Mẹ Thơm Một Cái

Chương 2: 22/11/2004

/30


Đang ở bên mẹ, thời gian 8 giờ 44 phút, tối 22 tháng 11 năm 2004.

Đến phiên tôi và ba.

Hôm nay mẹ nằm viện đêm đầu tiên, bệnh bạch cầu tủy cấp tính. Lúc trưa, báo cáo xét nghiệm vừa “ra lò”, bác sĩ sải bước tới trước giường bệnh, tuyên bố tin dữ này với người đang ngồi bên chân mẹ là tôi. Tôi đang bê hộp cơm, mồm đầy giá đỗ với thịt nướng, ngồi khoanh chân trên giường bệnh, đang tỏ vẻ háu đói cho mẹ xem.

Trong tích tắc bác sĩ nói tên căn bệnh, tôi phát hiện trong phòng chỉ có mẹ tôi, tôi và thằng út, tôi vụt biến thành chỉ huy tối cao, nhưng tôi gánh không nổi việc đó.

“Đợi đã, để cháu gọi anh cháu đến nghe!” Tôi buông vội hộp cơm, lao ra khỏi phòng bệnh đi tìm anh.

Từ khi mẹ ngã bệnh, anh trở thành trụ cột gia đình, vô số họ hàng đều hỏi thăm bệnh tình mẹ qua anh. May vì anh học đại học ngành dược, làm thạc sĩ về dược phẩm thô, làm tiến sĩ về trị liệu ung thư. Càng may sao anh là một người anh đúng nghĩa.

Tìm mãi mới thấy anh, bình tĩnh thông báo ý nghĩ ngây thơ “mẹ chỉ bị thiếu máu nặng, vất vả lâu ngày sinh bệnh mà thôi” của chúng tôi đã tan thành mây khói, sau đó níu chân bác sĩ ở sảnh để hỏi sau đây phải làm thế nào.

Bác sĩ họ Vương rất tốt bụng, chẳng chịu nói thẳng gì hết. Trong đầu tôi xoay mòng mòng kết quả google, một bác sĩ quen qua mạng, và một bạn cũ của mẹ đã qua đời mấy năm trước vì căn bệnh tương tự.

Bác sĩ nói xong bỏ đi, đầu tôi trống rỗng. Anh cả nắm chặt vai tôi lay lay bằng một thái độ tôi chưa từng thấy: “Làm sao đây!”

Làm sao đây? Chúng tôi đều chưa hết bàng hoàng, nước mắt chưa kịp chảy, trong đầu hiện ra mấy cú điện thoại cần gọi. Ba, ông ngoại, mợ, cô hai, cô ba, chú ba, cậu út…

Trở lại phòng bệnh, anh tôi thật thà khai hết tình hình với mẹ. Dù sao hồi trẻ mẹ tôi cũng từng làm hộ lý, giấu sao nổi. Sáng nay lúc ở chỗ đợi, mẹ còn đọc cuốn Phân tích chẩn đoán lâm sàng mới mua, sáng suốt lắm.

Ba anh em cùng nhìn mẹ.

“Cấm đứa nào khóc.” Mẹ nói.

Tôi cuộn tròn ôm lấy đầu gối mẹ, lén gạt mấy giọt nước mắt.

“Đương nhiên không được khóc, bây giờ phát hiện ra sớm, chắc chắn vượt qua được.” Anh cả động viên mọi người, thằng út phụ họa.

Nói là phát hiện sớm có khi cũng đúng. Hồi tháng Tư, mẹ thấy mệt đã tự đi xét nghiệm máu, các chỉ số về máu đều không cho thấy điều gì, mãi tận đến tuần trước.

“Mẹ, mẹ là người quan trọng nhất của tụi con, thực sự không thể thiếu mẹ được.” Tôi nắm chặt bàn tay mẹ. “Ở trên mạng, con được công nhận là nhà văn tự cao tự đại tự tin trầm trọng, nên mẹ cũng phải tự tin vượt qua hóa trị liệu.”

“Biết rồi mà. Đây là di truyền.” Mẹ gượng cười.

Sau đó, từng người lần lượt ra chỗ ti vi bên ngoài bệnh viện lén khóc, rồi phân công nhiệm vụ tiếp theo.

