Ngang Qua Thế Giới Của Em

Chương 21: Tranh cãi: Đôi khi chúng ta không thể kiềm chế.

/36


Bạn đã xóa tên người bạn từng yêu sâu đậm trong nhật ký?

Bạn bị xóa tên khỏi cuốn nhật ký của người bạn từng yêu sâu đậm?

Bạn bị xóa tên khỏi rất nhiều cuốn nhật ký?

Bạn nhiều lần nhớ về cái tên mà bạn đã xóa đi trong nhật ký của mình?

Giữa màn đêm thẳm sâu như mực, nhiều người đang khao khát một trận mưa rào xối xả trút vào lòng mình, để vằm nát những kẻ cứ ở lì trong đó không chịu biến đi.

1. Tuổi trẻ kỳ diệu.

Trong bầu không khí im ắng của mấy chục người thân, họ hàng đến dự đám cưới, chú rể Tiểu Sơn béo tròn, đen nhẻm, sốt sắng nắm tay cô dâu một mắt của mình, phấn khởi đưa vào buồng tân hôn. Mặt trời đã xuống núi, nơi đây không còn đèn đường, người nhà dòng dây điện ra ngoài, mắc mười mấy cái bóng đèn. Ánh đèn hiu hắt, vàng vọt lan trong không gian.

Tiểu học là giai đoạn khởi nguồn của công cuộc kết bè kết phái, bạn luôn muốn chiếm bằng được mọi thứ.

Ví như chơi bóng bàn chẳng hạn. Khi tiếng chuông báo hết giờ vừa điểm, cả lớp ùa ra như ong vỡ tổ, đứa nào nhanh chân hơn, sẽ chiếm được bàn bóng trước, những đứa đến sau muốn chơi phải nghe lời đứa đến đầu tiên. Nó có quyền chọn người chơi, và có quyền cho những đứa khác đứng vào vòng trong chờ đến lượt.

Lúc đầu, cứ đứa nào nhỏ con, chạy nhanh là thắng, đứa đó sẽ là bá chủ của bàn chơi bóng bàn vào mọi giờ ra chơi. Nhưng khi Tiểu Sơn chuyển đến học ở trường tôi thì “luật lệ giang hồ” ấy đã bị phá bỏ. Bởi vì, dù ai nhanh chân đến chiếm chỗ trước, thì sau cùng vẫn phải nhường quyền kiểm soát cho nó.

Lớn lên tôi mới biết, cái đó gọi là “uy”.

Khi ấy, thầy cô đặt biệt danh cho tôi là kẻ “đi đại tiện cũng phải tránh xa ba thước”. Có thể thấy, tôi là kẻ không mảy may có được cái thứ gọi là “uy” ấy, ngay cả sự hòa đồng tôi cũng không có.

Tôi ngồi ở hàng đầu, nên thi thoảng cũng chiếm được bàn bóng, nhưng từ khi Tiểu Sơn xuất hiện, tôi bị cắt đứt mọi cơ hội chơi bóng bàn.

Vậy là tôi chỉ có hai lựa chọn: Một là tuyên thệ trung thành với Tiểu Sơn, tình nguyện làm trâu ngựa cho nó. Hai là tôi phải lập bang phái riêng, đối đầu với nó.

Tôi đã vắt óc suy nghĩ rất lâu về điều này. Thực ra, tôi cũng có nhiều lợi thế lắm chứ. Lớp trưởng Mã Lợi là bạn nữ xinh đẹp, học giỏi nhất lớp, quyền uy chỉ xếp sau Tiểu Sơn. Không biết vì sao càng ngày bạn ấy càng tỏ ra thân thiện, niềm nở với tôi, lúc thì cho tôi cái bánh quy, khi thì cho tôi hột ô mai. Và còn nữa, tôi là người duy nhất đọc truyện tranh trong giờ ngủ trưa mà không bị bạn ấy ghi vào sổ.

