Ngộ Phật

Chương 154 - hoa kia rực rỡ

/165


TRẺ CON NÚI TIỂU LINH.

Khí hậu ngọn Tiểu Linh rất đặc biệt, một mùa kéo dài bảy ngày, một tháng đủ bốn tiết xuân hạ thu đông. Nơi đây cũng yên lặng lắm, bởi chẳng có ai ngoài Thanh Đăng, chàng lại là tôn Chân Phật chuyên tâm cảm ngộ đất trời, tham ngộ Phật pháp, hầu như dành toàn bộ thời gian vào việc tham thiền, thành thử Tiểu Linh còn im ắng hơn cả Đại Linh của Phật Tổ.

Song bầu không khí an tịnh ấy đã đi đến hồi kết từ lúc Thanh Đăng đem cây đào linh Chước Chước về nhà.

Y như tên mình, Chước Chước hoạt bát nhiệt tình, lúc nào cũng tràn đầy sức sống, sau khi được Thanh Đăng mang về Tiểu Linh rồi nặn thân thể cho, bé đã bắt đầu công cuộc xưng vương xưng bá, làm mưa làm gió trên ngọn núi này.

Chước Chước hoá thành một bé gái đáng yêu hơn cả đồng tử của Quan Thế Âm Bồ Tát. Cây đào hoá linh, dung mạo vốn đã được trời cao ưu ái, lại thêm linh trí đạt thành nhờ cơ duyên, hoá hình rồi càng sực nức linh khí, tươi tắn lanh lợi ngay cả từ vóc dáng đến đôi mắt trong veo, rực rỡ hơn tất thảy sinh vật trên ngọn Tiểu Linh.

Gương mặt trẻ con phúng phính hồng hào, đôi môi không cười cũng cực kỳ đáng yêu, mái tóc dài phủ qua mông. Chước Chước vừa hoá hình xong trần truồng bò lên người Thanh Đăng Chân Phật, được chàng kéo ra, dạy cho cách biến lá hoa thành quần áo.

Thế là Chước Chước được mặc cho bộ váy trắng, bên tai hãy giắt hai đoá hoa nhí.

Bé rất thông minh, mau mắn thuộc làu mọi điều Thanh Đăng dạy, nhưng lại ríu rít suốt ngày, chỉ ngoan ngoãn mỗi khi hấp thụ linh khí đất trời và tinh hoa nhật nguyệt. Với Chước Chước, Tiểu Linh là một thế giới vô cùng rộng lớn, tất thảy đều khiến bé tò mò.

Bé sẽ bò từng chút một dưới đất xem kiến dời tổ từ bụi cỏ sang hốc cây, ngồi xổm trên cành say sưa ngắm sâu róm gặm lá, xộc vào ổ thỏ khiến chúng nháo nhào tháo chạy rồi mình thì ngủ luôn bên trong, sau rốt Thanh Đăng phải quét thần thức khắp núi mới tìm ra tung tích, moi được bé về.

Núi Tiểu Linh có cái ao, cá trong ao cũng có linh tính, Chước Chước thường lặn dưới lòng ao đuổi bắt cá, lôi cả cụ rùa tinh ngủ yên mấy ngàn năm ra làm gối đánh một giấc thật say.

Tướng mạo hoá hình của Thanh Đăng là một người đàn ông trưởng thành, chàng được Phật Tổ điểm hoá, hiểu chuyện từ khi chào đời, không cần ai kèm cặp, nhưng Chước Chước thì khác, lòng bé ngập tràn tò mò, không rõ những điều không được chỉ dẫn. Thanh Đăng đã đưa Chước Chước về đây, thì phải chịu trách nhiệm rèn giũa bé.

Dạy trẻ từ thuở còn thơ không dễ dàng gì, thành thử Thanh Đăng không thể thi thoảng lại làm một chuyến cảm ngộ trăm năm ngàn năm nữa, mỗi ngày, chàng phải dành thời gian kể chuyện, hướng dẫn Chước Chước tu luyện, và phải học cách chăm sóc một đứa bé vừa hoá hình.

Chước Chước thường rất ngoan ngoãn, chịu chơi một mình, song cũng có lúc giở trò nghịch ngợm.

Ví như ngày nọ, Thanh Đăng hoá về bổn thể bồ đề, đưa thần thức lên núi Đại Linh nghe Phật Tổ giảng kinh, về rồi mới biết mình chẳng còn bao nhiêu chiếc lá… hoặc phải nói là, nửa tán cây đã trọc lông lốc rồi.

Nhìn kỹ mới thấy Chước Chước dưới tàng cây đang mở to đôi mắt vô tội, đôi tay chắp sau lưng hãy còn nắm vài chiếc lá, váy áo phồng lên, nhét đầy lá bồ đề.

