Ngộ Phật

Chương 164 - chương cuối

/165


ÉN VỀ TỔ, NGƯỜI XƯA TRỞ LẠI.

Giang Trừng choàng tỉnh, thấy mình đang vắt vẻo trên chạc cây ngọc cao to, gốc đào chẳng giống đào gì cả này chính là bổn thể của cô.

Khi ý thức được điều đó, cô đồng thời nhớ lại được kiếp làm thần đằng đẵng so với sinh mạng người phàm song lại ngắn ngủi nếu cân đong với các vị Thần Quân khác của mình. Và nhớ lại cả mối nhân duyên đan cài có lẽ đã bắt đầu từ lúc hoá linh giữa mình và Thanh Đăng đại sư.

Sau khi nhớ lại mọi thứ, cô nghe thấy giọng ai vang lên dưới tán lá: “Em tỉnh rồi.”

Giọng nói điềm nhiên bình thản, quen thuộc như khắc sâu vào tâm khảm. Giang Trừng nhìn xuống, thấy ngay người mình đang suy nghĩ về. Là Thanh Đăng đại sư – Thanh Đăng Chân Phật, cũng như cô là Giang Trừng, và cũng là Chước Chước.

Biết Thanh Đăng đứng dưới tàng cây, Giang Trừng buông lơi, thả mình từ trên xuống. Cô giang tay, lao vào lòng Thanh Đăng.

“Thanh Đăng, sao chàng lại ở đây?” Giang Trừng hỏi.

Cô xuống trần lịch kiếp buộc phải chết, Thanh Đăng hẳn nên về núi Linh tiếp tục làm Thanh Đăng Chân Phật rồi chứ, sao lại về đây thế này. Đại sư hãy còn giúp cô hoá cột chống trời nữa kia. Trước đó ắt chàng đâu đã biết gì, giờ cô nhớ lại, Thanh Đăng chắc cũng thấu tỏ cả rồi.

Mà cô phải đang là cột chống trời mới đúng, và tại sao Thanh Đăng lại xuất hiện dưới chân cột bằng dáng vẻ này?

Giang Trừng lòng đầy câu hỏi, vẫn ôm riết lấy người kia. Thanh Đăng với tay ra trước như đang vén mây, để lộ cõi tu chân phồn hoa bên dưới, trăm năm trôi qua, nào đâu tan tác hiểm nguy thuở nào.

“Đây là mộng, ta gặp em trong mộng.” Thanh Đăng bảo.

Giang Trừng buông chàng ra, lặng thinh hồi lâu mới bất đắc dĩ gãi đầu, “Đừng bảo chàng vẫn chưa độ xong tình kiếp đấy nhé?”

Ánh mắt Thanh Đăng phiêm phiếm ý cười, rồi dằng dặc xa xôi, chàng bảo: “Kiếp số của ta nào phải bắt đầu từ khi em vô ý buộc tơ hồng, mà là trước lúc em ra đời kia.”

“Ta cảm nhận được kiếp số của mình mới rời núi Linh, hoá bổn thể tu luyện trên đỉnh tiên chạm mây, em thì nên duyên rơi xuống, được ta ươm mầm linh trí, từ đấy, kiếp số của ta bắt đầu.”

“Ồ, ý là có kéo tơ tình ra hay không cũng vậy?!” Giang Trừng hỏi.

Thanh Đăng: “Thần Phật núi Linh nào có tơ tình, song lòng đầy yêu thương, tơ tình khắc tự đâm chồi. Tơ tình thực sự khác với tơ hồng của Ti Duyên Thần Quân, tước không nổi đâu.”

Giang Trừng: Rốt cuộc tinh thần hy sinh vì tình sục sôi bi tráng năm ấy của mình chẳng nên tích sự gì hết, lòng hơi chát mà vẫn phải cười.

“Thế bây giờ như nào?” Giang Trừng gục đầu vào vai Thanh Đăng, lừ đừ hỏi.

Thanh Đăng vẫn điềm nhiên như thường, “Ta vẫn chưa độ xong kiếp số của mình. Từ kiếp này, ý nguyện không đổi, lòng này vẫn thế, Phật tâm hãy còn, trăm kiếp sau mới được quy vị Chân Phật.”

