Ngang Qua Thế Giới Của Em

Chương 27: Tôi là Lưu Đại Hắc.

/36


Chúng ta thường nói, muốn khóc thì về nhà mà khóc.

Này, nhìn mà xem, theo cấu tạo của dạng chữ phồn thể thì “nước mắt” có nghĩa là một con chó nằm trong nhà trú mưa đấy.

Hồi tôi mới mở quán bar, thì nơi đây được xem là tụ điểm của cả nhóm. Dần dà nhiều người biết đến quán hơn, vì thế quán xuất hiện thêm nhiều người lạ.

Một chiều nọ, tôi lôi bếp từ ra, bắc nồi lên, sung sướng tận hưởng bữa lẩu. Hơn năm giờ, một cô gái tần ngần bước vào quán, tôi rót cho cô ấy một cốc nước, rồi tiếp tục thưởng thức nồi lẩu của mình.

Cô gái hỏi:

- Tôi có thể ăn không?

Tôi cảnh giác, chắn trước nồi lẩu:

- Không được đây là nồi lẩu của tôi.

- Thế anh bán cho tôi một ít đi.

- Một mình cô à?

- Vâng.

- Cho cô đĩa thịt dê này.

- Nhưng tôi có bạn trai.

- Trả thịt dê cho tôi!

-Đó là chuyện quá khứ.

- Cho cô đĩa nấm này.

- Giờ anh ấy là chồng tôi.

- Tiên sư, trả nấm cho tôi!

Về mặt nguyên tắc, vì nồi lẩu quá ngon, tôi không thể chia cho bất cứ ai, nên tôi bảo sẽ xào cho cô ấy một đĩa mỳ Ý. Cô ấy lẳng lặng ăn hết, rồi nói:

- Anh này, tôi nghe nói, anh mở quán bar là vì chú chó nhỏ của mình?

Tôi gật đầu:

- Đúng vậy.

- Thế Mercy đâu?

- Đi tắm rồi.

- Tôi cũng có một con chó, tên nó là Lưu Đại Hắc.

Tôi ngạc nhiên: Chó mà cũng có họ cơ à? Thế thì Mercy của tôi cũng có thể đổi tên thành Trương Xuân Hoa (*)

(*) Trương Xuân Hoa (189-247 SCN), là vợ của Tư Mã Ý, quyền thần nổi tiếng nhà Tào Ngụy thời Tam quốc. Bà nổi tiếng nhờ sự khôn ngoan và khả năng chính trị, cũng như sự tàn nhẫn khi cần thiết.

Đôi mắt cô gái lấp lánh, cô hào hứng kể:

- Vâng, tôi họ Lưu mà, vì thế tôi đặt tên chú chó của mình là Lưu Đại Hắc. Ngày trước, nó là một chú chó hoang. Tôi từng thuê nhà ở tiểu khu phía nam thành phố. Nhà cách cơ quan rất gần nên tôi có thể đi bộ về khi tan làm. Một hôm, vì phải tăng ca, tôi về nhà rất khuya, có một con chó hoang đen thui đứng ở cổng khu nhà tôi ở, tôi hoảng hồn khi thấy nó.

Tôi và nó gườm gườm nhìn nhau, một lúc sau nó cúi xuống nằm bò bên gốc sồi xanh. Tôi rón rén đi qua, không dám chạy vì sợ kinh động đến nó. Nó lén lút theo tôi. Tôi chợt nhớ trong túi có cái xúc xích, thế là cắt ra, ném cho nó.

Nó ăn nhồm nhoàm, loáng cái hết veo, vẫy đuôi tưng bừng. Tôi thầm nghĩ, khi một con chó vẫy đuôi với bạn, chắc nó sẽ không cắn bạn đâu, thế là tôi yên tâm đi về nhà.

Nó cứ lẳng lặng đi theo, đưa tôi về tận chân tòa nhà tôi ở. Tôi quay lại, nó dừng bước, vẫy đuôi. Tôi nghĩ bụng, chắc nó muốn đưa mình về tận nhà đây mà, thế là tôi ném nốt miếng xúc xích còn lại cho nó.

Tôi là nhân viên môi giới nhà đất, thường xuyên bận rộn với các dự án, hay phải tăng ca, nên về nhà rất muộn. Kể từ hôm đó, ngày nào chú chó hoang cũng đứng chờ tôi ở cổng vào của tiểu khu, để đi cùng tôi một đoạn đường tối om, đưa tôi về tận nhà. Trên đường về tôi đã mua sẵn đồ ăn khuya, nhưng để trả công, đến chân tòa nhà là tôi bỏ đồ ăn của mình ra cho nó.

