Mệnh Vượng Phu

Chương 1

/119


Gà gáy tiếng thứ hai, đèn trong phòng phía tây của Vệ gia đã sáng, Khương Mật dựa vào chút ánh sáng để sửa soạn cho mình. Nàng lấy nước lạnh rửa mặt, cảm giác thanh tỉnh một ít rồi nhanh chóng chải một kiểu tóc của phụ nữ đã có chồng. Tất cả đều xong xuôi cũng mới chỉ qua một khắc (15 phút).

Khương Mật sợ tốn dầu nên thổi tắt đèn rồi đi về phía nhà bếp.

Nàng trộn khoai lang lẫn với gạo thô nấu thành một nồi cháo loãng, lấy từ trong bình gốm to một cây củ cải chua ra thái hạt lựu, lấy rau dền hôm qua hái ở sau núi ra để nấu, chuẩn bị xong liền đi sang phòng phía đông mời cha mẹ chồng dùng cơm.

Lúc này đã là mùa thu, cũng không còn nhiều việc làm. Ở nông thôn đã vào vụ nông nhàn, các nam nhân khó lắm mới được buổi không cần dậy sớm, có thể ngủ thêm chốc lát. Nhưng phụ nữ thì đã quen, cứ nghe tiếng gà gáy là tỉnh, bất kể mùa nào đi chăng nữa thì trong nhà cũng có không ít việc.

Sau khi chuẩn bị cơm nước và ăn xong còn phải đi thái rau lợn rồi cho lợn, gà, vịt ăn. Làm xong hết những việc này thì đeo gùi lên lưng, rồi đi lên núi hái rau cho lợn, nếu không thì có thể vào quanh rừng trúc để nhặt bẹ măng khô về nhóm lửa.

Trước khi Khương Mật gả đến thì Ngô thị luôn là người dậy sớm nhất Vệ gia. Ngô thị là người phụ nữ gầy gò, có gương mặt cay nghiệt. Khương Mật vốn là người ở thôn Tiền Sơn, trước khi gả đến đã nghe người ta nói về Ngô thị. Nói bà thương con trai, nhất là luôn coi Vệ Tam Lang như bảo bối. Nhưng đối với con dâu lại không như vậy, chưa nói là khắc khe nhưng cũng chẳng cho sắc mặt tốt.

Người mà Khương Mật gả cho chính là Vệ Tam Lang.

Vệ Tam Lang đại danh là Vệ Thành, là người đọc sách duy nhất ở nhà này. Trước kia học vỡ lòng với tiên sinh ở trong thôn nhưng chỉ có mình chàng kiên trì nỗ lực không ngừng, còn hai huynh đệ của chàng không theo được nên đã bỏ học từ sớm.

Vệ Thành theo học vỡ lòng cùng tiên sinh ở học đường trong thôn. Sau khi biết cách nhận mặt chữ liền bảo Ngô thị đưa đến trường tư thục trên trấn. Qua mấy năm học tập nghiên cứu, năm ấy chàng mười bảy tuổi đã vượt qua kỳ thi của huyện, phủ, lại thông qua kỳ thi viện nữa thì sẽ đỗ tú tài. Ấy thế nhưng cứ gần đến kỳ thi thì lại xảy ra chuyện.

Hàng năm đều có kỳ thi viện, sau hai năm chàng đều chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước kỳ thi năm mười tám tuổi thì bị sốt, sốt đến mê man bất tỉnh, suýt nguy hiểm đến tính mạng. Năm mười chín tuổi, trên đường đi đến Túc Châu tham gia kỳ thi thì bị thương ở cánh tay phải, còn chưa kịp đến trường thi đã phải quay về.

Năm nay chàng hai mươi tuổi, cũng là lần thi thứ tư.

Trước kia Ngô thị nghe tiên sinh ở học đường trong thôn bảo rằng: “Tam lang nhà bà là người có thiên phú học tập, sáng dạ hơn những đứa trẻ khác trong thôn.” Vì thế nên bà có kỳ vọng rất lớn với đứa con trai này. Vốn dĩ bà muốn đợi Vệ Thành đỗ tú tài rồi mới kiếm cho hắn một mối hôn sự tốt, kết quả là từ mười bảy cho đến hai mươi tuổi, cái danh tú tài còn chưa thấy đâu. Trong thôn, có không ít người nói sau lưng rằng có lẽ là mệnh Vệ Thành không tốt, bình thường chẳng sao nhưng cứ trước kỳ thi là xảy ra chuyện. Cứ cái đà này thì có thi đến bạc đầu cũng chẳng thể đề danh bảng vàng.

