Như Một Cơn Gió Lạ

Chương 3

/19


Những cơn mưa đầu tiên của tháng Chín thưởng cho tôi giấc ngủ nướng tuyệt vời vào ngày Chủ nhật. Nếu không có tiếng kêu ầm ĩ của mấy con vật trong nhà có lẽ tôi đã nằm nướng trên giường cho tới chiều. Vươn vai rồi nằm xoay về phía của sổ. Đã hai tuần mẹ không tới thăm tôi. Chắc tại mưa khiến mẹ ngại ra ngoài. Mưa đuổi nhau ngoài cửa kính. Tôi không thích mưa cho lắm. Mưa ướt át và ồn ào, có lúc dội vào trong tôi những miền trống vắng không biết tha lôi từ đâu tới. Hình như ngoài phòng khách, Nguyên có bật nhạc vài bản nhạc nhẹ.

- Anh có bị điện giật hay đột tử trong phòng không đấy?

Giọng châm chọc gây sự của Nguyên. Không sai.

- Cô mà là hotgirl thì báo chí kiếm đủ tiền nhỉ. Ngày nào cũng có phát ngôn gây sốc.

- Giật mình. Tự dưng mở cửa bất ngờ. Phát khiếp.

- Ờ. Nghe cô gọi là muốn phi ngay ra mổ vô mặt cô mấy cái

- Mổ á? Mổ bằng gì? À, cũng dễ thôi. Mỏ anh cũng nhọn gớm.

- Tôi đâu phải gà hay chim đâu mà mổ bằng mỏ? Tôi mổ bằng cái này này…

Tiện tay với lấy con dao trên giá bếp, tôi làm mặt hằm hằm đuổi Nguyên chạy quanh nhà. Nhìn vẻ hốt hoảng la hét của Nguyên mà cười muốn chết.

- Anh bị rồ hả Nhật? Bỏ con dao đi ngay. Ghê quá!

- Túm cô rồi đè ra sàn, sau đó mổ banh bụng cô ra đã rồi tôi bỏ.

- Anh thần kinh à. Bỏ ngay đi. Tôi gọi công an bây giờ.

- Gọi đi. Công an đến tôi sẽ rạch mặt ăn vạ cho họ tống cô vào tù.

- Đồ khùng! Thôi ngay đi!

Tôi đuổi Nguyên chạy thêm vài vòng nữa quanh nhà. Con Nô Đen tưởng án mạng sắp xảy ra thật hay sao mà cũng chạy theo tôi sủa nhắng lên. Con mèo mướp thì như bị điên, cứ quay vòng vòng rồi hươ hai chân trước múa múa. :-| Chả hiểu kiểu gì? Chỉ có con Lem vẫn giữ tư thế nằm ngoài ban công hếch mõm vào nhà hóng hớt. Tâm thế kiểu “chúng mày muốn làm gì thì làm, tao chẳng quan tâm!”. Con Lem đắc đạo rồi chăng? @.@

Tôi và Nguyên tập thể dục buổi sáng khoảng 10 phút. Cứ chạy vòng vòng như thế. Đến lúc mệt quá thở phì phò một lát rồi cất dao thì ngay lập tức bị Nguyên phi cái gối đệm ghế vào mặt.

- Anh có hay lên cơn điên thế này không hả? Nói tôi biết lịch cụ thể để tôi còn tránh.

- Có. Tôi hay lên cơn mỗi khi nghe phát ngôn gây sốc của hót gơ.

- Thần kinh! Đi đánh răng đi. Đồ răng vàng hôi nách.

- Ủa. Sao cô biết tôi hôi nách?

- Ngửi thấy hôi mù lên sao chẳng biết.

- Cô điêu toa vừa vừa thôi. Người tôi thơm thế này cơ mà. – Vừa nói tôi vừa cúi xuống vai hít hít.

- Đi đánh răng đi hộ cái. Sáng ra cãi nhau với anh mỏi mồm quá!

Vừa hớn hở bước vào nhà tắm thì khóc thét ngay được. Ngay chỗ ống thoát nước là hai bãi phân chó và một bãi phân mèo. Không biết có phải chủ huấn luyện không mà ba con đi vệ sinh thẳng hàng luôn. Mùi hôi hôi chua chua sộc lên mũi đến khó chịu.

- Cô vào kia xử lí đống bầy nhầy của chúng nó giúp tôi ngay đi.

- Ủa có chậu sỉ ngoài ban công sao chúng nó không đi?

