xem ti vi tiếp tục suy nghĩ chuyện thằng Mike.

Trước hết, là một người sinh ra có bản tính hiền lành, tôi chẳng muốn... giết người thêm một lần nữa. Tôi chỉ muốn nó trả lại tiền cho anh Báu và hứa từ này về sau đừng phá xe của ông ấy nữa là xong. Nếu vậy, tôi phải đối xử với nó thế nào để nó nghe lời tôi đây? Với uy tín... giết người của mình sẵn có, tôi nghĩ mình có thể thuyết phục nó được. Hơn nữa, là một người biết trọng lễ nghĩa, tôi muốn nó, chẳng những phải bồi thường thiệt hại, mà còn phải lên nhà xin lỗi anh Báu nữa. Nó làm vậy thì tôi mới nở mày nở mặt với anh Báu được. Chuyện xin lỗi đối với người Á Đông luôn luôn là một chuyện quan trọng. Tôi nghĩ nếu anh Báu được nó xin lỗi, ắt anh ấy sẽ sung sướng và thay đổi ý định dọn nhà.

Tối đó, tôi lại la cà xuống khu "sinh hoạt" thường ngày của bọn đen. Đứa nào nhìn thấy tôi thì cũng tảng lờ quay mặt đi có vẻ khiếp sợ, không muốn dây dưa với những kẻ "có máu mặt". Nhìn thấy vậy thì tôi rất khoái chí trong bụng. Có thế chứ, uy tín của tôi cũng không đến nỗi tệ.

Tôi nghênh ngang đến chỗ thằng Mike, ngoắc nó ra ngoài nói chuyện.

Ông nhọ Mike đàn đúm gì đó, đang ôm bụng cười sằng sặc với bạn bè, nhìn thấy tôi thì liền hết cười. Đúng là... mặc cảm phạm tội rồi.

Tôi nhìn nó và ngoắc ngoắc ngón tay làm dấu biểu lại đây. Như một cái máy, thằng Mike liền bỏ bạn bè, đi về hướng tôi như một cái máy. Thế mới biết thần lực của cây P. 38.

Tôi và nó đi song song với nhau dưới mấy tàn cây. Giọng thằng Mike quả là giọng của người có tội:

- Mày muốn gì tao... mother...

Tôi liếc nhìn nó, mắt tóe lửa ra. Thằng Mike ngưng kịp thời ở chỗ "mother". Tôi nói, giọng rất anh chị, rất sành sỏi:

- Mày motherf... một tiếng nữa thì mày sẽ hối hận.

- Ồ, ồ, tao xin lỗi.

Tôi biết, trong tất cả mọi cuộc thương lượng, dù đó là chuyện làm ăn bình thường hay là một chuyện lắc léo như câu chuyện tôi sắp nói lát nữa đây, giây phút đầu tiên là giây phút quan trọng nhất. Đó là lúc để hai người chưa hề biết nhau đem hết tài trí ra để nhận xét và kết con bài tẩy của nhau. Nếu đoán trúng được con bài tẩy thì đi tiền đâu có khó. Thằng Mỹ đen này ngu quá, nó đã để hớ con bài tẩy cho tôi nhìn thấy rồi. Chưa hề gặp tôi mà nó dám "xin lỗi" chỉ vì một lời trách móc vớ vẩn thì cái thế của nó là thế yếu rồi. Được lắm, tôi cứ theo bài tẩy của nó mà đi tiền.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục, giọng cũng rất trịnh thượng như lúc nãy:

- Chiếc xe bị cắt vỏ sửa hết 250 đô la.

Tôi thấy thằng Mike phải cố gắng lắm mới khỏi nhảy dựng lên:

- Mày nói cái gì tao không hiểu? Chiếc xe nào?

Tôi cười. Cố biểu diễn để nụ cười của mình là một nụ cười..."bố già":

- Chiếc xe mày cắt vỏ đó.

- Motherf...! Tao đâu có cắt vỏ xe của ai đâu?

Tôi dừng bước. Nó vừa phạm vào "luật" của tôi. Tôi vừa nói là tôi không muốn nghe những tiếng motherf... tục tĩu cơ mà. Tôi quay nhìn lui một vòng rồi nhẹ như chớp, đưa bàn tay xuống bụng rồi đưa liền tới trước.

Thằng Mike xém rú lên một tiếng khi nhìn thấy cây P.38 có cô hồn đang chĩa vào mặt nó. Ngay cả tôi cũng phải phục tôi về cái tài rút súng mau như thần này.

Thằng Mike ríu lưỡi lại, toan bỏ chạy nhưng tôi đã lắc đầu:

- Mày muốn chun vô thùng rác như thằng Rao không?

Ngay lúc ấy, từ đàng xa, có một bóng người từ từ đi tới. Tôi nói mau:

-Cứ bình tỉnh, nhưng mày mà còn motherf... một cái nữa thì mày chết với tao. Tao không đùa!

