Mây Gió Đổi Thay

Chương 2

/13


Mỗi sự kiện, mỗi câu nói nặng nhẹ cũng chỉ là vấn đề quan điểm và góc độ. Tôi không tin chồng khinh miệt tôi, chẳng qua anh muốn giải thích cho tôi hiểu, ngừa tôi làm những chuyện vô ích. Làm người cốt chỉ cầu sự an tâm là được, còn so bì này nọ rõ là không hay rồi.

Thực ra, tôi vốn không có ý hư vinh, chỉ vì có thái độ không hay nên làm Cẩm Xương một phen tức giận. Sau này tôi sẽ nhớ lấy để không gây hiểu lầm nữa.

Từ đó về sau, mỗi khi đi với Thính Đồng vào cửa hàng tôi chỉ làm kẻ quan sát. Các nhân viên cửa hàng quen mặt Thính Đồng, thấy cô ta là niềm nở săn đón, họ chẳng màng gì đến tôi, cứ để mặc tôi tới lui lặng lẽ.

Trãi qua bao sự việc, tôi không hề nói với mẹ. Tự mình lấy làm quen, không phải như hồi còn nhỏ, việc gì cũng báo với cha mẹ. Khi cha tôi còn sống, tôi thường gần gũi với ông hơn là mẹ. Ông chịu khó nghe tôi kể lể mọi sự và hay khuyên tôi hãy xét sự việc ở góc độ vui vẻ, lương thiện. Như gặp người ăn xin bên đường, ông dạy tôi:

– Con đừng xét họ là thật hay giả, họ cũng có điều ẩn khuất đấy, mình có tiền thì cứ cho họ.

Tôi nhớ lời ông, do đó, dù có chuyện gì xảy ra tôi vẫn điềm đạm ứng xử và tin tưởng ở mình.

Mẹ vẫn hay nói tính cách của tôi giống cha tôi – không thể chấp nhận!

Miệng thì nói vậy nhưng trong lòng thì chưa hẳn. Người không thể chấp nhận hẳn nhiên là còn sống trên đời này.

Thế nhưng, tôi vẫn tin dù bà hay cằn nhằn, mắng mỏ, bà vẫn thương yêu con cái mình. Cho nên tôi không để tâm lời bà chì chiết tôi, hoặc tôi cho đó là điều khích thích và càng có cảm tình hơn!

Sau khi đưa mẹ về xong, rốt cục tôi cũng được ngả lưng ngơi nghỉ.

Nằm xuống giường thật thư thả, tôi dần chìm vào giấc ngủ.

Chuông điện thoại đầu giường reo, tôi ngồi dậy cầm máy.

tiếng của Mạnh Thính Đồng:

– Gì thế? Cô chủ lại ngủ à? Chị thật là tốt số!

Vừa trải qua mấy phen chinh chiến, nay đến người bạn thân châm chọc.

– Ra ngoài ăn trưa đi chứ!

Nghe giọng điệu thì biết cô ta đang nhăn mày nhăn mặt.

Thật không đáng phải như vậy. Sau khi tốt nghiệp đại học cùng với tôi, cô sang Anh học thêm hai năm, trở về Hương Cảng lại không ngừng tiến lên, trong thương nghiệp có mấy năm, cô đã từ chối mấy nơi cao quý. Sau 10 năm, danh tiếng Thính Đồng càng nổi bật trong thương trường. Tài và địa sản, sau mấy năm điêu đứng thì phát trở lại, mọi chuyện đều êm xuôi. Không những thế, gần đây Thính Đồng còn bắt đầu tham gia “chấp chính” , tại khu công xưởng của cô đang tuyển ra một nghị viên, nghe nói cô lại tiếp tục lên cao.

Cô xem tôi là bạn, thường đi uống trà và kể cho tôi nghe đủ chuyện vui buồn của cô. Cô từng than thở:

– Một mình lăn lộn chiến đấu, bắt buộc phải dốc hết tinh thần ra. Tôi cứ không ngừng nhắc nhở mình, hoa không tươi đến trăm ngày, cho nên tôi không hè buông bỏ qua một cơ hội thuận tiện nào, cũng như không từ chối lấy sự quan hệ giúp đỡ nào; tôi vận dụng lấy từng đồng bạc để làm lợi, cũng như tôi hết sức tiết kiệm thời gian vậy.

Tôi hiểu Thính Đồng và rất mến cô nàng.

Tay trắng lăn lộn trong đời và tạo nên sự nghiệp không phải là chuyện dễ.

