Người Tình Dĩ Vãng

Chương 20

/25


Sau một đêm ngủ ngon giấc, Mẫn Nghi thấy thật sảng khoái. Nàng làm vệ sinh cá nhân xong, bước xuống phòng khách. Vừa thấy nàng, Trực Nhân đã nhanh nhảu:

- Chào buổi sáng. Ở đây, cô thấy thế nào?

- Cảm ơn anh. Tôi rất khỏe. À! Anh...

- À! Tôi tên là Trực Nhân. Còn cô?

- Tôi tên là Mẫn Nghi. Anh Trực Nhân này! Bác gái đâu, sao tôi không thấy?

- À! Mẹ tôi có thói quen là buổi sang đi dạo vườn hoa. Chắc mẹ tôi cũng sắp vào. Chờ một chút, mẹ tôi vào rồi chúng ta cùng dùng điểm tâm nhé. Ờ, Mẫn Ngh này! Cô có thể nói một chút về cô được không?

Mẫn Nghi thở dài, lắc đầu:

- Anh Trực Nhân à! Tôi biết anh là một người tốt. Tôi không muốn giấu anh điều gì cả, nhưng chuyện của tôi rất buồn. Tôi đang cố quên đi, không muống nhắc lại nữa. Mong anh thông cảm.

- Vậy cũng không sao. Thế bây giờ cô có dự tính gì không?

Nàng nghĩ dù sao Trực Nhân cũng đỡ nàng một lần rồi, nên nàng nói:

- Bây giờ, tôi muốn có một việc làm. Anh Trực Nhân! Anh có thể giúp cho tôi không? Việc gì cũng được. Lau nhà hay nấu cơm cũng được, miễn là tôi đủ sống qua ngày là được rồi.

- Nếu vậy thì cũng không khó. Cô cứ ở tạm đây, tôi sẽ lo giúp cô.

- Anh Trực Nhân! Cám ơn anh nhiều lắm. À! Hình như tôi thấy nhà anh rất ít người phải không?

- Ở nhà chỉ có tôi và mẹ tôi thôi. Nhưng tôi thường đi làm suốt cả ngày. Nếu cô có ở đây, chắc mẹ tôi sẽ vui lắm.

Mẫn Nghi buồn buồn:

- Tôi không dám làm phiền anh và bác nhiều đâu. Nếu có việc làm, tôi sẽ đi ngay.

Lúc đó thì bà Vân Tường từ ngoài bước vào. Mẫn Nghi lễ phép đứng dậy, khẽ chào:

- Cháu chào bác ạ.

Bà Vân Tường cười nhẹ rồi đáp lễ:

- Chào cháu.

Trực Nhân lên tiếng:

- Ồ! Mẹ đã về. Chúng ta cùng dùng điểm tâm, mẹ nhé.

- Ờ, cũng được.

Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, Trực Nhân nói với mẹ:

- Mẹ à! Đây là Mẫn Nghi, cô ấy từ xa đến. Con đã nhận lời xin cho cô ấy việc làm. Tạm thời cô ấy ở nhà mình, mẹ nhé.

Bà Vân Tường có vẻ ái ngại, nhưng cũng trả lời:

- Vậy cũng được. Con lỡ giúp người thì giúp cho trót.

Mẫn Nghi biết bà Vân Tường không mấy có thiện cảm với nàng, nên nàng chỉ ăn qua loa rồi nói:

- Cháu đã ăn xong. Cháu xin phép xuống trước ạ.

Nói xong, nàng khẽ chào Trực Nhân rồi đi xuống nhà.

Bà Vân Tường lại nói với con trai:

- Trực Nhân! Con nghĩ sao mà cho cô gái ấy ở lại nhà ta thế?

- Mẹ! Chứ bây giờ cô ấy không còn chỗ để đi, nếu chúng ta để cô ấy bơ vơ một mình, lỡ sa vào cạm bẫy của người xấu thì rất tội mẹ ạ. Con nghĩ chúng ta nên cho cô ấy tá túc ở đây một thời gian. Bao giờ con xin được việc làm cho cô ấy rồi hãy tính.

- Mẹ biết. Nhưng con và Bảo Ngôn đã có giao ước. Hiện nó đang du học ở Mỹ, nếu không may chuyện con đem cô gái lạ về ở nhà tới tai nó, thì nó sẽ nghĩ sao đây? Mẹ sợ sẽ ảnh hưởng đến tình cảm của các con.