Tôi nó vừa xong thì bàn tay cũng chạy xuống bụng trở lại. Cây P. 38 ngoan ngoản trở vào nằm dưới sợi dây thắt lưng. Hai người lại bước...

Bóng đen vừa qua khỏi chúng tôi, tôi nói với thằng Mike:

- Mày đừng có làm bộ với tao là mày không biết về chiếc xe của người bạn tao. Mike.

- Tao nói thật.

- Tao cũng mong mày nói thật, nhưng tao cũng cần phải thông báo cho mày biết, tao cho mày một tuần, nếu mày không đem lại cho tao 250 đô la thì tao sẽ giết mày.

Thằng Mike dừng chân lại, nhìn tôi nhăn nhó:

- Nhưng tao không biết gì hết.

Tôi đứng dạng hai chân ra:

- Tao không cần biết! Điều tao muốn nói với mày tao cho mày một tuần. Nếu mày không nộp cho tao 250 đô thì tao giết mày. Mày hiểu tiếng Mỹ không?

Thằng Rao năn nỉ thêm mấy lần nữa nhưng tôi đã bảo nó:

- Hết chuyện nói rồi. Cút cha mày đi và nhớ lời tao nói: 250 đô la, không hơn không kém. Mày biết chỗ tao ở rồi. Tao cho mày một tuần. Sau một tuần mà tao không thấy mày chồng tiền là tao... giết mày...

Nói với nó như vậy, bề ngoài tôi cố giữ giọng nói làm ra vẻ thật lạnh lùng nhưng thật ra trong lòng thì rối như tơ vò. Vừa rối lại vừa muốn... chửi mình. ĐM sao đời tôi lúc nào cũng phải dây dưa vào những chuyện không đâu. Một tuần nữa nó không đưa tiền cho tôi thì tôi làm gì nó đây? Nói phét cái mồm cho vui chứ có dám giết nó không? Giết thằng này có lẽ không dễ dàng như thằng Rao, nhất là một khi nó đã biết trước mình sẽ giết nó. Mẹ kiếp, sao mà tôi ngu thế!

Nhưng thằng Rao bỗng gật đầu lia lịa, nói:

- OK, OK, mày nói vậy thì tao đành phải kiếm tiền mà đưa cho mày vậy. Một tuần nữa tao sẽ lên phòng mày lấy tiền đưa cho mày.

Tôi xoay người cất bước, biết rằng nó đang đứng nhìn theo tôi. Tôi vừa đếm bước vừa... cầu nguyện. Lạy trời lạy đất, trời đất có linh thiêng xin về đây chứng dám cho tấm lòng... thành của thằng tịn nạn nghèo khổ này. Xin trời hãy cho nó đem tiền tới chồng đủ. Bởi vì, nếu nó không chồng thì tôi quả tình không biết tính thế nào.

Tôi lên nhà anh Báu, kêu cửa vào ngồi cùng anh Báu ngồi coi ti vi và tán gẫu cho qua ngày giờ. Tôi tưởng cũng cần nói thêm một điều là kể từ khi nghe những lời đồn đãi của thiên hạ về việc tôi giết thằng Rao, anh chị Báu coi tôi như một thứ bùa hộ mạng của gia đình anh chị. Chuyện này cũng dễ hiểu. Một gia đình Việt Nam tị nạn hiền lành sống nơi đất lạ lại phải sống giữa một đám người ngu dốt và hung tợn như vậy, ai lại không mừng quýnh lên khi quen biết được với một người đồng hương dám chơi bạo cỡ như tôi?

Thế là "bùa hộ mạng" được mời bia lia lịa, món ăn món nhậu cũng được dọn lên tới tấp. Là một người háu ăn, tôi chẳng bao giờ từ chối những chuyện "tốt đẹp" này.

Tôi ngồi mãi cho đến khuya, uống hết sạch bia nhà anh chị Báu rồi mới đứng dậy nói:

- Thôi tôi về anh Báu.

Anh Báu mai phải đi làm sớm mà cứ phải ngồi tiếp chuyện với tôi cho nên nghe được câu đó thì anh mừng quýnh lên, vô tình buông ra một câu:

- Ôi, ông đi về hả, thế thì... tốt quá.

Nói xong câu đó thì anh Báu biết mình lỡ lời, liền bụm miệng lại. Tôi giả đò say để lờ luôn, làm như không nghe thấy câu nói này và trong lòng cảm thấy hơi buồn vì biết mình chưa giúp gì người ta mà đã làm phiền người ta nhiều quá. Tôi tự nhủ lòng từ nay sẽ bớt mục ăn nhậu này lại và mỉm cười cám ơn anh Báu rồi khệnh khạng bước ra...

/9

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status