Những Chiều Mưa

Chương 3

/101


Sài Gòn 7h45 ngày 15 tháng 8 năm 2006

Ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Sài Gòn, bắt đầu những tháng ngày mộng mơ thời cấp 3.

Tôi khệ nệ ôm đống đồ xuống tàu, ngoài những gì tôi mang đi, còn thêm mớ bòng bong do đám bạn gửi, rồi đồ mấy người bác họ hàng ở Hà Nội đưa. Tôi còn đang ngơ ngác trước sự thay đổi quá nhanh này, thì chuông điện thoại kêu lên (do đi học xa nên mẹ tôi đã mua cho tôi 1 cái, tiện cho việc liên lạc sau này). Vừa cầm điện thoại lên, thấy hiện số mẹ Hòa gọi, chưa kịp nghe máy thì mẹ đã tắt mất, tôi cau mày khó hiểu, đang định gọi lại thì thấy trước mặt có dáng người phụ nữ quen thuộc. Tôi cười cười, ôm núi đồ đến.

“Con chào mẹ” – Tôi cúi người chào, dù số lần tôi gặp mẹ Hòa cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng tôi cũng cảm nhận được tình cảm mẹ Hòa dành cho tôi.

“Con trai tôi lớn vậy rồi à, chà nhìn cũng có hồn đấy, nhưng sau con gầy thế này hở con” - Mẹ Hòa ôm chầm lấy tôi sau đó xoa nắn tay, vai rồi hỏi tôi.

“Dạ con cũng không biết, ăn nhiều mà xưa giờ vẫn vậy” – Tôi cười khổ

“Ừ vào đây để mẹ tẩm bổ cho, không khéo mốt mẹ mày gặp lại không nhận ra mày ấy chứ” – Mẹ Hoa cười rồi nói

“Dạ con thấy thế được rồi, chứ con ghét béo lắm” – Tôi co rụt cổ

“Haha, thôi mang đồ ra đi, taxi đang đợi, đưa bớt đây mẹ cầm cho”

“Dạ thế mẹ cầm cho con chỗ này” – Nói rồi tôi đưa đống quà bạn tôi gửi cho mẹ Hòa cầm, nhìn thì nhiều thứ chứ nhẹ tênh, cũng không nặng nhọc

“Chà, nhiều quà quá, chắc bạn con gửi ah” – Mẹ Hòa hỏi

“Dạ, đây là bạn ngoài quê gửi”

“Ừm, thôi đi thôi con”

Mất 15p để đi ra ngoài cửa ga, rồi chuyển đồ lên taxi, tôi mới yên vị lên trên xe mà thở phào. Dù gì cũng lần đầu tiên tôi tự mình đi xa như vậy, cũng có cảm giác thấp thỏm, lo âu cùng với háo hức, cũng vơiđược ít nhiều nối buồn xa quê.

Mẹ Hòa sau khi nói với taxi địa chỉ nhà, rồi quay xuống hỏi tôi

“Thế chuẩn bị sách vở gì đi học chưa con, trường mai là học đấy”

“Ơ nhanh vậy ạ” – Tôi co rụt cổ - “Con chưa chuẩn bị gì hết, tại thấy lỉnh kỉnh đồ rồi, ôm thêm sách vở thì con cũng không kham nổi mà mang vào đây”

“Ừm thế về nghỉ đi rồi chiều mẹ đưa đi mua, con bé Thảo cũng cần mua thêm mấy thứ”

“Dạ, con học cùng trường bé Thảo luôn ạ”

“Ừ, nó học cùng lớp với con luôn, 2 đứa bảo ban nhau học cho đầng hoàng đấy”

“Dạ vâng” – Tôi gật gù

“Người miền Nam chỉ có dạ, không có vâng nha con” – Mẹ Hòa nhìn tôi cười

“Dạ vâng, ớ” – Tôi cứng họng

“Haha, từ từ rồi quen, con bé Thảo nó mong con lắm đấy”

“Dạ, bé Thảo vẫn nhớ con ạ”

“Nhớ chứ sao không, từ lúc chuyển vào đây, hè nó không được lên nhà con, nó nhắc mãi” – Mẹ Hòa thở dài

“Dạ vâng” – Tôi trả lời rồi im bặt, thầm nghĩ “Không nhớ cũng hơi phí, theo mình lê la từ đầu xóm tới cuối thôn, phá đủ thứ, ở thành phố lấy đâu ra lắm trò vui như thế”