Nhưng tôi ghét cay ghét đắng hai cái đuôi sam của bạn ấy. Bạn ấy ngồi ở hàng trước tôi, hai đuôi sam chốc chốc lại ngoe nguẩy trước mặt khiến tôi ngứa mắt, chỉ muốn cho chúng một mồi lửa!

Ngày lại ngày, tôi vẫn chỉ chen được vào vòng ngoài chờ đến lượt chơi bóng bàn, tôi tức muốn ói máu, nỗi oán hận khiến đầu óc tôi muốn vỡ tung. Vì thế tôi đã đưa ra một quyết định nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Tôi giới thiệu Mã Lợi kết bạn với Tiểu Sơn. Tôi bảo cậu ta, bạn Mã Lợi rất dễ thương, chi bằng hai bạn kết bạn đi. Tiểu Sơn vui hết biết. Hành động hạ lưu của tôi đã đổi được tình hữu nghị vô cùng vững chắc của Tiểu Sơn. Nhưng đồng thời, tôi bị tước đi cái quyền là người duy nhất được đọc truyện tranh trong giờ ngủ trưa mà không bị ghi vào sổ.

Tiểu Sơn tuyên bố, từ nay tôi là phó bang chủ, nắm giữ quyền hành ngang với nó, tức là đủ tư cách chọn người chơi bóng bàn.

Những năm tháng tiểu học sau đó, chúng tôi đã cùng chung hưởng vinh quang xán lạn và sự cung phụng của các bạn học khác.

Tất nhiên, những gì tôi có được, nhiều hơn gấp bội so với mấy cái bánh quy, mấy hột ô mai Mã Lợi cho tôi.

Đến năm đầu cấp hai, tôi dành toàn bộ thời gian cho bóng đá. Nhà Tiểu Sơn mở hàng cơm, cậu ta không đi học tiếp, ở nhà phụ việc và trở thành một thằng du đãng chính hiệu.

Cậu ta hẹn tôi đi chọc bi-a. Cả thị trấn chỉ có duy nhất một hàng bi-a, hàng đó cũng chỉ có duy nhất một bàn. Tôi mặc quần áo thể thao, cậu ta mặc quần áo giả da, hai chúng tôi đến quán bi-a thì thấy mấy học sinh cấp hai đang chơi rất vui vẻ.

Tiểu Sơn tháo găng tay, ngậm một điếu thuốc, chầm chậm đi đến trước mặt mấy học sinh cấp hai kia, lạnh lùng nói:

- Nhường đi!

Một thằng trong số đó liếc xéo cậu ta, rồi cũng bỏ thuốc ra châm.

Tiểu Sơn đập đập chiếc găng tay vào lòng bàn tay rồi thình lình vung lên, đập “bộp” một cái vào má thằng kia.

Thằng kia lập tức chảy máu mũi.

Những thằng còn lại điên tiết, cầm que chọc bi-a nhất tề xông lên.

Tiểu Sơn quát:

- Cấm động đậy!

Cậu ta cởi áo khoác, để lộ đôi tay trần và hình xăm núi lửa trước ngực.

Thời kỳ đó, ở nông thôn làm gì có kẻ nào dám xăm trổ? Đám kia trố mắt nhìn, rồi lẩm bẩm:

- Anh là Tiểu Sơn?

Tiểu Sơn mặc áo vào, nhổ đầu thuốc “phụt” một cái, lập tức có thằng chạy đến tiếp thuốc, cung kính phục dịch.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến cảnh tượng uy phong, lẫm liệt như vậy. Kể từ đó giấc mơ trở thành đàn anh của đám lau chau chốn thôn quê cứ trở đi trở lại trong đầu tôi suốt thời thơ ấu.

Về sau, chúng tôi thường xuyên đi chọc bi-a với nhau. Có lần đang đánh dở ván thì thằng đệ của Tiểu Sơn ở đâu hồng hộc chạy vào, hô hoán:

Anh Tiểu Sơn ơi, đội ba và đội sáu đánh nhau to rồi!