“Và kiếp số của em gắn liền với ta, cũng phải trăm kiếp mới quy vị Thần Quân được.”

Giang Trừng đập đầu bôm bốp vào vai chàng, phỉ phui sao hoà thượng lúc nào cũng thích giảng mấy câu tối nghĩa hết, “Nói cái gì để em nghe mà hiểu được ấy? Ví như rốt cuộc chàng có được phép thương em không?”

Thanh Đăng: “Ừ, được.”

“Cái gì!” Giang Trừng tiện mồm hỏi chơi ngẩng phắt đầu dậy, khó tin nhìn chàng, “Sao mà được? Chàng là hoà thượng mà? Phật Tổ của chàng thì sao? Ngài ấy đâu thể để chàng yêu đương như vậy, nói bậy không à.”

Thanh Đăng đón lấy đoá hoa đào lìa cành, mỉm cười thấu suốt: “Phật, vốn chưa từng vô tình. Trong lòng có yêu thương mới được thăng hàng Chân Phật, đây chính là kiếp số mà ta phải độ.”

Năm ấy Chước Chước xuống trần lịch kiếp, chàng về núi Linh, Phật Tổ hỏi chàng kiếp ấy đã qua chưa, chàng đáp chưa. Phật cười, bảo chàng đi tìm “bản ngã”. Chàng bèn xuống trần.

Tình ý của Phật gửi nơi non nước, trao cho trần thế, thấm nhuần vào từng nhành cây ngọn cỏ cánh hoa, như bốn mùa đông qua xuân tới, hạ đến thu về. Em là “bản ngã” của ta, biết ta, ắt không chối ta, thế cần chi quên tình.

Giang Trừng chửi thầm trong dạ: Chàng ngắt câu giỏi đấy, có vần có nhịp luôn, nhưng em vẫn không hiểu.

Thanh Đăng bỗng bảo: “Em sinh ra nơi trái tim ta, là lòng ta, sao phải quên em.” Non nước đáy mắt chàng như sống động hẳn, câu chữ êm tai như thế, chất giọng lại bình thản lắm thay.

Giang Trừng ngẩn ngơ, chốc sau lại ôm mặt xoay đi. Cây đào bổn thể hoá cột chống trời sau lưng cô bỗng chốc nở hoa, cánh hoa lả lướt phủ đầy mái đầu và bờ vai Thanh Đăng.

Giang Trừng: “Xin chàng dặn trước mỗi khi tung lời có cánh, đột ngột thế này em không biết phải ứng đối thế nào.” Giọng lí nhí như muỗi kêu, song Thanh Đăng vẫn nghe thấy.

“Ừ.” Chàng đáp, giọng vương ý cười.

“Đến lúc rồi, ta đang chờ em.” Dứt lời, Thanh Đăng hoá gió tan đi giữa màn hoa rơi.

“Vâng, em tới ngay.”

***

Giang Thiền, biệt danh Hạch Đào Nhỏ, được cõi tu chân gán danh Sương Hoa Kiếm, một chiêu thức hoá ngàn dặm hoa sương, con người cũng như hoa như sương, lạnh lùng kiều diễm.

Căn cứ theo số liệu thống kê của làng buôn dưa cõi tu chân, số người muốn được gả cho Giang Thiền chia làm hai nửa nam nữ đều nhau, đông hơn lực lượng theo đuổi Hạc Kinh Hàn – cậu của nàng nhiều, là một trong số các tu sĩ quyến rũ nhất, tiềm năng nhất, có chỗ dựa vững chắc nhất thế hệ mới.

Người ta thường rất thích các cô gái “cun ngầu”, ngón nghề phóng điện mà bản thân không hề hay biết của Giang Thiền hôm nay cao thâm hơn mẹ mình năm xưa nhiều, nàng hoàn toàn không có ý gạ gẫm tán tỉnh ai, chỉ thò mặt ra, rút kiếm khỏi eo thôi đã được vô số nam nữ tôn sùng ngưỡng mộ.

Tiếc rằng Giang Thiền không phân biệt nổi ai trong số họ, ngoài cậu, đồng môn quen thân và bạn bè của mình ra thì mọi người còn lại đều là kẻ qua đường, nàng thực sự khó mà nặn ra biểu cảm gì khác trước những khuôn mặt giống nhau như đúc này.

