Ô Cửa Nhỏ Màu Trắng

Chương 16

/38


Phúc để ánh mắt lơ đãng lướt trên những thứ lạ lẫm chung quanh. Cuộc sống đã dạy cho Phúc kiểu nhìn ấy. Không quan tâm, không săm soi, không thèm khát − những thứ giấu kín trong lòng. Trước cái nhìn lơ đãng, người ta thường thấy mình vô giá trị. Cái nhìn lơ đãng khiến người khác mất cảnh giác. Cái nhìn lơ đãng bảo vệ Phúc một cách hữu hiệu. Cái nhìn lơ đãng giúp Phúc bình đẳng với những người trong ngôi nhà này và cả trong ngôi nhà ấy nữa.

Ngôi nhà năm gian bằng gỗ, rộng mênh mông, sâu hun hút đầy những kẻ ăn người ở nhưng lạnh lẽo, trống trải đến ghê người. Kèo cột giăng ngang xẻ dọc, lực lưỡng, vững chãi như cái rọ khổng lồ giữ chặt những thứ bên trong. Cha súc miệng òng ọc khi thông báo sự có mặt của Phúc bằng một câu ngắn gọn sau bữa ăn:

− Giao nó ít việc thôi. Nó đang có thai đấy.

Má Phúc − người đàn bà không bao giờ lộ vẻ ngạc nhiên, cứ như tất cả những việc trên đời này đều nằm trong sự sắp đặt của bà vậy. Bà quát người làm dọn căn phòng trống ở phía sau để cha Phúc có chỗ lui tới, vừa kín đáo vừa cách ly người phụ nữ mang thai ra khỏi đám kẻ ăn người ở trong nhà như một sự phân chia ngôi thứ, như một lời thừa nhận. Tất cả những gì người đàn bà nhận được chỉ có thế. Ngay cả đứa con gái do chị rứt ruột đẻ ra cũng thuộc về người khác. Dù sinh toàn con trai nhưng không vì thế mà họ quý nó hơn.

− Con bé cứng cáp rồi. Ngày mai dì cai sữa nó đi.

Như những đứa con của má lớn, Phúc gọi mẹ là dì. Dì sống âm thầm, nhẫn nhục. Dì không thương hay ghét Phúc rõ ràng. Có khi Phúc được dì ôm riết vào lòng, lúc lại đẩy tay Phúc ra lạnh nhạt và hờ hững. Lớn hơn một chút Phúc nhận ra tình cảm ấy tuỳ thuộc vào thái độ của cha đối với dì. Những người con của má không phân biệt Phúc là con má hay con dì. Không để ý Phúc là con trai hay con gái. Họ chia đều công việc, quyền lợi và Phúc nhận một phần. Trong nhà tất cả đều làm việc, không phân biệt chủ tớ, lớn nhỏ, già trẻ, trai gái. Má nói hễ ăn thì phải làm. Để đuổi kịp những đứa con trai của má, Phúc đi như chạy, ăn như giông, cũng huỳnh huỵch ngoài đồng, quần quật suốt ngày như trâu lăn ngựa ngã. Chỉ khác nhau ở chỗ chiều về, họ nhảy ùm xuống sông. Phúc lủi thủi tìm nơi bến vắng và ngủ một mình trong góc tối cạnh phòng dì. Đêm nào cha vào phòng, sáng ra gương mặt dì tươi tắn và cười với Phúc. Dì mong có thêm đứa con trai để giữ chân cha. Nhưng cha đâu có thiếu con. Ngay cả đứa con gái duy nhất là Phúc cha còn không màng tới. Thỉnh thoảng, cha kêu lên như vừa phát hiện ra Phúc: “Cha, con nhỏ lớn bộn rồi. Ngó nó ngộ thiệt đa”. Chữ “đa” được cha kéo dài như một lời thán phục dành cho chính mình, rồi thôi. Tiếng tằng hắng trong đêm thưa dần rồi không còn nghe thấy. Cha có người đàn bà khác. Dì khô héo, xanh rớt như dải khoai thiếu nắng. Má Phúc cười lạnh. Không ngạc nhiên, không phản đối, không chấp nhận, bà quát người làm và cắt đặt mọi việc lớn nhỏ trong nhà.

Dì ốm nặng. Phúc thức trắng đêm theo tiếng ho rát ruột của dì nhưng dì không cho Phúc vào. Dì mong cha về và ghé thăm dì. Má nhếch đôi môi ăn trầu cắn chỉ:

− Sớm một giờ không đi, muộn một giờ không ở, tánh ông ấy đã thế rồi, chẳng thay đổi gì đâu. Dì ghen rạc người chỉ thiệt thân thôi.