Số mệnh là cái gì đó rất mơ hồ. Có người xuất thân nông thôn nhưng cuối cùng lại có thể được phong quan bái tước, cũng có những người sinh ra đã cao cao tại thượng, thiếu niên đắc chí, thanh niên long đong lận đận, rồi tới trung niên lại đột nhiên lâm vào cảnh thê lương.

Vệ Thành là người đọc sách, học vấn tốt, dung mạo chính trực,  ban đầu thôn Hậu Sơn bên này có không ít cô nương ngầm ái mộ hắn. Thế nhưng phần lớn những người đó lại vì số mệnh xui xẻo của hắn mà lùi bước.

Đọc sách tốn tiền, ví dụ như Vệ gia. Vốn là phụ từ tử hiếu(1), anh em hòa thuận, chỉ vì Vệ Thành không đỗ kỳ thi Viện ba năm liên tiếp, anh trai không nói gì nhưng hai chị dâu thì lại oán giận không thôi. Có cơ hội là sẽ thổi gió bên gối chồng, nói rằng dù sao Vệ Thành còn thế này thì sẽ tiếp tục làm liên lụy đến tiền mồ hôi nước mắt của cả nhà? Hắn muốn đọc sách, thế người khác không phải sống ư?

(1) Phụ từ tử hiếu: Cha hiền con hiếu thảo

Trước kia, chưa lập gia đình thì cũng thôi, giờ đều đã lấy vợ sinh con rồi, không vì mình thì cũng vì con trai mà tính toán cho chúng chứ?

Hai chị dâu của Vệ Thành hiếm khi đứng chung một chỗ, hai người thi triển tất cả thủ đoạn của mình cuối mình cũng tác động được đến trượng phu mình. Vệ gia náo loạn nửa năm, mẹ Vệ Ngô thị tức con dâu đến mức thiếu chút nữa thì sinh bệnh, cha Vệ cũng nổi nóng nói rõ, nếu ngại Tam Lang đi học tốn tiền, vậy thì cho hai người con trai ra ở riêng. Chỉ là sau này nếu Tam Lang có đỗ tú tài, thậm chí là trúng cử thì ai cũng đừng hòng nhờ vả.

Cha Vệ nói lời quyết đoán, hai huynh đệ đều muốn quỳ xuống nhận sai. Vào thời khắc mấu chốt lại nhận được ánh mắt của vợ liếc tới, nghĩ đến con nhỏ nhà mình đành cắn răng đồng ý.

Cha vệ không ngờ họ lại quyết tâm đến vậy. Thấy Đại Lang và Nhị Lang thực sự cảm thấy Tam Lang làm liên lụy tới họ, ông cảm thấy lạnh tâm, đồng ý cho hai người ra ở riêng, còn ông cùng Ngô thị và Vệ Thành sống với nhau.

Vệ Thành không nỡ để cha mẹ chịu khổ lại càng nỗ lực hơn, chàng còn quỳ gối trước mặt Ngô thị nói năm nay nhất định thi đậu, nếu lại thất bại thì sẽ không đi học nữa, về nhà làm nông.

Trong lòng biết Tam Lang để tâm đển những lời hai người con dâu nói, trong lòng Ngô thị rất hận. May là bà luôn tập trung chú ý đến Vệ thành, không tính toán so đo với Trần thị và Lý thị, nếu không thì cái nhà này loạn rồi.

Vệ gia phân ra ở riêng được nửa năm, đến sau vụ mùa thu thì Khương Mật gả đến, tính ra thời gian cũng chưa lâu.

Đương nhiên không phải Ngô Thị chọn nàng làm vợ của Vệ Thành, mà là do Vệ Thành được nghỉ về nhà gặp được Khương Mật đang làm việc, tự chàng ưng ý, vất vả lắm mới khiến Ngô Thị gật đầu nhờ người hỏi thăm mối hôn sự này.