Là nhà văn tự do và học viên cao học đang bị treo bằng, tôi quyết định dời nơi ở trọ từ Bản Kiều về Chương Hóa, ngày ngày bám mẹ và viết truyện. Anh cả thì hoãn tiến độ ở phòng nghiên cứu lại, lái con xe mười hai năm tuổi, phi đi phi về giữa Đài Bắc với Chương Hóa. Thằng út đang học cao học năm hai bận nhất, chỉ dặn nó cố gạt bỏ mọi việc ngoài lề không quan trọng, năng về Chương Hóa với mẹ.

Bởi vì là mẹ. Người quan trọng nhất trong nhà.

Mọi người lau nước mắt, xốc lại tinh thần, trở về phòng bệnh nói chuyện cùng mẹ. Bảo là “nói chuyện”, thực ra thần sắc của mẹ rất yếu, chỉ muốn mọi người yên tâm mà thôi. Khuyên nhủ vài câu xong, mẹ bắt đầu thử cố nhắm mắt ngủ.

Sau đó chị dâu tương lai của tôi đến. Mắt cũng đỏ hoe.

Tranh thủ lúc anh cả và chị dâu tương lai ở đây “trấn giữ”, tôi tranh thủ bắt taxi về nhà trám răng, sau đó đi cắt mớ tóc sắp mọc thành cái nấm trên đầu mình.

Kể ra cũng lạ, chiều hôm qua lúc tôi dùng chỉ nha khoa móc kẽ răng, không biết tại sao răng cửa bên phải bung ra một miếng ở mặt sau, đó là miếng trám bằng sứ trước đây, dùng chỉ nha khoa móc qua móc lại một hồi thế nào mà bung mất. Bung ra dĩ nhiên không dùng lại được, vì xung quanh lỗ thủng đã bị vết sâu răng mới, bây giờ cần đục rộng thêm lỗ răng để trám lại.

Nằm trên ghế tại phòng khám nha khoa êm ái, kể như đang tranh thủ “ăn cắp” chút nhàn rỗi, tranh thủ thở lấy hơi.

Đúng lúc mơ màng sắp thiếp đi, đầu óc chợt lóe sáng, nhớ lại một chương trình truyền hình bói toán từng nói rằng, nếu chiêm bao thấy rụng răng cửa, thì trong đời thực bố mẹ sẽ bị bệnh rất nặng. Chính là sự việc của hôm qua. Nhưng chương trình đó còn bảo rằng, có thể cứu chữa được.

Lòng tôi chợt nhẹ nhõm, may sao mình kịp thời quyết định trám răng, để còn ăn thật nhiều lấy sức chăm mẹ, theo nguyên tắc mệnh lý, chắc chắn mẹ sẽ bình phục.

Trám răng xong, tôi đến hiệu cắt tóc.

Vừa ngồi xuống, dưới bàn tay xoa bóp dễ chịu của cô nhân viên phục vụ, tôi bèn nhắm mắt lại, bắt đầu hồi tưởng mọi chuyện về mẹ.

Mẹ thích màu tím. Nhưng hiếm khi mua đồ màu tím.

Mẹ thích mường tượng cảnh mua nhà mới. Giấc mơ này chúng tôi mới thực hiện được tuần trước. Cố gắng vay ngân hàng gần hết giá trị căn nhà, chuẩn bị sau sinh nhật mẹ sẽ chuyển về nhà mới.

Mẹ thích những thứ chúng tôi thích. Bao gồm cả chó, và các cô gái.

Về tình yêu, tôi không phải là đứa “chín sớm” nhất nhà, nhưng mở mồm ra toàn nói tình yêu thì tôi là độc nhất vô nhị.

Trong nhà, buồng tắm và nhà bếp chỉ cách một tấm rèm, những đứa bạn tôi có may mắn đến nhà tôi tắm rửa thường không thoải mái, cảm thấy mọi riêng tư đều lộ liễu theo tiếng nước giội. Nhưng chính vì vậy mà ba anh em tôi từ nhỏ đều thích vừa tắm vừa nói chuyện với mẹ đang nấu ăn bên kia tấm rèm.

Thời gian đa phần là lúc đi học về, nhân tiện huyên thuyên chuyện trường lớp linh tinh. Tiếng lạo xạo của cái “bồ cào” sắt mẹ đảo thức ăn hòa lẫn tiếng giội nước tắm của chúng tôi, nhưng không hề ảnh hưởng tới câu chuyện giữa mẹ và con. Hơi nước nóng từ dưới tấm rèm nghi ngút bốc lên, tôi nghĩ đó là lúc mẹ vui nhất trong ngày.