Tôi lim dim nhìn khung cảnh hai bên đường, những nhà cao tầng mọc san sát nhau, những cửa hàng điện máy mở nhạc ầm ầm cùng các băng rôn quảng cáo bay phất phới. Dòng người đi lại thì đông như kiến, chen chúc nhau nhích lên từng tí khi dừng đèn đỏ. Điều đầu tiên tôi cảm thấy là: “Ồn ào, ngột ngạt” chứ không yên bình như quê tôi, muốn núi có núi, muốn sông có sông, muốn rừng có rừng. Nhưng mà được cái gái xinh nhiều thì thôi rồi. Ngồi trong taxi nhìn ra ngoài, thỉnh thoảng thấy mấy cô mặc . . . quần đùi đi xe làm tôi thiếu điều muốn lấy cái ca để. . . hứng nước miếng. Tôi lim dim nhìn 2 bên đường, chừng khoảng nửa tiếng sau thì taxi dừng lại. Mẹ Hòa gọi tôi

“Đến rồi, xuống thôi con.” – Mẹ Hòa quay lại nói với tôi

Lục tục khênh hết đồ trên xe xuống, nhìn cái núi này tôi lại cười khổ. Mới mấy hôm trước còn ở tít mù cái xứ rừng rú ở Tây Bắc, giờ thì đã đứng đây rồi. Đủ loại cảm xúc vẫn đang chạy lung tung trong đầu. Lắc lắc đầu rồi khênh đồ theo mẹ Hòa vào nhà

Ngôi nhà nằm trong hẻm đường Âu Dương Lân quận 8, cũng khá khang trang. Cổng bằng sắt, được sơn màu đen, từ cổng đi vào là con đường nhỏ được lát bằng những viên sỏi trắng. Bên trái là hòn non bộ với đủ loại cá cảnh, bên phải là các chậu cây cảnh được xếp ngăn nắp, xen vào đó là từng giò phong lan treo lở lửng, một vài giò đã có vài bông hoa, nhìn rất tao nhã. Tôi vừa đi vào vừa ôm đồ, vừa ngắm dàn cây cảnh thì cửa nhà mở ra.

“Con chào mẹ, em . . . chào anh . . .!” – Bé Thảo chào mẹ xong chào tôi có vẻ ngập ngừng.

“Ừ phụ anh mang đồ vào nhà đi con” – Mẹ Hòa cười với cô bé

Tôi gật gật với Thảo,cũng không dám hé môi “chào em” vì vẫn hơi ngượng, dù gì cô bé cũng bằng tuổi tôi nên xưng hô vậy cũng hơi kì cục. Tôi vẫn đang lúng túng không biết làm như nào vì Thảo đứng chắn ngay trước cửa, đang định mở miệng nói thì con bé chạy lại cướp lấy bịch ni lông đồ tôi đang xách ở tay trái rồi cười toe toét.

“Đưa đây em mang vào cho, ơ mà sao nhìn anh chẳng khác gì trước thế, vẫn ốm nhom ốm nhách, nhìn y như con cò ma” – Thảo nhìn tôi từ trên xuống dưới phán cái độp

“Ừ ừ thì. . . anh xưa giờ vẫn vậy” – Tôi cười khổ, rồi cũng mở miệng xưng anh em, chiều lòng ý người đẹp

Nói thêm về Thảo, thì Thảo là cô bé dễ thương. Mắt to tròn, má hơi bầu bầu (tôi nhìn chỉ muốn véo cho cái), cao khoảng gần 1m6, cũng hơi gầy. Tóc thì được em ấy cột ngược ra sau thành cái đuôi gà. Với cái áo pull đỏ, cái quần jean lửng, vẫn còn mang nét tinh nghịch như lúc nhỏ.

“Khiếp, nhìn tướng anh thì tụi con trai thành phố cũng búng cái là anh bay rồi” – Thảo vẫn chưa buông tha, ngúyt dài trêu tôi

“Ớ . . .” – Tôi cứng họng không biết phản bác như nào.

