Ngược Về Thời Minh

Chương 55: Giáo sỹ Tây Dương

/679


Dương Lăng dời mắt, thấy bên cạnh tiểu công tử trắng ngần này là một vị trung niên đầu đội mũ mềm, vận quan phục ống tay rộng. Người này da dẻ trắng trẻo, khí chất ung dung, tướng mạo giống tiểu công tử kia đến bảy tám phần, có lẽ là một cặp cha con. Có điều vị văn sỹ trung niên này dáng người mập mạp hơn, tháng hai đầu xuân khí trời vẫn lạnh lẽo, ấy vậy mà trên da thịt nhẵn nhụi của ông ta lại lấm tấm mồ hôi.

- Chuyện này...

Dương Lăng có phần lúng túng. Thật tình thì y không hề biết câu nói đó có thật sự bắt nguồn từ kinh phật hay không, nhưng vừa nghe tiểu thư sinh kia một hơi kể ra mấy bộ kinh phật mà mình chưa hề nghe qua thì biết ngay người ta mới đúng là kẻ đọc sách, hơn nữa hiểu biết về phật học rất sâu. Y nào dám đối đáp bậy bạ, chỉ đành cười trừ nói:

- Ờ... Chuyện này, hà hà, tại hạ thích đọc sách nhưng lại không ham mê tìm tòi nghiên cứu, thật sự không nhớ ra được đó là điển cố trong bộ kinh thư nào.

Tiểu thư sinh nọ đảo cặp mắt đen tròn của mình, rồi đột nhiên cười ranh mãnh nói:

- Ta hiểu rồi, vị huynh đài này vốn là thuận miệng nói bừa để chọc cho nương tử được vui, quả nhiên cơ trí! Bội phục! Bội phục!

Người trung niên đứng cạnh bên cười lớn nói:

- Con chớ có ăn nói lung tung!

Tuy là mở miệng trách móc, nhưng giọng ông ta lại rất nhẹ nhàng, cả khuôn mặt toát lên vẻ hiền hậu của người cha, hiển nhiên là rất cưng chiều con mình.

Tiểu thư sinh không phục nói:

- Vốn dĩ là vậy mà. Tỷ tỷ, tướng công nhà tỷ có phải là thường hay nói bậy nói bạ để tỷ được vui không?

Hàn Ấu Nương đỏ mặt, khẽ xì một tiếng, ánh mắt ngọt ngào liếc nhìn Dương Lăng, tình cảm dịu dàng muốn che giấu cũng không được. Người thiếu niên vỗ tay cười nói:

- Trăng hoa đón gió vui xuân mới, hàng liễu bên cầu đắm khói sương (1), đẹp thì đẹp đấy, nhưng làm sao có thể sánh được với vẻ đẹp 'mày tựa núi xuân, mắt như thu thuỷ' của nữ tử khi chìm trong bể tình? Lúc tỷ tỷ nhìn tướng công nhà mình, nụ cười thật xinh, thật ngọt! Có điều đệ thấy tướng công nhà tỷ tướng mạo anh tuấn, tài hoa hơn người, nhất định là rất giỏi cưng nựng người khác. Tỷ tỷ phải trông chừng cẩn thận, kẻo không huynh ấy lại đi trêu hoa ghẹo nguyệt đấy!

Hàn Ấu Nương hứ một tiếng, nhưng vừa định cất lời phản bác thì chợt nhớ đến Mã Liên Nhi. Người con gái xinh đẹp đó, mình là thiếu nữ mà nhìn còn thấy tim đập thình thịch, thế nhưng lại cam tâm tình nguyện đi theo Dương Lăng làm tiểu thiếp. Nói không chừng tướng công thật sự rất giỏi cưng nựng người khác, khiến cho con gái nhà người ta bị mê hoặc rồi trao tim cho chàng. Vừa nghĩ nàng vừa liếc nhìn Dương Lăng với vẻ ai oán.

Người văn sỹ trung niên kia cười lớn, xoa đầu con mình rồi trách:

- Nói xàm!

Dứt lời ông ta quay sang Dương Lăng chắp tay cười nói:

- Vị công tử này, con ta tính tình bướng bỉnh, mong công tử thứ lỗi cho!

