Mẹ Thơm Một Cái

Chương 17: 16/12/2004

/30


Bẵng đi khá nhiều ngày mới ghi chép, bởi vì rất nhiều việc bỗng dưng không còn đúng hướng. Tôi cũng vì nhận một hợp đồng viết truyện trên điện thoại di động, bắt buộc đến cuối tháng phải viết được một đoản văn thật thú vị.

Trước tiên kể về gã chó già Puma.

Nhờ công thức điều trị thần kỳ của mẹ, Puma hơi có sức sống hơn, sau đó lại được sự chăm sóc tận tình của bà nội với tâm trạng ăn năn, cuối cùng nó đã khôi phục bộ dạng nghịch ngợm trước khi bị “suy dinh dưỡng trầm trọng”.

Bà nội không dám dùng xích lôi Puma đi tè nữa mà đổi sang bế. Rồi bà còn ngồi xổm nghiền thức ăn chó mà Puma không thèm ngó ngàng ra thành bột, trộn với đồ hộp dành riêng cho chó mà tôi mua để dụ nó ăn. Puma hít hà mấy cái, bất ngờ chén sạch bách. Ăn hết sạch được thì Puma về cơ bản đã không có vấn đề gì nữa. Thành tích đó làm bà nội khoe suốt mấy ngày.

Sau khi tôi cập nhật tình trạng thảm thương của Puma lên mạng, rất nhiều bạn bè nhảy vào mách nước, tôi đọc kỹ từng bình luận, lòng xúc động. Mọi người đã “yêu nhau yêu cả đường đi”, thật tốt bụng. Trong đó có bạn “mạnh mẽ kiến nghị” tôi phải đưa Puma đi khám bác sĩ, thậm chí còn trách móc tôi làm chủ nó mà quá bảo thủ, không coi sinh mạng con chó ra gì, hoặc tưởng nhầm tôi đã quyết định đi làm phép để Puma thế mạng cho mẹ tôi (một cáo buộc rất chi huyền bí!), tôi cũng không thể tức giận được, rất nhiều việc chỉ là thiếu một lời giải thích thôi.

Lời giải thích này vẫn phải vòng về mẹ của tôi.

Nguồn ebook:

Trong mười ba năm chung sống đã qua, Puma có tổng cộng bốn lần đối mặt với chuyện sống chết.

Lần thứ nhất, không nhớ Puma bao nhiêu tuổi, lúc đó tiệm thuốc trong nhà còn chưa sửa lại, Puma bị cảm nặng, suốt ngày ủ rũ, hắt hơi, chảy nước mũi. Lần đầu tiên mẹ sáng tạo ra công thức điều trị thần kỳ gồm thuốc cảm nước kết hợp thuốc gan, dùng xi lanh cưỡng chế bơm vào mồm, đã cứu được mạng Puma. Hồi đó tôi mới học trung học phổ thông đã đỏ hoe mắt quỳ trước tượng Bồ tát xin đổi mười năm tuổi thọ cho Puma, còn bị anh cả chửi cho. Nhưng mà, thế cũng chẳng có gì gọi là hy sinh cảm động, vì tôi quyết định thọ trăm tuổi, chỉ trừ đi mười năm vẫn chưa đủ thành tâm.

Lần thứ hai, là lần tôi từng nhắc đến, Puma bị cảm nặng, kiệt sức, đút sữa bò còn nôn hết ra. Lần đó có đi khám bác sĩ thú y, nhưng bác sĩ chỉ dặn cho Puma nghỉ ngơi nhiều. Trước đó tôi đã bắt đầu nhai nhuyễn thịt với cơm để bón cho Puma.

Lần thứ ba, có thể coi là lần nghiêm trọng nhất. Bỗng nhiên Puma không thể tiểu tiện được, chỉ có thể “rỉ” ra.

