Mẹ Thơm Một Cái

Chương 11: 4/12/2004

/30


Buổi chiều, Xù chuẩn bị đến Chương Hóa, nhưng tiếc không đến thăm mẹ được. Nếu cứ ra ra vào vào thì buồng cách ly bảo vệ còn gì ý nghĩa, tôi định dùng chức năng ghi hình của máy ảnh, để Xù nói mấy lời chào mẹ từ bên kia hai lớp tường ngăn.

Hôm qua in ra bức thư của một bạn trên mạng để mẹ xem, hy vọng mẹ được đắc ý một chút. Chỉ trích dẫn ra đây một phần:

Tiêu đề: Báo cáo, cháu là fan của mẹ anh Đao

Ngày ngày ở nhà đối mặt với ba cây củ cải, lắm lúc muốn nổi điên cấu xé. Sau khi đọc “Mẹ, thơm một cái”, cháu bỗng thấy trong mình một ước vọng lớn lao “làm người mẹ tốt phải là như thế”. Mong sao mình được giống mẹ của anh Đao, nuôi dạy con gái mình được như ba anh em nhà anh Đao, biết chăm sóc, tự tin, đoàn kết, yêu mẹ... Đề nghị anh Đao viết thêm các chuyện về phương pháp nuôi dạy con cái của mẹ anh... Rất mong được thỉnh giáo mẹ anh Đao làm sao để có thể dùng trí tuệ trong ứng xử với mối quan hệ mẹ chồng con dâu v.v...

Mẹ rất vui, không ngờ cũng có fan. Tôi nhớ lại ba ngày trước hôm mẹ đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe, trên ti vi có chương trình thời sự cập nhật chuyện người mẹ của một đám sinh tư đã chết vì kiệt sức.

Còn nhớ chắc khoảng hơn một năm trước, cũng trên ti vi, trông thấy hình ảnh hân hoan của bốn chị em sinh tư cùng đi học trường mầm non. Lúc đó người mẹ đang dắt bốn đứa trẻ luôn miệng bi bô nghịch ngợm đã phàn nàn với phóng viên là, một người phải quản lý bốn đứa trẻ cực kỳ mệt, chẳng có mấy thời gian để ngủ.

Cuối cùng, người mẹ đó đã sức cùng lực kiệt, xuôi tay nhắm mắt.

Điều khiến tôi xót xa là, khi phóng viên phỏng vấn bốn chị em ngồi bên bàn: “Các con biết mẹ mất rồi không?”, bốn chị em ngây thơ trả lời: “Mẹ con chết tối qua rồi”, “Mẹ con bay lên trời rồi.” Một đứa trẻ còn đứng trước ống kính camera dùng ngón tay làm động tác chết ngoẻo. Những đứa trẻ chưa biết đau buồn, không hiểu bao lâu nữa mới cảm nhận được nỗi khổ hoảng loạn và không nơi nương tựa.

Phóng viên tiếp đó phỏng vấn giáo viên mầm non, cô giáo kể đã từng khuyên mẹ lũ trẻ đừng dạy con bằng phương pháp đánh mắng, hãy thử trao đổi nhẹ nhàng với con. Nhưng người mẹ đó nói rằng, không được, quản lý bốn đứa một lúc, chỉ hơi nương tay là chúng được đằng chân lân đằng đầu ngay. Người bố lạnh lùng nói với phóng viên, vợ anh rất hay phàn nàn với anh, rằng thực sự mệt mỏi lắm lắm rồi, mấy năm liền không ngày nào được ngủ đủ giấc, chỉ sợ một hôm nào đó gục xuống không dậy được nữa. Giờ thì chuyện đó đã xảy ra. Anh ta sẽ cố gắng đảm đương trách nhiệm nuôi dạy con cái.

Lúc đó tôi và anh cả đều đang ở Đài Bắc, đều xem tin tức này.

“Mẹ cũng vậy, mấy năm nay chẳng hôm nào ngủ được tròn giấc.” Tôi thở dài.

Để chăm sóc ba, nửa đêm mẹ vẫn bị đánh thức, mắt nhắm mắt mở xoa nắn chân đau cho ba, đấm lưng mỏi của ba. Lâu ngày, tay của mẹ mỏi đến mức bị đau, mà vẫn không dám nói thẳng cho ba biết, chỉ nói tại mình cố sức vặn van bình ga nên bị trẹo tay. Ba lại còn trách móc mẹ sao tự làm đau mình, khiến mẹ rất oan ức. Nhưng dù tay mẹ bị đau, ba vẫn tiếp tục đêm hôm gọi mẹ dậy đấm chân cho mình.