Dương Lăng vội đáp:

- Không dám, không dám. Lệnh công tử thông minh lanh lợi, học thức hơn người, như ngọc trong đá, tương lai nhất định sẽ có tài làm Trạng Nguyên.

Tiểu thư sinh nọ nghe xong, vẻ mặt như cười mà không phải cười, thần sắc hơi cổ quái. Dương Lăng thấy vị trung niên kia không xưng họ tên cũng không có ý trò chuyện với mình, bèn cáo từ:

- Tại hạ phải cùng nương tử vào miếu dâng hương, thứ lỗi không hầu chuyện được!

Văn sỹ trung niên cười nói:

- Không sao cả, công tử xin cứ tự nhiên!

Dương Lăng vừa mới kéo Ấu Nương bước dọc theo hành lang mấy bước, tiểu công tử nọ đột nhiên lại gọi với theo:

- Này, huynh đài, huynh vẫn chưa nói vì sao kiếp trước lại quay đầu nhìn ta hơn năm trăm lần đó nhé.

Dương Lăng quay đầu cười nói:

- Chuyện này... Chỉ có hai loại người có thể khiến ta liên tục ngoái đầu lại nhìn: một là giai nhân tuyệt thế vô song, hai là loại vô lại nợ tiền không trả. Không biết tiểu huynh đệ ngươi là loại người nào?

Nói xong y cười lớn rồi kéo Ấu Nương rảo bước bỏ đi.

Tiểu thư sinh vỗ cây quạt nhỏ thếp vàng, nghiêm túc cân nhắc một hồi lâu:

- Gì thế nhỉ... Tuyệt thế giai nhân? Không ổn. Vô lại nợ tiền... Hình như cũng không ổn. Ai da, tiểu tử này chơi mình!

Ngẫm ra được ý xỏ xiên, tiểu thư sinh bèn hậm hực cất bước đuổi theo. Văn sỹ trung niên không kịp ngăn lại, chỉ đành lắc đầu cười, khẽ đưa tay vẫy một cái. Trong hành lang, hơn mười hán tử trước đó vốn trông như những du khách đứng ở xung quanh lần lượt hiện thân, lặng lẽ đi theo ông ta.

Văn sỹ trung niên chậm rãi đi theo sau con trai. Một lão bộc ăn mặc như gia nhân bước đến bên cạnh dìu ông ta, nhỏ giọng nói:

- Lão gia, sắc trời không còn sớm nữa, chúng ta hãy quay về thôi!

Văn sỹ trung niên mỉm cười bảo:

- Ha ha, đứa nhỏ này ngày thường ngay cả một người bạn chơi cùng cũng không có, hiếm khi có được người cãi vặt cùng thế này, cứ để nó chơi thêm một chút đi!

Lão bộc gật đầu, khom lưng dìu vị trung niên hơi mập mạp này vất vả bước vào điện Kim Cương. Bỗng nhiên từ phía điện Thiên Vương ở gian sau vang đến những âm thanh huyên náo. Vẻ mặt người văn sỹ trung niên chợt trở nên căng thẳng, chân bước nhanh hơn, giọng lo lắng:

- Mau đi xem, đã xảy ra chuyện gì vậy?

Băng qua sảnh điện, chỉ thấy trước điện Thiên Vương có vài nhà sư Tây Tạng mặc hồng bào, đội mũ cao đang đứng trên nguyệt đài (*), phía dưới có năm người mặc trường bào đang đứng, còn một người nằm dưới đất, hai bên đang cãi nhau ầm ỹ.

(*): bục có mặt chính nhô ra phía trước, ba mặt đều có bậc lên xuống.

Tiểu thư sinh, Dương Lăng và Ấu Nương đứng cùng một chỗ ngóng cổ xem náo nhiệt. Sáu, bảy hán tử tráng kiện đứng chung quanh bọn họ, có vẻ như cũng là du khách xem náo nhiệt, song lại ngầm vây bọn họ vào giữa để bảo vệ.

Trên đài, những nhà sư Tây Tạng bô lô ba la quát tháo. Dưới đài, những người mặc trường bào thân hình dong dỏng cao cũng vung tay múa chân, to tiếng biện hộ bằng một thứ ngôn ngữ kỳ lạ, bộ dạng trông cực kỳ giận dữ.