Mấy lần dắt Puma đi dạo, nó không nhấc được chân lên một cách bình thường, dù cố gắng tè cũng chỉ ra mấy giọt, nhưng tôi biết chắc chắn nó chưa tè hết, chỉ là lực bất tòng tâm, bởi vì nó bắt đầu đái lung tung không báo trước trong nhà, không sao ngăn chặn được. Nếu kiên nhẫn chờ Puma tè hết ở bên ngoài, nó cũng chẳng đủ sức, nhiều lúc thôi luôn động tác ghếch chân, tè chẳng khác gì con chó cái.

Thật tồi tệ.

Bản thân Puma cũng ngày càng đứng ngồi không yên, thể lực giảm sút rõ rệt. Nhưng tôi vẫn bế Puma lên gác ngủ như bình thường, dẫu cho nó liên tục đái ra giường tôi, thậm chí vãi cả ra gối với cái mặt: “Ờ, ai bảo tôi già rồi, hỏng hết máy móc rồi”, báo hại tôi chỉ biết ăn năn và muốn khóc.

Ban đầu, tôi không thể chịu được ga trải giường đầy vết nước đái, bởi vì mẹ phải giặt ga giường, mẹ thì vất vả, tôi thì bị chửi. Nhưng hễ cho nó xuống nền nhà, Puma liền kêu thảm thiết, một mực cố dốc sức tàn tìm cách leo lên giường tôi.

Tôi bèn nghĩ ra một biện pháp vẹn cả đôi đường.

Puma sẽ có thể rỏ nước tiểu bất cứ lúc nào trong đêm, tôi phải lúc thức lúc ngủ, phát hiện chỗ nào ướt rồi liền vớ một đống giấy vệ sinh thấm bớt cho khô, sau đó ngủ tiếp, hôm sau mới đem cả đống giấy vệ sinh ố vàng vứt vào toa lét giật nước phi tang, không để mẹ biết ga trải giường của tôi đã bị nước tiểu của Puma xâm chiếm.

Nhưng mùi nước tiểu thì không thể đánh lừa chính người đang nằm trên đó, tối nào cũng đi ngủ với mùi khai khú, trong khi với loài chó thì chỗ nào mùi nước tiểu của nó càng đậm nó càng cho rằng có thể tè ở đó, thế là Puma tè thả cửa. Cứ như vậy, khoảng hai tuần, tôi sống trong căng thẳng sợ mẹ phát hiện ga giường loang lổ đầy vết nước tiểu. Vì vậy trưa ngủ dậy phải trải chăn bông ra phủ kín lên giường chứ không gấp lại.

Giờ nhớ lại vẫn là một chuyện kỳ diệu trên đời.

Hồi đó Puma đã mười một tuổi, già nua chậm chạp, chỉ còn sót một cái răng hàm ố vàng, rò nước tiểu thê thảm như vậy, đương nhiên phải đem đi khám thú y.

Puma ngồi trên mặt bàn kim loại, toàn thân run điên cuồng, nước tiểu bắt đầu rò ra.

“Mấy tuổi rồi?” Bác sĩ thú y nhíu mày.

“Mười một tuổi rồi.” Tôi cũng căng thẳng thay cho Puma.

“Sỏi niệu đạo.” Bác sĩ phỏng đoán, yêu cầu tôi đem Puma đi chụp X quang rồi cầm tới cho ông ta chẩn đoán.

Tôi làm theo, kết quả đúng như lời vị bác sĩ tóc hoa râm.

Bác sĩ nói, điểm kết sỏi khá sâu, nên ông không thể dùng dụng cụ đơn giản gắp ra, chỉ có thể phẫu thuật.

“Phải phẫu thuật, nhưng chỗ này tôi không làm được, phải đến khoa Thú y của đại học Trung Hưng xếp hàng, chỗ đó mới có kỹ thuật gây mê hô hấp tương đối tốt.” Bác sĩ khuyên, sau đó giải thích đôi lời về sự thiếu thốn thiết bị phẫu thuật.

