Nước Lạc Việt Ở Thế Giới Mới

Chương 55 - Kỵ Binh

/55


Thời gian quá gấp gáp, súng Gan Ga 1795 làm ra mỗi ngày đều đưa thẳng đến doanh trại của tân quân.

Quang Toản cho tân quân Lạc Việt dần thay đổi súng mới để họ luyện tập, những súng cũ lại đem đến cho Vũ Văn Dũng, súng mới quá nặng nề, khiến cho việc cầm tay chiến đấu lâu dài trở thành một hạn chế lớn khi trang bị cho bộ binh, Quang Toản nghĩ đến việc dùng đến voi, và ngựa làm đặt giá súng, nhưng ngựa không phải binh lính nào cũng có thể cưỡi được, Quang Toản vừa lấy 500 kỵ binh từ Lý Văn Bưu nhập vào Lạc Việt quân, sai Phan Thuận cho lắp trên mỗi yên ngựa một giá súng giúp kỵ binh thực hiện xạ kích ngay trên lưng ngựa.

Nhưng giá súng trên lưng ngựa chỉ có thể giúp kỵ binh treo vũ khí chứ không giúp họ vừa xạ kích vừa chạy, đầu tiên là do kỹ năng của người ngồi trên ngựa còn hạn chế, việc hai tay buông dây cương lúc ngựa đang phi nước kiệu không phải ai cũng làm được, sau lại do mức độ chính xác không cao khi khai hỏa trong tư thế ấy. Quang Toản đành để họ tập luyện chiến đấu theo lối du kích kỵ, chia ra từng tiểu đội kỵ binh, bắn sau đó chạy chuyển vị trí rồi lại bắn, nhóm này yểm trợ nhóm kia, lúc chạy mà bị đối phương đuổi theo thì dùng lựu đạn để ném. Tiểu đoàn trưởng chỉ huy kỵ binh tên là Vũ Văn Thành tỏ ra rất thích thú với kiểu chiến đấu mới này, trong khi có một số người tự hỏi trong lòng, ‘cách này có phải rất bỉ ổi không?’

Lại nói tân quân Lạc Việt, hiện tại có tất cả 2500 người được chia ra làm năm tiểu đoàn, trước đây lúc mới thành lập, Trần Quách Tĩnh là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 101 và Dương Thiếc là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 103, sau khi hai người này đi nhận chức mới Phan Văn Lân liền đem Đỗ Quốc từ tiểu đoàn 104 sang làm tiểu đoàn trưởng 101, Hữu Nam vẫn là tiểu đoàn trưởng 102, Lê Văn An, một chiến sỹ có thành tích huấn luyện giỏi của tân quân được cất nhắc làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 103, ở tiểu đoàn 104, Quang Toản đem Trần Danh Tuấn vào thử thách ở đây, y trước là tay kiếm giỏi, lúc theo sứ đoàn sang Tây, dùng kiếm của mình đánh bại các tay kiếm Châu Âu giúp dương danh Đại Việt ra bên ngoài, được Trần Văn Kỷ đặc biệt thưởng thức, ra sức tiến cử, thật ra Trần Danh Tuấn trước khi thành danh vốn là thân binh của Trần Quang Diệu rồi.

Quang Toản bằng nhiều lý do, lấy đi của Trần Quang Diệu gần hết binh quyền, từ hai vạn người xuống còn chưa đến tám ngàn quân, tuy ông ta không ý kiến gì nhưng hắn vẫn thấy áy náy, hơn nữa trong Lạc Việt quân có không ít người vốn là thuộc hạ đắc ý của các tướng lĩnh Tây Sơn, vì tân quân vốn là tập hợp các cá nhân xuất sắc đến từ nhiều doanh khác nhau, nổi lên như một thế lực thân tín của Hoàng Đế trong tương lai, đa số đều nhận định Quang Toản đang sửa soạn cho việc xây dựng trung quân, không thể nghi ngờ, các tướng lĩnh Đại Việt trong tương lai chắc chắn sẽ trưởng thành từ đây, một vị trí thân tín trong đó là điều đáng được dành giật, nhưng người của Trần Quang Diệu dường như không có, việc để Trần Danh Tuấn vào tiểu đoàn 104 cũng vì một phần do nguyên nhân này, cân bằng quyền lực lúc nào cũng đáng được lưu tâm.

Riêng kỵ binh sau khi được sát nhập vào tân quân, gọi là tiểu đoàn kỵ binh số 201, tên Vũ Văn Thành gian xảo kia, Quang Toản cũng đào từ Lý Văn Bưu ra, bố trí cho đám người mới này xong, hắn vẫn thấy có điều gì chưa ổn lắm, chợt nhớ đến một binh chủng quan trọng không thể thiếu trong thời đại này, Tượng Binh!

