Nữ Hộ

Chương 25: Tranh đoạt

/71


LẠI SINH CHUYỆN

Lại nói lão Dư thái công này bởi vì con gái thứ nảy lòng xuân, không thể không bàn bạc với cố vấn Xa Tử Văn nhà mình, cứ bàn bạc như thế thành ra càng mong Trình Khiêm thực sự là con trai của Thẩm thượng thư quá cố, Quan gia muốn lật lại bản án cho gia đình chàng ta, mình cũng vừa khéo nhân cơ hội này rước về tấm chồng tốt cho con gái.

Mấy lần đầu Trình Khiêm đến nhà, Dư thái công lúc nào cũng bày ra gương mặt tươi cười, khách sáo lắm thay. Chờ đến khi thấy hành vi cử chỉ của Trình Khiêm, mới bắt đầu nghiêm túc hơn, nhưng cũng chỉ cho rằng đây là một người có thế lực ở đất này thôi. Khi ấy Xa Tử Văn vừa khéo được lệnh tiếp khách, sau khi Trình Khiêm rời đi, Dư thái công và Xa Tử Văn bàn bạc với nhau, hãy còn chưa có ý gì, cũng không nhắc tới mấy chuyện công tử nhà Thẩm thượng thư gì gì kia. Chẳng bao lâu sau, đề cập đến chủ đề này, không khỏi khiến người ta sinh nghi.

Xa Tử Văn thầm nhủ, giờ đây ông chủ không như xưa kia nữa, gia đình ông trước đây vốn chỉ là nhà buôn bình thường, có được hôm nay đều nhờ ông ấy bày mưu lập kế, sát phạt vừa quyết đoán vừa dũng cảm. Trong gia đình cũng là người nói một không nói hai, bà nhà cũng khá lợi hại, hôm nay lại chỉ vì một đứa con gái mà chần chừ do dự đến mức này, vì sao thế nhỉ? Với lại, nhị tiểu thư nhà họ Dư cũng được nuôi dạy chu đáo từ nhỏ, trước nay thông minh lanh lợi, tuy Trình Khiêm có tốt mã một chút nhưng sao cứ phải khăng khăng muốn gả cho một người chồng đã có vợ nhỉ? Song, ngó thấy dáng điệu ủ rũ của Dư thái công, lão không dám hỏi nhiều.

Xa Tử Văn lại không biết được rằng, phụ nữ trên đời này, dù tính tình ra sao, có tài hay ngu dốt, một khi rơi vào lưới ma, chẳng những sức chín trâu kéo về không nổi mà đến mẹ ruột cha yêu cũng có thể xem như người ngoài. Nuôi dạy mười mấy năm, thành ra chuẩn bị sẵn cho người khác. Thông minh lanh lợi lại không vượt nổi ải tình, đứa thì vì tình lang mà bỏ nhà theo trai, đứa thì vì tình lang mà tìm cách bòn rút nhà mẹ đẻ.

Dư nhị tỷ cũng chẳng biết mình bị làm sao nữa, nhà mình vừa chuyển tới Giang Châu, tuy đã sai người quét tước từ trước nhưng hành lý mang đến cực nhiều, lại phải thu dọn sắp xếp. Nàng hơi lười, lén dắt nha hoàn nhìn trộm khách khứa tới nhà ở sảnh trước. Xui rủi thế nào lại khiến nàng ngó thấy Trình Khiêm, rơi vào lưới ma, khăng khăng phải gả cho chàng.