Đầu những năm 90 của thể kỷ XX, các thôn làng vẫn chia thành các đội sản xuất.

Đám đông có đến hơn trăm người, người nào người nấy tay lăm lăm cuốc xẻng, sào gậy, đứng xếp hàng trước vạch ranh giới giữa hai thôn, chửi bới inh ỏi.

Tôi lập tức nhận ra Mã Lợi máu me đầy đầu trong đám đông ấy.

Sau đó, Tiểu Sơn thét lên một tiếng, xông ra trận tiền.

Sau trận ẩu đả đáng sợ ấy, nhẩm tính kỹ, tôi chỉ gặp lại Tiểu Sơn tổng cộng có ba lần.

Ngày Quốc khánh năm kia, tôi về quê, lúc đi ngang qua một tiệm cơm ven đường quốc lộ, tôi nhác thấy một người đàn ông trung niên, cười thật tươi, ôm đứa bé trong lòng. Tôi ngập ngừng, gọi:

- Tiểu Sơn!

Cậu ta cười khách sáo, hỏi:

- Về bao giờ thế?

Tôi ở lại ăn cơm với cậu ta, đồ ăn cũng bình thường, chỉ có rượu là uống rất nhiều. Cậu ta biêng biêng kể lại:

- Cậu biết không, tôi đã ngồi tù bốn năm, nhưng ông trời đối với tôi không bạc.

Tôi quay lại nhìn Mã Lợi đang ôm đứa bé trong lòng, mắt trái của cô ấy không chút ánh sáng, mắt phải của cô ấy nhìn xuống đứa bé ngập tràn tình yêu và sự dịu dàng.

Hơn mười năm trước cô ấy đã phải đeo mắt giả bên trái.

Tôi cứ nghĩ mãi về điều này, vì sao Tiểu Sơn ở lì cái thị trấn bé nhỏ, lạc hậu ấy, cái nơi nghèo đói, thiếu văn hóa ấy, không chịu đi đâu. Phải rồi, cậu ta ở lại, để bảo vệ người phụ nữ một mắt của mình.

Còn những kẻ khác thì sao, những người bạn bỏ quê tha hương xứ người, đến nay có người đã ly hôn mấy lần, có người vẫn điên điên dại dại.

Rốt cuộc thì ai mới là người có trách nhiệm hơn với thế giới này?

Hãy trở lại với thời cấp hai của tôi, với hiện trường vụ ẩu đả kịch liệt năm đó.

Trong tiếng quát tháo inh ỏi của ông trưởng thôn, tôi nghe ra hai tiếng được lặp đi lặp lại nhiều lần, đó là “cưỡng dâm”. Hồi ấy tôi hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của hai từ này. Nghe những người xung quanh bàn tán, là một tên lưu manh ở đội sáu đã cưỡng bức một cô gái ở đội ba. Vì thế hai đội mới định thanh toán món nợ này, nhưng sự xuất hiện của cậu học sinh cấp hai Tiểu Sơn đã làm thay đổi cục diện.

Tiểu Sơn khi ấy mới mười lăm tuổi, chiều cao 1m77, cân nặng 40kg, cực kỳ nóng tính.

Tiểu Sơn là đứa cực kỳ nóng tính, cậu ta chỉ hòa nhã với một mình tôi.

Cho đến tận năm cuối bậc tiểu học, tôi vẫn sống trong nỗi ân hận sâu sắc đối với Tiểu Sơn.

Nhà trường tổ chức hội diễn văn nghệ chào mừng ngày khai trường, cũng là nhân dịp mừng Quốc khánh. Dưới sự dẫn dắt của các thầy cô, chúng tôi tập kịch Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.

Tuy vừa cao lớn vừa béo tốt, nhưng vì là bang chủ, Tiểu Sơn nghiễm nhiên được đóng vai chính Lương Sơn Bá. Tôi là phó bang chủ, nên vinh hạnh nhận vai Mã Văn Tài, chủ yếu là làm nền cho hình tượng của bang chủ.

