Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Chương 2

/10


Ngược dòng nước mắt

Thưa người, nước mắt chảy xuôi

Giọt mưa rơi xuống từ trời, nghìn xưa

SƯƠNG MAI

Mỗi lần vào nhà sách, chúng ta lại thấy xếp hàng dài trên giá những cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ. Từ Tâm lý trẻ con tuổi chập chững cho đến Bảy bí mật của tuổi mới lớn, Teen cần gì ở cha mẹ?... Nhìn vào đó, em sẽ thấy rằng lứa tuổi em ngày nay đang được cha mẹ tìm hiểu hoặc cố gắng để tìm hiểu một cách kỹ càng. Vì yêu thương và để biết yêu thương đúng cách.

Nhưng còn những người con thì sao? Có bao giờ em nghĩ đến việc tìm đọc những cuốn sách viết về tâm lý của người làm cha mẹ? Ai cũng biết làm cha mẹ là một việc khó khăn. Vậy phải chăng chúng ta đã, đang làm con quá dễ dàng, bằng cách biện hộ “rằng thì là” nước mắt chảy xuôi, nên không cần quan tâm đến nỗi lòng cha mẹ?

Chẳng phải chúng ta vẫn thường thốt lên câu “không thể hiểu nổi” đó sao? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại không chấp nhận bạn bè con, không thấu hiểu mong muốn của con, đòi hỏi quá sức con, la mắng trách phạt con? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại luôn cáu gắt với nhau, cãi vã nhau hoài? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ chỉ quan tâm đến tiền bạc, chỉ biết cắm đầu vào công việc làm ăn? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại phải chia tay, để gia đình mình tan vỡ?

Chúng ta đã luôn đặt câu hỏi tại sao, và câu trả lời thường là “Khi nào con lớn, con có gia đình, con cái, con sẽ hiểu lòng cha mẹ?” Tại sao phải đợi đến lúc đó mà không phải là bây giờ. Cả chuyện đó nữa cũng là một câu hỏi.

Tôi nhớ một ngày nọ khi tôi còn nhỏ, tôi không chịu đi học và cứ lải nhải nhắc mẹ hôm nay là hạn chót phải nộp học phí mẹ ngần ngừ bảo tôi cứ đi học, nói cô giáo thông cảm gia hạn thêm đến ngày mai. Tôi năn nỉ thế nào mẹ cũng không chịu đưa tiền. Buồn tủi và xấu hổ trước viễn cảnh cả lớp đã đóng học phí còn tôi thì chưa, tôi đành liều đi vay tiền của một người quen để đóng, định bụng khi nào mẹ đưa tiền thì tôi sẽ trả. Hôm sau, khi biết chuyện, mẹ về nhà với đôi mắt đỏ hoe và đánh đòn tôi một trận thật đau. Tôi giận mẹ suốt mấy tháng trời. Tôi không hiểu nổi mình đã làm gì sai vì tôi chỉ mượn chứ không trộm cắp của ai, và trước sau gì mẹ cũng phải đưa tôi tiền đóng học phí. Giá như lúc đó tôi hiểu được nỗi buồn của mẹ. Giá như lúc đó tôi biết đến nỗi khó khoăn và cả lòng tự trọng của mẹ. Giá như lúc đó, chứ không phải đợi đến mười lăm năm sau, tôi mới biết mẹ đã phải bán đi chiếc nhẫn cưới để lấy tiền đóng học phí cho tôi. Nhưng tại sao mẹ không muốn tôi biết, nỗi lòng ấy tôi ước gì khi đó mình có thể hiểu.

Và còn nỗi lòng của những người có thể về nhà buổi chiều kia với vẻ mặt thất thần, trên tay cầm tờ báo đưa tin chứng khoán sụt giảm, giá vàng lên. Những người phải xoay sở vất vả trong mớ bong bong quan hệ với đồng nghiệp, với chồng, vợ, con cái, ông bà, anh chị, bà con họ hàng gần xa… Những người mẹ đồng thời là người vợ bắt con cái nhịn đói thêm một chút để đợi chồng về muộn. Những ngươi cha đồng thời là người làm công ở trong tâm trạng cáu gắt vì sức ép công việc. Những người bị bao vây từ nỗi lo toan về việc phải làm sao để có một mái nhà ấm êm, một ngàn khoản cho con du học, đến những cơn cáu giận không thể kiềm chế khi con về khuya, hay lười học. Tâm lý đó chắc cũng phức tạp không kém lứa tuổi dậy thì, cũng cần phải hiểu và cảm thông.