Tôi là người không làm được việc đó nên rất kính phục Thính Đồng. Việc cơm nước, sinh đẻ, giăng màn trải chiếu thì người đàn bà nào không làm được?

Chỉ cần tự nguyện làm nội trợ trong gia đình thì nhất định là được, và có làm tốt thì cũng chẳng đáng khen gì.

Hà huống, với thân phận và địa vị của Thính Đồng hiện tại, cô vẫn đi lại thân thiết với tôi cũng làm cho Cẩm Xương thêm quý trọng.

Thính Đồng rất tiết kiệm thời giờ, nhưng nhiều lúc cô bỏ công nhàn rỗi đi với tôi đến khuya mới buông tôi về nhà, vậy có thể thấy câu chuyện của chúng thôi đối với cô rất có ý nghĩa.

Thính Đồng bận việc túi bụi, nên mỗi khi cô ước hẹn, tôi đều khó từ chối, thời gian và địa điểm đều do cô định đoạt.

Hôm nay tình hình có khác, chuyện kinh nguyệt làm tôi mệt mỏi nên tôi đề nghị:

– Tôi muốn ngủ thêm lúc nữa! Chiều tôi sẽ đi uống trà với cô được không?

– Rõ thật! Cô chủ nhà ta quá khó gần gũi! Mau, mau lên, không trễ được, tôi không có thời giờ, ăn trưa với chị xong tôi phải trở về xưởng, có người từ Mỹ tới bàn bạc đặt hàng tôi đây, nếu họ không đi dùng cơm, mua sắm ở Tiêm Sa Thư thì tôi không còn rỗi rãi đâu!

Tôi chưa kịp đáp thì cửa phòng đã mở, mẹ tôi bảo:

– Con nói xong chưa? Cứ đặt điện thoại đầu giường rồi chuyện trò cho đã!

Đừng để con gái con tập thói ấy, mẹ đang cần điện thoại đấy!

Tôi quên mất buổi trưa bà hay dùng điện thoại, chủ yếu là liên hệ mấy người bạn hợp lại chơi bài. Tôi vội nói với Thính Đồng:

– Được! 12 giờ, cô định gặp ở đâu?

– Chị đến Sa Điền đi!

– Sa Điền sao? – Tôi kêu lên – Hay bị kẹt xe lắm! Đến Tiêm Sa Thư đi!

– Sau khi mặt trời rơi mất thì thời gian hoàn toàn do chị, còn bây giờ tôi đến Tiêm Sa Thư thì về xưởng không kịp, hỏng chuyện lớn mất.

Rốt cục tôi cũng phải chiều Thính Đồng.

Gác điện thoại, xem đồng hồ đã hơn 11 giờ. Tôi vội vàng rửa mặt, thay áo sơ mi, quần tây, mang bao tay đi nhanh ra cổng. Mẹ tôi gọi lại:

– Chờ đã, con đi đâu đấy?

– Dùng cơm với Thính Đồng.

– Kể ra con thiệt tốt phước, được nhân vật nổi tiếng đương thời chiếu cố cho cũng hãnh diện. Đêm qua xem tin tức ti vi thấy Thính Đồng xuất hiện, người ta càng bận, càng đẹp thì càng phấn chấn lên. Nghe Uất Chân nói con bé sắp bước vào Cục lập pháp đấy.

– Mẹ, con phải đi thôi, đợi về hãy nói!

– Không, không, chờ mẹ một chút, cho mẹ tới Thái Cổ Thành đi!

– Mẹ! ....

Tôi muốn từ chối nhưng nhìn vào mắt bà, tôi lại giục:

– Mẹ nhanh lên, con trễ mất!

– Gấp gì vậy? Đã là bạn bè lâu năm thì đến trễ bữa ăn có hề gì? Qua lại không phải hạng tầm thường là tốt rồi, tội gì phải đuổi bám theo người ta để được tiếng chứ.

Rốt cục mẹ tôi muốn gì? Thôi thì bà muốn nói gì thì nói, tôi cũng đã chịu đựng bà quen rồi. Năm nay bà đã hơn 70, thời gian còn lại có bao lâu! Miễn bà được mạnh khỏe thì có mắng chửi, gây gổ gì cũng được.

Đợi bà sửa soạn, đủng đỉnh xuống nhà, leo lên xe xong tôi mới chạy vụt tới Thái Cổ Thành.