Mã Lệ đóng Chúc Anh Đài.

Lúc tập kịch, mọi việc diễn ra hết sức suôn sẻ, nhưng đến khi vào diễn chính thức, với sự hiện diện của thầy hiệu trưởng, các giáo viên trong trường và học sinh toàn trường, thì vở diễn đã tan tành.

Lương Sơn Bá viếng thăm gia đình Chúc Anh Đài, gặp lúc Mã Văn Tài đến xin cưới hỏi. Lương Sơn Bá thấy tình hình không ổn, cũng đòi xin cưới. Hai bên cùng quỳ xuống trước mặt Chúc Anh Đài, tay cầm văn thư, chân đá nhau chan chát.

Khán giả cười như nắc nẻ.

Chúc Anh Đài chọn văn thư của Mã Văn Tài.

Khán giả im phăng phắc.

Giáo viên phụ trách cuống quýt đứng lên, hoa chân múa tay: Nhầm rồi, nhầm rồi!

Thế là khán giả ở dưới lại cười ồ lên.

Chúc Anh Đài rơm rớm nước mắt, kiên quyết chọn văn thư của Mã Văn Tài, nắm chặt không chịu buông, và thà chết không chịu nhận văn thư của Lương Sơn Bá.

Thỉnh thoảng đi chọc bi-a, tôi và Tiểu Sơn lại nhắc đến chuyện này. Cậu ta khoác vai tôi, cười thoải mái:

- Anh em với nhau cả, chuyện đã qua thì cho qua luôn. Vả lại, hồi đó cả ba chúng ta đều bị đuổi khỏi sân khấu, cả ba đều xấu hổ mà.

Theo những gì tôi biết thì sau khi tốt nghiệp tiểu học, Tiểu Sơn và Mã Lợi không hề qua lại với nhau. Mãi đến trận ẩu đả của đội ba và đội sáu năm ấy, khi những người nông dân hăng máu xông vào nhau thì hậu quả là có hai người bị trọng thương.

Mã Lợi là một trong số đó.

Cô ấy bị đâm mù mắt trái.

Một kẻ khác là tên “Chó điên” nức tiếng của đội ba. Gã đó từ nhỏ đã có vấn đề về thần kinh, không ai dám động vào gã. Gã nhỉnh hơn bọn tôi bốn, năm tuổi, không thèm đi học. Ai không may làm đổ bờ tường trát bùn nhà gã hoặc giẫm nát hoa màu nhà gã thì gã sẽ xách dao phay xông đến nhà người đó, rượt đuổi đâm chém họ suốt một tuần liền.

Chó điên đâm mù mắt Mã Lợi.

Vì thế Tiểu Sơn mới tháo xích xe máy, đập túi bụi vào người gã. Cứ nhằm đầu gã mà nện.

Chó điên không chết, và tôi cũng không rõ gã nằm viện mất bao lâu, vì năm lớp bảy tôi phải chuyển trường. Tôi chuyển đến một nơi còn quê mùa, lạc hậu hơn cả quê tôi, nơi đó thậm chí không đủ tiêu chuẩn để lên cấp thị trấn, vẫn gọi là xã Kim Lạc. Chỉ vì nghe nói ở đó tỷ lệ học sinh đỗ vào cấp ba rất cao, nên mẹ tận dụng mọi mối quan hệ, chuyển tôi đến đó học.

Xã hội đen ở xã này không phát triển cho lắm, nhờ vậy bầu không khí học tập trong trường rất sôi nổi. Chỉ một chiếc xe cà tàng của tôi cũng đã trở thành tâm điểm của toàn trường. Ngồi hàng ghế sau tôi là hai bạn nữ. Các bạn được gia đình đóng tiền ăn cố định cho nhà ăn của trường nên suất ăn của các bạn phong phú hơn những người khác, bữa trưa mà có cả món măng tây xào thịt. Họ mời tôi nhưng tôi từ chối.