Dư thái công đương nhiên không đồng ý, lão chỉ vì Trình Khiêm tuấn tú, phẩm hạnh không tầm thường nên mới chú ý nhiều một tẹo thôi. Chẳng ngờ xoay đi xoay lại, khuê nữ nhà mình lại mê mệt chàng ta! Dư thái công đã quyết định tìm một mối tốt cho con gái thứ, gả cho một đứa làm quan là tốt nhất. Dư nhị tỷ lại sai nha hoàn tâm phúc đi dò hỏi tên của Trình Khiêm rồi tỉ tê với mẹ, Dư thái công nghe vợ mình nhắc đến, lúc đầu cũng lửa bốc cao ba trượng: “Thích kiểu người gì không thích, lại thích một thằng ở rể! Bảo nó bớt quậy đi, ngoan ngoãn chờ xuất giá cho ta, trong vòng một hai năm, chắc chắn sẽ gả được cho một quan nhân làm vợ.”

Dư nhị tỷ đòi sống đòi chết, chỉ cần mỗi Trình Khiêm: “Không phải chàng ấy thì con thà chết còn hơn, dù cha có tìm được cái ngữ gì, dù trói được vào kiệu cũng không bái được đường. Vào động phòng, con sẽ thú tội với con rể cha ngay!” Nhưng phàm là ruột rà cãi nhau, một bên lấy cái chết ra ép thì bên còn lại khó mà chống đỡ nổi. Ngọc Tỷ muốn tập võ đã dùng chiêu tuyệt thực, Dư nhị tỷ muốn có Trình Khiêm cũng dùng chiêu này.

Dư thái công rốt cuộc cũng chưa mất hết tính người, vẫn xem con mình là người, chẳng dễ gì nuôi được một mụn con gái, chưa đến nước vạn bất đắc dĩ, sao nhẫn tâm bóp chết nó? Cuối cùng cũng xuôi theo. Nhưng lão lại không muốn mất trắng đứa con, dù gì Trình Khiêm cũng đã có vợ và con gái. Vừa hay trong kinh có tin đưa đến, Dư thái công nghĩ, tướng mạo của Trình Khiêm vừa khéo lại đúng như miêu tả… Chỉ mong Trình Khiêm chính là Thẩm công tử. Dư thái công ra tay thì ổn hơn Dư nhị tỷ nhiều lắm, suýt nữa đã tra rõ tám đời tổ tông nhà họ Trình luôn rồi.

Lại có cố vấn là Xa Tử Văn, bèn cùng bàn bạc. Họ lật tới lật lui tờ tin tức truyền từ trong kinh đến, trong giấy viết đôi dòng miêu tả tướng mạo Thẩm công tử, có nốt ruồi ra sao, chỗ nào có sẹo, mắt to hay nhỏ, da đen hay trắng, xấu xí hay tuấn tú. Lại nắm chắc sáu phần. Chỉ mỗi Xa Tử Văn thầm nghi: Cũng chả có hình, sao mà so được?

Dư thái công lại cân nhắc hành vi của Trình Khiêm, thôi cũng được, dù không phải công tử nhà Thẩm thượng thư thì người cũng không quá tệ. Tuy không phải quan nhưng cũng là kẻ lanh lợi. Cứ nắm chàng ta trong tay quan sát thêm vài ngày đã, nếu chàng ta có bản lĩnh đậu cử nhân tiến sĩ thật thì gom vào mình cũng không thiệt thòi gì. Đi ở rể nói ra thì không hay, cứ vung một mớ tiền đổi hộ tịch, xóa đoạn lý lịch này cho chàng ta, thành người thanh bạch như xưa. Lại nghĩ nhà họ Trình kia đơn bạc, cứ giật phắt đi thì không ổn, mà họ cũng có đứa cháu gái rồi, thôi thì cho một mớ tiền xem như bồi thường vậy. Về phần đứa con gái của Trình Khiêm, muốn lão xem nó như cháu gái nhà mình mà đối xử cũng được, cái đó gọi là hòa khí sinh tài.

Dư thái công nghĩ đến là chu đáo, vừa khéo lúc này trong kinh lại gửi tin về, chuyện Thẩm thượng thư do có người trong triều làm khó, vụ lật lại án bị vứt đó không màng. Dư thái công lại an lòng, không gấp gì nữa rồi, đoạn lệnh cho con trai Dư đại lang qua lại thêm với Trình Khiêm.