Khương Mật khỏe mạnh, dáng người lại đẹp, là mỹ nhân có tiếng của thôn Tiền Sơn, thế nhưng lại là người mệnh khổ. Từ nhỏ nàng đã mất mẹ, cha Khương cũng không thể cứ độc thân mãi nên đã cưới một người khác. Mẹ kế là một nhân vật lợi hại, gả được hai năm đã sinh con trai. Vốn trước kia cha Khương còn thương yêu Khương Mật, nhưng sau này lại chỉ một lòng một dạ quan tâm đến vợ kế và con trai, nào còn để ý gì tới con gái nữa.

Mẹ kế định giữ Khương Mật thêm mấy năm nữa. Khương Mật là người đảm đang, việc nhà thì nhiều, có nàng ở nhà cuộc sống cũng thoải mái hơn.

Vốn muốn giữ nàng ở lại đến hai mươi tuổi, đến lúc ấy vóc dáng nàng cũng đã hoàn toàn dậy thì, vừa lúc có thể đưa nàng cho lão gia có tiền ở trấn trên, thậm chí là ở trong huyện thành làm thiếp, trong nhà cũng có thêm một khoản.

Nếu nàng có thể khiến cho lão gia có tiền yêu thích thì cũng có thể giúp đỡ gia đình, cho dù không thể, cho dù bị vợ cả nhà người ta giày vò ngược đãi thì người làm mẹ kế như bà cũng chẳng đau lòng.

Mẹ kế Khương Mật nghĩ hay lắm, nhưng đến năm nay lại đột ngột rẽ sang hướng khác.

Hơn nửa năm nay, em trai khác mẹ của Khương Mật bị bệnh, uống bao nhiêu thuốc cũng không thấy đỡ, Khương Mật cùng mẹ kế đi đến miếu cầu khấn. Lúc quay về bị một thầy bói cản lại giữa đường. Thầy bói liếc mắt ra hiệu bảo mẹ kế để Khương Mật tránh đi rồi nói không ít lời.

Nói chung là tướng mạo cô nương này tốt, cho dù khi nhỏ mệnh khổ nhưng lại có phúc về sau. Nhưng nếu không có gì ngoài ý muốn xảy ra thì sau này ra cửa nàng ngồi kiệu ngồi xe chứ không đi bộ, áo gấm lụa là, người hầu thành đàn.

Nghe thấy vậy, tim mẹ kế đập liên hồi, đang tính có nên lôi kéo, dỗ dành nàng một chút, chờ khi nàng phát đạt rồi cũng có thể giúp đỡ con bà.

Những lời thầy bói nói phía sau như gáo nước lạnh mùa đông dội xuống đầu khiến mẹ kế lạnh lòng triệt để.

Khương Mật cái gì cũng tốt, chỉ duy nhất một điều là gây bất lợi cho huynh đệ.

Chỉ cần nàng sống tốt thì huynh đệ của nàng liền không ổn, nàng đại phúc đại quý, thì huynh đệ nàng cực kỳ nghèo túng. Hay nói cách khác thì giữa nàng và huynh đệ của nàng chỉ có một người được tốt.

Mẹ kế cũng ước gì thầy bói là tên lừa gạt. Nhưng có những việc, ngươi chưa nghe thì thôi, nhưng sau khi nghe xong lại nghĩ nhỡ may? Việc này thà tin là có.

Nghĩ kỹ việc này bà cũng không dám đem Khương Mật cho lão gia nhà giàu trong trấn làm thiếp. Chỉ sợ Khương Mật được sủng ái rồi lại khắc chết con trai bà.

Muốn để nàng không trở mình được thì tốt nhất là đem nàng gả cho mấy lão già lưu manh góa vợ trong thôn. Nhưng bà là mẹ kế lại muốn đưa con gái của vợ trước gả cho loại người như vậy… chẳng những phá hủy thanh danh của bà mà cha Khương và các trưởng bối trong tộc cũng không đồng ý.

Tốt nhất là hứa gả cho một nhà chồng nhìn bề ngoài thì có vẻ ổn nhưng bên trong lại náo loạn.

Cứ thế Vệ Thành lọt vào mắt xanh của mẹ kế Khương Mật, trở thành con rể phù hợp nhất.