“Thôi mang đồ vào đi, chẳng lẽ đứng đây tán dóc đến trưa à, nhanh lên cho anh ấy còn nghỉ, đi tàu mấy hôm nay chắc cũng mệt rồi” – Mẹ Hòa thấy tôi đang ấp úng khó xử, nên giải vây

“Hì hì” – Thảo cười toe toét rồi cũng quay người vào nhà

Tôi cười khổ nghĩ sau này khó cũng yên ổn con em trời đánh này. Khuân đồ vào nhà, rồi mang lên tầng 2, rồi sau đó di chuyển vào phòng. Tôi liếc nhìn quanh phòng đánh giá, câu đầu tiên tôi nghĩ trong đầu: “Ta kháo, phòng sơn màu tím cho ai ở đây, rồi còn đống tranh ảnh các band nhạc nước ngoài như Westlife, Backstreet Boy, N’Sync, Aqua . . . dán đầy tường là sao đây” Liếc lên giá sách thì thấy đủ thứ truyện, tôi liếc sơ qua, nào là Mật mã DaVinci, Thiên thần và Ác quỷ, Ruồi trâu, Robinson Crusoe, Đảo giấu vàng, Frankenstein . . . Tôi nhìn mà chóng hết cả mặt.

“Phòng này là phòng của thằng Minh, nhưng mà nó ra Hà Nội học Đại học kinh tế quốc dân rồi nên con ở phòng này, nếu Tết với hè nó về thì 2 anh em ngủ chung nhé” – Mẹ Hòa thấy tôi đang nhìn quanh phòng nghi hoặc thì giải thích

“Dạ, không sao ạ” – Tôi thở phào, tưởng đâu mẹ Hòa mua cả đống này bắt tôi đọc thì chỉ có mà độn thổ

“Cái giá sách này con lấy bớt sách ra được không mẹ” – Tôi hỏi mẹ Hòa, chứ thực tình ngày nào cũng nhìn mớ sách này, tôi cũng đủ rùng mình.

“Ừ chiều không thích gì thì cứ dọn ra rồi đưa mẹ cất đi, con bày gì cũng được” – Mẹ Hòa gật đầu

“Anh không thích đọc nó à, em cũng thế, mới nhìn thấy là em nhức đầu rồi” – Thảo toe toét cười

“Ừ, anh cũng thế” – Tôi gật gù

“Thế anh thích đọc cái gì” – Thảo hỏi tiếp

“Tí anh bày lên thì em biết” – Tôi cười hì hì

“Thôi xem rồi cất đồ đi mà nằm nghỉ, tủ quần áo mẹ cũng dọn rồi, con xem bàn học có đống sách nâng cao với tham khảo của thằng Minh, con ưng quyển nào thì giữ, rồi mẹ cất bớt đi”

“Dạ dạ, mẹ để đó con dọn”

“Ừ thế dọn đi, đồ con trai lớn rồi, mẹ không tiện động vào, thế nhé, mẹ chạy ra chợ mua thức ăn đã”

“Dạ vầng, con chào mẹ”

Sau đó mẹ Hòa ra khỏi phòng, tôi nhìn đống đồ nghĩ giờ phải sắp xếp lại chỗ này, rồi lựa đồ ông anh bỏ ra, sau đó xếp đồ tôi vào là bắt đầu nản rồi. Tôi lại thở dài

Chưa kịp làm gì, vừa quay sang vẫn thấy bé Thảo nhìn tôi chăm chăm

“Hả, gì thế, sao em còn ở đây” – Tôi toát cả mồ hôi trước ánh nhìn soi mói của Thảo

“Em giúp anh không được à, đồ thế này thì mình anh làm có mà đến tối” – Thảo bĩu môi nói

“Ừ thế cũng được” – Tôi gật gù

Rồi hai anh em bắt đầu lôi hết đống truyện trên giá sách xuống để gọn một bên, rồi tôi lấy quần áo treo vào tủ. Sau khi giải quyết xong cái vali quần áo, chuyển qua cái vali đồ linh tinh của tôi, lúc tôi vừa mở vali ra, đang chuẩn bị xếp lên giá thì. . .

“Trời đất, lại là sách, anh cũng mọt sách ah” – Bé Thảo bật ngửa người trước đống sách trong vali.