Bàn về nhan sắc ấy à, tạm không nhắc đến người cậu là nam thần số một, sau khi đại sư huynh Phong Hữu Chỉ lấy lại được gương mặt mỹ nhân đệ nhất Vân Vô Kỳ xưa kia của huynh ấy, Giang Thiền cảm thấy mình chẳng còn trông đợi gì ở gương mặt của bất kỳ ai nữa, dù sao cũng chả đẹp được bằng anh cả.

Vả lại nàng còn đang theo đuổi thanh mai trúc mã của mình, đương nhiên sẽ lờ đi mọi sự tán tỉnh khác rồi.

Ngoài việc tu luyện và đấu kiếm, cuộc sống của Giang Thiền hãy còn tiết mục rút đao chém ma mỗi khi gặp chuyện bất bình. Và đi tìm đại sư bá Bạch Linh, nhị sư bá Yến Phù Tô năm xưa cưng chiều nàng nhất, thường cho nàng rất nhiều viên kẹo thuốc hảo hạng, tiếc rằng bấy lâu vẫn bặt vô âm tín.

Về phần các sư bá còn lại, vài năm trước, tam sư bá Trịnh Dao rốt đã nên vợ nên chồng cùng Hứa Lam Kiều – gia chủ nhà họ Hứa, về chung nhà với Thanh Sương sư bá, thuở ấy Thanh Sương sư bá trọng thương về lại Hứa gia, hiếm khi ra ngoài. Mạch chủ hiện thời của dãy Bạch Linh là Chân sư bá. Ba chị em xinh đẹp như hoa, giống nhau như đúc ấy trưởng thành nhanh cực, sau rốt cùng lên làm Mạch chủ, làm việc chín chắn thành thục, đưa tiếng tăm dãy Bạch Linh lên một tầm cao mới.

Giờ đây mọi người đều có lý tưởng riêng, không có gì là xấu, song Giang Thiền vẫn thường chiêm bao về ngày mình còn thơ dại.

Trí nhớ của Giang Thiền cực tốt, nàng nhớ rất rõ thời hạnh phúc đã qua, mà ký ức dẫu có mơ màng thì vẫn sẽ lại khắc sâu sau vô số lần chiêm bao.

Dạo ấy mọi người hãy còn ở đây, tụ tập tiệc tùng bên dòng suối nhỏ ở núi Thanh Minh vào một ngày hè không quá nóng, ai nấy tươi cười, ba vị sư bá họ Chân hãy còn là thiếu nữ, chẳng già dặn như bây giờ, tiếng cười lanh lảnh, réo rắt tựa chuông bạc. Vòng ôm quen thuộc vẫn chưa biến mất, đôi tay dịu dàng che chắn thật kỹ, cầm thìa mớm thức ăn cho nàng, đút mãi đút hoài lại thành người nọ tự mình ăn, chừng khi bị nàng vỗ tay nhắc, người nọ mới cười ha hả tỉnh ra.

Rồi thơm má nịnh nọt, thân thiết gọi nàng là Hạch Đào Nhỏ.

Sư tổ Bạch Nhiễm Đông ngồi kế đại sư bá Bạch Linh, xa xăm nâng chén uống rượu với các đệ tử, kháo nhau vài tin đồn, chống đầu cười khì chỉ điểm những điều còn thiếu sót của học trò, rồi như chẳng chịu nổi không khí êm đềm, sư tổ say tuý luý cất giọng ngân nga, đưa đũa chấm rượu chọc nàng.

Chừng sư tổ bí tỉ rồi Bạch Linh đại sư bá sẽ bồng sư tổ về. Yến nhị sư bá không thích tiệc tùng nhưng vẫn sẽ đến dự, hễ đến là sẽ mang rất nhiều đan dược hảo hạng mới luyện xong cho các sư đệ sư muội. Ra ngoài lịch luyện, thuốc của nhị sư bá khá hữu dụng, mà phần của nàng thì đa dạng đủ loại, Yến nhị sư bá lạnh lùng thế mà lại rất dịu dàng với nàng khi ấy.