Để Bùi Thị Xuân gom góp voi chiến và quản tượng ưu tú, Quang Toản chọn lấy 250 con, sắp xếp trên mỗi voi hai giá súng, giao cho tiểu đoàn 104, mỗi voi xếp hai xạ thủ. Vì lượng voi có hạn nên Quang Toản chỉ đủ sắp xếp cho một tiểu đoàn, ba tiểu đoàn còn lại đành phải làm bộ binh hạng nặng bất đắc dĩ. Sau đó cho Lạc Việt Quân bí mật xuất phát thẳng hướng đồn Ninh Hòa, Nguyễn Văn Lộc mang theo pháo binh cùng tiến.

Bố trí xong hết thảy ngày 16 tháng 12 năm 1795 (Al) Quang Toản xuất phát cùng thủy binh Nguyễn Văn Tuyết từ cảng Thuận An đến Hòn Lớn sau đó tiến đến đồn Ninh Hòa. Tại đây Võ Văn Dũng và Vũ Đình Tú đem gươm ra chịu tội, Quang Toản nói.

“Tướng dẫn binh sa trường lâu ngày mà phạm vào tội như vậy quả đáng chém, Nhưng thắng thua cũng là chuyện bình thường của nhà binh, huống chi đang trong chiến trận kỵ việc chém soái, tạm thời giữ mạng hai ngươi lại, chờ sau trận chiến lại xử tội cũng không muộn” Quang Toản rạch ròi nói.

Sau đó Quang Toản cử thám báo (trinh sát) xuất phát dò đường, phong Võ Văn Dũng làm tả quân lĩnh binh sáu ngàn người, để Vũ Đình Tú làm hữu quân lĩnh binh sáu ngàn người, Phạm Văn Điềm làm hậu quân dẫn binh 6000, Phan Văn Lân làm tiền quân suất lĩnh 6000 người, Quang Toản trấn giữ trung quân, nhưng cờ hiệu lại lấy danh nghĩa của Nguyễn Văn Lộc, gồm quân cận vệ 500 người, pháo binh và Lạc Việt quân. Bùi Thị Xuân lo việc hậu cần quân bị. Đặng Xuân Bảo và Nguyễn Văn Tuyết đem thủy quân ra đóng ở ngoài khơi Cam Ranh nhằm trợ chiến. Trong tả quân, hữu quân, và tiền quân, có sự xuất hiện của binh chủng mới, lính súng kíp kiểu âu, vừa được gấp rút huấn luyện hơn hai tháng, chiếm gần một nửa quân số.

Ngày 24 tháng 12 năm 1795 Quang Toản lệnh Phan Văn Lân suất lĩnh tiền quân đi trước, hắn dẫn toàn quân đi sau, thẳng hướng thành Diên Khánh.

Thành Diêm Khánh chứa bốn vạn quân tinh nhuệ của Gia Định, trên tường thành có gần ngàn pháo đạn lớn nhỏ, một nửa số đó lấy từ cuộc rút chạy của Võ Văn Dũng, giữ thành có tả quân Lê Văn Duyệt, Tiền quân Nguyễn Văn Thành làm chỉ huy, tường thành bằng đá cao bốn mét, phía trước thành có hào bảo vệ, lương thực đủ dùng cả năm, là nơi dễ thủ khó công, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng từng nếm không ít quả đắng nơi đây. Chính Quang Toản cũng không lấy gì nắm chắc hạ được thành này, nhưng nếu hạ được nó, đường đến Gia Định không còn quá khó.

Dưới chân thành Diên Khánh, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành cho quân dàn trận chờ Quang Toản đến, Phan Văn Lân thấy quân địch đông không dám sơ suất, liền giảm tốc độ hành quân, chờ đại quân phía sau đến.

“ Bên địch có bao nhiêu binh quân, bố trí ra sao” Quang Toản hỏi

“ Địch quân ba vạn ra ứng chiến với chúng ta, tướng xuất thành là Lê Văn Duyệt, bên cánh phải có năm mươi voi chiến, bộ binh dùng hỏa thương tám ngàn, bên cánh phải có 100 xa pháo, kỵ binh hai ngàn xếp phía sau, còn lại là xếp ở trung quân mâu binh xếp trước, hỏa thương binh xếp sau cùng là cung tiễn thủ hai bạn người, trung quân là nơi mạnh nhất của địch.” Phan Văn Lân báo lại.

Quang Toản nghe xong liền méo mặt, hắn quên mất là mình đang ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, hai bên dàn quân chờ đánh trận, trận chiến theo kiểu thí quân thí tướng, bên nào kiên trì được đến cuối cùng coi như thắng, chứ không phải lối đánh đột kích như chiến tranh sau này. Rất không may ở trường quân sự thế giới trước, hắn không được dạy về loại chiến thuật này, với lại do thói quen không muốn đánh đấm theo kiểu giết địch một ngàn bị thương tám trăm nên nhất thời hắn chưa biết phải ra lệnh như thế nào cho phải, phải mất một hồi lâu Quang Toản mới ra được mệnh lệnh đầu tiên.