Dư đại lang phụng mệnh mà đi, hắn cũng là trai trẻ nhà giàu, cũng vời danh sư, cũng áo gấm thức ngọc, thế nên chẳng những đọc sách biết chữ mà đến cả những trò chơi thịnh hành của các công tử trẻ, hắn đều tinh thông cả. Lại vì Dư thái công mới tới Giang Châu, muốn làm thân với huyện lệnh tri phủ, lại không may chưa đến ngày lễ tết, nhà họ cũng chẳng ai tổ chức sinh nhật, chỉ đành bảo con trai mình chơi đánh sư bồ* này nọ với công tử nhà họ, cố ý thua vài món tiền. Dư đại lang bèn gọi Trình Khiêm làm một ván, cũng cố ý thua.

[*Một loại đánh bạc.]

Trình Khiêm nghe Dư đại lang bảo: “Mấy người thường tới nhà tôi chả thích kẻ nào, chỉ vừa gặp mà như đã quen lâu với thế huynh. Tôi mới tới Giang Châu, chẳng rành gì cả, những mong nhờ cậy thế huynh.” Lại nhờ Trình Khiêm thay mặt mời vài người, bảo muốn gặp công tử huyện lệnh, tri phủ. Vì nhà họ Dư muốn thuê kho thóc nhà mình, Trình Khiêm không thể đanh mặt mà từ chối được. Từ đó về sau, Dư đại lang bỏ tiền ra chiêu đãi công tử hai nhà, Trình Khiêm cũng thường theo bồi.

Lúc đầu Dư đại lang không muốn gặp vị “em rể” này, đàn ông ở rể nghe ra ai cũng khinh, nhưng em gái nhà mình thích, lại thêm Trình lão thái công tuyên bố khắp nơi rằng sau này Trình Khiêm sẽ quy tông, lần này ở rể chỉ để báo ơn, vân vân. Rồi ngày nào cũng tiếp xúc, chợt thấy người này cũng không tồi. Bấy giờ mới đổi sắc mặt.

Cứ thế hai ba tháng, gặp ngày lễ tết, Dư gia đã chuẩn bị xong hai phần lễ lớn tặng hai quan, Dư đại lang cũng đã gọi anh xưng em với công tử hai nhà. Huyện lệnh lại cho phép Dư đại lang đi học cùng con mình, chỉ chờ đánh tiếng xong trên dưới là có thể đi thi rồi. Dư đại lang cũng đã thuê kho thóc nhà họ Trình, lại buôn bán với cửa hàng nhà chàng, để buộc Trình Khiêm phải qua lại thường xuyên với nhà hắn.

Một hôm uống rượu, Dư đại lang hơi ngỏ ý: “Ta vốn rất thích Trình huynh, nhà có đứa em, thật muốn gán cho Trình huynh.”

Trình Khiêm cầm chung rượu, đáp: “Dư huynh say rồi, ta đã có vợ và con gái.”

•••••

Dư đại lang nghe Trình Khiêm bảo thế, về thuật lại cho cha. Dư thái công đã bị con gái quậy tới thiếu điều sống không bằng chết. Dư nhị tỷ tuôn tuyên ngôn: “Làm nô làm tỳ, chỉ hầu chàng.” Dư thái công sao có thể để con gái mình làm thiếp? Chỉ đành nén lòng, hối lộ vài phần quà lễ cho quan viên trong huyện, mời chào tiểu nhị quản sự của cửa hàng Trình gia, tới cả tá điền nhà họ cũng muốn mua chuộc. Chỉ chờ tới ngày nắm được mệnh môn nhà họ Trình thì lại bàn chuyện Trình Khiêm sau.