Tôi nghĩ, nếu nhận ân huệ của phụ nữ, bạn sẽ phải trả giá rất thê thảm. Quan điểm này của tôi vẫn được duy trì cho đến tận bây giờ. Người ta tốt với bạn một, bạn phải tốt với người ta mười hoặc hơn, nếu không về sau bạn sẽ phải sống trong nỗi cắn dứt suốt đời.

Bạn nữ vừa nhận lấy suất ăn của mình thì một tên con trai lớp trên ở đâu chen vào, giằng lấy đồ ăn của bạn nữ. Tôi còn nhớ như in đó là bát thịt nấu khoai sọ. Bạn gái nhẹ nhàng bảo:

- Trả lại cho tôi.

- Tên kia bốc một miếng bỏ vào miệng, cười khiêu khích.

- Không trả.

Bạn nữ rơm rớm nước mắt, mím môi chực khóc. Thời đại nào rồi mà còn cãi nhau vì miếng ăn thế này!

Tôi bước tới, nhưng tôi không oai phong lẫm liệt như Tiểu Sơn, tôi không có găng tay để tháo, tôi chỉ đơn giản là úp cả đĩa cơm vào mặt tên kia, và giành lại bát thịt nấu khoai cho bạn nữ.

Tên kia túm cổ áo tôi, hắn cao hơn tôi nửa cái đầu. Tôi rút cái bút máy gài ở túi áo ngực, dùng miệng mở nắp rồi dí sát vào yết hầu tên kia. Hắn tái mặt, xoay người bỏ chạy.

Bài kiểm tra giữa học kỳ môn tiếng Anh, vì không nhớ hết hai mươi sáu chữ cái, tôi ngồi thẫn thờ nhìn tờ giấy trắng. Bàn dưới ném một mẩu giấy cho tôi, là đáp án của bài trắc nghiệm. Phút giây này đã mở màn cho chuỗi lịch sử coi cóp hào hùng trong đời học sinh của tôi. Nhưng đó là một khởi đầu không mấy tốt đẹp. Vì tôi vừa chép được một nửa thì cô giám thị chạy vào, chìa tay ra, yêu cầu tôi giao nộp tờ giấy. Tôi liếc cô giám thị một cái, chầm chậm bỏ tờ giấy vào miệng, ra sức nuốt.

Cô giám thị mặt đỏ tía tai, tay run run, trỏ mặt tôi tuyên bố:

- Cho em 0 điểm! Tôi sẽ báo cáo lên hiệu trưởng, em cứ chờ mà học lại lớp sáu đi!

Bạn nữ bàn dưới run run đứng lên, lí nhí thưa:

- Thưa cô, bạn ấy không gian lận, đó là thư tình em viết cho bạn ấy.

Tôi đã trải qua nhiều lần xúc động nghẹn ngào, và đây là một trong số đó. Tiếc rằng, tôi đã quên bạn gái đó. Bởi vì, chỉ vài ngày sau tôi lại phải chuyển trường.

Tôi chuyển đến trường cấp hai mà mẹ tôi làm hiệu trưởng. Tôi ngồi cùng bàn với Trương Bình. Tôi đã mất nửa học kỳ để học cấp tốc chương trình của hai năm trước đó. Sau đó, tôi lại phải gồng mình để đuổi theo các bạn cùng lớp. Vậy mà cuối cùng tôi cũng thi đỗ vào trường cấp ba tốt nhất của thành phố.

Trường cấp ba cách nhà hai mươi cây số, tôi phải ở nhờ nhà dì. Trong thời gian đó, tôi đã lén xin nghỉ học, đạp xe về quê để dự một đám cưới khó quên trong đời.

Đó là đám cưới của Tiểu Sơn và Mã Lợi.