Lúc Dương Lăng nhìn thấy trên nguyệt đài là mấy nhà sư Tây Tạng thì đã biết hôm nay vào nhầm cửa chùa, tiếp đó khi thấy mấy người đàn ông mặc trường bào đứng cạnh đỉnh đồng bên dưới bục đài đều là người Tây Dương mũi cao, mắt xanh, thì lại càng cảm thấy kỳ quái hơn. Hai tốp người nước ngoài "ông nói gà bà nói vịt", cãi lộn nhặng xị một hồi lâu, một người Tây Dương dáng cao gầy trong đám người ở dưới bục đài đột nhiên bước ra, mặt đỏ gay, căng họng la lên:

- "Khắp dưới gầm trời, chẳng chỗ nào không phải đất của vua. Trong cả bốn bể, chẳng một ai không là bề tôi của vua." (2)

Các người đuổi bọn ta đi là không đúng lý!

Vị tiểu công tử kia cùng phụ thân đưa mắt nhìn nhau, không nhịn được bật cười. Nhà sư Tây Tạng trên bục cũng hầm hầm nói bằng tiếng Hán:

- Không phải là bọn ta... không thu nhận các người. Nhưng đám hòa thượng Tây Dương các người ý đồ không tốt, đem người mắc bệnh đến đây, sẽ lây nhiễm.

Người Tây Dương ở dưới bục đài lắc đầu lia lịa:

- Không, không, không. Bệnh mà y mắc không phải là ôn dịch, sẽ không lây nhiễm đâu.

Người hai bên đều dùng thứ tiếng Hán giả cầy của mình tranh cãi qua lại, mấy người Dương Lăng đứng ở cạnh bên lúc này mới lờ mờ đại khái hiểu ra được.

Thì ra mấy người Tây Dương này là nhà truyền giáo đến từ Phật Lăng Cơ (tên gọi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày xưa), đã lăn lộn ba năm ở Đại Minh, mấy ngày trước vừa mới thành công thu được một tín đồ đầu tiên của bọn họ ở đất này, đó là một tên ăn mày mắc phải bệnh nan y, toàn thân lở loét, phập phù thoi thóp, thế là liền như đoạt được chí bảo mang y về chùa Hộ Quốc mà mình đang ở nhờ, một mặt chăm sóc y, mặt khác đem giáo lý Thiên Chúa giáo truyền bá. Những nhà sư Tây Tạng lo bệnh tật của kẻ này sẽ lây nhiễm, thương lượng mấy lần vẫn không có kết quả, bèn đuổi bọn họ ra khỏi cửa.

Dương Lăng thấy người mà đám truyền giáo nước ngoài này cứu trợ là người Hán, tuy rằng có phần vì tư lợi, muốn phát triển giáo đồ, nhưng cũng tính là một việc thiện, liền bước lên giúp họ cãi lý. Nhưng mấy nhà sư Tây Tạng kia căn bản bất chấp lý lẽ, không hề có lòng từ bi của người cửa phật.

Tiểu thư sinh cùng phụ thân thì thầm mấy câu, kế đó ngoắc tay gọi một người hầu lại nhỏ giọng căn dặn. Người hầu đó chạy lên nguyệt đài, nói mấy câu với một Lạt ma chấp sự. Vị Lạt ma chấp sự đó nghe nói vị thiện nhân dưới đài muốn quyên góp ba nghìn lạng bạc tiền hương hoả thì mặt mày lập tức tươi roi rói, ngay lập tức đáp ứng yêu cầu thu nhận mấy nhà truyền giáo Tây Dương kia.

Ngôi chùa to lớn này có tới hơn mười gian, muốn an bài một khu phòng độc lập nho nhỏ cho mấy người kia đương nhiên không thành vấn đề. Hôm nay bọn họ chuyện bé xé ra to, muốn đuổi mấy người Tây Dương này đi, nguyên nhân thật sự là vì tuy trong con mắt người Hán thì đám sư sãi Lạt Ma cố nhiên là kỳ quái, nhưng trong mắt các nhà sư này thì những hòa thượng tóc vàng mắt xanh kia còn là những kẻ man di mọi rợ ăn thịt người chưa được khai hóa.