“Ừ, anh cũng hay đọc mấy truyện này” – Tôi gãi đầu đáp

“Haizzz, để em xem nào” – Thảo nhìn tôi ngao ngán

“Tuyết sơn phi hồ, Lục Tiểu Phụng, Liên thành quyết, Lộc đỉnh ký, Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa . . . Trời đất ơi !!!” – Thảo trố mắt khi thấy đống truyện Trung Quốc kinh điển của tôi mà toát mồ hôi

“Ừ anh thích đọc cái này, đang định chiều đi mua sách học, kiếm thêm vài quyển về đọc” – Tôi cười toe toét

“Hả, mua mấy truyện này nữa hả” – Thảo trố mắt nhìn tôi

“Ừ sao vậy” – Tôi nghi hoặc nhìn con bé

“Ông thần ơi, chưa thấy ai như anh, sao ông mê được mấy cái này vậy ông” – Thảo lắc đầu ngán ngẩm

“Kệ anh, thôi để đó anh dọn cho” – Tôi bưc bội khi thấy thái độ có vẻ hơi thái quá của Thảo

“Thôi em phụ cho, em không có ý gì đâu” – Thảo tiu nghỉu khi thấy thái độ của tôi

“Ừm, thế giúp anh đi” – Tôi cười hì hì rồi xoa đầu nó

“Em lớn rồi, không được xoa đầu em” – Thảo lắc lắc mái tóc khó chịu nói.

“Ha ha . . .” Tôi bật cười trước thái độ của con bé

Sau hơn nửa tiếng dọn dẹp đủ thứ, tôi mới ngồi xuống thở phèo phèo vì mệt. Thảo thì đang soi mói đống quà mà đám bạn đưa cho tôi

“Anh, mở đống này ra nha, xem có gì” – Thảo lay lay tôi, ánh mắt sáng rực

“Ừ em thích thì mở đi” – Tôi khoát tay nói

“Để xem nào, lưu bút cấp 2 này, album ảnh cấp 2 này, chuông gió, áo đồng phục cũ này, sổ lưu niệm này, quả . . . ơ cái này đẹp thế” – Con bé trầm trồ khen.

“Hả” – Tôi liếc qua, thấy quả cầu tuyết con bé đang cầm trên tay. Là quả cầu thủy tinh, bên trong là mô hình ngôi nhà tuyết cùng với cây thông, người tuyết, cối xay gió.

“Ơ tuyết bắn tung tóe đẹp chưa này” – Thảo lắc lắc quả cầu, thấy “tuyết” được tung lên khắp nơi trong quả cầu

Tôi bần thần một lúc, quả cầu tuyết này lúc trước cùng đám bạn ra thành phố, rồi dạo quanh các cửa hàng lưu niệm, vừa nhìn thấy nó là tôi thích mê tơi nhưng cũng chỉ biết quay người đi, vì cái giá nó cũng khá đắt với đám trẻ con tôi lúc bấy giờ. Giờ có người mua tặng, tôi cũng không còn cảm giác vui sướng, chỉ còn lại những xúc động bùi ngùi.

“Em nhìn xem có ghi ai tặng không” – Tôi thở dài cắt đứt chuỗi suy nghĩ của mình

“Để em xem, à đây rồi, bạn gái Mai Anh thân tặng. Bạn gái anh à? Còn có mấy dòng nữa này, anh đọc không” – Con bé đọc xong rồi quay sang tôi hỏi.

“Đưa anh xem” – Tôi nói rồi lấy tờ giấy đọc.

“Tớ xin lỗi vì trưa không sang nhà cậu được, hihi chắc lần đầu tiên xưng hộ cậu – tớ như này nhỉ, trước kia toàn mày tao rồi chửi nhau inh ỏi. Lúc sáng nghe cậu phải đi vào Sài Gòn học, tớ nghĩ không biết tặng cậu gì, rồi chợt nghĩ đến món quà này. Tớ biết lúc trước cậu thích nó lắm, nhưng không mua được, nên tớ bắt mẹ tớ chở tớ ra thành phố mua bằng được nó, hi vọng cậu sẽ thích. Cậu chắc đang mỉm cười rồi nói tớ khờ chứ gì, hừ đừng tưởng qua mặt được tớ. Trưa nay tớ còn đang ở trên thành phố nên không sang nhà cậu được, rồi lúc về nhà cũng không qua cậu rồi chào một câu, cậu có trách tớ không. Tớ sợ khi gặp cậu rồi, tớ sẽ không biết phải nói gì. Thực sự tớ sợ phải khóc trước mặt cậu, tớ sợ lúc tớ khóc rồi cậu cũng phải đi, khi ấy không ai ở bên an ủi tớ, tớ sợ cảm giác hụt hẫng ấy, tớ sợ đối mặt với cậu. Nên tớ gửi Phong đưa cậu cái này, chỉ hi vọng cậu đừng quên tớ. Và tớ cũng thế, tớ vẫn mãi nhớ cậu, mãi nhớ lúc cậu đồ mồ hôi cõng tớ ngất xỉu thì sân tập lên phòng y tế khi tớ say nắng, rồi những lúc cậu đứng ra bênh tớ khi tớ bị trêu, rồi những lúc tớ buồn thì cậu luôn ở bên cạnh an ủi . . .Tớ mãi nhớ tất cả về cậu. Có dịp thì nhớ về lại phố huyện nhé. Chúc bình an, bạn thân của tôi . . .