- Sao hỏi tôi? Chắc chúng nó bắt trước cô đấy. Mai cô phải đi vệ sinh vào chậu sỉ làm gương cho chúng nó mới được

- Anh nói linh tinh gì đấy. Tôi cầm chảo đập bẹt mỏ anh bây giờ.

Ngồi xuống bàn ăn đợi Nguyên dọn dẹp nhà tắm. Không biết phải chịu cảnh này đến bao giờ. Nếu phải miêu tả Nguyên tôi chỉ có mấy từ: lộn xộn, phiền phức, rắc rối… Nhưng khó hiểu thật. Nguyên không hề có một chút khó chịu hay phàn nàn gì với những hậu quả mà lũ chó mèo gây ra. Cô ấy vui vẻ chấp nhận tất cả như cô ấy sinh ra để làm những việc đó. Tôi ngồi dựa mặt vào thành ghế ngắm Nguyên quét nhà tắm rồi làm bộ quát lũ chó vô kỷ luật. Cái cử chỉ và vẻ mặt cố miêu tả cho mấy con vật hiểu mấy chậu sỉ mới là chỗ cho chúng nó giải tỏa nỗi buồn dễ khiến người ta phải phì cười. Quát chúng nó mãi mà chúng nó cứ tưởng đùa, cứ nhảy lên người Nguyên xủa nhặng xị làm nhỏ bất lực ngồi bệt xuống đất hét toáng lên.

- Này giúp việc, có định cho chủ nhà ăn cơm không thế?

- Đồ ăn ở bàn đấy, anh không nhìn thấy à?

- Cô lên ăn luôn đi. Ngồi ăn vạ với mấy con chó làm gì.

Nguyên xị mặt ra một lúc rồi đứng dậy rửa tay và ngồi vào bàn ăn. Tôi dậy muộn nên thức ăn hơi nguội. Nguyên đảo lại cơm rang cho tôi và làm thêm trứng ốp la. Vừa ăn vừa đọc báo xem tin tức. Dậy trưa quá nên cũng không theo dõi được thời sự buổi sáng.

- Anh tập trung vào ăn đi. Vừa ăn vừa đọc đau dạ dày.

- Này. Tôi thuê cô làm giúp việc chứ không phải làm mẹ tôi.

- Tôi bảo anh tập trung ăn thì làm đi. Tốt cho anh chứ cho tôi à.

Nói xong Nguyên giật tờ báo luôn. Tôi ngạc nhiên trước hành động ấy tới mức tròn mắt há mồm. Dễ cơm rơi hết từ mồm ra bàn mất. Loại giúp việc gì thế này? Không những làm loạn nhà, cãi chủ nhà mà còn dạy bảo cấm đoán chủ nữa? Định phản ứng lại thì tiếng chuông cửa làm cả hai đứa giật mình quay ra lối ra vào. Nguyên vội chạy ra mở cửa còn tôi ngồi ăn tiếp. Nhà tôi có bao giờ có khách lúc này đâu nhỉ?

- Chào anh! Anh tìm ai ạ?

- Ờ… Bạn là Nguyên à?

- A ! Anh đến đón bé Lem à ?

- Đúng rồi. Phiền bạn.

- Anh vào đi !

Khách của Nguyên. Tôi cảm thấy hơi bực. Nhà riêng hết biến thành trạm cứu hộ lại đến địa điểm giao dịch chó mèo. Sao Nguyên dám tự tiện cho người lạ địa chỉ nhà tôi thế ? Vị khách lạ đứng ngoài cửa vì ‘‘có việc phải đi ngay’’. Nguyên vội lấy thùng giấy để con chó mới mang về hôm qua vào đó rồi mang ra cửa. Con Lem như nhận ra hoàn cảnh của nó nên bắt đầu có dấu hiệu phản ứng chứ không bình thản nữa. Nó ngóc đầu ra khỏi thùng các tông rồi liếm vào tay Nguyên rên ư ử. Nhìn tội tội. Nguyên ngồi dặn dò khách một lúc rồi giao Lem cho anh ta. Chàng trai này nhìn khá hiền và chững chạc. Ăn nói nhỏ nhẹ và hành động cẩn thận. Không biết Nguyên có kiểm tra và chọn lựa chủ cho những con chó lạc không. Dù không có ý định giữ con Lem lại nhưng tôi vẫn có chút lo lắng cho số phận của nó, mong nó tìm được một người chủ tốt như Nguyên.

- Anh Minh chú ý bảo bác sĩ là tâm trạng nó không được tốt nhé. Nó hay giật mình và sợ hãi nên có thể lao vút đi đó. Anh giữ nó chắc vào.

- Ừ, cảm ơn Nguyên. Khi nào Lem ổn thì anh gọi lại nhé !