Tôi mở cửa, mời nó lên nhà chơi, nhưng nó vẫn ngồi yên, dáng vẻ cao ngạo. Tôi vào nhà, mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài, vẫy tay chào nó, nó mới chịu rời đi.

Có hôm, không thấy Đại Hắc đứng chờ tôi ở cổng như thường lệ, tôi lo lắng tìm quanh, nhưng không thấy bóng dáng nó đâu. Tôi thử gọi nó:

- Đại Hắc! Đại Hắc!

Khi ấy là tôi đặt bừa cho nó cái tên, vì chẳng lẽ lại gọi:

- Này, con chó ngu ngốc, mày đang ở đâu?

Có tiếng sột soạt trong bụi cây, Đại Hắc cúi đầu, tập tễnh bước ra. Khi còn cách tôi chừng mấy bước chân, nó ngồi xuống ngoảnh mặt đi, không chịu nhìn tôi, điệu bộ rất cao ngạo.

Tôi trộm nghĩ, đã đi chung với nhau mười mấy lần rồi, không nên xa cách như thế! Thế là tôi đánh liều ngồi xuống, xoa đầu nó.

Nó khẽ rụt đầu lại, nhưng không né tránh, có điều nó vẫn ngoảnh mặt đi, không chịu nhìn tôi, để mặc tôi xoa đầu nó.

Khóe mắt tôi bỗng cay cay nước mắt tôi rớt xuống, bởi vì tôi thấy máu chảy lênh láng ở chân nó, chắc bị người ta đập gãy, hoặc bị xe cán qua.

Nó liếc tôi, thấy tôi khóc, nó cúi xuống liếm chân mình, gắng gượng đứng lên, tập tễnh bước đi.

Nó muốn làm cho trọn công việc hằng ngày là đưa tôi về nhà.

Đến chân tòa nhà, tôi dốc toàn bộ thức ăn của mình cho nó. Tôi chạy thẳng lên nhà, lật tung tủ kệ tìm oxy gia và băng gạc.

Nhưng xuống đến nơi thì nó không còn ở đó nữa. Tôi gọi toáng:

- Đại Hắc! Đại Hắc!

Nó từ đâu chạy đến, đó là lần đầu tiên tôi thấy nó chạy, phi như bay, tập tễnh tập tễnh trông rất ngộ nghĩnh.

Tôi nghĩ chắc trong tiếng gọi của mình có gì đó nghẹn ngào như săp khóc, khiến nó lo lắng không biết đã xảy ra chuyện gì với tôi.

Tôi mở cửa tòa nhà, nhưng nó vẫn không chịu lên nhà cùng tôi, nó ngồi bên vệ đường mắt sáng long lanh.

Tôi ôm nó vào lòng, lau sạch vết máu cho nó, băng bó cho nó. Tôi nói:

- Đại Hắc, từ nay đừng đi lang thang nữa, cứ nấp vào một chỗ, chị đi làm về sẽ mang đồ ăn cho em nhé!

Đại Hắc ngoảnh mặt đi, nhìn trộm tôi.

Tôi bảo:

- Không thích à? Tên em là Đại Hắc, Đại Hắc!

Nó vẫy vẫy đuôi.

Hơn một tháng sau, bạn trai tôi mua nhà, bảo tôi dọn đến chỗ anh ấy. Tôi hỏi có thể đưa Đại Hắc đi cùng không? Bạn trai tôi cười, bảo nuôi chó làm gì! Tôi cũng không nài thêm nữa.

Hôm chuyển nhà, tôi gửi bác bảo vệ tiểu khu bốn trăm đồng và nói:

- Nhờ bác thay cháu chăm sóc cho Đại Hắc, khi nào hết tiền bác cứ điện cho cháu, cháu sẽ chuyển tiền cho bác.

Bác bảo vệ cười, đáp:

- Được!

Tôi ngồi trên xe tải của công ty cung cấp dịch vụ chuyển nhà trọn gói, thấy Đại Hắc vẫn cao ngạo ngồi ở cổng tiểu khu, nhưng nó không rời mắt khỏi tôi.