Dì bệnh ngày một nặng, chẳng thuốc thang nào chữa khỏi. Ông ngoại đến thăm, dì khóc nhưng ngoại rước, dì không về. Ngoại gạt nước mắt, dáng xấp xãi đi như chạy ngoài bờ đắp. Khăn áo mốc cời, nếp nhăn ở quần dày như mo cau võng trên bắp chân, sấp ngửa theo nhịp bước của ngoại Thím Bấc kéo Phúc vào bếp, thì thào:

− Ngoại con đó. Con chạy theo gọi ngoại đi.

“Ngoại ơi”. Phúc chạy băng băng trên cầu, tiếng kêu loang trên mặt sông dội vào lòng Phúc cảm giác máu mủ ruột rà. Ngoại quay lại. Người quắt queo, khô héo như thân cây già nua, cằn cỗi. Râu tóc lưa thưa, bạc trắng. Trước kia, ngoại cũng là kẻ ăn người ở của má. Khi dì mang thai Phúc, ngoại bỏ nhà đi chăn vịt chạy đồng cho người ta. Ngoại nắm bàn tay nhỏ xíu, chai sần của Phúc:

− Con là Phúc phải không?

− Sao ngoại biết?

− Ngoại biết chứ. Nhớ chăm sóc má nghen con.

− Má có bệnh gì đâu ngoại.

− Ừ, ngoại quên. Nhớ chăm sóc cho dì con. Tội nghiệp, dì con bệnh nặng lắm, chắc qua không khỏi.

Ngoại khóc nấc. Phúc khóc theo. Có tiếng má gọi. Gạt nước mắt, Phúc chạy về. Ngoại thương hai mẹ con đứng lặng trên cầu, nghe đau như ai dùng dao cắt ruột.

Dì chết. Thím Bất đặt tay Phúc lên mặt dì nhưng mắt dì vẫn mở. Dì chờ cha về. Má lại quát người nhà, cắt đặt mọi việc. Không còn dì, cuộc đời Phúc cũng không thay đổi. Phúc vẫn ở trong nhà như cái kèo, cái cột, con mèo, con chó. Người ta thấy Phúc nhưng không ai nhớ đến Phúc cả. Phúc không có trong trí nhớ của bất cứ ai.

Những năm cuối đời, cha về ở hẳn nhà rồi mất trong sự ghẻ lạnh của má. Trong mắt má, cha là người đàn ông ích kỷ, xem tự do cá nhân là tuyệt đối, không thích trói buộc, khao khát lạc thú, sẵn sàng trả giá không điều kiện cho những hậu quả khi tuổi già và má để cha được toại nguyện.

Cha mất. Những người con của má cũng lần lượt rời nhà, chỉ còn Phúc và má. Giờ má đã nhớ đến Phúc. Phúc quanh quẩn trong nhà. Cuối tháng, má tính toán chi tiêu. Trả công cho người làm và cho cả Phúc. Ngày Phúc xin má về với ngoại. Má nhìn Phúc, gật đầu − nhẹ tênh như Phúc xin qua nhà hàng xóm chơi một chút rồi về vậy. Má nhắc Phúc mang theo thứ này thứ khác như không muốn Phúc trở về − dù chỉ để lấy mấy món đồ để quên.

Hôm Phúc đi, ngồi trên bộ ván ngựa, vuốt cốt trầu tứa hai bên mép, má nói mà không nhìn Phúc.

− Má sẽ sai sấp nhỏ mang tiền ra cho con mỗi cuối tháng.

Phúc lắc đầu, ấp úng:

− Dạ thôi, má già rồi… con…

Má cười. Cười như hiểu tận ruột gan người khác. Cười như nghe lời đãi bôi khiến Phúc im bặt. Tất cả đều nín thở và rón rén trước má, kể cả thời gian. Dù thời gian vân kịp lưu những lằn ngang nếp dọc trên gương mặt một thời xuân sắc của má. Thời gian biến những đẹp đẽ, sắc sảo của tuổi trẻ thành độc địa cay nghiệt khi về già. Những đường nét thanh tú, mảnh mai vụt trở thành nhọn hoắt, xương xẩu. Bao nhiêu năm rồi nhưng cái kiểu nhổ cỗ trầu đánh xoẹt như nhổ vào mặt người khác vẫn không đổi, má lạnh lùng:

− Má chưa chết và đất này còn huê lợi thì con vẫn có phần như những đứa khác. Má đã hứa rồi.