“ Tả quân bên phải, hữu quân bên trái, Pháo dàn trước trận, bộ binh Lạc Việt quân đứng phía sau bảo vệ pháo, Tượng binh đứng trước tả quân, kỵ binh đứng sau hữu quân, tiền quân tiến lên trước mười bước làm nghi binh, hậu quân làm dự bị chia bốn tốp dàn ngang chờ lệnh. Tất cả vào vị trí, chờ lệnh tấn công” Quang Toản ra lệnh lính thông tin tỏa ra đi báo với các nơi.

“ Tả quân đợi lệnh, hữu quân đợi lệnh, tiền quân, hậu quân đợi lệnh, Lạc Việt quân đợi lệnh, Pháo quân đợi lệnh!” tất cả các vị trí sau khi sắp xếp liền báo về đã sẵn sàng.

“Xa pháo hướng thẳng quân địch bắn liên tục không nghỉ, hữu quân lui về sau năm mươi bước ra ngoài tầm đạn pháo địch” Quang Toản ra lệnh.

“ Bùm.. đùng!”

Quang Toản phát hiện ra điểm yếu trong cách bố trí pháo của Lê Văn Duyệt nên ra lệnh hữu quân lùi phía sau, lại lệnh pháo bắn không ngừng nghỉ nhằm ép Lê Văn Duyệt tấn công trước. Như vậy Quang Toản sẽ có lợi thế hơn. Với lại hắn cũng không quá rành rẽ về cách điều binh bố trận của loại hình chiến thuật thời đại này, chỉ đành theo kiểu truyền thống, tiền pháo hậu xung mà ra lệnh.

Vì nòng pháo không đủ chuẩn về chất lượng thép, pháo binh vẫn phải dùng thuốc nổ đen để nhồi. Đạn pháo liên tục bắn ra khói đen trở nên mịt mù, Lê Văn Duyệt cũng cho pháo đáp trả nhưng vì hữu quân Phú Xuân đã lui ra sau nên không mấy hiệu quả.

Pháo của Nguyễn Văn Lộc chi phối cả ba cánh quân của Lê Văn Duyệt liên tục xạ kích vào đội hình mãi không có dấu hiệu dừng lại, thương vong cũng vì đó mà tăng lên, chỉ sau hai khắc (30p) ước chừng đã có năm trăm lính Gia Định chết vì pháo kích. Pháo thời đại này vẫn dùng đạn cầu đặc, lúc bắn ra đẩy viên đạn đi thẳng hướng vào trận địa đối phương rồi lăn lông lốc vài vòng và nằm im, chẳng có hiện tượng nổ bùm như loại đạn nổ sau này, nên đạn bắn thì nhiều, nổ thì to, khói bụi mịt mù nhưng khả năng sát thương không lớn, chủ yếu vẫn là để hù dọa tin thần binh sĩ đối phương, đạn đặc không nổ, phạm vi sát thương kém nhược, nhưng nếu binh lính trực tiếp trúng đạn chỉ có nước thành thịt nhão, sẽ cảm thấy như thế nào khi ngươi bên cạnh vừa đứng xếp hàng với mình nay thành đống máu thịt lẫn lộn, chỉ có binh sỹ trong cuộc mới hiểu, nó làm cho người ta run lẩy bẩy, mất sức chiến đấu như thế nào, khả năng trúng đạn trực tiếp là rất thấp nhưng suốt thời gian pháo kích lúc nào cũng trong trạng thái lo sợ, tinh thần cực độ tiêu hao.

“Cứ để đối phương bắn gắt như thế này mà không đáp trả, sẽ ảnh hưởng lớn đến sỹ khí, pháo binh của ta đâu? Cho đáp trả mạnh vào, bắn cho chúng ngỏm luôn đi!” Lê Văn Duyệt ra lệnh.

“Chúng ta bắn không đến! Xin tướng quân cho pháo đổi hướng tấn công!”

“Ngu ngốc! Bây giờ đổi trận địa còn kịp sao? Vô dụng, toàn là đồ bỏ đi cả, dặn kỵ binh sẵn sàng đi, tập kích thăm dò cánh trái của chúng”

Lê Văn Duyệt trở nên ngày càng sốt ruột. Lệnh cho kỵ binh chuẩn bị tấn công. Thấy kỵ binh đối phương có dị động, Quang Toản lệnh để bộ binh cầm súng kíp xếp thành đội hình ô vuông sẵn, lệnh bộ binh Lạc Việt quân đang ở bên cạnh xa pháo chuyển sang tư thế quỳ bắn, phòng ngừa đối phương bỏ qua mục tiêu hai cánh mà đánh vào pháo binh.