Nhà bạn trai tôi ở ngoại thành. Trước đó, tôi đã bàn với anh nên mua một căn nhà chung cư nhỏ, một là giảm được áp lực kinh tế, hai là tiện đi làm. Nếu mua căn nhà 160 mét vuông ở ngoại ô thế này, tiền lương của hai chúng tôi gộp lại, trừ đi tiền lãi ngân hàng, sẽ còn chưa đến hai nghìn đồng. Tôi đâu có nề hà việc thuê nhà, tội gì phải vay tiền mua nhà, đẩy cả hai vào tình cảnh túng quẫn thế này.

Bạn trai tôi không chịu, bảo đã quyết là làm. Tôi cũng không cố thuyết phục, vì nghĩ anh ấy không sai, anh ấy đã xác định chúng tôi sẽ cưới nhau.

Chuyển nhà ra vùng ngoại ô, tôi đi làm phải bắt một tuyến bus, rồi một tuyến tàu điện ngầm, rồi lại một tuyến bus mới tới nơi, mất một tiếng rưỡi. Nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Mãi đến khi anh bảo sẽ đón mẹ anh từ An Huy lên sống cùng chúng tôi. Đến lúc ấy tôi mới biết vì sao anh kiên quyết giữ căn phòng trống đó.

Nhưng không ai nên trách cứ lòng hiếu thảo, bố mẹ anh ly dị đã lâu, một mình mẹ vất vả nuôi anh khôn lớn. Tôi bảo vâng, em đồng ý.

Mẹ anh lên ở với chúng tôi, tuy có lúc xô xát, nhưng gia đình nào chẳng có lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Mẹ anh là giáo viên đã về hưu, bà rất tiết kiệm. Chúng tôi không về nhà ăn cơm trưa, bà thường chỉ mua giá đỗ về xào nấu ăn cho qua bữa, nhưng bữa sáng và bữa tối của cả nhà thì lúc nào cũng thịnh soạn.

Mấy tháng sau, đến giai đoạn tôi phải tăng ca, nửa đêm mới về nhà. Đèn điện sáng trưng, bạn trai tôi và mẹ anh ấy đang ngồi trên sofa. Tôi cảm thấy bầu không khí trong gia đình rất kỳ lạ. Bạn trai tôi không nói không rằng. Mẹ anh ấy thì cười, bảo:

- Hân Hân, có phải con rất thân thiết với một người họ Lam không?

Đầu tôi như muốn nổ tung, vậy ra họ đang thẩm tra tôi. Tôi bảo:

- Vâng, đúng vậy, có chuyện gì ạ?

Mẹ anh ấy liếc con trai rồi cười, nói:

- Hân Hân, mẹ phải xin lỗi con trước vì mẹ tình cờ bật máy tính của con, thấy phần mềm chat QQ của con chưa tắt, mẹ hơi hiếu kỳ, muốn tìm hiểu cuộc sống của con, mới đọc lịch sử trò chuyện của con. Mẹ phát hiện một vài chuyện không hay, chính là chuyện giữa con và cái cậu họ Lam đó, hai người nói chuyện với nhau rất không bình thường.

Máu trên người tôi như muốn dồn cả lên não.

Cậu họ Lam ấy là cậu bạn chí cốt của tôi. Cô ấy và bạn trai tôi cũng biết nhau. Cô ấy thuộc tuýp người ngoài mặt thì lạnh lùng, nhưng thực chất rất nghịch ngợm, lí lắc. Vì thế mà khi lập tài khoản trên QQ, cô ấy tự nhận mình là đàn ông, sử dụng nick name “Lam công tử”, và thường xuyên trêu tôi, chúng tôi thường xưng hô thân mật với nhau là “chồng chồng vợ vợ”.

Tiên sư, chuyện quái quỷ gì thế này?

Bạn trai tôi dập điếu thuốc nói:

- Lưu Hân Hân, cô hãy nói cho rõ ràng.

Tôi đứng đó, nước mắt lã chã. Bởi vì, đồ đạc trong phòng làm việc bị lục tung, tài liệu của tôi rơi khắp sàn nhà. Tủ quần áo và ngăn kéo trong phòng ngủ cũng bị lật tung. Quần áo của tôi ngổn ngang trên giường, thậm chí cả nội y.

Tôi lau nước mắt, nói:

- Tìm được chứng cứ gì chưa? Nếu không tìm được thì tôi đi ngủ đây, tôi mệt lắm!

Bạn trai tôi gào lên:

- Chưa nói rõ ràng ngủ nghê gì? Có phải cô muốn chia tay không?