Xe chạy đến khu phía Đông thì xe sắp thành hàng, cứ nhích lên tùng chút một. Mấy lần tôi định bảo bà sang xe taxi nhưng không dám mở miệng. Đấy là nhược điểm của tôi, từ bé đến giờ, rõ ràng, tôi chỉ cần lên tiếng là có thể được tiện lợi cho mình, nhưng tôi cứ hay chiều người, tôi cố nhẫn nhịn để được yên thân cho rồi.

Đưa mẹ đến nơi xong, tôi chợt phát hiện tuần cảnh đuổi theo chặng xe tôi lại.

Tôi giật mình:

– Chuyện gì đây?

– Thưa bà, bà phóng xe nhanh quá, xin cho coi giấy tờ!

Ôi! Càng muốn mau lại thêm chậm. Bị cảnh sát giao thông loay hoay xét hỏi mất một đổi mới được đi. Khi đến nơi đã trễ mất cả tiếng.

Gương mặt Thính Đồng nhăn nhó thật khó coi, điều ấy cũng dễ hiểu.

Tôi vội vàng ngồi xuống, khát khô cả họng, nói:

– Xin lỗi, đến trễ quá!

Thính Đồng đối với tôi như chị em nên cô ta đâu giữ lễ, cứ cằn nhằn, chì chiết, trút hết lên tôi:

– Uất Văn, chị không phải la người đi làm bên ngoài, ở đâu cũng phải theo quy củ của nó, phải biết và học tập mới được. Thời gian của mình là thời gian, còn thời gian của người ta cũng là thời gian.

– Thính Đồng, cô hãy nghe tôi nói ...

– Không cần phải nghe gì cả, có kẹt xe cũng phải gọi điện ngay chứ. Chị cứ gọi điện là kẹt xe thì có hay hơn không. Những người làm việc như chúng tôi đâu có dây dưa được!

Tôi không muốn kể lể, người rất mệt mỏi, bụng lại cứ ngầm đau.

– Muốn kể chuyện cho chị nghe, bị chị làm cho trễ nải. Thật mất hứng!

Tôi khó khăn lắm mới lên tiếng:

– Cô cứ kể đi, tôi đến tối về cũng được!

– Không, không. Chị có muốn ăn gì không! Cứ gọi thức ăn, tôi trả tiền xong phải về xưởng! Hàng vạn công việc đang chờ tôi.

Tôi muốn ngồi nghỉ một lúc, cứ để Thính Đồng về trước!

Lúc sau, hầu bàn mang ra chén miến thịt hầm. Tôi không đói, ăn vào một miếng cảm thấy mơ hồ, chẳng biết mùi vị gì.

Đại để tôi đã gặp người như vậy. Nếu như cuộc sống tôi bình thường, giản đơn, lại tiếp xúc với hạng người hẹp hòi như vậy, thảy đều muốn than thở cuộc đời khó khăn thì người ta còn muốn sống làm gì?

Mỗi khi nghĩ đến đó, lòng tôi lại rầu buồn không thôi!

Trên đường về nhà, tôi không ngừng nghỉ đến câu nói của Thính Đồng:

Thời gian của mình là thời gian, thời gian của người ta cũng là thời gian.

Thế nhưng có phải thời gian giữa người với người giàu có sang hèn, cao thấp khác nhau?

Xe chạy thẳng về khu Bão Mã.

Tôi hạ kính xe cho gió mát lùa vào, thật dễ chịu. Trong cơn gió mát, đột nhiên có nguồn gió lạnh buốt, tôi thấy đột nhiên mình muốn ói tháo ra.

Tôi hốt hoảng, nhất định là buổi trưa chạy tới lui mệt mỏi, bụng lại trống rỗng, gặp cơn gió khác thường sinh ra cảm nhiễm, biết vậy thì ăn hết tô miến chắc dễ chịu hơn là để bụng đói.

Tôi vào nhà, ụa mửa một lúc mới thấy hơi khỏe lại.

Ngả người trên giường, tôi để nguyên y phục mà ngủ. Tôi nghĩ, giá có người giúp việc thì tốt quá, nhưng chắc chắn là không chịu được mẹ tôi trách cứ.

Bái Bái tan học, nếu không gặp ngày mưa gió thì con bé sẽ đi xe buýt về, tôi khỏi đến đón. Đã đến lúc tôi phải chuẩn bị bữa ăn tối.

Giá lúc này có Bái Bái về nhà, thấy mẹ mệt mỏi, nó làm cho ly trà mang đến thì ắt tiêu hết mọi bệnh.

Tôi xoay người, nghe ngoài phòng khách có tiếng động. Thật là khéo, nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo đến. Đúng là Bái Bái đi học về.