Khác với vẻ ngoài giá băng của mình, Yến nhị sư bá là một người rất dễ mềm lòng.

Khi mọi người đã say sưa, Chu Uyển sư bá mặt mũi bình thường nhất song lại cực kỳ có trách nhiệm sẽ luôn ân cần chăm sóc tất cả.

Và còn người đàn ông có tên là Tạ Xuân Hoài kia, ông ta từng là một trong số những người mà Giang Thiền thương mến nhất, từng câu nói dịu dàng, từng lời dặn dò tỉ mỉ, sự quan tâm yêu chiều ngập tràn, hành động đích thân nấu canh giải rượu, các món bánh ngọt tinh tế, đều đã trở thành ký ức phức tạp không thể phai nhoà trong lòng Giang Thiền và mọi người.

Ngoài ông ta ra, các sư bá khác cũng cưng chiều nàng quá lắm, là đứa bé nhỏ tuổi nhất của dãy Bạch Linh, không ngoa khi bảo nàng lớn lên giữa vô vàn yêu thương chăm sóc. Song hạnh phúc chẳng tày gang.

Biến cố đột ngột sau đó chính là cơn ác mộng mà nàng năm ấy không tài nào thoát ra được, dẫu có trưởng thành sớm đến đâu đi chăng nữa, nàng vẫn chẳng thể chấp nhận sự thật rằng mình đã mất quá nhiều người thân chỉ sau một đêm. May mà vẫn còn cậu, Trịnh Dao sư bá, Chu Uyển sư bá, Chân sư bá và… Thù Vọng. Chính lúc nàng đau khổ nhất, Thù Vọng luôn sẽ bầu bạn cạnh bên.

Nàng có thể trở thành một Giang Thiền kiên cường như bây giờ, đều nhờ vào sự yêu thương chăm sóc của họ.

Với Giang Thiền thì Dung Trần sơn phái là căn nhà nơi nàng lớn khôn, và người thân của nàng vì quá đau lòng mới rời khỏi đây, song dẫu có lưu lạc bốn phương, nàng vẫn sẽ tìm ra họ, bảo với họ rằng, khi không còn buồn khổ nữa, khi muốn trở về rồi, dãy Bạch Linh của Dung Trần sơn phái sẽ mãi là nơi họ có thể dừng chân.

Nàng mong hôm nào đó, mọi người sẽ sum vầy tại đây, đến bên bờ suối xanh, tuý luý say sưa một trận.

Giang Thiền góp nhặt từng chút tin tức về người thân của mình với tâm tình như thế. Lần này nàng đến Vân Châu, bởi cậu bảo rằng có người trông thấy Yến nhị sư bá ở đây.

Chuẩn bị sẵn tâm lý có thể vẫn chẳng tìm được nhị sư bá đâu, Giang Thiền điềm nhiên sải bước trên con đường dẫn đến Vân Châu.

Giữa đường, nàng gặp một chuyện thế này.

Có hai người phàm thân thủ mau lẹ đang đuổi giết một chú tiểu tầm mười hai mười ba tuổi. Ân oán tình thù giữa người phàm chẳng có gì đáng để chú ý đến, điều khiến Giang Thiền bận tâm chính là chú tiểu trông rất giống cha mình, dù mặt mũi còn non.

Không, nào chỉ rất giống thôi, với tướng mạo này thì vài năm sau hoá cha nàng luôn còn gì! Giang Thiền gặp cha dọc đường chẳng biết phải diễn tả tâm tình thế nào, bèn rối rắm rút kiếm giải quyết luôn hai kẻ đuổi giết “cha” mình.

Đang định phất áo mà đi, làm việc tốt không để tiếng thơm, Giang Thiền thình lình bị đóng đinh tại chỗ bởi câu nói của chú tiểu vừa lồm cồm bò dậy. Chú tiểu nọ buông lời: “Hạch Đào Nhỏ?”

Giang Thiền: “!!!” Sao người này lại biết biệt danh mà chỉ người thân mới rõ của nàng?

Chú tiểu nọ cười, phủi vạt áo, “Ta là Thanh Đăng, ừm, chắc con không còn nhớ ta nữa rồi, lúc đó con hãy còn bé.”

Giang Thiền: … Cha tui?