Tôi cắn chặt môi, nhắc nhở bản thân phải mạnh mẽ lên, không được khóc, tôi dằn từng tiếng:

- Tôi có nói muốn chia tay đâu.

Bạn trai tôi cười lạnh lùng:

- Lam công tử à? Lưu Hân Hân, tôi nói cho cô biết, tên cô chưa có trong sổ hộ khẩu đâu, cho dù chia tay cô cũng không được hưởng gì hết!

Tôi gào lên:

- Tiền đặt cọc là do hai bên cha mẹ giúp đỡ. Đợt thanh toán đầu tiên, cả tôi và anh cùng bỏ tiền ra trả, anh dựa vào cái gì mà nói như vậy?

Bạn trai tôi nói:

- Dựa vào việc cô phản bội.

Phản bội? Hai chữ đó như sét đánh ngang tai. Tôi lập tức vơ đồ đạc nhét vào vali, ra khỏi nhà. Mẹ anh ấy kéo tôi lại, nói:

- Hân Hân, rốt cuộc là có chuyện gì, bên ngoài trời tối lắm, con đừng đi lung tung!

Tôi nói:

- Bác à, sau này bác có con dâu xin đừng tùy tiện bật máy tính của cô ấy, đó là quyền riêng tư của mỗi người.

Bạn trai tôi đập vỡ cốc trong phòng, quát:

- Cứ để cô ta xéo đi!

Tôi đã đi bộ rất lâu trên đường cao tốc, vừa kéo vali vừa khóc. Bạn chí cốt lái xe đến đón tôi. Chúng tôi tâm sự suốt đêm.

Cô ấy bảo:

- Chỉ là hiểu nhầm thôi mà, sao không giải thích cho rõ ràng?

Tôi nói:

- Anh ấy không tin tưởng tớ.

- Cậu phải đặt mình vào vị trí của anh ấy. Rõ ràng có dấu hiệu của việc anh ấy bị cắm sừng còn gì!

- Về đó chỉ tổ mất mặt.

- Không vội, cứ ở nhà tớ vài ngày. Họ cũng có chỗ sai, tự tiện đọc lịch sử trò chuyện của người khác là một thói quen xấu. Có thể họ đang giận dữ, nhưng cứ thử vài ngày nữa không thấy cậu đâu, xem họ có lo sốt vó lên không.

Tôi bán tín bán nghi, tắt di động đi ngủ.

Sau mấy tiếng mê mệt, tôi tỉnh giấc, bật di động thì không hề có cuộc gọi nhỡ nào cả.

Tôi cảm thấy trời đất như quay cuồng, vừa chán nản vừa tức giận.

Hôm sau, có vẻ như bạn trai tôi rất lo lắng, anh gọi cho tôi liên tục, hỏi tôi đang ở đâu, nhưng tôi không chịu nói.

Ngày thứ ba, mẹ anh ấy đích thân gọi điện xin lỗi tôi, nói rằng bà đã sai khi tự tiện mở máy tính của tôi, mong tôi tha lỗi cho bà. Bà cũng khuyên rằng, hai đứa đã tính đến chuyện kết hôn, thì cũng nên ngồi lại trò chuyện thẳng thắn với nhau.

Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất uất ức. Trong đầu tôi vẫn không ngừng hiện ra hình ảnh: nửa đêm một thân một mình lang thang trên đường quốc lộ, vừa khóc vừa kéo vali.

Tôi sợ cảnh tượng tương tự sẽ tái diễn.

Ngày thứ tư, bạn tôi gọi điện đến. Hai chúng tôi im lặng không nói, cứ thế hơn nửa tiếng sau anh ấy mới bảo:

- Cho nhau một khoảng thời gian để suy nghĩ lại.

Tôi bảo:

- Được.

Nửa tháng sau, tôi vốn định đi làm, không hiểu thế nào tôi vòng về khu nhà trọ khi xưa. Bác bảo vệ vẫy tay chào tôi:

- Cô Hân Hân, đã lâu không gặp!

Tôi chợt nhớ ra, vội hỏi:

- Đại Hắc đâu bác?

Bác cười thật tươi:

- Nó không sao, bây giờ nó là “người đưa tiễn” của tiểu khu này đấy. Nó phụ trách đưa người già và trẻ nhỏ từ cổng tiểu khu về đến nhà họ. Mọi người đều vui vẻ thưởng đồ ăn cho nó, ai cũng mến nó. Cô xem, một con chó mà cũng biết chăm chỉ làm việc kiếm sống như thế! Ấy, tôi thấy hình như bà Ngô vừa đi mua thức ăn về, chắc nó lại đưa bà ấy về nhà đấy.