Buổi trưa mẹ gục ra bàn trong cửa hiệu, hoặc nằm co đằng sau mặt quầy để ngủ, hễ có khách quen đến tìm mẹ tán chuyện hoặc làm gì đó (tỉ lệ khách quen cực cao), ba lại gọi mẹ dậy, nói thẳng ra là không hề “thương hoa tiếc ngọc” gì hết. Hiệu thuốc đóng cửa, tắm rửa xong, mẹ đã rất buồn ngủ, nhưng hễ ba yêu cầu, mẹ lại đi nấu cháo, hâm thức ăn để chăm sóc ba. Khối lượng công việc của mẹ so với mỗi người trong nhà phải gấp mấy lần, giấc ngủ quý giá luôn luôn bị gián đoạn, thành ra giờ đây ước mơ lớn nhất của mẹ là được ngủ một giấc thật đẫy.

Làm một người mẹ tốt rất khó khăn, muốn kiêm cả một người vợ tốt và con dâu tốt lại càng khó.

Vậy thì đừng có khó khăn thế nữa.

Nếu thời gian có quay ngược lại, tôi thà mong mẹ gây gổ với sự thiếu quan tâm của ba nhiều hơn, xem có đồ đạc gì ném cho vỡ ra cũng tốt; thêm nhiều lần gọi hàng cơm đưa đến, thậm chí đi khỏi nhà mấy ngày nhiều lần, để bà nội sớm xuống bếp ăn những thứ tự nấu lấy.

Mẹ chẳng có phương pháp nuôi dạy gì đặc biệt, lúc đánh phạt chẳng đau tí nào, chỉ một lòng hy sinh cống hiến. Hy sinh đến mức độ làm anh em chúng tôi thấy xót xa.

@STENT

Một lần hồi cao học năm thứ hai, trên tàu từ Chương Hóa đi Đài Bắc, tôi phải chuẩn bị báo cáo cho buổi học vài ngày tới nên vừa tra từ điển vừa gặm cuốn tài liệu gốc bằng tiếng Anh đặt trên đùi. Sự chuyên tâm của tôi gây chú ý cho cô gái chừng 28 tuổi ngồi ghế bên cạnh. Cô gái ngày càng dịch sát vào, khiến tinh thần tôi bắt đầu dao động, ngỡ là cô quan tâm tới thứ tôi đang học, bèn cố ý dịch cuốn sách sang một chút để cô đọc cùng.

Nửa tiếng sau, cô gái chủ động bắt chuyện, hỏi sao tôi có thể đọc hiểu được cuốn sách tiếng Anh dày đến thế. Tôi rất ngạc nhiên: “Không phải chị cũng hiểu đấy thôi? Tôi còn để chị đọc cùng mà.”

Cô lắc đầu: “Làm sao mà hiểu được, từ khi lên cấp ba tôi đã tuyệt vọng với tiếng Anh rồi.”

Cô kể tiếp, công việc của cô là đứng vỉa hè phân phát danh thiếp, tờ rơi tín dụng đen. Trong quá trình phát tờ rơi, cô cũng cảm nhận được thế giới này có những thứ khác biệt rất lớn. Cô thấy người lái xe Mercedes thì nghĩ, ôi, cần gì phát tờ rơi cho người này, chắc chắn người ta không cần vay tiền. Nhìn những người bình thường đang cật lực kiếm sống ở sâu trong chợ, trong những không gian chật hẹp, dưới ánh điện vàng vọt, cô lại thở dài, tại sao những người này vất vả cả năm trời cũng chưa chắc kiếm bằng người đi xe Mercedes kiếm trong một giờ? Và cô lại không nỡ giơ tờ rơi tín dụng đen ra cho họ.

Nhìn tôi gặm cuốn tài liệu gốc, cô rất cảm động. Cảm thấy liệu có phải đời này mình đã bỏ lỡ mất điều gì đó, tiếc không thể trở thành một phần tử của “giai cấp trí thức”.

“Có phải nhà anh rất nhiều tiền không?” Cô hỏi.

Tôi không biết cô hy vọng nghe thấy đáp án thế nào, nhưng tôi chỉ có một lời giải thích.

“Hoàn toàn ngược lại.” Tôi nói, “Nhà tôi nợ đầm đìa.”

“Thế nhưng sao anh lại đọc được tiếng Anh?” Cô tò mò.

Tôi bỏ qua kiểu trả lời chung chung. “Thật ra người biết tiếng Anh đầy đường, học cao học còn không hiểu tiếng Anh thì chết còn hơn”, mà đáp: “Mẹ tôi chưa bao giờ cắt giảm tiền học của các con. Vì trường tư dạy rất nghiêm, nên ba anh em tôi đều học trường tư thục. Bà còn muối mặt nhiều lần vay mượn quay vòng trong số bà con họ hàng. Lên đại học, anh em tôi tiếp tục vay quỹ hỗ trợ để học lên. Mẹ tôi chưa bao giờ ép con phải sớm đi làm. Thật ra rất nhiều bà mẹ đều như vậy, mong muốn con cháu sống khá hơn mình, đỡ khổ hơn đời mình.”