Không biết má hứa với ai. Phúc muốn hỏi nhưng không dám. Má khoát tay như xua Phúc:

− Con đi đi!

Mỗi lần má cho người mang tiền đến, ngoại uất ức như chết đi sống lại. Ngoại chửi rủa, mắng nhiếc, xua đuổi. Nhưng ngoại ra đằng trước, người của má vòng ra sau, nằn nì:

− Cô nhận đi! Tui mà mang về, bà giết tui chết.

Ngoại dời nhà. Càng đi càng xa nhưng không bao giờ má lạc mất dấu. Riết rồi ngoại cũng thôi. Ngoại nhớ Phúc được vài năm. Những năm cuối đời, ngoại lẫn lộn khi nhớ khi quên. Không còn khái niệm thời gian, tất cả những việc trong quá khứ với ngoại đều xảy ra “Hôm qua”. Lạ một điều cái “Hôm qua” ấy chỉ toàn những câu chuyện buồn thảm. Chúng khiến bánh xe quá khứ quay nặng nề, cầm chừng nên mãi vẫn không khuất dạng trong trí nhớ vốn quắt queo đắng ngắt như khổ qua quá lứa của ngoại. Ngoại không nhớ Phúc. Phúc không có mặt trong “Hôm qua” của ngoại. Ngoại chỉ nhớ dì. Ngoại gọi phúc bằng tên dì. Phúc nhớ tiếng ho xé ruột xé gan. Ho đến thổ huyết mà chết. Phúc sợ giống dì. Kẽ tay Phúc thưa rỉnh. Mỗi lần nhìn Phúc lại sợ. Phúc sợ những thứ của mình sẽ trơn tuột qua đấy chẳng giữ lại được. Lo lắng, bất an khiến Phúc bíu chặt những thứ mà Phúc linh cảm là của Phúc, thuộc về Phúc.

Nhật Văn đã gợi trong Phúc ý thức mãnh liệt về sự sở hữu. Phúc không biết mình có yêu Văn không. Nhưng Phúc biết Văn yêu Phúc bắt đầu từ cảm giác lạ lùng. Một cô gái nhỏ lãnh đạm, khó gần và cái nhìn lơ đãng như phòng thủ với cuộc đời. Chưa ai tốt với Phúc như thế. Văn nâng niu Phúc như nâng niu báu vật. Mỗi lần Văn chạm vào Phúc − dù rất nhẹ ở tóc ở vai − Phúc lại nhớ tiếng ho khẽ như tiếng tằng hắng của cha trong đêm. Cửa phòng mở và gương mặt tươi rói của dì vào buổi sáng, Phúc rúm người vì sợ. Văn hụt hẫng, buồn bã nhưng thấy Phúc buồn, Văn lại dỗ dành, xoa dịu Phúc rất lâu.

Văn xây cầu bắc qua quãng sông rộng. Rộng hơn bất cứ khúc eo nào dùng để sang ngang ở cái xứ sở sông nước này. Cầu xây xong, hết cảnh đò ngang bến đợi. Khúc sông thưa dần khi những toán thợ lần lượt rút đi. Văn là người sau cùng. Văn không hứa nhưng Phúc biết Văn sẽ trở lại. Đôi mắt Văn bảo thế. Phúc không chờ đợi. Phúc xem đó là điều hiển nhiên. Không còn tiếng ầm ì từ công trường vọng lại, không còn tiếng gọi đò, không còn tiếng cười nói lao xao, không gian trống vắng đến lạ lùng. Lâu quá Văn không về. Mỗi chiều Phúc lại nhìn lên cầu. Ngôi nhà nhỏ của Phúc không còn người vào ra xin nước, nghỉ chân bỗng thênh thang đến chống chếnh. Cái mắc áo trên cột, lu nước sau hè, cả tiếng gà gáy trưa cũng nhắc Phúc nhớ Văn. Phúc nhớ mỗi buổi trưa, Văn đung đưa trên võng. Phúc ngồi bó gối ở bộ ván gõ cạnh đấy. Tay Văn vuốt ve những ngón chân của Phúc. Phúc chờ Văn đến mòn mỏi. Xoè bàn tay nhìn những kẽ thưa rỉnh, Phúc khóc cay đắng.