Nghe tin Đại Hắc đã trở thành “ngôi sao” của tiểu khu, mọi người đều yêu mến ó, tôi bỗng thấy trong lòng hẫng hụt. Không còn chuyện gì để nói, tôi chào bác bảo vệ và ra về.

Đi được mấy bước chợt nghe bác gọi:

- Đại Hắc!

Tôi quay lại thì thấy Đại Hắc hớn hở từ một lối rẽ lao ra, rồi nó chợt sững lại, há hốc miệng, nhìn tôi trân trân, ánh mắt nó lộ vẻ kinh ngạc và mừng rỡ. Tôi tin là nó đang cười! Bởi vì đó chính là biểu cảm của nó khi cười!

Tôi ngồi xuống vẫy nó lại:

- Đại Hắc!

Đại Hắc cúi đầu, nhích về phía tôi. Đây là lần đầu tiên nó dụi đầu vào tay tôi.

Tôi bảo:

- Đại Hắc, em khỏe không?

Nó lại dụi đầu vào tay tôi.

Tôi đứng lên, bảo:

- Đại Hắc, lần sau chị sẽ đến thăm em!

Bác bảo vệ gọi:

- Đại Hắc, lại đây nào, chị phải về rồi!

Đại Hắc vẫy đuôi, tôi đi một bước, nó theo một bước, sau đó chúng tôi cùng ra khỏi tiểu khu. Tôi không dám đi tiếp, dừng lại, gọi:

- Đại Hắc, về đi!

Nhưng nó không chịu, nó lại sán đến dụi đầu vào người tôi.

Nước mắt tôi sắp rớt xuống. Tôi bảo:

- Đại Hắc, bây giờ chị không còn nhà nữa, em về đi, nhé!

Bác bảo vệ chạy đến, kéo Đại Hắc về. Bác nói:

- Đại Hắc chưa bao giờ ra khỏi tiểu khu, không biết hôm nay nó làm sao nữa?

Tôi không biết phải đi đâu, cứ thế đi lang thang đến khu quảng trường, ngồi thẩn thờ trên ghế băng. Di động rung lên, một số lạ.

Tôi bấm nghe, là bác bảo vệ:

- Cô ơi, tôi nhốt Đại Hắc trong phòng bảo vệ, nhưng nó cứ sủa ầm ĩ, đập thình thình vào cửa. Tôi không quát được nó, đành mở cửa, thế là nó lao đi như tên bắn, chớp mắt đã không thấy đâu. Tôi đoán, nó đi tìm cô. Loài chó cả đời chỉ chịu theo một người chủ, nếu có thể, cô hãy đưa nó đi cùng.

Bỏ điện thoại xuống, tôi dáo dác nhìn xung quanh, gọi lớn:

- Đại Hắc! Đại Hắc!

Rồi từ một góc khuất trên quảng trường rộng lớn, một chú chó đen thui chui ra, chầm chậm lại gần tôi, thân mật nằm bò xuống, gác đầu lên chân tôi. Tôi xoa đầu nó, nước mắt lã chã.

Điện thoại của tôi rung lên lần nữa, là một tin nhắn kèm hình ảnh. Ảnh chụp sổ hộ khẩu, cô tên tôi tên đó.

Bạn trai tôi gọi đến, nói:

- Hân Hân, chúng ta dằn vặt nhau nữa. Thực ra, sau hôm em bỏ đi, anh đã đi làm thủ tục đưa tên em vào sổ hộ khẩu. Anh vừa nhận được sổ. Em xem, anh bị đẩy đến bước đường cùng rồi, nếu em vẫn muốn bỏ anh, anh sẽ trắng tay. Mẹ cứ nằng nặc đòi về An Huy, anh thấy có lỗi với bà.

Tôi vừa khóc vừa nói:

- Cho đáng đời!

Anh ấy cũng khóc:

- Hân Hân, em đừng để mắt đến cái tên Lam công tử ấy nữa, được không?

- Em đang ở nhà Lam công tử đây này.

- Hân Hân, đừng thế mà, về với anh đi!

- Đồ điên! Lam công tử là Tiểu Mi, cô bạn thân của em, hiểu chưa?

- Hân Hân, bọn mình kết hôn nhé!

