Người Bình Xuyên

Chương 16: NHẬT ĐẢO CHÁNH BẮT GIAM BỌN PHÁP VIỆT MINH LÃNH ĐẠO CHIẾM SÀI GÒN

/74


Cuối cùng việc phải đến đã đến.

Đêm 8 rạng ngày 9-3-1945, đồng loạt trên khắp ba nước Việt- Miên- Lào, Nhật đảo chính Pháp. Trừ một số ít, trong đó có tướng A-lét-xăn-đri (Alessandri) chỉ huy một đơn vị nhỏ trốn được sang Trung Quốc, còn lại tất cả quân đội Pháp đều nhục nhã đầu hàng. Tại Sài Gòn có vài nơi nổ súng chống cự lẹt đẹt rồi cũng bó tay chịu trói. Nhục nhã nhất là cò Ba-de. Cách làm nhục quân địch mà bọn Nhật thích áp dụng nhất là bắt quỳ gối, cúi đầu. Một tên lính đưa cao thanh gươm lên toan chặt nhưng một, hai, ba… lưỡi gươm vẫn chưa hạ xuống. Nạn nhân chờ đợi đến đứng tim, nhưng thay vì được giải thoát khỏi kiếp chiến bại, họ lại nghe một chuỗi cười dài. Kẻã chiến thắng đã cười cợt trên nỗi lo sợ của kẻ chiến bại. Cò Ba-de cũng nếm mùi cay đắng ấy. Thay vì chặt đầu, bọn Kem-pê-tai chỉ cạo đầu khô lão thôi. Nhục quá, nhưng tên cáo già tự an ủi là kẻ thù còn cho hắn tạm giữ cái thủ cấp. Hắn cố nuốt hận để chờ ngày ân oán giang hồ. Hắn tin ngày ấy không còn xa.

Bộ máy tuyên truyền đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ đảo chính là bấm nút. Bích chương in nguyên trang giấy báo khổ 65 x 100cm dán khắp đường ca ngợi "khối thịnh vượng chung đại Đông Á". Hành lang Ê-đen- nơi hẹn hò của tao nhân mặc khách được sung công để biến thành một phòng thông tin. Các tranh ảnh quảng cáo sức mạnh của quân đội Thiên Hoàng được trưng bày ở đây. Ngay cửa ra vào hai bên đường Ca-ti-na và Bô-na có dán tấm pa-nô quảng cáo phim chiến sự "Nos ailes en Birmanie" (không quân Nhật tại Miến Điện) như mời mọc thiên hạ vào rạp xem chiếu công của các đội thần Phong tung hoành trên bầu trời Miến Điện.

Đài phát thanh ra rả suốt ngày những bản nhạc kích động tinh thần bài Âu với những điệp khúc "tàn sát quân trời Âu". Chưa bao giờ thành phố Sài Gòn có một bản nhạc được phổ biến rộng khắp như bài "Tăng-gô si-noa", tức bài Hà nhật quân tái tai. Đi đâu cũng nghe con nít nghêu ngao nhại: "Tóc em dài sao em không uốn? Tốn bao nhiêu anh trả tiền cho…". Một bản khác cũng được mến mộ đó là bài "Mùa thu trên đảo Kinh Châu" mà trẻ con cũng đổi lời "đành lặt lìa cái tay, đành lặt lìa cái chân", có lẽ để chế nhạo bọn Pháp thất thế mất hết tay chân bộ hạ.

Báo chí thân Nhật dành một góc trang tư đăng bài học chữ Nhật "để bạn đọc có thể cắt và đóng thành tập".

Tại chợ Bến Thành, dãy dưới đồng hồ, bạn hàng bán giày dép người nào cũng có một quyển sách loại bỏ túi dạy tiếng Nhật. Đầu này một cô học đếm: I chi, ni, xăn, xư… đầu kia một ông học xã giao buôn bán: "Nippon takuxăn yôtô (Nhật Bổn tốt lắm).

Trong khi đó thì tại trại Ông Dèm (11 ème RIC tức Trung đoàn 11 bộ binh thuộc địa), trại lính tập (5 ème RTA tức Trung đoàn 5 pháo thủ Annam) bọn sĩ quan cùng binh sĩ Pháp bị giam như là tù binh.