Bạn gái Mai Anh thân tặng”

Trên tờ giấy hồng, vẫn còn vương những vết nhăn do những giọt nước mắt rơi xuống, làm nhòe đi từng dòng chứ. Tôi thở dài, hóa ra tâm trạng tôi lúc đó mọi người đều hiểu. Tôi gấp cẩn thận tờ giấy, bỏ lại vào hộp , sau đó cất giữ đàng hoàng. Quay sang bé Thảo thì thấy đang lui cui những hộp quà khác. Tôi chỉ cầm quả cầu tuyết lắc lắc nghịch, không khí trong phòng bỗng nhiên im lặng lạ thường.

“Ơ hộp gì dài thế này, đũa phép của Harry Porter ah” – Bé Thảo ngạc nhiên rồi mở hộp ra, rồi sau đó lại kinh ngạc khen ngợi - “Trời, cây sáo đẹp thế, nhìn thích ghê”.

“Hả” – Tôi lại đực mặt ra nhìn cây sáo, bởi vì nó thực sự quá cuốn hút với tôi.

Cây sáo màu tím, được làm cực kỳ tinh xảo, từng đường nét kết cấu, cho tới từng phím, rồi các bộ phân, khu vực miệng thổi, rồi từng lỗ thoát âm nơi chân sáo, tất cả được làm cực tỉ mỉ. Tôi đần mặt ra nhìn, chợt nghĩ có gì không đúng ở đây. Cây sáo trúc, màu tím đen, chẳng lẽ . . .

“Sáo Tử Trúc” – Ánh mắt co rút lại, rồi cũng không tin vào những gì mình nói

Giật ngay cây sáo trước ánh mắt ngạc nhiên của Thảo, tôi nhìn cây sáo rồi xác thực, chất liệu đúng là Tử Trúc (Tử trúc – trúc tím, người Việt mình còn là trúc đen, là một loại trúc cảnh rất quý, lúc bấy giờ thì sáo làm bằng Tử Trúc thì rất hiếm với lại khá đắt, tính ra suốt 3 năm cấp 3 tôi cũng hay lê la các công viên xem người ta ca hát, cũng có người thổi sáo nhưng chưa thấy ai có cây sáo Tử Trúc này. Về sau thì nhiều rồi, lên mạng tìm có có cả đống).

Tôi cầm lấy hộp sáo, có miếng giấy nhỏ bên trong, tôi mở ra thì thấy lèo tèo vài chữ nguệch ngoạc.

“Tặng cậu, cấm làm mất, mất tớ thiến”

Tôi cười khổ,hóa ra thằng Phong tặng, hèn gì nó úp úp mở mở như thế, nếu như tôi mở ngay thì thể nào cũng chửi nó một chặp vì bỏ tiền ra mua thứ này (sau này mới biết ông chú của nó đi Trung Quốc mua về cho nó, nó giữ như báu vật, chỉ dám ngắm rồi cất đi chứ không dám thổi, rồi cuối cùng đem tặng tôi)

“Anh biết thổi sáo ah” – Thảo hỏi tôi với ánh mắt mong đợi

“Giờ mà còn hỏi câu này, chứ hồi bé buổi tối ai thổi sáo em nghe” – Tôi trợn mắt nhìn nó.

“Toàn bạn anh thổi, có thấy anh thổi đâu” – Thảo hừ mũi

“Ớ, có mà” – Tôi ngớ người

“Có mới lạ, em bảo anh thổi sáo cho em ngủ, anh toàn đuổi em như đuổi tà” – Thảo phụng phịu nói

“Mấy hôm nữa anh thổi cho mà nghe” – Tôi cười toe toét nói nó. – “À đúng rồi, nhắc mới nhớ, thằng Giang cho em cái này này” – Tôi tìm bịch cốm quăng cho nó

“Cái gì thế, mà Giang là ai nhỉ” – Con bé nhìn tôi nghi hoặc

“Là cái thằng mà lúc ném đất ở ruộng, em bọc hòn đá rồi ném chảy máu đầu nó chứ ai” – Tôi trợn mắt nói, nghĩ cũng rùng mình nhớ lại lúc đó.