Rồi Văn xuống. Phúc nhận ra dáng Văn từ trên cầu. Vừa bước vào nhà, Phúc đã nhào vào lòng Văn. Thân thể nóng hôi hổi, mềm mại và những giọt nước mắt của Phúc khiến Văn mê đi. Đến khi mắt Phúc nhắm nghiền, tiếng rên ghìm trong cổ thoát qua đôi môi mọng ướt mở hé như cánh hoa, Văn mới sực tỉnh, cuống quýt “Cho anh xin lỗi. Đau lắm hở em?”. Phúc lắc đầu, vòng tay ôm tấm lưng rắn chắc của Văn, đón lấy đôi môi ấm áp, cuồng nhiệt của Văn. Lâu lắm Phúc mới được giấc ngủ thật dài thật bình yên trong lòng Văn. Phúc thức giấc giữa đêm, đầu gối trên tay Văn. Cảm xúc vẫn còn long lanh trong mắt Văn. Hai đốm lửa nhỏ lung linh trên mặt Phúc “Lần sau anh và má sẽ xuống đón em”. Nhưng lần sau, lần sau nữa Văn chỉ xuống một mình, dáng trầm ngâm. Phúc không hạch hỏi Văn. Má không bao giờ vặn vẹo hay đòi hỏi gì ở cha, không đòi môn ra môn, khoai ra khoai, không toan tính theo kiểu nhà chia dọc, thóc chia ngang như những người phụ nữ khác nên má giữ được cha.

Văn bặt tâm. Phúc nhớ thầy Nguyễn. Thầy giáo làng hàng ngày lẳng nhẳng bám theo chị Khê. Họ yêu hồi nào không ai hay, yêu ở đâu không ai biết nhưng lúc thầy Nguyễn lẳng nhẳng bám theo là bụng chị Khê đã lum lúp tròn. Bờ ruộng mỏng như lá lúa, trơn lầy chỉ đủ một người. Chị Khê đi trước, nói cười thơn thớt như thầy đang giễu chị vậy. Dáng thầy cao, hai má hõm như người thiếu ăn. Nhà thầy thuộc vào loại cổ kính nhất làng được bao bọc bởi khu vườn rộng lớn thâm u. Trong vùng, chỉ độc nhà thầy dùng nước giếng. Giếng ở sau nhà sâu hun hút, nước ứa ra quanh năm trong leo lẻo như mắt mèo, lạnh buốt như kim châm. Mẹ thầy người toàn xương, chẳng có chút thịt gọi là, lưng thẳng, ngực ưỡn. Hàng ngày ngồi trên bộ ván lên nước bóng loáng như cái ngai chờ thầy hầu cơm hầu nước. Đôi mắt lừ lừ, đôi môi mỏng dính mím chặt, mẹ thầy rất ít lời vì bà chỉ cần cười khẩy một tiếng thiên hạ đã sợ đến vỡ mật. “Ở nhà chết đói, ở với chủ chết đòn, còn về với thầy hả? Thôi đi, đem thân về với triều đình, hàng thần lơ láo phần mình ra sao? Thầy cho tôi xin đi. Tôi năn nỉ thầy đó. Làm ơn đừng theo tôi nữa. Tôi làm tôi chịu”.

Không lẳng nhẳng theo sau chị Khê nhưng chị Khê ở đâu lại thấy thầy ở đó. Tấm lưng dài thượt còng xuống, lồng ngực rộng nhưng thịt chỉ đủ đắp đổi nên dáng thầy lắt lẻo như người đi cầu khỉ, mặt rười rượi, đôi mắt thao láo, mất hồn. Thầy uống rượu. Hôm nào uống ít, thầy ngâm thơ. Giọng ngâm của thầy nghe não nuột như bìm bịp kêu mỗi khi nước lớn.

Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

Hôm nào uống nhiều, thầy than duyên trách phận. Người mềm rũ như lá chuối hong lửa. Bạn nhậu cám cảnh cao giọng nguyền rủa giùm mấy câu. “Ối… hơi sức đâu thầy buồn. Đàn bà là giống vô ơn. Cái gì thuộc về nó, nó hành hạ đến nơi đến chốn. Nó chỉ thích cái thứ đi mây về gió mà thôi. Cứ để ế chỏng ế chơ cho nó biết thân”. Chà, họ không thấy thầy xa lạ nữa. Nhờ thất tình, thầy và họ trở thành những người cùng hội cùng thuyền, cùng mâm cùng chén. Họ ám ảnh thầy bằng sự cảm thông và những câu chuyện an ủi khích lệ. Họ đồng thanh hệt một dàn hợp xướng và những người trước đây cười cợt thầy là tên hoạn quan lưng còng da nhợt, mẹ thầy là người đàn bà có nhan sắc của gã đàn ông… xấu thay phiên nhau lĩnh xướng. Thầy gục gặc cái đầu chứa đầy những thơ văn đạo lý treo trên cần cổ khẳng khiu “Ừ, khốn nạn nhất là cái thân đàn ông thành sở hữu của đàn bà”.