Thanh Đăng Chân Phật hoá thành người mới thấy bộ đồ giản dị mình đang mặc nham nhở cả, lại còn ngắn mất phân nửa, chỉ phủ qua đùi, lông chân cũng mất sạch. Nhấc tay gọi mây đến vá áo quần, Thanh Đăng ngồi trước mặt Chước Chước, chuẩn bị dạy bé rằng thừa dịp người ta không đề phòng để ngắt lá là một việc làm cực kỳ không tốt.

Song Chước Chước lại tươi cười rạng rỡ, nhảy cóc đến trước mặt Thanh Đăng rồi chồm lên đầu gối, ôm tay chàng, ngoan ngoãn non nớt mà rằng: “Thanh Đăng Thanh Đăng, người ngủ lâu quá, Chước Chước lo lắm đó!”

Trần đời hông còn đứa bé nào ngây thơ hiểu chuyện như Chước Chước hết – Thanh Đăng nghĩ, cứ thế bỏ qua chuyện này.

Cơ mà chuyện này không chỉ xảy ra một lần rồi thôi. Chẳng rõ do đâu lại thành thói quen của Chước Chước, mỗi bận Thanh Đăng hoá chân thân, đưa nguyên thần đi dự thính chỗ Phật Tổ về sẽ phát hiện ra bổn thể mình khi thì thiếu, lúc lại thừa một số thứ gì đó.

Mất thì mất toàn lá. May mà chàng không có tóc, bằng không bị Chước Chước giày vò thế này thì đã hói lỗ chỗ rồi. Song các món dôi ra thì đa dạng vô cùng.

Ví như lụa đủ màu, hay con búp bê cầu phúc mà trông y như nguyền rủa, thi thoảng có cả lá hoa quả của các cây khác trên ngọn Tiểu Linh, có khi Chước Chước lại buộc cả một đàn bướm lên cây, muôn cách điểm tô cho gốc bồ đề bổn thể.

Thanh Đăng kể chuyện trần gian cho Chước Chước nghe, rằng con người thường sẽ thắp hương cúng dường mỗi khi muốn khấn cầu Thần Phật, nhiều vùng miền sẽ trồng cổ thụ linh thiêng rồi thắt lụa đỏ viết điều ước của mình lên, khi ấy trời cao sẽ biết được tâm nguyện của họ thông qua tiếng lòng giăng mắc trên cây.

Chước Chước nghe xong bèn nghiện thắt lụa cô bé dệt bằng sương đêm lên cành bồ đề của Thanh Đăng, tuy đẹp nhưng quá nhiều và buộc quá chặt, Thanh Đăng cứ hễ hoá người sau khi đi nghe giảng về sẽ lại ngập trong đống lụa. Thanh Đăng muốn tháo ra, Chước Chước sẽ lại cười hỉ hả kéo lụa chạy loanh quanh, cột chàng lại.

Các sự vụ tương tự đều được Thanh Đăng quy vào nhóm “trò chơi của Chước Chước”, khoan dung với tất thảy hành động của cô bé.

Chước Chước lật tung ngọn Tiểu Linh dăm lần, bắt đầu tò mò về thế giới rộng lớn hơn ngoài kia. Thứ khiến cô bé tò mò nhất chính là nơi Thanh Đăng thường đến để nghe Phật Tổ giảng kinh. Cô bé ôm đùi Thanh Đăng, chớp chớp đôi mắt to bảo muốn đi dự thính, chàng chỉ cân nhắc một thoáng đã đưa cô bé đến Đại Linh luôn.

Chưa từng có con nít xuất hiện ở ngọn Đại Linh, Chước Chước là đứa trẻ đầu tiên. Cô bé ngồi trên vai Thanh Đăng, ôm mái đầu trọc của chàng, yên vị nơi đài sen vàng trên đỉnh núi, trông thấy hằng hà sa số người trọc đầu y như Thanh Đăng. Song không phải ai cũng hiền dịu từ bi và bao dung như chàng, có người đanh mặt trừng mắt, có người mải miết âu sầu, có cả người liên tục vui buồn mừng giận, cũng có người trông thì hiền nhưng lại ác ôn cực cùng, ai nấy đều lom lom nhìn cô bé.

Chước Chước ngoan ngoãn ngồi tựa vào Thanh Đăng, gà gật trên đài sen của chàng, Phật quang sáng rỡ ánh vàng ở giữa cất toàn những lời mà cô bé không hiểu, cứ nghe vào là buồn ngủ.

Phật Tổ giảng kinh, chúng Phật nghe như si như say, còn Chước Chước thì lại gục gặc đầu, sau rốt lại vật xuống gối Thanh Đăng, thiếp đi. Đến khi bé thức giấc, giọng nói như ru kia hãy còn vang mãi, Chước Chước len lén liếc Thanh Đăng, thấy chàng rũ mắt lặng thinh, bèn thậm thụt bò từ đám mây dày này sang chỗ Thần Phật khác.