- Dạ, chào anh !

Vị khách tên Minh ra về, Nguyên đóng cửa rồi vào rửa tay và ăn nốt bữa sáng. Nhìn khuôn mặt sầu thảm của Nguyên sau khi chia tay Lem khiến tôi cũng không muốn trách cứ gì nhỏ việc cho địa chỉ nhà riêng của tôi. Vừa nãy bí mật đổi cho Nguyên phần trứng ốp la nhiều hơn, ngắm Nguyên ăn ngon lành thấy vui vui. Con Nô Đen và mèo Mướp đang đùa nhau ở ban công. Mà Nguyên lại làm mà không xin phép rồi. Quả bóng tennis của tôi Nguyên đã tự lấy tặng cho hai đứa làm đồ chơi để con mèo Mướp không vào phá tan hai cái ghế salong trong phòng khách. Tôi quay ra ăn nốt bữa sáng, vừa ăn vừa chọc Nguyên.

- Nè !

- Gì ?

- Không ‘‘dạ’’ nữa à ?

- Không, được đặc cách sướng quá. Phải tận dụng mọi lúc mọi nơi

- Có ai nhận nuôi con mèo Mướp chưa ?

- Có một vài người, nhưng em không tin tưởng lắm nên không nhận lời.

- Để đó nuôi đi. Cho Nô Đen có bạn.

- Thật á ?????

Nguyên đứng phắt dậy nhìn tôi, làm đổ cả ghế ngồi và văng thìa ra bàn. Tôi cũng giật mình do hành động bất ngờ quá khích của nhỏ. Trông cái dáng đứng như sắp vồ lấy tôi ôm hôn để cảm ơn đề nghị vừa rồi. Sợ quá !

- Ngồi xuống hộ tôi đi. Trông cô ghê ghê...

- Anh nói thật chứ. ?

- Thật, trông cô ghê ghê thật.

- Không, chuyện nuôi bé mèo Mướp cơ ?

- Đùa đấy !

- Cái gì ?

Để đề phòng Nguyên có những hành động quá khích hơn thì tôi đã kịp phản ứng ngay lập tức.

- Tôi đùa thôi. Nuôi thêm con mèo thôi mà.

- Cảm ơn anh... Em không biết nói gì nữa.

- Thôi đừng nói, tôi sợ phát ngôn gây sốc lắm. Nuôi thì nuôi. Nhưng cô đừng có đem thêm con chó mèo nào về nữa đấy. Mẹ tôi thỉnh thoảng sang thăm, phiền bức lắm. Bà sợ chó mèo.

- Dạ...

Nguyên cười chúm chím cho đến lúc ăn hết bữa sáng. Tôi bảo Nguyên đi rút hộ tôi bộ quần áo. Đợi tạnh mưa sẽ sang thăm bố mẹ. Dù sao sang nhà thăm mẹ cũng ổn hơn việc để mẹ sang thăm và nhìn thấy lũ chó mèo Nguyên mang về.

...

Mưa làm Hà Nội sạch hơn. Không khí trong và không bụi. Tôi có thói quen lượn vòng vòng trên đường không mục đích, đến khi xăng tụt một vạch mới quay về nơi mình định tới.

Bố mẹ vẫn khỏe. Cảm ơn trời đất! Mẹ nấu bữa tối sớm hơn hai tiếng để tôi ăn và về sớm. Lớn rồi nhưng mẹ lúc nào cũng lo nếu con cái ra đường khi trời tối. Bố hỏi tôi vài việc về công việc. Mẹ hỏi về chuyện ăn uống, người làm, hỏi về cả Ly. Bao nhiêu lần tôi nhắc mẹ về mối quan hệ đã rạn nứt và đi đến điểm dừng này nhưng mẹ vẫn vờ như chưa nghe thấy. Vẫn hỏi khi có dịp và khuyên bảo khi có cơ hội. Người lớn nhiều khi có những suy nghĩ áp đặt nặng đến mức choáng váng.

Tôi rời nhà bố mẹ khi trời vừa sập tối. Không biết tối nay Nguyên ăn gì. Một mình ở nhà có chịu nấu cơm không. Rẽ qua cửa hàng Hải Hà mua vài cái bánh ngọt về tráng miệng. Chọn hai bánh hoa quả hình thuyền rồi về nhà. Lòng không khỏi lo Nguyên lại đem thêm một rắc rối nào đó khiến tôi phải khóc thét khi mở cửa.

