Nguyên Thủy Thời Đại

Chương 124: Quả Táo Quỷ mang lại sự thịnh vượng (2)

/204


Antoine-Augustin Parmentier tham gia quân đội Pháp trong Chiến tranh Bảy năm, phục vụ như một bác sĩ quân y. Vào thời điểm quân Pháp thảm bại trước Frederick Đại đế, khoai tây đối với họ vẫn chỉ là một thứ thức ăn dành cho lợn.

Nhưng khi Parmentier bị bắt làm tù binh trong doanh trại của quân Phổ và bất đắc dĩ phải ăn khoai tây, ông nhận thấy rằng loài cây này không hề có độc, những quan niệm của người Pháp về khoai tây khi đó thực sự không đúng. Khoai tây bị ghẻ lạnh, cấm trồng và chỉ làm thức ăn cho lợn ở Pháp lại đang nuôi dưỡng và đem lại ưu thế cho quân Phổ.

Trong suốt 3 năm bị giam giữ ở Phổ, Parmentier thấy mình vẫn có thể ăn khoai tây để sống sót, thậm chí sống khỏe mạnh mà không hề bị bệnh. Nên khi được trả tự do để trở về Pháp vào năm 1763, ông đã sử dụng những kiến thức của một dược sĩ để tập trung nghiên cứu loài cây này.

Điều mà Parmentier tìm thấy là khoai tây không hề độc, với điều kiện người dân chỉ ăn những củ không có mầm. Trên cùng một diện tích canh tác, khoai tây có thể cung cấp một lượng calo gấp từ 2-4 lần so với các loại ngũ cốc khác. Parmentier nhận ra đó chính là một loại lương thực tuyệt vời, vấn đề chỉ là người dân Pháp sẽ không chịu ăn nó.

Để lật ngược lại tình thế, Parmentier được cho là cũng áp dụng một kế sách tương tự như Frederick Đại đế. Ông trồng các mảnh vườn khoai tây và cho người giả vờ bảo vệ chúng. Nhưng với trí thông minh của mình Parmentier biết công việc phải thực hiện từ trên xuống.

Ông đã liên tục cầm kết quả nghiên cứu của mình đi thuyết phục các bác sĩ, nhà khoa học, giới quý tộc và cả thành viên hoàng gia về lợi ích của khoai tây. Vui vẻ và cởi mở, hầu như tất cả đã trở thành những "KOL" trong chiến dịch "marketing" khôn khéo của Parmentier cho khoai tây.

Chuyện kể rằng trong một lần vua Louis XVI và nữ hoàng Marie Antoinette đi dạo trong khu vườn Versailles, Parmentier đã hái tặng mỗi người một bông hoa khoai tây. Nữ hoàng Antoinette đã cài bông hoa tím lên tóc còn nhà vua đặt nó lên khuy áo của mình.

Khi vua Louis XVI hỏi Parmentier về loài cây đó, ông đã xin được một mảnh trong khu đất hoàng gia để trồng khoai tây. Các cận thần sau đó cũng bắt chước nhà vua. Tin tức lan đi chiếm được sự tò mò của công chúng. Và đây là lúc Parmentier diễn lại bài mà Frederick Đại đế đã thực hiện ở Phổ.

Ông cho binh lính tỏa ra bên ngoài Paris, trồng các cánh đồng khoai tây rồi giả vờ canh gác. Người dân sau đó đã trộm khoai tây và mang về vườn nhà mình trồng.

Đến năm 1793, Parmentier tiếp tục viết và cho in 10.000 bản cẩm nang trồng khoai tây để phát về mỗi xã trên lãnh thổ Pháp. Ông cũng phát hành cuốn "Nấu nướng quốc dân", trong đó chứa tới hơn 20 công thức chế biến khoai tây, khiến nó trở nên ngon hơn và chinh phục được khẩu vị của người Pháp.