“Phẫu thuật... là thế nào?” Tôi ráng bình tĩnh, ra sức vỗ về Puma đang run dữ dội.

Tôi đã quên lúc đó bác sĩ lên lớp cho mình những gì, nhưng tôi không nhớ rõ mồn một rằng, với một con chó tuổi cao sức yếu như Puma rất có thể phẫu thuật tuy thành công nhưng do gây mê, nó sẽ không bao giờ tỉnh lại.

“Không tỉnh lại? Sao lại không tỉnh lại?” Tôi thắc mắc liên hồi.

“Chỉ có thể nói là nó đã quá già rồi, lượng thuốc mê khó chính xác. Mà dù chính xác nó cũng không nhất định tỉnh lại được, có thể đang phẫu thuật đã chết rồi.” Bác sĩ giải thích cặn kẽ. Thật ra bác sĩ rất tốt bụng, ông ta rất hiểu tôi đang lo sợ khôn cùng.

“Nếu không làm phẫu thuật thì sao?” Tôi nín thở.

“Sẽ chết chứ sao.” Bác sĩ nói với giọng chuyên môn.

“Chắc chắn chết sao?” Tôi hoang mang đến bây giờ rồi vẫn nhớ cảm giác hai chân lạnh buốt lúc đó.

“Một trăm phần trăm sẽ chết, mà còn chết rất đau đớn.” Bác sĩ cũng rất lấy làm tiếc.

Thì đúng rồi, đái không ra chắc chắn rất đau đớn.

Vì thế, phải mạo hiểm làm phẫu thuật, nếu có thể qua đời trong cơn mê man thì cũng dễ chịu hơn vỡ bụng chết vì tắc tiểu.

Tôi buồn rầu ra về, bắt đầu tìm hỏi bạn bè đang học ở đại học Trung Hưng lấy phiếu khám ở khoa Thú y như thế nào. Dĩ nhiên cũng thông báo để mọi người trong nhà biết Puma có thể vì vậy mà toi mạng, yêu cầu mọi người phải chấp nhận thực tế và rủi ro Puma phải làm phẫu thuật ở đại học Trung Hưng.

Mẹ bảo để mẹ thử xem.

Thế là, mẹ đem thuốc sỏi thận “của người” ra nghiền thành bột, trộn với sữa hay cái gì đó, hằng ngày dùng bơm tiêm đổ vào kẽ miệng Puma, còn xen kẽ với phương thuốc điều trị thần kỳ đã kể ở trên để tăng cường thể lực cho Puma. Mẹ nhận xét Puma rất ngoan, không giãy giụa, như thể biết mẹ sắp cứu được nó vậy.

Puma sống sót, giờ đây “con triêm” màu đỏ nhỏ bé không chỉ biết vọt nước tiểu, còn biết ôm ống chân tôi mà bắn tinh.

Thay vì bảo rằng thuốc có tác dụng tốt, nói thực lòng, trong mắt tôi mẹ mới là linh đơn thần dược của Puma.

Từ bé, ở bên ngoài ốm sốt thế nào, hễ về nhà có sự chăm sóc của mẹ, thông thường đều khỏi nhanh chóng một cách thần kỳ. Thậm chí còn có kỷ lục là về đến nhà chỉ mới tắm nước nóng xong đã khỏi. Mẹ vốn coi Puma như con, đương nhiên cũng xóa tan những đau đớn của Puma và xoay chuyển nguy cơ sống còn của Puma như lời bác sĩ thú y, một cách dịu dàng.

—

Nói xong phần về Puma, tiếp theo là một thất bại khiến người ta tím ruột.

Hôm trước làm xét nghiệm đờm của mẹ, xem có phát hiện ra nguyên nhân mẹ ngày nào cũng sốt không. Kết quả cực kỳ hoang tưởng, bệnh lao phổi.

Vâng ạ, chính là cái bệnh truyền nhiễm “pháp định” ấy!