Có được chỗ nương thân, đám truyền giáo vui sướng không thôi, nhao nhao hướng về vị đại thiện nhân và Dương Lăng - người đã lên tiếng cất lời chính nghĩa - tỏ lòng cảm ơn rối rít, rồi sau đó họ tới chỗ ở cũ đem chăn đệm, rương hòm đưa vào hậu viện. Người Tây Dương vóc dáng cao nhất có vẻ như thủ lĩnh của tốp giáo sỹ nọ không ngừng dùng thứ tiếng Hán hết sức kém cỏi của mình để tỏ lòng cảm tạ với Dương Lăng và tiểu thư sinh.

Dương Lăng rất tò mò về những nhà truyền giáo này. Trong ấn tượng của y, các nhà truyền giáo Tây Dương đến Trung Quốc trong thời kỳ đầu vẫn khá văn minh và chính trực, thật sự xuất phát từ tín ngưỡng tôn giáo cuồng nhiệt nên mới không ngại gian khổ đến phương Đông xa xôi truyền đạo, cho nên khi trò chuyện với bọn họ y luôn rất khách sáo.

Những nhà truyền giáo này nhận mệnh lệnh của Tòa thánh đến phương Đông truyền giáo, đi đến đâu cũng gặp trắc trở, có rất ít người chịu để ý đến bọn họ. Lúc này thấy Dương Lăng chủ động bắt chuyện, nhà truyền giáo đó rất hưng phấn, lập tức lắp bắp tự giới thiệu hành trình đến đây của mình.

Thì ra nhà truyền giáo này tên là Sa Tư Các, y và mấy mươi vị giáo sỹ nhận chỉ lệnh của giáo hội Da-tô (Jesus) Phật Lăng Cơ tổ chức thành đoàn đến phương Đông truyền giáo. Ban đầu họ đến được Ấn Độ, nhưng ở đó truyền bá giáo lý lại rất khó khăn và nguy hiểm, một vài giáo sỹ còn vì bất đồng tôn giáo mà đã bị người dân bản xứ đánh chết.

Sau đó bọn họ nghe nói đi tiếp về phía đông có một quốc gia còn hùng mạnh và văn minh hơn, thế là bọn họ rời khỏi Ấn Độ, xuôi theo đường biển để đến Đại Minh, kết quả khi đội thuyền đến Malacca (3) thì bị quân đội nơi đó bắt giữ. Về sau bọn họ mua chuộc lính canh, thông qua thương nhân bản xứ lén vượt biên đến Nhật Bản, sau khi lưu lại vài giáo sỹ ở đó, năm người còn lại đi thuyền tới vùng Giang Chiết, rốt cuộc đã đến được Đại Minh.

Nhưng muốn truyền bá giáo lý Phúc Âm của Thiên Chúa giáo tại vùng đất của người Hán này rõ ràng là có chút khó khăn. Đối với dân chúng thì một vị thần bẻ xương đàn ông để tạo ra đàn bà hiển nhiên là không thần thông quảng đại bằng Nữ Oa nương nương nặn đất thành người. Hơn nữa vị thần Tây Dương kia còn không dạy cho đôi nam nữ đáng thương biết thế nào là liêm sỉ lễ nghĩa, cả ngày để cho bọn họ trần truồng lang thang trong vườn cây ăn quả. Thứ thần chẳng đâu vào đâu này hiển nhiên không có sức hấp dẫn như Phật Tổ Như Lai từ bi hoà nhã và Thái Thượng Lão Quân có thể hàng yêu phục ma rồi.

Cho nên năm nhà truyền giáo này lăn lộn vất vưởng hơn hai năm ở vùng Giang Chiết mà không kiểm nổi một tín đồ, bất đắc dĩ đành phải đến kinh sư, hy vọng có thể được hoàng đế Đại Minh triệu kiến để có cơ hội truyền đạt giáo lý ở Đại Minh.