Bởi đối với chúng ta, cha mẹ đâu chỉ có Công, có Nghĩa, có Tình yêu không cần đáp trả. Cha mẹ còn có nỗi lòng, những dằn vặt, những diễn biến tâm lý khác nhau trong từng giai đoạn khó khăn khác nhau của một kiếp làm người. Có đáng để tìm hiểu không em? Có đáng để chúng ta lội ngược một dòng nước mắt? Vì yêu thương. Và để biết đón nhận tình yêu thương đúng cách.

Chúng ta chẳng có nơi nào khác để đi…

Cách đây 10 năm, trong một đêm hiếm hoi Sài Gòn se lạnh, tôi quấn mình trong chăn nằm nghe bài Earth Song của Michael Jackson bằng chiếc máy Walkman nhỏ, bất chợt thấy tim mình thắt lại. Tôi hình dung con kênh Nhiêu Lộc đen ngập rác chạy quanh thành phố, nhớ những vạt rừng trơ gốc trên đường đi công tác, những chiếc xe khách cũ kỹ phả khói đen kịt lên trời…

Vậy mà đã mười năm…

Hôm qua, một người bạn trẻ gửi cho tôi đường link bài Earth Song trên Youtube, kèm theo một đoạn trích trong bản báo cáo dài 570 trang mang tên “Viễn cảnh môi trường toàn cầu lần thứ tư” (viết tắt là GEO-4) của chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) công bố vào tháng 10/2007. Trong đó có đoạn: “Trái đất đã trải qua 5 cuộc tuyệt chủng lớn trong 450 triệu năm qua, sự kiện gần nhất xảy ra cách đây 65 triệu năm. Và cuộc tuyệt chủng qui mô lớn lần thứ 6 đang diễn ra - lần này là do chính hành vi của con người gây ra”.

Tôi nghe lại Earth Song, nhận ra rằng những cảm xúc mà bài hát này khơi dậy trong tôi chưa bao giờ cũ. Chỉ có những day dứt hôm nay làm tôi xót xa hơn ngày xưa. Ngay bên ngoài khung cửa kia là bầu không khí đặc quánh khói bụi, trong cái nóng oi bức trái mùa. Chợt nhớ một câu trích của Margaret Mead: “Chúng ta chẳng còn nơi nào khác để đi… Trái đất này là tất cả những gì chúng ta có”.

Con người chắc hẳn không mong như vậy. Các nhà khoa học thậm chí đã lên kế hoạch xây dựng một căn cứ bảo tồn AND trên Mặt trăng để duy trì sự sống trên Trái đất, và cải tạo sao Hỏa để loài người có thể di cư đến đó một khi thảm họa tuyệt chủng xảy ra.

Nhưng cho đến lúc ước mơ ấy thành hiện thực, chúng ta thật sự không có nơi nào khác để đi cả. Chúng ta đang phải đối diện với thực tế rằng ở khắp nơi đang bị xói mòn do nạn chặt phá rừng. Các cơn bão ngày càng mạnh lên. Hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng tại nhiều nơi trên thế giới, trong khi mùa lũ và gió bão liên tục tấn công nhiều nơi khác. Nhiệt độ năm sau luôn cao hơn năm trước. Thậm chí có nơi tuyết đã không còn rơi vào mùa đông nữa. Trái đất nóng lên làm cho băng ở hai cực tan ngày càng nhanh, mực nước biển đang dâng cao.

Các nhà khoa học đã cảnh báo nếu băng ở hai cực tan hết thì mực nước biển có thể dâng lên 80m, đủ nhấn chìm hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Và Việt Nam, lúc đó sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi thế, trong bài báo cáo GEO-4 nhấn mạnh một thông điệp khẩn thiết:

“Cứu lấy hành tinh: Bây giờ hoặc không bao giờ!”

Bây giờ hoặc không bao giờ, bạn có thể cứu hành tinh này, chúng ta có thể cứu hành tinh này bằng những việc rất nhỏ, như trồng một cái cây, tắt điện khi không sử dụng, đi xe đạp thay vì xe máy, không xài phí giấy vở, đừng vứt rác bừa bãi, dùng những vật liệu có thể tái chế…

Suốt mấy tháng nay, trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn, tôi nhìn thấy một số teen Việt khóc trên mình chiếc túi “I’m not a Plastic Bag”, những chiếc áo thun có in dòng chữ “I love the Earth”, “I love Green”.