Dư thái công hành sự kín đáo, Dư nhị tỷ lại không chờ nổi, lén phái nha hoàn tâm phúc đi nghe ngóng, giữa đường lại gặp mẹ Lục thị. Bà Lục này xổ rằng cả nhà họ Trình là lũ ác nhân, Tú Anh là đứa ác nhất, tả tới độ chẳng khác nào bà chằn. Nha hoàn về bẩm với Dư nhị tỷ, nàng đau lòng khôn nguôi: “Một người như châu như ngọc lại rơi vào tay một ả chằn, bảo người ta sao không đau lòng cho được, đúng là ‘Ngựa tốt lại thồ người ngu’ đây mà.” Lại nghe bà Lục nói, một đứa cháu gái nhà họ Trình đương tốt đẹp lại bị dạy thành lòng đen tay ác. Lại nghĩ, [Nếu mình được gả cho chàng thì phải dạy dỗ đứa bé này cho tốt, nếu mình được gả cho chàng, những đứa con mình mang nặng đẻ đau chắc chắn sẽ…]

Thoắt cái đã đỏ mặt.

Vì anh trai mình quen với Trình Khiêm, nàng ta không kềm chế được, ngứa tay muốn khâu đôi tất cho chàng, chỉ ngại không biết số đo. Bèn bàn kế với nha hoàn, cố ý vẩy nước ở con đường mà Trình Khiêm đi qua, đợi chàng giẫm vào rồi đo vết giày để lại, ước lượng số đo đặng làm cho chu đáo.

Cũng thường xuyên sai người nghe ngóng chuyện của Trình Khiêm. Một chập hai bận, nàng ta mua chuộc được nha hoàn mà Trình gia sai bán ra ngoài, lại sinh chuyện.

•••••

Lại nói từ khi Ngọc Tỷ có thêm hai nha hoàn mới, mợ Lý nhẹ việc hơn nhiều, chỉ sai Mai Hương và Quả Nhi chăm sóc Ngọc Tỷ, bà thì sai bảo Đóa Nhi, luyện cho quen tay. Mai Hương thường hầu hạ bên người Ngọc Tỷ, Quả Nhi lại chuyên may đồ vá đạc, nhưng chẳng biết do đâu mà Ngọc Tỷ lại chỉ thích nói chuyện với Đóa Nhi, thường than Quả Nhi cực nhọc quá.

Tú Anh có mang, người thường không được đến gần, Mai Hương dốc sức nịnh Ngọc Tỷ không xong, bèn thường đến trò chuyện với Tố Tỷ, Tố Tỷ thấy nó lanh lợi thì thích lắm, đổi tên thành Nhụy Nhi. Ngọc Tỷ cũng không để bụng, chỉ gọi Đóa Nhi đến hầu bé học, lại nói với Tú Anh: “Bà ngoại thích Mai Hương rồi, để chị ta sang hầu ngoại cũng được, con có Đóa Nhi Quả Nhi là đủ.”

Nghe thế Tú Anh cười, véo má bé: “Con nhóc nhà con ghen rồi?” Ngọc Tỷ lắc đầu: “Không phải, con thấy lòng dạ chị ta cũng không đặt ở đây, chi bằng thành toàn hộ.”

Tú Anh thầm ngạc nhiên, con bé này nói lạ nhỉ, đoạn chẳng gật đầu hay lắc đầu, chỉ gọi mợ Lý sang hỏi: “Chuyện Mai Hương là thế nào? Sao Ngọc Tỷ bảo lòng dạ nó không đặt ở đây? Muốn đem nó sang cho bà ngoại?”

Mợ Lý cũng thấy khó hiểu: “Trong ba đứa nha hoàn này, người lanh lợi nhất là Mai Hương, đại tỷ muốn cái gì, nó là người đầu tiên hiểu. Tôi còn sợ nó lanh quá, chuyện gì cũng theo ý đại tỷ thì hỏng, sao đại tỷ không nói tốt cho nó mà còn bảo lòng không ở đây?”

