Một Nét Son Tình

Chương 26 - Chương 25: Lời Mời Của Tiểu Vương Gia

/76


Tề cô nương, xin mời đi hướng này.

Đông Cô thoáng sửng sốt, ngoái đầu nhìn người đang đi tới. Đấy là một người phụ nữ độ 30 tuổi, ăn mặc như hộ vệ, áo quần màu nâu đậm, sắc mặc trang nghiêm. Vóc người tuy không khác nàng mấy, nhưng lại mang đến cho người khác một cảm giác vô cùng áp bức.

Dạ thưa cô nương là.......

Tôi tên Thành Tuyền, là hộ vệ của tiểu vương gia, chúa công đã sai tôi đứng đây đợi cô nương.

Thì ra là vậy. Đông Cô muốn hỏi cô ta, hai người bọn họ chưa gặp nhau bao giờ, làm sao cô ta có thể biết chắc nàng là Tề cô nương. Sau đó lời đã đến cửa miệng rồi, lại cảm thấy hơi bất lịch sự, nên thôi.

Xin đừng để tiểu vương gia phải đợi lâu, chúng ta tới ngay đi thôi.

Cảm phiền hộ sĩ.

Thành Tuyền gật đầu, đi trước dẫn đường.

Họ đi lên mãi, đến tầng thứ sáu của lầu Đông Càn. Thành Tuyền dẫn nàng vào một gian phòng trang nhã.

Bẩm chúa công, Tề cô nương đã đến.

Vào đi.

Phía trong vọng ra tiếng người nói, lâu lắm rồi chưa nghe, sao vừa lại gặp giọng nói đó, Đông Cô vẫn cảm thấy vô cùng mỹ miều êm ái, như được tắm trong gió xuân. Thành Tuyền ngỏ ý để Đông Cô bước vào trong, bản thân cô ta không vào, đứng phía ngoài canh giữ.

Đông Cô tiến vào phòng, đi vòng qua bức bình phong, bỗng cảm thấy trước mắt chói loà. Phòng có cửa sổ, trang nhã rộng rãi sáng sủa, một chiếc bàn gỗ con con, trên bàn đặt lò hương liệu và một ván cờ cùng với chén trà tinh xảo. Quanh tường treo tranh phong cảnh thanh thoát và các bức thư pháp bay bướm, toàn bộ căn phòng toả mùi hương nhàn nhạt xuất phát từ lò đốt hương, vừa đẹp một cách tao nhã mà không mất vẻ quý phái xa hoa. Kế bên cửa sổ kê một sập đá bằng ngọc thạch thượng hạng, trên sập có hai tấm đệm ngồi hình tròn, chiếc bàn con đặt nằm ở giữa. An Kình trong bộ đồ trắng, tóc cột cao, tay nâng chén trà, quỳ ngồi trên một tấm đệm. Kế y là một khung cửa sổ hình tròn đang để mở, gió ngoài song hiu hiu, mặt hồ lăn tăn sóng, gió theo cửa sổ vào phòng, nhẹ lướt qua chút tóc mai của An Kình, tóc bay lên đáp xuống, không một âm thanh.

Phàm là một người có thể vẽ nên những bức tranh đẹp, thì tất phải có một cặp mắt yêu thích cái đẹp, có thể ghi nhớ cảnh, ghi nhớ tình. Vị An Kình này đứng hoặc ngồi đều có thể thành một bức tranh, Đông Cô nhất thời mải ngắm đến mê mẩn.

Trong phòng chỉ có hai người bọn họ, Đông Cô đứng một bên sững sờ chiêm ngưỡng, An Kình không nói gì, cũng không ngắt hứng của nàng.

Đến khi Đông Cô hoàn hồn, trong lòng mới âm thầm than tiêu rồi, vội vàng tạ lỗi với An Kình.

Tiểu nữ thất lễ, mong được ngài cho chuộc tội.

An Kình buông chén trà, hơi xoay đầu.

Không sao, đến đây ngồi đi.

Đông Cô bước tới, quỳ ngồi đối diện với An Kình trên tấm đệm tròn, bụng bảo dạ vị tiểu vương gia này hiền thật, tính cách lại khoan dung, tuy địa vị cao sang nhưng không hề hống hách, đúng là khiến người ta yêu mến.

Tề cô nương đã dùng bữa trưa hay chưa.

Đông Cô lắc đầu, Thưa chưa dùng.

An Kình chắp tay vỗ hai tiếng.

Giọng của Thành Tuyền vọng vào từ bên ngoài.

Thưa chúa công có gì cần sai bảo.