Võ Văn Dũng và Vũ Đình Tú và các tướng lĩnh khác thấy Lạc Việt quân quỳ xuống chĩa súng ra phía trước trông thấy lạ, nhưng không thể rời vị trí nên chẳng thể đến bên Quang Toản để hỏi thăm được, đành kìm nén tò mò mà chờ đợi.

“Các ông nói có phải chúng sợ quá mà quỳ xuống không?” một viên quan tham tá bên cạnh Lê Văn Duyệt chỉ trỏ mà nói làm cả đám tướng sỹ xung quanh cười sang sảng.

“Ha.. ha.. ha.. ha.”

Quả nhiên hai ngàn kỵ binh của Lê Văn Duyệt tiến lên ý đồ từ cánh trái đánh vào, đầu tiên gặp phải pháo kích buộc chúng phải chạy vòng tấn công phía sườn cánh quân phía trái đang lộ ra sơ hở, nào ngờ tại đây có hai khối vuông súng kíp chờ sẵn, súng bắn, lựu đạn được ném ra, gây thiệt hại nặng cho toán kỵ binh quân Lê Văn Duyệt, thêm kỵ binh Lạc Việt quân nối đuôi chạy vòng cung phía ngoài, xạ kích vào đám đông kỵ binh đối phương, rồi lại chạy theo kiểu du kích.

“Chúng làm gì kia! Đám đạo tặc Tây Sơn biết dùng trận pháp từ khi nào?” Lê Văn Duyệt nhìn thấy quân Tây Sơn biến đổi trận hình, không nhịn được mà thốt lên.

“Cái này giống cái như cơ đội Oliver vẫn thường nhắc đến, trận hình vuông” một quan tá trả lời.

“Đám Tây Dương ấy cũng biết dùng trận pháp! Sao chưa bao giờ nghe qua?” Lê Văn Duyêt thắc mắc nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ viên tham tá.

“Chỉ là cách sắp xếp đội hình cho lính hỏa thương, chúng như con nhím vậy, không linh động lúc giáp mặt đối địch, nhưng bây giờ đúng là rất có hiệu quả, xem ra chủ tướng địch rất giỏi ứng biến.” Viên tham tá nhận xét.

“Hừ..! Nếu ta có trong tay một đám cung kỵ, liền chẳng sợ bọn nó, cái ngữ ấy chỉ cần một đội cung kỵ thôi liền tàn phế, chỉ tiếc kỵ binh của ta chỉ dùng được đao, không thiện dùng cung.” Lê Văn Duyệt không hổ là lão tướng sa trường lần đầu đã nhìn ngay ra được ưu nhược điểm của quân Phú Xuân, chỉ hận dù biết cũng không thể phá.

“Tướng quân cho quân mang khiêng chắn tiến lên mở đường xông thẳng vào một chỗ liền phá được quân ấy, cần gì đến cung kỵ”

“Ta cho quân mang khiêng tiến lên, bọn chúng cũng sẽ xuất binh, trong hỗn chiến, kỵ binh của ta còn có tác dụng rắm nữa sao?”

Lê Văn Duyệt nói rất đúng, thử hỏi sức mạnh của kỵ binh nằm ở chỗ nào? Ưu thế là gì? Chính là nằm ở chữ kỵ, dùng đà tiến của ngựa, sức tì đè mà càn lướt đột phá, sự xung phong tốc độ cao của kỵ binh tạo nên tầng tầng lớp lớp từng cơn sống xung kích, như mũi mâu đâm thẳng vào đội hình đối thủ, chia cắt quân địch, nói nôm na, kỵ binh như những chiếc xe ủi trên chiến trường, nếu như kỵ binh mất đi ưu thế về càn lướt và quán tính của tốc độ, sa lầy vào hỗn chiến thì coi như xong, khi đó kỵ binh chỉ được xem là bộ binh cưỡi ngựa mà thôi, vướng víu, mất đi ưu thế, đồng nghĩa với việc lộ ra nhược điểm, chiến đấu trong điều kiện như vậy sao linh hoạt bằng bộ binh đang đứng bởi chính bàn chân mình trên đất.

Bởi vậy, trong chiến tranh lực lượng hỗn chiến bao giờ cũng là bộ binh, kỵ binh thường được dùng trong các việc như, do thám, vu hồi, dẫn dụ, bọc hậu, hộ tống, đột kích mở đường, chủ yếu vẫn dùng vào thời điểm khai chiến và hậu chiến, xây dựng được kỵ binh rất khó, cực hao tốn tiền của và thời gian, chẳng ai dại dội sử dụng chúng để hỗn chiến cả, trừ khi gặp phải chủ soái quá ngu ngốc.

/55

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status