Chủ tớ hai người nghĩ tới nghĩ lui, vẫn không hiểu được, chẳng nhẽ Ngọc Tỷ thấy Mai bám bà ngoại nên không thích nó nữa? Con Mai Hương này hầu hạ tốt vô cùng, chẳng lẽ ỷ mình thừa sức nên không muốn ở bên Ngọc Tỷ nữa? Lại bàn nào là “lén chủ làm gì đó”, “muốn trèo cành cao”. Không khỏi bắt Mai Hương tới tra hỏi. Mai Hương khóc lóc: “Nô tỳ chỉ vì tiểu thư sai mang trà quả đến cho an nhân, mới gặp mặt người. Lại thấy an nhân bảo chữ trong kinh thư nhỏ quá, nô tỳ bèn đọc vài lần cho người nghe thôi. An nhân bèn đổi tên cho nô tỳ, nô tỳ, nô tỳ…”

Mai Hương thực ra không thích cái tên vừa nghe đã biết là thị nữ trước đây, nhưng Tú Anh bảo không cần phải đổi, Ngọc Tỷ lại không để ý tới tên nó, thế là bèn đổi mục tiêu sang Tố Tỷ. Tố Tỷ là người cực dễ tính, vừa nghe Mai Hương than cái tên vốn là mẹ cả trước đây cố ý đặt, đã đổi cho nó.

Ngoài chuyện này ra, Mai Hương quả thực chẳng làm gì vượt quá bổn phận. Mà Mai Hương cũng biết, trong nhà này lời Tố Tỷ nói là nhẹ nhất, chẳng bằng quay về theo hầu Ngọc Tỷ như cũ.

Tú Anh và mợ Lý cân nhắc hồi lâu, cuối cùng vẫn để Mai Hương lại cho Ngọc Tỷ dùng vài bữa, nếu bé thực sự không thích thì chuyển sang cho Tố Tỷ cũng không muộn. Ai ngờ Quả Nhi trong phòng Ngọc Tỷ lại phạm lỗi, lại nói Quả Nhi thường khâu vá đồ cho Ngọc Tỷ, gần đây lại khâu giày, thay giúp Ngọc Tỷ. Ngọc Tỷ mang giày vào, vừa giẫm xuống đất thì đầu gối mềm nhũn, mặt mày trắng bệch. Cởi giày ra, vớ trắng dưới chân lại nhòe đỏ một chấm, chân bị đâm rồi.

Đóa Nhi nóng lòng đến bật khóc: “Tiểu thư mau ngồi xuống.” Vội vã đi lấy giày cũ của Ngọc Tỷ đến. Mợ Lý nghe tiếng hét của Đóa Nhi, xông vào hỏi: “Chuyện gì mà hét to gọi nhỏ thế?” Ngọc Tỷ đáp: “Chân bị đâm, hơi đau thôi ạ.” Quả Nhi cũng tái mét mặt, vội vã quỳ xuống: “Con vừa làm đôi giày, tiểu thư mới mang đã bị đâm, con, con cũng không biết tại sao.”

Mợ Lý cho tay vào giày sờ, nặn ra được một cây kim gãy, trở tay tát vào mặt Quả Nhi: “Muốn chết à!” Quả Nhi sợ cuống quýt, khóc: “Thực sự không phải con làm.” Mợ Lý không tin: “Không phải mày thì là ai?”

Ngọc Tỷ nén đau bảo: “Đưa đây con xem, làm giày thường dùng kim thô, dù thêu hoa trên mặt cần kim mảnh thì nó cũng chẳng chạy được xuống đế giày.” Mợ Lý vê cây kim gãy: “Đúng là kim mảnh.” Lại lướt ánh mắt nghi ngờ lên người Quả Nhi, càu nhàu: “Đúng là ăn hại.”

Đoạn bảo Đóa Nhi cầm giày và kim gãy, mình thì bế Ngọc Tỷ, giải Quả Nhi đến chỗ Tú Anh. Thuật lại mọi chuyện, Tú Anh giận cực: “Ta không chăm sóc được một hồi, trong mắt các ngươi đã chẳng có đại tỷ nữa rồi.” Ầm ĩ đến độ quấy rầy tới ông Trình và bà Lâm, hai người quét mắt một lượt, lại quét ra Mai Hương.