Cả đám chơi ở ruộng sau nhà, lúc đó trời vừa bão xong nên ruộng toàn bùn, thế là cả đám lôi nhau ra nặn bùn rồi ném nhau chí chóe, ngờ đâu con bé này chơi ác, nhét thêm hòn sỏi vào nắm bùn ném như đúng rồi. Hậu quả là thằng Giang không biết, ăn nguyên cục sỏi vào đầu, nghe cái cốp, lúc sau máu chảy đầm đìa. Cơ mà thằng bị ném thì vẫn cười toe toét, mà thủ phạm thấy chảy máu thì khóc um sùm, kết quả là thằng Giang phải lấy cốm ra dỗ nó nín. Rồi sau đó ngày nào con bé cũng tót theo thằng Giang hỏi xem còn cốm không, nếu không cho nó ăn thì nó mách người lớn là tụi tôi bắt nạt con gái. Lạy hồn, lúc đó cả đám phá phách thì vậy chứ mà lôi phụ huynh ra, đặc biệt là tội trêu chọc con gái nhà người ta khóc thì không khéo bị cấm cửa rồi ăn đòn chứ chả chơi. Tôi toát mồ hôi nghĩ lại, sau đó nhìn bé Thảo đang hau háu nhìn bịch cốm, chợt nghĩ: “Bằng mọi giá không trêu chọc nhỏ này, chứ không thì sống cũng không yên ổn được”

“À em nhớ lão đó rồi, ơ là cốm à” – Con bé mắt sáng rực khi mở cái bịch cốm được gói bằng lá chuối ra

“Ừ nó nhớ em thích ăn nên nói anh mang vào cho em” – Tôi trả lời

“Vậy để em cất đi ăn dần” – Nó cười rồi chạy biến đi mất

“Nhớ bỏ cốm ngăn đá tủ lạnh, lúc ăn thì mang ra trước khoảng 5 10 phút thì cốm sẽ mềm đó” - Tôi gọi với theo.

Sau đó tôi dọn dẹp lại tất cả mọi thứ, xong xuôi đâu đó, nằm vật ra giường rồi ngủ.

Đang mơ màng ngủ thì . . .

“Anh, dậy ăn cơm, mẹ gọi kìa . . .” – Thảo lay lay tôi gọi.

“Mẹ nó thằng khốn nào phá ông mày ngủ thế, cút ra ngoài kia, bố đạp cho cái bây giờ” – Tôi làu bàu chửi.

“Ơ . . . “ – Thảo giật mình trước thái độ của tôi rồi im bặt

Tôi đang nghĩ thầm: “Quái lạ sao có tiếng con gái gọi mình nhỉ, mà tiếng này . . .chết cha”. Tôi bật mình dậy, quay sang thấy mắt Thảo đã đỏ hoe

“Anh xin lỗi, anh vẫn quen như cũ tưởng bạn anh phá anh ngủ” – Tôi áy náy xin lỗi

“Hức, em ghét anh” – Con bé để lại một câu rồi quay người bỏ đi

“Lại khổ tôi rồi !” – Tôi vò đầu bứt tóc, thầm chửi rủa mình 1 phen. Sau đó đứng dậy rửa mặt rồi xuống nhà ăn cơm.

Ngồi vào bàn ăn, thấy Thảo vẫn cúi đầu ăn cơm, mắt vẫn còn đỏ, mẹ Hòa thì đang nghe điện thoại. Lúc sau mẹ đi vào, quay sang tôi hỏi.

“Sao,ngủ ngon không con”

“Dạ cũng tạm ạ”

“Ừ nếu chưa hết mệt thì tí nghỉ tiếp đi, tầm 3h mẹ chở đi nhà sách là vừa”

“Dạ vầng”

“Con ăn cơm đi”

Rồi mẹ Hòa quay sang thấy bộ dạng bé Trân thì thắc mắc: “Sao vậy con”

“Con gọi ổng dậy ăn cơm, ổng ấy mắng con, đuổi con ra ngoài” – Thảo tố cáo tôi

“Ơ anh xin lỗi rồi mà, với lại vẫn quen như cũ tưởng bạn anh gọi” – Tôi cười khổ.