Giang Thiền cứ thế nhặt được cha mình dọc đường, còn về việc người cha hẳn đã hy sinh của mình trở lại cuộc đời này bằng cách nào, thì ông ấy bảo cứ chết một chuyến lại về một lần thôi.

Nếu Giang Thiền vẫn còn có thể bình tĩnh đón nhận chuyện này, thì việc sau khi họ đi được một đoạn lại gặp một cô bé tầm bảy tám tuổi, mặt mày đầy máu bị ai đó vứt trong bụi cỏ, vừa tỉnh lại đã mừng rỡ gọi nàng là Hạch Đào Nhỏ, rồi tự nhận mình là mẹ nàng… đã vượt khỏi giới hạn chịu đựng của Giang Thiền.

Cha mẹ chết hơn trăm năm đột ngột quay về, nàng nên làm gì đây? Giang Thiền gửi thư ngay cho Hạc Kinh Hàn, gọi cậu nhanh chân sang chịu trận cùng mình.

Mẹ ruột xử lý xong máu trên mặt đã điềm nhiên nắm lấy tay của chú tiểu tự xưng là cha mình, ngồi xuống trước mặt Giang Thiền, chăm chú ngắm nàng bằng vẻ dịu dàng yêu thương.

“Hạch Đào Nhỏ đã lớn thế này rồi á ~ Hạch Đào nhà mẹ ngầu quá đi ~” Cô bé chống cằm cất giọng non nớt, vừa mừng vui vừa rầu rĩ. “Uầy, mẹ không được chứng kiến, tiếc quá.”

Chắc do quá đột ngột, chẳng hiểu sao Giang Thiền lại chẳng vui vẻ tẹo nào, chỉ nghĩ sáng ngày ra sao mình lại chiêm bao giấc mơ kỳ dị như thế. À mà không, nàng nên tự hỏi mình đã bắt đầu mơ giấc mơ này từ khi nào. Cơ mà dẫu là mộng thì tình tiết cũng lạ lùng quá thể.

Tận khi người cậu vẫn luôn lạnh lùng của nàng lẹ làng xuất hiện, đáp đất chưa cất kiếm đã kéo nàng ngó ngang ngó dọc, dồn dập hỏi người đâu, cuối cùng được mẹ ruột mới bảy tuổi nhào sang ôm đùi.

“Tiểu Tầm! Chị về rồi nè!”

Hạc Kinh Hàn đối diện với cô bé đang ôm đùi mình, kiếm trong tay rơi “keng” xuống đất.

Nam thần giá băng Hạc Kinh Hàn, ông vua trai thẳng nghe đồn sẽ lấy kiếm làm vợ, bầu bạn bên kiếm suốt đời đã sẩy tay đánh rơi “vợ” trong lần thứ hai gặp người chị chết rồi sống lại của mình.

***

Cha mẹ ruột chết rồi sống lại, Giang Thiền chỉ thực sự ý thức được điều này khi đang trên đường dắt cha mười hai tuổi, bồng mẹ bảy tuổi sang Ma Vực thăm Thù Vọng.

“Thù Vọng.”

Ma chủ Ma Vực Ngỗi Hư từng dùng cái tên Thù Vọng, người đàn ông cũng rất ra dáng trùm ấy sẩy tay kéo hỏng mái tóc giả khi nghe thấy giọng vị sư phụ đã chết của mình.

***

“Cục cưng, khổ cho con quá, kiếp này mẹ sẽ ở bên con mãi, để con chăm mẹ lớn khôn, yên tâm đi.” Cô bé ôm cổ an ủi con gái mình, nắm tay chú tiểu đang im lặng.

Từ hôm nay, Giang Thiền – nữ thần nổi tiếng thời đại mới bắt đầu rầu rĩ, phải chăm cha mẹ thế nào để họ lành lặn lớn khôn đây?

Tuy tạm thời vẫn chưa tìm được hai vị sư bá, song dãy Bạch Linh thuộc sơn phái Dung Trần đã bắt đầu ồn ã hơn rồi.

Ngày xuân năm nay, cõi tu chân vẫn êm đềm như thế. Én về tổ, người xưa trở lại.

[HOÀN CHÍNH VĂN]


/165

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status