Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 92: Cao Ngạo

/100


“Tôi đã lường trước chuyện ấy, bất quá việc mình đã quyết, sẽ không bao giờ hối hận. Có lẽ tôi phải rời khỏi kinh thành, đi xứ khác sinh sống. Chỉ tiếc là...” Người bán nỏ lắc đầu, cười đáp, nụ cười đượm nét thê lương. Hắn cúi người lượm cái nỏ nằm trên mặt đất, lấy sợi vải bên hông, quấn chặt cái nỏ vào lưng.

Thu Nguyệt nhanh nhảu cướp lời: “Lúc nãy anh đánh bọn kia là đúng lắm, oai phong vô cùng. Bọn chúng ức hiếp anh, chẳng lẽ anh lại bó tay chịu trói! Mà anh tên gì? Tôi có thể cảm nhận được lòng anh tràn ngập nỗi lo âu. Anh có nỗi khổ gì thì cứ nói ra, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ anh.”

Người bán nỏ gượng cười đáp: “Tôi họ Cao, tên Ngạo. Tôi chán nản vì mẹ của tôi vẫn chưa lành bệnh, mà ở kinh thành mới có thầy thuốc chữa trị hết căn bệnh của mẹ tôi. Ai ngờ rơi vào hoàn cảnh này, tôi đành phải cuốn gói rời khỏi kinh thành thôi. Mọi người có biết ở châu lộ nào gần đây, có thầy thuốc danh tiếng hay không, chỉ chỗ giùm tôi với.”

Thu Nguyệt và Xuân Lan thấy người bán nỏ buồn rầu, hai chị em đang có tâm trạng vui vẻ nên túm vào líu ríu chuyện trò.

Bên kia, Lý Hạo phất tay cho gã Túc Vệ quân thả Phan Định ra: “Cút, coi như hôm nay ngươi may mắn.”

Phan Định bước thấp bước cao chạy quáng quàng tới cuối con phố, ngoái đầu lại rống lớn: “Tụi mày chờ đó, tao sẽ trả lại gấp bội mối nhục ngày hôm nay.” Hắn chửi đổng một câu, như sợ bị đuổi theo bắt lại, vắt giò lên cổ mà chạy thục mạng.

Lý Thông khẽ hỏi: “Bẩm hoàng thượng, chẳng lẽ tha cho hắn dễ dàng vậy sao?”

“Hừm, đối với thằng ngu đó, trẫm có hàng trăm cách để trừ khử nó. Trẫm đã có kế sách vẹn toàn, lợi cả đôi đường. Chức vị Phủ Doãn kinh thành? Thực đúng lúc lắm. Phan An ơi là Phan An, trẫm định tha cho ngươi một mạng, nghĩ kế thu phục ngươi. Tiếc thay! Có trách thì trách ngươi dạy con quá tệ.” Lý Hạo nhỏ giọng nói.

Lý Hạo thì thầm phân phó hai gã Túc Vệ quân. Hai gã cúi đầu nhận mệnh, nhanh nhẹn chia ra hai hướng, một gã đi về Đỗ phủ, một gã đi về Nguyễn phủ. Ngay buổi tối hôm ấy, người của Đỗ phủ liền viếng thăm phủ Thái Úy Phụ Chính. Trong Nguyễn phủ, có những toán người bí mật tản ra khắp kinh thành, có toán người còn rời khỏi kinh thành.

“Tạ ơn cứu mạng của các vị. Tôi sẽ không quên ơn cứu trợ lần này của các vị. Đã trễ rồi, tôi phải về nhà thôi. Xin tạm biệt các vị tại đây.” Cao Ngạo nghe Phan Định dọa dẫm, sợ hắn tìm người quay lại trả thù, nghiêng người, thành khẩn nói.

“Cao Ngạo, ngươi đừng khách sáo nữa. Ha ha, ngươi không cần phải sợ tên công tử bột kia. Hắn chỉ là một kẻ tầm thường. Đi, vừa đi vừa trò chuyện. Nhà của ngươi ở đâu?” Lý Hạo cất tiếng cười sảng khoái.

“Tôi không hiểu bằng cách nào mà các vị dọa cho bọn quan binh kia bỏ đi, nhưng các vị cũng nghe gã quan binh kia nói rồi đó. Cha của hắn là Phủ Doãn kinh thành, người nắm quyền sinh sát của những người dân kinh thành. Kẻ như tôi đây không thể chống lại họ được.” Cao Ngạo thở dài.

Quan sát gương mặt thản nhiên của Lý Hạo, Cao Ngạo tiếp lời: “Nhà của tôi cũng gần đây. Đi hết con phố, rẽ trái, đi thêm vài dãy nhà nữa là tới rồi. Nếu các vị không chê, tôi xin mời các vị đến nhà. Có khách tới nhà, chắc mẹ tôi sẽ vui lắm. Nhà tôi neo người, vì vậy mẹ tôi luôn mong có khách viếng thăm cho vui cửa vui nhà.”

