Ngày Anh Mãi Yêu Em

Chương 15: chương 15

/16


Mở cửa là một cụ ông mặc lễ phục đen. Ông ấy trông rất già, lưng đã còng, khuôn mặt thê lương đầy nếp nhăn. Hình như em chưa từng gặp ai già như thế, chắc ông ấy phải trăm tuổi rồi, thậm chí là một trăm hai mươi tuổi.

Ông thều thào nói với em:

“Mời vào xem!”

Em miễn cưỡng đi vào, ông ấy khóa cửa đằng sau.

“Mời theo tôi.” Giọng ông ấy khiến người khác thấy e sợ.

Phòng triển lãm tranh hẹp dài, như không có điểm cuổi, diện tích lớn hơn nhiều so với em nghĩ. Từ ngoài nhìn vào chắc chắn không ngờ được.

Em từng bước đi về phía trước. Trong phòng treo đầy chân dung người, mỗi bức tranh là một người phụ nữ hay đàn ông xinh đẹp, tuy phục sức già dặn nhưng quanh viền mắt lại không có nếp nhăn nào.

Hai mươi năm qua, em đã xem qua vô số tranh, em gần như có thể nhận ra tất cả các phong cách. Dù là họa sĩ mới chăng nữa em cũng sẽ nhận ra. Nhưng, những bức tranh được treo ở phòng triển lãm này, em hoàn toàn không nhìn ra đây là phong cách của họa sĩ nào.

Lòng em tự hỏi, rốt cuộc đây là vị họa sĩ mới nào mà lại có tài năng phi thường đến thế?

Khi em quay đầu định hỏi cụ già kia thì đã không thấy ông ấy đâu nữa.

Em chỉ còn cách tiếp tục đi tới.

Bỗng nhiên lúc đó, khi em ngẩng đầu lên, bỗng thấy ông ấy đứng trước mặt em từ bao giờ.

“Xin hỏi những bức tranh này là do họa sĩ nào vẽ vậy ạ?”

“Đều do Phu Nhân Hoa Hồng vẽ.” Ông ấy cứng nhắc đáp.

Phu Nhân Hoa Hồng? Em chưa bao giờ nghe thấy cái tên này.

Ông ấy đột nhiên hỏi em:

“Phu nhân đang ở phòng vẽ, cô có muốn gặp bà không?”

Lòng hiếu kỳ đã khiến em gật đầu.

“Xin đi theo tôi.”

Ông ấy đi trước dẫn đường. Em đi sau ông ấy, xuống một cầu thang dài hẹp. Em không ngờ phòng triển lãm này có tầng hầm. Ông ấy bước đi tập tễnh, chao đảo, tựa như sẽ ngã xuống bất cứ lúc nào vậy.

Chúng em đi qua một hành lang u ám, mỗi bên hành lang đều có một phòng. Bên trái là một căn phòng chứa rất nhiều khung kính, có mấy công nhân nam đang sơn khung. Những công nhân này thoạt nhìn đều già hệt như cụ ông trước mặt, tất cả đều mang vẻ mặt tang thương. Bên phải là phòng có nhiều phụ nữ đang sửa sang lại tranh, các bà ấy cũng già nua như những công nhân nam bên kia, mỗi khi nhíu mày đều mang theo đau đớn.

Sao người làm ở nơi này đều già như vậy?

Em không khỏi suy đoán, vị Phu Nhân Hoa Hồng kia chắc phải một trăm bốn mươi tuổi rồi.

Cứ đi mãi, em bắt đầu ngửi thấy hương hoa ngào ngạt.

Mùi hương ấy càng lúc càng nồng đậm khi em đi vào phòng vẽ tranh ở cuối hành lang.

Phòng vẽ to như vậy nhưng chỉ đặt một giá vẽ ở giữa, trên đó căng một tấm vải chuyên dùng để vẽ tranh sơn dầu, cạnh đó là một chiếc bàn phủ vải nhung đặt la liệt thuốc màu.

Sau giá vẽ đặt một chiếc ghế dựa bằng nhung, trong phòng cắm đầy hoa hồng màu mận chín, vô vàn đóa hoa khoe sắc như vậy, trách không được hương thơm nồng đến thế.

Em chưa thấy loại hoa hồng này bao giờ.

Khi em đang muốn quay lại hỏi cụ ông kia Phu Nhân Hoa Hồng ở đâu thì đã không thấy ông ấy đâu nữa.

Em đến bên bàn, cầm cọ lên ngắm nghía, trong lòng cảm thấy kì quái, cọ vẽ này là loại cọ cổ được sử dụng cách đây vài thế kỉ, giờ đâu còn bán nữa.

Phu Nhân Hoa Hồng chắc hẳn vô cùng già.

Em bỏ cây cọ xuống, khi xoay người định đi sang chỗ khác thì một phụ nữ đã đứng trước mặt em.