Chuẩn bị rượu và thức ăn. Giọng An Kình rất khẽ, Đông Cô hoài nghi Thành Tuyền đứng ở ngoài xa như vậy liệu có nghe được không đây.

Thưa vâng.

Ồ đã nghe được, Đông Cô thầm than, người phụ nữ kia chẳng đơn giản chút nào, làm được tới chức hộ vệ cho tiểu vương gia chắc chẳng có mấy người.

Thức ăn được đưa lên rất nhanh chóng, có vài người tớ gái bưng cơm vào, vô cùng cung kính, đặt chén đĩa muỗng đũa xuống mà không tạo nên bất cứ âm thanh nào. Đông Cô nhìn bữa ăn thịnh soạn trên bàn, chỉ có đúng một bộ chén đĩa được bày ra, để trước mặt nàng. Nàng nhìn An Kình, thắc mắc: Đại nhân ngài không ăn ạ?

An Kình lắc đầu, Ta đã ăn rồi, cô cứ ăn đi.

Đông Cô cầm đũa lên, trước mặt có một vị chẳng khác gì thần tiên, nàng có cảm giác như ruột gan mình bị thắt dính thành chùm. Đúng là ở nhà thoải mái dễ chịu biết bao nhiêu, nàng nghĩ thầm, cùng một cảnh không ai nói gì, sao lúc La Hầu im lặng thì mình tự nhiên thoải mái, đến vị tiểu vương gia này im lặng thì mình như ngồi trên bàn đinh.

Tề cô nương đừng câu nệ, nếu cảm thấy không tiện thì ta có thể tạm thời tránh đi.

Không không không. Đông Cô cuống quít xua tay, đũa suýt văng luôn ra. Cho nàng thêm một lá gan nữa nàng cũng không dám để cho tiểu vương gia tránh đi chỗ khác, An Nam Vương mà biết được, không chém nàng mới là lạ.

Đông Cô nhìn thức ăn trên bàn, các chén đĩa đều không lớn, lượng không nhiều, nhưng thứ nào thứ nấy đều cầu kỳ. Nàng lần lượt nếm thử từng món, âm thầm nhớ kỹ món nào ăn ngon.

Ăn xong, lúc đầy tớ của quán lại tới dọn bàn, Đông Cô chỉ vài món ăn, hỏi: Cô nương, những món này tên là gì thế?

Người tớ gái gần như không ngờ thực khách nơi này chịu nói chuyện với mình, sửng sốt một hồi, rồi cuống quít đáp: Thưa đại nhân, món người chỉ là ốc bạch ngọc xào lăn với giấm. Cô ta lại chỉ mấy đĩa thức ăn Đông Cô đã chỉ trước đó, Thưa đây là cá chiên xù, đây là sâm tuyết nấu thuốc bắc, còn món này, là thỏ hoang hầm tương.

Đông Cô âm thầm ghi nhớ hết, gật đầu, Cảm ơn.

Tớ gái cười, lui xuống.

An Kình lẳng lặng ngồi xem.

Vì sao Tề cô nương hỏi về những món ăn ấy?

Đông Cô đáp: Thưa tiểu nữ cảm thấy những món ấy rất ngon, nên muốn nhớ tên chúng.

An Kình: Nếu thích thì gọi thêm vài đĩa là được.

Đông Cô cảm ơn ý tốt của y: Đa tạ đại nhân, nhưng tiểu nữ không định ăn ngay lúc này, mà tính tối nay sẽ mua mang về nhà.

.......

Nàng vừa dứt lời, An Kình hiểu ngay ra ý của nàng, miệng của y thấp thoáng ý cười, Có phải là mang về cho người nhà?

Đông Cô hơi mắc cỡ, Vâng, để đại nhân chê cười rồi.

Tề cô nương quan tâm đến người thân, có gì đáng chê cười.

Ánh mắt của An Kình bình lặng nhìn nàng, Đông Cô hơi thẹn.

Vậy chắc là nàng muốn mang những món ăn đó về cho gã La Hầu kia, chồng mới cưới của nàng.

Tề cô nương, phủ An Nam Vương đã chọn tác phẩm của cô, và đã vận chuyển nó lên kinh thành, đầu năm sẽ dâng lên triều đình, mừng thọ của thái hậu. An Kình hơi chắp tay với Đông Cô, Chúc mừng Tề cô nương.

Đông Cô đáp lễ, Được nhận ân điển từ đại nhân, tiểu nữ khiếp sợ.

Tề cô nương không cần phải câu nệ, ta thật lòng bội phục tài hoa của cô nương, nếu như cô nương không chê, thì lúc chỉ có hai người, cô có thể gọi tên tự của ta, ta gọi cô là Đông Cô, có được không.