Để người Hán có thể tiếp nhận dễ dàng hơn, giờ đây bọn họ đổi sang mặc trường bào, học Tứ thư Ngũ kinh. Để phù hợp với quan niệm "Trời tròn Đất vuông" (4) của người Trung Quốc, họ thậm chí đã vẽ lại một phần bản đồ thế giới mà mình mang theo, đặt vị trí của Trung Quốc ở chính giữa, có thể nói là đã dốc sạch vốn liếng ra rồi. Đáng tiếc quan viên bộ Lễ nghe nói bọn họ không phải là sứ giả đại diện cho tiểu bang dị quốc đến yết kiến thiên triều thì đã đuổi bọn họ đi ngay, đến giờ còn chưa gặp được Hoàng đế mà bọn họ đã sắp trở thành ăn mày rồi.

Tiểu thư sinh nọ nghe xong cảm thấy khá thú vị, không nhịn được bèn chen miệng vào:

- Quốc gia của các người ở đâu? Rộng chừng nào vậy?

Sa Tư Các lắp bắp nói:

- Ở phương Tây, rất xa rất xa, phải ngồi thuyền rất rất lâu. Quốc gia của chúng tôi vốn cực kỳ nhỏ, còn không lớn bằng vùng Giang Chiết, nhưng hai mươi năm trước nữ vương Castilla thành hôn cùng quốc vương Aragón (5) của chúng tôi, hai nước đã sát nhập lại. Đất nước của chúng tôi bây giờ đã lớn hơn rất nhiều, còn lớn hơn vùng Giang Chiết một chút.

(1) Nguyên văn: Thiên địa gian hoa nguyệt xuân phong, họa kiều yên liễu

"Thiên địa gian" là giữa trời đất, "hoa nguyệt xuân phong" là trăng hoa và gió xuân, "họa kiều" là một loại cầu được trang hoàng lộng lẫy, "yên liễu" là nhành liễu giữa làn sương sớm.

HSol phỏng dịch :

Gió xuân thắm đượm trăng hoa,

Bên cầu tơ liễu sương nhòa mắt ai.

(2) Nguyên văn "Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ. Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần" trích từ bài "Bắc sơn", phần Tiểu nhã trong Kinh Thi.

Kinh Thi gồm 311 thiên, chia làm ba phần lớn: Phong (Quốc phong), Nhã, và Tụng. Trong đó, Nhã, nghĩa là đính chính, gồm những bài hát nơi triều đình, được chia làm 2 phần: Tiểu nhã và Đại nhã. Tiểu nhã bao gồm những bài dùng trong trường hợp không quan trọng lắm như các buổi yến tiệc (74 thiên).

(3) Malacca hay còn gọi là Malaka (phiên âm Mã Lục Giáp), là một cựu quốc gia tại Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng Hồi giáo, được thành lập năm 1402, đến năm 1511 thì bị người Bồ Đào Nha chiếm.

(4) Kỳ thực học thuyết cổ đại Trung Quốc “Trời tròn Đất vuông” tuyệt đối không phải là một khái niệm về mặt địa lý, mà nói về một loại Đạo, một loại quy luật, một loại văn hóa. Trời tròn biểu tượng cho "Đạo Trời viên dung", chính là sự hài hòa và quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Đất vuông cũng giống như Đạo làm người, giảng rõ ra chính là đức tính ngay thẳng, trung dung, hành động có quy phạm, đây mới là giá trị chân chính mà câu nói: “Thiên viên Địa phương” hằng biểu hiện – “Thiên nhân hợp nhất”.

(5) Aragón, Castilla, Leon và Navarre đã làm nên nền tảng của đất nước và đế chế Tây Ban Nha hiện nay. Năm 1469, ngai vàng của hai vương quốc đạo Cơ đốc là Aragón và Castilla đã được hợp nhất bởi lễ cưới giữa vua Fernando II của Aragón và nữ hoàng Isabel I của Castilla. Năm 1492, vương quốc hợp nhất đã chiếm đóng Granada, chấm dứt 781 năm cai trị của người Hồi giáo tại bán đảo Iberia.

Vua Fernando và nữ hoàng Isabel đã củng cố vững chắc hệ thống quyền lực trung ương, đồng thời cái tên España (Tây Ban Nha) bắt đầu được dùng để chỉ vương quốc hợp nhất. Với những cải cách lớn về chính trị, pháp luật, tôn giáo và quân đội, Tây Ban Nha đã vươn lên trở thành một cường quốc trên thế giới. (theo wikipedia)


/679

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status