Cô ta vào đây từ lúc nào, em hoàn toàn không biết.

Cô ta không hề già chút nào. Ngược lại, cô ta còn rất trẻ, thoạt nhìn chỉ khoảng hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi, trên người mặc váy lụa màu hồng nhung rất quý giá, ngón áp út tay phải đeo một chiếc nhẫn ruby hình trăng non.

Cô ta đẹp kinh người, đôi mắt đen sâu thẳm như muốn hút lấy linh hồn người khác.

“Cô muốn gặp tôi?” Cô ta nói, giọng nói nghe rất xa xăm.

“Những bức tranh bên ngoài là cô vẽ?” Em kinh ngạc hỏi.

Tài năng bậc ấy, không thể nào đến từ một cô gái trẻ như vậy.

Nhưng, cô ta gật gật đầu, nói:

“Là tôi vẽ.”

“Mọi người trong tranh thật đẹp.”

“Nhưng lại còn rất trẻ. Tuổi trẻ luôn tốt đẹp.” Cách cô ta nhìn em, như thể đã quen em từ lâu vậy.

Em đồng tình nhìn cô ta.

“Đúng vậy.”

Em hỏi cô ta:

“Họ đều là khách của cô sao?”

Cô ta quan sát em rồi đáp:

“Đúng vậy, tôi đều vẽ theo yêu cầu của họ. Cô có muốn tôi vẽ cho cô một bức không?”

Em ảm đạm nói:

“Tôi không còn trẻ nữa.”

Cô ta cầm cây cọ trên bàn lên, nói:

“Khi tôi vẽ những bức tranh ấy, họ cũng không còn trẻ nữa.”

“Là cô vẽ họ trẻ thêm? Như vậy sẽ không còn là họ nữa.” Em lắc đầu nói.

Cô ta thâm thúy nói:

“Tôi không vẽ họ trẻ thêm, là họ tự biến thành dáng vẻ trong tranh tôi.”

Trong nháy mắt, em khiếp sợ. Hình như em đã hiểu ý cô ta muốn nói.

“Ngồi xuống đây.” Cô ta nhìn về phía chiếc ghế dựa màu hồng nhung, nói với em.

Tín Sinh, em phải lựa chọn.

Em không chút do dự ngồi vào chiếc ghế ấy. Em không bị dụ dỗ, là do em tự nguyện.

Em muốn được trẻ lại, như vậy, nếu ngày nào đó mình gặp lại nhau, có lẽ em sẽ có cơ hội, khiến anh yêu em.

Vì anh, em không sợ gì hết.

“Cô rất đẹp.” Cô ta nói. “Nếu trẻ hơn một chút, cô sẽ hấp dẫn hơn bây giờ nhiều.”

Trong phòng vẽ ấy, dường như thời gian đã ngừng lại.

Em không nhớ rõ rốt cuộc em đang ngồi trên ghế bao lâu. Em nhớ đến cuốn truyện “Bức chân dung của ác quỷ” mà em vội vàng lấy xuống từ giá sách của anh trong lần đầu gặp nhau. Trong truyện, Dorian Gray đẹp vô cùng, họa sĩ đã vẽ chân dung anh ta trên một bức vải để vẽ tranh sơn dầu. Từ đó về sau, bức tranh sẽ già đi, còn Dorian thì vĩnh viễn trẻ trung. Mãi đến một ngày, khi Dorian dùng kiếm hủy bức tranh đó đi, thì bức tranh xấu xí già nua kia bỗng trở thành dáng vẻ trẻ trung xinh đẹp, còn Dorian thì trở nên già nua không chịu nổi, chết dưới lưỡi kiếm của chính mình.

Em đột nhiên hiểu được cách vận mệnh an bài.

Ngày đó, sao em lại cầm lấy cuốn truyện đó?

Từ hai mươi năm trước, em đã chắc chắn có được anh, chỉ là, em phải đau khổ chờ đợi hai mươi năm mà thôi.

“Xong rồi.” Phu Nhân Hoa Hồng bỏ chiếc cọ vẽ xuống.

Em đứng lên khỏi ghế, nơm nớp lo sợ nhìn bức tranh.

Cô gái trong tranh là em khi vừa mới gặp anh.

“Giờ hãy trở về đi, Tây Tây.” Phu Nhân Hoa Hồng nói với em.

Em lắp bắp kinh hãi. Sao cô ta biết em là Tây Tây? Em chưa từng nói cho cô ta biết.

Mặt cô ta thoáng hiện vẻ quỷ dị, mỉm cười nói:

“Bức tranh này cô để lại đây đi, ngày nào đó cô sẽ trở lại.”

Em tràn ngập nghi hoặc đi khỏi phòng vẽ tranh đầy hương hoa hồng đó. Khi đi tới cửa, em đột nhiên quay đầu lại, Phu Nhân Hoa Hồng vẫn đứng đó nhìn em.