Nhưng lá bài quan trọng của phát xít Nhật chính là nội các Trần Trọng Kim. Danh sách nội các được báo chí, đài phát thanh công bố và giới thiệu thành phần các bộ trưởng và thứ trưởng. Toàn là trí thức và nhân sĩ tên tuổi trong nước. Đây là một loại Chính phủ quân chủ lập hiến vì trên chóp bu là Bảo Đại. Trong số trí thức và nhân sĩ hợp tác với Nhật có một ít đã được những người làm cách mạng liên lạc trước. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nắm chức thủ lãnh Thanh niên Tiền phong. Đây là một thắng lợi quan trọng của Xứ ủy Nam kỳ. Nhật muốn có một đoàn thể thanh niên hùng mạnh làm hậu thuẫn, nhưng chúng chưa làm được Sáu Giàu đề nghị bác sĩ Thạch xung phong lãnh trọng trách này. Bác sĩ Thạch có người bạn Nhật là nhân sĩ I-da, I-da mắc chứng nan y là bại liệt quả thận, trị nhiều nơi không hết, bác sĩ Thạch chữa ông ta hết bệnh. Từ chỗ mang ơn, I-da trở thành bạn thân của bác sĩ. Khi nghe bác sĩ ngỏ ý muốn cộng tác với Chính phủ Trần Trọng Kim, I-da vui mừng "nói vô" với thống đốc Mi-nô-đa (thay Hốp-phen đang bị nhốt ở trại Ông Dèm). Sau khi hội kiến với bác sĩ Thạch, Mi-nô-đa bổ nhiệm bác sĩ Thạch làm thủ lãnh Thanh niên Tiền phong. Không bao lâu từ Sài Gòn đến lục tỉnh, từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng có các đoàn thanh niên áo sơ-mi trắng, quần "soóc" xanh, đội nón rơm to vành tay xách tầm vông, ngày ngày tập đều bước, tập cứu thương, tập đánh "móc kiểu lính Hải quân".

Những ngày này, ngoài việc làm phụ tá kiêm liên lạc, Bảy Trân trở lại nhiệm vụ quan trọng đã được giao phó từ đầu: nắm chắc anh em trong giới giang hồ. Cố nhiên ông không buông ông Tám Mạnh nay đã trở thành đồng chí. Theo chỉ thị của ông, ông Tám Mạnh lãnh chức Đoàn trưởng Thanh niên Tiền phong xã Chánh Hưng. Ông Tám đem hết gia tướng của mình nắm từng tiểu đội, trung đội và đại đội để sau này biến thành bộ đội khi có lệnh.

Hai Vĩnh giao xe thổ mộ cho mấy đứa em, sang Chánh Hưng giúp ông nhạc nắm vững đoàn thể Thanh niên Tiền phong. Được giao một đơn vị, Hai Vĩnh rất phấn khởi. Sống với lứa tuổi 20 đầy nhiệt tình trong sáng, Hai Vĩnh cũng thấy mình trẻ lại. Năm ấy anh tròn 30. "Tam thập nhi lập" người xưa nói thế và Hai Vĩnh cũng tin như thế. Anh tin rằng thời cơ đã đến với anh. Giấc mơ làm tướng của anh đã lờ mờ ẩn hiện. Anh đem hết tin thần ra dạy đàn em, cố sao cho đơn vị mình phụ trách trội hơn các đơn vị khác. Anh mong tới ngày "thân sâu hóa bướm", biến đội Thanh niên Tiền phong thành Thanh niên Cứu quốc như ông Bảy Trân trình bày cho ông Tám và gia tướng trong một cuộc họp mặt. Ngoài những nghi thức như đi đứng, quay trái, quay phải, thắt các loại nút kiểu "bồi xi cút" (boy scout). Hai Vĩnh chú trọng dạy võ cho đội viên; võ tay không, rồi đến võ tầm vông, cách đánh dao găm… Theo ý Bảy Trân, Hai Vĩnh biến đội Thanh niên Tiền phong thành lực lượng bán quân sự để chờ ngày N.

Ngày N, mà Hai Vĩnh cùng gia tướng ông Tám Mạnh chờ đợi mỗi ngày càng tiến lại gần. Tin chiến sự ngày càng phấn khởi.

Trước nhất là tên Hít-le tự sát ngày 30-4-1945. Tin ghê gớm này làm nội các Trần Trọng Kim rung rinh, nhiều người lo sợ mình ngồi trên ghế ba chân. Hai ngày sau, Hồng quân Liên Xô tiến chiếm thủ đô Béc-lin. Những trận đánh ác liệt trên đường phố diễn ra đến ngày 5-5. Béc-lin treo cờ hàng. Ngày 8-5 Đức quốc xã ký hàng ước. Thế là sau 12 năm, nạn phát xít đã bị đập tan. Dẹp được kẻ thù phía Tây, Đồng minh tập trung lực lượng đánh Nhật. Ngày 8-8, Nga tuyên chiến với Nhật, tiến chiếm Mãn Châu. Ngày 12-8, Nhật đầu hàng và một tuần sau, Nhật hoàng ra lệnh cho các lực lượng chiếm đóng ở Đông Nam Á hạ súng.