“Hứ thế tí ra em la anh 1 chặp xong em xin lỗi anh, anh chịu không” – Thảo vẫn bĩu môi nói

“Thôi 2 đứa ăn cơm đi, lớn rồi đấy” – Mẹ Hòa bật cười

Thế rồi cả nhà bắt đầu ăn cơm, mẹ Hòa hỏi tôi xem tình hình học tập của tôi thế nào, khá môn nào, kém môn nào để biết đường sau này học thêm. Tôi thì toát mồ hôi trả lời từng câu. Sau khi mẹ Hòa nghe chiến tích học tập “huy hoàng” của tôi thì thở dài

“Con ơi, nếu giờ con muốn khá thì phải cày lại khá khổ đấy, kiến thức lớp 10 vẫn chưa có gì nhưng cấp 2 con học thế nên giờ coi như học lại từ đầu” – Mẹ Hòa lắc đầu ngao ngán.

“Dạ vầng” – Tôi cúi đầu lí nhí

“Thôi từ từ rồi cố, ăn 1 miếng cũng chưa béo được ngay, từ từ rồi cũng sẽ khá dần” – Mẹ Hòa an ủi để tôi không bị áp lực

“Dạ vầng” – Tôi tiếp tục lí nhí

Sau đó mẹ Hòa lại hỏi tình hình gia đình tôi ngoài Bắc, rồi đủ thứ chuyện liên quan. Do mẹ tôi và mẹ Hòa chơi với nhau từ nhỏ, nên mẹ Hòa cũng quen thuộc hết các bác, các cậu bên nhà tôi nên hỏi thăm từng người một. Tôi lại phải ngồi kể lể ra đủ thứ chuyện, cũng vậy mà bữa cơm nửa tiếng sau mới kết thúc.

“Con ăn xong thì đi nghỉ đi để bé Thảo dọn được rồi” – Kết thúc bữa cơm, mẹ Hòa nói rồi sau đó vào phòng nằm nghỉ

“Thôi để anh dọn cho, coi như xin lỗi em chuyện lúc nãy” – Tôi quay sang cười với Thảo

“Coi như anh có lòng, với nãy anh mang đồ cho em nên em tha anh lần này” – Thảo bĩu môi

“Haha, làm nũng quá đấy cô bé” – Tôi cười rồi xoa đầu nó

“Đã bảo được không xoa đầu em” – Nó lắc lắc cái đầu rồi chun mũi nói

Thế là 2 anh em chia nhau dọn dẹp, nói vài câu tào lao tào đế, sau đó ai về phòng nấy. Thảo còn muốn tôi kể chuyện ngoài quê cho nó nghe, nhưng tôi nói là vẫn mệt nên hẹn tối kể. Dù không muốn nhưng bé Thảo vẫn phải buồn rầu chui về phòng

Tầm 3h chiều, mẹ Hòa chở 2 đứa ra nhà sách Nguyễn Văn Cừ ở quận 5, sau đó thả 2 đứa tự vào chọn, nói tí 5h mẹ đến đón. 2 anh em líu ríu đi vào, sau khi nhìn thấy khu vực để sách giáo khoa lớp 10, tôi thở dài thườn thượt. Sau khi làm 1 vòng chọn hết sách mình cần, Thảo rủ tôi đi xung quanh tìm xem có gì hay không. Chả phải nói, tôi đảo mắt kiếm khu vực truyện Trung Quốc rồi tót sang đấy, nhìn giá sách đủ tựa đề, tôi nuốt nước miếng liên tục. Nào là “Ân thù kiếm lục, Anh hùng vô lệ, Cô tinh hiệp lữ, lưu tinh hồ điệp kiếm. . . “ tôi nhìn mà hoa cả mắt, chỉ muốn khênh hết cả đống này về. Chậc chậc lưỡi nghĩ sau này lại tốn tiền rồi đây. Rồi sau đó lật xem qua vài quyển, đang chăm chú thì . . .