Trong lúc tắm tôi rất thích nói với mẹ những chuyện đại loại như “con nhất định sẽ cưới ai làm vợ”, hoặc “có vẻ như con sắp cưa được ai ai ai đó rồi”. Từ tiểu học đến đại học, nữ nhân vật chính trong các lời thề của tôi đã thay không biết bao lần, nhưng tấm rèm chỉ thay có một lần.

“Mới bằng này tuổi nghĩ làm gì nhiều thế! Chăm chỉ học hành đi là được!” Mẹ lúc nào cũng trả lời như vậy, nhưng chưa bao giờ trong lời nói của mẹ có sự nghiêm túc.

Đôi khi cũng tự nhiên thành cự cãi, tôi đội khăn tắm, thở phì phò tức giận, ném ra một câu “Hừ! Không nói với mẹ nữa!” Ra khỏi buồng tắm, sẽ thấy mẹ vừa bê thức ăn ra bàn vừa lặng lẽ rơi nước mắt, lần nào tôi cũng lấy làm hối hận, chỉ muốn mẹ thưởng cho vài tát tai.

Có thể mẹ thích sự theo đuổi của con trai đối với tình yêu, càng có thể đơn giản là mẹ thích chìm đắm trong những cuộc trò chuyện đời thường với con mình.

Miên man nghĩ ngợi, tôi định bụng thay mẹ viết gì đó.

Hoặc, thay cả gia đình lưu giữ lại những kỷ niệm chung đẹp đẽ.

Đoạn ký ức này nên đặt tên gì nhỉ? Ngồi trong tiệm cắt tóc, gần như ngay lập tức tôi hình dung ra bóng dáng bé nhỏ của mẹ dắt chiếc xe đạp, bẽn lẽn ngoái lại nhìn chúng tôi.

Ngồi trước gương, tôi không dám mở mắt ra.

Mẹ ơi, mẹ nhất định phải bình phục.

—

9 giờ 30 phút tối.

Ba đi về rồi, lát nữa thằng út tắm xong sẽ đến thay. Phòng bệnh chỉ còn tôi ở với mẹ.

“Hì hì, bây giờ mẹ chắc phải lo lắng nhất rồi.” Tôi mở ibook (ứng dụng đọc sách điện thoại), ngồi trên giường phụ, tựa lưng vào tường.

“Vì sao?” Mẹ ngạc nhiên.

“Vì chỉ còn lại thằng vô tích sự nhất.” Tôi tự trào. Quả thật thường ngày tôi đúng là thằng sống lôi thôi luộm thuộm nhất.

“Làm gì có, nhiều khi con rất chu đáo tỉ mỉ.” Lúc nói, hình như mẹ đã phát hiện tôi lén dùng ibook che nước mắt, nhưng rồi mải nói một lúc lại ngoảnh cả đầu sang.

Cho nên, tôi không hề chu đáo tỉ mỉ chút nào.

Nguồn ebooks:

Tôi vừa gõ câu chuyện này, vừa nói chuyện với mẹ về một mớ thông tin về bệnh máu trắng tôi kiếm được trên mạng.

“Mẹ ơi, hóa ra cấp tính còn dễ trị hơn mãn tính, lại may không phải dạng lypho mà là dạng tủy, năm đầu tiên xác suất sống hơn 60%, mẹ chắc chắn qua được.” Tôi nhắc mẹ.

“Mẹ sẽ qua.” Mẹ đáp, một tay gác lên trán như đang che bớt ánh đèn huỳnh quang. Đây là tư thế rất đặc trưng của mẹ, tôi cảm thấy trong đó ẩn chứa thành phần đau khổ.

Sau đó, tôi kể chuyện trám răng, rồi cả chuyện nhớ lại chương trình truyền hình liên quan đến mệnh lý bói toán. Tôi nhắc cho mẹ nhớ chúng tôi đã cùng xem chương trình đó, người dẫn chương trình là Huống Minh Khiết.

“Cho nên con nói là thật, con đã trám răng rồi, nên chắc chắn mẹ sẽ khỏe lên thôi. Mẹ ạ, con nhắc lại nhé, mẹ là người quan trọng nhất trong nhà, là ý nghĩa cuộc đời của bọn con.” Tôi nói.

“Biết rồi mà.” Mẹ nhắm mắt lại.

Mặc dù nhà tôi giống như đa số các gia đình truyền thống khác, không hay mở miệng ra là cứ yêu với đương, nhưng có những thời điểm, cảm xúc không thể truyền đạt qua tâm linh tương thông được. Tôi không hiểu tại sao lại để lỡ những cảm xúc đó một cách vô ích như thế.