Nhưng lúc đó tôi vẫn quên một việc, ngoài “vất vả đốt tiền”, mẹ còn vất vả dậy cực sớm suốt bảy năm ròng.

Tại vì hai năm đầu trung học cơ sở tôi học hành ẩu tả, điểm số rất tệ, lên năm thứ ba buộc phải chạy nước rút, ngày nào cũng học đến quá nửa đêm mới đi ngủ. Mẹ bắt đầu để ý thấy giờ giấc học hành và nghỉ ngơi của tôi không bình thường, bèn cưỡng chế tôi đi nằm trước 12 giờ đêm.

“Đi ngủ nhanh, 5 giờ sáng mai mẹ gọi dậy.” Mẹ áp tải và quăng tôi ra giường.

Đến 5 giờ, mẹ đã loạng choạng mắt nhắm mắt mở gọi tôi.

“Điền Điền, 5 giờ rồi, mau dậy học bài.” Mẹ nói líu ríu trong mồm.

“Ứ, cho con 10 phút nữa, đi mà.” Tôi van lơn, mắt vẫn nhắm nghiền.

Nhất là sáng sớm mùa đông, muốn bò ra khỏi đống chăn cuộn tròn thực là cực hình tàn bạo.

“Mười phút nữa nhé.” Mẹ ngồi bên giường đếm giờ, mắt mơ mơ màng màng.

Mười phút sau, mẹ lôi bằng được tôi dậy, đồng thời chiếm cứ chỗ nằm của tôi để ngủ tiếp, còn tôi đi rửa mặt đánh răng, ngồi vào bàn sát cạnh giường để làm bài tập, học thuộc bài khóa.

Về sau, anh cả và thằng út cũng trở thành đối tượng bị mẹ gọi dậy từ 5 giờ sáng. Còn tôi, cho đến lúc rời nhà vào đại học, mẹ đã gọi liên tục bốn năm trời, lúc đó thằng út mới lên năm thứ hai trung học, trước khi rời Chương Hóa vào đại học Sư phạm cũng phải để mẹ gọi hai năm. Không biết đã làm mẹ bạc thêm bao nhiêu tóc.

Thấm thoắt, sáu năm qua hầu như ngày nào mẹ cũng phải vất vả dậy sớm từ 5 giờ gọi con trai dậy học bài.

Mẹ luôn hiểu nhầm rằng thành tích học tập của con cao là do đầu óc con mình thông minh, chăm chỉ học hành, mà quên mất chính mình đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đó.

Nếu thời gian quay ngược trở lại, tôi nhất định sẽ tự giác dậy sớm.

Nhưng thời gian không thể quay ngược, nên tôi rất ăn năn.

Tôi luôn cho rằng, ăn năn là một cảm xúc tất yếu của sự phản tỉnh.

“May mà mình học giỏi, đền đáp được nỗi vất vả dậy sớm của mẹ” - kiểu tự an ủi thế này thật ra chính là đùn đẩy trách nhiệm, rất ác độc.

Nếu “ăn năn” còn không dám nhận, thì nói gì đến “hối hận”? Thì làm gì có biết ơn thật sự?

Viết một hồi đã hơi lạc đề. Nhưng tương lai còn rất nhiều ngày tháng có thể đưa hình ảnh nuôi dạy anh em chúng tôi của mẹ trở về. Rất muốn nhân đây tiếp tục viết về phần ăn năn.

Tôi về nhà trước khi mẹ nhập viện hai ngày. Lúc đó mẹ chỉ có báo cáo xét nghiệm thành phần máu (bạch cầu quá cao, hồng cầu và tiểu cầu quá thấp), vẫn chưa đến bệnh viện lớn xét nghiệm tủy xem có ung thư hay không, ai cũng cầu mong mẹ chỉ bị thiếu máu nặng.

Đêm đó, trong nhà thảo luận vì sao mẹ lại tự nhiên chóng mặt và bị ốm. Ba và bà nội đều nói, tại vì bà ngoại ở Đào Viên bị ung thư tụy, mẹ phải chạy đi chạy lại chăm nom vất vả quá sức. Cuối cùng tôi không nhịn được nữa, đính chính riêng với ba và bà nội về những nhận xét vô lý và rất thiếu ăn năn kia.