“Thế là không cùng đường rồi, chúng tôi thì rẽ phải. Mặt trời sắp lặn, chúng tôi cũng phải về nhà, để lần sau chúng tôi sẽ đến thăm vậy.” Lý Hạo ngước nhìn mặt trời đang tiến sát dần đến đỉnh núi Long Đỗ. Lý Hạo dẫn đầu đoàn người rảo bước đi về cuối con phố.

Núi Long Đỗ hay còn gọi là núi Nùng. Điện Thiên An chính là nằm trên đỉnh núi Long Đỗ. Núi Long Đỗ là nơi tiếp nhận khí thiêng sông núi của đất kinh thành Thăng Long, là vị thần bảo hộ cho nhân dân Thăng Long được an cư lạc nghiệp.

Theo các nhà phong thủy thì một ngôi dương cơ, bằng mười ngôi âm phần. Điện Thiên An đặt trên núi Long Đỗ, chính là chọn được ngôi dương cơ tốt, cho nên mới trở thành kinh thành của mấy triều đại Lý, Trần, Lê, Hồ, Mạc... Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lại được chọn làm Thủ đô và bây giờ trở thành thành phố hòa bình, đáng được xếp vào loại một trong những cố đô lâu đời nhất...

Thời xưa, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã làm nức lòng dân chúng, khiến cho người người khắp nơi đổ về sinh sống. Đến đời vua Lý Thái Tông, có Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải làm bài thơ đến ngày nay vẫn còn ở biển gỗ thờ tại đền Bạch Mã:

Tích văn hách trạc Đại vương linh,

Kim nhật phương tri quỉ mị kinh.

Hoả bắc tam khu thiêu bất tận,

Phong lôi nhất trận phiến nan khuynh.

Chỉ huy vọng lượng tam thiên chúng,

Hô hấp tiễu trừ bách vạn binh.

Nguyện trượng dư uy thanh Bắc khấu,

Đôn linh vũ trụ lạc thăng bình.

Nhà thơ Trần Lê Văn dịch:

Đại vương xưa nức tiếng oai linh

Nay mới hay rằng ma quỷ kinh

Lửa tụ ba khu không cháy miếu

Gió lay một trận chẳng nghiêng mình

Khiến sai bọn quỷ ba nghìn đứa

Đánh dẹp loài ma trăm vạn binh

Nhờ cậy dư uy trừ giặc Bắc

Giúp ngay đất nước được thanh bình.

Nhớ lại bài thơ hào hùng ấy, Lý Hạo thầm nghĩ: “Đất thiêng, núi thiêng là thế! Vùng đất địa linh, nhân kiệt là thế! Sao đến ngày nay, mà Hà Nội không dựng lại một tòa điện trên đỉnh núi Long Đỗ, theo đúng mẫu của điện Thiên An đời Lý nhỉ! Làm được tòa điện ấy, chắc rằng người dân thủ đô Hà Nội và người dân cả nước sẽ hân hoan lắm. Và nếu như được âm phù, dương trợ, thì vượng khí những năm sau này hẳn dồi dào hơn nữa.”

Tiếng hỏi yêu kiều của Thu Nguyệt cất lên, ngắt dòng suy nghĩ mông lung của Lý Hạo: “Anh tên Cao Ngạo, mà sao chẳng thấy Cao Ngạo gì hết? Đặt tên thật ngộ quá. Người không giống tên chi cả.”

“Cái tên này là do cha của tôi đặt. Mẹ tôi kể rằng ông đã phải sấp ngửa cả mấy ngày trời, lật xem hết cả chục quyển sách tử vi, mới tìm được cái tên ấy. Ông bảo rằng con của ông phải là người cao ngạo vượt hẳn ông ấy, tìm lại vinh quang khi xưa của gia tộc họ Cao. Tiếc rằng cha tôi đã qua đời năm năm rồi.” Cao Ngạo thành thực nói.

“Cái nỏ của anh kỳ lạ quá, anh cho tôi mượn xem được không?” Thu Nguyệt chỉ tay vào cái nỏ trên lưng Cao Ngạo, tò mò nói.

Cao Ngạo tháo cái nỏ đưa cho Thu Nguyệt, bảo: “Đây là gia bảo của nhà tôi. Bất đắc dĩ lắm tôi mới phải giấu mẹ đem đi bán, mẹ tôi mà biết thì tôi không biết phải ăn nói thế nào, chứ trong nhà tôi không còn vật gì để bán nữa cả.”

Thu Nguyệt thích thú cầm cái nỏ xoay ngang, xoay dọc mà xem. Lý Hạo trầm ngâm quan sát cái nỏ, thân nỏ làm bằng gỗ đen bóng, lẫy nỏ có nhiều lỗ bắn, hắn đếm qua loa khoảng hơn ba mươi lỗ bắn. Thực không ngờ, đây chính là một phiên bản của nỏ liên châu trong truyền thuyết.

/100

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status