Chị Khê ở tuốt trong nhà, chẳng mấy khi ló mặt ra ngoài nhưng nghe không sót lời nào từ lũ con nít bụng ỏng, đít teo từ những dì, những thím, những mợ suốt ngày dòm ngó nhà lân cận, ngong ngóng từ làng trên xóm dưới để thêm tí tiêu, tí ớt vào cuộc sống nông thôn vốn nhạt sự kiện như tô canh lỏng chỏng nước. Một năm chỉ quần quật vài tháng ngoài đồng, thời gian còn lại chẳng biết làm gì vì thế nhiều chuyện, hóng chuyện, đặt chuyện là căn bệnh mãn tính, đặc thù của nền văn minh lúa nước. Chị cười, và nếu không kèm thêm câu “Tui cũng chẳng danh giá gì nhưng không cần đến nỗi phải vơ bèo vớt bọt mà lấy” thì tưởng như chị đang nghe chuyện thiên hạ vậy.

Sinh con, Chị Khê giao thằng bé cho thím Bấc. Kể từ ngày đó, không còn ăn to nói lớn, không còn rầy rà những chuyện trái tai gai mắt, không còn thói quen nói câu đầu nghiêm chỉnh câu sau cà rỡn, không sân sẩn đi lại trong ngôi nhà năm gian đầy những kèo những cột − như chiếc bóng, thím lặng lẽ suốt ngày dưới bếp. Mỗi lần thím cất tiếng ru, Phúc nghe xót xa trong dạ.

Ầu… ơ gió đưa cây cải dìa trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

Cây cải không về trời. Cây cải cưới vợ theo lệnh của hoàng thái hậu nhiều xương ít thịt. Rau răm đi biệt xứ − chẳng biết có phải đi theo cái thứ “đi mây về gió” không − cũng không chịu một lời đắng cay nào, chỉ thím cúc cung nuôi thằng cháu còn cha còn mẹ nhưng phải mồ côi.

Mỗi lần nhớ lại, Phúc giật mình, người lạnh toát. Văn biền biệt như bóng chim tăm cá. Hàng ngày, sau nhà Phúc những con đò dọc vẫn lặng lẽ xuôi dòng. Ai cất tiếng hò chơi mà nghe mang mang, khắc khoải một nỗi niềm.

Hò ơ… nồi tròn thì úp vung tròn

Em đây nồi méo nên còn đợi anh

Phúc không đợi Văn nữa. Em bé lớn dần. Bụng Phúc lum lúp tròn như bụng chị Khê. Phúc đi tìm Văn.

Mẹ Văn dang tay đón Phúc. Giống như Văn, bà nâng niu Phúc nhưng ánh mắt thoáng giống dì, thoáng giống má. Có những bất chợt Phúc bắt gặp bà nhìn Phúc đăm đăm như dò xem con trai bà yêu Phúc ở điểm nào rồi ngạc nhiên cuối cùng là thất vọng. Trong suy nghĩ của bà, người yêu của Văn nhất định giống cô gái đang ngồi kia. Hôm Phúc đến thăm mộ Văn cũng là lần đầu tiên họ gặp nhau. Lúc đó Nam Giao không khóc nhưng Phúc thấy có sóng cồn cào trong mắt Giao. Phúc không quan tâm Giao là gì của Văn nhưng Phúc chắc chắn Giao không phải là người yêu của Văn vì Văn yêu Phúc cuồng nhiệt, yêu đến kiệt sức nên chẳng còn chỗ cho người nào khác. Có thể Giao yêu Văn nhưng điều quan trọng là Vũ không thờ ơ với Giao. Phúc không thích những thứ rối tinh rối mù như thế.

Văn cũng không nói về Uy Vũ. Phúc ngạc nhiên khi biết Văn có anh trai. Giờ Phúc mới nhận ra mình chưa bao giờ hiểu Văn cả. Phúc tìm Văn qua hình ảnh Uy Vũ và lạ lùng khi không còn Văn, Phúc lại thấy Văn rõ ràng hơn. Đứa bé khẽ cựa mình. Phúc xoa nhẹ vòng bụng căng tròn và cúi nhìn bàn tay. Cẩn thận, Phúc khép những ngón sát vào nhau, nắm chặt lại.

/38

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status