Mai Hương kêu oan: “Tôi chưa từng động vào việc khâu vá, cũng không chạm đến cái này, sao lại bắt tôi? Kim tôi chẳng thiếu một cây nào.”

Bà Lâm nhướng mắt: “Nó làm giày lại đâm chân đại tỷ, ta mà bán nó thì còn mỗi mi được hầu đại tỷ thôi. Mi ranh thật đấy!” Nói thế nhưng không có chứng cứ.

Quả Nhi cũng khóc: “Thực sự không phải con.”

Không ngờ trong chuyện này, Tô tiên sinh lại là người tỉnh táo nhất, thầy nói với ông Trình: “Hai nô tỳ ai đúng ai sai thì ta không biết, nhưng nha hoàn Mai Hương này thì không ổn thật. Ngọc Tỷ luyện võ, Đóa Nhi chỉ xem, hầu hạ, Quả Nhi thì khuyên bé cẩn thận, chỉ có Mai Hương vỗ tay khen hay, lúc nào cũng nói ‘Lại lần nữa’. Ngọc Tỷ hiếu học, Mai Hương cũng muốn học, nhưng mỗi bận chỉ hỏi dò một ý nhỏ, bài bản thì ít mà đùa giỡn lại nhiều, nếu là con trai thì là nịnh thần không hơn. Bán thì bán đi.”

Ông Trình nghe thầy bảo thế thì không hỏi lại nữa, chỉ nói bà Lâm bán cả hai đi: “Một đứa thì ngu nhưng lại không như Đóa Nhi chuyện gì cũng vì Ngọc Tỷ trước, nếu thực có lòng, trước khi đem giày tới cho Ngọc Tỷ đã phải kiểm tra lại một lần. Một đứa ranh, nào phải nịnh thần? Ấy là muốn biến cháu tôi thành con rối! Một tý kính trọng cũng chẳng có, chỉ sợ ngoảnh mắt đi đã bán chủ rồi.”

Mợ Lý gọi mụ Vương đến, trong lúc giận dữ đã bán cả hai: “Cũng không cần bán được giá gốc, mỗi đứa năm lượng là được, đừng để ta lại thấy mặt.”

Tú Anh nhổ vào mặt mụ Vương, mắng: “Mụ đem người tốt tới nhờ! Lại còn bảo thành thật, làm con gái ta đau chân, cũng chả biết đứa nào. Một đứa chỉ biết nịnh hót khoe mã, không đặt con gái nhà ta vào mắt, đứa còn lại không biết mình là ai, làm việc không cẩn thận, đem tiểu thư ra thử hàng trước, nào có cái lý này?”

Mụ Vương dắt hai đứa về, tát mỗi đứa vài cái, bắt đầu tra hỏi. Chúng nó lớn tiếng kêu oan, mụ Vương cười lạnh, chỉ Mai Hương: “Phu nhân không nói thì mày tưởng tao không biết à, lòng dạ của mày ấy, ai cũng muốn nịnh, ai cũng muốn đè, lúc còn ở nhà thì trò gì cũng mày tính toán đi đầu, bây giờ tật cũ quay lại à? Tao thấy mày lanh lợi, lại không ngờ ngu thế này! Còn cho rằng người ta nhìn không thấu à?!”

Lại chửi Quả Nhi: “Ngu chết mày thì thôi! Não bị chó ăn mất à, lấy đồ cho tiểu thư dùng, không biết phải kiểm tra trước hả?”

Mụ Vương lấy hai đứa về muốn bán đi, chẳng may bị Dư gia nghe được, Dư nhị tỷ bèn xin mẹ bỏ tiền mua chúng về, hỏi kỹ chuyện trong nhà họ Trình.


/71

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status