Tôn Thần Phật này có ba cái đầu, cái là trẻ nít, cái là cụ già, cái nữa là thanh niên, trẻ nít đang cười, cụ già thì khóc, thanh niên vô cảm. Chước Chước lẳng lặng bò đến bên ông ta, chăm chăm mà nhìn gương mặt trẻ con kia, rồi rụt rè chồm tới, dùng khăn tay của mình lau sạch nước mắt cho cụ già.

Cụ già không khóc nữa, ba cái đầu ngoảnh lại cười với cô bé, Chước Chước nổi cả da gà, lạch bạch chạy về bên Thanh Đăng. Song chẳng ngồi im được mấy chốc, cô bé lại tìm đến tôn Thần Phật mà mình cảm thấy thú vị.

Vị này trông thì xinh gái nhưng khuôn ngực để trần lại là của đàn ông, y cũng ngồi trên đài sen, cơ mà khác với đài vàng của Thanh Đăng, dưới chân y là rất nhiều đoá sen thoắt nở thoắt tàn, Chước Chước thấy đẹp bèn lén đến kéo đai lưng người ta, cười đáng yêu cực, “Cho tôi một đoá được hông? Hông thì một cánh hoa cũng được.”

Cuối cùng Chước Chước vừa lòng đẹp ý ôm hai đoá sen về bên Thanh Đăng, cô bé chạy chơi khắp nơi song chàng chẳng tỏ vẻ gì, Chước Chước nghịch hoa một lúc lại thấy chán, bèn thắt hai đoá sen đang nở rộ lên đầu Thanh Đăng bằng dây buộc tóc của mình. Chống cằm ngắm nghía hồi lâu, cô bé lại chạy lung tung tiếp.

“Trên cái vòng xinh xắn này là lửa ạ, tôi sờ thử được hông?” Chước Chước hỏi một ông trọc dòm dữ dằn cực.

Tôn Thần Phật lấy chiếc vòng vàng nhuộm lửa lơ lửng sau lưng mình xuống đặt vào tay Chước Chước, để cô bé sờ xong thì treo lên lại, tiếp tục nghe Phật Tổ giảng kinh.

Chước Chước thoả thuê rồi cảm ơn, chạy tới chỗ người khác.

“Sao bàn tay này lại to hơn bàn tay kia của ông vậy? Đeo quá trời vòng vàng trên tay không nặng ạ? Ấy, ông tặng tôi một chiếc hả? Thật á? Cảm ơn ông nha.” Cô nhận được quà từ một tôn Thần Phật mặt mũi lạnh lùng, đeo mấy mươi chiếc vòng vàng khắp cả hai tay. Vòng to và nặng, vừa khít cổ Chước Chước.

Tôn Thần Phật có dáng vẻ của một cụ già râu tóc dài vài trượng cười hiền ngoắc tay với Chước Chước, cô bé chạy sang hỏi: “Cụ gọi tôi hả?”

“Tôi là Chước Chước, Thanh Đăng dắt tôi tới á. Tôi là cây đào, không phải bồ đề, ông coi tôi nở bông nè. Ể, ngài muốn đổi cái này với bông của tôi hả? Được thôi.”

Chước Chước đổi hai đoá đào trắng của mình với hai cành liễu xanh của ông cụ.

***

Cô bé dạo quanh một vòng, treo đầy thứ lạ lùng khắp người, rồi mấy món đồ ấy được cô bé quàng cả lên Thanh Đăng. Ngọn Đại Linh không có màn đêm, mảnh đất chừng như mặt trời không bao giờ lặn này sáng loà chói mắt, thành ra cô bé chỉ theo Thanh Đăng đến hai lần rồi không đi nữa.

Đại Linh tổ chức Phật hội, Thanh Đăng không yên tâm khi để Chước Chước ở lại Tiểu Linh một mình, bèn gửi cô bé đến tu luyện ở chỗ Tử Vi Thần Quân cõi Trời.

Tử Vi Thần Quân là vị Thần Quân tốt tính thích trẻ con, biết chăm trẻ, Long Thần, Thiên Quân và cả các vị Thần Quân khác đều gửi con sang cho ông ấy chăm.

Chước Chước là đứa bé đầu tiên đến từ Thần Phật núi Linh, nhóm Thần Quân đưa con tới gửi và chính Tử Vi Thần Quân cũng đã giật nảy cả mình hôm Thanh Đăng dắt cô bé sang.

Đời thuở nào Thần Phật thanh tâm quả dục ở núi Linh lại có con thế này!

Chước Chước ngây thơ hồi mới đến chỉ nghịch ngợm chun chút thôi, thế mà tới chừng Phật hội kết thúc, Thanh Đăng tới đón thì cô bé đã lên làm trùm núi Tử Vi, tay đấm con Thiên Quân, chân đạp con Long Thần rồi.

Chước Chước được nuôi dạy bao nhiêu năm ở Tiểu Linh vẫn luôn ngoan ngoãn đã láu táu hẳn sau khi ăn ở cùng đám con ông cháu cha hòm hòm tuổi này.


/165

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status