Tôi mong rằng, bạn không mang chúng như một vật trang sức theo phong trào mà như sứ giả nhỏ bé của thiên nhiên. Với một ý thức mạnh mẽ. Với một thông điệp rõ ràng. Để nói ràng bạn không thờ ơ. Để nói rằng bạn yêu Trái đất này và bạn thực sự muốn cứu lấy hành tinh xanh của chúng ta…

Bởi vũ trụ bao la, nhưng một hành tinh đẹp như Trái đất thì không dễ tìm thấy.

Những gạch nối từ quá khứ

Có lần, tôi đọc được trên Internet một tin ngộ nghĩnh. Một phụ nữ người Ba Lan tên là Agat Czemierys đã đăng quảng cáo với nội dung: “Chúng tôi muốn nhận nuôi một ông hay bà, người sẽ sống, tận hưởng các kỳ nghỉ mùa hè và đi mua sắm cùng chúng tôi suốt đời. Không ràng buộc về tiền bạc, chỉ có tình thương”. Kết quả Agat đã nhận được hàng ngàn thư trả lời từ các cụ già trên khắp Ba Lan, mong được làm ông bà cho các con của cô.

Câu chuyện đó làm tôi nhớ bà ngoại của mình quá đỗi. Tôi nhớ những ngày ngồi gọt cau với bà, lấy vỏ cau kết thành những chiếc thuyền thúng nhỏ xinh xinh. Bên thềm nhà, tôi gối đầu lên đùi bà, mắt lim dim ngủ trong làn gió mát thổi từ vườn và giọng bà khe khẽ kể chuyện thời con gái. Những khuôn phép đạo đức, những cách thức ứng xử hàng ngày được bà chỉ dạy qua những buổi trưa êm đềm với giọng thì thầm theo cách mưa dầm thấm lâu như vậy.

Nhà văn Louisa May Alcott viết rằng: “Mỗi ngôi nhà cần có một người bà trong đó”. Tại sao vậy? Tại sao mỗi khi nhớ về thời ấu thơ, ký ức về ông bà luôn là ký ức êm đềm nhất? Tại sao khi đến tuổi dậy thì, con cái thường cãi lời cha mẹ nhưng lại sẵn sàng nghe lời ông bà? Tại sao cũng xuất phát từ yêu thương nhưng cha mẹ thường trách mắng còn ông bà lại có thể bao dung? Tại sao có những chuyện ta không thể kể với cha mẹ nhưng sẵn sàng tâm sự với ông nội hay bà ngoại?

Có khi nào bạn tự hỏi điều đó?

Mỗi thế hệ đều có vai trò của mình. Có lẽ ông bà không còn phải chịu gánh nặng của cuộc mưu sinh như cha mẹ chúng ta, cũng không bị sức ép bởi trách nhiệm phải dạy dỗ ta nên người. Ông bà có sự thông thái và lòng kiên nhẫn của người đã trải nghiệm. Sự nhẫn nại và dịu dàng của người đã đi qua quãng đường dài. Luôn có một đoạn đường mà cha mẹ chúng ta chưa đi qua. Và ông bà ở đó, để yêu thương, nuông chiều và đôi khi làm hư hỏng chúng ta, với một tình yêu vô điều kiện.

Đôi khi, có những mâu thuẫn xảy ra giữa cách giáo dục nghiêm khắc của ba mẹ và sự chiều chuộng của ông bà. Nhưng khi lớn lên, bạn nhìn lại thời ấu thơ và sẽ hiểu rằng: nhân cách của mình đã được hình thành nhờ cả hai điều đó, nhờ sự cân bằng của cả hai. Quả thật, ai có được cha mẹ nghiêm khắc và ông bà nuông chiều, quả là hạnh phúc lớn lao.

Do cuộc sống bận rộn, không có thời gian chăm sóc thế hệ già nên người Nhật đã chế tạo robot Snuggling Ifbot có khả năng nói chuyện như một đứa cháu lên 5 tuổi để bầu bạn với người già. Nhưng chỉ sau một tháng, sản phẩm này đã trở nên ế hàng. Bởi ông bà của chúng ta không cần một người máy giúp họ “kích thích não hoạt động và tránh được bệnh hay quên”. Robot không biết lắng nghe, không biết hỏi chuyện ngày xưa, cũng không biết vòi vĩnh và đón nhận tình yêu từ ông bà. Trong khi, đó mới chính là cái mà ông bà cần ở những đứa cháu.