Nhưng mẹ nằm trong buồng cách ly, loại buồng cách ly mà ai cũng phải mặc áo cách ly, đội chụp đầu, đeo khẩu trang, rửa tay như điên và thay dép! Tại nơi bệnh viện bảo vệ nghiêm ngặt nhất mà để một bệnh nhân máu trắng với sức đề kháng rất yếu bị phơi nhiễm lao phổi, có phải khiến người ta quá mức sửng sốt, không hiểu, phát rồ, muốn gào muốn rít không?

Bác sĩ nói, mẹ bị nhiễm lao phổi từ trước khi nhập viện.

Vấn đề là, trước khi vào viện, mẹ đã làm X quang lồng ngực theo quy định, nhưng bệnh viện chẳng nhận xét gì. Sau đó mẹ liên tục sốt, đã lại chụp X quang lồng ngực và làm siêu âm, bệnh viện cũng chỉ nghi hơi bị tràn dịch màng phổi. Thế mà, bây giờ lại bảo với chúng tôi là “trước khi mẹ nhập viện đã mang vi khuẩn lao trong cơ thể...”

Chúng tôi hầu như không kịp phẫn nộ, không kịp nghi ngờ liệu đây có phải là điều hoang đường nhưng rất nghiêm trong: lây nhiễm bên trong bệnh viện, chỉ tỏ vẻ thất vọng khôn cùng, ngay cả mẹ cũng lộ vẻ chán nản thất vọng hiếm thấy. Đành an ủi nhau: “Ít nhất cũng đã tìm ra nguyên nhân ngày nào cũng sốt, giờ chỉ cần dùng thuốc là được.”

Trong thời điểm cần sự chăm sóc thật nhiều của bệnh viện, chúng tôi, mặc dù rất bực mình, vẫn đành phải chuyển mẹ từ chỗ bảo vệ nghiêm ngặt nhất bệnh viện sang nơi lây nhiễm cao nhất, ở phòng cách ly nằm chung với bệnh nhân lao phổi.

Lúc đầu ung thư ở phòng khí áp cao, không khí chỉ lưu thông từ trong phòng ra bên ngoài chứ không thổi từ bên ngoài vào được. Bây giờ lao phổi lại ở phòng khí áp thấp, không khí chỉ có thể lưu thông từ không gian bên ngoài vào trong chứ không từ trong ra ngoài được.

Chúng tôi và những người tiếp xúc với mẹ đều phải đi chụp X quang kiểm tra theo luật định, tạm thời nghe nói không sao, may thay. Nếu không lực lượng chăm sóc mẹ lại thêm mất mát, nghĩ tôi cũng chẳng dám nghĩ nữa.

Thế là, túi to túi nhỏ, chuyển từ tầng bảy lên tầng chín.

Trước tiên, khẩu trang được nâng lên thêm 100 cấp, từ khẩu trang y tế mỏng mỏng xanh nhạt chuyển một phát lên khẩu trang N95 tự mua, mỗi cái bảy lăm đồng, hai ngày thay một cái.

Thứ hai, vẫn là cửa kính dày và nặng dùng chân điều khiển, hết lớp này đến lớp khác, nhưng thêm một lớp cửa thép, phải vặn tay nắm cửa rồi kết hợp tay kia ấn xoay nút màu cam thì mới vào được.

Sau khi sang phòng mới là một chuỗi ác mộng.

Giường bên cạnh cũng là bệnh nhân lao phổi, chẳng ai muốn mắc bệnh để phải vào viện bị cách ly, nên cũng chẳng có gì phải phàn nàn. Nhưng không may thay, người nhà của bệnh nhân này thuộc dạng vô địch nói to của tầng chín.

Bệnh nhân là một người già thường xuyên ngủ mê man, cô con gái chăm sóc trạc 35 tuổi, là một nhân vật không phân biệt được lời nói ra mồm với suy nghĩ trong đầu, nút volume lắp ở cổ họng đã bị hỏng hoàn toàn, nói lẩm bẩm mà không khác người ta lớn tiếng diễn thuyết là mấy, càng miễn bàn lúc chị này nỗ lực phàn nàn với y tá về bác sĩ, lạc cả giọng.