Đột nhiên nghe con bé đóng mạnh cửa phòng, tôi lấy làm lạ, chẳng biết đứa bé ương ngạnh ấy đang làm gì?

Tôi ngồi dậy, đến cửa phòng khẽ gọi:

– Bái Bái!

Cửa không gài, tôi đẩy cửa bước vào.

– Bái Bái, chuyện gì thế?

Bái Bái ngồi thu mình ở đầu giường, nó đưa mắt nhìn tôi oán giận.

Tôi hốt hoảng, hỏi:

– Có chuyện gì đấy?

– Mẹ có phải là mẹ của con không?

– Cái gì? Bái Bái, sao con nói vậy?

– Nhà không ra nhà nữa. Con hôm qua nói muốn ăn bánh bông lan, mẹ lại quên không mua! Mẹ mấy đứa bạn con ngày nào cũng mua bánh cho chúng nó!

Tôi rất tức giận, vì chuyện bánh kẹo mà đứa con giá có thái độ vô lễ đối với mẹ như vậy. Tôi có bao giờ dám xử sự với mẹ tôi thế đâu.

Tôi mắng Bái Bái:

– Ai dạy con ăn nói vô lễ thế, muốn mẹ làm chuyện gì đâu có được to tiếng giận dỗi. Con nghĩ xem, ba mẹ có gì là không tốt với con? Con sống như là công chúa vậy, cơm đưa tới miệng, tiền đưa tận tay! Mẹ đâu có thiếu sót gì với con!

– Đương nhiên là thiếu, thiếu cả đời đấy. Ai bảo mẹ sinh con ra!

Tôi trố mắt, cứng lưỡi. Con cái bây giờ lại vậy sao?

– Mẹ đối với con tốt quá, năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác cứ đi học hoài; ở trường thì tranh đua chí chết với bạn bè, về thì bị giận dỗi.

Muốn nói chiều con như công chúa phải đưa rước con đi học, chở con đi ăn uống chứ. Cứ tùy tiện muốn nâng thì nâng, muốn đạp thì đạp.

Bái Bái gục xuống giường khóc nức nở.

Có lẽ con bé ở trường gặp trắc trở gì đó nên về nhà giáng hết cho bà mẹ!

Làm sao nói cho nó hiểu được nhân tình ấm lạnh? Mới hơn mười tuổi, đời còn dài, đâu có vội chi dạy nó những điều không hay của người. Tôi ngồi bên giường, trong nhất thời không biết nói gì.

Những uẩn khúc của con bé tuy là nhỏ, nhưng nó còn nhỏ, muốn giải thích tất phải hết sức khéo léo.

Tôi xoa đầu Bái Bái, nó gạt tay tôi sang bên.

Khóc đã đời một lúc nó cũng dần bình tĩnh lại.

Đôi mắt nó sưng lên.

Tôi định trêu Bái Bái cười và nói nó vài câu để giải hòa thì ngay lúc ấy có tiếng chuông ngoài cổng. Cẩm Xương dùng khóa mở cổng, theo sau là mẹ của anh.

– Anh vừa tan ca, thấy mẹ bách bộ trên phố, mẹ nói mấy ngày nay không thấy Bái Bái!

Tôi cười nghênh đón. Mỗi lần gặp mẹ chồng là bà buột miệng:

– Chu choa! Mợ lại béo ra rồi đấy!

Vậy là lên cân sao? Không hẳn vậy, bà biết tôi rất sợ béo song cứ khiến tôi chẳng yên tâm.

Mấy lần tôi định nói với Cẩm Xương:

– Lòng dạ mẹ anh không tốt!

Nhưng rồi thôi, tôi không muốn để Cẩm Xương nói tôi hẹp hòi.

Mỗi tuần gặp nhau một lần, mỗi lần bà nói tôi mập lên một cân, nửa cân, tính ra mấy năm nay tôi nặng biết bao nhiêu. Bà ta muốn nói là cứ nói!

Bái Bái thấy bà nội yêu quý nó xuất hiện thì nhào tới kêu lên:

– Bà nội.

– Nào, Bái Bái, có ai làm con không vừa ý à?

Bái Bái lắc đầu. Bà cụ đưa mắt nhìn thẳng tôi như thể tôi là mẹ ghẻ của Bái Bái vậy.

Cũng may chẳng có mẹ tôi ở nhà, nếu không thì khó tránh một phen ầm ĩ loạn xị ra rồi.

Hôm nay đúng là ngày không phải của tôi, tôi đã phải chịu đựng suốt mấy tiếng đồng hồ qua. Ngày mai, hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.