Ông bà chính là những chứng nhân đầy yêu thương, là một dấu gạch nối giữa chúng ta với quá khứ. Thế hệ ông bà cũng như cái rễ cây vậy. Bạn không nhìn thấy rễ cây, nhưng bạn biết rằng rễ luôn hiện hữu ở đó, là nguồn gốc của nhựa sống, là nơi khởi đầu của những chiếc lá non. Vì vậy, hãy kính trọng ông bà. Dù gặp ông bà ở đâu, trong gia đình hay viện dưỡng lão, hay thậm chí khi nhìn thấy ông bà trên đường, dù là ông bà của bất cứ ai, cũng đừng hờ hững đi qua mà không cúi đầu chào. Với lòng biết ơn.

“Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng”

Cách đây không lâu, Lê Thị Hà Tuyên - cô học trò 18 tuổi ở thị trấn Tuy Hòa (Phú Yên) - bị tai nạn do nổ bình gas tại phòng trọ. Cô bị phỏng toàn thân tới 66% và các bác sĩ tiên lượng khó qua khỏi. Quyết cứu lấy đứa con thương yêu, ba Tuyên đã đưa cô vào bệnh viện Chợ Rẫy và xin các bác sĩ phẫu thuật lấy da ở hai đùi mình để ghép cho con.

Những ngày này, người cha ấy vẫn đang lê lết đôi chân rỉ máu để chăm con.

Đó là một trong nhiều người cha mà tôi biết.

***

Nhà văn Jean - Louis Fournier trong tự truyện Ba ơi mình đi đâu? đã viết:

“Hồi còn trẻ, tôi thường ao ước về sau sinh được một lũ con. Tôi thấy mình vừa hát vừa leo lên những dãy núi, vượt qua các đại dương cùng những thủy thủ bé nhỏ nom rất giống tôi, đi khắp thế giới với phía sau là một bầy trẻ con vui vẻ, tò mò, ánh mắt sống động, những đứa trẻ sẽ được tôi dạy thật nhiều điều, tên gọi của cây cối, chim muông và các vì sao. Những đứa trẻ sẽ được tôi dạy chơi bóng rổ và bóng chuyền, những đứa trẻ sẽ cùng tôi thi đấu và không phải trận nào tôi cũng thắng”.

Giấc mơ đó chắc cũng giống giấc mơ của bất cứ người đàn ông nào.

Jean - Louis Fournier có đến hai đứa con trai thiểu năng và “tật nguyền vĩnh viễn”. Mathieu đã chết và Thomas mãi đến ba mươi tuổi vẫn chỉ có thể lặp đi lặp lại hàng chục câu hỏi: “Ba ơi mình đi đâu?”

“Những ai chưa từng sợ có một đứa con bất thường hãy giơ tay.

Chẳng có ai giơ tay cả.

Mọi người đều nghĩ đến chuyện đó như nghĩ đến một trận động đất, như nghĩ đến ngày tận thế, thứ gì đó chỉ xảy ra một lần.

Tôi có đến hai ngày tận thế.”

Những người đàn ông trở thành người cha không chỉ để hiện thực hóa ước mơ, mà còn để gánh vác trách nhiệm, nỗi lo lắng, đôi khi cả sự đau đớn và tuyệt vọng.

***

Tôi nhớ lúc nhỏ có lần phạm tội, mẹ phạt quỳ úp mặt vào tường suốt hai tiếng đồng hồ. Khi đi làm về, nghe mẹ kể lại, ba đã gọi tôi đến và nói: “Trở thành người như thế nào là tự do của con. Trở thành người tốt hay người xấu là tự do tuyệt đối của con. Con có toàn quyền lựa chọn cho cuộc đời mình. Ba mẹ yêu thương con không phải vì con ngoan mà vì con là con của ba mẹ, bởi vậy kể cả khi con trở thành một người xấu, một kẻ dối trá hay thậm chí trộm cắp, thì tình yêu của ba mẹ dành cho con vẫn không thay đổi. Nhưng ba muốn con biết rằng ba mẹ sẽ rất hạnh phúc và tự hào nếu con trở thành một người chính trực và biết yêu thương”.

Đó là lý do đầu tiên để tôi muốn trở thành một người chính trực và biết yêu thương. Thậm chí, tôi chỉ cần một lý do đó mà thôi.

Kinh Talmud viết: “Khi người dạy con trai mình, tức là người dạy con trai của con trai người”. Bởi thế, hiển nhiên là tôi cũng sẽ nói với con tôi những lời ba tôi đã nói.