“Đó là hoa gì vậy?” Em ngắm nghía loại hoa hồng trong phòng, hỏi cô ta.

Mắt cô ta thoáng biến hóa, nói cho em biết:

“Cô không biết sao? Chúng có cái tên rất đẹp: Hôm qua.”

Em đi khỏi phòng triển lãm tranh, nhìn đồng hồ. Lúc em đi vào là khoảng mười rưỡi đêm, nhưng, khi em đi ra, đồng hồ vẫn dừng ở mười giờ rưỡi như cũ, ngày cũng không đổi, tựa hồ như thời gian chưa từng trôi qua vậy.

Ngày hôm sau khi về nhà, mặt em chẳng có chút thay đổi nào, em bắt đầu hoài nghi đó chỉ là trò đùa.

Em không khỏi trách mình khờ khạo, thế nhưng lại tin vào những chuyện hoang đường như thế.

Nhưng rồi, tới ngày thứ ba, cơ thể em bắt đầu biến hóa. Da em ngày một trở thành trơn bóng hơn, những sợi tóc bạc bắt đầu biến mất, mấy nếp nhăn ở khóe mắt cũng không còn.

Ngay cả người đàn ông bên cạnh cũng nhận ra những thay đổi của em.

Ngày nọ, ông ấy nói với em:

“Mấy hôm nay trông em sáng sủa hơn nhiều! Thật tốt! Anh vẫn luôn lo cho em, nửa năm nay rất ít khi thấy em cười.”

Ngực của em lại săn chắc như nhiều năm trước, mắt đen láy, sắc mặt cũng không tái nhợt như trước nữa.

Một sáng nọ, khi em tỉnh lại, thấy cả người nhẹ bẫng, em đi vào phòng tắm, ở trong gương hiện lên khuôn mặt quen thuộc khi em còn trẻ.

Em nhớ mang máng, đó là em khi hai mươi tuổi.

Em đã biến thành cô gái trong bức tranh.

Em bỏ lại một lá thư, mang hành lý rời đi.

Trong thư em giải thích với ông ấy, nói với ông ấy, em muốn sống một cuộc đời mới, cảm ơn tất cả những gì ông ấy đã làm cho em.

Em chuyển đến nơi ở mới, mua một đống quần áo mới, những quần áo này đều là thứ khi em hai mươi rất thích nhưng lại không có tiền mua.

Em mong chờ đến ngày gặp lại anh.

Một ngày tháng Tư, cuối cùng em cũng trở lại nơi này, trở lại nơi em nhớ thương suốt hai mươi năm, trở lại nơi em si ngốc đứng nhìn lên cửa sổ nhà anh năm em mười bảy tuổi.

Những chuyện sau đó anh đều biết rồi.

Nhiều ngày liên tiếp, em đều đứng chờ ngoài nhà anh, hy vọng gặp được anh.

Ngày đầu tiên, em đến sớm, anh còn chưa về.

Em ngẩng đầu nhìn lên cửa sổ nhà anh, nhớ lại những ký ức đã qua, chung quy anh chính là quê hương của em, dù em có đi đến xa thế nào thì lòng em vẫn mãi còn ở đây.

Ngày đó, em đứng đó mấy giờ liền, nhưng mãi vẫn không đợi được anh.

Ngày hôm sau, em tới trễ, anh đã sớm về nhà.

Em đầy nhung nhớ ngẩng đầu nhìn lên cửa sổ nhà anh, trong phòng sáng đèn, ngọn đèn mờ vẫn giống như hai mươi năm trước, chưa từng thay đổi.

Em chờ một đêm, nhưng anh không hề ra ngoài.

Mấy ngày liền anh không ra ngoài.

Đó là những ngày không may của anh. Anh vốn thiết kế một tòa nhà chọc trời, nhưng vì khăng khăng không chịu sửa lại thiết kế của đỉnh tòa nhà theo lời khách hàng nên khách hàng đã hủy hợp đồng. Với lòng kiêu hãnh của anh, sao có thể chịu được loại nhục nhã như vậy?

Mấy tối ấy, em vẫn đứng đợi mãi đến khi ánh đèn trong phòng anh tắt mới về.

Mặc kệ anh thành công hay thất bại, em đều luôn ao ước được ở cạnh bên anh.

Cuối cùng có một ngày, em gặp được anh.

Chạng vạng hôm đó, em ngẩng đầu nhìn lên cửa sổ nhà anh. Lúc này, em thấy anh đi xuống cầu thang, tim em đập mạnh, cả người đều căng thẳng.