Ồ...... Đông Cô ngập ngừng, Vậy hình như không hợp phép tắc thưa ngài.

Đã là thứ phép tắc sáo rỗng, thì cần gì phải quan tâm đến chúng.

Đông Cô tự nghe ra được sự bộc trực trong lời y nói.

Thưa vâng, vậy cứ như thế đi.

An Kình mỉm cười, Tên tự của ta là Yến Quân, Đông Cô, cô phải nhớ kỹ đấy.

Hiền hoà bình yên mà nên Yến, viên ngọc diễm thế mà nên Quân, tên xứng với người, rất đẹp thưa ngài.

Nghe nàng nói một hơi về ý nghĩa của tên tự của y xong, An Kình ngấm ngầm mỉm cười trong lòng. Y cảm thấy con người của Đông Cô rất phi phàm, có tài hội hoạ không ai sánh được trong thiên hạ, lại am hiểu rất nhiều điển tích thơ văn, gặp người quyền quý không hèn mọn, ứng xử thong dong tự nhiên. Nếu không phải Thành Tuyền đã tra vô cùng kỹ lưỡng, ai có thể tin đây là một cô thôn nữ quê mùa.

Nhưng những điều nêu trên không phải lý do An Kình tán thưởng nàng. Thiên hạ đầy rẫy những người, kẻ có tài đâu chỉ một ngàn một vạn, nhưng kẻ vừa có tài vừa có đức thì lại không nhiều, mà ngoài hai ưu điểm ấy ra, nàng còn có một tấm lòng chân thành, đấy chính là số ít trong số ít. Điều An Kình coi trọng nơi nàng, chính là tấm lòng chân thành nọ.

Họ vừa trò chuyện vừa dùng trà, thời gian trôi rất nhanh. Nói thật ra, Đông Cô rất thích nói chuyện với An Kình. Giọng y điềm đạm, lời lẽ dịu dàng, lại đã đọc qua nhiều thơ văn, điểm này khá hiếm gặp ở đàn ông nơi đây. Huống chi tướng mạo của y khuynh thành, khí chất xuất chúng, cho dù chỉ ngồi đối diện với y mà thôi, cũng đã là một cái thú.

Đông Cô, ta muốn thương lượng với cô một việc.

Thưa việc gì?

An Kình đặt chén trà xuống, Đông Cô, ba ngày nữa ta phải lên đường về phủ rồi. Y nhìn Đông Cô, Ta muốn mời cô theo cùng.

Ồ? Đông Cô nghi hoặc, Mời tôi theo ạ? Vì sao thưa ngài?

Có một việc ta cần cô giúp. An Kình đáp, Lão phu nhân năm chưa đầy 40 đã truyền lại phủ cho mẫu thân của ta, bản thân người sách đèn kinh Phật, đến nay đã gần 30 năm.

Lão phu nhân....... Thưa đấy là cụ ngoại của Yến Quân ạ?

Phải. An Kình gật đầu, Do lão phu nhân một lòng hướng Phật, rất ít quan tâm đến thế tục, cho nên con cháu cũng chiều ý người, không gọi người theo vai vế.

Thì ra là vậy.

Tuy nhiên lão phu nhân tu tại gia, nhưng cơ hội con cháu như ta có thể gặp mặt người rất ít ỏi, chỉ vào ngày sinh nhật của người hàng năm người mới ra ngoài để xum họp bên con cháu. Cho nên mẫu thân ta rất coi trọng ngày sinh nhật của lão phu nhân, lần nào cũng chọn những món quà thượng hạng nhất để kính biếu. Nói đến đây, An Kình thoáng ngừng, Có điều tất cả mọi người đều có thể nhìn ra, lão phu nhân không thích những món đồ cổ quý hiếm cho lắm.

Đông Cô nói: Nếu lão phu nhân một lòng hướng Phật, vậy dâng lên những món quà thuộc về cửa Phật liệu có tốt hơn chăng.

Điểm này mẫu thân ta cũng đã từng nghĩ đến. An Kình nói, Nhưng trước đây lão phu nhân vốn đã ở địa vị tôn quý, thấy nhiều, hiểu biết rộng, những gì tầm thường cơ bản không lọt được vào mắt của người, hơn nữa yêu cầu của người đối với những tranh tượng của đức Phật thì càng khắt khe hơn, mẫu thân đã từng chọn một bức tượng Phật cho người, lão phu nhân cầm về xong không những không có hứng để trưng bày, mà còn bất mãn ra mặt. Lần đó tan cuộc không vui, mẫu thân vô cùng buồn bã.