Và có thể bạn cũng đoán được, cuốn sách này đã dạy người Pháp cách làm món khoai tây chiên huyền thoại, "French fries":

"Đầu tiên phải đánh bột khoai tây, trứng và nước lại với nhau. Sau đó thêm vào một muỗng dầu, một muỗng eau de vie (rượu), muối và tiêu. Đánh đều hỗn hợp cho đến khi không còn cục bột nào. Bây giờ gọt vỏ khoai tây, cắt lát, rồi ngâm vào bột. Cuối cùng, vớt chúng và chiên cho đến khi miếng khoai có màu sắc bắt mắt".

Trước khi khoai tây trở nên phổ biến ở Pháp, những người nông dân chỉ sản xuất được vừa đủ lượng ngũ cốc để nuôi sống cả đất nước mỗi năm, miễn là không có gì xảy ra với mùa màng của họ. Đáng tiếc, đó lại là những điều hay xảy ra nhất. Mất mùa, thiên tai và cả chiến tranh thường khiến cho nguồn cung thực phẩm ở Pháp hết sức bấp bênh.

Hàng trăm nạn đói đã xảy ra dưới quy mô địa phương. Trung bình cứ 7 năm một lần, nước Pháp sẽ phải đối mặt với một nạn đói trên quy mô toàn quốc. Sự xuất hiện của khoai tây cuối cùng đã giải quyết được bài toán lương thực cho nước Pháp.

Chỉ sau khi bài toán cơ bản đó được giải quyết, nước Pháp mới tiến được tới Cách mạng (1789-1799) và sau đó là các cuộc chiến tranh của Napoleon (1803-1815).

Là một người ủng hộ ý tưởng về một nền Cộng hòa tự cung tự cấp, Napoleon đã khuyến khích việc trồng khoai tây. Ngay lập tức, sản lượng khoai tây của toàn nước Pháp đã tăng lên tới 15%.

Các đồng minh của Pháp nhìn vào bài học khoai tây cũng đã áp dụng rộng rãi giống cây trồng này, thậm chí kẻ thù của họ cũng học theo. Đến những năm cuối cùng của Chiến tranh Napoleon, khoai tây đã trở thành thực phẩm chính trong chế độ ăn của hầu hết người Châu Âu.

Nhận xét về giai đoạn lịch sử này, Christian Vandenbroeke, một nhà sử học người Bỉ từng nói: "Lần đầu tiên trong lịch sử Tây Âu, một giải pháp dứt khoát cho vấn đề lương thực đã được đưa ra".

Một mẫu đất trồng khoai tây và sữa của một con bò bây giờ có thể nuôi sống cả một gia đình, cung cấp tất cả các vitamin và vi chất cần thiết cho chế độ ăn uống lành mạnh. Khoai tây giàu vitamin C đến mức chúng đã giúp chấm dứt bệnh scurvy từng xảy ra tràn lan khắp lục địa.

Nó đã giải quyết được tất cả những nạn đói trên một dải đất 2.000 dặm kéo dài từ Ireland đến dãy Ural của Nga. Cuối cùng lục địa này cũng có thể tự làm ra được bữa tối cho chính mình.

Không những chỉ giải quyết nạn đói, khoai tây còn là thứ lương thực đã giúp toàn bộ Châu Âu trở nên phồn thịnh. Nguồn lương thực tăng nhanh đã dẫn đến tăng trưởng dân số. Điều này từng được nhà kinh tế học Adam Smith nhắc đến trong cuốn trong cuốn sách kinh điển của ông, "Sự giàu có của các quốc gia".

Ví dụ ấn tượng nhất về tiềm năng của khoai tây trong việc thay đổi mô hình dân số xảy ra ở Ireland, nơi khoai tây đã trở thành thức ăn chủ lực vào năm 1800. Khoảng 40% dân số Ireland không ăn bất kể một loại thức ăn rắn nào khác ngoài khoai tây. Và chỉ trong vòng hơn 60 năm, từ 1780 đến 1841, dân số của họ đã tăng gấp đôi lên 8 triệu người.

Điều đáng nói, đó không phải là kết quả của việc mở rộng công nghiệp hóa hay cải cách kỹ thuật nông nghiệp. Đó chỉ là hệ quả duy nhất của việc trồng khoai tây. Mặc dù Ireland có tập quán sở hữu đất đai rất lạc hậu so với Châu Âu thời kỳ đó, các đặc tính vượt trội của khoai tây đã cho phép ngay cả một người nông dân nghèo nhất ở nước này cũng có thể trồng được nó.