Em thấy anh, ánh mắt em mơn trớn lên khắp mặt anh. Sao năm tháng lại ưu đãi anh như vậy? Anh vẫn trẻ như người trong mộng của em, một chút cũng không đổi, vẫn anh tuấn phóng khoáng hệt như ngày đầu em gặp anh, có điều ánh mắt trở nên thành thục hơn mà thôi. Nhưng điều này càng khiến anh thêm hấp dẫn.

Anh bất giác nhìn thoáng qua em, không kìm lòng dừng lại trước em.

Anh vẫn là anh, luôn bị những cô gái trẻ đẹp hấp dẫn.

Em đi về phía anh, mỉm cười với anh, vờ như hoang mang hỏi anh:

“Này anh, xin hỏi nơi này có phải số 7 đường Bối Lộ không?”

Có một khắc, mắt anh thoáng hiện lên vẻ ngờ hoặc, giống như trông thấy một người quen, nhưng lại không nhớ ra đó là ai.

Anh nhìn chằm chằm em trong chốc lát, nhưng vẫn không nhận ra em.

Dù cho anh có nhớ rõ cô gái bị anh cự tuyệt hai mươi năm trước thì anh cũng không thể nghĩ đó là em. Bởi vì, qua hai mươi năm, em đâu già đi chút nào.

“Đúng, đây là số 7 Bối Lộ.” Anh dịu dàng đáp lời em. Anh luôn dùng ánh mắt đa tình ấy để mê hoặc mấy cô gái trẻ.

Em đưa tờ giấy đã chuẩn bị từ trước cho anh xem.

Trên giấy viết: “Lầu bảy số 7 Bối Lộ.”

“Lạ thât!”

Em nói: “Em không tìm thấy lầu bảy.”

Anh lại tặng cho em một nụ cười ôn tồn, nói cho em biết:

“Tôi đã ở đây hai mươi năm, nơi này chỉ có sáu lầu, cho tới bây giờ không hề có lầu bảy.”

Em nhếch môi cười.

“Hai mươi năm trước, em vừa mới chào đời.”

Mặt anh lộ vẻ ngại ngùng. Lần đầu tiên em thấy được vẻ mặt này của anh.

“Đúng thật, tôi đã rất già rồi! Không chừng thành lão già chín mươi rồi cũng nên!” Anh tự giễu.

“A! Em không có ý đó!” Em cười cười hối lỗi. “Chắc là địa chỉ viết sai, coi như xong, cảm ơn anh.”

Em trưng ra biểu tình bất đắc dĩ, vờ muốn đón taxi rời đi.

Trong lòng thầm cầu khẩn:

“Ngăn em lại đi! Ngăn em lại đi!”

“Em muốn đi đâu?” Anh hỏi em.

Em quay đầu, ra vẻ ngạc nhiên nhìn anh.

“Tôi vừa hay có việc ra ngoài, để tôi đưa em đi.”

Anh vẫn dụ dỗ mấy cô gái trẻ như thế, trước này đều quyến luyến những thiếu nữ xuân sắc.

Trên xe em nói cho anh biết, em vừa từ Anh về. Địa chỉ đó là bố cho em, ông ấy muốn em tới thăm một người bạn cũ của ông ấy.

“Chỉ có mình em về thôi à?” Anh hỏi.

“Đúng vậy, em vừa chia tay ban trai nên muốn đi đâu đó giải sầu một mình. Người đó lúc nào cũng muốn quản thúc em, em không chịu nổi.”

“Cậu ta là người Anh à?”

“Là Hoa kiều ở Anh, nhưng tư tưởng thì còn bảo thủ hơn cả người ở thế kỷ mười lăm nữa. Chung thủy là tốt, nhưng, người chung thủy chỉ có thể hiểu rõ được từng khía cạnh nhỏ nhặt nhất của tình yêu, còn kẻ phản bội mới biết tình yêu bất hạnh đến nhường nào.”

Trong giây lát, anh nhìn em với đầy kinh ngạc.

“Những lời này là của Oscar Wilde nhỉ?” Em cười cười.

“Cô học ngành văn học Anh sao?”

“Em học Kiến trúc, nhưng được một năm thì bỏ. Em muốn học mỹ thuật! Nhưng thật ra em cũng không thật sự muốn làm gì, chỉ mong cả đời vẽ tranh qua ngày thôi.”

Em khôn khéo đề cập với anh chuyện em thích hội họa và kiến trúc. Anh nói cho em biết, anh là một kiến trúc sư.

“Tôi là Kiều Tín Sinh.” Anh nói. “Tôi còn chưa biết tên em.”

“Trang Trữ Ân.” Em đáp.

Sau đó, anh nói, anh vốn định đi ăn tối một mình, hỏi em có hứng thú cùng đi với “lão già” như anh không.

Em vừa nghe từ “lão già” liền thấy vừa buồn cười lại vừa xót xa.

Kỳ thật em cũng đâu trẻ hơn anh, trái tim em cũng bởi nhớ thương anh mà già cỗi.


/16

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status