Mẹ nằm trên giường, thỉnh thoảng để mắt tới tốc độ nhỏ giọt của dịch truyền. Mẹ đang thể hiện kinh nghiệm phán đoán của hộ lý chuyên nghiệp, sau đó quyết định gọi y tá đến. Quả nhiên, huyết tương truyền đã sắp cạn.

Tôi nhìn dáng người nhỏ bé của mẹ, mẹ lại đang dần dần thiếp đi.

Vài tiếng đồng hồ trước, thằng út nói một câu rất láo: “Mẹ à, cả đời mẹ chưa bao giờ được ngủ một giấc ngon, nhân cơ hội này nghỉ ngơi đi mẹ.” Chẳng hiểu sao nữa, lúc đó rất muốn bảo nó câm miệng, tuy rằng đó là sự thật chua xót.

Tôi nhìn mẹ ngủ, nhẹ nhàng ôm lấy cánh tay mẹ đang cầm ống truyền và dán đầy băng dính. Dáng mẹ ngủ còng queo vẹo vọ, đã di truyền sang tôi, toàn bộ.

Mẹ bỗng nhíu mày, ngón tay ngoáy vào lỗ tai mấy phát, sau đó tiếp tục giấc ngủ dang dở và bất an.

Mẹ rất thích ngoáy tai anh em tôi, nhưng không cho bọn tôi ngoáy tai mình. Nói cho cùng thì cũng phải thôi, vì trình độ ngoáy tai của mẹ đã tới mức thần sầu, tôi từng tận mắt chứng kiến một người hàng xóm chạy sang nhờ mẹ giúp, kết quả móc ra một cục ráy tai đen sì sì, người kia cảm ơn rối rít ra về.

Ráy tai của tôi nhiều nhất trong ba anh em, nói là ngoáy mãi không hết cũng đúng. Nhưng xét kỷ lục thì phải là anh tôi, lần đầu tiên bị bố bắt “đứng gội đầu”, sáng hôm sau rơi ra một cục ráy tai cực lớn.

Khi ngoáy tai, mẹ thích hỏi chuyện nọ chuyện kia, bọn tôi bị buộc phải ậm ậm ờ ờ trả lời mẹ. Mỗi khi lấy ra được một mảy nhỏ, mẹ lại quệt lên cánh tay bọn tôi. Có lần còn đem một cục ráy tai cực đại cho vào túi ny lông bằng bàn tay, giao cho bọn tôi giữ làm kỷ niệm hoặc đem khoe khắp nơi. Nhưng hầu như chẳng bao giờ thực sự lưu giữ cả, mấy lần bị con cá tôi nuôi trước đây ăn mất.

Mấy năm gần đây tôi mới bắt đầu nghĩ cách ngoáy tai cho mẹ, nhưng trình độ kỹ thuật còn kém xa. Mẹ rất sợ trình độ gà mờ của tôi, thường kêu đau đòi thôi, đồng thời kiên quyết rằng đợt công kích vừa xong của tôi hoàn toàn không phải là “mẹ ơi, chỉ mới ở bên ngoài thôi mà” như tôi nói.

Hồi trước những lúc nhàm chán tôi hay nghĩ linh tinh, nếu về già mắt mẹ mờ rồi, thì ai ngoáy tai cho tôi đây? Vài lần tôi tự cầm cái móc cho vào tai khều thử, nhưng không sao ngộ ra được bí quyết. Chỉ mỗi việc nhỏ này thôi, đã thấy mẹ là người không ai thay thế được.

Thằng út đến. Tôi trao “tín vật”.

Hôm nay nó ngủ lại bệnh viện với mẹ, sáng mai về Đài Bắc, đổi cho thằng ấm ớ là tôi ra trận.

Nhưng ngày mai là ngày đầu tiên làm hóa trị liệu.

Tôi rất sợ đau, cái này cũng di truyền. Tôi rất sợ thảm cảnh ngày mai chỉ còn lại mình tôi.

Anh cả mới đến Đài Bắc, vừa gọi điện cho tôi, nói là anh chỉ tức sao không có nhiều anh em nữa cùng chăm sóc mẹ. Trong đầu tôi lại nghĩ đến các “thiết lập đoán trước” trong phim điện ảnh The symbol. Mỗi sự sắp xếp của ông Trời đều có lý do riêng.

“Em vẫn hay nghĩ, có khi mẹ đẻ ra 3 anh em là có ý gì đó. Ba người cũng rất tốt.” Tôi bảo.

“Anh biết.” Anh đáp, kết thúc cuộc gọi.

/30

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status