Không cần bất kỳ khoản đầu tư hay lao động nặng nhọc nào, khoai tây là thứ mà trẻ em cũng có thể trồng, thu hoạch và chế biến. Nó cũng không yêu cầu phải cắt, xay xát hay nghiền như lúa mì. Sự phồn thịnh từ khoai tây đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, khuyến khích kết hôn sớm và gia tăng dân số.

Nancy Qian và Nathan Nunn, hai nhà kinh tế học tại Đại học Yale và Harvard đã thực hiện một nghiên cứu về ảnh hưởng của khoai tây đến quá trình bùng nổ dân số ở Châu Âu. Họ so sánh mức tăng trưởng dân số ở 132 nước vào thời điểm trước và sau năm 1700.

Kết quả thống kê cho thấy, dân số Châu Âu đã nhảy vọt từ 126 triệu vào đầu thế kỷ 18 lên tới 300 triệu vào đầu thế kỷ 20. Nơi nào khoai tây được trồng nhiều nhất cũng là nơi tăng trưởng dân số đạt mức cao nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử, dân số bùng nổ không tạo ra những nạn đói hàng loạt, mà đơn giản chỉ đẩy người dân vào các đô thị chật chội.

Theo Qian và Nunn, khoai tây đã đóng góp 23-24% vào việc tăng trưởng dân số và khoảng 27-34% vào công cuộc đô thị hóa trong thời kỳ từ năm 1700 đến năm 1900.

Sự gia tăng dân số và đô thị hóa đã thúc đẩy tốc độ của cách mạng công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp mới phụ thuộc vào việc khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Khoai tây khi đó được ví như một loại than đá thứ hai, bởi nó nuôi dưỡng những lực lượng lao động chính đóng góp vào công cuộc đổi mới này. William Hardy McNeill, sử gia, tác giả cuốn sách "Sự trỗi dậy của Phương Tây" từng nhận xét:

"Chỉ cần cung cấp một mức tiền lương đủ để sinh hoạt, hoặc một thứ gì đó rất gần với mức sinh hoạt phí, một lượng lớn người di cư từ nông thôn sẽ sẵn sàng có mặt để điều khiển các máy móc mới và thực hiện tất cả các nhiệm vụ khó khăn phục vụ một xã hội đô thị hóa".

Và như một công thức tự nhiên, dân số phát triển mạnh ở Châu Âu sau các mùa màng khoai tây sẽ lấp đầy vào hàng ngũ quân đội, hải quân đế quốc, đem đến những chiến thắng cho họ ở những miền đất xa xôi, đẩy hàng triệu người di cư ra các vùng thuộc địa và vào phía đông Siberia.

"Một điều chắc chắn, nếu không có khoai tây thì nước Đức sau năm 1848 không thể trở thành quốc gia công nghiệp và thế lực quân sự hàng đầu ở Châu Âu. Nga cũng không thể lờ mờ đe dọa biên giới phía đông nước Đức năm 1891", McNeill lập luận.

Như cái cách người Inca đã phát triển thành một đế chế hùng mạnh ở Nam Mỹ, từ giữa thế kỷ 18, khoai tây lại đưa một số quốc gia Châu Âu trở thành những đế quốc thống trị thế giới.

"Nói tóm lại, tất cả các đặc tính thống trị của châu lục này trong hai thế kỷ, từ 1750 đến 1950 bao gồm sự bành chướng và tranh giành thuộc địa của các đế quốc ở hải ngoại, quá trình họ nhập cư vào Hoa Kỳ cũng như các vùng đất khác trên thế giới, đều cơ bản xuất phát từ việc khoai tây đã mở rộng nguồn cung cấp thực phẩm ở Bắc Âu", McNeill khẳng định.

Đây chính là lần thứ hai khoai tây đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi xã hội loài người trên toàn thế giới.

/204

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status