Tôi gật đầu như bổ củi:

- Vâng, anh bảo mẹ đừng về.

- Ừ.

Rồi tôi quay sang Đại Hắc và nói thêm:

- Và phải đón Đại Hắc về nhà.

Bạn trai tôi hỏi:

- Em đang ở đâu, anh đến đón.

Tôi đọc địa chỉ cho anh. Bỏ điện thoại xuống, tôi cảm thấy bầu trời trước mặt sao mà trong xanh, quang đãng đến thế! Tôi trỏ Đại Hắc, bảo;

Này, từ nay về sau, em sẽ là Lưu Đại Hắc.

Lưu Đại Hắc kêu lên: “Gâu gâu!”.

Lưu Hân Hân miệt mài kể câu chuyện của mình. Tôi đưa cho cô ấy một chai bia anh đào, và hỏi:

- Sau đó thì sao?

- Tháng sau chúng tôi sẽ về An Huy tổ chức đám cưới.

- Đại Hắc có được làm phù rể không?

- Đại Hắc chết rồi.

Tôi giật mình:

- Hả?

Lưu Hân Hân kể tiếp:

- Về nhà tôi được khoảng một tuần thì Đại Hắc không chịu ăn uống gì cả. Mẹ chồng tôi lo lắng cho nó còn hơn cả tôi. Bà mời mấy bác sỹ thú y đến nhà. Họ nói, Đại Hắc già ròi, nó đã chín tuổi, cơ quan nội tạng của nó không còn tốt nữa. Nó không có bệnh gì cả, chỉ là, nó sắp chết thôi, không cần lãng phí tiền thuốc thang làm gì. Nhưng mẹ chồng tôi vẫn bỏ ra hơn mười ngàn đồng, chỉ để Đại Hắc dễ chịu hơn.

Lưu Hân Hân lau nước mắt, nói:

- Tôi đi làm về, mẹ chồng tôi bảo, Đại Hắc không chịu ăn uống gì cả, nó rất mệt. Lúc tôi đi làm, nó vẫn gắng gượng bò ra cửa, và cứ ngồi đợi ở đó, chắc nó muốn đợi tôi về.

Nước mắt Lưu Hân Hân lã chã.

Ngày nào mẹ chồng tôi cũng nấu thịt kho Tàu, canh xương sườn, nhưng Đại Hắc phải đợi tôi về nhà mới chịu ăn chút ít. Tôi xoa đầu nó, cổ vũ: Lưu Đại Hắc, cố lên! Lưu Đại Hắc, cố lên, thì nó mới chịu ăn một chút, chỉ một chút, một chút thôi, rất ít.

Anh biết không, sau đó tôi xin nghỉ mấy ngày liền để ở nhà với Đại Hắc. Nó chết khi nằm cạnh tôi. Đầu nó gác trong tay tôi, nó liếm lòng bàn tay tôi, sau đó ngước lên nhìn tôi, hình như muốn nói: Em phải đi đây, chị đừng buồn!

Lưu Hân Hân đặt chai bia xuống, nói:

- Bây giờ nghĩ lại, vì sao hôm đó Đại Hắc muốn đuổi theo tôi, vì sao nó điên cuồng đòi thoát khỏi phòng bảo vệ, vì sao nó chạy một quãng xa như vậy đến tìm tôi, có phải vì nó biết mình sắp chết, nên muốn ở bên tôi lâu hơn không?

Tôi tặng cô ấy một tấm thiệp, trên đó viết: Tôi mong được bên bạn, nhưng nếu không thể, tôi sẽ tới một nơi mà bạn không thể nhìn thấy, và luôn dõi theo bạn.

Lưu Hân Hân nói:

- Cảm ơn anh. Tôi mến Mercy lắm, nhờ anh chuyển lời giùm.

Tôi gật đầu.

Cô ấy vừa đi khỏi, người quản lý quán lao ra, mắng:

- Ông chủ thật là, lại miễn phí bia, ông có biết quán bar này sắp phải đóng cửa không?

Tôi bảo:

- Ai bảo miễn phí, người ta tặng quà đây này.

Hân Hân tặng tôi bức ảnh chụp gia đình cô ấy. Đôi vợ chồng trẻ ôm trong lòng một chú chó to lông đen, người mẹ đứng bên cạnh tươi cười rạng rỡ.

Đằng sau bức ảnh là những nét chữ xinh xắn: Gia đình tôi.

/36

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status