Tôi nói, 100% là mẹ mệt quá hóa bệnh, là hậu quả của việc cả nhà đã dựa dẫm quá mức vào mẹ, bắt nạt mẹ suốt thời gian dài.

Bà nội cứ tự trách nặng nề, “Bà đã khuyên mẹ mày từ lâu, đừng có vất vả như thế, đừng có lúc nào cũng chiều ba mày như thế.” Nhưng bà trước sau không hề nói hộ mẹ một câu, cũng không nghĩ xem tại sao có những lúc mẹ bận đến mức không có thời gian vừa trông coi tiệm thuốc vừa nấu cơm.

Ba thì nói không đùn trách nhiệm, nhưng vẫn nhấn mạnh cái ngòi nổ chính là việc phải chạy đi chạy lại Đào Viên, cứ như không có ngòi nổ thì sẽ không có chuyện gì vậy. Nói thực lòng, tôi còn muốn cám ơn cái ngòi nổ này. Không sớm nổ ra sự thật đau buồn này, thì mẹ sẽ không thể “sớm phát hiện, sớm chữa trị”.

Tóm lại, đã đến nước này mà mọi người vẫn cố gắng để không ăn năn, đẩy nguyên nhân bệnh tật sang việc mẹ phải đi lại chăm sóc bà ngoại, khiến tôi suýt nổi khùng. Quả là vô cùng phẫn nộ.

Mấy hôm nay ai nấy đều mệt mỏi. Công việc hằng ngày của mẹ chia ra cho tất cả mọi người, thế mà còn làm không nổi, hoặc làm rất kém.

Cuối cùng bà nội cũng thấy ra cô con dâu này hoàn hảo biết mấy, nhưng phải dùng phương thức đáng thương nhất là tự rơi vào hoàn cảnh mới hiểu được. Đáng thương đến mức tôi không thể nào trách móc bà, chỉ an ủi bà là mẹ con thể nào cũng sẽ khỏi bệnh.

Mẹ nằm xuống, ba rất hay than thở trước mặt bà con bạn bè: “Vợ tôi ốm, hơn hai chục năm nay tôi chưa hề đặt chân vào hợp tác xã tín dụng, giờ đến lo công chuyện mới phát hiện ra là mình chẳng biết làm thủ tục gì cả...” Lối diễn đạt và mẫu câu đấy, là để khen ngợi sự đảm đang của mẹ.

Tôi thấy rất đau lòng, rất tức giận.

Cực kỳ tức giận.

—

Chuyện kể thêm

Mẹ nằm mê, sực tỉnh, vừa mở mắt ra đã đòi hỏi tôi mua kem cho ăn.

“Mẹ ạ, lúc vừa mua đồ ăn sáng về, con nghe chỗ y tá nói một chuyện rất khủng khiếp.”

“Chuyện khủng khiếp gì?”

“Sắp đến Giáng sinh, giáo hội trong bệnh viện mời một đoàn xiếc nhỏ về diễn cho bệnh nhân xem, nhưng mà vừa sáng ra tập thử, con hổ của ông ảo thuật chạy đâu mất... giờ nó đang trốn trong bệnh viện, không ai nhìn thấy.”

“Ôi chà, hổ đấy là người đóng giả mà!”

“Hổ thật! Vừa nãy con nghe thấy y tá đang kiểm tra danh sách, nói là có mấy đứa nhỏ không thấy đâu. Coi chừng lúc nữa nó lẻn vào buồng cách ly đấy!”

“Mày lại nói lung tung.”

“Thật mà! Con chỉ sợ chốc nữa mua kem về, không thấy mẹ đâu, chỉ thấy con hổ nằm trên giường, bụng tròn căng thì chết.”

“Thế thì mày coi chừng không có mẹ.”

“Yên tâm, con sẽ lấy kéo cắt bụng nó cứu mẹ ra.”

Sau đó mẹ tiếp tục ngủ. Tôi gọi điện hỏi Xù đã lên tàu chưa.

“Xù này, kể cho em cái này nhé, sợ lắm!”

“Gì thế?”

“Vì chuẩn bị Giáng sinh, bệnh viện mời đoàn xiếc về diễn, sáng nay một con hổ sổng ra mất, chạy lung tung trong bệnh viện, thế rồi...”

“Hứ, anh đừng nói vớ vẩn nữa nào!” Xù cúp máy.

Quả nhiên, không hổ danh là Xù.

Cô ấy thường nói, người chưa hiểu tôi lắm hay cảm thấy tôi hóm hỉnh hài hước (cô ấy bị tôi cưa đổ trong tình trạng như thế), thực ra tiếp xúc lâu rồi mới biết tôi chỉ là một thằng cực kỳ nhàm chán và ngốc nghếch.

Chút nữa tôi sẽ đi mua kem mà.

/30

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status