Trực Nhân nhìn mẹ, cười ngất:

- Mẹ! Mẹ mà cũng nghĩ con trai mẹ như vậy nữa sao? Mẹ ơi! Mẹ nghĩ quá xa vấn đề rồi đó. Sở dĩ con có hành động như vậy là do ở tình người. Mẹ cũng biết đấy, con trai của mẹ là một luật sư, mà luật sư thì xưa nay ít bao giờ thờ ơ với những bất công hay những mảnh đời khốn khó. Vả lại, đây là bản tính của con, cũng đâu phải lần đầu con giúp người đâu mẹ.

- Mẹ biết. Mẹ rất hiểu ý con. Nhưng cô ấy là một cô gái, lại quá đẹp nữa. Liệu dư luận họ có cùng quan điểm như con không? Mẹ e là chuyện này sẽ đến tai của gia đình Bảo Ngôn.

- Mẹ! Chúng ta không làm điều gì trái cả, mẹ đừng lo. Nếu chuyện này đến ta Bảo Ngôn thì con nghĩ, Bảo Ngôn là một người tốt và rất hiểu ý con, cô ấy sẽ không trách hờn gì con đâu.

Bà Vân Tường thở dài:

- Nhìn thấy cô gái ấy, mẹ cũng cảm thấy xót xa, nên con hãy cố gắng sắp xếp mọi chuyện cho được êm xuôi và tốt đẹp.

- Đã bảo là mẹ để con lo mà.

Nói xong, anh nhìn đồng hồ rồi tiếp:

- Đã đến giờ rồi, con phải đi làm đây. Mẹ nhớ giúp con, quan tâm đến cô ấy nhé mẹ.

- Được rồi. Con cứ lo cho công việc của mình đi, mọi chuyện ở nhà hãy để mẹ lo.

- Con cảm ơn mẹ.

Trực Nhân sửa lại áo rồi chào mẹ, đi ra cửa. Bà Vân Tường nhìn theo con trai, bà cảm thấy Trực Nhân là niềm an ủi vô biên của bà. Con bà quá tốt, bà biết Trực Nhân đã hành động vì tình người, nhưng bà biết rõ anh còn hành động vì một lý do khác, đó là đem niềm vui đến cho bà. Mắt bà lại chợt buồn. Bà nhìn xa xăm và thở dài.

Những ngày ở lại nhà Trực Nhân, Mẫn Nghi thấy dài đăng đẳng. Trực Nhân thì đi làm suốt ngày, công việc của một luật sư dường như chiếm hết cả thời gian của anh. Còn bà Vân Tường thì dường như không mấy tin tưởng nàng. Nàng biết rõ điều đó, nhưng không hề trách bà, vì nàng rất hiểu và thông cảm với bà khi có người lạ trong nhà. Bởi thế, ngoài những giờ dùng bữa, nàng luôn tìm cách tránh né bà. Nàng kiên nhẫn chờ đợi Trực Nhân xin cho nàng việc làm. Nhưng hầu như ngày nào Trực Nhân cũng nói với nàng là chưa có công việc thích hợp. Thế là nàng đành phải chờ đợi và chờ đợi.

Chiều nay, Mẫn Nghi ngồi soi gương chải tóc. Nàng cảm thấy nhớ Tử Trung da diết. Không biết bây giờ anh đã thế nào rồi? Khi phát hiện ra nàng bỏ đi, anh có buồn không? Nàng nhớ những lời anh xỉ vả nàng, đuổi nàng đi và ngậm ngùi nghĩ bên anh bây giờ còn có Dạ Thu bên cạnh, chắc chắn anh không còn nhớ đến nàng nữa. Nhưng làm sao nàng có thể quên anh được. Yêu anh bao nhiêu, nàng cảm thấy hận anh bấy nhiêu. Tại sao anh không chịu tìm hiểu thực hư mà lại sớm buộc tội nàng, không để cho nàng có một lời giải thích? Nàng kêu thầm: Tử Trung ơi! Em hận anh vô cùng. Suốt đời em cũng không tha thứ cho anh đâu.

Nàng ngước lên, màn lệ đã làm nhòa cả mắt nàng, rồi những giọt nước mắt đau thương, oan ức thi nhau lăn xuống đôi gò má của nàng rồi rơi trên cổ nàng.

Mẫn Nghi đưa tay lau mặt và lau cổ. Nàng bổng giật mình, mặt biến sắc và hối hả tìm kiếm. Nàng lục tung cả đồ đạc trong phòng, tìm kiếm khắp cả phòng mà không tìm thấy. Nàng hối hả mở cửa phòng và lao xuống cầu thang. Lúc ấy, bà Vân Tường và Trực Nhân đang ngồi nói chuyện. Thấy Mẫn Nghi hối hả chạy xuống, Trực Nhân hỏi:

- Có chuyện gì thế, Mẫn Nghi?