***

Ngạn ngữ Anh chép rằng: “Một người cha hơn một trăm ông thầy”. Còn Sigmund Freud thì nói: “Tôi không thể nghĩ ra nhu cầu nào trong thời thơ ấu mạnh mẽ hơn nhu cầu có được sự bảo vệ của một người cha”.

Ai cũng có thể dạy một cậu con trai mới lớn lái xe hoặc mở bugi bị ướt ra lau khi đi qua quãng đường ngập nước. Nhưng thật đặc biệt khi cậu học những điều đó từ chính cha mình.

Ai cũng có thể dạy một cậu bé đá bóng và vẽ tranh. Ai cũng có thể đọc cho cậu bé nghe một cuốn sách hay kể chuyện trước khi ngủ. Ai cũng có thể trả lời những câu hỏi ngây thơ, tò mò và không ngừng nghỉ của cậu. Nhưng đó sẽ là những giây phút thần tiên nếu nó được một người cha thực hiện. Khi cậu có thể nằm trong lòng, gác chân lên bụng cha và cười khúc khích.

Và mẹ cậu sẽ bảo trông hai cha con giống nhau như hai hình vuông, hai hình tròn, hai ngôi sao, hai trái tim, hai giọt nước hay hai tam giác đồng dạng. Dù là gì thì cũng giống nhau một cách ngộ nghĩnh.

Và người ta nói đó là bằng chứng hiển nhiên nhất của sự tiếp nối.

***

Cha mẹ yêu thương chúng ta, và chúng ta yêu thương con cái mình bất kể giới tính. Nhưng có một điều chắc chắn là cha mẹ luôn chia sẻ điều gì đó đặc biệt hơn, sâu sắc hơn với những đứa con cùng phái tính với mình. Như mẹ và con gái, cha và con trai.

Cha và con gái là một tình cảm ngọt ngào, thậm chí dễ cảm nhận hơn tình cảm giữa cha và con trai. Một đứa con gái với những lọn tóc mềm và giọng nói nũng nịu có thể làm trái tim người cha tan chảy. Chỉ những cô con gái mới khiến người cha trở nên mềm mỏng và dịu dàng “Con gái rượu của ba!”. Còn những cậu con trai luôn ít có dịp được tận hưởng sự dịu dàng đó từ cha, mà trái lại, luôn là sự nghiêm khắc, cứng rắn và thậm chí lãnh đạm. Dẫu vậy, sợi dây kết nối giữa cha và con trai luôn mãnh liệt hơn những mối liên kết khác trong gia đình. Bởi “những gì nín lặng nơi người cha được nói ra nơi đứa con trai. Và tôi thường nhìn thấy ở những đứa con trai bí mật hiển lộ của người cha” (Friedrich Nietzsche).

***

Có bao nhiêu lần cha và con trai nhìn vào mắt nhau để nhìn thấy tình thương tràn đầy trong đó? Hãy chỉ nhìn vào mắt những khi đối đầu? Như Charles Wadsworth nói: “Lúc một người đàn ông nhận ra rằng cha mình có lẽ đã đúng, thường thì ông ta có một đứa con trai nghĩ rằng ông ta đã sai”.

Cha và con trai, sách vở thường dạy rằng hãy cố gắng để là bạn của nhau. Nhưng cũng như bạn bè đồng lứa, đôi khi ta không thể làm bạn với người mà ta mong được là bạn. Không phải người cha nào cũng có thể là bạn với con. Vì sự khác nhau (hay quá giống nhau?) về tính cách, cả hai có thể xung khắc như nước với lửa. Nhưng vậy thì sao? Cho dù không thể là bạn thì cả hai vẫn luôn là cha và con trai.

Chẳng lẽ điều đó không đủ tuyệt vời hay sao?

***

Tôi nhớ ngày xưa khi tôi chuẩn bị nhập ngũ, cũng là lần đầu tiên xa nhà. Mẹ lăng xăng đồ đạc, nước mắt ngắn dài. Ba ngồi im không nói.

Tôi cứ ngỡ ba không để tâm.

Chiều nay, tôi bỗng nhớ lại dáng ngồi nghiêng nghiêng ấy, khi đọc được mấy câu thơ này:

“Không tiễn con ra phi trường,

Ba chỉ ngồi lặng yên quay mặt

Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng”

Tiếng người hay chỉ tiếng chiêm bao?