Thời cơ ngàn năm một thuở đã đến. Xứ ủy ra lệnh cho các nơi nổi lên cướp chính quyền. Ngày 25-8, đồng bào hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy, từ các vùng ngoại thành kéo về Sài Gòn biểu tình đông nghẹt đường phố. Đủ cả các nơi: Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước, tất cả đều có mặt trong ngày biểu dương lực lượng. Khẩu hiệu vẽ đầy đường, treo khắp phố, cờ xí rợp trời. Khẩu hiệu đập mạnh vào mắt mọi người là "Độc lập hay là chết" đủ ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh. Đây là một ngày hừng hực khí thế chưa từng có suốt 80 năm nô lệ.

I-da chứng kiến cuộc xuống đường biểu dương lực luợng này ước lượng khoảng 1 triệu rưỡi người tham dự. Ông ta khen ngợi thành công lớn của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong việc chuyển hóa lực lượng Thanh niên Tiền phong thành lực lượng Việt minh. Ngay chiều hôm ấy, có thư mời bác sĩ tới Bộ Chỉ huy quân đội Nhật đóng tại nhà chú Hỏa, đầu đường Acmăng Rútxô (Armand Rousseau nay là Hùng Vương) đối diện với trường trung học Pê-truýt Ký. Bác sĩ Thạch mang thư đến hỏi ý Xứ ủy. Ông Giàu khuyên bác sĩ nên đi, nếu tối không thấy về thì Xứ ủy sẽ tổ chức biểu tình buộc Nhật phải thả bác sĩ về. Thượng tướng Têrausi (Tera- Usi) tư lệnh quân đội Nhật ở Thái Bình Dương, sau vài thủ đoạn hù dọa không thành công đành thú thật với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch: "Quân Đồng minh sắp vào Đông Dương, họ sẽ trả thù người Nhật chúng tôi không chút chùn tay… Các ông có cách nào giúp chúng tôi?

Bác sĩ Thạch mừng rỡ. Từ kẻ mạnh, Tê-ra U-si đã xuống nước.

- Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ những người thất thế. Chúng tôi có thể giúp các ông trốn vào vùng rừng núi hiểm trở và bảo đảm tiếp tế đầy đủ…

Tê-ra U-si như chết chìm vớ được phao:

- Thật chớ? Các ông có đưa ra điều kiện gì không?

Bác sĩ Thạch ra sức thuyết phục:

- Chúng tôi chỉ yêu cầu người Nhật các ông hai điều thôi: Một là không được can thiệp vào công cuộc giành độc lập của chúng tôi. Hai là các ông giao vũ khí cho chúng tôi thay vì để quân đội Anh- Ấn giải giới.

Tê-ra U-si suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Điều một thì dễ thôi. Nhật không can thiệp vào cuộc giành độc lập của các ông. Còn điều hai thì khó… chúng tôi không thể công khai cho súng, nhưng nếu ta tổ chức những vụ tấn công giật súng thì hợp lý hợp tình hơn.

Bác sĩ Thạch vui mừng siết tay Tê-ra U-si.

- Như thế là đôi bên cùng có lợi. Tôi sẽ báo cáo mọi việc với cấp lãnh đạo, chắc chắn mọi việc sẽ tốt đẹp. Các ông hãy tin tưởng nơi chúng tôi.

Tê-ra U-si cởi thanh kiếm lệnh mạ vàng trao bác sĩ:

- Xin tặng bác sĩ thanh kiếm này làm kỷ niệm. Đây là truyền thống võ sĩ đạo của tổ phụ tôi để lại.

Bác sĩ Thạch đưa hai tay đón lấy.

- Xin cảm ơn thượng tướng.

Tê-ra U-si lại rút khẩu súng lục bá cẩm thạch:

- Bác sĩ cầm nốt khẩu súng thân yêu này nữa. Tôi không muốn nó lọt vào tay những kẻ thù của tôi.

Trời tối đã lâu mà không thấy bác sĩ về, ai nấy đều lo lắng. Sinh viên Huỳnh Văn Tiểng, một cán bộ lãnh đạo thanh niên và sinh viên, nguyên Phó trưởng trại suối Lồ Ồ, ngồi đứng không yên. Bỗng anh nghe tiếng cười nói vang rền từ ngoài đường. Bác sĩ Thạch đã về bình yên vô sự. Ông đưa cao thanh gươm lệnh mạ vàng của tư lệnh Nhật ở Thái Bình Dương nói to lên cho mọi người nghe:

- Thắng lợi lớn rồi anh em ơi! Ta đã trung lập hóa quân đội Nhật!

Ngày 2-9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, thì Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam bộ (gọi tắt là Lâm ủy Hành chính) cũng tổ chức biểu tình mừng độc lập. Thành phố Sài Gòn một lần nữa rực rỡ cờ bay và tràn ngập dưới những dòng thác người háo hức đón mừng bình minh của dân tộc.

/74

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status