– Dùng cơm ở nhà hả anh?

Cẩm Xương chưa lên tiếng thì bà mẹ buột miệng:

– Chẳng có chuẩn bị thì khỏi bày biện! Để mẹ dắt Bái Bái ra ngoài ăn là xong! Ai chẳng biết làm nội trợ là khó, một ngay ba bữa ăn, mệt muốn chết đi, cũng may nhà chỉ có một người già, nếu không thì ắt chẳng xong đâu!

Bà nhắc đến nhân khẩu, chẳng biết có ý khen chê thể nào.

Tôi chợt nhớ đến bà không ở cùng con dâu chỉ vì bà mẹ mình chiếm lấy hết quyền lợi, đối với bà mà nói, lời nói chẳng thấm vào đâu.

Thấy mẹ chồng và Bái Bái vào phòng thay đồ, tôi nhìn Cẩm Xương chờ ý kiến của anh.

– Chúng ta theo họ ra ngoài dùng cơm đi!

– Chúng ta hai người cứ ở nhà dùng cơm, để cho hai bà cháu đi đi, vậy không được sao? – Tôi có ý gây lại anh.

– Cần gì phải dành lấy thể diện như vậy? Hai bà cháu đó bộ xa lạ với em sao?

Đương nhiên, tôi có thể bỏ đi về phòng, mặc họ liên kết ra đi! Nhưng rồi sẽ ra sao? Một mình mình nằm dài trong căn phòng đến tối! Lúc trở về thì cũng là chồng và con gái, cốt nhục đâu thể lìa, rồi đâu cũng vào đấy.

Thôi thì nuốt giận là xong.

Bữa ăn tối không phủ nhận là có những chuyện vui cười, thể nhưng lòng tôi vẫn có điều không vui.

Rốt cục có phải là tôi hẹp hòi? Nếu hỏi Cẩm Xương, anh ta nhất định là cho vậy.

Đứng giữa vợ và mẹ, thông thường, anh ta sẽ chọn người thứ hai, tôi không phải là đứa con hiếu thuận cho lắm.

Nhưng câu chuyện của bà mẹ chồng, hữu ý hay vô ý, thậm chí còn làm hại đến chí khí và vẻ nghiêm cẩn của tôi, và tôi rất lạ lùng sao Cẩm Xương chẳng để ý đến.

Không phải sao? Tại sao trong suốt bữa ăn bà ta cứ lôi vấn đề di dân ra mà nói, như:

– Cả nhà chị Biểu cuối tháng này sẽ di cư sang Canada. Đàn bà vậy thật chẳng đáng! Chị ta muốn chồng với con gái định cư ở Vancouver.

Tôi và Cẩm Xương không lên tiếng vì bà cụ đang hứng chí:

– Anh Cầu chỉ là viên chức quèn, đâu có tư cách di dân độc lập được. Chị Cầu buôn bán trên thương trường, nhưng đừng xem thường cửa hàng trang sức nho nhỏ đó, lợi tức cả năm chẳng phải vừa, nếu không thì sao lại té ra mấy cái nữa. Ít ra cũng năm bảy vạn đấy. Một tay chị ta lo cho cả gia đình, ai mà chẳng biết tiếng. Mẹ đây chỉ là đàn bà tầm thường, chỉ biết sinh con đẻ cái, ngày ba bữa nấu ăn, thật chẳng ra trò!

Tôi như ngồi trên bàn chông, còn bà thì vui cười tít mắt và còn gắp thức ăn cho vào chén của tôi.

Lòng uất ức nhưng không thổ lộ được.

– Chị Cầu chỉ buôn bán vậy mà lo được di dân, lo hết cho cả chồng con! Đàn bà như vậy chẳng kém gì đàn ông, đưa cả nhà ra nước ngoài lập nghiệp, ai cũng phải ham. Trong tương lai, Bái Bái cháu ta cũng phải thành một nữ hào kiệt mới được.

Bái Bái vừa gắp thức ăn, nói:

– Đừng trông mong cao quá ở con, làm cho con khó chịu lắm!

– Ái dà! Bà nội chỉ có một mình cháu, bất kể là trai hay gái gì cũng chỉ trông chờ ở cháu, nếu không thì còn trông vào ai chứ? Nội nói thực, trai gái không hề gì, hễ ra làm ăn là tốt! Cháu thấy gì Uất Chân đó chứ, lại còn có Mạnh Thính Đồng ... người ta nói giàu son thì đỏ, chỉ trừ phi con không có đầu óc.


/13

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status