Có bao giờ bạn mơ thấy một âm thanh, chỉ một âm thanh thôi, không hình ảnh. Đó là khi bạn nghe mơ hồ bên tai như có ai đó đang gọi tên mình “A. ơi”, vừa như ngay bên cạnh vừa như xa xôi lắm. Mơ hồ như là một giấc chiêm bao.

Đó là tiếng “ơi” mà lúc nhỏ tôi hay nghe lắm, có ngày nghe đến hàng chục lần. Có khi bà ngoại gọi “A. ơi về ăn cơm”, có khi nghe cậu bạn thân “A. đi câu cá”, có khi là đứa em trai thì thầm vào tai “A. ơi” khi muốn xin xỏ thứ gì. Nhưng cũng có khi là tiếng kêu “… ơi” của mẹ, gọi về phát cho mấy cái đũa bếp vào mông vì cái tội ham chơi.

Đã bao lâu rồi, tôi không được nghe tiếng “ơi” ấy!

Những buổi sớm mai của thời thơ ấu, tôi thường bị đánh thức khi trời còn tờ mờ sương, bởi tiếng nước chảy trong trẻo đổ từ gàu vào chiếc thùng thiếc vọng từ ngoài giếng. Rồi những âm thanh đến gần hơn. Ngay dưới nhà bếp thôi. Tiếng nước sôi réo trong ấm, tiếng lửa nổ tanh tách. Tiếng phin cà phê va vào nhau lách cách. VÀ tôi trở mình trong chăn, mơ màng ngủ lại giữa chập chùng những tiếng rì rầm trò chuyện của ba mẹ. Chuyện lúa gạo, chuyện học hành, chuyện chiếc xe bò đang bị hỏng cái bánh xe, chuyện một người quen ở xa mới về… Thảng hoặc pha những tiếng cười rất nhẹ. Đó chính là âm thanh mà tôi yêu thích nhất. Tiếng trò chuyện rì rầm ấy, vào buổi ban mai. Cái âm thanh thủ thỉ, vừa xa vừa gần, tin cậy, và tràn đầy yêu thương. Nó khiến tôi thấy lòng hạnh phúc và bình yên vô hạn.

Âm thanh đó, đã bao lâu rồi tôi không còn nghe? Những khi nhớ nhà, tôi thường gắn chiếc headphone lên tai và lặng nghe những giọt âm vô cùng trong trẻo của ban nhạc SecretGarden.

Thứ âm nhạc thần kì có thể mang cho tôi những hồi tưởng thanh bình êm ả. Nhưng nhiều lúc, âm nhạc dù du dương mấy vẫn không đủ cho tôi. Bởi tôi thèm một âm thanh khác. Âm thanh của tiếng nói con người, âm thanh của tiếng ai đó đang gọi tên tôi.

Các bác sĩ thống kê rằng có đến 70% những em bé bị chậm nói bắt nguồn từ nguyên nhân cha mẹ dành quá ít thời gian để nói chuyện với bé. Điều đáng nói là những chiếc ti vi ra rả suốt ngày không thay thế được tiếng mẹ, tiếng cha, mà còn làm cho tình trạng chậm nói của các em trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi trẻ em, ở cái tuổi bi bô ấy, phải nghe và được lắng nghe với tình yêu cũng như sự thông hiểu, thì mới nói được. Nghĩa là không chỉ có người lớn mới có lúc thèm nghe tiếng người mà ngay cả trẻ con cũng vậy.

Có phải chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn. Chúng ta gặp nhau qua YM, tin nhắn, chúng ta đọc blog hay những câu status trên Facebook của nhau mỗi ngày, chúng ta những tưởng đã biết hết, hiểu hết về nhau mà không cần thốt lên lời. Có phải vậy chăng? Có phải ta cũng như loài cá heo có thể giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm. Tiếng nói con người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu. Nếu muốn được hiểu thì phải được lắng nghe. Nếu muốn được lắng nghe thì phải nói trước đã. Vậy thì còn ngần ngừ chi nữa, hãy nói với nhau đi. Nói với ba, với mẹ, với anh chị, với em, với bạn bè… Đừng chat, đừng email, đừng post lên Facebook, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất, hãy nhấc điện thoại lên, thậm chí chỉ để gọi nhau một tiếng “…ơi” dịu dàng!

Một tiếng người thực sự ân cần, yêu thương, quan tâm, gần gũi… Và chắc chắn, không phải là chiêm bao.


/10

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status