Mẫn Nghi nói như muốn khóc:

- Tôi bị mất sợi dây chuyền rồi. Anh hay mọi người có nhặt được không?

- Ồ! Không. Chúng tôi không thấy sợi dây chuyền nào cả. Cô xem lại xem có rớt đâu đó ở trong phòng không.

- Không. Tôi đã tìm hết rồi. Trời ơi! Tôi không thể mất sợi dây chuyền này được.

Nãy giờ nghe thấy vậy, bà Vân Tường tỏ vẻ khó chịu lên tiếng:

- Cô xem lại đi. Xưa nay ở nhà này, cái gì để đâu thì còn nguyên ở đấy, chứ không bao giờ bị mất mát gì đâu.

- Nhưng lúc sáng cháu còn đeo trên cổ mà.

- Tôi đã bảo, nếu cô làm rớt ở đâu thì vẫn còn ở đó.

Thấy mẹ căng thẳng nên Trực Nhân nói với Mẫn Nghi:

- À! Mẫn Nghi này! Có lẽ là cô bị rớt đâu đó thôi, để chúng ta từ từ tìm lại nhé.

Đến bây giờ, Mẫn Nghi mới thấy mình thật hồ đồ. Đã ở nhờ nhà người ta mà còn la toáng lên là mất đồ. Nàng quay sang bà Vân Tường, vẻ hối lỗi:

- Cháu xin lỗi bác. Cháu vô ý quá, xin bác thông cảm.

Bà Vân Tường không trả lời, quay đi nơi khác, thở dài. Thấy thế, Mẫn Nghi nói với Trực Nhân:

- Thôi, bỏ đi. Chỉ là sợi dây chuyền nhỏ thôi mà. Xin lỗi anh, tôi về phòng đây.

Nói xong, nàng thẫn thờ bước lên cầu thang.

Bà Vân Tường nhìn theo với ánh mắt bực bội. Bà lắc đầu, thở dài. Bỗng chị giúp việc từ nhà sau chạy lên bảo:

- Bà chủ! Lúc nãy con nghe cô Mẫn Nghi nói mất sợi dây chuyền, không biết phải là sợi này không. Con mới nhặt ở trong phòng tắm.

Bà Vân Tường thở phào, bảo:

- Đâu, cô đưa tôi xem sợi dây chuyền bao lớn mà nó làm ầm lên thế.

- Dạ, thưa đây này, bà chủ.

Vừa cầm sợi dây chuyền chị Mai đưa, bỗng mặt bà Vân Tường biến sắc. Mắt bà dán chặt vào sợi dây chuyền, bà lắp bắp:

- Trực Nhân! Con lên gọi Mẫn Nghi mau xuống đây cho mẹ.

Trực Nhân ngạc nhiên trước thái độ của mẹ, anh gặng hỏi:

- Chuyện gì thế mẹ?

- Mẹ bảo con mau gọi Mẫn Nghi đi. Con đừng hỏi nhiều nữa, rồi con sẽ biết mà.

Trực Nhân ngơ ngác trước thái độ của mẹ, nhưng anh không dám hỏi thêm mà chạy lên gọi Mẫn Nghi xuống.

Lúc Mẫn Nghi từ trên cầu thang bước xuốngg, đôi mắt bà dán chặt vào gương mặt nàng. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi Mẫn Nghi đến đây, bà mới nhìn kỹ nàng như vậy. Cái nhìn lạ lẫn của bà làm Mẫn Nghi cảm thấy hoang mang, nàng hỏi:

- Thưa bác, bác gọi cháu có chuyện gì không ạ?

Bà bước đến bên Mẫn Nghi, đưa sợi dây chuyền ra và hỏi:

- Mẫn Nghi! Đây có phải là sợi dây chuyền của cháu không?

Nhìn sợi dây chuyền bạch kim có hình trái tim, Mẫn Nghi mừng rỡ kêu lên:

- Đúng là của cháu rồi.

Cảm ơn bác. Cháu cứ tưởng suốt đời cháu sẽ không tìm lại được nó.

Bà Vân Tường run rẩy, cầm chặt hình trái tim lên mở ra và thấy bên trong được lộng một tấm hình một bé gái mặc chiếc áo đầm đỏ khoảng một tuổi. Bà hỏi:

- Đây là hình của ai thế?

- Là của cháu đấy.

- Thế ba mẹ cháu là ai?

- Cháu không có ba mẹ. Từ lúc còn rất bé, cháu đã sống trong cô nhi viện, nên cháu không biết gì về thân nhân của mình.

Bà Vân Tường hỏi dồn dập:

- Nhưng tại sao cháu lại phải sống trong cô nhi viện?