Điều này....... Chút tài mọn của Đông Cô chỉ sợ không những khó lọt được vào mắt của lão phu nhân mà còn không khéo làm hỏng hết việc.

Đông Cô không cần phải tự vô cớ hạ thấp mình, tài nghệ của cô ra sao ta đã rất rõ. Sắc mặt An Kình hiền hoà, mắt phượng hơi nhếch lên, Chỉ phải xem cô có chịu ra tay giúp đỡ một người bạn hay không.

Đông Cô vốn tốt bụng, không giỏi từ chối người khác, huống chi một người ấm áp lễ độ và biết thông cảm cho kẻ khác như An Kình.

Không biết sinh nhật của lão phu nhân vào ngày nào.

Mùng năm tháng Giêng.

Đông Cô tính nhẩm, nói với An Kình: Hôm này là mùng 10 tháng 11, vẫn còn cách tháng Giêng khá lâu, thời gian để chuẩn bị rất dư giả.

An Kình hơi nhếch mép, Có phải là Đông Cô đã đồng ý rồi không?

Yến Quân có hiếu, tôi nào có lý do gì để không đồng ý.

An Kình vui sướng, nói: Thế thì 3 ngày nữa cô về phủ cùng với ta, ta sẽ ra lệnh cho người trong phủ chuẩn bị hết thảy.

Đông Cô lắc đầu, Thời gian còn quá sớm, tôi hoàn toàn có thể vẽ xong sẵn ở nhà, đến khi đó tôi sẽ đích thân đưa đến vương phủ.

Ngón tay của An Kình di tới di lui trên nắp của chén trà, Đông Cô, ta biết vẽ tranh rất hao tổn tâm sức, nếu như cô ở trong phủ, ta có thể thu xếp hết thảy cho cô. Điều kiện trong phủ tốt hơn nơi đây rất nhiều, cô có thể hoàn toàn thoải mái không phải lo lắng gì.

Đông Cô nói hết lời rồi mà An Kình vẫn thong thả thỉnh mời. Cuối cùng nàng chỉ đành thở dài thườn thượt.

Yến Quân, thú thật với ngài, bất cứ chuyện gì khác tôi không quan tâm, chỉ là tôi không buông được chồng của tôi.

Ngón tay của An Kình thoáng khựng lại.

Tôi mới thành hôn có vài ngày với chàng, nếu như hiện giờ bỏ nhà đi chơi, gần hai tháng không về, tôi thật sự không yên tâm được. Nàng nghĩ đến những người hàng xóm sống quanh La Hầu, thở dài trong lòng. Đám trai gái nhà nhà suốt ngày bàn tán sau lưng họ, những chuyện đó Đông Cô biết hết, họ đang đợi để cười La Hầu, nàng biết. Nếu lúc này mà rời nhà, không biết sẽ bị người ngoài nói thành cái dạng gì nữa.

Yến Quân, điều kiện trong nhà tôi cũng khá, tôi có thể bảo—-

Đông Cô rất thương người đàn ông đó?

Đang nói đến nửa chừng thì An Kình bất chợt cắt ngang. Đông Cô thoáng sửng sốt, hơi e thẹn, đầu cũng cúi thấp hơn một chút, Sao tôi lại đi nói với ngài những chuyện này chứ.......

Sao lại không nói được với ta, tuy đã đề cập đến rồi, thì nói tiếp đi vậy.

Đông Cô rất ngại, Chỉ toàn chuyện vặt vãnh trong nhà, Yến Quân sẽ không cảm thấy thú vị đâu ạ.

Hai người quen nhau ra sao.

...... Đông Cô bó tay,, đành trả lời y, Thưa lần đầu gặp nhau là ở một xưởng mộc.

Xưởng mộc?

Vâng.

Vậy sau đó hai người tìm hiểu nhau bằng cách nào?

Đông Cô nhìn An Kình, thoáng mỉm cười. Nghĩ trong bụng, đúng là tuổi của y còn rất trẻ, tuy thân phận cao quý khí chất xuất chúng, nhưng tận đáy lòng vẫn đặc biệt hiếu kỳ về chuyện tình cảm.

Chúng tôi chỉ là người bình thường, đâu có tìm hiểu sâu xa gì về nhau cho lắm, có duyên gặp được rồi, thì kết đôi, thế thôi.

Ánh mắt của An Kình xuất hiện một chút ngơ ngác, lẩm bẩm một mình: Có duyên.......

Vâng. Đông Cô thấy nhớ La Hầu.

May sao trời rủ lòng thương, chưa để tình sâu nghĩa nặng gặp duyên kiếp bọt bèo.

hết chương 25

/76

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status