Rẽ vào con đường nhỏ cách nhà một đoạn, tôi nhìn thấy một dáng người quen quen, không biết đang làm gì, cứ lúi húi ở cột điện bên đường. Lại gần mới nhìn rõ. Là Nguyên mà. Không sai chút nào. Nguyên đang quỳ bên cạnh cột điện, chúi đầu vào chân cột mà chọc chọc gì đó.

- Cái gì đó Nguyên?

Nguyên giật mình ngước lên. Dưới ánh đèn đường, mặt nhỏ thêm đỏ, mồ hôi thì mướt trán. Nhìn thấy tôi như nhìn thấy cứu tinh, nhỏ đứng lên cầu cứu.

- Anh Nhật có gì mèo ăn được ở đó không?

- Hử? Có bánh ngọt thôi. Đây. Làm gì thế?

- Em đi mua giấy vệ sinh, có con mèo lạc chạy loăng quăng ngoài đường, bị người ta cầm gậy xua đánh. Nó sợ quá chạy ra đây rồi chui vào hốc cột điện. Gọi meo meo thế nào cũng không ra.

Tôi bẻ cho Nguyên một mẩu bánh ngọt. Nguyên vừa meo nhẹ vừa vứt vào cho con mèo trong hốc ăn. Tôi mở cốp xe lấy bộ tô vít có đèn pin rồi soi vào trong xem. Đúng là trong hốc đó có một con mèo lông vằn. Nhỏ tẹo mà dữ. Nguyên cứ thó tay vào là nó đưa tay cào phập phập. Hồi lâu Nguyên đứng dậy thở lấy hơi. Mồ hôi chảy ướt một vạt tóc bên má phải. Tôi lục túi đưa cho Nguyên một cái giây thun tôi hay đùng buộc tập bản thảo.

- Buộc tóc lên đi.

- Cảm ơn anh. Không biết làm sao nữa. Vì bị đuổi bằng cây từ trong công trường nên sợ, đâm ra đề phòng luôn. Nằm ở trong hốc dứt khoát ko ra. Dụ cỡ nào cũng không. Còn khè khè, xù lông rất dữ dằn nữa. Thò tay vô, phập luôn. Bằng mọi giá cố thủ.

Nói xong Nguyên lại cúi xuống dụ con mèo. Chạy qua chạy lại, ngồi nói chuyện với nó, dụ nó bằng mỹ nhân kế, thức ăn kế, bạn bè kế, gần 30 phút, vẫn ko xi nhê. Cũng tội Nguyên. Phía bên kia là bãi rác, bên này là cái đống khai rình do thằng mắc dịch nào đái bậy. Thế mà Nguyên vẫn phải chịu, quỳ rạp xuống dỗ dành con mèo. Tay Nguyên xước dài mấy vết do túm mèo rồi bị cào.

Tôi bảo Nguyên đợi một lúc, chạy ra quán tạp hóa gần đó, mua một đôi găng tay khá dày. Chạy lại cột điện bảo Nguyên đứng dẹp sang bên, tôi đeo găng tay vào rồi thò tay tóm gọn con mèo nhỏ trong hốc cột điện. Lôi được con mèo ra. Nguyên vồ lấy ngay, mặc kệ bị cắn bị cào. Vừa vuốt vuốt đầu nó Nguyên vừa dọa: “Mày làm chị mệt quá. Về nhà chết với chị!”. Sau đó Nguyên chạy về luôn. Quên luôn tôi đứng đó như trời trồng với cái tô vít và đôi găng tay thủng lỗ chỗ. Dù vui vẻ mừng rỡ đến mức nào, cũng không nên quên ân nhân cứu mạng con mèo cũng là tôi mới phải chứ. :( .

Chạy ra xe cất tôvit rồi phóng về nhà. Mua hai cái bánh ngọt thì dụ con mèo mất nửa cái rồi. Về nhà tôi với Nguyên chắc tranh nhau cái còn lại quá. Vừa đi vừa nghĩ xem có nên tức giận không. Con mèo con lông vằn chắc chắn Nguyên lại đem về nhà mà không xin phép trước. Lúc nãy gặp tôi ở đó cũng không hề ngỏ lời. Vốn tôi không phải người khó tính, nhưng trong cuộc sống, và nhất là trong phạm vi gia đình - cho dù tôi và Nguyên không có mức quan hệ thân thiết như thế - nhưng sống trong một nhà, ít ra cũng nên biết trên dưới, phép tắc đúng sai để hành xử khuôn phép. Hành động tự tiện của Nguyên có lẽ tôi phải chấm dứt ngay từ bây giờ thôi, để tránh những rắc rối xảy ra sau này với cuộc sống của mình.


/19

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status