“Anh ở đây mà em tìm mãi không, đang xem gì thế” – Tiếng Thảo sau lưng nghe có vẻ như đang bực bội – “Ôi lại truyện Tàu nữa à, ông ơi là ông” – Bé Thảo lắc đầu ngao ngán

“Hề hề, nhiều truyện hay quá” – Tôi quay qua cười hề hề

“Xem xem lấy quyển nào lấy đi, rồi sang kia mua bút, tập các thứ nữa, ông tính đứng đây đọc đến tối ah” – Thảo lại ôm trán cau mày

“Rồi, chọn được rồi, đi thôi”

“Để em xem nào. Trời đất, sao toàn sách giáo khoa, không có quyển nào làm thêm thế” – Nó trợn mắt nhìn tôi

“Kiến thúc cũ anh còn chưa vững, thêm với nếm cái gì, với từ từ rồi anh xem sao đã” – Tôi nhún vai

“Thì cũng phải mua về để nắm chắc thêm kiến thức chứ” – Thảo nhìn tôi chán nản

“Từ từ rồi tính, thuyền đến đầu thì cầu sẽ thẳng, chưa có gì đâu” – Tôi khoát tay

“Hả ? Nghĩa là gì ? Ôi ông đọc miết nên giờ lậm hết rồi “ - Thảo vỗ vỗ chán

Nói xong cô bé quay lưng bỏ đi, tôi cũng tất bật xách đồ lót tót . . . theo đuôi. Sau khi làm thêm 1 vòng khắp nhà sách mua thêm đồ dùng học tập, tiếp theo đó là sang chỗ mua vở. Vừa mới nhìn vào giá đựng tập vở, tôi phán xanh rờn.

“Sao toàn vở cấp 1 thế này, ở đây không có vở cấp 2 3 ah” – Tôi trố mắt hỏi

“Vở cấp 2 3 là sao” – Thảo cũng nhìn tôi nghi hoặc

“Thì là vở chứ sao, chứ toàn vở ô vuông thế này, chả là vở cấp 1 ah” – Tôi càng ngạc nhiên tợn

“À ý anh đang nói vở giấy thếp ngoài Bắc hay dùng à, ở trong này chỉ có dùng vở ô vuông như này thôi, lên Đại học cũng thế, còn vở thếp thì trăm người may ra có 1 người dùng” – Thảo vỗ vỗ trán sau khi hiểu những gì tôi đang thắc mắc

“Lại thế nữa, vở này chỉ đem ra đánh caro với chiến xe tăng chứ học hành gì” – Tôi làm một câu khiến Thảo tí thì ngã ngửa

“Ôi, ông anh tôi ơi, mua đại đi, người ta ai cũng dùng mà có sao đâu, nhanh ra ngoài quán trà sữa ngồi nữa, em mỏi chân quá” – Thảo đẩy lưng tôi thúc dục

“Ớ từ từ, làm gì mà gấp thế, để anh xem đã” – Tôi giật mình la oai oái

“Hừ, mặc kệ anh, em đi mua bánh kẹo đây”

“Ơ mua bánh kẹo làm gì” – Tôi chưng hửng

“Ăn chứ làm gì, ông này hỏi lạ” – Thảo trợn mắt nói

Nhức cả đầu với con bé này, tôi lân la hỏi nhân viên tìm mua vở thếp, cuối cùng cũng cười toét miệng khi mua được. Dù rằng tôi hỏi thì chả ai biết “vở thếp” là vở gì, khi tôi miêu tả là vở chỉ có kẻ ngang chứ không có kẻ dọc từng ô thì nhân viên mới chỉ chỗ cho tôi lấy, rồi nhìn xăm xoi như thấy người ngoài hành tinh.

Sau đó tôi lại tha thẩn mấy quầy sách xem còn cái gì hay ho không. Thấy cơ man toàn là sách chuyên ngành, với chuyện nước ngoài phong cách Châu Âu, rồi mấy thể loại Hạt giống tâm ồn. Dứt khoát quay người bước đi, chứ đứng đây lâu mất công . . . bệnh =.=

Sau khi tính tiền, rồi 2 anh em tót ra quán trà sữa kế bên nhà sách ngồi tán dóc, đến 5h mẹ Hòa đến đón 2 đứa. Rồi mẹ Hòa đưa tôi mấy quần áo đồng phục mẹ mới lấy trên trường về. Loanh quanh luẩn quẩn rồi cũng đến giờ cơm, ăn uống dọn dẹp xong, dưới ánh mắt đầy mong đợi của con em trời đánh. Tôi ảo não thở dài gật đầu, thế là nó cười toe toét kéo tôi lên phòng bắt tôi kể đủ thứ chuyện ngoài quê. Sau khi nói khô cả họng đến gần 12h, mẹ Hòa phải quát lên thì con bé mới chịu buông tha cho tôi đi ngủ.


/101

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status