Trước tiên, gia sản Vệ gia không nhiều, lại còn phải nuôi người đi học. Bây giờ lại bởi vì Vệ Thành mệnh kém mà liên tục nháo loạn lên. Huynh tẩu thà gánh cái danh bất hiếu cũng muốn đoạn tuyệt với hắn.

Ngẫm lại cũng đúng, người khác thi mãi không đỗ là do học vấn không đủ? Còn chàng liên tiếp ba năm đi thi mà còn chưa vào được trường thi, loại việc này mấy chục năm qua còn chưa từng nghe thấy bao giờ. Người xui xẻo đến mức độ này thì cũng chẳng còn gì để nói.

Người biết Vệ Thành đều nói chỉ sợ là mệnh chàng chẳng kiếm nổi công danh, cứ cho là học vấn chàng tốt thế nào đi chăng nữa mà ông trời không muốn để chàng làm tú tài thì chàng có thể trái được ý trời không?

Mẹ kế của Khương Mật càng nghĩ lại càng thấy Vệ Thành là đối tượng tốt nhất.

Hắn xui xẻo là tốt, càng xui xẻo lại càng tốt hơn.

Cứ như vậy, Vệ gia và Khương gia mơ mơ hồ hồ đi đến thống nhất, họ định ra hôn sự rất nhanh. Sau khi quyết định xong, các phụ nhân (2) ở thôn Tiền Sơn bàn tán sau lưng, nói mẹ kế Khương Mật thật là lợi hại. Cho dù ai nhìn vào mối hôn sự này cũng thấy là Khương Mật trèo cao. Dù nói thế nào đi nữa thì Vệ Thành cũng là người có học vấn tốt, khuyết điểm duy nhất chính là xui xẻo. Là người thương con gái sẽ không gả cho con rể mệnh xui như thế, gả qua rồi thì chân khỏe đi liền với chân đau, chịu đựng vận xui cùng hắn.

(2) Phụ nhân: phụ nữ đã có chồng

Kiểu lý do thế này cũng chẳng thể nói rõ ràng được. Nhìn bề ngoài, Vệ Thành kết hôn với Khương Mật là đủ rồi, chàng có thể đỗ tú tài thì Khương Mật nghiễm nhiên thành vợ tú tài? Cái danh vợ tú tài cũng chẳng ảnh hưởng xấu gì đến dung mạo phong thái của nàng.

Trước khi xuất giá, mẹ kế lôi kéo nàng nói không ít, nói rằng Vệ Tam Lang tướng mạo đứng đắn, tài năng xuất chúng, vốn mẹ Vệ Ngô Thị không coi trọng con dâu người nông thôn. Đây là ý nguyện của Vệ Tam Lang, hắn khẩn cầu Ngộ Thị đồng ý.

Mẹ kế bảo Khương Mật phụng dưỡng cha mẹ chồng cho tốt.

Đối với hôn sự của mình Khương Mật không biết nhiều lắm nên sau khi nghe mẹ kế nói xong mới cảm thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng.

Nàng biết Vệ Tam Lang liên tục gặp xui xẻo.

Bây giờ lại còn việc này nữa. Thậm chí mẹ chồng còn không vừa ý nàng, là do Vệ Tam Lang muốn cưới nàng.

Chỉ sợ gả qua rồi lại phải chịu khổ không ít.

Khương Mật tự cổ vũ trong lòng, nghĩ rằng có thể gả đi là chuyện tốt, ở lại nhà mẹ đẻ còn tệ hơn. Mặc dù người nàng được hứa gả cho là người xui xẻo nhưng không phải còn có câu là “phong thủy luân chuyển” sao? Hơn nữa ngoài điểm này ra thì Vệ Tam Lang chẳng còn gì để xoi mói cả. Nếu như chàng không liên tiếp gặp vận xui thì mối hôn sự này cũng chẳng tới lượt một người mất mẹ sớm như nàng.

Hôn sự định ra được mấy tháng thì Khương Mật từ Tiền Sơn thôn sang Hậu Sơn thôn. Mới đến Vệ gia được vài ngày, Ngô thị rất không thích nàng. Lý do là vì bà quá coi trọng Vệ Thành, nhìn thế nào cũng thấy một cô nương nông thôn mất mẹ không xứng với con trai nhà mình.