Hình như, chị ta vốn không hề biết trong phòng còn một bệnh nhân nữa?

Bố chị ta ban ngày toàn ngủ, gọi sao cũng không tỉnh, ban đêm không ngủ thì ồn ào liên tục, nên cứ về đêm là cuộc thi lớn tiếng bắt đầu. Có lúc hai mẹ con chị ta cãi vã nhau, hoặc cùng nhau điều khiển y tá, lúc đó mới càng hấp dẫn... Nếu mẹ không bị miễn cưỡng làm khán giả, tôi sẽ coi đây là một chuyện rất KUSO để cười.

Ông bố ốm đau của chị ta bị nôn, chị sẽ vừa dọn dẹp vừa chửi mắng. Lỡ đái ra giường, chị ta nổi khùng. Ông bố không chịu ngồi dậy, nước sữa để ăn bị đặc quá, bác sĩ mỗi tuần chỉ thăm khám vài lần v.v... chị ta đã nhiều lần phàn nàn với y tá, rồi tự ca thán, cuối cùng là vận động cả nghị sĩ gọi điện thoại thẳng đến văn phòng giám đốc bệnh viện để chửi. Đến lúc bác sĩ đến thật, chị ta lại câm tịt, vâng vâng dạ dạ. Bác sĩ vừa chân trước chân sau đi khỏi, chị ta lại bắt đầu chửi rủa cùng với mẹ mình, sao lại có loại bác sĩ như vậy..., sau đó cùng bà mẹ nghiên cứu biện pháp gây sức ép các y tá.

Quá ồn ào!

Mẹ làm ba viên thuốc ngủ vẫn không ngủ nổi, hai đêm liền hầu như trằn trọc không yên, đêm qua còn khóc nữa. Mẹ không ngủ được, kéo theo chúng tôi cũng không yên tâm ngủ. Tôi còn đỡ, cùng lắm thì viết sách đến sáng, nhưng anh cả thì thảm hại, một cuốn tạp chí ô tô đã bị anh đọc thuộc lòng.

Trong tình trạng giày vò cùng cực mệt mỏi, tôi và anh cả hễ thay ca về nhà là vùi đầu ngủ luôn ba tiếng.

Trong tình hình không biết phải ở với nhau bao lâu, mẹ nhất quyết ngăn cản tôi và anh cả qua “nói chuyện”, nhất là với cái bộ dạng chan tương đổ mẻ của họ. Ba có mấy người bạn trong giới y khoa, đang nghĩ cách vận dụng các loại quan hệ có thể để xin đổi phòng bệnh, nhưng tôi e cơ hội rất mong manh, bởi vì dù sao đây cũng là dạng điều trị “cưỡng chế” theo luật định, nếu các phòng cách ly khác đã đầy giường, thì chúng tôi chỉ còn cách tứ thủ ở cái chốn ồn ào chết tiệt con mẹ nó này.

“Vậy nhịp độ hóa trị bây giờ phải điều chỉnh thế nào?” Tôi hỏi.

Bác sĩ nói, trước hết phải dừng các hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, tạm thời tập trung chiến đấu chống lao phổi.

“Vậy là sẽ phải ở đây bao lâu?” Mẹ có vẻ mệt mỏi.

Bác sĩ bảo, ít nhất hai tuần, chờ đến lúc mật độ khuẩn lao không đủ mức truyền nhiễm thì sẽ đổi phòng. Nhưng thuốc lao phổi thì phải uống liên tục chín tháng đến một năm, đồng thời kiểm tra định kỳ xem có còn tàn dư bệnh nữa hay không.

Tâm trạng rất tồi tệ.

Chỉ có nhìn thấy mẹ được ngủ say và không bị sốt, thì mới bình tâm được một chút.

/30

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status