Ở nông thôn, nhà nào có đám cưới cũng đều sang hàng xóm mượn bàn ghế, bát đũa, cốc chén. Rồi họ san phẳng một mảnh ruộng đã thu hoạch hoa màu, mời một vài người nấu bếp, nấu đủ các món trên đời. Bà con chòm xóm, họ hàng thân thích, ai đến dự là vào thẳng mâm cỗ.

Đội nhạc sẽ khua chiêng, gõ trống, thổi kèn, rất vui.

Có lẽ gia đình Tiểu Sơn đã phải bỏ ra khoản tích cóp không nhỏ, vì tôi thấy họ san phẳng cả một thửa ruộng rất rộng, bày bốn chục mâm cỗ. Nhưng khách khứa thì thưa thớt, chỉ ngồi đủ chục mâm.

Hàng dãy dài những đĩa thức ăn xếp lên chờ khách, nhưng không thấy khách đâu.

Bà cô của Tiểu Sơn gạt lệ, nói với tôi:

- Nó đánh thằng chó điên thành tàn phế, nên phải bỏ trốn. Hơn ba năm, không ai trong gia đình có tin tức gì của nó. Sau đó, nghe nói chỉ viết thư cho một mình Mã Lợi. Thế là họ hàng mới thuyết phục Mã Lợi viết thư, khuyên nó về làng đầu thú.

Mã Lợi đã viết thư, Tiểu Sơn đã về làng và ra đầu thú.

Sau đám cưới này hai ngày cậu ta sẽ ra đầu thú.

Cậu ta là hung thủ, là tội phạm. Những người nông dân chân chất, họ nhát gan và suy nghĩ đơn giản, họ không muốn dính líu đến tội phạm, vì họ sợ đen đủi. Đám cưới này trong mắt họ là một điều gì đó thật tệ hại, thật ô uế.

Trong bầu không khí im ắng của mấy chục người thân, họ hàng đến dự đám cưới, chú rể Tiểu Sơn béo tròn, đen nhẻm vận bộ âu phục cũ kỹ, gương mặt tràn đầy hạnh phúc khi đốt bánh pháo. Cô dâu đã tới, một chiếc xe ô tô đời cũ đậu bên bờ ruộng.

Trong không khí im ắng của mấy chục người thân, họ hàng đến dự đám cưới, chú rể Tiểu Sơn béo tròn, đen nhẻm sốt sắng nắm tay cô dâu một mắt của mình, phấn khởi đưa vào buồng tân hôn.

Mặt trời đã xuống núi, nơi đây không còn đèn đường, người nhà dòng dây điện ra ngoài, mắc mười mấy cái bóng. Ánh đèn hiu hắt, vàng vọt lan trong không gian.

Người ta xì xào bàn tán ở những bàn xung quanh. Tôi gạt nước mắt, xách hai chai rượu vào buồng tân hôn, đưa một chai cho Tiểu Sơn. Chúng tôi chạm chai uống cạn.

Tiểu Sơn nhìn tôi cười. Tôi không lý giải nổi nụ cười của cậu ta hàm chứa những cảm xúc gì: mệt nhoài, hân hoan, đau buồn, phẫn nộ và có cả sự mãn nguyện bình dị, một sự giải thoát nhẹ nhàng.

Tôi chỉ có thể đập vỡ chai rượu, cưỡi xe đạp, vượt qua hai mươi cây số để về lại trường học.

Con gái Tiểu Sơn tên là Tiểu Lợi. Năm kia, khi tôi đi ăn cơm ở quán cơm nhà cậu ấy, con bé được hai tuổi. Tiểu Sơn ngồi tù năm 1997 ra tù năm 2001. Nhà cậu ta đã phải bán quán cơm để bồi thường cho gia đình Chó điên.

Tiểu Sơn ra tù, chứng kiến cảnh nhà kiệt quệ, không có bất cứ nguồn thu nào, phải đem cho thuê ba gian nhà, bố mẹ cậu ta và Mã Lợi chen chúc trong một gian nhỏ.