Khương Mật tay chân nhanh nhẹn, làm việc tháo vát, tính cách lại tốt, cũng hết sức hiếu thảo với cha mẹ chồng, Cho dù Ngô thị có tức trong lòng cũng chẳng thể đánh gương mặt cười.

Tốn chút tâm lực, nàng miễn cưỡng cũng có thể thuận lợi sống qua ngày.

Mặc dù mẹ chồng thỉnh thoảng sẽ phàn nàn vài câu, nhưng tướng công cũng rất quan tâm nàng. Vệ Thành cũng biết mình vận mệnh kém, không dám hứa hẹn nhiều, chỉ lặng lẽ chăm chỉ ôn luyện.

Sau khi chung sống Khương Mật mới biết người ta nói Vệ Thành chỗ nào cũng tốt không phải nói quá. Chàng làm người chính trực, chăm chỉ nỗ lực đọc sách, bình thưởng rất tiết kiệm. Trường tư thục bảo mua sách thì chàng đi mượn về chép lại, chép xong lại tự đóng thành quyển, giấy bút chàng dùng đều là loại có chất lượng kém.

Nhà nông cùng lắm cũng chỉ có thể sống qua ngày, không đổi được nhiều tiền, cho dù chàng tiết kiệm thì so với nhà khác cũng tốn hơn quá nhiều.

Ăn sáng xong, cha Vệ vác cuốc ra đồng, Ngô Thị đi hái rau cho lợn, Khương Mật múc nước rửa bát, thu dọn nhà bếp sạch sẽ rồi đi xem chuồng gà.

Sau trung thu trời chuyển lạnh, gà nuôi trong nhà không đẻ trứng nhiều như trước kia. Vốn dĩ trứng gà cũng là một khoản thu nhập của Vệ gia. Mỗi ngày nhặt mấy quả, gom góp một tuần cũng có được ba bốn mươi quả. Góp nhặt trứng gà hơn phân nửa là để đổi lấy tiền, còn dư lại khoảng tám đến mười quả thì để bồi bổ cho Vệ Thành.

Giai đoạn này gà mái đẻ ít trứng, gom góp mười ngày nửa tháng cũng không được một nửa ngày thường, lại thêm vị trí sinh nở cũng kém, cuộc sống nghèo túng đã đến.

Chưa đến mức đói bụng nhưng chỉ sợ không có tiền cho Vệ Thành đóng học phí. Nghe nói tam tiết (3) lưỡng thọ còn phải hiếu kính thầy giáo ở trường tư thục. Ngoài ra, giấy bút cũng là một khoản chi tiêu, cũng chẳng trách được hai chị dâu nóng lòng muốn tách ra ở riêng.

(3) Tam tiết: đoan ngọ, trung thu, nguyên đán

Khương Mật ngồi xổm nhìn gà mái đẻ trứng một lát, nàng lẩm nhẩm tính toán qua, một tuần nay tổng cộng chỉ nhặt được mười mấy quả trứng, sau đó là đến tuần nghỉ ngơi, chạng vàng ngày mai là tướng công đã về nhà rồi, vậy thì chỗ này cũng quá ít rồi.

Hôm nay, Khương Mật luôn nghĩ về trứng gà, trước khi đi ngủ lại nghĩ, sau khi ngủ thì nàng lại nằm mơ.

Giấc mơ lại chẳng liên quan gì đến trứng gà. Sau khi Khương Mật tỉnh lại thì tim đập nhanh một lúc, cảm thấy thà rằng mơ thấy gà mái đẻ trứng còn hơn.

Nàng mơ thấy cái gì ư?

Nàng mơ thấy trong tuần lễ được nghỉ, trước khi Vệ Thành trở về nhà chàng mang sách đã sao chép xong tới hiệu sách để tính tiền, đúng lúc có mấy người bạn đồng môn cũng cần đi tới con đường có hiệu sách đó, vậy là họ cùng đi. Đi được nửa đường bị người ta chặn lại, Vệ Thành bị bạn đồng môn liên lụy, bị thương không nhẹ. Chàng được người ta khiêng về, dưỡng thương xong thì kỳ thi Viện cũng đã có kết quả.

/119

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status