Mẫn Nghi buồn buồn kể:

- Theo lời sư cô, người nuôi cháu kể lại. Vào một buổi sáng mùa đông của hai mươi sáu năm trước, sư cô vừa thức dậy đã nghe tiếng trẻ em khóc thảm thiết ngoài cửa. Lúc ấy, sư cô chạy ra thì thấy cháu được quấn trong một cái khăn và đặt ngay trước cổng. Người bế cháu lên,lúc đó trời thì rét mướt nhưng người cháu thì nóng hầm hập. Người mau chóng đưa cháu vào nhà và chở đi bệnh viện. Người bảo cũng nhờ trời thương, chứ không cháu đã chết mất rồi. Và người còn bảo đây là sợi dây chuyền lúc ấy được đeo trên cổ cháu. Lúc đó cháu được khoảng một tuổi.

Giọng bà Vân Tường run rẩy:

- Ngoài sợi dây chuyền này ra, cháu còn giữ một vật gì lúc sư cô nhặt chàu ngoài ngõ không?

- Dạ, còn cái khăn quấn cháu ngày xưa và chiếc áo đầm đỏ. Chiếc áo đầm giống như chiếc áo cháu mặc chụp trong tấm hình này nè.

Bà Vân Tường dường như nói không ra hơi:

- Mau... mau lấy cho ta xem.

Mẫn Nghi vô cùng ngạc nhiên trước thái độ của bà Vân Tường, nàng nhìn bà chăm chăm. Bà lại hối:

- Cháu mau đi lấy cho ta xem.

- Dạ... dạ, cháu sẽ đi lấy ngay.

Mặc dù ngạc nhiên, nhưng Mẫn Nghi không dám cãi lời bà. Nàng nhanh chóng chạy lên lầu, và trở xuống với gói đồ trong tay. Nàng đưa cho bà Vân Tường:

- Dạ đây, thưa bác.

Bà Vân Tường vồ lấy, bà mở khăn và chiếc áo đầm màu đỏ bé tí ra xem, bỗng bà khóc ngất:

- Đúng rồi, Vân Phi ơi. Cuối cùng, mẹ đã tìm được con rồi.

Nói xong, bà nhào đến ôm chặt Mẫn Nghi. Mẫn Nghi ngơ ngác:

- Bác! Bác làm sao thế? Cháu không phải tên là Vân Phi, cháu tên là Mẫn Nghi.

- Không. Con chính là Vân Phi lạc loài của mẹ hai mươi sáu năm trước. Trực Nhân ơi! Cuối cùng thì mẹ cũng đã tìm được em con rồi. Mẹ hạnh phúc quá.

Nãy giờ Trực Nhân chứng kiến toàn bộ câu chuyện và anh đã hiểu ra tất cả. Nước mắt anh cũng ràn rụa, anh kêu lên:

- Mẹ ơi! Cuối cùng con đã làm được rồi, con làm được rồi. Con đã mang em về cho mẹ rồi. Vân Phi ơi! Anh mừng quá.

Mẫn Nghi gỡ tay bà Vân Tường ra, nói:

- Có lẽ hai người đã lầm rồi. Tôi không phải là Vân Phi đâu. Tôi tên là Mẫn Nghi.

Bà Vân Tường lắc đầu:

- Không. Mẹ không thể nào lầm được. Con chính là đứa con gái bị thất lạc của mẹ. Ngày xưa, lúc bị mất con, đúng là trên cổ con đang đeo sợi dây chuyền này, còn tấm hình được lồng trong trái tim nhỏ này là chụp lúc sinh nhật con tròn một tuổi. Chiếc khăn và cái áo này là lúc đó mẹ quấn cho con, còn nữa trên mặt trái tim còn khắc hai chữ V.P. là viết tắt tên con mà lúc sinh nhật con, mẹ đã thuê thợ kim hoàn làm đó. Mẫn Nghi! Nếu thật sự những thứ này của con thì con chính là con gái của mẹ.

Mẫn Nghi bàng hoàng nhìn bà Vân Tường rồi nhìn Trực Nhân. Nàng nghẹn ngào:

- Trời ơi! Con có mơ không? Con đã thật sự tìm được mẹ sao?

Bà Vân Tường khóc ngất:

- Con không mơ đâu. Là mẹ đây con.

Mẫn Nghi nức nở ngả vào lòng bà, thốt lên:

- Mẹ ơi! Con cứ tưởng không bao giờ còn gặp được mẹ. Con không biết mình đang mơ hay đang tỉnh nữa. Nếu là giấc mơ thì con muốn nó được kéo dài mãi. Con rất muốn được ở mãi trong vòng tay mẹ. Mẹ ơi! Con tha thiết mong có ngày này lâu rồi.

/25

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status