Cậu ta uống rượu suốt mấy ngày liền, sau đó đòi ly hôn Mã Lợi. Rồi cậu ta vay mượn được ít tiền, để lại cho cha mẹ, còn mình thì bắt tàu hỏa đi Thiên Tân kiếm việc.

Trên đường đi cậu ta rẽ qua Nam Kinh, tôi mời cậu ta một bữa cơm.

Tiểu Sơn mặc áo cộc tay, phanh ngực để lộ hình xăm núi lửa. Cậu ta tu rượu ừng ực, hai chúng tôi chuyện phiếm với nhau.

Tôi hỏi:

- Cậu định làm gì ở Thiên Tân?

Cậu ta đáp:

- Vận chuyển hàng hóa, cố gắng kiếm tiền về chuộc lại quán cơm.

- Còn Mã Lợi thì sao?

- Tôi nợ cô ấy, bây giờ không trả được, nhưng bất kể ngày sau cô ấy lấy ai, tôi cũng sẽ đem về cho cô ấy một khoản. Đàn ông đàn ang không nên để nợ người khác, càng không nên nợ phụ nữ.

Tôi đã nợ mấy người phụ nữ, nên không đủ tư cách xen vào, đành tu ừng ực cạn nửa chai rượu.

Cậu ta đập vỡ chai rượu trống không, khoác cái túi nát bươm lên vai, nói:

- Không cần tiễn.

Rồi đi mất.

Chín năm sau đó chúng tôi không gặp lại nhau.

Bởi vì, nhà tôi đã chuyển lên thành phố, tôi ít có cơ hội về quê. Mãi đến dịp Quốc khánh vừa rồi, tôi mới về thăm họ hàng, tình cờ ngang qua quán cơm ngày nào, tôi nhận ra nó đã thuộc về Tiểu Sơn.

Gặp lại cậu ta tôi mới biết, Mã Lợi không lấy ai khác, đến năm 2007 họ cưới nhau lần hai, năm 2010 bé Tiểu Lợi được hai tuổi.

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi chẳng qua chỉ là một ngôi sao nhỏ bé, mờ mịt trong cuộc đời họ.

Tôi là cái tên trong quyển sổ ghi những kẻ không chịu ngủ trưa của bạn lớp trưởng hồi tiểu học. Tôi là tờ giấy ghi đáp án tôi đã nuốt vào bụng khi bị cô giám thị phát hiện. Tôi là kẻ đạp xe vượt hai mươi cây số từ trường về quê dự đám cưới của người bạn cấp một.

Lương Sơn Bá không hề quỳ xuống, cậu ta đã bỏ Chúc Anh Đài. Nhưng Chúc Anh Đài không đi đâu cả, cô ấy vẫn ở nơi cũ, ngóng đợi Lương Sơn Bá mỏi mòn, chờ đợi cho đến khi cậu ta quay lại.

Tôi có cái may mắn được tham dự một trong hai đám cưới của họ. Đó là đám cưới trong bầu không khí im ắng của mấy chục người thân, họ hàng, chú rể Tiêu Sơn béo tròn, đen nhẻm, sốt sắng nắm tay cô dâu một mắt của mìn, phấn khởi đưa vào buồng tân hôn.

Mặt trời đã xuống núi, nơi đây không có đèn đường, người nhà dòng dây điện ra ngoài, mắc mười mấy cái bóng. Ánh đèn hiu hắt, vàng vọt lan trong không gian.

Lần thứ hai, nghe nói họ không tổ chức gì cả. Nhưng họ không cảm thấy hối tiếc.

Về phần Mã Văn Tài, anh ta không còn là nhân vật quan trọng trong câu chuyện đó nữa.

Và còn rất nhiều những người bạn thuở thiếu thời khác nữa của tôi, họ giống như chòm sao Chổi, quét qua cuộc đời tôi, có người tối tăm, mờ mịt, có người rực rỡ, huy hoàng. Từ đây, họ sẽ lần lượt xuất hiện trong cuốn sách này.

/36

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status